headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thọ nhận sự cúng dường

cungduongThích Đạt Ma Viên Diệu dịch và bàn.

 Văn Vương Công nói: Phật cho các vị Tỳ kheo được phép thọ nhận sự cúng dường từ giờ mão đến giờ ngọ, gọi đó là trai giới, hoặc được chúng sanh mời thỉnh cúng dường, cũng gọi là trai giới. Lại, do ai cũng có Phật tánh nên nhìn chúng sanh một cách bình đẳng mà thấy được bằng sự giao cảm, cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Tề chỉnh oai nghi, cung kính phép thọ trai”. Cũng nói: “Tiếng Phạn gọi là Tam muội, đây dịch là chánh định. Cảnh giới do trong chánh định thọ nhận, gọi đó là chánh thọ, nó khác với sự thọ nhận do vô minh duyên theo cho nên kinh Viên Giác nói là Tam muội chánh thọ”. Người giải thích nói: “Tiếng Phạn gọi là tam muội, đây dịch là chánh thọ”. Nhưng kinh Đại Bảo Tích nói: “Tam muội và chánh thọ”. Như vậy giải thích này không đúng.

Lời bàn:

Hồi tôi mới đến thiền viện công quả, lần đầu tiên theo quý thầy thọ trai, thấy trước khi ăn phải dâng cúng, quán tưởng và ngồi ngay ngắn không được nói chuyện. Lúc đó trong lòng tôi thầm nghĩ: Ăn uống gì mà phiền phức quá, sao không phát cho mỗi người một tô ngồi mỗi góc là xong?

Sau này nghe thầy giải thích về ý nghĩa của buổi thọ trai, tôi mới biết được tại sao phải dâng cúng? Tại sao phải quán tưởng? Tại sao phải ngồi ngay ngắn không được nói chuyện.

Tại sao phải dâng cúng?

Bởi vì Phật dạy: “Chúng sanh sinh ra trong thời kỳ mạt pháp, phước mỏng nghiệp dày.” Thế nên, khi thọ dụng thức ăn do người thí chủ đem đến, thì trước tiên phải dâng lên cúng dường mười phương ba đời chư Phật, chư Bồ Tát, chư hiền thánh tăng, rồi sau đó mới tới phiên mình dùng. Việc làm đó như muốn nói lên phước của mình còn mỏng lắm, không đủ sức để thọ nhận thức ăn này, nên chỉ còn cách là hưởng ké vào phước của các ngài thôi.

Tại sao phải quán tưởng?

Bởi vì quán tưởng là để thấy được ý nghĩa của buổi ăn. Ăn không phải để khen chê ngon dở, bồi bổ tấm thân, mà cốt yếu của việc ăn là cho có sức khỏe tu hành. Thế nên, Phật dạy hàng đệ tử phải gìn năm pháp quán:

- Quán thức ăn này từ đâu đem đến, công của người nhiều hay ít.

- Quán đức hạnh của mình đủ hay thiếu mà thọ nhận thức ăn này.

- Quán thức ăn này cốt dẹp tham, sân, si.

- Quán thức ăn này như vị thuốc hay, để trị bệnh ốm gầy.

- Quán vì thành đạo nghiệp, mới nhận thức ăn này.

Nếu người con Phật ăn trong tinh thần quán tưởng như thế, thì lo gì sợ tổn phước, mà trái lại còn giúp cho người phát tâm dâng cúng được nhiều lợi ích, vì đã gieo hạt giống lành vào mảnh đất tâm phì nhiêu tươi tốt, nên kết quả thu hoạch sẽ ngoài sức tưởng tượng.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Người phát tâm cúng dường thì được phước vô lượng vô biên. Tuy nhiên cúng dường cho một trăm người ác ăn, không bằng cho một người thiện ăn. Cúng dường cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người thọ ngũ giới ăn. Cúng dường cho một vạn người thọ ngũ giới ăn không bằng cho một vị Tu Đà Hoàn ăn. Cúng dường cho mười vạn vị Tu Đà Hoàn ăn không bằng cho một vị Tư Đà Hàm ăn.  Cúng dường cho một ngàn vạn vị Tư Đà Hàm ăn không bằng cho một vị A Na Hàm ăn.  Cúng dường cho một ức vị A Na Hàm ăn không bằng cho một vị A La Hán ăn. Cúng dường cho mười ức vị A La Hán ăn không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn. Cúng dường cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cho một vị Phật ba đời ăn.  Cúng dường cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, vộ trụ, vô tu, vô chứng ăn.”

Vì sao như vậy? Vì căn cứ vào nguồn tâm thanh tịnh mà có ra sự sai biệt này.

Tại sao phải ngồi ngay ngắn không được nói chuyện?

Bởi vì trong lúc ăn cơm mà ngồi nghiêng ngả, không ngay ngắn là đã mất đi oai nghi và xem thường pháp thọ trai. Khi đó sẽ sanh ra nói chuyện, làm cho tán tâm động niệm, mất đi sự tỉnh giác thì biết lấy gì chú nguyện cho người thí chủ dâng cúng đây? Trong kinh Phật dạy: “Phải biết quý tiếc trân trọng từng hột cơm, giọt nước của người dâng cúng, cho nên khi ăn phải gìn giữ chánh niệm. Nếu tán tâm nói chuyện, thì của tín thí khó tiêu.”

Thầy thường kể cho đại chúng nghe về chuyện Phật tử trải chiếc y trên dòng sông, các chúng đệ tử bao nhiêu đi lên cũng không chìm. Nhưng chỉ cần một hạt cơm của đàn na tín thí để lên thì chiếc y liền chìm xuống tận đáy dòng sông. Bấy nhiêu đó cũng đủ nói lên vật của thường trụ dù là lớn hay nhỏ, cũng đều nặng như núi Thái Sơn. Vì vậy người con Phật phải cẩn thận gìn giữ chánh niệm khi đang thọ thực hay sử dụng bất cứ vật gì của mười phương tín thí dâng cúng.   

 

[ Quay lại ]