headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Khảo về Tám thức và tâm lý học hiện đại - Sáu thức ngoài

tamlihocChánh Tấn Tuệ

Duy thức học là môn học vừa rộng, vừa sâu, vừa tinh tế. Đứng trên mặt tâm lý mà nói, Duy thức học giúp soi thấu mọi ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn[1] của mọi chúng sinh. Một môn học như thế, không thể nói là không phức tạp, là dễ học, dễ hiểu. Có thể lược nêu một vài khó khăn mà người đời nay gặp phải khi muốn đi vào Duy thức học một cách bài bản.

 - Duy thức học chứa đựng nhiều danh từ còn xa lạ với người thời nay như trăm pháp, ba cảnh, ba tánh v.v… Ý nghĩa của các danh từ này được xây dựng trên tinh thần Duyên khởi, nên khó hiểu hơn so với các định nghĩa được xây dựng trên tinh thần Hữu thể học mà các lý thuyết triết học và khoa học phương Tây vẫn thường sử dụng. Đây là khó khăn thứ nhất.

- Duy thức học được trình bày theo luận lý Nhân minh, còn gọi là luận lý học thực tế. Luận lý này tinh tế và phức tạp hơn Tam đoạn luận, còn gọi là luận lý học hình thức của Aristote. Luận lý học hình thức được xây dựng trên tinh thần của lý Nhân quả. Nhân minh luận được xây dựng trên tinh thần của lý Nhân quả & Nhân duyên. Chúng ta đã làm quen với lý Nhân quả qua các lý thuyết triết học và khoa học phương Tây, nhưng chưa hề có một lý thuyết nào của phương Tây đề cập đến lý Nhân duyên. Lý Nhân duyên vẫn còn xa lạ với nhiều người. Đây là khó khăn thứ hai.

Để tránh các khó khăn trên, chúng ta cần:

- Giới hạn mục tiêu tìm hiểu. Ở đây chúng ta chỉ nhằm tìm hiểu tâm hồn của một người bình thường, nhằm có được sự giải thích một cách nhất quán các sự kiện tâm lý đang được tâm lý học hiện đại quan tâm.

- Thay vì bắt đầu bằng cách nêu ra hết các danh từ khái niệm có trong Duy thức học, nói lên hết những ý nghĩa của lý Nhân duyên, chúng ta bắt đầu từ ba điểm cơ bản của Duy thức học, là tám thức, lý Nhân duyên và nghiệp. Từ đó khai triển vừa đủ để lý giải các sự kiện tâm lý. Trong quá trình triển khai, khi cần vận dụng đến các danh từ của Duy thức học, chúng ta mới nêu ra và giải thích ý nghĩa của các danh từ ấy. Cách làm này giúp chúng ta khỏi phải tiếp nhận quá nhiều danh từ của Duy thức học, sẽ dễ dàng hơn khi học hiểu và vận dụng lý Nhân duyên.

Các điểm cơ bản của Duy thức học

Tám thức: Duy thức học phân tích tâm hồn con người thành tám thành phần, gọi là tám thức.

1/ Nhãn thức, là cái biết phát ra từ căn mắt, gọi là thấy.

2/ Nhĩ thức, là cái biết phát ra từ căn tai, gọi là nghe.

3/ Tỷ thức, là cái biết phát ra từ căn mũi, gọi là ngửi.

4/ Thiệt thức, là cái biết phát ra từ căn lưỡi, gọi là nếm.

5/ Thân thức, là cái biết phát ra từ căn thân, gọi là xúc.

6/ Ý thức, là cái biết phát ra từ ý căn. Ý căn là thức thứ bảy.

7/ Thứ thứ bảy.

8/ Thức thứ tám.

Năm thức đầu, Duy thức học gọi chung thành tiền ngũ thức.

Thức: có nghĩa là liễu biệt, phân biệt. Đối với sáu thức đầu, liễu biệt là sự nhận biết sự vật trong phần hạn của nó. Như thấy quả táo trong sự tách biệt giữa quả táo với môi trường chung quanh. Căn cứ trên sự vật được nhận biết một cách tách biệt ấy, chúng ta tìm thấy tính chất của sự vật ấy, phân biệt sự vật ấy với sự vật khác. Các điều vừa nói, chung lại gọi là phân biệt.

Duyên: có nghĩa là điều kiện, nó mang tính nương nhờ. Bất kỳ một thức nào cũng chỉ sanh khởi khi hội đủ một số điều kiện. Nói theo Duy thức học là hội đủ các duyên.

Theo cách trình bày trên, căn là một trong các duyên của thức. Nếu căn hư thì thức thiếu duyên không thể sanh khởi. Như mắt mù thì không thể thấy, tai điếc thì không thể nghe.

Cảnh : Đến đây chúng ta sẽ làm quen với một duyên khác, đó là cảnh. Có căn mà thiếu cảnh, thức cũng không sanh khởi được. Như không có tiếng thì không xuất hiện cái hay nghe, không có mùi thì không xuất hiện cái hay ngửi v.v...

Cảnh, làm điều kiện cho sự sanh khởi của thức, gọi là cảnh làm duyên cho thức. Khi thức lấy một cảnh nào đó làm điều kiện cho sự sanh khởi của nó thì gọi là thức duyên cảnh. Năm thức đầu, mỗi thức chỉ duyên được một loại cảnh riêng. Cụ thể như sau:

Nhãn thức duyên sắc trần (hình thể, màu sắc).

Nhĩ thức duyên thanh trần (âm thanh).

Tỷ thức duyên hương trần (mùi).

Thiệt thức duyên vị trần.

Thân thức duyên xúc trần.    

Do chỉ duyên được cảnh của mình, không duyên được cảnh của thức khác, nên mỗi thức chỉ biết được cảnh của mình mà không biết được cảnh của thức khác. Như nhãn thức chỉ thấy sắc tướng mà không nghe được tiếng, không ngửi được mùi v.v… Các thức khác cũng vậy.

Ý thức thì sao? Ý thức duyên được tất cả cảnh trong đó có cảnh của tiền ngũ thức và duyên được cảnh của chính nó là pháp trần.

Thí dụ :

 Mắt thấy màu, ý thức là màu xanh, là bãi cỏ.

Tai nghe tiếng ý thức là anh A.

Mũi ngưởi mùi hương ý thức là hoa nhài.

Màu xanh, bãi cỏ, anh A là pháp trần.

 

Pháp trần, có thể đến từ bên ngoài qua tiền ngũ thức như các thí dụ nêu trên, có thể đến từ bên trong qua thức thứ bảy. Như đang ngồi nghỉ, chợt nhớ đến người xưa, kèm theo đó là buồn, vui, thương nhớ. Người xưa không hiện diện ở thời điểm hiện tại. Nên tiền ngũ thức không nhận biết được. Người xưa được ghi nhận trong quá khứ, lưu trữ trong thức thứ tám, hiện tại đủ duyên, thông qua thức thứ bảy xuất hiện làm cảnh cho ý thức duyên. Nó đến từ phần sâu kín trong tâm hồn nên nói “đến từ bên trong”. Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ thấy khi không hướng ra bên ngoài, trong tâm chúng ta vẫn xuất hiện các ý niệm nối tiếp nhau không dừng nghỉ. Các ý niệm này thuộc pháp trần. Pháp trần là đối tượng chính của ý thức.

Kiến phần, tướng phần, năng duyên, sở duyên: Khi thức sanh khởi có hai phần cùng hiện. Phần hay biết, gọi là kiến phần. Phần bị biết, gọi là tướng phần.

Kiến phần cũng được gọi là kiến phần năng duyên. Vì nó có khả năng duyên với tướng phần.

Tướng phần, là phần được duyên, nên gọi là tướng phần sở duyên.

Hai phần kiến tướng này không thể tách lìa khỏi nhau. Hiện thì làm duyên cho nhau cùng hiện, ẩn thì cùng ẩn. Nếu coi kiến phần hay biết là tâm, tướng phần bị biết là vật, thì chúng ta có hệ luận sau: “Lìa tâm không vật. Lìa vật không tâm”. Có lẽ đây là một suy nghĩ rất lạ với chúng ta, vì chúng ta vẫn nghĩ rằng có một ý thức hay biết bên trong mỗi người và có một thế giới các sự vật vốn tồn tại độc lập với ý thức hay biết, làm đối tượng cho ý thức. Nhưng Duy thức học đã chỉ ra rằng: Không chỉ riêng với ý thức mà với cả tám thức, đều là biết và biết là biết cái gì và cái gì là cái gì được biết. Không thể tách lìa tâm ra khỏi vật, vật ra khỏi tâm. Việc này cũng không phải lạ với một số triết gia. Vào khoảng cuối thế kỷ 19, Husserl (1859 – 1938), ông Tổ của hiện tượng học đã chỉ ra rằng, không có chủ thể hay biết (ý thức) tuyệt đối cũng không có đối tượng bị biết tuyệt đối. “Ý thức là ý thức một cái gì. Một cái gì là một cái gì được ý thức”, nên gọi là hiện tượng. Con người, tha nhân, chúng sinh v.v… đều là những hiện tượng.

Đến đây chúng ta cần giải quyết hai vấn đề. Một, vì sao phải là căn mà không là các giác quan? Hai, vì sao phải là sáu thức mà không chỉ là ý thức?

1/ Vì sao phải là căn mà không phải là giác quan?

Căn có hai phần. Phần thô bên ngoài, gọi là phù trần căn, tương ứng với mắt, tai v.v… Ẩn dưới các căn phù trần, là phần tinh tế của căn, gọi là tịnh sắc căn. Năm căn thân có khả năng tiếp nhận năm trần. Gọi là trần vì chúng do vi trần tạo ra, vốn tinh tế và luôn thay đổi. Phù trần căn tiếp nhận cảnh một cách thô thiển. Tịnh sắc căn dù nương nơi phù trần căn nhưng có khả năng tiếp nhận trần cảnh một cách tinh tế. Do thức vốn tinh tế và hay thay đổi nên cảnh tiếp nhận từ tịnh sắc căn mới có đủ tư cách làm duyên cho thức. Ý thức không duyên trực tiếp với trần cảnh bên ngoài, chỉ duyên với cảnh của năm thức vốn sẵn tinh tế, nên ý thức không cần có phù trần căn, chỉ có tịnh sắc căn. Do các tâm lý gia hiện đại sử dụng từ giác quan để chỉ cho phần phù trần căn, chưa nói lên hết ý nghĩa của các căn, nên bài này không dùng từ giác quan mà dùng từ căn.

2/ Vì sao phải là sáu thức mà không chỉ là ý thức?

Duy thức học gọi tiền ngũ thức là các thức thân, vì chúng phát ra từ các phần trên thân xác chúng ta.

Tâm lý học hiện đại qui các hoạt động tâm lý diễn ra một cách sâu kín trong tâm hồn mà chúng ta khó hoặc không thể nhận biết được vào phần vô thức, còn qui các hiện tượng tâm lý bày hiện ra bên ngoài vào ý thức. Trong khi Duy thức học lại qui các hiện tượng bày hiện ra bên ngoài vào sáu thức, trong đó có ý thức. Vì sao có sự phân chia này?

Theo Duy thức học, phải hội đủ một số duyên, thức mới xuất hiện và vận hành (hiện hành). Trong các duyên làm phát sinh thức, có một duyên không bao giờ vắng mặt đó là nhân duyên. Nhân duyên có hai phần, chủng tử và hiện hành. Chủng tử là nhân. Hiện hành là quả. Từ chủng tử phát sinh ra sự hiện hành của thức, gọi là nhân duyên. Do sáu thức mỗi mỗi đều phát sinh từ chủng tử riêng của mỗi thức, nên đây là cơ sở để thành lập sáu thức. Chủng tử là phần vi tế nhất của tâm. Chỉ Phật mới thấu rõ hết, hàng đại Bồ-tát chỉ biết được phần nào, còn chúng ta thì chưa có phần… nên cách lý giải này hẳn chưa làm bạn đọc thấy thỏa mãn. Ở đây chúng ta sẽ nương nơi các hiện tượng tâm lý bình thường để giải thích cho sự thành lập sáu thức. Chúng ta hãy theo dõi hai trường hợp sau.

Trường hợp I: Quan sát một người đang ngủ bị muỗi cắn. Người ấy dù đang ngủ vẫn có thể đưa tay lên gãi, và sau đó không hề nhớ hay biết gì về việc đó. Rõ ràng dù không có một ý thức sáng tỏ làm chủ sự nhận thức, vẫn có một nhận biết về sự bất thường của thân (do bị muỗi cắn) để có hành vi thích hợp (gãi). Điều này cho thấy, không phải chỉ ý thức mới có khả năng tri giác, thân xác của con người khi còn sống cũng có khả năng tri giác. Đây là lý do để thành lập các thức thân.

Với các triết gia cổ điển như Platon, Aristote thì không hề có sự phân chia một cách tách bạch giữa vật chất và tinh thần. Sự phân chia này đến từ các triết gia về sau. Đặt biệt là từ triết gia Descartes (1596). Descartes cho rằng, có hai thực thể tồn tại một cách độc lập với nhau là thực thể vật chất và thực thể tinh thần. Quan điểm này đã tác động lên Tâm lý học theo hai hướng đối nghịch. Hướng thứ nhất cho rằng, thân xác chỉ là công cụ vật lý (vô tri vô giác) của tâm hồn. Như vậy mọi hiện tượng tâm lý đều là hiện tượng ý thức. Quan điểm này phủ nhận các thân thức, chỉ chấp nhận ý thức. Hướng thứ hai lại cho rằng, tất cả các hiện tượng tâm lý là các phản ứng sinh lý hiện ra bên ngoài. Ý thức chỉ là phụ tượng. Hướng này chỉ thừa nhận vai trò của thân xác, phủ định vai trò của ý thức đối với các hiện tượng tâm lý. Hai quan điểm trên, mỗi quan điểm chỉ phù hợp với một khía cạnh của tâm thức, không quan điểm nào hoàn toàn phù hợp với tâm thức như chính nó. Một quan điểm phù hợp với thực tế phải chấp nhận vai trò của các thức thân và cả ý thức.

Trường hợp II: Một ngày đẹp trời, ngồi trong công viên, lòng không suy tư lo nghĩ, mắt thấy các hình tướng màu sắc của cỏ cây hoa lá, mũi ngửi mùi thơm, tai nghe tiếng gió thổi, da cảm nhận luồng gió mát. Các hiện tượng trên xuất hiện đồng thời dàn trải trên tâm thức. Đột nhiên có một bông hoa lạ làm ta chú ý. Sự chú ý này làm cho hình ảnh bông hoa hiện rõ lên, đồng thời làm cho âm thành, mùi v.v… mờ đi. Nếu sự chú ý này đạt đến mức cao thì âm thanh, mùi v.v… không còn trong ý thức nữa. Khi không còn quan tâm đến bông hoa lạ nữa, sự chú ý không còn, các thứ như màu mùi lại xuất hiện dàn trải trên tâm thức. Trường hợp trên cho thấy khi chú ý đến cảnh nào thì các cảnh khác bị mờ đi, thậm chí không còn được ý thức. Dù không còn được ý thức nhưng không thể nói các cảnh ấy đã biến mất. Vì nếu chúng biến mất thì khi xả bỏ sự chú ý, chúng không thể trở lại trên tâm thức như vậy. Chỉ là khi không được ý thức, các cảnh ấy không thuộc về ý thức. Vì không thuộc về ý thức mà không bị biến mất, nên các cảnh ấy phải thuộc về các thức khác. Tóm lại tâm thức không phải là sàn diễn độc quyền của ý thức. Nó còn là nơi sinh hoạt của các thức khác. Đây là lý do để thành lập sáu thức.

Theo Duy thức học, ý thức có khả năng nhận biết cảnh sở duyên của tiền ngũ thức một cách rõ ràng, khác với tiền ngũ thức. Nói một cách dễ hiểu, ý thức có khả năng làm cảnh của tiền ngũ thức hiện rõ trong tâm thức. Ý thức được ví như ánh sáng chiếu vào căn phòng mờ tối. Ánh sáng có tác dụng làm các sự vật trong phòng hiện rõ, nhưng ánh sáng không sinh ra các sự vật đó. Ý thức cũng vậy, nó có khả năng làm hiện rõ cảnh của tiền ngũ thức trên tâm thức, nhưng ý thức không sanh các cảnh ấy. Cảnh của thức nào đều nhờ thức ấy mà hiện.

Phần sau của bài viết này, chúng ta sẽ thấy rõ sự hiện diện của tiền ngũ thức khi đi sâu vào việc lý giải các hiện tượng tâm lý. Trước mắt, việc gộp sáu thức vào ý thức đã làm phát sinh nhiều vấn đề cho Tâm lý học. Cụ thể như sau:

1/ Không thể định nghĩa được đau khổ và khoái lạc. Việc định nghĩa đau khổ và khoái lạc sẽ dễ dàng hơn nếu phân tích thành sáu thức như Duy thức học đã làm.

2/ Không giải thích được hiện tượng tri giác, như mắt thấy màu mà ý thức là bãi cỏ.

3/ Không giải thích được tại sao hoài niệm luôn mờ nhạt hơn tri giác hiện tại.

4/ Không phân định được một cách rõ ràng giữa ý thức và đối tượng được ý thức, dẫn đến việc đồng hóa ý thức với đối tượng được ý thức. Điều này là cơ sở để phát sinh các ý kiến phản bác phương pháp nội quan. Việc phân tích thành sáu thức sẽ tránh được các nhược điểm nói trên, dễ dàng chỉ ra chỗ lầm của các ý kiến phản bác phương pháp nội quan nói trên.

 v.v…

Một số tính chất của tiền ngũ thức và ý thức:

- Ý thức vẫn sinh khởi được khi không có mặt tiền ngũ thức. Như ngồi yên trong một căn phòng yên tĩnh, mắt nhắm lại. Lúc này cái thấy, cái nghe không xuất hiện nhưng ý thức vẫn nghĩ chuyện này chuyện kia. Ngược lại, tiền ngũ thức chỉ có thể sinh khởi khi có sự hiện hành của ý thức. Như khi ngủ say, ý thức không hiện hành, dù có trần cảnh vẫn không xuất hiện sự thấy, nghe…

- Tiền ngũ thức duyên trực tiếp với ngũ trần bên ngoài. Ý thức không duyên trực tiếp với ngũ trần bên ngoài, chỉ biết được ngũ trần thông qua tiền ngũ thức. Như tai điếc, dù có âm thanh, vẫn không có ý thức về âm thanh.

- Tiền ngũ thức chỉ duyên hiện cảnh, không duyên được cảnh quá khứ và vị lai. Như mắt có thể thấy bông hoa trước mặt, không thấy bông hoa ngày hôm qua hay ngày mai. Ý thức duyên được cảnh ở cả ba thời. Như qua nhãn thức, ý thức biết được bông hoa, nghĩ tưởng ngày hôm trước bông hoa còn là nụ, vài ngày sau bông hoa này sẽ héo tàn. Ở đây dùng chữ “duyên” nghĩa là ý thức có thể lấy cảnh quá khứ để khởi lên cái biết về cảnh quá khứ đó, lấy cảnh tương lai để khởi lên cái biết về cảnh tương lai.

- Tiền ngũ thức có tính thụ động, ít tính chủ động. Đủ duyên thì hiện. Hết duyên thì ngưng. Khả năng lựa chọn cảnh để duyên không nhiều. Ý thức có tinh chủ động cao. Có khả năng lựa chọn cảnh để duyên. Như khi ở trong công viên, ý thức có thể chú ý đến tiếng chim hót, chú ý đến mùi thơm cây cỏ, lắng nghe tiếng gió thổi rì rào. Hoặc không quan tâm đến cảnh bên ngoài mà tập trung suy nghĩ về một vấn đề chưa giải quyết được. Ý thức có thể tự tạo ra một cảnh để duyên. Như ngồi buồn chợt khởi lên ý tưởng “Chiều nay trúng số độc đắc thì sẽ làm gì?” rồi theo đó mà khởi thêm nhiều ý tưởng về sau. 

- Tiền ngũ thức và ý thức hoạt động có gián đoạn. Tiền ngũ thức, do đòi hỏi phải hội đủ nhiều duyên và các duyên thưởng không đủ, nên khi sinh khởi thì ít mà khi ngưng nghỉ thì nhiều. Ý thức thì không đòi hỏi phải có nhiều duyên nên thường sinh khởi, chỉ trừ hai trường hợp ngủ say và chết giấc[2].

- Phạm vi hoạt động của tiền ngũ thức thì hạn hẹp, thức nào biết cảnh thức ấy, không so sánh suy lường. Nói theo Duy thức học là tiền ngũ thức luôn ở tình trạng hiện lượng. Ý thức vừa có thể hiện lượng, vừa có khả năng so sánh suy lường. Nó có thể hướng ra bên ngoài tìm hiểu ngoại giới, hướng vào bên trong tìm hiểu nội tâm, nhớ về quá khứ để rút ra kinh nghiệm, hướng về tương lai để hoạch định những việc sẽ làm. (Còn tiếp)    

 

---------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

1] Đây là khái niệm của Tâm lý học. Theo Duy thức học đáng lý phải dùng khái niệm “tâm thức”, là từ được dùng để chỉ cho phạm vi hoạt động của cả tám thức. Nhưng vì khái niệm “tâm thức” lại được Tâm lý học dùng để chỉ cho phần sáng tỏ của tâm, không có phần vô thức, nên ở đây dùng khái niệm “tâm hồn” để tránh sự hiểu lầm.

 

[2] Duy thức học nêu ra đến 5 trường hợp ý thức không hiện hành : Sinh cõi trời vô tưởng, nhập định vô tưởng và nhập Diệt tận định, chết giấc và ngủ say . Đây chỉ nêu hai vì phù hợp với sự hiểu biết của đa phần người đời.

 

[ Quay lại ]