Đôi lời chia sẻ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 20 Tháng ba 2012 13:45
Thùy Thu
Kính thưa quý đạo hữu,
Thật là một duyên phước lớn ở cõi đời này cho những ai được học và thực hành Phật Pháp trong khi mình còn sống, còn khoẻ mạnh, trí óc còn minh mẫn. Duyên lớn nhất là học được từ vị thầy, mà ngài là một vị chân tu, tha thiết, nhiệt tâm, tận tụy, chỉ lối dẫn đường cho những ai sẵn sàng lắng nghe ngài.
Tôi được sinh trưởng trong một gia đình thuần túy Công Giáo từ nhiều thế hệ. Lớn lên và lập gia đình. Người bạn đời của tôi được sinh trưởng trong một gia đình ảnh hưởng nhẹ của Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng). Khi lập gia đình với tôi, anh đã qua những nghi thức để gia nhập Công Giáo. Sau 19 năm chung sống, với những bận rộn của cuộc sống, bương chải để nuôi các con ăn học, nên không có thì giờ nhiều cho riêng mình. Rồi các con lớn thêm, chúng tôi bớt bận rộn hơn, năm 2000, anh bắt đầu đọc nhiều sách về Phật Pháp, về Thiền Tông. Trong bữa ăn, anh hay giảng thuyết về Công Án “Vô”, và những thứ khác về Phật Pháp nữa, tôi chẳng để ý gì cả. Lúc nào anh cũng “Không, Không”, khó chịu quá , cứ tra tấn hai cái tai tôi mãi, tôi cứ phải chịu đựng nghe, nhưng chỉ ở ngoài tai, chỉ muốn ăn cho mau, rồi chạy đi chỗ khác để khỏi nghe. Tôi nói với anh, tôi duy chỉ interested lời giải thích “Thân này được kết hợp bởi Đất Nước Gió Lửa” thôi. Nghe có vẻ hay hay, còn đạo nào mà chẳng thế, đều dạy con người làm lành tránh dữ thôi. Thôi, đừng nói nữa, please. Tháng 4, năm 2006, anh đã mang về một quyển sách, loại Sách Biếu Không Bán, nhan đề “Bước Đầu Học Phật” do Thiền Sư Thích Thanh Từ biên soạn. Anh để trên bàn trong bếp, anh cũng chưa đọc. Vào thời gian đó, buổi tối, tôi có thói quen là phải đọc, đọc gì cũng được, để mắt mỏi, dễ ngủ. Vì trong ngày, làm việc full time, lại chăm sóc gia đình, mệt mỏi, nên thông thường chỉ cần đọc không quá nửa trang là buông sách ngủ rồi. Tối đó, trước khi đi ngủ, thấy cuốn sách còn trên bàn ăn, anh thì đã đi ngủ rồi, nghĩ bụng, tựa đề cũng hay hay, liếc sơ qua vài trang, lời văn có vẻ chân thành, rõ ràng. Thôi thì cứ mang lên phòng đọc chút để đi ngủ. Lần này, không phải đọc ½ trang, mà đọc hết gần nửa cuốn, mới đi ngủ. Tối hôm sau thì đọc xong. Kể từ đó, tôi bắt đầu học Phật, tôi đã thỉnh nhiều CD và DVD của vị thầy mà tôi đã có phước duyên được theo học ngay từ bước đầu tiên tìm học về Phật pháp. Tôi chưa một lần gặp thầy ngoại trừ trong giấc mơ. Có hai giấc mơ được diện kiến thầy và rất có ý nghĩa. Tôi xin được chia sẻ với quý đạo hữu: Đêm ngày 6/1/2007 Trong một phòng họp nhỏ, đủ để một cái bàn và khoảng 8 cái ghế, có khoảng 6 hay 7 người, đồ ăn đã được đưa vào, sẵn sàng cho buổi ăn trưa. Trong khi chúng tôi ăn, Thầy vẫn say sưa giảng. Thầy đứng trên bục với tấm bảng đen. Thầy đang vẽ những lối nhập vào trạng thái Niết Bàn. Tôi đã giơ tay và hỏi Thầy: - Thưa Thầy, khi đạt tới trí tuệ tối thượng, mình sẽ thấy hoặc cảm nhận gì? Thầy không trả lời và cũng chẳng nhìn xuống, cứ tiếp tục thuyết giảng. Tôi hỏi Thầy lại lần nữa, rồi lại lần nữa. Thầy vẫn tiếp tục giảng. Một đệ tử nam mời Thầy nghỉ giảng để dùng bữa. Thầy không màng, vẫn tiếp tục giảng. Sợ thày đói, người đệ tử nam đó đã lấy muỗng xúc đồ ăn, đứng lên đút cho Thầy. Trong cái muỗng đó, rõ ràng là một miếng cá. Thầy nhai và nuốt một cách rất hồn nhiên, và tiếp tục giảng. Khi thức giấc, sợ quên, tôi vội vàng ghi lại giấc mơ. Ngồi suy tư, tôi chợt nhận ra 3 điều tôi đã học được từ giấc mơ này, tôi xin được chia sẻ cùng quý đạo hữu: 1/ Khi không còn lệ thuộc vào thân tứ đại giả hợp này, nói một cách khác, khi sống được với giác tánh, no đói không còn là cái gì phải bận tâm nữa. Tâm đại từ bi rộng mở, say sưa chỉ lối dẫn đường cho chúng sinh thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. 2/ Thầy đã không trả lời câu hỏi, mặc dù đã được hỏi 3 lần, vì “Tự tu tự chứng”. Nước nóng bao nhiêu, lạnh bao nhiêu, thì chỉ có người uống mới cảm nhận được. Vì thế, không có câu trả lời và cũng không thể trả lời được. 3/ Thực phẩm chỉ dùng để nuôi thân. Một khi 6 căn không còn chạy theo 6 trần (trong trường hợp này là vị giác), thì đồ ăn người cho ăn đều như nhau. Ngày xưa, khi Đức Phật đi khất thực, ngài cũng ăn những gì người ta bỏ vào bát của ngài, vì tâm của ngài là tâm vô phân biệt. Đêm ngày 8/10/2010 Tôi bước vào một phòng lớn trong thiền viện của Thầy để nghe Thầy thuyết pháp. Khi Thày nhìn thấy tôi, Thầy từ trên bục bước xuống. Thầy đem cái xách tay (purse) và đôi giầy bata trắng viền hồng của tôi bỏ vào cùng một đống, trong đó đã có nhiều xách tay và những đồ đạc nhỏ khác. Tôi có cảm tưởng những vật đó đã ở đó từ lâu (mà những người nghe Phật pháp mang theo lúc đi nghe giảng của Thầy trong quá khứ), rồi Thầy trở lại bục giảng và tiếp tục giảng về chữ “BUÔNG”. Giấc mơ hôm ấy lại cho tôi một bài học nữa: Buông Bỏ. . Cái xách tay thường đựng những giấy tờ cần thiết cho một cá nhân như IDs (driver license, badge đi làm), credit cards, checks nhà băng, tiền mặt, đồ trang sức (jewery), trang điểm (make-ups) v.v… . Còn đôi giầy thì sao? Cũng là một vật do duyên hợp giả tạm mà thành. Buông cho trọn, không dính tới sắc trần, mới mong có ngày vào được nhà Như Lai. Kính thưa quý Đạo Hữu, Cảm nhận được sự hữu hiệu chuyển tâm của “Bước Đầu Học Phật”, đầu năm 2012, tôi đã quyết định đọc quyển sách này vào CD. Mặc dù sách có tựa đề “Bước Đầu Học Phật”, nhưng thật sự bên trong, không những chỉ bước đầu, mà Thầy còn chỉ rõ cho chúng ta tới Bước Cuối Cùng, để nhập cái đích tối thượng, tối hậu của Đạo Phật. Giải Thoát ra khỏi luân hồi sanh tử. Với sự cố gắng diễn tả và đọc rõ ràng lời Thầy dạy, tôi mong sao truyền đạt và chuyên chở được những lời giáo huấn chí tình của Thầy tới tất cả thính giả hữu duyên nghe CD này. Từng lời, từng chữ của Thầy viết trong sách này quả thực vô giá. Mong rằng chúng ta đón nhận, lắng nghe với một tâm rộng mở (open minded), để có thể cảm nhận được và tu hành theo đúng Chánh Pháp kẻo uổng phí cả đời, hầu kịp thời thoát ra khỏi biển mê trong khi còn tại thế. Vì khi tấm thân tứ đại này nằm xuống, liệu kiếp tới có còn phước duyên gặp Chánh Pháp hay không? Nguyện đem Công Đức này, hồi hướng khắp tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật Đạo. Kính ghi, Viết vào ngày 5 tháng 3, năm 2012.