headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐỐI DIỆN TỬ VONG ĐỪNG SỢ HÃI

maĐai sư Tinh Vân – Hạnh Đoan dịch 

Suốt đời tôi, người mà tôi kính trọng nhất là bà ngoại Lưu Thị. Kháng chiến bắt đầu bà bị quân Nhật đốt, đâm, ném xuống sông nhưng may là không chết, bà bảo tôi: Đối diện với cái chết, đừng nên sợ hãi.

Sau này tôi nhiều phen đi giữa chết chóc cũng không hề hoảng sợ, bởi vì lời bà ngoại nói, đối với với tôi có ảnh hưởng rất sâu.

Tôi suốt một đời đi khắp năm châu bốn biển mặc dù xấu hổ công đóng góp hiếm hoi, nhưng tự nghĩ đối với Phật giáo đã luôn tận lực gánh vác, nhờ vậy mà cuộc sống hằng ngày luôn được pháp hỉ sung mãn.

Người ta thường hỏi tôi quan niệm thế nào về sinh tử? Tôi đã nhiều lần chạm mặt với cái chết, nên đối với sinh tử, theo lời bà ngoại nhắc nhở, tôi ngộ được rằng: Sinh chưa hẳn là vui, tử chưa hẳn là buồn.

Nhớ lại hồi nhỏ tôi vừa gan lì vừa nghịch ngợm. Có lần đi đường gặp phải một cái mương rất to, tôi nghĩ chỉ cần nhảy một cái là qua khỏi, ai dè lại bị rớt xuống đó, còn bị miểng chai đâm vào làm chân tôi tét hai, máu tuôn xối xả. Ngay lúc đó, tôi xé một góc áo băng qua quýt cho xong, khi về cũng không đi bác sĩ. Được một thời gian, vết thương tự lành. Nghĩ lại hồi ấy, tuổi tôi quá nhỏ nhưng tôi luôn nhớ lời bà ngoại nói và tinh thần dũng cảm của bà đã ảnh hưởng, giúp tôi không biết ngán sợ chi, cảm thấy chết cũng không có gì là quan trọng đáng ghê.

Bị rớt vào sông băng cả người đông cứng

Ở quê tôi vào mùa đông tuyết rơi nhiều, giá rét đến nỗi các con sông đều đóng băng.  Tôi thường cùng anh nô đùa trong tuyết, chơi cút bắt trên sông băng.

Lúc tôi tám tuổi, vào một chiều cuối đông, tôi dạo chơi một mình trên sông băng, bỗng thấy xa xa có khối tuyết hình giống như trứng ngỗng, tôi tính đến đó định nhặt lấy để kiểm tra, nhưng đến nơi rồi mới phát hiện đấy chỉ là khối băng bị vỡ có hình dáng giống vậy thôi. Nhưng thiệt rủi, lúc tôi xoay mình bỏ đi thì một chân bị lọt thỏm vào chỗ băng vỡ, rồi trong khoảnh khắc cả người bị nhấn chìm trong sông băng, dù ráng hết sức vẫn không sao trèo lên để thoát ra được.

Lúc này toàn thân tôi đều bị đóng băng lạnh cóng, thầm nghĩ mình ắt bị chôn trong sông băng, chỉ còn đường chết, vì đâu có ai hay biết mà giải cứu. Thế rồi tôi lịm đi.

Chẳng biết là bao lâu đột nhiên tôi có cảm giác như mình đang phiêu bồng, du ngoạn, rồi chợt thấy mình đứng sừng sững trước cửa nhà trong cơn gió lạnh. Tôi gõ cửa, anh tôi ra mở cửa, hỏi tôi: Chuyện gì xảy ra vậy? Lúc này tôi mới phát hiện toàn thân mình cứng đờ, băng kết thành khối. Nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi sông băng thì tôi không hiểu nổi, nghĩ hoài không ra. Người nhà vặn hỏi mãi tôi mới nhớ mang máng là hình như có một bà già đã bế tôi đem về đặt trước cửa nhà.

Năm chiến tranh Trung – Nhật bùng nổ, tôi mới lên mười, đối với việc sống chết bắt đầu có ý thức. Lúc này khắp nơi khói lửa mù trời. Từ tiền tuyến tin tức người bị thương vong không ngừng báo về, chúng tôi ở chốn hậu phương không phút giây nào mà không chìm trong nỗi khiếp hãi đạn bom, lúc ấy xem như sống ngày nào hay ngày đó.

Hồi ấy bầu trời luôn âm u không sáng vì khói lửa mịt mù. Các hội kháng Nhật trong dân gian như hội Lan Hoa, hội Đại Lực v.v… ráo riết tổ chức, phát động chiến dịch tập võ thuật đao côn và luôn hô hào: Giết bọn quỷ! Giết bọn quỷ! Chúng tôi cũng hăng hái phụ thét gào, góp phần làm cho bầu không khí thêm khẩn trương.

Mỗi khi trận chiến kết thúc, trẻ con đầu chợ cuối phố đều ùa ra, thấy lác đác thây người chết, cũng chẳng hiểu chết là thế nào. Mãi đến một chiều, tôi vì trốn cuộc truy sát của quân Nhật, trong lúc nguy cấp, trí chợt sáng ra. Tôi lủi đại vào trong đám thây người, nằm im vờ nín thở như mình đã chết, lúc ấy tôi bỗng cảm nhận sự khác biệt giữa sống và chết té ra chỉ nằm trong hơi thở mà thôi.

Thọ giới đốt đầu nhận họa được phúc

Tôi xuất gia tại Thê Hà Sơn, trong lúc thọ giới đốt liều, giới sư cầm nhang thổi lửa cháy phừng phừng, dí vào đầu tôi tạo thành mười hai chấm sẹo trong một lúc, khiến đầu tôi lõm xuống như thung lũng. Chuyện đau đớn không quan trọng, không đáng kể chi. Nhưng do thần kinh não của tôi bị đốt phạm, biến tôi thành kẻ ngu ngốc, đần độn lú lẫn, quên trước quên sau. Nhưng lòng tôi tuyệt không có chút oán trách. Sau đó mỗi nửa đêm tôi thường lẻn dậy, thành tâm lễ Phật, cầu xin Bồ tát Quan Âm gia hộ cho, nhờ vậy mà trí nhớ của tôi được phục hồi thông tuệ hơn hẳn ngày trước. Chuyện bị nạn vì đốt liều không ngờ cuối cùng lại hóa thành duyên lành được phúc, tín tâm đạo niệm của tôi nhờ vậy càng gia tăng mạnh mẽ.

Bị sốt rét ung nhọt, đạo tâm thêm kiên cố

Năm mười bảy tuổi, tôi bị sốt rét, lúc lạnh lúc nóng thực khó chịu. Khi đó những người tham học tại tùng lâm thường phó thác thân mình cho long thiên hộ pháp nên dù có bịnh cũng chẳng ai hé môi xin phép nghỉ ngơi. Tôi mặc kệ thân bịnh suy yếu, cứ theo chúng làm việc cho đến sức lực cạn kiệt, té xỉu phải nằm nghỉ trên giường.

Độ một tháng sau, gia sư thượng nhân Chí Khai sai người đem cho tôi nửa chén mắm thái, tôi đón nhận mà xúc động rưng rưng, thầm cảm tạ sư phụ ưu ái. Thế là tôi lập nguyện: Ngay trong đời này con nhất định sẽ đem hết thân tâm phụng hiến cho Phật giáo để báo đáp ân sư.  Chưa được mấy ngày bệnh tôi lành hẳn.

Hai năm sau, tôi đến Phật học viện Tiều Sơn học, không hiểu sao toàn thân bị nổi đầy mụn ghẻ, trải qua mấy tháng chẳng thuyên giảm. Ngày thường đau nhức khó chịu chẳng nói làm gì, nhưng lúc trời nóng nực, người ẩm ướt, mụn mũ chảy ra hòa với mồ hôi dính chặt vào quần áo, khiến mỗi lần tắm rửa thay y phục thì từng lớp da trên mình cũng bị vuột theo, đau kiểu này mới là buốt tim gan  và khổ hết chỗ nói. Lúc đó vật chất túng bấn, ngày ba bữa ăn không đủ no, nói chi đến việc xuống núi khám bệnh. Vả lại thấy mệnh cũng chẳng đến nỗi tuyệt nên tôi ráng chịu đựng cho qua.

Trong tử ngục vô vọng được thoát hiểm

Sau khi tôi rời Phật học viện Tiều Sơn ra làm hiệu trưởng trường Bạch Tháp, nhằm lúc trong nước nội chiến nổ ra vô cùng ác liệt. Hằng ngày hai bên đều phái người đi khắp nơi tìm bắt các phần tử khả nghi. Những ai bị bắt là phải hứng chịu đánh đập rất tàn nhẫn nên số người chết oan uổng không phải là ít.  Vào thời buổi này, gió thổi hạc kêu, cỏ cây lay động… cũng bị nghi là giặc. Hương  thôn thường ngày yên tĩnh chất phác, bây giờ bao phủ xác khí đằng đằng.

Ngày nọ, khi khổng khi không tôi cũng bị bắt, họ nhốt đâu được mười ngày. Ngay lúc bị áp giải tới chỗ thọ hình, tôi ngắm nhìn cảnh hoàng hôn ảm đạm trước mắt, lòng không sợ chết nhưng quả thực có tiếc nuối. Bởi vì tôi mới hai mươi mốt tuổi, còn nhiều hoài bảo, lý tưởng chưa thực hiện được… Bây giờ có chết đi thì sinh mạng này cũng như bọt nước tan trong nháy mắt… Chỉ tiếc là sư phụ, bà ngoại, mẫu thân đều không hay biết tin…

Tôi đang nghĩ ngợi thì bỗng một người tiến lại, kéo tôi ra chỗ khuất, cho tôi đào sinh. Kinh nghiệm trong chết được sống lần này khiến tôi càng hiểu lời bà ngoại: Đối diện với cái chết không có gì phải kinh hoảng. Thật chí lý bởi vì có sợ hãi thì cũng đâu ích lợi gì.

Năm 1949 vận nước thay đổi, tôi theo đội tăng lữ cứu hộ đến Đài Loan. Do lúc đó có tin đồn Đại Lục đang mật phái 500 vị tăng xâm nhập Đài Loan thực hiện việc đảo chính. Điều này khiến các tu sĩ chân chính mang họa và thọ nạn thảm thương. Tôi và pháp sư Từ Hàng cùng hai mươi mấy vị tăng có nguồn gốc ngoại tỉnh đồng bị bắt. Một lần nửa tôi bị nhốt vào ngục, bị trói chặt đến chẳng thể nằm, ngồi hay nghỉ ngơi.

Tình hình lúc đó rất căng, nếu bị gán tội gián điệp thì coi như chết. Tôi lúc này tâm tư vẫn thản nhiên, ung dung vô úy.

Hai mươi ba ngày sau, nhờ có Ngô Kính Hùng, bà Trương Thanh Dương và nhiều người khác ra sức vận động chạy vạy bôn ba mới cứu được chúng tôi ra ngoài. Tôi thêm một lần nữa được nếm mùi sống lại, trong lòng trào dâng niềm cảm xúc tri ân, nhân đây càng khởi chí nguyện hoằng pháp lợi sinh mãnh liệt, thâm sâu.

Người xe rớt xuống vực, bị đại nạn không chết

Năm đó tôi ngụ tại một ngôi chùa ở Trung Lịch. Có lần tôi cưỡi chiếc xe đạp cũ kỹ, đang xuống dốc nên xe phóng rất nhanh mà con đường đèo ven núi thì quá hẹp và gập ghềnh khúc khuỷu, vì phải nhường đường cho hai cô bé học sinh đi nên tôi lách tránh, dè đâu cả người lẫn xe đều rơi xuống vực sâu cỡ mấy tầng nhà.

Lúc tỉnh dậy, tôi phát hiện đầu mình chúc xuống, chân chổng lên trời còn xe đạp thì gãy nát, vỡ thành ba mươi mấy khúc nằm tan tác trên đất. Đúng là một trận trời xoay đất chuyển, sao bay loạn tới nổ đom đóm… Ngay khi mở mắt tỉnh dậy tôi nghĩ chắc mình lìa trần rồi.

Đợi một lúc không biết bao lâu, tôi gắng gượng ngóc dậy ngồi trên đất. Ngoái nhìn xung quanh, quan sát cỏ hoa cây đá… tôi ngạc nhiên nghĩ thầm: Sao âm cảnh và dương gian quá giống nhau? Lòng hoang mang tôi tự hỏi: Rốt cuộc thì mình đã chết chưa hay vẫn còn sống. Tôi sờ nhẹ lên đầu lần tới tứ chi, thấy không có gì khác lạ, tôi bèn khịt khịt lỗ mũi, kiểm tra tim miệng, phát hiện hơi thở vẫn còn. Đúng là tôi gặp đại nạn mà không chết. Thế là tôi đứng dậy, thu nhặt xác chiếc xe đạp, dùng dây cột nó lại, vác trên vai rồi đi về. Trên đường tôi tiếc thầm chiếc xe nát vụn, tổn thất thảm hại. Hôm đó tôi ghi vào nhật ký: Bình thường người cưỡi xe, hôm nay xe cưỡi người.

Năm hai mươi tám tuổi, vì lo việc in chụp Đại tạng kinh, tôi ôm kè kè cái máy thu hình lớn, để nó trên chân cho êm, cho nó khỏi bị dằn xóc hư hao và ngồi xe hướng dẫn đoàn hoằng pháp đi đến Hoa Đông truyền giáo. Không ngờ chân vì vậy mà bị bệnh nặng, đau nhức vô kể. Bác sĩ nói: Chẳng còn cách nào khác, chỉ còn cưa chân để tránh bịnh ăn lan, day dưa nguy hiểm. Tôi nghe nói, lòng chẳng buồn, tự nghĩ: Phải cưa chân, chẳng thể đi được nhưng vẫn còn may mắn, vì tôi có viết lách hoằng pháp vậy cứ tùy duyên mà làm công tác văn hóa Phật giáo.  Tôi chẳng chút kinh hoảng, ngược lại còn ráng lo cho đủ chi phí để cưa chân. Ai dè mấy ngày sau, chẳng dùng thuốc mà bệnh tự hết, tôi rất mừng vì không bị mổ xẻ.

Nhưng bốn mươi năm sau, tôi té trong nhà tắm, bị gãy xương chân. Sau khi phẩu thuật, vừa tỉnh dậy, tôi liền cho nhân viên hộ lý thông báo cho chúng đệ tử thăm nuôi bên ngoài biết là tôi rất an ổn, cho họ đỡ lo.

Hai năm nay tôi chống gậy vân du, đi khắp các nơi hoằng pháp như thường, quả thật tôi chưa từng thấy có chút trở ngại, ngược lại còn ngộ ra rằng: Đời người nếu chưa nếm trải chút khiếm khuyết thì chưa phải là việc tốt. 

 Lũ núi cuồn cuộn như thác, tịnh xá vô ngại

Năm 1957, nhờ tín đồ phù trợ tôi mua được một ngôi nhà tại Tân Bắc Đầu  đặt tên là Phổ Môn tịnh xá. Tôi nhớ có một đêm giông to bão lớn, tiếng ồn như đào núi lấp sông. Trời mưa như trút, ào ạt không ngừng, một nửa eo núi bị sạt lở, cát đá đổ nhào.

Tôi ngồi tĩnh tọa niệm Phật trong bóng tối, nghe như có thiên binh vạn mã chạy rầm rập không ngừng giữa đêm mưa bão, trong lòng chẳng sợ sinh mạng mình bị nguy hiểm, chỉ thầm lo: Nếu như phòng ốc bị gió bão hủy đi, không những đã phụ mỹ ý tín đồ, còn để cho nhân sĩ trong giáo giới cười tôi phúc báo chẳng toàn.

Hôm sau trời sáng, bão ngừng mưa tạnh, tôi tản bộ ra ngoài kiểm tra tình hình, thấy trên núi nửa phần trên còn tốt vô ngại, riêng nửa phần dưới núi hoàn toàn bị sụp đổ, san bằng. Nửa núi trên thành ra giống như nằm gác trên không, lửng lơ vô căn cứ. Tịnh xá cũng chẳng bị đá lở rơi đè. Mọi người chứng kiến cảnh này, không ai mà không suýt soa khen, cho là quá kỳ lạ. Lúc thiên tai giáng, tất cả đều ướt mồ hôi vì lo lắng cho tôi. Riêng tôi chỉ biết âm thầm cảm tạ chư Phật, Bồ tát đã phù hộ che chở.

Giữa năm 1981, lưng tôi đau kịch liệt, bác sĩ tổng y viện Vinh Dân khám và chụp X quang cho tôi, bảo rằng thọ mạng của tôi chỉ còn hai tháng nữa thôi và bác sĩ dặn dò: Mấy ngày sau thầy nhớ tới khám. Tôi do bận bôn ba hoằng pháp khắp Bắc Nam công việc quá bề bộn nên quên béng hết.

Một năm sau, lúc bác sĩ khám lại cho tôi, ông cả kinh kêu lên một tiếng, suy nghĩ rất lung rồi bảo: Trước đây trên lưng từng có bị thương gì chăng? Tôi suy nghĩ một hồi, sực nhớ là mấy năm trước lúc đi kiểm tra tình hình thiên tai bão giáng, khi leo lên chỗ cao tôi bị té, ngã trên đất, nhân vì pháp vụ bận rộn nên không đi khám bác sĩ, thời gian qua lâu rồi quên bẵng luôn. Giờ mới hiểu ra điểm đen khi chụp X quang chính là chỗ máu bầm tích tụ trong mình chưa tan.

Những người kế thừa giỏi việc

Tôi nhớ cư sĩ Lý Quyết Hòa thân phụ Từ Trang, năm 1964 tại hội niệm Phật Nghi Lan nhậm chức tổng vụ chủ nhiệm, lúc khánh thành chùa Thọ Sơn, ông thỉnh tôi đến Cao Hùng trợ giúp, ông bị bệnh thổ huyết không ngừng, bèn thỉnh bác sĩ đến khám. Lúc này mới phát hiện lục phủ ngũ tạng của ông toàn bộ hư hại đã nhiều năm. Ông không cho đó là vấn đề nghiêm trọng, hằng ngày vẫn hăng hái công tác bận rộn túi bụi. Vậy mà sau đó ông còn có thể sống thêm hai mươi năm nữa. Đến bảy mươi lăm tuổi, ông theo tôi xuất gia. Năm tám mươi mới xả thọ mệnh vãng sinh.

Trong đám đồ chúng tuổi trẻ, cũng có vài người bị bệnh nan y khó trị nhưng họ không hề sợ hãi, chẳng hạn như Vĩnh Văn. Lúc hai mươi tuổi, vừa tới nước Mỹ đã bị bệnh ung nhọt lở đỏ, đành cam mang bệnh, chịu khó học, cuối cùng cũng đạt thành tích ưu việt. Trong một năm, cô hoàn thành bằng bác học khoa học Mỹ quốc, được ban giáo sư toàn trường công nhận là nữ ni sinh ưu tú. Mười mấy năm nay, cô chịu đựng bịnh khổ mài luyện, mấy lần suýt mất mạng song vẫn lạc quan làm việc, chẳng thua kém ai. Giờ cô đang giữ chức hiệu trưởng trường Tây Lai ở Mỹ và chủ trì việc phát hành tờ Phật Quang Thế Kỷ.

Còn các đệ tử khác như Y Khoan, trong lúc trông coi công trình tại chùa Cực Lạc từng bị lũ núi chảy xiết cuồn cuộn cuốn đi, cơ hồ bị vùi xương trong bùn đá, còn Vĩnh Mãn, do vì tận tụy với trách nhiệm giữ bãi đậu xe Phật Quang Sơn mà bị kẻ ác dùng gậy đánh nhầm vào đầu song chẳng hề than khổ, không hề thoái bước chùn chân.

Tinh thần phục vụ đại chúng vì pháp quên mình của họ khiến tôi cảm thấy hết sức an ủi.

Cao tăng cổ đức sinh tử tử tại

Tôi nhớ lại thái độ ung dung siêu thoát đối với chuyện ra đi của chư cổ đức.

Thiền sư Động Sơn Lương giới, họp chúng khai thị xong, ngồi mà đi. Nghe đệ tử kêu gọi bi ai, ngài tội nghiệp mở mắt ra sống lại. Bảy ngày sau cho bày tiệc “trai phạn ngu si” để giáo huấn đồ đệ. Việc xong xuôi, ngài bèn đoan tọa xả báo thân. 

Còn thiền sư Đức Phổ sai đệ tử soạn trai phạn cúng tế. Dùng trai xong, ngài vui vẻ từ tạ.

Vào triều Tấn, loạn Từ Minh làm phản, cướp nhiễu nhà dân, thiền sư Tính Không một mình tới trại giặc, thấy giặc muốn chém đầu mình, ông bình thản ngâm kệ: Nam tử hán sống cương trực vui an. Chúng giặc thấy vậy xúc động, chẳng những không giết còn hộ tống đưa ông về núi, lúc ấy nhân dân nhờ đó mà được tiêu tai thoát nạn. Sau này trước khi chết, ông dự biết trước, ngồi thổi sáo trong thùng gỗ thả lênh đênh trên sông, theo dòng mà hóa. Ba ngày sau người ta phát hiện ông ngồi hóa trên bãi cát tại Sa Than Tượng.

Ngoài ra có thiền sư Đơn Hà đứng thẳng mà hóa. Phật sống Kim Diệu Thiền trong lúc xối nước tắm điềm nhiên lặng lẽ hóa.

Riêng thiền sư Ẩn Đặng Phong lại ra đi trong tư thế trồng chuối. Chuyện cả nhà cư sĩ Bàng Long Uẩn sinh tử tự tại cũng trở thành đầu đề thú vị khiến mọi người phải bàn tán ca tụng.

Những bậc tiên hiền thiền môn mẫu mực này đến đi tự tại há chẳng phải là đã thị hiện thuyết pháp cho hạng phàm phu tục tử chúng ta rằng: Buông bỏ chấp trước, tùy duyên phóng khoáng, ắt có thể siêu việt ngoài vòng sinh tử hay sao.

Bình thường tâm thị đạo. Sinh tử vần xoay vốn là lẽ thường của trời đất lưu chuyển vì vậy ta cần giữ tâm bình thường để nhìn và đón nhận tử vong.

Người chết rồi, chẳng qua chỉ là một cuộc thay đổi thân xác, thay đổi cái vỏ ngoài mà thôi còn ý thức của chúng ta cho đến nghiệp lực cũng là mỗi đời mỗi thay đổi. Vì vậy sinh cố nhiên không phải thật có, tử cũng chẳng thật diệt. Vốn đã như thế, khi sinh tử làm sao lại sợ? Quan trọng nhất là phải nắm ngay thời khắc hiện tại sáng tạo cuộc sống cho thật tốt đẹp.                      

[ Quay lại ]