Khóa trình cần phải tu
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 29 Tháng một 2012 14:07
Chân Hiền Tâm
Tinh Vân Thiền Thoại ghi :[1] Học tăng Nguyên Trì tham học trong pháp hội của thiền sư Vô Đức. Tuy dụng công siêng năng nhưng rốt cuộc đối với thiền pháp không cách gì thể nhập. Một lần trong giờ tham vấn, Nguyên Trì bạch thầy “Đệ tử vào tùng lâm đã nhiều năm nhưng vẫn mờ mịt không biết gì. Ngày qua ngày luống thọ sự cúng dường của tín thí mà không ngộ. Xin thầy từ bi chỉ dạy, mỗi ngày ngoài việc tu trì ra, còn khóa nào cần tu thêm không?”. Thiền sư Vô Đức đáp “Tốt nhất là hãy trông coi hai con kên kên, hai con nai, hai con nhạn và cột một con trùng trong miệng, đồng thời chiến đấu với một con gấu và chăm sóc một bệnh nhân. Nếu làm được như thế và tận tâm với nhiệm vụ của mình, ta tin đó là sự trợ giúp tốt nhất cho ông”.
Nguyên Trì là một tăng nhân trong pháp hội của thiền sư Vô Đức. Tuy nhiệt tình tu hành nhưng tăng không làm sao thể nhập được thiền pháp. Thiền pháp là chỉ cho những chiêu mà các thiền sư đưa ra để dạy môn đồ trực nhập bổn tánh của mình. Đại khái như ngày nay mình đang lang thang trong thiền viện, bỗng thấy thầy Trụ trì hỏi một tăng nhân “Ông có phải là chủ núi Hương Sơn chăng?” Tăng nhân trả lời “Muối, trà, dầu tùy ý mua chút ít v.v...”. Nghe vậy mà mình cứ ngớ người ra không biết hai vị đó có đau thần kinh không, là mình đang ở trong tâm trạng của tăng Nguyên Trì đây. Sống trong chúng đã lâu mà như trên trời rơi xuống như thế, thì rõ ràng việc tu học của mình có vấn đề. Tăng Nguyên Trì cũng vậy. Xét lại bản thân, Nguyên Trì thấy mình rất tinh tấn. Tụng kinh, sám hối, ngồi thiền … nhưng vì sao mọi thứ không như ý? Vì tu chưa đủ. Vì thế, tăng đã thỉnh nguyện thiền sư Vô Đức chỉ dạy. Kên kên, nhạn, nai, trùng, gấu và bệnh nhân, thiền sư Vô Đức giải thích là chân, tay, mắt, lưỡi, ý và thân bệnh của mình. Ta nói kên kên, là ông phải thường cảnh giác 2 con mắt của mình, phi lễ chớ nhìn. Hai con nai là cần phải giữ gìn hai chân mình, đừng để nó chạy theo hướng tội ác, phi lễ chớ hành. Hai con nhạn, là hai tay ông phải thường làm công tác, tận tình trong trách nhiệm của mình, phi lễ chớ động. Một con trùng là cái lưỡi của ông, phải cột chặt lại, phi lễ chớ nói. Một con gấu chính là tâm ông, ông phải khắc chế cá nhân riêng tư của mình, phi lễ chớ tưởng. Người bệnh là chỉ cho thân ông, hy vọng ông đừng để nó phạm tội ác. Ta mong rằng trên đường tu đạo, những khóa trình cần phải tu đó không thể thiếu. Mình tụng kinh giỏi, ngồi thiền lâu mà không ngộ được cái gì cho ra hồn, vì mình không quản thúc kỹ những con vật mình đang sở hữu. Không phải chỉ có tăng nhân mới thực hiện các điều dạy đây. Ngay cả cư sĩ ngoài đời, tu chỉ để hết khổ thì không nói, nhưng nếu muốn thể hội được thiền pháp, ngộ ra được bản tánh của mình đều phải quản kỹ những con vật mà thiền sư Vô Đức đã chỉ dạy. Ta nói kên kên, là ông phải thường cảnh giác 2 con mắt của mình, phi lễ chớ nhìn. Mắt là mắt của mình, vạn vật cũng bày hiện tự do quanh mình, nhưng không phải thứ gì cũng có quyền nhìn và có thể nhìn được. Ngay ở ngoài đời đây, nếu những thứ không cho phép nhìn mà nhìn thì pháp luật không cho, cĩ khi cịn phải tốn tiền bồi thường, đừng nói là người tu. Vì thế PHI LỄ CHỚ NHÌN. Phi lễ là chỉ cho những gì trái lễ nghĩa, những gì vượt mức cho phép. Người ta tắm trong phòng tắm, mình khoét một lỗ nhìn cho thấu, phi lễ đã đành, mà người ta mặc bikini đi vòng vòng trên bãi biển, mình chong mắt ra nhìn cũng thuộc phi lễ. Tăng nhân ngang qua hồ sen ngửi chút hương thơm còn bị quở, huống là những thứ có hình có tướng mỹ miều? Với thiền, thứ gì có sự chăm chú chiếu soi hướng ngoại, đều là phi lễ. PHI LỄ thì CHỚ NHÌN. Thật ra, thiền không cắm nhìn thứ gì hết. Có thể nhìn mọi thứ với điều kiện không được trụ chết ở thứ nào. Nhưng tật của mình là nhìn thứ gì vừa ý rồi, mất hồn luôn vào thứ đó. Không thì bươi bươi móc móc như con kên kên dõi mắt tìm xác chết. Đụng đâu cũng chiếu cũng soi. Vì thế, thiền sư Vô Đức dạy tăng Nguyên Trì PHI LỄ CHỚ NHÌN. Khỏi nhìn luôn cho chắc. Tâm không động, cũng chẳng ai muốn nhìn những thứ như thế. Hai con nai là cần phải giữ gìn hai chân mình, đừng để nó chạy theo tội ác, phi lễ chớ hành. Đang trong lúc tu hành mà đâu cũng thích bương chãi, rất là khó tu. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều, thân động, tâm động … Khó mà bảo quản thằng ý thức của mình. Cái thích đi nhiều đó cũng nói lên cái động của mình. Động mới không chịu yên. Quản cho được cái đi đó chính là tu. Còn muốn đi là đứng dậy đi thì đi sẽ thành nghiệp (thói quen). Thành nghiệp rồi thì nó sẽ có lực dẫn mình đi nữa. Đi mãi ... Quên mất đường về. Trong giai đoạn đang tu hành như mình, là giai đoạn phải dừng bớt cái động để thể nhập cái tịnh, thì tịnh thân tịnh tâm là điều cần thiết. Được cái tịnh đó rồi, mới có thể thể nhập được THỂ TÁNH “không động cũng không tịnh” của mình. Nhà thiền gọi đó là kiến tánh. Được cái không động không tịnh đó xong, tùy duyên mà có động hay tịnh. Vì thế đi không phải là lỗi. Nhưng đang trong giai đoạn tu hành điều thân điều tâm mà đi nhiều thì lỗi. Đi nhiều khó mà điều thân điều tâm. Muốn ngộ được thiền pháp mà thân tâm không định làm sao ngộ được? Trăng muốn hiện thì nước phải yên, nước chao mặt thì trăng không thể hiện. Vì thế muốn ngộ được thiền pháp thì phải giữ cặp giò cho chặt. Đi đâu cũng phải đi trong chánh niệm. Đi được trong chánh niệm thì muốn đi đâu đó đi. Nghĩa là, thiền hành quán tâm thì tốt, nhưng xách xe chạy vòng vòng coi thiên hạ buôn bán ra sao, thành phố có gì thay đổi thì Phật cũng chạy. PHI LỄ CHỚ ĐI là vậy. Hai con nhạn, là hai tay ông phải thường làm công tác, tận tình trong trách nhiệm của mình, phi lễ chớ động. Hai cái chân không nên đi nhưng hai cái tay phải làm. Vì sao? Vì “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Tập nghiệp của mình dày lắm. Lao động công tác là thứ giúp mình thải bớt những năng lực “trời cho” của mình. Chưa phải là hàng quốc sách mà chỉ có ăn với ngủ thì đại nạn sẽ xảy ra. Thành làm gì làm, đừng nên làm biếng. Đừng ương ương dỡ dỡ như người không hồn. Làm biếng người ta nhìn vô cười đã đành mà mình cũng không thể tu hành lâu dài được. Năng lực trời cho đó mà không giải tỏa bớt qua phần học tập hay lao động thì nó sẽ khiến mình sải bước đi rong. Cho nên, đợi nhập thất rồi hãy làm biếng. Đó là lúc mình có quyền làm biếng cái tay để tập trung phát huy cái BIẾT. Còn bình thường thì phải học, phải làm việc. Mọi thứ đều phải thực hành trong chánh niệm. Làm trong chánh niệm là làm thứ gì chỉ biết thứ đó thôi. Cố gắng chăm chú vào việc mình đang làm. Đã không làm thì thôi, đã làm thì phải làm cho tới nơi tới chốn, cho hết lòng. Khi làm cũng không nên phân tâm thành hai ba việc một lúc. Tâm sẽ chẳng có ĐỊNH LỰC khi tay thì làm, miệng thì nói, mắt lại nhìn đâu đâu, chỉ chuyên chú vào nơi không dính gì đến việc mình đang làm. Làm việc như vậy, chẳng bao giờ có cơ hội đập bể được thùng sơn. Tay là để làm việc, chân là để tréo lại ngồi thiền. Không phải có chân để đi bát phố nhìn thiên hạ rồi thấy gì cũng bốc cũng lũm. Thứ không phải của mình cũng lấy. Đụng đâu cũng lục cũng soạn. Đó gọi là táy máy tay chân. Chẳng qua vì tâm động. Nên nói PHI LỄ CHỚ ĐỘNG. Động là chỉ cho sự táy máy. Một con trùng là cái lưỡi của ông, phải cột chặt lại, phi lễ chớ nói. Nói, không phải lỗi. Nói nếu là lỗi thì Phật Tổ và chư thiện tri thức đều im. Song các vị vẫn nói. Vậy thì biết, nói không phải là lỗi. Lỗi là do mình nói không đúng lúc, đúng thời. Nói khiến người ta đau lòng, nói cho người ta gây nhau, nói để hạ cơn giận của mình, phi lễ đã đành, mà lúc đang tập trung tu hành, cần giữ mồm giữ miệng cho mốc như chiếc quạt mùa đông cũng nói, đều thuộc phi lễ. Một ngày không làm, một ngày không ăn coi vậy mà dễ hơn một ngày không nói. Không nói ra miệng thì cũng thầm thầm thì thì trong đầu. Thành đủ duyên một cái là trào ra như suối. Người ta không nghe, mình cũng nói. Nói đến nổi người ta ngủ rồi, mình cũng nói. Nói kiểu đó thì khó mà trực nhập được thiền pháp. Cái nói này liên quan mật thiết đến con gấu của mình. Một con gấu chính là tâm ông, ông phải khắc chế ngự cá nhân tiêng tư của mình, phi lễ chớ tưởng. Dòng vọng tưởng tương tục của mình chưa ngắt quãng, nên mình không thể làm chủ lấy cái nói của mình. Mình cứ tưởng mình làm chủ lấy cái nói, lấy tư tưởng của mình, nhưng thật ra dòng tương tục suy nghĩ đó đang dẫn mình chạy, làm cái biết của mình bị lu mờ. Biết đã lu thì chủ cũng chẳng còn. Nên một khi có cơ xuất ngôn là khỏi ngừng, tranh nhau mà nói, nói không kịp thở. TÂM mà thiền sư Vô Đức nói đây là chỉ chung cho những gì khởi lên trong tâm mình. Với thiền, mọi hình ảnh suy nghĩ của 3 thời đều thuộc phi lễ. Thứ gì có tính cách riêng tư, cá nhân, tức thuộc về cái tôi và những cái của tôi thì phải coi chừng. Giường tôi, áo tôi, công việc của tôi, ý kiến của tôi v.v… Một khi mình còn coi trọng những thứ đó thì thế nào cũng có đụng chạm thị phi. Không vừa lòng là đầu mối của mọi sinh sự. Phải làm sao vượt qua những thứ không vừa lòng này. Đó chính là tu, là đang phá đi cái tôi của mình. Trong công việc và ngủ nghỉ, cố gắng sống với những gì hiện thực trước mắt. Đang tụng kinh thì chỉ một việc tụng kinh thôi, đừng có tay thì gõ mõ, miệng thì tụng kinh mà đầu thì đang tưởng đến chuyện khác. Dù chuyện khác đó có là chuyện tu hành cao cả đến đâu thì cái cao cả tu hành ấy cũng lỗi. Vì mình làm việc không có chánh niệm. Làm việc mà tâm chỉa ba như thế thì không cách gì định được tâm. Vì thế nhiều khi thấy hình thức rất chăm chỉ nhưng những thứ cần quản, mình không quản cho đúng, thành ngày tháng cứ trôi qua mà việc sáng tâm thì không thấy. Quản tâm rồi bây giờ đến quản thân. Người bệnh là chỉ cho thân ông, hy vọng ông không để nó vướng vào tội ác. Gọi là thân bệnh vì nó vẫn còn bị sai sử bởi 3 thứ tham - sân - si. Còn bị những thứ đó dẫn dắt thì mình rất dễ thuận theo những thứ đó. Cái điển hình gần nhất là làm biếng. Đến giờ ngồi thiền sao thấy cái thân nó mỏi thành không ngồi. Thiền sư nằm thiền không sao nhưng mình nằm một chặp là nhập định. Nhập định rồi gặp cảnh giới lạ, thấy đi chỗ này, chỗ kia, cười nói lung tung, gặp bà con họ hàng đủ thứ. Đến khi người bạn bên cạnh đập một phát vào mông, mình mới thức giấc. Bạn có tin làm biếng là tội ác không? Làm biếng có khi là tội ác. Nói có khi vì hai chữ làm biếng thường chỉ cho thói xấu. Nhưng có khi làm biếng mà không xấu. Vì xấu hay tốt là tùy duyên. Một lần ăn chè xong, làm biếng nên tôi quăn chén đó không rửa. Qua một đêm kiến đầy nhóc. Con thì chết, con vỗ hoài không đi. Song thời gian thì có hạn, vỗ một chặp không xong đâm bực, thế là có con phải dẹp dưới bàn tay nhanh nhẩu của mình. Hàng vạn sinh linh tử nạn chỉ vì một tật làm biếng. Rõ ràng những loại làm biếng như thế dễ gây cái nhân tội lỗi. Đó là trong công việc hằng ngày, việc tu học cũng vậy. Một thời gian dài, cứ tréo chân lên ngồi thiền là tôi đau đầu. Đau ghê gớm. Đau đến nổi thấy tọa cụ bồ đoàn là nổi gai óc. Sợ, thành bắt đầu làm biếng. Thay vì ngồi, thả chân đánh một giấc cho khoẻ. Giấc 4 giờ đó, không ngủ thì thôi, ngủ được là nhập định liền. Nhập định rồi có cảnh giới lạ. Lần này, thấy mình lang thang vào một bệnh viện, dưới chân la lết người bệnh. Rồi thấy mình chen chân qua những bệnh nhân trong tâm trạng rất bình yên. Bổng thấy mình rùn mình. Khi sự sợ hãi xuất hiện, liền thấy máu nơi người bệnh tuôn ra, bắn tung toé vào người mình. Giật mình, hoảng hốt, tôi tréo chân trở lại bồ đoàn. Cơn đau rồi cũng qua đi. Mọi thứ bình yên như cũ. Đó chỉ là giấc mơ. Song nó nhắc mình nhớ mối quan hệ nhân duyên giữa con người với con người. Mình cứ tưởng những gì là mình thì không can hệ gì đến người chung quanh. Việc mình làm chỉ là của riêng mình, không can hệ gì đến người khác. Nhưng thực ra mọi thứ đều có quan hệ mật thiết với nhau. Việc mình làm luôn ảnh hưởng đến người chung quanh. Ảnh hưởng đó sẽ tác động ngược trở lại mình. Song với con mắt thường của mình đây, mình không thấy thủng được điều đó. Thiếu trí tuệ, hành xử của mình dễ mang lại đau khổ cho mình và người. Nói chính xác là cho người có nhân duyên với mình. Nhưng không phải chừng đó rồi thôi. Vì sao? Vì một khi mình đã gây nhân thì đủ duyên mình sẽ gặt cái quả của cái nhân đã gieo đó. Mình gây ra và mình phải nhận lại. Mình khiến người đau khổ thì mình sẽ phải gặt cái quả đau khổ đó. Vì thế, phải làm sao để trí tuệ của mình phát triển. Muốn trí tuệ phát triển thì phải chịu khó học hỏi và tọa thiền, không được làm biếng. Làm biếng thì trí tuệ không có. Trí tuệ không thì dễ tạo nghiệp xấu, rồi lại phải lãnh báo nghiệp xấu đã gây ra đó. Thứ gì trong đời, muốn có quả đều phải gieo nhân. Muốn việc tu học của mình có kết quả, mình phải tự trồng lấy cái nhân tu học cho chính mình. Muốn thâm nhập được thiền pháp mình phải có trí tuệ. Muốn có trí tuệ thì phải học những hạnh thiền sư Vô Đức đã dạy cho tăng Nguyên Trì. Những hạnh mình phải tu tập đó chính là cái nhân để mình có cái quả là trí tuệ. Gieo đúng nhân thì nhất định sẽ gặt đúng quả. --------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------- [1] Trích trong Giai Thoại Nhà Thiền tập I. Bản dịch của thầy Đạo Tâm.