headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 27/12/2024 - Ngày 27 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Sao trời nguyên bất động…

saotroiLâm Thanh Huyền - Hạnh Đoạn dịch.

Trong năm viết cuốn “Sao Trời Mênh Mông”, lúc trời về chiều tôi thường lên núi; tôi hay đi đến ngọn Đại đồn Sơn và Kình Thiên Cương nhất. Tôi rất thích cất giữ các tác phẩm của Đại sư để xem đi xem lại; đón nhận pháp âm khai thị của Ngài và thấm nhuần tinh ba trong đó.

Cái bao trên lưng tôi có đựng một ấm trà nhỏ, loại mà ngày xưa các thiền tăng đi đó đây thường cất nó trong tay áo. Ở trên núi, sức nóng nồng oi của thời tiết cuối hạ phả ra cũng bị bao phủ bởi làn khí mát lạnh.

Tôi mở túi vải, bày dụng cụ ra, pha một ấm trà xanh, tự rót tự thưởng thức. Nếu như pha trà ở thành thị, hương trà tan loãng rất mau. Nhưng ở trên núi, do không khí thanh tịnh nên hương trà còn lắng đọng, hòa quyện vờn quanh, lâu thật lâu mới bay lên trời.

Khí trên núi tĩnh lặng, mùi trà thơm bốc lên hấp dẫn, kích thích loài ong bướm tìm tới dò la; chúng lượn vòng, bay xúm xít theo làn hương, thậm chí có lúc lũ đa đa trên ngọn trúc và loài lam thước trên cây tùng nhịn hết nổi, cũng sà xuống thám thính cho tường tận, chúng chẳng tỏ vẻ sợ hãi chi; tôi uống mặc tôi, chúng cứ nhởn nha tản bộ.

Tôi ngước nhìn trời, dõi mắt nhìn theo lũ bướm ong đang đuổi theo hương trà; sự yên tĩnh đến độ nhập thần. Hương trà bay lên trời thành những sợi mây lành; sắc bướm rực rỡ kia nối kết như cầu vồng sau cơn mưa. Hoặc giả loài lam thước mỹ lệ hầu như sắp tuyệt chủng này có thể bắc cầu lam, và con người có thể sống thông cảm, hiểu nhau, tạo nên một đời sống trí tuệ chan hòa yêu thương. Hoàng hôn trên núi cực tịnh, cực không; trong thời khắc vô thanh tịch lặng này lại tràn đầy thiên ngôn vạn ngữ.

Tôi vừa uống trà, vừa ngẫm nghĩ đến những điều đã viết về lời dạy của sư phụ trong ngày; lòng tràn ngập niềm phúc lạc rỗng rang. Ngày xưa tôi cũng tự xưng là đồ đệ của Đại sư, nhưng chưa một lần bước được vào cảnh giới tinh thần thâm diệu như Ngài. Mà hình như ngày xưa tôi cũng thường đến Kình Thiên Cương và Đại Đồn sơn, song trước đây tôi chưa bao giờ cảm thấy núi sông thân thiết thế này, cả lũ bướm sặc sỡ lẫn loài lam thước kia, cứ như quen biết đã lâu.

Uống trà xong tôi xuống núi, lập tức từ chỗ cực tịnh cực không bước vào chốn huyên náo cực loạn. Dòng xe cộ qua lại tấp nập đã quá quen thuộc với tôi. Tiếng động cơ và kèn xe gầm rú không phải ở trên đường mà là trong trí óc tôi. Những tiếng ồn náo rộn ràng này làm tôi chán ngấy; so với sự thanh lương trên núi thì thật là tương phản: giữa muôn ngàn âm thanh huyên náo là một cõi không lặng, một vùng tịch nhiên; các hình ảnh rộn ràng kia trông giống như các động tác quay nhanh, chậm của cuộn phim câm trong điện ảnh. Đi xuyên qua dòng xe cộ, hòa lẫn vào làn sóng người, tôi có cảm giác như mình từ kiếp khác trở về.

Những đổi thay trong cảm nhận này khiến tôi ngộ ra, ở trong chỗ yên tĩnh vắng vẻ được an ổn thì không khó, song giữ được huệ tâm và lòng bi mẫn giữa chốn ồn náo thì thật là gian nan.

“Phật Giáo Nhân Gian” của Đại sư Tinh Vân là như thế đấy. Nghĩa là đi vào trong phố phường hỗn loạn vẫn có thể thấy được cảnh thanh tịnh mỹ lệ; giữa chốn hồng trần ồn náo vẫn giữ được lòng tĩnh lặng an hòa. Thậm chí có đối mặt với búa rìu dư luận vẫn giữ được lòng từ bi; càng gặp cảnh khổ thì trí tuệ càng gia tăng; giữa cơn lốc xoáy cuồng nộ của thế gian, vẫn không mất đi lòng bao dung; thản nhiên, đầy dũng khí. Trong thời khắc chơi vơi giữa giòng, vĩnh viễn không mất niềm tin với đạo, vẫn một mực kiên trì giác chiếu.. Đến được chỗ nòng cốt của “Phật Giáo Nhân Gian” thì luôn nhất như vì “pháp nhĩ như thị !”

Nhớ lại hồi còn bé ở Kỳ Sơn, tôi rất thích đến thăm làng Đại Thọ ở vùng lân cận. Thời ấy giao thông chưa thuận tiện nên tôi phải đánh một vòng qua Khê Châu mới đến được Phật Quang Sơn. Hành trình đi lẫn về như thế đối với một chú bé lên mười cỡ tôi thì đúng là xa thăm thẳm. Thế nhưng mỗi lần đến, nét đẹp thuần phác và ưu mỹ của Phật Quang Sơn luôn làm dâng trào trong tôi một cảm giác thanh lương tràn ắp, khiến tôi ngây ngất, khó thể diễn tả bằng lời.

Tôi yêu làng Đại Thọ, luyến mộ Phật Quang Sơn và quí trọng Đại sư Tinh Vân. Trong độ tuổi thơ dại thuở ấy, đối với tôi Đại sư Tinh Vân là Phật, Bồ-tát, là Đại Hùng Bảo Điện; và tôi luôn đứng trong đám đông, tận đằng xa, chắp tay kính lễ Ngài.

Đến tuổi thanh niên, tôi khởi sự học đạo. Đại sư Tinh Vân từ trong Đại Hùng Bảo Điện bước ra; Ngài khai mở, dẫn dắt cuộc đời tôi bằng những tư tưởng thâm diệu. Tính cách của “Phật Giáo Nhân Gian” giúp tôi hiểu được pháp vị viên dung của lòng từ bi trong các mối giao cảm. Vào những đêm thanh vắng, xem lại các tác phẩm sư phụ viết, tôi thường nghĩ: người sinh ra đời thì có cha mẹ xác thân; bước vào tri thức thì có cha mẹ tri thức; người học đạo tu hành thì có cha mẹ pháp thân; Đại sư Tinh Vân, nếu nói theo sự ngưỡng vọng của bao người thì chính là cha mẹ pháp thân vậy !

Từ thuở thanh niên tôi đã hằng ao ước được viết một quyển sách về Đại sư. Hi vọng quyển sách này có thể diễn tả sít sao về phong cách mẫu mực, đường lối tu, chí hướng, tư tưởng, cùng các ảnh hưởng rộng lớn của Đại sư trong mọi mặt, có thể chuyển đạt được tình nghĩa Ngài dành cho thế nhân, giúp mọi người hiểu được tâm tư, hoài bão của Ngài.

Những năm gần đây, nhân duyên chín mùi, tôi có nhiều cơ hội thân cận Đại sư, được nghe Ngài dạy dỗ, được phỏng vấn và ghi chép những câu chuyện lịch sử do chính Ngài kể ra, được duyệt lại các tác phẩm Ngài viết; như thế, từng chút, từng chút một, dần dần đã giúp cho tâm trí tôi được khai mở. Tâm nguyện suốt bao năm qua, cuối cùng cũng hoàn thành, quyển “Sao Trời Mênh Mông” nay đã được viết xong.

Chẳng phải tôi muốn vì Đại sư khắc bia lập truyện; những sách viết về Ngài đã có rất nhiều. Quyển sách này tôi chia làm mười tám chương, giống như viên kim cương có mười tám mặt; hi vọng nó sẽ chiếu ra những tia sáng rực rỡ về sự nghiệp hoằng đạo, về chí hướng và nhân cách chói lọi của một đời tôn sư. Tôi tin vào tính chất toàn mỹ của viên kim cương, càng có nhiều mặt, càng sáng giá, rạng rỡ. Tôi cũng chẳng đơn thuần viết sách để tả nhân vật, mà là: tả pháp, tả Phật quang, tả... nhất phiến quang minh! Như khi lên đỉnh núi cao ngắm mây nhìn sao, dõi mắt tìm kiếm một vì tinh tú sáng chói giữa vòm trời bao la; vì sao ấy hiện diện từ thưở Phật ngồi dưới cội Bồ đề và còn tỏa sáng mãi đến bây giờ; trong khoảng không mênh mông vô hạn, lặng nhìn dáng mây trôi, “Vân tại thanh thiên, thủy tại bình!” Ngàn vạn năm sau vẫn mãi như thế.

Khi viết quyển sách này, lòng tôi dạt dào niềm tri ân. Vì trong thời buổi mạt pháp mà được làm đệ tử Đại sư thì quả là muôn vàn hạnh phúc. Nhớ lại thời Đường, các thiền tăng đi tham vấn tìm thầy học đạo phải vạn lý bôn ba, phiêu bạt đó đây, những mong tìm được một bậc minh sư có thể giúp mình khai tâm mở tánh. Biết bao người không đủ phước duyên, đành ôm niềm thao thức ấy đến phút lìa đời. Chúng ta thật may mắn làm sao! Đại sư Tinh Vân vượt biển, phiêu dạt tới Đài Loan kết duyên cùng chúng sinh. Được tương phùng với bậc thầy vĩ đại của trời người như thế này phải nói là cơ hội hãn hữu, ngàn vạn năm chỉ có một lần !

Ôi! có Đại sư trụ thế trong cuộc đời, thật là diễm phúc biết ngần nào! Trong lúc phiêu bạt giang hồ, chúng ta có được nẻo quay về; giữa biển khơi mù mịt, chuyến hải trình đãõ tìm ra hướng xán lạn để đi.

“Sao Trời Mênh Mông” không phải chỉ dành để ca tụng Đại sư, mà làø dành cho tất cả - dù ở ngoài vạn lý xa xăm hay đến ngàn vạn năm về sau! - Mong rằng, trong đêm thâu tĩnh mịch, sẽ có người tình cờ đọc được tác phẩm này và cảm nhận được niềm hạnh phúc tương tự như thế.

“Sao Trời Mênh Mông” không chỉ vì Đại sư mà viết, mà còn vì những chúng sinh hữu duyên và vô duyên; hi vọng thông qua tác phẩm này mọi người sẽ được biết đến và hiểu Ngài, để cùng kết thiện duyên với Đại sư. Được vậy, cho dù chẳng gặp Ngài, song thông qua cuốn sách này mọi người đều có thể nếm được pháp vị mỹ hảo.

Như làn hương trà trên núi khi bay lên trời; ong bướm vờn quanh, lam thước ca múa; con người cũng giống thế. Có ba cảnh giới được người ta ưa chuộng nhất trong đời: Một là êm tai đẹp mắt, hai là thích ý vừa lòng, ba là tinh thần sảng khoái. “Phật Giáo Nhân Gian” nhằm giúp con người chuyển hóa tâm linh, thăng hoa thần trí, mỹ hóa tai mắt, tâm ý. Chẳng những không chối bỏ cảm thọ mắt tai, cũng không đè nén mỹ tình mỹ ý. Tôn giáo, chính là tạo nên sự tốt đẹp trọn vẹn cho cuộc sống! Nghĩa là dù nhỏ như hương trà, hay lớn như bầu trời, sao, mây, đều có thể giúp ta ngộ ra cứu cánh viên mãn, tột ý tột cảnh!

Trải qua hơn một năm, “Sao Trời Mênh Mông” cuối cùng đã hoàn tất. Tôi vẫn thường lên núi như trước. Nhận thấy cảnh vật không đơn thuần là núi mà còn tùy thuộc vào cảm tính của mình: núi xuân đạm nhã; núi hạ xanh tươi; núi thu trong lặng; núi đông không tịch. Lúc nội tâm chúng ta rắn rỏi thì thấy sấm sét gió bão; vách núi cheo leo. Khi lòng ta nhu hòa thì thấy cảnh vật dịu dàng, trăng thanh gió mát, sao mây hữu tình... Thường thì đứng trên núi ngắm sao mai hay thưởng thức ráng chiều, tâm tư luôn sảng khoái, thần trí dễ lâng lâng...

Tôi sớm mai viết sách, hoàng hôn thì lên núi. Trong thời gian viết quyển sách này, thấy sáng sớm hay hoàng hôn gì cũng đều là lễ Triều sơn cả. Vì nhân cách, chí hướng, sự nghiệp của Đại sư Tinh Vân đúng là cao vợi như núi. Mỗi lần đi vào núi tôi đều có những xúc cảm không đồng, những khai mở không đồng. Thế nhưng, phải miêu tả nét đẹp trong núi như thế nào đây? Tâm tình này tôi viết hết trong sách, hi vọng độc giả sẽ đến được núi ấy, để cùng lên đỉnh ngắm sao nhìn mây, chiêm ngưỡng vũ trụ bao la.

Ôi! “Tất cả chúng sinh đều có đức tướng trí huệ Như Lai, do chấp mê vọng tưởng nên không chứng đắc được!”

Nhiều năm xa xưa về trước, có một chàng tuổi trẻ ngồi dưới cội Bồ đề nhìn thấy sao mai mọc ven trời và hoát nhiên ngộ đạo, nhận ra nét đẹp thiên không và nét đẹp tâm linh đang giao cảm, vì sao ven trời và vì sao trong lòng cùng tương ngưỡng. Thế giới đổi thay từ đó!

Tôi hi vọng có thể viết ra được hết những nét đẹp kỳ mỹ này !

[ Quay lại ]