headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Pháp Lạc Thất

phaplacthat2 Tiền thân của Tu viện Chơn Không

Thầy ra Vũng Tàu được Thượng tọa Thích Tịnh Viên Trụ trì Linh Sơn Cổ Tự giới thiệu một khu đất rừng trên núi Lớn. Xem qua Thầy thấy thích hợp và quyết định cất thất tại đây.

Vào tháng 4 năm 1966, Thầy khởi công cất thất.

 Qua mùa an cư, Thầy giã từ Phật Học Viện Huệ Nghiêm, rời hẳn Sài Gòn thủ đô ánh sáng, về núi sống nếp “Sơn Tăng”.

Ngôi thất Thầy cất lấy tên: Pháp Lạc Thất (quyết tìm vui trong pháp mầu). Một ngôi thất được cất bằng cây lá, nhỏ gọn xinh xắn, tọa lạc trên một khu đất hơn ngàn thước vuông. Thất hướng về Đông, tức hướng về biển Thái Bình, Thị xã Vũng Tàu.

Ngôi thất bốn thước lọt lòng, có hành lang chung quanh. Là loại nhà nóc bánh ít, nền được tráng xi măng khá sạch.

Giữa thất được tôn trí một bàn Phật, một bộ Đại Tạng Kinh, sau bàn Phật là nơi ngủ nghỉ và ăn uống. Một cái võng dùng nghỉ lưng.

Sự bài trí trong ngôi thất chỉ chừng ấy. Có được Đại Tạng Kinh là quá đủ cho Thầy rồi, không cần phải bày biện gì thêm nữa.

Một cái thất đơn giản, gọn nhỏ sáng sủa và mát mẻ, là nơi ở lý tưởng cho một vị ẩn tu.

phaplacthat
Pháp Lạc Thất -1967

Thầy ở đây tuy cũng có nhiều ngoại hộ, nhưng việc ăn uống và đời sống hằng ngày tự Thầy lo lấy.

Qua một năm với công sức của Thầy đã tạo cho phong cảnh nơi đây khá hơn xưa nhiều. Các bụi le rừng đã được bứng gốc, các dây leo đầy gai đã được đào tận củ.

Thay vào đó, trước sân hoa kiểng đã nên màu thêm sắc, vẻ tươi mát hiện lên. Phía sau vườn xoài mít đã có tàng nẩy nở thêm vẻ tốt tươi.

Sống trong cảnh u nhã, Thầy lo điều tâm dụng ý tu trì. Đá sỏi và phiền não, đồng lúc được Thầy xeo nậy, sắp xếp thành hàng lối quy củ. Thỉnh thoảng hàng đệ tử, Phật tử thân tín tới lui thăm viếng và góp sức
với Thầy. Những lần như vậy, Thầy trò hợp lực mở rộng phạm vi phá rừng thêm đất. Những buổi khai mở như vậy đã để lại trong lòng người Phật tử nỗi niềm kính mến không quên. Điều này khiến dâng lên niềm cảm khái ở kẻ làm trò:

Núi đá chập chùng, trúc dày đan lối
Người về đây gầy dựng lại Tông phong.

maidaopharung

Mài dao phá rừng - 1967

Nhập thất

Ngày Rằm tháng 4 năm Mậu Thân (1968) Thầy phát nguyện nhập thất. Một số Phật tử đã tiễn đưa Thầy vào thất. Hàng đệ tử mong rằng trong thời gian nhập thất, Thầy sẽ phát minh tâm địa, phát sáng pháp mầu dẫn dắt chúng sanh thêm nữa.

Thời gian nhập thất lần này không hạn định. Thầy đã quyết tâm sống chết, Thầy nguyện nếu không sáng, đường vào đạo không mở ngõ thì chết luôn không ra thất.

“Đạo không sáng không ra thất” Một quyết tâm kiên cường, Thầy đã cài then khóa cổng thất thật chặt.

Giờ của sao mai

Phật pháp không phụ người đại chí.

Ngày 21 tháng 7, Thầy đã sáng ra nẻo đạo. Lý "sắc không" được liễu đạt. Thầy đã nhận ra thật lý Bát-nhã.

Từ con mắt Bát-nhã, Thầy trông qua tạng Kinh, trông đến đâu ý kinh bày lộ đến đó. Ý Phật thật rõ ràng. Xưa kia Thầy nghĩ Kinh điển Đại thừa chỉ “để trên gác thờ”, mà nay Kinh thật sống, sống như chính lời Phật trên Hội Linh Sơn.

Và pháp thiền sau đó cũng được mở thông. Để đáp lại ân đức trước, Thầy dịch lại quyển “Thiền Nguyên Chư Thiên Thập Đô Tự” của ngài Tông Mật, tức quyển Nguồn Thiền.

Rồi đến ngày mùng 8 tháng Chạp năm ấy, Thầy ra thất.

Hàng đệ tử, Phật tử đến vấn an Thầy, Thầy cười bảo: “Đã đến lúc làm Phật sự”.

Qua lời nói sảng khoái của Thầy, khiến hàng đệ tử cảm thấy mừng vui vô hạn. Biết rằng Thầy sẽ mở cửa cam lộ độ chư quần sanh. Hoài bão ở Thầy đã đầy đủ nhân tố để thực hiện. Thầy sẽ chấn hưng lại Thiền tông.

Thầy khai sáng Tu viện Chơn Không.

Thượng tọa Thích Thanh Từ đã dựng lại Thiền tông, sáng lập Tu viện Chơn Không từ cơ duyên như vậy.
 

[ Quay lại ]