headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 04/05/2024 - Ngày 26 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Vì giáo dục tiêu tiền không hối tiếc

giaoducNgài Tinh Vân - Hạnh Đoan dịch 

Năm 1956 tôi từ bỏ cơ hội nhập học lớp tiến sĩ bên đại học Đại Chánh, lợi nhuận kiếm ra từ cây bút được tôi tiết kiệm tích góp đầu tư vào giúp đỡ thanh niên thiết lập nhà phục vụ văn hóa. Tôi vận động tín đồ mua sách Phật, học pháp. Sau đó tôi còn lo Từ Trang, Từ Huệ, Từ Dung, Từ Gia, Từ Hi v.v… sang Nhật du học. Năm ấy chính là lúc kinh tế cực kỳ quẫn bách, vì vậy mà nhiều người cười chê tôi là một kẻ không thức thời, không biết việc, có bộ óc ngốc nghếch. Thế nhưng tôi không cần phải biện minh vì thành quả thu được đã vượt xa mong ước, lúc các tu sĩ du học thành tài quay về nước, họ đã đem sở học cống hiến cho Phật môn hết sức mỹ mãn.

Mấy năm nay tôi không ngừng tài trợ cho các thanh niên học hành tu tập, đưa họ ra nước ngoài du học. Hiện nay họ đều là những thành phần trung kiên nơi Phật Quang Sơn. Điều này chứng minh rằng: Có tiền chưa gọi là có, biết xài mới gọi là có.

Tính ra bình quân một gia đình thông thường nuôi từ ba đến năm con, nội công sức bỏ ra dưỡng dục chúng cũng vất vả lắm. Phần tôi, không kể số đệ tử tại gia, thì môn đồ xuất gia tu học với tôi không dưới số ngàn. Tôi đã lập ra 16 cơ sở Phật học viện cung ứng việc học cho họ, lo việc giảng dạy và bảo bọc họ. Nhất là chi phí phải lo cho số đồ chúng du học tại Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Đại Hàn v.v… quả là vấn đề không nhỏ.

Tốn kém là vậy, song tôi muốn chúng đệ tử, được mở rộng kiến thức, nên mới khuyến khích họ ra du học. Dù phải lo sở phí đến đau đầu, song tôi chưa từng than vì cùng khốn, cũng không cho đây là khó khăn. Bởi tôi nghĩ không gieo trồng thì không thể thu hoạch. Nếu có tiền mà không biết xài, cho dù tôi có tích chứa hằng đống cũng không phải là tài bảo hay gia sản mình. Tiền, biết xài mới là của mình. Hơn nữa, nếu xài vào việc đào tạo nhân tài thì tôi không tiếc. Thế nhưng, muốn xả thí và chu cấp tiền bạc cho người, khó nhất là xử sự công bình thích đáng. Những môn sinh ban sơ theo tôi xuất gia hoàn cảnh họ nghèo, giàu có đủ. Vì những khác biệt đó nên nhu cầu cần tiền của họ cũng không giống nhau. Do vậy tôi quyết định đặt tiền ở một nơi mà họ có thể tùy ý lấy chi dụng, tôi để họ tự giác, tự lượng. Tôi nghĩ làm vậy mới là bình đẳng chân chính.

Nhớ lại năm 1953, khi ra ngoài thuyết giảng ở quảng trường lộ thiên, muốn treo một bóng đèn điện phải tốn 12$, mời một người đánh chiên tuyên truyền tốn 25$, cộng thêm những phí giao thông, linh tinh khác… thì đối với nguồn tài nguyên hữu hạn của tôi mà nói, quả là hết sức khó khăn. Thế nhưng, do ý thức việc hoằng pháp lợi sanh rất là quan trọng nên tôi không ngại thắt lưng buộc bụng, tiện tặn tối đa. Tôi chấp nhận sống cảnh bữa đói bữa no để có thể đi khắp nơi hoằng pháp.

Song song với việc đi bố giáo khắp nơi, tôi còn bỏ tiền ra quảng bá trên đài truyền hình, mua giờ trên đài truyền hình để phát tiết mục Phật giáo, mong pháp âm đến với quần chúng khắp nơi. Mười năm như một ngày, đến nay Phật pháp đã được truyền bá khắp Đài Loan, há chẳng phải hồi đó tôi ra công gieo hạt bồ đề, giờ đã thu được kết quả rồi sao? Tôi chẳng sợ tiêu tiền, bởi vì tiền, biết xài mới là hay !

Trong lúc biên tập tạp chí Nhân Sinh, thuận theo nhu cầu độc giả, tôi đề nghị báo tăng từ 20 trang lên 28 trang. Bên phát hành đề nghị tôi nộp phí cho 8 trang thêm đó. Tôi không có tiền nhưng cũng ráng è cổ đáp ứng, thế là từ đó mỗi ngày lại phải nhín ăn nhịn xài.

Xài tiền là chuyện nhỏ, mọi việc ở tòa soạn tôi đều phải cáng đáng tất. Do vậy mà tôi bận rộn không hở tay, bù đầu với việc biên tập, hiệu đính văn… thế là ngày ngày phải chong đèn đến khuya, khuya lắc khuya lơ mà vẫn còn phải vắt óc lo tính, miệt mài sửa bản thảo, tuyển văn viết bài. Mà báo có tăng trang, tăng thêm kích cỡ thì cũng chỉ mình tôi làm. Thích Ca Mâu Ni Phật Truyện, Ngọc Lâm Quốc Sư đều là những tác phẩm tôi viết trong thời điểm này. Thời gian lâu dần cũng mài luyện cho tôi xử lý nhuần nhuyễn và đảm việc giỏi giang.

Phật giáo giảng bố thí, thấy như là mình cho người, nhưng thực sự chính là cho mình. Nếu như buổi đầu tôi bỏn sẻn trong việc xuất tiền…thì làm sao đào luyện được khả năng làm việc nhạy bén, óc phán đoán lanh lẹ và trí tuệ mẫn tiệp? Bây giờ nghĩ lại thì đúng là: Tiền, khéo xài mới là của mình!

Không tham lam tích chứa, hóa thành tài sản trí tuệ.

Tôi có thói quen hễ cầm bút là viết hăng say, miệt mài. Mỗi lần được nhuận bút, tôi đều xuất ra mua hoặc đặt làm hàng trăm hàng ngàn món quà lưu niệm nhỏ để biếu tặng tín đồ. Tuyệt chẳng phải tôi muốn xã giao màu mè, làm ra vẻ mình thi ân. Điểm chính là tôi muốn rộng kết thiện duyên. Sau này những người được tôi tặng quà khích lệ, đều hăng hái đến học Phật pháp, xem như tôi xuất chút quà nhỏ mà thu được lợi lớn. Giúp người mở mang trí tuệ, giúp người huân hạt giống Phật, giúp họ phát đạo tâm, tiếp nhận sự gia bị của Phật, hồi đầu quy y Tam bảo và trở thành đệ tử thuần thành của Phật giáo. Kết quả là sau này, khắp Đài Loan, chỗ nào cũng có bán quà lưu niệm Phật giáo, những việc này tôi đều tiên liệu trước và đã làm trước kịp thời. Qua đây đủ thấy: Tiền, biết xài mới là của mình! Biết xài mới tạo ích dụng lớn!

Tôi không những biên tập tạp chí mà còn xuất hầu bao mua các sách báo Phật giáo như nguyệt san Bồ Đề Thọ, tạp chí Nhân Sinh, tuần san Giác Thế v.v… cho tín đồ đọc, nhà xuất bản kinh sách Đài Loan và hiệu sách Đoan Thành là nơi tôi thường kết duyên tặng biếu cho người. Tôi muốn mọi người đọc nhiều, xem nhiều, dễ bề động não tư duy và thâm nhập đạo rồi trở thành Phật tử thuần thành chánh tín của Phật giáo, cùng góp sức tịnh hóa thế gian này thành thuần khiết sạch trong.

Quả nhiên những thanh niên được tôi biếu quà hồi đó, ngày nay đều trở thành những giảng sư có tiếng tăm trong giới Phật giáo, phát huy hết sức mạnh và tài năng. Tôi cảm nhận sâu sắc: Chút tiền tôi bỏ ra đã giúp cây Phật giáo trổ hoa kết trái xum xuê. Như vậy, xài tiền không hẳn là mua thứ gì đó mình cần, mà cách xài tốt nhất là mua được trí tuệ, phụng hiến cho đại chúng.

Nhớ lại hồi hai mươi tuổi, phụ thân Diệp Bằng Thắng làm nghề buôn hài tăng, ông bán một đôi ba mươi đồng. Nhưng tôi lại trả cho ông bốn mươi đồng. Tôi thường qua lại giữa Cao Hùng với Đài Bắc, trên đường phải dừng lại ăn trưa. Nơi tiệm chay Dương Xuân bé nhỏ bên lề, một tô mì giá một đồng rưỡi, tôi đưa luôn cho họ tờ năm đồng. Người ta đều lấy làm lạ lùng, song tôi lại thấy bình thường. Bời vì hồi đó những người sinh sống bằng các nghề liên quan Phật giáo không nhiều. Bản thân tôi là tu sĩ (Phật tử), tôi chỉ muốn đem hết sức lực cạn hẹp của mình ra trợ giúp, những mong có thể xẻ đá lấy ngọc. Tôi làm vậy vì muốn khích lệ, cổ vũ những người sống bằng nghề bán đồ chay hoặc bán các đồ vật liên quan đến Phật giáo, giúp họ hăng hái duy trì thiện nghiệp. Mong họ có thể nương theo Phật giáo , nhân đây mà giữ nghề bền, tăng huệ, tăng phúc. Ý tôi cũng muốn tạo cơ hội thuận tiện cho người mua sắm các Phật cụ lẫn thực phẩm chay, tạo phương tiện khuyến khích người ta ăn chay. Há chẳng phải tôi đầu tư một mà được hai hay sao?

Tôi hay đi Hương Hải, thường thì tài xế tuyến đường hay từ chối, không muốn chở người xuất gia. Mỗi lần đi tôi đều trả tiền cho họ gấp đôi, chỉ mong có thể cải thiện phong khí. Về sau tôi mở rộng ý niệm này, áp dụng luôn với người bán đồ mỹ nghệ, thủ công. Chẳng hạn như, khi tôi đến Bành Hồ bố giáo, tôi hay mua một lô tượng đá do cư dân ở đây làm. Thâm tâm chỉ nghĩ là mua ủng hộ giúp họ thôi. Nhưng khi về, lại không biết làm sao xử lý hết cho ổn. Khi tôi đến biên giới Thái Bắc hoằng pháp, tôi tần ngần đứng bên sạp hàng của một bà cụ già thật lâu, nhìn tới nhìn lui thấy chẳng có thứ gì mình ưa thích để mua, cuối cùng đành biếu bà 100 đồng Thái. Mọi người ở chợ đều nhìn tôi bằng con mắt lạ lùng. Thật ra tôi chỉ thực hiện tâm nguyện bố thí chút đỉnh của mình thôi.

Khi dẫn phái đoàn ra nước ngoài tham quan các danh lam thắng cảnh, bao giờ tôi cũng là người tiên phong mua sắm. Tất nhiên là cả đoàn rùng rùng bắt chước mua sắm theo đoàn trưởng. Thật sự tối vốn chủ trương tiết kiệm, đâu cần chi mấy thứ đồ lưu niệm này. Song tôi nghĩ: Những tín đồ đi theo, nếu thấy tôi mua, ắt họ sẽ bắt chước mua theo. Để họ kết chút duyên cùng các tiểu thương nơi đây cũng là việc tốt. Thậm chí khi tôi tổ chức dẫn đoàn hoằng pháp về thăm quê hương Đại Lục, chứng kiến cảnh đồ chúng trả treo ngả giá với người bán, tôi đã nghiêm nghị khiển trách. Tôi thừa biết những thứ đồ chay ấy tuy họ bán giá có hơi cao, nhưng đời sống họ nghèo khổ như thế, nỡ lòng nào mà trả giá cho đành.

Tôi có thói quen không hay mua sắm nhưng lúc mua thì không hề trông mong mua được món hời vì tôi luôn sợ thương nhân không có lời. Tôi nghĩ: Vì bản nguyện hoan hỷ kết duyên nên tôi mới bỏ tiền mua sắm, chỉ mong giúp thương nhân cải thiện kinh tế và nâng cao tay nghề, mong họ làm sản phẩm tốt thêm.Tiền nếu để mua sắm cho mình, chi bằng dùng vào việc mua sắm phú quý chung cho mọi người. Vì: Tiền biết xài mới là của mình! Khéo dùng là do mình. Dùng thế nào để mình và người trong xã hội ai nấy đều được lợi ích mới là có trí.

Năm 1963, tôi sáng lập Phât học viện Thọ Sơn, do cung ứng nơi ở ăn ở miễn phí cho học sinh nên tôi bắt buộc phải giảm ăn bớt mặc để có tiền lo liệu, nhất là phí giáo dục phải trả quá lớn mà tôi lại không chuyên làm đám. Thế nhưng lúc đó tôi đã tự nguyện đến Ngạch Nghi Quán tụng kinh, hộ niệm cầu siêu giúp tang gia, còn bôn ba đi các nơi lo liệu tiền lương cho giáo viên.
Ngoài ra hễ có được phong bì nào, tôi đều dùng hết vào việc mua sắm thiết bị thuyết pháp. Tôi cứ mua sắm lần lần, từ bàn ghế sách học đèn đuốc v.v… sắm từng thứ, từng chút một. Cứ thế mà tích lũy dần, cứ thế mà lớp học từng gian từng gian được xây lên, cũng nhờ vậy mà kiến lập được nhiều ngôi Đồ Thư Quán.

Tôi không hề cho đây là một kiểu lo toan tủn mủn. Trước sau tôi chỉ có một ý: Mua sắm, chi tiêu, tất cả là vì mọi người, chứ không phải vì cá nhân.

Tiền, khéo dùng mới là của mình. Nghĩ lại từ trước tới giờ tôi hoàn toàn làm theo phương châm: Dĩ chúng vi ngã! (Lấy chúng làm ta).

Hai mươi mấy năm xưa, khi hội Từ Tế Công Đức thành lập thì tôi cũng đang khai sơn ở Phật Quang Sơn, song tôi cũng bỏ ra hai mươi vạn để trợ giúp. Trong thời điểm này, nghe nói ở Đài Trung, có một thanh niên nghèo đã tốt nghiệp thạc sĩ muốn đến trường Phật học Nhật Bản lấy bằng tiến sĩ, song vì kinh tế túng bấn nên không thực hiện được chí nguyện, tôi lập tức đi đến chỗ anh ta biếu tặng mười vạn, thậm chí nhiều lần tài trợ các thanh niên xuất ngoại du học, giúp họ mở mang học vấn và kiến thức. Những hỗ trợ về văn hóa, giáo dục, từ thiện như thế quả tình không kể hết được.

Giờ đây hội Từ Tế Công Đức Phùng Lặc phát triển, tận mắt nhìn các học giả thanh niên trong đạo lẫn các ngành học thuật khác cùng góp sức giúp Phật giáo phát triển, lòng tôi hoan hỷ vô cùng. Nếu ta có mà không tham lam, không ham tích chứa và biết xài cho hữu ích thì sẽ hưởng được cái thú biết xài, biết tiêu tiền đúng chỗ đúng nơi. Có tiền, biết xài mới là hay!

 

[ Quay lại ]