headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐỜI SỐNG VIỆN CHỦ

vienchuchonkhongĐã trải bao năm, những nỗi thăng trầm của Tu viện Chơn Không, người chủ nhân ấy như thế nào cũng phải được biết qua. Người chính là linh hồn Tu viện là vị Viện chủ Chơn Không.
Viện chủ  Chơn Không có đời sống thường nhật như thế nào trong suốt mười năm qua? Đó là những việc rất tầm thường, nhưng cũng phải được biết qua. Những việc ấy là: ăn, mặc, ở và làm việc.

Một Viện chủ, về việc ăn, mặc không thể tự lo lấy, đây là điều tất yếu. Nên phải có người thay lo cho mặt này, đó là Thị giả.

 

Thị giả

Dạo trước, kể từ mùa hạ 1975, Thị giả cho Thầy Viện chủ là một Thiền sinh tăng, Thầy Thông Hải. Nhưng sau mùa hạ ấy vì lý do cư trú, Chơn Không chỉ còn giữ 5 khẩu trong một hộ. Và người được giữ lại là người có tuổi. Vì thế Thầy Thông Hải phải rời khỏi Chơn Không, không còn làm Thị giả nữa. Chúng Chơn Không còn lại trong Viện ngoài Viện chủ ra còn bốn vị trong số đó có Thầy Như Hoàng là trẻ nhất (trên 30 tuổi), còn các vị kia gần 50 trên 60 cả.

Như vậy trong Viện chỉ còn Thầy Như Hoàng là lao động chính, lại là người nhờ cậy đủ thứ chuyện thì không thể đảm đương việc Thị giả được.

Vả lại trong tình cảnh quá đặc biệt là tăng trẻ có phần khó khăn trong việc đi ở mà Viện chủ cũng cần phải đi lại đến các Chiếu thế nên Thầy Viện chủ đã chọn Thị giả là Thiền sinh ni.

Thiền sinh Như Tâm, người Trụ trì chùa Viên Phước cùng cô Thuần Nhất được chọn làm Thị giả. Cả hai cùng ở chùa Viên Phước lo phần Thị giả cho Viện chủ.

Việc ăn uống

Sáng: Điểm tâm qua loa
Trưa: Bữa cơm chính
Chiều: Uống sữa

Đây là việc đã như vậy trải từ lúc tìm tu đến bây giờ. Viện chủ đã sống đúng như vậy.

Về cách ăn, Viện chủ có riêng bộ cà-mèn, Thị giả nấu nướng xong sớt vào và mang lên thất bày ra mâm thêm chén đũa. Đó là bộ vận sự ăn uống.

Việc ăn uống như vậy gần 20 năm qua ở vị Viện chủ.

Chùa Viên Phước

nơi Viện chủ dùng sữa mỗi chiều

chuavienphuoc

Mỗi hoàng hôn xuống bên thềm
Gậy khua lốc cốc, êm đềm bước chân.

Về món ăn thức ăn Viện chủ không kén chọn, không sở thích đặc biệt nào, chỉ có món hợp cơ thể hay không. Như chao là món có mùi nên tối kị không dùng, vì không hợp cơ thể, ăn vào bệnh.

Việc ăn ở Viện chủ lại đơn giản không phải cầu kỳ, kiểu vẻ, không đòi hỏi đúng cách đúng gia vị. Hễ có để ăn là được, tậu hũ hay rau luộc cũng vậy, nấm đông cô, nấm rơm cũng thế.

Việc ăn uống như thế đã giúp cho người Thị giả nấu nướng mọi sự dễ dàng. Và chính sự dễ dàng đó mà Thị giả lại càng trọng, lại để tâm chu đáo hơn lên.

Những ngày tháng sau này, điều kiện sống có khác, không để Thị giả phải ngày lên xuống thất ba lần, cũng là để bớt nhọc cho Thị giả. Viện chủ mỗi chiều tự thân đến chùa Viên Phước, nơi Thị giả ở mà dùng sữa.

Trong việc dùng sữa buổi chiều, cũng là để nhắc nhở việc tu hành cho các môn đệ quanh đó. Giờ ấy, chúng Ni xúm xít lại nghe Viện chủ nói chuyện. Những câu chuyện của giờ này có nhiều giá trị, gần gũi với việc tu hành của Ni chúng hơn.

Khung cảnh này trông có vẻ ấm áp lạ. Ấm như ly sữa nóng ngọt ngào. Viện chủ trên chiếc võng, môn đệ vây quanh, một vài đệ tử nào đó nắm võng nhẹ đưa.

Theo nhịp võng đưa, Viện chủ chậm rãi nói từng lời, từng mục đạo lý ngắn gọn. Thỉnh thoảng lại vang tiếng cười ấm áp nghĩa Thầy và trò.

Việc mặc

Với cái mặc từ bao lâu nay, Viện chủ chỉ mặc mỗi thứ màu: màu vàng. Về vải vóc, xấu tốt như thế nào không cần thiết. Hễ có mặc là được. Viện chủ lúc nào cũng vậy. Đồ ngắn thì chỉ đồ vạt mẻ, không thứ gì khác. Đồ dài thì y hậu tràng, ai dâng sao thì mặc vậy.

Viện chủ đã không để tâm đến sự ăn mặc. Không rách rưới quá đáng, không lòe loẹt sang trọng thái quá vậy thôi.

Nhớ thuở, ngày Hòa thượng Thiện Hoa mất, Viện chủ về Sài Gòn chịu tang, việc ăn mặc ở Thầy so ra thiệt chẳng bằng ai. Viện chủ Chơn Không đã mặc một chiếc áo trắng nhạt màu bằng vải thường có số tuổi già nua (có cả 10 năm) giữa những hàng vải thời trang khác. Việc ấy khiến đệ tử, Phật tử thấy mà mủi lòng. Thật “Sơn tăng” có khác.

Sau đó Phật tử đổi áo mới cho. Có áo mới thì mặc, Viện chủ cũng chẳng kén. Rồi những năm gần đây, Phật tử từ nước ngoài đã gởi vải cúng dường. Viện chủ có thêm được những bộ đồ mới. Những loại hàng vải này thuộc loại quý giá. Nhưng với Viện chủ vẫn chẳng thấy gì khác lạ. Nó tốt cũng biết tốt, nhưng cần phải làm cỏ thì cũng mặc nó mà làm, cần chặt chuối cũng mặc nó mà chặt, phải đi hái mãng cầu, bao nhãn thì cũng mặc nó mà làm. Viện chủ hình như chẳng biết cũ mới, tốt xấu là gì! Thị giả có lúc cũng thấy “rầu” cho Thầy mình về việc này.

Rồi đến năm 1984 Viện chủ lại được gia đình Phật tử Minh Pháp gởi dâng cúng một bộ y hậu kim tuyến được may từ Đài Loan. Một bộ y hậu mà người biết xài đều cho là rất quý giá vào hàng thượng đẳng. Viện chủ đã nhận, mặc cho đệ tử ngắm qua rồi thôi.

Đối việc ăn mặc, Viện chủ đã sử dụng đúng như duyên, đúng như sự răn nhắc đệ tử vào một tối giao thừa (1985) qua bài giảng “Tâm Hạnh Người Tu”.

- Ba là sự sống của chúng ta rất đạm bạc, ăn uống đơn sơ, mặc cũng đơn sơ.
Viện chủ đã sống như trong kinh Di Giáo nói … “Người tri túc gặp việc có dư”.

Việc ở

Viện chủ, có lúc nói với môn đệ.
- Đời tôi chỗ ở chỉ 4m2. Lúc ở Bảo Lộc cũng 4m. Ở Huệ Nghiêm, Pháp Lạc thất cũng vậy. Và cho đến các thất ở mấy Chiếu cũng thế (Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu, Huệ Chiếu - mỗi nơi đều có cất riêng một thất cho Viện chủ).

 

Thật vậy, việc ăn ở của Viện chủ thật đơn giản. Chỗ ở và đồ dùng trong thất, đồ mà Viện chủ đã tạo, không có gì gọi là đáng giá. Và cũng chẳng có mấy món trong thất. Từ việc ăn ở như vậy, khiến một hôm, có một vị Tăng từ cố đô (Huế) nghe tiếng Viện chủ vào tham vấn. Vị Tăng sau khi vào thất đã nói với người hướng dẫn: Chỗ ở một vị Viện chủ như thế, chỉ chừng ni à!

thatvienchu

Quen theo lối nhìn cung đình, vị tăng đã hình dung chỗ ở một vị Tông chủ phải là đồ sộ uy nghi lắm. Chỗ ở phải sang trọng quý phái như các Ôn mà vị tăng đã viếng qua. Nhưng nào ngờ thất Viện chủ chỉ chừng ấy! Một lần người đệ tử đến thăm Viện chủ trong mùa hạ 1985, hỏi thăm qua về việc đi ở, và đã thưa:

- Khi về Thường Chiếu, Thầy nên nới rộng lòng thất để phòng khi có khách khứa đông và cũng nên cất cho đàng hoàng hơn.

Viện chủ cười, và nghiêm lại nói:
- Chi vậy! Như vậy cũng đủ rồi! Chỉ lợp lại cho kín mưa thôi. Mình như vậy là đã quá hơn người trước rồi. Xưa ngài Dương Kỳ, Tổ một dòng thiền (phái Dương Kỳ) đã ở trong một ngôi nhà rách rưới, dột đổ. Trời mưa ướt cả mùng mền không thể ngủ được. Ngài bó gối ngắm mưa rơi mà cho là châu ngọc rơi. Ngài có làm bài kệ “nhà rách”. Kệ:

Dương Kỳ tạc dạ ốc bích sơ
Mãn sàng tận tán tuyết chơn châu
Xúc khước hạng, ám ta hô!
Phiên ức cổ nhơn thọ hạ cư.

Dịch:

Dương Kỳ đêm qua nhà vách thưa
Đầy giường tung vãi tuyết chơn châu
Lạnh rút cổ, miệng hít hà
Nhớ lại người xưa dưới cội cây.

Đời làm Tăng, khất thực qua không trở lại. Dưới gốc cây ngủ một đêm không quá hai. Nay mình có cuộc sống như vậy là quá lắm rồi. Riêng việc ở Chơn Không này cũng vậy. Mình đã ở cả 20 năm một chỗ rồi còn gì. Đi, dời chỗ cũng tốt.

Những lời lẽ khiêm tốn trong đời sống Viện chủ đã như vậy, khiến người đệ tử kính ngưỡng mà không nói thêm gì được. Dù rằng Viện chủ, không chỉ ở nhà cao cửa rộng, mà dù có ở vào lầu các Di Lặc cũng là xứng. Người có cái thấy như vậy thì có ngại gì chỗ ăn chỗ ở. Ở nhà lầu điện ngọc có sao đâu? Có gì dính mắc được người! Nhưng Viện chủ đã nói như vậy là vì thấu lẽ “tùy duyên” đó thôi.

Cư xử với Thị giả

Thị giả hai vị, Thị giả bổnphận hầu Thầy (sự sư) như giới luật xưa đã dạy. Nhưng với Viện chủ, Thầy không đòi hỏi người Thị giả phải đúng như oai nghi xưa. Thị giả giữ làm
sao cho Thầy ra Thầy, trò ra trò là đủ.

Viện chủ không bắt buộc Thị giả phải phục vụ cho mình, phải đáp ứng đầy đủ cuộc sống của mình như thế nào đó. Viện chủ rất giản dị, không gây bận rộn phiền toái cho Thị giả một cách vô lý ngoài công việc chính. Tuy vậy, không có nghĩa Viện chủ không biết đến việc làm của Thị giả. Việc nào không phải, Thị giả đã sai trái, Viện chủ vẫn rầy dạy rõ ràng. Viện chủ không chấp nhưng không bỏ xuôi. Viện chủ khoáng đạt khoan dung nhưng nghiêm túc. Việc nào ra việc đó, cái nào ra cái nấy, không xô bồ, lộn xộn pha lẫn được. Viện chủ đối pháp không lưu tâm, nhưng lại tinh tế. Việc lớn nhỏ khó qua mắt Viện chủ được. Tâm trí Viện chủ đã đến mức linh hoạt. Tự tánh dụng phát huy đã vào trình độ bậc Thầy.

“Dưới trướng tướng giỏi không có lính hèn”. Ngược lại, tuy hai Thị giả là Ni, nhưng cũng chứng tỏ thành tựu gần trọn vẹn chức năng của mình.

Thị giả đã khá chu đáo trong việc hằng ngày đối với đời sống Viện chủ, từ cơm nước đến sự ăn uống, thuốc men bệnh hoạn, mọi việc đều có để tâm vào. Ngoài những việc thông thường ấy, Thị giả còn là thư kí riêng cho Viện chủ qua công việc tra cứu, sưu tập tài liệu, ghi chép và đánh máy chữ.

Vai trò Thị giả ở một Viện chủ như vậy thật khá quan trọng. Viện chủ không phải chỉ có ăn và mặc, mà xung quanh một người Thầy có biết bao là vấn đề. Vì vậy là người Thị giả cũng phải có hiểu biết qua sự việc của người Thầy để tùy nghi phụ giúp. Thị giả như vậy phải tự trau dồi thêm những tài năng khác ngoài việc cơm nước. Vì vậy Thị giả trở nên có giá trị hơn trên danh nghĩa một “đạo hầu” bình thường.

Thị giả như vậy, lần hồi có thể đại diện tiếng nói cho Viện chủ trong một vài trường hợp, một vài việc nho nhỏ thuộc phạm vi Viện chủ, khi Viện chủ không có mặt hay bận. Và Thị giả khéo trau dồi lần hồi có thể là “phát ngôn viên” chính thức cho vị Viện chủ.

Hai vị Thị giả đây qua bao năm chịu khó bên Thầy, trong điều kiện cuộc sống không mấy gì thuận lợi, Thị giả đã thực sự cho thấy sức cần cù, một lòng vì nghĩa cả của mình.

Ngoài ra đối với những ai đến với Viện chủ, Thị giả đã xử sự trong sự cởi mở, gây thông cảm với người. Rất hiếm có những trường hợp vô tình đáng tiếc xảy ra. Thị giả vì thế đã được nhiều người mến mộ.

Trong hai Thị giả, Sư cô Như Tâm là Giáo thọ của Ni chúng Thiền viện Linh Chiếu, Sư cô Thuần Nhất là thư ký cho Viện chủ.

Viện chủ đã cư xử với Thị giả trong tinh thần nâng đỡ, trợ giúp Thiền sinh vươn lên chiều cao trí tuệ để có sự giải thoát thực sự trong bầu trời Phật pháp.

Làm việc

Ngoài việc tu là chính, Viện chủ đã làm việc khá nhiều giờ trong một ngày. Sáng lao tác, làm việc vườn tược, nghỉ ngơi, xem kinh viết lách, dịch thuật. Chiều, nghỉ dậy cũng xem kinh viết lách, dịch thuật. Ngày nào cũng như ngày nào.

Ngoài những sinh hoạt chính, Viện chủ còn phải tiếp khách. Việc khách khứa thật vô chừng, có những lúc khách đến thật dồn dập, từ phái đoàn này đến phái đoàn khác, từ ngày này sang ngày khác, nhất là những ngày cuối hạ 1985, kẻ thăm người viếng, Viện chủ phải tiếp khách suốt. Nói tiếp khách, kỳ thực phải diễn giảng đạo lý cho người. Vì thực ra khách chỉ là những hàng Tăng Ni và Phật tử xa gần trước đến thăm và sau xin được nghe pháp.

Viện chủ ngoài việc nói pháp cho người còn phải hành lễ truyền quy giới cho số người xin được quy y Tam Bảo. Có ngày Viện chủ phải truyền quy giới đến 2 lượt. Những ngày như vậy, vừa truyền quy giới vừa nói pháp cả ngày khiến Viện chủ cũng phải "nhừ" người. Cũng may là Viện chủ đã có công phu hàm dưỡng sâu dầy, nếu người bình thường ắt phải ngã bệnh.

Viện chủ đã có năng suất làm việc như vậy, ở một người ngoại lục tuần, khiến đệ tử phải lắc đầu. Vị tri khách Tu viện trẻ hơn, chỉ tiếp khách sơ qua, mà còn phải sanh bệnh cảm nhiễm ho hen.

Có vậy mới thấy rõ đạo lực, sức lực, cùng năng suất lao động của vị Viện chủ Tu viện Chơn Không.

[ Quay lại ]