headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Lời khai thị của thiền sư Lai Quả

thiensulaiqua Nghiêm Phúc dịch

Lời khai thị này là của thiền sư Lai Quả dùng khai thị cho các khóa thiền thất tu “Tham thoại đầu”. Tuy pháp tu không đồng, nhưng quá trình cũng như những gì cần thiết cho công phu tu thiền lại không khác. Chúng tôi xin trích ra đây để người tu thấy rõ đường đi nước bước không lầm. Tránh tình trạng được ít cho là nhiều, tin tức đến nhà không thấy, rồi nẩy sinh niệm nghi ngờ đối với lời dạy của Phật Tổ. 

Ngày 21 tháng 11 (Thất 6, ngày thứ nhất)

Người dụng công phu tưởng rằng công phu của mình tốt lắm, có thể nắm vững được rồi. Lúc thân ngồi xuống, tâm cảm thấy nhẹ nhàng, công phu thì thanh thanh tịnh tịnh. Trong lòng cứ cho là “Tốt lắm rồi! Công phu của ta đã nắm vững được rồi”. Nhưng theo ta thì còn khổ não lắm! Trong chiêm bao cũng còn chưa thể mộng thấy!

Đối với người có công phu để dụng thì còn có thể nói là “Được ít cho là đủ” nhưng ông phải hành đến chỗ được ít thì mới có thể nói như vậy. Chỗ ít còn chưa đến thì làm sao được gọi là đủ? Cái hành này của ông chẳng được gọi là dụng công phu, nói gì đến đủ? Vậy thì phải làm sao mới là người dụng công phu? Cần phải trong tịnh có công phu, lúc động cũng có công phu, động tịnh đều có công phu. Cái hành này phải thực hành ra sao? Nếu muốn trong lúc tịnh làm công phu cho tốt, quay đầu lại, lại làm công phu trong lúc động. Làm như thế thì ba mươi năm, năm mươi năm cũng làm không tốt. Vì sao? Vì ông lấy động tịnh chia làm hai thì làm sao làm cho tốt được? Lúc động, lúc tịnh, ở giữa động và tịnh, công phu đều phải được nắm vững mới có thể nói là động tịnh không chướng ngại ông, ông cũng không bị động tịnh làm chướng ngại. Nếu không nắm vững được chỗ này thì khi dụng công trong tịnh thì bị tịnh chuyển, khi dụng công trong động lại bị động chuyển, phải làm sao ở giữa hai cửa động tịnh mà công phu không đánh mất thì mới có thể nói, động cũng không động được ông, tịnh cũng không tịnh được ông. Dù cho là đỏ, là xanh, là nam, là nữ đều không bị nó chuyển thì mới cho ông là động tịnh nhất như.

Mặc dù có công phu như vậy vẫn còn phải khảo sát xem một ngày 24 tiếng đồng hồ còn có thể dụng công hoàn toàn được như vậy chưa? Giả sử không dụng công hoàn toàn được như vậy, xin hỏi “Có mấy tiếng đồng hồ dụng công như vậy, có mấy tiếng đồng hồ không dụng công như vậy?”. Nếu trong 24 tiếng đồng hồ có hai, ba tiếng không ở trong công phu thì ta không dám bảo đảm cho ông được liễu thoát sinh tử, cũng không nói được ông có hy vọng khai ngộ. Không những ta không dám bảo đảm mà Phật Thích Ca cũng không dám bảo đảm. Dù Phật Thích Ca đứng ngay chỗ này mà các ông có hỏi Phật “Công phu cần phải một ngày 24 tiếng đồng hồ dụng công không gián đoạn chăng? ”. Giả như Phật nói “Không cần! Một ngày chỉ  cần 10 hay 20 tiếng dụng công là được rồi. Cần có 5 hay 6 tiếng để nghỉ ngơi, nói chuyện”. Nếu đúng vậy ta muốn hỏi Phật “20 tiếng dụng công là trồng nhân gì? 5,6 tiếng nghỉ ngơi là trồng nhân gì?” thì Phật Thích Ca có thể mở miệng được sao? Cho nên, ta nói công phu cần phải dụng như vậy, Phật Thích Ca nhất định cũng nói phải dụng như vậy.

Vậy nếu trong 24 tiếng đồng hồ công phu không gián đoạn, cái công phu ấy có thể gọi là đến nhà được chưa? Chưa được đâu, còn sớm lắm! Mười phần công phu mới được một phần. Ta nói như thế các ông lại nghĩ công phu dụng đến chỗ này rồi mà còn nói chỉ có một phần, việc trong thiền tông thực khó quá! Đúng thế! Bởi vì ông không có tri thức dụng công cho nên nói khó, nếu là người có ít tri thức đương nhiên không nói khó, mà  biết cần phải dụng công như thế. Vì sao cần phải dụng công như thế? Vì sao nói mười phần chỉ có một? Bởi vì suốt 24 tiếng đồng hồ, dù cho công phu của ông thật đắc lực, nhưng hễ có bệnh thì hỏng việc. Các ông nghĩ xem! Lúc có bệnh có dụng được công phu không? Công phu còn được đắc lực không? Bệnh thì chúng ta ai cũng bị qua rồi, đang lúc bệnh thì có dụng công không? Sợ ngay cả cái bóng còn không có. Chúng ta nghiên cứu thử xem, trong khi bệnh có cần dụng công không? Nếu nói khi bệnh không cần dụng công, các ông nói thì được, chứ ta thì không dám. Theo ta, các ông muốn dụng công phu lúc bệnh mà công phu dụng đó cần phải đắc lực hơn ngày thường chút ít mới được. Tại sao cần phải đắc lực hơn? Đau nhức không biết đau nhức, khổ không biết khổ, chết cũng không biết, công phu rõ ràng minh bạch, dù cho trời có nóng hay lạnh, ta một tí cũng không biết đến, chỉ biết sao công phu phải tốt hơn ngày thường, công phu ngày thường tuy tốt nhưng không có thống khổ thì công phu không được đắc lực như thế. Vậy thì có thể nói: Động không đến được ông, tịnh cũng không đến được ông, bệnh nặng cũng không đến được ông, mới gọi là tốt.

Song công phu này đến chỗ cực điểm chưa? Cũng còn chưa đâu, chỉ mới hai phần thôi. Nói như thế thì ra làm sao? Thật làm cho người ta không biết đâu mà rờ, khó thay! Ta muốn nói cho các ông biết, muốn các ông thấy được đến nơi đến chốn cho đúng : Dù cho động tịnh nhất như, dù bệnh không động được đến ông, nhưng ông còn ngủ hay không? Ngủ quên rồi lúc nằm chiêm bao, công phu như thế nào? Các ông suy nghĩ xem, công phu có được đắc lực chăng? Không phải nói để làm khó các ông! Chiêm bao mọi người đều có trải qua, nếu khi ngủ quên mà nằm chiêm bao thì không còn dụng công.

 Ta cho các ông biết, người xưa có nói “Nghiệp thức mang mang, vô bản khả cứ ”, hai câu này là thế nào? Cứ theo lời nói đó thì lúc chiêm bao nhất định cần phải dụng công. Nếu được trong khi ngủ quên không biết có sự ngủ thì làm sao nằm chiêm bao được? Chiêm bao cũng là câu thoại đầu, không kể ngủ hay không ngủ, tất cả đều không rời công phu mới cho là nắm rõ được phần nào, nhưng không kể là hoàn toàn. Vì sao? Người xưa nói “Lúc tịnh công phu được mười phần thì lúc động chỉ còn một phần, lúc động công phu được mười phần thì lúc ngủ quên chiêm bao chỉ còn một phần, lúc chiêm bao có được mười phần thì lúc đủ thứ khổ tụ lại sinh tử đến ngay trước mắt thì lại chỉ còn một phần”. Đấy chẳng phải là lời ta nói ra. Công phu cần phải dụng đến chỗ lâm nguy cuối cùng, có nắm được mười phần, liễu sinh thoát tử mới có phần của ông. Công phu dụng lúc sống, sau khi chết chưa chắc đã dụng được. Cho nên, lúc sống phải tích cực dụng công phu. Công phu dụng trong lúc sống phải thẳng qua sau khi chết. Ta nói như thế các ông cảm thấy sự việc trong thiền tông thực khó, khó đến muốn lắc đầu, chắc thực hành không được, thực là  quá  khó! Nhưng không phải vậy, các ông thấy thăm thẳm như thế nhưng chúng ta chỉ cần một câu thoại đầu là xong. Câu thoại đầu ra sao mà có lực lượng to lớn như thế ?

Cứ  thử một chút sẽ thấy : Đề lên câu thoại đầu thì nghi tình còn. Buông câu thoại đầu xuống thì nghi tình mất. Các ông làm như vầy thử xem : Đề câu thoại đầu lên đừng buông nó. Ngay lúc ấy, các ông nghiên cứu xem xét xem, động còn chướng ngại được nó không, tịnh còn chướng ngại được nó không? Không kể là có bệnh, là nằm chiêm bao còn có phần của nó không. Lúc đủ thứ khổ tụ lại thì sợ cái gì, chỉ cần một câu thoại đầu thì đưa ông đến được nhà. Ấy tức là “Nhất siêu trực nhập”. Mặc dù dễ như thế, trực tiếp như thế, rốt cuộc muốn các ông làm đến nơi : Đề khởi lên có nghi tình, buông xuống cũng có nghi tình. Công phu dụng đến chỗ này mới đúng. Hãy tham đi!

Ghi chú :

                Với pháp tham thoại đầu thì chỉ biết một câu thoại đầu.
                Với pháp Biết vọng thì chỉ biết một việc biết vọng.
                Với pháp Biết có chân tâm thì chỉ biết một việc có chân tâm.
                Với pháp niệm Phật thì trong tâm chỉ có một danh hiệu Phật.

                Nếu miên mật được như thế thì đường đi có khác mà tin tức đến nhà thì không khác. 

 


 

[ Quay lại ]