headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG

duongveViên Luận

Sống trên thế gian ai cũng mong muốn mình có một cuộc sống hạnh phúc và bình an. Trên con đường đi tìm kiếm hạnh phúc và bình an đó không hẳn ai cũng tìm được dễ dàng. Vì cuộc sống vốn bất toàn. Nhưng cuộc sống lại là một cuộc hành trình cho chúng ta trải nghiệm để tồn sinh. Thế nên, dù đường đời hay đường đạo, dù thuận hay nghịch, dù hạnh phúc hay khổ đau thì xin chúng ta hãy vững lòng tin để đi, đi mãi và luôn tin rằng sẽ có kỳ diệu dành cho ta nơi cuối con đường.

Đường chúng ta đi ở đâu? Đường chúng ta đi ở dưới chân chúng ta đó. Hãy lên đường bạn nhé! Vậy con đường nào dành cho bạn và con đường nào dành cho tôi ?

Thầy Giáo thọ có lần dạy chúng tôi câu chuyện trong “Sự tích đức Phật” như sau:

Một buổi sáng, đi khất thực ngang qua cánh đồng, đức Phật và các vị khất sĩ bị một nông dân chặn đường, ông nói:

- Chúng tôi là nông dân, phải cày sâu cuốc bẫm, gieo trồng bỏ phân, chăm bón và gặt hái mới có được gạo ăn. Còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà cũng có ăn. Các vị không có lợi ích gì cho đời, không cày, không cuốc, không gieo trồng, không bỏ phân, không chăm bón, gặt hái.

Đức Phật nói với người nông dân:

- Có chứ, chúng tôi có cày cuốc, gieo trồng, bỏ phân, chăm bón và gặt hái.

- Cày của quý vị đâu, cuốc của quý vị đâu, hạt giống của quý vị đâu? Các vị chăm bón cái gì, săn sóc cái gì, gặt hái cái gì ?

Đức Phật trả lời:

- Hạt giống của chúng tôi là niềm tin. Đất của chúng tôi là chân tâm. Cày của chúng tôi là thiền định. Mùa màng của chúng tôi là hiểu biết, thương yêu và học cách vượt qua đâu khổ. Điền chủ! Nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc sống sẽ khô cằn và đau khổ lắm. Chúng tôi cũng gieo trồng và gặt hái như điền chủ.

Qua bài học trên, thầy Giáo thọ đã dạy và khuyên bảo chúng tôi phải luôn có niềm tin, phải nỗ lực tu tập, như lời đức Phật đã dạy: Nhưng với tôi thì không chỉ là những lời khuyên mà bài học như một động lực giúp tôi có niềm tin mạnh mẽ hơn. Rồi bất chợt quá khứ lại trở về, trở về nguyên vẹn mà tôi cứ ngỡ là mình đã quên.

…Ngày ấy, sau bốn mươi chín ngày chờ tuyển người mới và bàn giao công việc, tôi đến gặp chú Giám đốc và nói:

- Con chào chú vì ngày mai con không đến công ty để làm việc nữa.

Chú lặng một lúc nhìn tôi và nói:

- Chú không hiểu con đang nghĩ gì, nhưng đối với chú những người đi tu là những người lười lao động. Con phải làm việc để giúp ích cho gia đình và cho xã hội chứ !

Lúc đó tôi lặng người không biết nói gì đây. Với vốn Phật pháp ít ỏi, và trước một nhà kinh doanh thành công trong xã hội, một người lãnh đạo hang ngàn công nhân, một người cha tốt trong gia đình. Tôi chỉ biết chào chú rồi đi. Một chút bâng khuâng ngần ngại cho con đường mới chọn chợt len lỏi trong tôi. Lười lao động ư? Đi để làm gì? Đi để được gì? Suy nghĩ thế nhưng trong tôi vẫn có điều gì thúc giục. Và tôi đã đến Thiền viện Viên Chiếu để xin công quả. Rồi hội đủ duyên lành, tôi được Thầy cho xuất gia tu học.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, thoáng chốc mà đã bao nhiêu năm rồi. Chủ trương của Sư ông khi lập các Thiền viện là: Tu như hơi thở, học như uống nước và lao động như ăn cơm; nên câu nói lười lao động, tôi dường như đã quên cho tới khi học được bài học trên.

Khi tu học tôi mới biết thật ra có rất nhiều người thế gian vẫn có suy nghĩ như chú Giám đốc về người tu chúng tôi, vì họ chưa đủ duyên gặp Phật pháp nên mới suy nghĩ như thế. Đâu biết được rằng, để có được một Thiền viện khang trang như ngày hôm nay, những hàng cây xanh um, những bồn hoa rực rỡ, những con đường sỏi đá sạch sẽ cho những đoàn khách đến viếng thăm rồi trầm trồ khen ngợi, để có một nơi trang nghiêm thanh tịnh và yên bình cho những hành giả trẻ như chúng tôi tu học thì quý Thầy, quý Sư cô ngày xưa phải lao động vất vả như thế nào ?

Tôi nghe kể lại thuở xưa (cách đây 40 năm) lúc quý Thầy, quý Sư cô mới đến Viên Chiếu, nơi đây là một khu rừng hoang, với chằng chịt tre gai, nhà tranh vách đất chỉ đủ để che mưa, che nắng. Quý Thầy, quý Sư cô thời đó đã san bằng để biến khu rừng hoang thành những đám rẫy ruộng phì nhiêu. Rồi trồng đậu phộng để chế biến thành dầu ăn. Rồi những hàng bắp, hang điều, chôm chôm, mít, sầu riêng, măng cụt, chuối, dừa… được trồng nối tiếp nhau bên cạnh những cột nọc dành cho thanh long và tiêu.

Quý cô kể lại thời đó ăn cháo, khoai thay cơm, gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng những ân tình hòa trong nhịp thở, trong máu, trong xương. Vượt qua tất cả chỉ vì một lý do là tu để giải thoát đau khổ, tìm cái an lành cao thượng, nên dù cho cay đắng, khó khăn, quý Thầy, quý Sư cô vẫn gan dạ, giữ vững lập trường không lùi bước. Những hình ảnh xưa của quý Thầy, quý Sư cô khiến lòng tôi vẫn thầm cảm phục và thầm tri ân, nhờ công sức ấy mà chúng tôi mới nhờ công sức ấy mà chúng tôi mới có nơi tu học như ngày hôm nay.

Thầy tôi dạy mỗi người đều có một con đường riêng cho mình, dù con đường đó phải trải qua bao khó khăn nhưng quan trọng là tâm chúng ta thế nào thôi. Một cái tâm dao động làm sao thấy rõ con đường mình muốn đi. Người mà tâm không an, không thể thấy biết rõ thì không thể nhận chân được sự bình an trên con đường giải thoát đau khổ.

Thuở ấy, thấy mình là luôn đúng, luôn tốt, luôn chịu thua thiệt, oan ức; còn người khác thì không. Ai nói mình dở thì cho mình dở thật, ai nói mình là người lười lao động thì thấy thật khó chịu. Đâu biết rằng, chỉ cần không chấp vào lời nói, mình không có thì dù ai có nói sao cũng không dính dáng gì, vì chấp nên ta luôn lo lắng và đau khổ về những lời khen tiếng chê.

Bây giờ đã biết, học Phật chính là tỉnh thức, tình thức trên con đường thoát khỏi đam mê, thoát khỏi mọi sự rang buộc thế tình, bỏ qua mọi sự bon chen trong cuộc sống. Tỉnh thức để nhìn ra được rằng chỉ có sự bao dung mới hóa giải được sân hận khổ đau. Học cách buông bỏ, luôn nhìn lại chính mình và nhìn mọi vật, mọi việc dưới con mắt rỗng lặng sáng suốt. Tỉnh thức để nhìn ra được rằng, mỗi tan hợp, mỗi mất còn, mỗi thành công, thất bại, mỗi chướng ngại là mỗi nhân duyên cho mỗi hành giả chúng ta trải nghiệm để đi trọng con đường. Và con đường giải thoát là cuộc hành trình xa vạn dặm.

Đường rất dài
Một đường rất dài
Đường sau này mọi người sẽ tới
Cho tương lai không ai thù ghét ai
Đường tỉnh thức.

Thầy tôi vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi phải cố gắng nỗ lực tu tập để đền ơn thầy tổ, cha mẹ và các thí chủ; phải luôn thiết tha tu hành mới không uổng phí đời mình cho con đường đạo mà mỗi chúng ta đã chọn.
 

 

[ Quay lại ]