headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Giờ con đã nhận ra

thuyetphapChánh Phúc Đạt

Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có tuổi thơ rồi lớn dần theo thời gian mà thành một người trưởng thành trong xã hội này. Ai cũng nói rằng, nhắc tới tuổi thơ là nhắc tới những tháng ngày không tì vết. Nhưng với tôi, quá trình đó có tiếng khóc râm ran, có tiếng cười rả rích, có cả những buồn tủi của thời trẻ dại, có những vết thương ngoài da hòa lẫn với máu và nước mắt.

Tuổi thơ của tôi đã từng trải qua những vết thương nhỏ trong tâm trí của một đứa trẻ. Trong khi những người bạn cùng trang lứa lại được hưởng thụ sự hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ, có thể sống an nhiên giữa vòng bao bọc của mọi người.

 Tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em, chủ yếu là nuôi sống nhau bằng nghề đánh bắt cá biển. Gánh nặng gia đình đè trên đôi vai của bố mẹ. Cuộc đời của bố gắn liền với nghề biển từ rất nhỏ. Hàng ngày, ông cùng mẹ thức dậy từ lúc ba giờ khuya, chuẩn bị cho chuyến đi bắt hải sản xa bờ. Nắng mưa sóng gió trên biển ông đều phải chịu, chỉ mong sao có những mẻ cá lớn để có cơm ăn áo mặc cho vợ con. Công việc của bố rất vất vả, khiến sức khỏe của ông ngày càng yếu dần. Để chống chọi với những lúc mệt mỏi, ông tìm tới những chén rượu. Bởi người đi biển vẫn nghĩ “Đi biển ngoài khơi, thời tiết thường hay gió lạnh giá rét, uống rượu có tác dụng làm nóng cơ thể, co giãn xương cốt, khỏe trong người”. Nhưng bố không biết đó là lý do làm bố giảm đi lý trí, nghị lực và ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Thế là uống rượu thành thói quen. Hàng ngày, phải có nó bố mới ăn cơm và cảm thấy ngon miệng hơn.

Thời gian trôi nhanh, gia đình tôi phải chứng kiến cảnh bố tôi lâm bệnh nặng. Một căn bệnh gan ác tính. Bố suy sụp tinh thần và mọi thành viên trong gia đình phải lo lắng, chạy tiền chữa bệnh cho bố. Cuộc sống vốn đã thiếu thốn giờ càng khó khăn hơn. Khi hết đường vay mượn, bố mẹ tôi quyết định bán nhà. Bán nhà rồi, điều trị một thời gian ngắn nữa thì bố ra đi. Hết một kiếp người ngắn ngủi. Bố chẳng mang theo được gì cho riêng mình để làm điểm tựa tốt cho kiếp sau.

Sau khi bố mất, cuộc sống gia đình tôi có nhiều biến động, gánh nặng đè lên đôi vai gầy nhỏ bé của mẹ, một người phụ nữ đầy nghị lực. Người đã từng trang trải cuộc đời cho chồng con và lấy đó làm lẽ sống đời mình. Mẹ hy sinh, vất vả, bươn chải để con cái có những ngày tháng ấm no. Lúc bố còn sinh tiền, mẹ đã chẳng được hạnh phúc mấy. Bởi say rồi là ông chửi mắng đánh đập vợ con. Bà luôn phải chịu những trận đòn đến ngất xỉu. Thân hình mẹ vốn nhỏ bé, gầy gò giờ càng tiều tụy, không biết sao bà có thể chịu đựng được những trận đòn như thế, không phải chỉ dành riêng cho mình mà còn cho con cái. Chúng tôi nhỏ quá, không hiểu hết được nỗi đau mà mẹ phải chịu, không biết nói một lời an ủi hỏi thăm bà, đôi khi chỉ biết cãi cối cãi chày và làm bà thêm lo lắng.

Lúc còn nhỏ, tôi là đứa trẻ ít nói, luôn biết phụ mẹ làm những công việc trong nhà, nhưng bố hoàn toàn không thích tôi. Ông nghĩ tôi là con rơi của mẹ. Đó là lý do khiến cuộc sống của tôi ngập tràn sự chửi mắng và đánh đập. Mỗi lần thế bố mẹ lại cãi nhau. Bà lại bị đòn roi nhiều hơn.

Có quá khứ nào đi qua mà tìm lại được? Giờ bố đã ra đi, chỉ còn lại mẹ làm điểm tựa cho tụi con lớn dần theo ngày tháng. Một đàn con dại quanh quẩn bám lấy mẹ để sống. Lớn dần, chúng tôi ý thức hơn nỗi thống khổ của bố mẹ nên cũng biết thương yêu đùm bọc nhau trưởng thành. Mỗi đứa đều biết bươn chải với đời, kiếm công ăn việc làm, lo được cuộc sống của riêng mình.

Các anh chị lớn đều đi làm xa. Mọi việc ở nhà, tôi phải thay mẹ khi mẹ vắng nhà. Ngày trước bố còn sống, tôi cũng là đứa chăm bố bệnh và lo cho hai em nhỏ. Điều kiện như thế không cho phép tôi được hồn nhiên vui chơi với chúng bạn bên ngoài. Mặc cảm về bản thân luôn đè nặng lên tôi, nhưng tôi cũng cảm ơn hoàn cảnh khó khăn đã giúp tôi ý thức được sự vất vả của những người thân, để tự hiểu rõ bản thân mình cần phấn đấu nhiều hơn trong học tập.

May là thời gian sau này, tôi luôn nhận được tình thương yêu từ mẹ và các anh chị cũng như họ hàng người thân trong gia đình.

Tốt nghiệp cấp ba xong, tôi theo anh chị vào Nam, ôn thi và tìm trường để học. Khi việc học được ổn định, cũng là lúc tôi được một số bạn hướng dẫn đi chùa. Chắc có lẽ do phước duyên đời trước. Vì từ trước tới giờ tôi không biết gì về các sinh hoạt ở chùa. Thuở nhỏ theo mẹ đi chùa cũng chỉ là để lễ lộc, cúng bái hay bói toán, cầu Phật phù hộ cho gia đình được an vui, hạnh phúc v.v... Với tôi, thầy tu là những người đói khổ, thất tình, mồ côi, không nơi nương tựa nên họ dựa vào chùa sinh sống qua ngày. Tôi chỉ biết như thế. Giờ nghe bạn nói đi chùa thanh tịnh, cảnh chùa mát mẻ v.v… tôi thấy cũng hay hay nên đi theo. Lên xe gặp mấy anh chị mặc đồ lam, thấy họ hiền lành và cũng dễ có thiện cảm. Họ hỏi thăm tôi rất ân cần.

Thiền viện rộng lớn, cây cối xanh tươi, vườn cảnh có lối kiến trúc hài hòa giản dị… Cách xây dựng thật lạ mắt chưa từng thấy bao giờ. Dòng người tấp nập, khuôn mặt của mọi người hiện lên niềm an vui hạnh phúc. Khi gặp quý thầy, tôi ngạc nhiên khi thấy quý thầy mặc đồ màu vàng sao nhiều đến vậy. Vị nào cũng toát lên vẻ thanh tịnh, tướng mạo đoan trang, nhìn phong thái thật thanh thoát, đi đứng thật oai nghiêm. Khác hẳn những thầy tôi từng gặp ở đình làng, tướng mạo không khác người thường, hút thuốc lào phì phèo, có gia đình, ăn mặn… Nói chung, dung hạnh của người tu không như mình từng nghĩ. Trong tôi cảm giác rất yên bình xuất hiện. Việc tìm hiểu về thiền viện bắt đầu hé mở trong tôi. Lại được nghe các anh chị gọi nhau bằng chữ huynh đệ sao mà thân thương gần gũi!

Huynh đệ dẫn tôi vào đảnh lễ Hòa thượng. Nay là sư phụ của tôi, Hòa thượng Thích Nhật Quang. Tôi biết Ngài khi được nghe băng giảng trên xe đến thiền viện. Ngài là bậc chân tu, vẻ mặt hiền từ, đôn hậu, thần thái uy nghi cao nhàn, nhãn quang sáng rực. Tôi như đứa con nít, thấy huynh đệ làm gì chỉ biết làm theo, không một chút thắc mắc, chỉ cốt chăm chú vào Thầy đảnh lễ sao cho giống huynh đệ. Tôi được nghe pháp thoại, tham dự lễ sám hối sáu căn, thưởng thức một bữa cơm chay đạm bạc, ngồi thiền trong chánh niệm và cuối cùng được nghe bài pháp thoại của thầy Đạo Tâm. Khi về, tôi còn được tặng thêm kinh sách và đĩa giảng, không như trước đây, muốn gì đều phải bỏ tiền ra mua. Một ngày thật sự ý nghĩa đối với tôi. Khi nào trở về nhà, trong tôi cũng có cảm giác mong đợi một chuyến đi kế tiếp.

Tôi đã được một huynh trong đoàn hướng dẫn nhiệt tình trong mọi sinh hoạt tại thiền viện. Huynh tặng tôi những cuốn sách nhỏ của Sư ông Trúc Lâm. Tu là chuyển nghiệp, Tam độc, Tập nghiệp v.v… Mỗi cuốn sách là tổng quan về một khía cạnh trong giáo lý vi diệu mà đức Phật đã nói. Tôi đã đọc và dừng lại ở một câu nói của Sư ông: “Trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có những người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm với nhau mà thôi”. Câu nói đó giúp tôi nhận ra rằng, muốn điều hòa cuộc sống này tôi phải tập nhẫn nhục và từ, bi, hỷ, xả.

Từ nhỏ tới giờ, tôi luôn nghĩ bố tôi không giúp gì được cho tôi, chỉ làm tôi tổn thương quá nhiều mà thôi. Thành khi ông ra đi, tôi không bao giờ muốn ai nhắc đến ông nữa. Giờ tôi mới nhận ra là mình si mê cố chấp. Tôi không biết rằng tôi hiện hữu sống được trên thế gian này là nhờ bố mẹ. Bố mẹ là những người không quản ngại công lao khổ nhọc để sinh ra tôi.

Bạn biết chăng, cuộc đời đầy đau khổ
Bởi con người mãi gieo rắc hận thù
Gây đau thương, gây tang tóc ngục tù
Rốt cuộc chỉ còn là cơn ác mộng

Bố mẹ và tôi là một trong những trường hợp của nghịch duyên. Do nghèo khó và những thói quen phàm tục lôi kéo mà chúng tôi phải chịu đau khổ. Yêu thương trở thành ngăn cách. Có mâu thuẫn là do chúng tôi không hiểu về những nghịch duyên đã tạo ra với nhau từ nhiều đời trước, lại trên những nghịch duyên đó mà sinh đối kháng. Ý thức phân biệt thì quá lớn mà không hề nghĩ rằng đều là do lỗi của mình.

Giờ mỗi lần đến chùa, đứng trước ngôi Tam bảo, tôi phát lồ sám hối, nguyện bản thân tu hành, rồi hồi hướng công đức đó cho bố mẹ sớm tỉnh giác, nương theo oai lực của Tam bảo mà tu hành cho đến ngày giải thoát. Nguyện cho bố “phát tâm tỉnh giác, lìa khổ tối tăm, khởi niệm từ bi, xa rời đường dữ, tin sâu Tam bảo, sinh cõi Phật an vui”. Mẹ thì tuổi đã già, con luôn mong mẹ hằng ngày đến chùa sinh hoạt Phật pháp, tụng kinh, ngồi thiền, nghe pháp như bao người mẹ khác, để mẹ tìm được sự an ổn nhàn hạ khi tuổi xế chiều. Bởi lẽ, đạo Phật là đạo diệt khổ và đem lại sự an vui cho tất cả mọi người, là chỗ nương tựa để chúng ta trở về bờ giác ngộ giải thoát.

Trời trong , mây trắng, gió mát, trăng thanh
Vườn cây xanh rờn, khóm hoa cười mỉm
Nhạc dế nhẹ nhàng, giọng chim thánh thót
Chính nơi đây đã hiện rõ chân nhân
Hận ngàn năm đều tan nát trong mơ
Đâu còn nữa, những khổ đau bữa trước
Muốn thấy nó, bạn đừng theo vọng tưởng
Niệm lăng xăng chìm lắng biển thanh bình
Đến đây rồi hạnh phúc khó thưa trình
Chỉ xem thấy nụ cười luôn hé mở

(Sư ông Thanh Từ)

 


 

 

[ Quay lại ]