headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Những bài thuyết pháp sống

daotramgphulaunaChân hiền Tâm  

Tôi quen một số thành viên của Đạo tràng Phú-lâu-na từ những ngày chưa có cái tên ấy.

Trưởng đạo tràng bây giờ, ngày ấy là một chàng trai rất trẻ, mà có lẽ bây giờ cũng chưa mấy già dù tuổi tác đã nhiều hơn trước. Cậu đến gặp tôi với một câu rất thú vị: “Con khấn trước bàn Phật cho con gặp được chánh pháp. Rồi con đọc được sách cô, con thấy thích và bây giờ con có duyên gặp được cô”. Trước giờ chưa ai nói với tôi như vậy. Tôi chỉ biết cười và nghĩ đến hai chữ nhân duyên. Nhân duyên ngày trước bây giờ bắt đầu hội tụ... Tuy vậy việc tu học của cậu vẫn nằm ở các thiền viện là chính, chúng tôi chỉ có dịp trao đổi khi có những bức xúc cần giải quyết.

 Nhân duyên đối với những thành viên còn lại cũng từ cậu nhóc này mà ra. Đủ duyên nên ngày thêm khắng khít. Chưa đủ duyên thành cười đó mà thân thiện chưa nhiều.

Đạo tràng Phú-lâu-na bây giờ có thêm rất nhiều thành viên. Đủ mọi lứa tuổi và mọi thành phần. Kết cấu của Đạo tràng có lẽ cũng đặc biệt hơn các đạo tràng khác. Không phải là những thành viên qui tụ về một Trưởng đạo tràng như các đạo tràng khác mà là các nhóm do một trưởng nhóm thành lập. Như một lẽ tự nhiên không ai bảo ai, các trưởng nhóm trở thành những Phó đạo tràng. Chư vị có bổn phận đối với các thành viên của mình và chịu trách nhiệm trực tiếp với Trưởng đạo tràng, như Trưởng đạo tràng có bổn phận với các thành viên trong đạo tràng và chịu trách nhiệm trực tiếp với các bậc Tôn túc về tất cả mọi việc, từ sự tu học cho đến Phật sự. Với cái nhìn Duyên khởi, việc duy trì một tập thể theo cách như vậy là rất nên. Bởi những mối quan hệ trong đời đều hình thành theo duyên. A thuận duyên với B, B thuận duyên với C, điều đó chưa có nghĩa A đã thuận duyên với C. Vì thế, cần một B móc xích ở giữa để những quan hệ tốt đẹp trong đời có điều kiện phát huy. Hy vọng với cách duy trì như thế, tập thể Phú-lâu-na ngày càng lớn mạnh.

Nhưng chỉ với một hình thức duy trì như thế thì chưa đủ để Phú-lâu-na lớn mạnh và tồn tại lâu dài. Nó đòi hỏi khá nhiều yếu tố khác. Những yếu tố thuộc về bản thân mà mỗi thành viên cần có để duy trì đạo tràng Phú-lâu-na ngày càng lớn mạnh.

Danh xưng Phú-lâu-na.

Phú-lâu-na, là một trong 10 đại đệ tử của Phật.

Nói đến Phú-lâu-na, là nói đến vị thuyết pháp đệ nhất. Trong 10 đại đệ tử của Phật, chỉ Tôn giả là lấy việc hộ trì chánh pháp làm pháp cúng dường mười phương chư Phật trong cả ba thời. Thời Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, Tôn giả chỉ làm một việc hộ trì chánh pháp, không có việc gì khác. [1]

Tôn giả thuyết pháp không vì danh, vì lợi cho bản thân, mà thuyết pháp chỉ vì lợi ích cho chúng sinh. Chúng sinh can cường khó khăn bao nhiêu, Tôn giả cũng tìm cách thích ứng để việc truyền pháp được rộng rãi. Không phải chỉ vậy, Tôn giả còn biết cách dụng pháp ứng với căn dục của từng chúng sinh để hiệu quả đạt được tốt nhất. Chính vì thế, Tôn giả được coi là vị thuyết pháp đệ nhất.

Không có lý tưởng cao cả và lòng từ rộng lớn khó mà làm được những việc như vậy.

Có lẽ khi trao cái tên Phú-lâu-na cho Đạo tràng, Hòa thượng Thường Chiếu cũng ít nhiều mong muốn các thành viên trong Đạo tràng là hiện thân của Phú-lâu-na ngày trước, dù là ít hay nhiều. Tôi đã đọc được những dòng bút pháp nói lên tinh thần đó, được ghi trên những cánh quạt mà Đạo tràng đã gởi tặng các thành viên của mình: “Thừa hành Phật đạo, dù một chút duyên nhỏ an vui cho mọi người, cũng không bỏ sót – H.T Thường Chiếu”. Mọi thành viên trong đạo tràng, dù hiện tại chưa khoát lên mình lớp áo thanh tịnh của Tăng Ni, vẫn là những người đang thừa hành Phật đạo. Với lý tưởng cao cả đó, việc “mang lại an vui cho mọi người dù chỉ là chút duyên nhỏ cũng không bỏ sót” là lẽ tất nhiên.

Những bài thuyết pháp sống

Không hiểu các bạn nhỏ thì thế nào nhưng với những người lớn tuổi như tôi, cái tuổi đã biết trân trọng những gì mình đang có (dù là thuận hay nghịch), thì các đạo tràng mà tôi có nhân duyên, luôn được coi là gia đình thứ hai của tôi. Một trong các phước báu mà tôi đang có là đã gặp được các bạn. Đặc biệt, thành viên của Phú-lâu-na đều là người “trẻ tuổi”. Ở đó tôi tìm thấy những tâm hồn chân chất, hồn nhiên, không vụ lợi từ lời nói cho đến việc làm. Dù là nữ nhân, vẫn là những người rất mạnh mẽ, dám nói, dám làm đối với việc hộ trì chánh pháp.

Tuy vốn Phật pháp của các bạn chưa nhiều, nhưng việc tiếp thu Phật pháp lại khá nhanh. Chữ “nhanh” nói đây, không phải là có năng lực gom hết những gì đã nghe vào tạng thức của mình, mà là biết soi chiếu lại mình với những gì đã được nghe, rồi cố gắng thực hành những gì mình đã hiểu. “Khi nghe Ni sư Hạnh Chiếu nói về nhân quả, tự nhiên con nghĩ lại những chuyện hiện tại và thấy sợ quá. Con nghĩ mình phải thay đổi… nhưng chưa biết phải thay đổi thế nào. Cô có thể giúp con không?”. Một nhóc đã nói với tôi như thế. Và nhiều nhóc cũng biết cách soi chiếu lại mình như thế. Đó là một thành công lớn trong việc học pháp.

Học để mà hành. Giúp loại bỏ dần những cái nhân khiến cuộc sống của mình thành tăm tối.

Học để mà hành. Để tăng thêm niềm tin, trí tuệ và mở rộng lòng từ với tha nhân. Phú-lâu-na là vị thuyết pháp đệ nhất. Những thành viên trong đạo tràng Phú-lâu-na cũng sẽ là những vị thuyết pháp đệ nhất. Chưa đủ duyên để thể hiện việc thuyết pháp bằng lời nói hay câu chữ thì chúng ta thể hiện nó bằng chính hành vi và thân tướng của mình, bằng sự nhiệt tâm nhiệt tình của mình đối với tha nhân. Đó gọi là thân giáo, là một trong những cách hộ trì chánh pháp hiệu hữu nhất. Không ai hoàn toàn xấu cũng không ai hoàn toàn tốt. Vấn đề là với bản thân, chúng ta cố gắng phát huy cái tốt ngày một nhiều và xóa dần những cái không tốt. Với tha nhân, nên nhìn thấy cái tốt của người, giúp người phát huy hơn là chỉ thấy cái xấu của người. Cái tốt khi đã được phát huy thì cái xấu tự nó sẽ mất dần chỗ đứng.

 Đưa ra một pháp cố định cho mỗi thành viên của Đạo tràng trong việc tự lợi và lợi tha là không thể được. Vì căn nghiệp và hoàn cảnh của mỗi người mỗi khác. Pháp đối với người này có khi phải giảm một chút, với người kia có khi phải tăng một chút. Ngay trên một người, lúc này dùng pháp này mà sau đó có khi phải dùng pháp ngược lại. Đó là vì tuy bất biến mà phải tùy duyên. Vì khế lý nên phải bất biến. Vì khế cơ nên phải tùy duyên. Vì thế không có một pháp cố định cho người. Vấn đề là chúng ta cần ý thức rõ về vị trí của mình trong hiện tại. Lời nói và hành vi của mình bây giờ không phải chỉ ở phạm vi là mình. Nó còn là những bài thuyết pháp sống...

Khi bạn giữ giới đầy đủ, bố thí với tấm lòng rộng mở, quả báo mà bạn nhận được là một đời sống hạnh phúc. Điều đó cũng có nghĩa là bạn đang nói với mọi người rằng hãy đến với Phật pháp để được hạnh phúc.

Khi bạn thương yêu, giúp đỡ, hòa nhã với mọi người, bạn đang nói với mọi người rằng Phật giáo tốt quá, con cháu của Sư ông tốt quá. Đó chính là cái nhân để mọi người yêu thích Phật pháp, đến với Phật pháp, thực hành Phật pháp.

Khi bạn có thể thay đổi chính con người bạn, bạn cũng nói với mọi người rằng, trên đời này không có gì không thay đổi được nếu chúng ta nắm vững Phật pháp và hành trì Phật pháp.

Khi bạn có thể sống hồn nhiên giữa muôn vàn phức tạp, bạn đang nói với mọi người rằng Phật pháp vi diệu, là chỗ để chúng ta dừng chân và tìm thấy an bình.

Đó là những bài thuyết pháp sống rất có giá trị. Làm được vậy là chúng ta đang thể hiện được tinh thần mà H.T Thường Chiếu đã mong muốn khi đặt cho đạo tràng cái tên Phú-lâu-na. Cũng là đang góp tay hộ trì chánh pháp.

Một tức là tất cả

Trong một đạo tràng, phải nói vai trò Trưởng đạo tràng rất quan trọng. Trưởng đạo tràng, cũng như các Trưởng nhóm phải là người có tinh thần tổ chức, nắm được ý thích của thành viên, có năng lực sắp xếp công việc v.v… và quan trọng là phải duy trì được mối quan hệ tốt với thành viên của mình. Đành rành mọi thứ đều có nhân duyên ở quá khứ nhưng nếu hiện tại chúng ta không biết vun bồi thì mối liên hệ tốt đẹp kia sẽ dần mất đi. Vì thế vai trò của Trưởng đạo tràng và trưởng nhóm rất quan trọng. Nó đòi hỏi chư vị vừa phải có tính quyết đoán (đề không bị lôi đi giữa cái biển ý kiến của thành viên) vừa phải biết mềm dẻo lắng nghe (để không bỏ qua những ý kiến quí giá). Có lúc phải cứng mà có lúc phải mềm. Có lúc phải mở mà có lúc phải buộc… Điều đó đòi hỏi ở chư vị điều gì? Nó đòi hỏi “quyết đoán” không phải là tính cách của chư vị, “mềm yếu” cũng không là tính cách của chư vị v.v... Không tất cả thì tùy duyên mới có thể là tất cả. Không thì chúng ta sẽ bị kẹt trong cái gọi là tính cách của mình, không thể tùy duyên mà dụng pháp cho tốt được.

Phân tích ra thì thấy khó nhưng mọi thứ sẽ không khó khi chúng ta mang trong mình ý tưởng cao cả của Như Lai. Khi gặp khó khăn hãy nghĩ đến chư Phật, Thầy, Tổ và cầu một sự gia bị. Nguyện lực gia trì đầy khắp pháp giới. Có cảm liền ứng. Mọi thứ sẽ được giải quyết.

Trưởng đạo tràng và trưởng nhóm tuy quan trọng như vậy nhưng đúng như Trưởng đạo tràng Phú-lâu-na đã nói: “Trưởng đạo tràng không thể có nếu không có các thành viên". Chúng ta cần phải nhìn thấy mặt Duyên khởi này của pháp. Vì thế thành viên của đạo tràng cũng có vai trò quan trọng không kém Trưởng đạo tràng và Trưởng nhóm trong việc củng cố Đạo tràng được vững mạnh.

Khi làm bất cứ việc gì, nếu chúng ta luôn lấy lý tưởng cao cả của mình làm nền tảng, nghĩa là sẵn sàng vì cái chung mà bỏ đi những bất như ý riêng tư thì sự đoàn kết tự động có mặt. Rất đơn giản nhưng rất khó làm. Vì ai cũng có cái tôi, là một thứ nội kết từ vô thủy kiếp đến nay. Nhưng hãy nhớ, loại nội kết đó chỉ là vọng tưởng. Tâm Phật mới là thứ thường hằng trong mỗi người. Vì thế chỉ cần tỉnh giác chút, quyết tâm chút, nguyện cầu sự gia trì chút, cái tôi sẽ bị dẹp bỏ nhường chỗ cho cái tâm vì lợi ích chung. Lợi tha cũng chính là tự lợi. Chúng ta không lợi tha được thì việc tự lợi cũng bị hạn chế.

Một việc xảy ra khiến nội bộ dễ mất đoàn kết nhất thường bắt nguồn từ lời nói. Chỉ như gió thoảng mây bay nhưng nó lại có công năng phá hoại không biết bao nhiêu tình cảm bạn bè, gia đình, tập thể đang tốt đẹp. Vì thế “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tuy vậy, khi công việc quá nhiều, khi thân tâm đã mệt mỏi… thì lời phát ra có khi không theo ý mình. Chưa kể, việc bất đồng ngôn ngữ dẫn tới bất đồng ý kiến còn bắt nguồn từ tập tục của từng địa phương, từng gia đình, và có khi là do thói quen trong chính mỗi người. Vì vậy, có khi lời nói như thế đối với người này là bình thường nhưng với người kia là xúc phạm. Với người này là thương yêu, với người kia là sổ sàng… Để giải quyết việc này đòi hỏi các thành viên của Đạo tràng cần một sự thông cảm đối với những ai có nhân duyên với mình. Người nghe thì thông cảm. Người nói thì rút kinh nghiệm. Vậy chuyện nếu có cũng thành không.

Trưởng đạo tràng cũng như các Trưởng nhóm thì có lẽ cần phải luyện phần “Nhĩ căn viên thông” cho giỏi để vững vàng hơn với hai chữ khen chê. Thường thì ai cũng thích được khen và nhận những lời động viên tích cực hơn là những lời chê bai thiếu tính chính xác hoặc phá hoại. Có điều, lời khen là thứ dễ khiến ngã tướng phát triển. An bình được với lời chê mới giúp mình vững vàng. Dù lời chê đúng hay sai, bổn phận của các Trưởng là phải bất động cho được với những lời nói đó. Bất động trong sự tàm quí. Phải luyện cho được phần nhĩ căn viên thông này. Với cách đó thì không phải chúng ta chỉ nhiếp được chúng sinh trong tâm mà còn nhiếp luôn được chúng sinh ngoài tâm.

Có một điều rất đơn giản để mỗi người chúng ta cần luyện cho được phần “nhĩ căn viên thông” là khi mình không chấp nhất lời nói của người, khi mình thông cảm được với người, món quà mà mình nhận lại cũng tương tự như thế. Phải nói là rất phiền não khi lời mình nói ra bị hiểu theo một cách khác hay bị chấp chặt khiến mọi việc trở thành rắc rối. Song việc đó xảy ra là vì chúng ta từng gieo cái nhân như vậy. Cho nên, hãy tha thứ cho người để mình được tha thứ. Cuộc sống sẽ rất an vui khi việc đó được thực hiện và lan tỏa… Thật là bình an cho mình và người khi chúng ta sống mà không chấp nhất lẫn nhau.

Vì thành viên của Đạo tràng vẫn còn công việc ngoài xã hội, còn bị phân tán vì không cùng chỗ nơi v.v… nên vẫn còn nhiều việc khiến Đạo tràng chưa được tập trung và hoàn chỉnh lắm (dù các thành viên trong đạo tràng đã cố gắng hoàn chỉnh nó ở mức tốt nhất). Nhưng dù thế nào thì đó cũng là nhân duyên của Đạo tràng Phú-lâu-na. Nhân duyên như vậy thì cứ trên nhân duyên đó mà phát huy sao cho Đạo tràng ngày càng tốt hơn là được. Đạo tràng được phát triển mạnh, có nghĩa là các thành viên trong đó đã nhận được sự an vui và tạo được sự đoàn kết mạnh mẽ.

Hãy nhớ không có bài thuyết pháp nào sống động mà không có sự trải nghiệm trong đó.

Vì thế chúng ta sẽ luôn học và trải nghiệm… để trở thành những con người tương xứng với danh hiệu mình đã mang nha.
 

 

[ Quay lại ]