TÂM TÌNH SẺ CHIA
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 08 Tháng Hai 2012 13:16
H.T TINH VÂN - HẠNH ĐOAN dịch
Cõi không thấy không nghe
Mới vào Phật học viện thì gặp ngay buổi tĩnh tọa nơi thiền đường. Lúc đó thiền sư Minh Độ làm thiền chủ, ngài dạy: “Người biết lắng nghe chơn chánh phải nghe được tiếng vô thanh, người biết nhìn chơn chánh phải biết nhìn vào nội tâm”.
Lúc đó mặc dù không hiểu nhiều song tôi vẫn thấy câu nói này ý nghĩa thâm thúy, đạo vị sâu xa, thế là tôi ghim ngay vào lòng. Nào ngờ, câu nói đó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời tôi.
Nhìn bằng tâm Năm mười lăm tuổi, thọ Tam đàn cụ túc giới, khi tôi hiếu kỳ mải lo nhìn ngắm phong cảnh xung quanh, thì bị giới sư quất cho một roi, quở: - Dòm đông ngó tây làm gì? Những thứ ấy ăn nhập gì tới mi? Thế là tôi nhắm mắt lại không nhìn nữa, xoay nhìn vào nội tâm sâu thẳm bên trong và tâm tư tôi đột nhiên lóe sáng: Té ra mọi thứ trên thế giới đều nằm cả trong tâm mình… và tôi học được cách nhìn vào nội tâm thay vì nhìn ra ngoại cảnh, chẳng nhìn vào có mà nhìn vào không, chẳng nhìn người mà nhìn mình. Sau ba tháng tôi đang đi ngoài hành lang, khi mở mắt thì bỗng thấy bên ngoài núi xinh sông đẹp, mây trắng trời xanh, cảnh vật tuyệt mỹ đến không ngờ! Trải qua những tháng ngày “phản quan tự chiếu” (xoay lại nhìn mình), cho dù thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, song trong tôi lại có cảm giác khác hẳn lúc xưa tột bực. Cho đến nay dù tôi đi trong đêm đen hay lên xuống cầu thang, ngay cả khi mắt không cần nhìn, tôi vẫn có thể bước đi tự tại, thậm chí tôi thường có cảm giác: dùng tâm nhìn sự việc thế gian, so với việc dùng mắt thịt, thực tế lại gần và hay hơn nhiều. Hai ba mươi năm xưa, lúc mới mua đất Phật Quang Sơn, tín đồ Phật tử thấy núi hoang cây dại, đã thất vọng chán ngán bảo: - Vùng hoang sơn sâu thăm thẳm này, ai mà thèm tới! Tôi chẳng quan tâm đến kiến giải ấy. điềm nhiên hướng dẫn chúng đệ tử khai phá núi, biến vùng hoang sơn mịt mù thành thắng cảnh hùng vĩ hoành tráng nổi tiếng khắp Đài Loan. Những tín đồ thuở ban xưa từng nói: “Không thèm tới…” giờ lại là người lên núi thường xuyên hơn ai hết. Có thể thấy cảm quan của mắt thịt, miệng phàm lúc đó rõ ràng là không chính xác. “Hữu chí tất thành, hữu chí tất đạt.” Tôi hoàn toàn vững tin vào tâm tư và nguyện lực của chính mình! Siêu nghe Năm 1941, thọ giới xong, tôi vào học tại luật viện. Đêm khuya thanh vắng, tứ bề yên tĩnh, chỉ có tiếng lá rơi xào xạc trên mái ngói và tiếng côn trùng hòa tấu nỉ non. Bầu trời khuya treo lơ lững ánh trăng, tỏa sắc vàng rạng rỡ… tôi cao hứng đi lại trong đêm rồi bất thần dừng lại, trong lúc tôi đang nghiêng tai lắng nghe âm thanh về khuya thì bỗng một lần roi bất thần vụt tới, quất mạnh vào thân tôi, tiếp theo là lời quở trách của sư giám thị: - Nghe ngóng cái gì hả? Bịt lỗ tai lại đi! Trên thế giới này có âm thanh nào đáng cho người nghe với ngóng hử? Thế là tôi bắt đầu thực hành việc bịt lỗ tai lại, song thiệt không dễ chút nào! Tôi vo tròn hai miếng bong gòn nhét vào tai để không nghe tạp âm của thế gian.Dần dần, nhĩ căn tôi trở nên thanh tịnh, lòng cũng rỗng rang tĩnh lặng. Và tôi hiểu thế nào là niềm pháp hỷ vô thanh. Bỗng một hôm vị thầy giáo thọ lại đến vỗ vào vai tôi bảo: - Sao mà bịt kín lỗ tai hết như thế kia? Mở bông tai ra nghe xem nào? Có âm thanh nào mà không đáng cho mình nghe chứ? Tôi lấy bông gòn ra, các âm thanh tạp lại vang lên thấu óc. Định thần lại, tôi hoát nhiên đại ngộ: Hóa ra trong thiên nhiên có mỹ âm tuyệt vời như hòa nhạc! Tôi không nén được, tự hỏi: Vậy thì ngày xưa khi mình dùng tai để nghe, mình đã nghe được những gì?... Lòng tràn ngập hân hoan vì kinh nghiệm vừa trải qua, tôi hạ quyết tâm: Từ nay trở đi, không nghe lời thị phị, mà chỉ nghe lời chân thật, không nghe lời ác mà chỉ nghe lời thiện, không nghe tạp thoại mà chỉ nghe Phật pháp, không nghe lời tào lao mà chỉ nghe chân lý. Năm mươi năm sau, đầu xuân 1993, tôi về cố hương thăm mẫu thân, được tiên sinh Triệu Phác Sơ hội trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc hết lòng hậu đãi. Ông đi suốt từ Bắc Kinh đến tận Nam Kinh, lúc chúng tôi đang cao hứng đàm đạo với nhau thì vợ ông lộ vẻ kinh ngạc bảo: - Ông xã con ngày thường có tất nặng tai dữ lắm, chẳng nghe được người khác nói đâu, nhưng không hiểu sao hôm nay lại nghe rõ mồn một lời Hòa thượng kia chứ? Triệu tiên sinh đáp: - Lỗ tai tôi chỉ dùng để nghe những lời đáng nghe, còn những lời không đáng thì tôi không nghe được. “Nghe mà không nghe, không nghe mà nghe” thật ra cần phải có nghệ thuật nghe siêu xuất mới được. Như tôi cũng từng trải qua kinh nghiệm “nghe mà không nghe” này. Vào năm 1954, khi tôi đang chủ trì Phật thất tại chùa Lôi Âm ở Nghi Lan, giữa tiếng niệm Phật vang vang, tôi như chìm sâu vào cảnh giới yên tĩnh thuần tịnh. Trong suốt bảy ngày đó, tôi cảm thấy tiếng niệm Phật liên tục bất đoạn, cho dù thân không ở tại Phật đường, Phật hiệu luôn vang vọng trong tai. Khi ăn cơm, mỗi mỗi đều là “A Di Đà Phật, A Di Đà Phật!” tiếng đánh răng sồn sột cũng thành “A Di Đà Phật” cho đến đi đứng nằm ngồi, niệm niệm đều là “A Di Đà Phật” không hề tạm ngưng. Thời gian bảy ngày loáng qua như tiếng bật tay, trong khoảnh khắc đó tôi hiểu được thế nào là “vật ngã lưỡng vong, tâm cảnh hợp nhất, thời gian không gian chẳng còn tồn tại.” Ấn tượng ấy cho đến giờ vẫn còn sâu sắc trong tôi. Tĩnh lặng tăng trí tuệ Hồi 19 tuổi ở Phật học viện Tiều Sơn, tôi có thực hiện phép tịnh khẩu. Mới đầu rất khó, có lúc quên phát ngôn, làm trái lời thệ, tôi liền đi ra phía sau đại điện tự phạt – vả vào mồm đến chảy máu miệng mới dừng – cứ thế tịnh khẩu được một năm, đạt đến trong miệng không lời, mà ngay cả trong lòng cũng không có âm thanh phiền não. Và trong cảnh tịch liêu tĩnh mặc ấy, tôi như chìm đắm vào cảnh giới “tại tĩnh quán vật vật giai tự đắc” (trong yên lặng nhìn vật đều thấu đạt) và cảm giác khoảng thời gian mênh mông bao la bỗng ngắn tựa tất gang. Tôi thể hội được kinh nghiệm “sắc na vĩnh kiếp” và cũng thể hội được lý hàm dung vi tế của vũ trụ. Khi tôi xả phép “tịnh khẩu” các bạn đồng học thảy đều kinh ngạc trước tư duy và cách hành xử nhạy bén của tôi. Tôi bỗng nhớ lại chuyện bà cố tôi ngày xưa làm dưa, hũ dưa muối được bịt kín miệng để bảo quản độ nồng cho hương vị. Cũng tương tự thế, chúng ta trọn ngày các giác quan không ngừng đuổi theo thanh sắc nên chẳng thể an trụ tâm nơi Phật đạo. Bởi vậy mới có câu “Ninh tĩnh chí viễn” (yên lặng sẽ đến được chỗ sâu xa), vì chỉ có trong tịch tĩnh, mắt không nhìn loạn, tai không nghe loạn, miệng không nói loạn, chúng ta mới khéo hồi quang quay về chính mình, mới tăng trưởng trí tuệ và thấy được điều chưa thấy, nghe được điều chưa nghe, nói được điều chưa nói. Năm 1963, tôi đến thăm Nhật Bản. Khi đến công viên nhìn ánh mặt trời chiếu lóng lánh trên mái vòm có hình chạm ba con khỉ trông rất sống động: con thì lấy tay che mắt, con thì bịt lỗ tai, con thì che miệng. Tôi đứng đấy nhìn sững và bỗng có sở ngộ. Sáu căn của chúng ta – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý hằng ngày dong ruỗi phan duyên theo ngoại cảnh không ngừng, vọng phân biệt theo lục trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp do đó mà dấy khởi nhiều phiền não. Nếu như chúng ta có thể giờ nào, phút nào cũng thường phản quang tự kỷ không để tâm phan duyên theo lục trần ngoại cảnh, không nhìn những gì không nên nhìn, không nghe những gì không nên nghe, không nói những lời không nên nói thì chính là mình đang tự giúp mình không khởi cảm thọ, không tạo nghiệp phiền não vô minh. Hai mươi mấy năm trước tôi mời tiên sinh Du Quốc Cơ đến dạy nhạc cho Phật học viện, để hỗ trợ cho việc giảng dạy đạt kết quả cao, tôi chìu theo lời đề nghị của ông, cho sắm các nhạc cụ đúng như ông yêu cầu. Ngày đầu lên lớp, Du tiên sinh đàn cho mọi người nghe một bản giao hưởng, khoảnh khắc ấy, trong lớp bỗng như có gió cuốn điện chớp, âm ba huyên náo rộn ràng tựa tiếng ngàn ngựa phi. Đàn xong, ông hứng chí hỏi học sinh: - Quý vị nghe hay không hả? Lúc đó Y Hằng, đang còn là học sinh, đứng lên phát biểu: - Thưa thầy, giây phút tiếng nhạc dừng là tuyệt nhất. Lão Tử từng nói: Ngũ sắc làm mờ mắt người, ngũ âm làm điếc tai người. Chúng ta thường bị màu sắc, ánh sáng phù phiếm nơi cõi trần mê hoặc, biến mình thành như điếc như mù, mất đi phương hướng. Song nếu ta muốn an thân lập mệnh, thì phải biết quán sát cặn kẽ “tướng của vô tướng”, phải biết lắng nghe “tiếng của vô thanh” từ trong rỗng lặng và nói được “lời của vô ngôn”. Khéo dùng mắt, tai, lưỡi Cho dù là vô thanh, vô tướng song chúng ta vẫn có thể oanh oanh liệt liệt trụ trong thế giới hữu thanh hữu tướng này. Thuở xưa khi Đại Lục đang thời chiến loạn, tôi đã bao lần xông lướt hiểm nguy, vào sinh ra tử, tại đầu đường rải truyền đơn, giăng biểu ngữ, cổ xúy xây dựng đổi mới Phật giáo. Nhớ lại hồi đó, mắt tôi chỉ thấy có tiền đồ Phật giáo nên không nhìn thấy gươm đao, nhờ vậy mà tự nhiên vô úy. Tai tôi chỉ nghe có tiếng kêu gào đau khổ của chúng sanh nên không nghe tiếng súng, do vậy mà không sợ. Lại nữa tôi thường hướng dẫn đồ chúng xuất ngoại tham quan hoặc đi triều bái các thắng cảnh Phật giáo, tình cờ phát hiện ra điều này: Bất kể là đi đến đâu, cảnh tượng thường rất huyên náo, người đi mồm năm miệng bảy lao xao, thêm các kiển giải và sở thích bất đồng. Khi đi ra ngoài tham quan các nơi, rõ ràng là ở hành lang đại sảnh, nơi các ngõ dọc đường ngang gì cũng đều có bảng hướng dẫn, bảng thông báo. Nhưng phần đông khách tham quan thường không chịu lưu tâm để mắt tới mà cứ xông bừa đi lung tung, lo tìm người hỏi. Bởi vậy mới nói đây là tật chung của người thời nay – quen dùng miệng mà ít chịu dùng tai, mắt. Thật ra người ta không những xem thường hiệu dụng của tai mắt, mà cho dẫu có dùng mắt để xem, dùng tai để nghe, dùng miệng đê nói… đa số họ cũng không thấy được điều đáng thấy, nghe được điều đáng nghe, nói được điều đáng nói. Đại Phật Thành của Phật Quang Sơn nổi danh khắp quốc nội quốc ngoại, hằng ngày khách tham bái nườm nượp không dứt. Thế nhưng cũng có một số người đến, chỉ thấy tượng Phật làm bằng xi-măng, thất vọng nói: - Đây là văn hóa xi-măng có gì quý giá đâu? Tạm thời không bàn đến tâm tư họ làm gì, tôi ở Phật Quang Sơn hơn 20 năm nay, chỉ thấy thánh tượng Phật, chứ không thấy xi-măng. Vì sao có những người chỉ thấy xi-măng mà không thấy Phật? Hóa ra nếu chỉ nhìn, chỉ xem không thì chưa đủ. Chúng ta phải tiến sâu vào cõi rỗng lặng, phải khéo nhìn khéo nghe. Bà ngoại tôi vốn là một Phật tử thuần thành, biết ăn chay trì kinh từ năm mười bảy tuổi, thường nhật bà sống từ bi hòa hiếu với người. Thế nhưng đa số các cháu trai cháu gái của bà mới ba bốn tuổi thì đã yểu bệnh. Nhưng xưa nay tôi chưa từng thấy bà vì chuyện này mà đau buồn thống khổ, khóc lóc thở than. Láng giềng thấy vậy xầm xì, bàn ra tán vào, bà cũng không thèm để ý. Chẳng lẽ bà là người không tình cảm, chẳng biết yêu thương con cháu mình? Tuyệt không phải thế! Bởi vì bà thâm tính Phật pháp nên rất hiểu việc. Bà hiểu sinh tử là chuyện tự nhiên, nghiệp báo tự gây tự trả, cho nên mới thản nhiên đối với cảnh thuận nghịch, vì vậy mà bà chẳng oán trách than van hay khóc lóc mê muội như thường tình. Hồi tôi mới đến Đài Loan, các chùa không thu nhận người ngoại tỉnh nên tôi phải lưu lạc nổi trôi, nếm cảnh cơ hàn đói lạnh trong suốt quãng thời gian dài rồi lãnh ngộ được diệu ý: Tiếng suối róc rách ngân lời pháp Sắc núi đều là thanh tịnh thân. Sau bốn mươi năm ly gia, tôi về thăm cố hương, đường sá lạ lùng, có lúc ra khỏi nước mới nửa tháng, về lại Phật Quang Sơn thì đã thấy thay đổi rồi. Nhân duyên tụ tán, việc đời vô thường, mắt thấy tai nghe đều là duyên khởi tính không. Có lần trong lúc cùng nhau thảo luận, mọi người nhận xét về Phật Quang Sơn. Người thì cho rằng Phật Quang Sơn là tự viện truyền thống tiêu biểu, người thì khẳng định đây là đạo tràng hiện đại hóa… Tôi thấy tất cả đáp án đó đều đúng và cũng không đúng. Ban sơ, khi sáng lập Phật Quang Sơn, tôi không hoạch định đường lối gì, chỉ tùy duyên mà sáng lập. Tất nhiên các ngôi điện vũ, nhà khách của Phật Quang Sơn đều được xây theo kiểu kiến trúc của Phật giáo. Song chính vì Phật Quang Sơn không định sẵn theo khuôn mẫu nào nên mới có được một dáng vẻ, phong thái riêng, mang sắc thái đặc biệt muôn vẻ muôn màu. Cũng có nhiều đồ chúng than trách: Gần đây trên núi không ngừng xây dựng các công trình nên ồn ào và không được yên tĩnh như xưa. Tôi chỉ nhìn thấy sự kiến thiết tiến bộ chứ không nghe thấy tiến ồn bởi vậy mà lúc nào tôi cũng thấy Phật Quang Sơn yên tĩnh hiền hòa, trước sau như nhất. Khi tôi thoái vị trụ trì Phật Quang Sơn đến nay, thường nhận lời mời đi khắp nơi giảng kinh. Tín đồ ở các nước cũng đến thăm nườm nượp không ngớt, vì vậy mà tôi bắt buộc phải tăng thêm khóa dạy. Thế là lịch làm việc hang ngày dày đặc, đã bận rộn lại càng bận rộn, có thể nói là tôi phải tranh thủ từng giây từng phút. Thế nhưng trong lòng tôi lại khoáng đạt, rỗng rang và càng xu hướng về không. Mặc dù phải tiếp xúc với đủ hạn người bất đồng và luôn bị hoàn cảnh quấy nhiễu, tôi phải vừa trò chuyện vừa làm việc và luôn phải để mắt đến mọi sự… lo bản thảo, tuyển văn, nghiền ngẫm đề mục diễn thuyết và tính toán phương án phát triển Phật giáo. Sở dĩ tôi làm được vậy là nhờ trong lòng tôi không có người, không có việc. Trong “không” giác diệu đế Có nhiều lúc giật mình thức giấc tôi thường không biết mình đang ở đâu và cũng không nhớ mình là ai . Người khác thì nói tôi quá bận rộn, muốn tôi được tĩnh dưỡng nghỉ ngơi nhiều. Song trong lòng tôi không chút bận rộn. Vì tôi đem hết thân tâm, lục căn, đầu nhập vào Phật pháp cho nên tất cả vinh nhục, được mất, có không, đến đi, đói no, tối sáng… lòng tôi đều không vướng mắc, tính toan. Hải Luân Khải Lặc mắt mù mà tâm chẳng mù nên mới có thể trở thành nhà giáo dục vĩ đại. Cụ Đa Phân tai điếc tâm chẳng điếc nên mới trở thành nhà soạn nhạc tài ba kiệt xuất. Đức Sơn Tuyên Giám nhờ Long Đàm Sùng Tín thổi tắt đuốc mà được minh tâm kiến tánh. Năm ngàn Bồ tát nhờ cư sĩ Duy Ma im lặng không nói mà đắc vô sanh pháp nhẫn. Tôi thẹn mình đức mỏng huệ cạn, dù dự tính nhiều nhưng thành tựu ít, song tận đáy lòng tôi luôn cảm tạ Phật giáo đã cho tôi hiểu thấu lý vi diệu vô thanh, vô tướng, vô ngôn, khiến tôi dù cả ngày phục vụ chúng sanh nhưng hằng sống trong thiền duyệt. Nhờ vậy tôi cực mà không thấy cực, bận mà không thấy bận. Nhà thiền nói: Nhậm tánh tiêu dao Tùy duyên phóng khoáng Đản tận phàm tâm Bất cầu thánh giải. Dịch Mặc tình tiêu dao Tùy duyên phóng khoáng Cần hết tâm phàm Không cầu kiến giải thánh. Nếu có thể hành được như vậy thì đấy chính là thế giới vi diệu không thấy không nghe. Thiên tải nhất thì, nhất thì thiên tải Năm 1989, tôi sang thăm Trung Quốc Đại Lục, hội trưởng hội Phật giáo Trung Quốc Triệu Phát Sơ ra phi trường đón tôi. Lần đầu vừa gặp mặt nhau, ông ấy đã suýt xoa: - Thật là ngàn năm có một! Hi hữu làm sao. Câu này ý vị sâu xa! Từ thuở tôi rời Trung Quốc Đại Lục sang Đài Loan đến nay tính đã hơn bốn mươi năm. Hai bờ eo biển tuy gần song lại cách nhau như hai thế giới. Lần này gặp là để nối nhịp cầu xưa, khai lối mai hậu, là dịp hi hữu ngàn năm có một, đánh dấu phút giây liên lạc đôi bờ và cũng là một trong những hi hữu của cuộc đời tôi! Bởi vì kiểm lại những chuỗi ngày phong trần tôi từng trải qua, nếu suy gẫm kỹ thì tất cả đều là ngàn năm có một! Lúc tôi mười hai tuổi, là độ tuổi thơ ngây chỉ biết nô đùa hồn nhiên, song vì một câu hỏi bất chợt mà tôi hứa xuất gia. Nhân duyên này cũng là ngàn năm có một vì nó đã đem đến may mắn không ngờ cho tôi, khiến cả đời tôi được thấm nhuần pháp nhũ, thủ đắc chân lý quý giá vô tận của đạo Phật. Suốt thời thanh niên, tôi nhốt mình trong cảnh tu học nơi cổ tự danh sơn, trừ việc được đào luyện, tiếp thu nền giáo dục truyền thống ra, tôi còn diễm phúc được thân cận nhiều bậc danh sư đại đức, được các ngài tận tâm dạy bảo, để mỗi ngày qua trí tuệ, đạo tâm càng tăng trưởng. Từng giọt pháp nhũ của các ngài ban bố lúc ấy, đã tích tụ thành dòng chảy mạnh mẽ, giúp tôi đủ sức công phá mọi chướng ngại và vượt qua bao thử thách trùng trùng về sau. Mỗi khi nghĩ đến đây, tôi không ngăn được tán thán: Đúng là thiên tải nhất thì! Ngàn năm có một! Nhân duyên tích tắc, phải nắm bắt ngay Tôi xuất gia tại Thê Hà Sơn, ngọn núi có ngàn Phật trang nghiêm hùng vĩ, có cảnh trí cực kỳ thanh nhã với sông đẹp hồ xinh. Phong cảnh thiên nhiên ở đây rất hữu tình mỹ lệ, thơ mộng và đẹp như mơ! Xung quanh luôn có sương khói mờ ảo lượn lờ. Chỉ cần đi lang thang hay thơ thẩn dạo quanh cũng có thể tận hưởng sơ sơ “diệu chỉ nhất tâm” và thấu hiểu ý nghĩa “ngàn năm có một” của đất trời. Song điều này thật khó mà diễn tả hết bằng lời. Tại Phật Quang Sơn vào ngày mồng một, được tận mắt chứng kiến cả rừng người vân tập, lòng tôi lại dấy lên cảm giác “ngàn măm có một”. Đúng là không có bút mực nào tả xiết. Nhìn ngàn vạn tín đồ dũng mãnh lên núi, rồi do đông quá nên khách khó tránh được cảnh ăn ngủ thiếu thốn. Có người không nén được bất bình, thế là sẽ không đến Phật Quang Sơn nữa. Nhưng rồi sang năm lại thấy họ hiện diện trong đám đông, không thể từ bỏ núi. Bởi vì đây là cơ duyên ngàn năm có một! Thật ra, từng ngọn cây cọng cỏ ở Phật Quang Sơn, chỗ nào cũng là di tích lịch sử đáng thăm… ngàn năm có một! Có lần sau cơn bão to gió lớn, tôi đi vòng quanh núi kiểm tra, phát hiện cây bồ đề gần Bảo Kiều bị gió bão thổi tét đôi, tôi tháp nhánh trúc vào băng bó, ghép nó lại rồi ngày ngày ra sức chăm sóc, đến nay thì nó đã thành cây đại thụ cao ngất, tán lá xum xuê. Còn bên Long Đình cũng có một cây bồ đề hùng vĩ cao ngất, nguyên xưa kia nó chỉ là một nhánh cây không rễ, nằm lăn lóc bên đường. Tình cờ tôi đi ngang nhìn thấy đâm tiếc rẻ, nên nhặt lấy đem về ươm, hằng ngày tôi tưới nước vun bón cho nó… Rồi kỳ tích xuất hiện nó mọc rễ đâm chồi và phát triển tươi tốt tới giờ là thành cây đại thọ hùng vĩ. Nhìn hằng vạn người quy y làm lễ tại nhà kỷ niệm Quốc Phụ và trung tâm văn hóa Trung Chánh rồi hằng vạn, hằng ngàn người phát tâm quy y học Phật, tề tựu trong Điện đường quốc gia chí thành tuyên thệ quy y Tam bảo, nguyện đoạn vô biên phiền não, nguyện thành Phật đạo… Phút giây phát tâm ban sơ này là nhân, đem lại duyên đắc độ cho bản thân và việc tịnh hóa xã hội, tầm ảnh hưởng này cũng đáng gọi là ngàn năm có một! Những năm gần đây khi chủ trì Phật Học Giảng Tọa tại nhà thể dục Hồng Khám ở Hương Cảng và giảng đường Đông Cô ở Mã Lai tận mắt chứng kiến dòng người cuồng nhiệt ngồi chặt cả khán phòng, chăm chú thính pháp, nghe tiếng cười sảng khoái của họ vang lên khi tâm ý khai mở, tôi bỗng có cảm giác “ngàn năm có một” thật sâu sắc! Suốt năm mươi năm xuất gia, mỗi buổi công phu khuya, khi làm lễ, lúc khai chuông gióng trống, tôi luôn chí thành cầu nguyện: Nguyện tiếng hồng chung này bay xa ngàn vạn ức cõi nước, nguyện Phật pháp được truyền khắp tam thiên đại thiên thế giới. Bởi vì với tối tất cả đều là “ngàn năm có một, hi hữu vô cùng!” Nói điều đáng nói, làm điều nên làm Năm 1989 khi tôi sang thăm Trung Quốc Đại Lục được các nhà lãnh đạo Dương Thượng Tỷ, Lý Tiên Niệm v.v… tôi nhân cơ hội này góp ý xây dựng, xin chính phủ ủng hộ tôn giáo, đưa ra thỉnh cầu xin chính phủ cho dời các loại hình giải trí, các công viên văn hóa văn vật… ra khỏi các tự viện và đề nghị lúc cách mạng đổi mới văn hóa, nếu có làm thương tổn hư hoại đạo tràng nào thì xin chính phủ trùng hưng lại các di tích Phật giáo cổ. Tôi đã cảm nhận được duyên lành này từ giây phút đứng trước các nhân vật chính phủ. Vì nghĩ cho ngàn vạn tín đồ Phật giáo, tôi bắt buộc phải lên tiếng thỉnh cầu, ngỏ lời xin bảo tồn, trùng hưng Phật giáo. Và giây phút này chính là cơ hội ngàn năm có một! Tại đại hội Trung Quốc tự do lần thứ 13 có mặt đầy đủ các vị như tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng… Khi chủ tịch Du Quốc Hoa, viện trượng viện hành chánh, mời tôi phát biểu, tôi đã thỉnh cầu ngay: Mong chính phủ có khí độ cao cả, bao dung. Các vị làm quan trong chính trường, tất nhiên là cần có những cống hiến lớn lao, hết dạ thương dân và tôn trọng tự do dân chủ. Đây là đường lối cai trị tối ưu, tiềm tàng một sức mạnh vĩ đại mà không lực cản nào có thể ngăn nổi. Bởi chính lòng khoan hồng độ lượng, sự quan tâm từ ái đối với dân mới cảm hóa dân. Nếu chính phủ hằng quan tâm chăm lo và luôn để mắt đến hạnh phúc của người dân, biết cư xử thuận lòng dân, thì tự nhiên thu phục được dân tâm, được dân ái kính và quy ngưỡng mãi mãi. Tôi thỉnh cầu chính phủ cho phép Phật giáo xây dựng đại học, được hoằng pháp tự do… Sau đó chính quyền đã mở rộng chính sách, đổi mới đường lối chính trị, cho tự do truyền giáo, cho phép Phật giáo xây dựng đại học… Tôi nêu lên những điều này không phải để kể công, chỉ muốn nhấn mạnh rằng khi cơ hội đến thì phải nắm bắt ngay. Bởi vì vào thời điểm đó, sở dĩ tôi có được lòng can đảm, dám lên tiếng góp ý thỉnh cầu, kiến nghị này nọ với chính phủ là vì tôi hiểu rõ đây là cơ hội ngàn năm có một, không thể bỏ lỡ. Khi tôi sang Thái Lan yết kiến quốc vương, tôi đã thỉnh cầu vua Thái Lan cho phép truyền bá Phật giáo Đại thừa. Khi tổng thống Phi Luật Tân Mã Gia Bá tiếp kiến tôi, ông đã nồng hậu ngỏ lời: Xin hoan nghênh và nhiệt liệt đón chào Phật giáo đến truyền bá tại Phi Luật Tân. Tôi cũng đến thăm ngài tổng lãnh sự Ấn Độ, ông cao hứng bàn về văn hóa Trung - Ấn và còn nhờ tôi chuyển đạt những kiến nghị của ông đến tổng thống Tưởng Trung Chánh. Khi tôi thành lập Tổng Hội Hội Phật Quang Thế Giới thì tổng thống Đa Minh Ni Khắc đích thân đến đại hội chúc mừng, bày tỏ sự vui mừng và hoan nghênh tôi đến nước này truyền giáo. Lúc khánh thành chùa Tây Lai, hằng vạn người tụ hội, tổng thống Reagean đã phái người đại diện mang quà đến chúc mừng khiến hằng ngạn hằng vạn người Hoa cảm thấy hân hoan và phấn khởi. Khi đó tôi bỗng nhận ra ý nghĩa “ngàn năm có một” thật sâu sắc. Nhờ xây chùa ở Tây phương nên tôi có đủ cơ duyên nên tôi có đủ cơ duyên tổ chức đại hội Phật giáo thứ 16 khiến Phật pháp chân chánh của Tây Lai, Bắc Kinh, Đài Bắc… thuộc hai eo bờ biển, các vị xưa nay chưa từng ngồi đối diện chung bàn, đã được tác hợp kết nối, khiến các tu sĩ, Phật tử hai bờ cùng dự Hội Hữu Nghị Phật Giáo Đồ Thế Giới, để có dịp cùng nhau tay bắt mặt mừng, xúc tiến việc thống nhất Trung Quốc. Thống đốc Hương Cảng đã nhiệt liệt chúc mừng và tặng tôi huân chương danh dự. Còn chính phủ Mỹ đã ra quyết định chọn ngày 16 tháng 5, ngày thành lập hội Phật Quang Quốc Tế, làm ngày Phật quang Mỹ quốc, khiến tôi vô cùng cảm kích. Các tiểu bang nước Mỹ tặng tôi nhiều bằng khen vinh dự và các đại sứ đã kết giao thắm thiết với tôi. Thị trưởng thành phố Ngọa Long Cương nước Úc đích thân đến Đài Loan tặng 26 mẫu Anh để xây Nam Thiên Tự, thị trưởng Bố Lý Tư Bổn giúp tôi xây dựng Trung Thiên Tự. Giáo phái Anh Quốc ở Luân Đôn xây dựng tu viện và vui vẻ bàn giao cho tôi lập thành Trung Tâm Thiền Tịnh Luân Đôn. Thị trưởng nước Pháp cũng hân hoan cho tôi dựng đạo tràng Phật Quang Sơn ở Paris. Nghị trưởng Nam Phi đích thân tặng đất, nghênh đón Phật Quang Sơn qua đó xây chùa, để Phật Quang Sơn hoàn thành lý tưởng “Phật quang phổ chiếu tam thiên giới, pháp thủy trường lưu ngũ đại châu.” Đây chẳng phải là “ngàn năm có một” hay sao? Chỉ trong nháy mắt siêu việt ngàn năm (Nhãn tiền nhất thời khoa việt thiên tải) Cả đời tôi chẳng nhận qua cái bằng chứng chỉ tốt nghiệp nhưng tôi đã cấp không biết bao nhiêu là bằng tốt nghiệp cho người. Tô không học qua đại học nhưng lại giảng dạy nhiều năm tại đại học Đông Hải và đại học Văn Hóa. Còn được bộ giáo dục mời làm ban giám khảo thẩm tra học vị. Bộ giáo dục từng bảo tôi là vị tu sĩ đầu tiên được bộ giáo dục tặng huân chương danh dự. Riêng cục báo chí Tân Văn đã nhiều lần tặng tôi giải thưởng Chuông Vàng. Các sự nghiệp phúc thiện xã hội của tôi được huyện, tỉnh lưu tâm tán trợ, trân trọng trao tặng bảng vàng phúc thiện danh dự hơn hằng chục lần. Còn các nguyên thủ quốc gia như tổng thống Tưởng Trung Chánh, Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy… nhiều lần đặc biệt tiếp kiến tôi và thân hành lên núi tham bái. Vậy thì tôi là gì? Tôi chỉ là một tăng lữ bình thường! Là con một nhà nông bình thường! Trước bao khen thưởng của quốc gia, trước bao bằng khen danh dự về giáo dục, nghệ thuật, văn hóa… tôi chỉ biết thẹn thầm và hiểu đây đều là nhân duyên “ngàn năm có một”! Có thể lý giải như thế này: Từng hạt cát, từng viên gạch giúp xây nên ngôi kiến trúc, từng cọng cỏ từng ngọn cây làm đẹp vườn chùa… tất cả đều nhờ nhân duyên tạo thành, đều nhờ chư Bồ tát gia bị và nhờ cha mẹ, sư trưởng, mười phương đại chúng hợp sức đóng góp nên. Có thể nói chính xác là: Tất cả quang vinh hiện có đây nên quy về đức Phật, tất cả thành tựu này nên quy về đại chúng, tất cả lợi ích này thuộc sở hữu của thường trụ, tất cả công đức này thuộc về tín đồ… Bởi vì, tất cả đều là duyên lành “ngàn năm có một”, thế thôi.