headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Có Một Ngày Như Thế

thuongngayChơn Tuệ Thanh

Bước chân chậm hay cuộc sống hiện đại quá nhanh mà cảm giác luống cuống, không bắt kịp với xung quanh làm mình thấy mệt mỏi? Quá tham hoặc sức mình yếu kém nên dần dần thấy thế cuộc chẳng còn vương? Do bất như ý chăng? Âu cũng do mỗi duyên phận, mỗi góc nhìn. Loay hoay mãi để rồi cuối cùng chỉ có tự thân mỗi người mới biết vị đời chính mình là ngọt hay đắng, nước mắt hay nụ cười nhiều. Không ai bên ngoài có thể biết rõ dù là thân nhân quyến thuộc. Vậy nên buông hay giữ cũng bởi chính mình.

Hôm nay, nương mối duyên lành dưới ánh từ quang của Tam bảo, xin có vài lời sẻ chia. Tuy thô thiển nhưng rất chân thành về một ngày tạm quay lưng với cuộc sống, tìm chút an bình tĩnh lặng sau bao tháng ngày dong ruỗi ngược  xuôi.

Mở đầu, cũng là do chút duyê n không phụ thuộc nhiều, nên mình có thể tự quyết bỏ việc một vài ngày trong tuần. Nhớ có lần mình được nghe, nếu ta bỏ cái này để đánh đổi cái đáng hơn thì nên làm. Thế là về chùa...

Lâu rồi, chúng ta có khác gì người xây lâu đài trên cát vì cứ cho thế gian là thường. Nhưng đến bây giờ thấy nào đâu phải vậy. Lý tưởng sống thật chẳng phải là danh lợi. Ráng thương lấy mình mà cố thoát ra khỏi vòng xoáy bao đời vì vô minh mà cam lòng làm kẻ sống tha hương. Và cho dù vẫn còn phải loay hoay do nhân duyên còn đó, nhưng mỗi mỗi không quên phải đổi thay cho đến ngày viên mãn.

Đôi khi do chưa tu được nên chùng lòng. Chán nản, muộn phiền vì khó khăn nhiều lắm. Rồi thất vọng do tham sân si cù cặn vây quanh. Những đổi thay vô thường nhanh chóng của thế gian cũng làm mình choáng váng. Cái vừa có liền mất như áng mây trời chớp mắt đã vụt tan. Tin người thân quen đau bệnh chưa kịp viếng, đã phải ngậm ngùi thắp nén tâm hương đối trước hình hài bất động. Ngày hôm qua có thể tạm gọi là thành công. Thì ta có làm gì chưa chuẩn mực vẫn có thể được bao người rộng lượng cho rằng ta đúng. Hôm nay thất bại rồi liền trở thành sai… Thấy những điều này, không hàm ý trách ai, vì bản thân ta nào có khác chi, chỉ là nhận biết để thấm hơn lời Phật Tổ đã chỉ bày. Nhờ đó phiền não có đến rồi cũng chẳng theo lâu, không có thế gian như thế chắc gì chúng ta đủ duyên lành làm người con Phật, học mỉm cười trước những gì ta cho là chướng ngại. Đó cũng là một pháp tu.

Tất cả chúng ta đều được học rất nhiều pháp để thoát ly phiền não, tu hay không, tu thế nào là tùy ở mỗi người. Phải biết rằng con đường này không hề ngắn, cũng không dễ dàng và không ai có thể đi thay cho ai. Vậy nên giác ngộ thế nào còn tùy duyên nghiệp, tùy ý chí, nghị lực của từng hành giả. Riêng mình thì luôn nguyện sẽ ráng theo, bao nhiêu đời không quan trọng, cái chính là mình tập tu từ bây giờ. Có đi ắt có đến. Ngay giây phút này mình đã tìm thấy được chút ít an vui dù khó khăn chướng ngại vẫn còn nhiều. Nhưng dù gì chăng nữa, vẫn một dạ tin rằng chuyện gì rồi cũng sẽ qua. Vô thường mà! 

Do chưa đủ trí tuệ để thấy ngay dưới chân là Phật pháp nên hay về chùa nghe giảng, tụng kinh, tọa thiền là vậy. Cũng thường suy nghĩ, là người hay quên bài, nên hay xếp việc để được ở chùa, như người học dở nên thường phải đến lớp học. Nhìn thấy quanh mình mới chịu nhớ lời Phật dạy. Mới nhớ chú ý đến tâm ý. Rèn oai nghi để thân bước nhẹ nhàng. Miệng không dám dùng lời thô tháo. Nhớ hạ mình và bớt đi những loạn tưởng lu bu. “Nghe tiếng chuông phiền não nhẹ…”. Đang buông lung, chuông vang sực tỉnh quay về. Về chùa, đối với người còn ươn yếu như mình là để mong nương Tam bảo mà biết rõ bản thân hơn. Cần phấn đấu không được dừng nghỉ. Cũng để biết tập làm một người hoàn chỉnh dần, cho tâm ngày một bình thản hơn.

Một ngày, đủ duyên lành dự một buổi giảng của Thầy. Bản thân thấy thật nhiều lợi lạc. Dù mới hiểu trên ý, chưa làm được gì đáng để kể, nhưng nó đã có sức đánh động rất lớn đến sự mờ tối lâu ngày của một kẻ phàm phu. Nhân đây chia sẻ để chúng ta cùng học.

Đại sư Châu Hoằng nói rằng: “Người đời thường bàn nhau, Hàn Dũ lúc đầu chê bai Phật giáo, sau này ở Triều Châu gặp được Hòa thượng Đại Điên, liền có sự ngộ nhập. Nhưng nghiên cứu tập văn của ông, thì thấy có đoạn văn kể thế này: “Thời gian gần đây có người đồn Hàn Dũ tôi hơi tin Phật Thích-ca, thì đây là tin đồn sằng bậy. Bởi vì lúc đó ở Triều Châu không có người trò chuyện hợp ý, chỉ có Hòa thượng Đại Điên là vị tăng rất thông minh, lại biết đạo lý, cho nên tôi cùng ông qua lại. Đến khi tôi rời Triều Châu, đã tặng y phục cho ông để làm quà từ biệt. Đây là chuyện thông thường của người với nhau, chớ chẳng phải sùng bái đạo của ông ấy, hay chỉ để mong cầu phước điền!

Đại sư Châu Hoằng nói tiếp: “Chúng ta từ đoạn văn tự thuật ấy, có thể nhìn thấy ông vẫn là người ngang bướng không tin Phật giáo, thì làm sao nói là ngộ nhập? Nhưng nếu căn cứ vào ảnh hưởng của sự thị hiện, dùng hành động nghịch thuận để tán dương, thì không thể nào dự đoán được. Biết đâu chẳng phải là Hàn Dũ cố ý làm ra vẻ chê bai Phật pháp để khơi gợi một nhân duyên nào khác? Nếu không có sự chê bai Phật giáo của Hàn Dũ, thì đâu có lý do dẫn đến việc đại sư Minh Giáo viết quyển sách “Phụ Giáo Thiên” để bác lại Hàn Dũ? Chuông do đánh mà tiếng càng thêm vang dội, nến nhờ cắt mà ánh sáng càng thêm rực rỡ. Cho nên chưa chứng được Túc mạng, chưa đầy đủ Tha tâm thông, thì không thể tha hồ bàn luận viễn vông, tùy tiện khen chê bình luận người khác”[1].

Người xưa đã dạy như thế, Thầy cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ mọi việc, nên chúng ta chớ vội nói nhiều khi chưa hiểu hết căn nguyên, không khéo sẽ có ngày hối tiếc”.

Thường tình thì ở thế gian, mấy ai trong chúng ta chưa từng vấp phải lỗi nhìn sai người? Khi thương ta có thể nghĩ khác, nói cũng khác, tô vẽ thêm, thần tượng hóa bằng rất nhiều lời hoa mỹ. Ngược lại, lúc ghét rồi chúng ta cũng chẳng vừa gì, bao nhiêu lời lẽ không hay đều nói ra hết. Chẳng thể nhìn nhận thật tâm được nữa. Cũng không buồn nghĩ đến hậu quả hay cảm nhận của đối phương. Có khi không dám nói thẳng thì cũng xa gần bóp méo. Xét lại, dù thương hay ghét đều là đang kẹt dính ở hai bên, không nhìn ngay lẽ thật thì lấy gì làm chính xác? Vậy đó, nhưng có bao giờ ta thấy tội nghiệp cho chính mình chưa? Đâu biết rằng tự mình đang bước vào đường tối.

“Y pháp bất y nhân” trong Tứ y, chính là muốn nhắc cho chúng ta biết lý lẽ này. Đơn giản và gần chúng ta hơn là câu “Nhân vô thập toàn”. Làm người sáng suốt đúng ra nên học cái tốt xung quanh, còn cái chưa tốt của người thì để yên đó. Thầy Tổ sẽ tự chỉ dạy. Không thì đủ duyên họ sẽ tự điều chỉnh. Chúng ta chỉ mỗi một việc là nhìn thấy rõ, biết đúng là như thế, vậy đủ rồi, không nhọc đầu, không thêm không bớt. Nhưng thường thì chúng ta đâu có chịu làm như vậy, thành phạm sai lầm nhiều vô kể.

Như bài học ở trên, theo thế thường thì lời phát biểu của Hàn Dũ đã đủ thông tin để ta nhận định ông là người không có duyên với Phật pháp. Và chắc chắn rằng sau khi kết luận như thế, chúng ta chẳng bao giờ suy xét lại lần hai. Nhưng  Đại sư Châu Hoằng thì khác, Ngài vẫn luôn tỉnh sáng trong phán xét của mình. So với Ngài, mắt tuệ chúng ta chưa sáng được bao nhiêu, sao hiện tại vẫn ngày ngày không chịu sợ mà sửa sai? Cứ thích tiêu tốn thời gian để xét tốt xấu của người, mà việc của bản thân thì lơi lõng. Vậy nên, từ bài học này cá nhân mình thấy thật xứng để làm một bài học lớn.

Nhớ lại bản thân, có khi mới nghe một câu loáng thoáng còn chưa trọn nghĩa, đã vội kết luận rồi bàn tán người thế này, kẻ thế kia, và lấy đó làm vui thích. Nhưng lại sinh buồn khổ một khi có ai đó nói gì chưa phải về mình… Trong khi Phật dạy các pháp đều không thật, nhưng trái khoáy thay, pháp nào tương ưng với lòng mình thì vui thích không muốn dừng nghỉ, pháp nào khác ý với mình, liền khởi phiền não, trách thầm sao mình kém phước, bị tiếng thị phi.

Phật và Thầy Tổ đã nhọc công chỉ ra các pháp cho chúng ta tu, nhưng với căn cơ cạn, nghiệp xấu lại nhiều, nên bản thân mình chỉ dám khởi đầu bằng tâm niệm ráng nương Tam bảo học hỏi, tập sửa những điều chưa được dù là nhỏ nhất, học xa dần chấp trước các pháp thế gian, nhưng không phủ nhận hay trốn tránh nó, vì như Lục Tổ đã dạy: “Phật pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác. Ly thế mích bồ đề. Kháp như tầm thố giác”, nếu tìm cách quay lưng với cuộc sống hiện tại để tu học thì đúng là đi tìm lông rùa sừng thỏ.  Nhắc lại, chẳng có gì là thường, nếu cố chấp ôm khư giữ lấy những thứ hữu hình thì khác gì tìm bọt bóng làm chuỗi đeo, vì hữu hình thì hữu hoại. Thôi thì ráng từng ngày bớt dính chuyện hơn thua, tiền tài vật chất cũng ráng bớt mưu cầu, chưa làm được thường thì ráng từng phút từng giây, an lạc trong từng giờ để còn cơ duyên quay về với tâm tính sẵn có. Ai khen chê, chúng ta cũng không phải phiền nhiều. Muốn được vậy thì phải gắng mà tu sửa, ít nhiều cũng đừng động tâm thối chí, nếu không chúng ta mãi chỉ làm những kẻ tối ngày ngồi nói rằng ta là con của Phật, là người có nhà, nhưng thật ra đều là những người khách trọ, ở lâu ngày nên mơ mộng cho qua, chứ chẳng ích lợi chi.

Thôi thì mỗi người mỗi duyên, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng mình thật tâm chúc nguyện ai ai cũng thường được phúc duyên sống nơi Đạo tràng của tự thân. Mỗi một niệm đều là niệm lành. Mỗi bước chân, hơi thở đều được an nhiên tự tại, xứng đáng thật là những người con Phật, để lỡ ngày mai không còn cơ hội, vẫn thấy không hối tiếc. Và không cô phụ ân giáo dưỡng của Thầy Tổ.

Thành tâm kính chúc những ai hữu duyên đều thu xếp được, dù ở đâu đều như đang ở chùa, dù làm gì thì vẫn biết đang tu.

Nam mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.  

---------------------------------------
[1] Trích Trúc Song Tùy Bút, Đại sư Châu Hoằng, thiền viện Thường Chiếu dịch.
 

 

[ Quay lại ]