headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thiền vị trên đầu lưỡi

thienviNguyên tác : Takashina Rozen  Ni sư Hạnh Huệ và Thuần Bạch dịch

Mục tiêu của thiền dĩ nhiên là để kiến tánh và chứng ngộ, nhưng đó không phải là nơi an trụ cuối cùng. Thiền bao gồm Phật giáo và là sự thực hành Phật đạo. Thế thì Phật giáo là gì? Và Phật đạo là gì ?

Nhiều người cho rằng Phật giáo chỉ là những chuyện về thiên đường, địa ngục, và làm sao để tẩn liệm một xác chết, hoặc có thể là một ông già nào đó nói về sự xả ly. Vì thế lớp trẻ có khuynh hướng quy lưng lại với Phật giáo, xem như không có giá trị với họ. Họ không hiểu Phật giáo thực sự là gì. Đó là chân lý của vạn vật, là ngộ nhập cái tuyệt đối, là đại ngộ của đức Thích Ca Mâu Ni. Chân lý này phổ quát vi tế đến nỗi có thể chứa đựng trên đầu lông chim cốc, rộng lớn đến nỗi vượt cả không gian đến vô tận. Chân lý tuyệt đối chính là sự sống của đạo Phật – và vấn đề là làm sao ngộ nhập được sự sống đó.

Kinh Kim Cang dạy rằng: “Cái gì gọi là Phật pháp thì không phải là Phật pháp.” Điều mà đức Thích Ca Mâu Ni thuyết trong 49 năm xem như giáo pháp của ngài, chỉ là sự giải thích giúp chúng sanh đi đến trực ngộ. Mạch sống thực sự của Phật pháp không ở nơi giáo lý. Vì thế ngài nói: “Phải biết rằng những lời giáo huấn của ta chỉ là những ẩn dụ giống như chiếc bè.” Bè hoặc thuyền chỉ được sử dụng cho đến khi đạt đến mục tiêu là bờ bên kia.

Đâu là mục tiêu đích thực của Phật pháp? Khi đã tìm ra và đạt đến, chúng ta an trụ trong cái hằng ngày, cái bình thường, không có gì khác thường cả. Phàm phu đau khổ vì họ không thể an trụ trong sự bình thường. “Tôi đã đi qua nhưng sau cùng không có gì đặc biệt.” Đời sống con người đầy rẫy những thất vọng, những việc không xoay chiều theo ý muốn. Trên quan điểm chứng ngộ, chân lý là bình thường, không có gì đặc biệt. Liễu xanh, hoa thắm, lửa nóng và gió luôn luôn thổi. Thiền sư Đạo Nguyên trong Tọa Thiền Nghi đã đưa ra kết luận về thiền: “Chim bay như chim, cá lội như cá.” Đó chính là trạng thái bình thường của vạn vật. Nếu chúng ta nghĩ Phật pháp như một triết lý thần kỳ chính vì chúng ta không thấy được Phật pháp là một sự bình thường, là việc ăn uống hàng ngày. Chân lý không ra ngoài cuộc sống thường nhật.

Trong thiền, khi cảm thấy không đủ khả năng đạt đến công án quá khó của vị thầy trao cho, hành giả chiến đấu trên đầu gươm ngọn giáo. Nhưng khi đạt đến sự hoạt dụng tự tại của thiền một cách trọn vẹn, hành giả sẽ thấy đáp án tự nhiên xuất hiện ngay trước mắt và sự sống chơn thực bắt đầu.

Một vị tăng hỏi thiền sư Triệu Châu: “Cái gì là Phật pháp?”. Sư trả lời tức khắc: “Cây bách trước sân.” Ngay trước phòng của sư mọc một cây bách giữa sân, và không ngập ngừng mảy may sư đã ứng dụng ngay sự kiện đó. Đó là Phật pháp hoạt dụng.

Lại một vị tăng hỏi thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư: “Cái gì là đại ý Phật pháp?” Nghe vị tăng đến từ Lô Lăng, sư liền đáp: “Giá gạo ở chợ Lô Lăng bao nhiêu?” Trong sự hoạt dụng của thiền, gạo ở chợ được dùng để chỉ cho đại ý Phật pháp.

Một môn đệ cư sĩ của thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm hỏi: “Đạo là gì?” Sư chỉ trên và dưới: “Ông không hiểu chăng?”. Người môn đệ không hiểu nên đáp: “Không.” Rồi sư nói tiếp: “Mây trên trời xanh, nước trong bình.” (Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.) Người môn đệ chợt ngộ. Đạo chính ngay ở tại mây trên trời xanh, nước trong bình, không phải là hiện tượng gì kỳ đặc mà là hương vị thiên nhiên của núi, sông , đồng cỏ. Thật sự đạo là cái gì đơn giản và bình dị.

Thêm một mẫu chuyện Trung Hoa rất thích thú về Triệu Châu. Có một vị tăng lần đầu đến hỏi sư: “Tôi vừa nhập tu viện, xin ngày chỉ dạy.” Tăng chúng thường dùng cháo vào buổi sáng và chiều. Triệu Châu trả lời: “Ông ăn cháo chưa?”. Ngụ ý là ông đã dùng bữa sáng chưa? Vị tăng trả lời ngay rằng: “Thưa rồi.” Và sư tiếp: “Hãy đi rửa chén.” Tất cả chuyện trên đều mang ẩn ý, và đó là một công án. Thiền sư Bansho có nói về vấn đề này: “Trong lúc ăn, hãy mở miệng, khi ngủ hãy nhắm mắt, lúc rửa mặt hãy rửa sạch mũi, khi đi giày hãy xỏ chân vào.” Khi rửa mặt phải tỉnh giác về cái mũi sạch dơ, lúc mang giày ta phải đặt ngón chân vào thật ngay ngắn.

Nơi an trụ cuối cùng của thiền, tức mạch sống của Phật giáo là thiền trong hoạt động, không lạc ra ngoài sinh hoạt tự nhiên của đời sống bình thường hằng ngày. Như vậy, dù không để ý đến ngày và đêm chúng ta đều sống trong Phật pháp và áp dụng Phật pháp. Vậy thì cần gì phải giác ngộ và tu tập? “Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền.” Nhưng không phải thế. Nước đã đun sôi và sau đó để nguội chắc chắn phải khác với nước thường, mặc dù cả hai đều nguội. Phải có sự khác biệt giữa một phàm phu và một hành giả đã trải qua công phu tu tập lâu dài. Nếu không thế, tu tập thiền định ắt vô dụng. Họ bình đẳng với nhau trong Phật pháp, nhưng điểm khác biệt là có người tu hành tinh tấn, người thì không. Cùng bơi lội chung trong nước, người có mặc quần áo sẽ bị vướng bận vì cơ thể không được tự do cử động trong nước. Giống như hai người đối diện nhưng ngăn cách bởi một tấm kính không thể nói chuyện với nhau. Cũng thế, chúng ta chìm ngập trong thánh lý, nhưng cũng bị ngăn cách bởi tấm kính. Nếu bằng cách nào đó tấm kính được tháo gỡ, người bơi lội trút bỏ lớp quần áo – điều này thật là cần thiết tuyệt đối để kiến tánh và chứng ngộ. Cụ thể hơn: Người chưa giác ngộ không thể nhận ra tự tánh. Vì chưa nhận ra tự tánh, những ý tưởng của họ bị chi phối bởi mọi hình tướng biến đổi bất thường, và họ bị dao động khi có bất cứ dư luận nào. Chủ đích đời sống của họ không bao giờ ra ngoài sự khoái lạc, của cải, danh và lợi. Nhưng khi hành giả thành tâm tìm kiếm chân lý, thoát ra khỏi tập quán này để nhận ra tự tánh, thì chân lý thường hằng hiện tiền trong cái sinh diệt. Đó là cuộc sống chơn thực, khi mà hành trì và chứng ngộ là một. Cuối cùng hành giả đạt đến cứu cánh tối thượng của thiền, tự tại hòa nhập với thế gian. Bấy giờ cha mẹ như là cha mẹ, con cái như là con cái, người chồng như là chồng, người vợ như là vợ. Liễu vẫn xanh, hoa vẫn thắm, chim bay như chim, cá lội như cá.

Khi mỗi người sống an bình trong vị thế của mình, họ có thể cống hiến cho vinh quang thật sự của đất nước mình và rồi có được năng lực sáng tạo một nền văn hóa vững bền. Chúng ta gọi đó là cuộc sống bình thường, và quả bình thường thật, nhưng đó cũng là chân lý bất di bất dịch qua các thời đại. Hãy nhìn! Khi trời lạnh chim đậu trên cây còn vịt thì nhào xuống nước. Mỗi sinh vật chỉ đi đến nơi an trú riêng biệt của mình. Chân lý là chân lý trong mỗi người. Không có gì tốt đẹp hơn nữa – không có gì đẹp hoặc xấu bởi vì tất cả đều bình đẳng. Nơi có sự bình đẳng, tâm bình và thế giới bình. Đó là thiền Tào Động, nơi an trụ rốt ráo của thiền.

 

[ Quay lại ]