headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

LÀM BẠN VỚI THANH NIÊN

doanketChánh Thông Giác

Nhiều người gặp tôi lần đầu đều nói: "CTG dễ thương quá ha". Nhưng thật ra quý vị chưa biết quá khứ của tôi chẳng dễ thương chút nào. Tôi có tính hay giận, hay hờn và thường giận lâu với những ai mà tôi quan tâm, thương nhiều.

Hồi nhỏ, vì biết Má thương nên tôi hay làm nũng lắm, mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, tôi thường biểu tình bằng cách nằm im trên gường, xoay mặt vào vách và nhịn ăn. Làm như giả bệnh vậy. Cứ nằm vậy chịu đựng, Má tôi tưởng tôi bệnh thiệt nên vỗ về năn nỉ, dí vào tay tôi một đồng tiền xu, lúc đó tôi mới ngồi dậy ăn uống và bình thường trở lại. Giờ ngẫm nghĩ lại, tôi thật hổ thẹn với lương tâm bởi đã không giúp gì được cho Má vơi đi nỗi nhọc nhằn lo từng miếng ăn hằng ngày, đằng này lại còn làm cho Má lo lắng, khổ tâm thêm.

Rồi, năm tôi học cấp hai trường PTCS Hồng Bàng, tôi có người bạn rất thân, hai đứa thường rủ nhau chơi đánh bóng bàn dưới sân trường vào giờ ra chơi. Một lần chơi bóng, trong lúc giỡn, thằng bạn dùng vợt đánh vào đầu tôi đau điếng, tôi làm thinh nhẫn chịu, vì nghĩ rằng nó giỡn mà!. Một lần khác cũng chơi bóng, trong lúc hứng khởi, tôi cũng dùng vợt đánh vào đầu nó một cái, tưởng nó làm thinh giống mình, không ngờ nó quay qua chửi xối xả vào mặt mình, ngay lúc đó tự ái của tôi nổi lên một cục. Giận, không thèm nói chuyện, không thèm chơi với nó nữa, và thề trong lòng “hễ có mặt nó ở đâu là không có tôi ở đó”, cứ như vậy kéo dài gần 4 năm đến hết cấp ba và ra trường luôn mà tôi vẫn không quên chuyện này.

Sau khi ra trường, tôi được Anh Bí Thư Đoàn Phường nơi tôi cư ngụ hướng dẫn, bồi dưỡng tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và tìm cách giúp đỡ tôi trở thành cán bộ đoàn – còn gọi là thủ lĩnh thanh niên hay là cánh chim vì đàn. Qua nhiều khóa huấn luyện, tôi đã thấm nhuần được mục đích cao cả của tổ chức Đoàn là đoàn kết, tập hợp, giúp thanh thiếu niên sống có lý tưởng cao đẹp, biết tránh xa những tệ nạn xã hội, biết sống vì mọi người. Để thực hiện được mục đích và nhiệm vụ đó, phương châm của Đoàn là: “Ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức Đoàn” và “Người cán bộ Đoàn phải luôn là người bạn tốt của thanh thiếu niên”. Niềm tin, lý tưởng của Đoàn dần thấm vào tâm tôi hồi nào không biết, và tôi đã trở thành một cán bộ đoàn chuyên nghiệp. Tôi miệt mài, hăng say hoạt động, có lúc quên ăn, quên ngủ vào những đợt cao điểm của phong trào Đoàn.

Một thời gian sau, khi Anh Bí thư chuyển công tác về quận, tôi được Đảng ủy phường phân công thay thế vị trí của Anh. Theo cơ cấu, Bí thư Đoàn phường nằm trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự. Lúc họp thông qua danh sách thanh niên đi nghĩa vụ theo luật định, tôi giựt mình thấy tên thằng bạn thân hồi cấp hai cũng nằm trong danh sách trúng tuyển. Nhưng lúc này tâm tôi hoàn toàn khác hẳn, cái buồn, cái giận thâm căn cố đế mà ngày xưa tôi thề không đội trời chung giờ tan biến đâu mất. Thay vào đó là tâm thương, tâm muốn làm bạn với thanh niên mà Đoàn đã huân tập cho tôi. Qua kinh nghiệm này tôi đã nhận ra một lẽ thật: Mọi cái xấu không cố định, chúng sẽ thay đổi nếu ta thay đổi cái nhìn.

Bước vào tổ chức Đoàn dù với một mục đích và lý tưởng cao đẹp như vậy, nhưng ở đó vẫn còn nhiều phiền não, khổ đau bởi cái gốc tham sân si vẫn còn. Mặc dù vậy, tổ chức đó vẫn luôn đề cao, hướng đến và thường nhắc nhỡ người thủ lĩnh thanh niên “phải làm bạn với thanh niên”, và “ở đâu có thanh niên, ở đó có tổ chức đoàn”. Đây như là một Nghị quyết quyết định sự sống còn của tổ chức Đoàn trong hiện tại mà mãi mãi về sau. Nếu như xa rời mục tiêu này, tổ chức Đoàn sẽ tự động yếu đi và tan rã, vì chẳng có thanh niên nào làm bạn với tổ chức Đoàn.

Còn trong đạo, Đạo Phật lấy tinh thần cầu giác ngộ giải thoát làm mục tiêu. Người Phật tử chân chính nào cũng mong hướng đến và đạt được mục tiêu đó bằng nhiều phương tiện theo lời Phật, Tổ và quý Hòa Thượng dạy. Bên cạnh sự nỗ lực tự giác của bản thân, người Phật tử có tâm đạo, được một chút niềm vui có được từ việc học Phật, tu Phật đều muốn chia sẽ với bạn đồng tu, nhà Phật gọi là tinh thần giác tha. Tự giác, giác tha đầy đủ thì công hạnh tu hành của mình mới tròn đầy Phật quả. Giống như một con chim có đủ hai cánh, nếu một cánh bị khiếm khuyết thì con chim đó không thể bay lên cao được.

Mục đích của Đoàn thì hướng thanh niên đến với lý tưởng, nhân cách cao đẹp. Mục tiêu của Đạo là hướng người Phật tử đến con đường giác ngộ giải thoát. Tuy mục đích có khác nhau, nhưng tinh thần giác tha, phương pháp tiếp cận quần chúng gần như không khác, bởi lẽ bên nào cũng có đối tượng và quần chúng xung quanh, nếu không có thì không thành tổ chức được. Thậm chí trong đạo, tinh thần “hoằng pháp”, “làm bạn với thanh niên”còn phải được thực hiện triệt để, đề cao và phát huy mạnh mẽ hơn, để mọi người có cơ hội đến chùa, học và hành đạo lý theo lời Phật dạy, từ đó bớt khổ thêm vui, xã hội an ổn.

Thế nhưng trên thực tế, đôi lúc chúng ta, trong việc Phật sự, lại để một vài sự việc đau lòng xảy ra. Vì một nhân duyên nào đó, chúng ta đã để cho những lời lẽ gay gắt xuất hiện, khiến các bạn Phật tử cũng như nhiều thành viên trong nhóm bất mãn và phiền não. Với phương pháp hướng dẫn như vậy, chúng ta không thể làm lợi ích cho người, cho đạo và cho bản thân mình. Hiện tượng này nếu không được chúng ta quan tâm sửa đổi đúng mức, tương lai đạo Phật sẽ không thâm nhập được vào quần chúng. Vì Đạo Phật không thể phát triển mạnh nếu thiếu đội ngũ Phật tử bên ngoài chung tay góp phần cùng quý Thầy bên trong trên con đường hoằng pháp lợi sinh.

Song vì sao lại xảy ra hiện tượng đó? Chúng ta hãy cùng nghiệm lại bài pháp do Hòa Thượng Trúc Lâm thuyết giảng với đề tài ĐẠO LÝ VÔ NGÃ: “Mọi thành kiến chủ quan phát xuất từ chỗ CHẤP NGÃ. Tính tự ái của con người cũng bắt nguồn từ chấp ngã mà có. Bởi thấy thật có cái “ta” vĩnh cửu nên ai xúc phạm đến nó là phản đối, chống cự ngay. Sự phản đối ấy thành một bản năng tự vệ, không cần biết nó phải hay quấy. Lý trí con người bị mờ ám vì nó. Bao nhiêu người đua nhau lăn xuống hố trụy lạc cũng bởi thấy mình là thật, cần phải thụ hưởng. Hơn thua thương ghét đều do chấp ngã mà ra. Khi yêu thương cái “ta” quá rồi, sanh ra ngạo mạn muốn đè bẹp kẻ khác. Cho việc làm của ta là hơn, ý nghĩa của ta là đúng. Ta là trung tâm vũ trụ, ta là trên hết mọi người. Dù có người thật tài đức hơn, khôn ngoan hơn, vẫn khinh khỉnh không kính phục. Họ chẳng khác nào như hòn đá muốn xông ướp mùi hương, không thể được. Người mang nặng thành kiến chủ quan này, dù ai muốn xây dựng họ trở lại thành một người tốt đủ những đức tính hiền hòa khiêm tốn, không bao giờ được. Những người ấy lúc nào cũng bảo thủ thành kiến chủ quan, ngoan cố và ngạo mạn. Vì mang sẵn tính xấu này nên không ai ưa và chịu gần gũi họ. Do đó, họ trở thành những kẻ bất mãn khổ đau”.

Và, để giúp chúng ta phá bỏ đi cái ngã làm chướng đạo này, Hòa Thượng đã chỉ dạy: “Con người đã lâu đời bám chặt vào thân này làm một cái “ta” thực thụ. Hoặc chọn phần tinh thần chấp chặt là “ta”. Hai lối chấp ấy đều do sự lầm mê mà ra cả. Đức Phật chỉ dạy chúng ta phải dùng trí tuệ quán sát trong thân này do ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp thành. Trong ấy, không có cái gì làm chủ thể, chỉ do sự chung hợp mà hình thành. Nếu chấp phần sắc chất là ta thì thọ, tưởng, hành, thức là cái gì ? Nếu chấp phần thọ nhận khổ, lạc... là ta, còn bốn phần khác là cái gì ? Những người chấp chặt phần tinh thần là “ta” phải áp dụng pháp quán này để phá. Nếu người chấp thân sắc chất là ta, Phật dạy quán thập nhị xứ - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp để phá. Nghĩa là xét thân này do sáu giác quan tiếp xúc với trần cảnh mà sanh ra hiểu biết tốt, xấu, yêu, ghét... Nếu thiếu những điều kiện ấy thì sự hiểu biết không sanh. Như vậy, cái chấp là “ta” là cái gì ? Nếu con mắt là ta, thì mũi, lưỡi, thân là gì... Tóm lại, nói là “ta” đây, chỉ là một hợp thể, không có cái chủ thể nhất định. Ấy ta vô ngã. Ví như cái nhà, chúng ta không thể nói cây cột là chủ thể cái nhà cho đến cây đòn dông... cũng không phải là chủ thể cái nhà. Chúng ta chỉ có thể nói cái nhà là sự chung hợp tất cả cột, đòn dông... mà thành”.

Là người, tuy thấy mình độc lập với thế giới và con người chung quanh, nhưng thật ra chúng ta đang bị chi phối bởi mọi thứ chung quanh rất nhiều. Từ con người cho đến thế giới quanh mình, thứ gì cũng nằm trong vòng duyên khởi. Trời nóng quá cũng dễ khiến mình nói lời gay gắt. Mệt mỏi quá cũng dễ khiến mình ăn nói không được nhẹ nhàng. Không vừa lòng cũng dễ khiến mình nổi giận v.v… Có rất nhiều nhân duyên chi phối con người mình. Trong đó, còn loại nhân duyên giữa con người và con người với nhau. Quá khứ nếu thuận duyên với nhau, thì kiếp này dễ thương yêu tha thứ cho nhau. Quá khứ chỉ toàn nghịch duyên thì kiếp này gặp nhau chỉ toàn rắc rối. Vì bị sự chi phối đó mà chúng ta dễ gây tạo những lỗi lầm với người chung quanh, khiến việc lợi ích cho người bị hạn chế. Nhưng may mắn là chúng ta đang ở trong ngôi nhà chánh pháp, được Thầy Tổ dạy bảo rõ ràng, giúp mình có thể hiểu cái gì cần phát huy, cái gì cần từ bỏ, để bản thân mình được lợi ích mà việc lợi ích cho người cũng được vẹn toàn.

Viết những lời này ra, ngoài việc răn nhắc bản thân mình, còn lại chỉ với tâm nguyện là mong góp sức cho ngôi nhà chánh pháp mãi được trường tồn, làm sao để Phật tử nói chung và thanh niên nói riêng, những người chủ tương lai của đất nước, đến chùa ngày càng đông, tinh thần tu học luôn vui tươi, phấn khởi và có nhiều lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Được vậy, Phật tử chúng ta mới mong đền ơn Hòa Thượng Ân Sư – Người đã hy sinh cả cuộc đời, khơi sáng lại Nguồn Thiền Đất Việt, tâm huyết cho dòng Thiền Việt Nam sáng mãi, cứu độ nhân sinh, trong đó có chúng ta.

 

 

[ Quay lại ]