headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Tu Thiền Mấy Năm Đã Chứng Đắc Gì Chưa

tuthienHT Thích Thanh Từ

Thỉnh thoảng có vài duyên sự cần thiết, chúng tôi phải xuống núi.  Mỗi lần về Sài Gòn, gặp nhiều pháp hữu, trong câu chuyện thăm hỏi, đầu tiên quý vị đặt câu hỏi nửa đùa nửa thật ấy, chúng tôi mỉm cười, nói: “Vì vô sở đắc, mà chứng cái gì”. Không khí trở thành nặng nề với vẻ không hài lòng của các pháp hữu, như có ý trách, chúng tôi cố tình tránh né không đáp thẳng câu hỏi nhưng khiến lòng chúng tôi cảm thấy thương xót cho Phật giáo ngày mai.

 Bởi vì người tu hiện giờ đã đặt lộn ngược vấn đề nhân quả. Thay vì nhân trước quả sau, họ đặt nhân sau quả trước. Khi bắt tay vào việc tu tập, đúng theo “nhân” thì chúng ta phải lo dẹp sạch phiền não vọng tưởng. Bao giờ phiền não vọng tưởng hết, sự chứng ngộ đắc đạo mới đến sau là “quả”. Song đại đa số người khi hạ thủ công phu không chú trọng dẹp phiền não dứt vọng tưởng mà chỉ mong chứng đắc đạo quả. Chính vì sự vọng cầu sai lạc ấy, nên đã có lắm người tu một lúc trở thành điên cuồng, hoặc rơi vào đường tà. Thậm chí ngồi lại tu, họ một bề mong thấy những tướng linh dị. Hoặc mong được thần thông. Đó là cái cớ khiến chúng ma được tiện lợi đến lừa gạt họ dẫn vào đường tà.

Với tinh thần Thiền tông, lấy “Vô niệm làm chủ yếu”. Cho nên khi hạ thủ công phu phải dứt bặt tâm vọng cầu, tâm chấp trước. Còn có cầu, có chấp thì không bao giờ thấy đạo. Vì thế, khi công phu thuần thục tâm thanh tịnh lặng lẽ, mọi cấu bẩn của vọng tưởng đều lắng sạch, chẳng những yêu ma không thấy tâm họ mà cho đến hàng Thánh giả Tam thừa cũng khó thấy được.

Thuở xưa, ngài Pháp Dung ở trên núi Ngưu Đầu, chuyên tâm tham thiền, cho đến quên ăn bỏ ngủ. Cảm đến loài chim tha hoa trái đến cúng dường Ngài. Sau cùng, Ngài gặp Tổ Đạo Tín (Tứ Tổ) dạy cho Yếu chỉ Thiền
tông. Thâm ngộ yếu chỉ này, Ngài tiếp tục tu, song không còn thấy chim đến cúng dường nữa khiến cho trong những người chưa thâm đạt, "đâm ra" nghi ngờ vấn đề này.

Lại như, ngài Phổ Nguyện ở núi Nam Tuyền, một hôm đi xuống núi thăm trang sở thấy Trang chủ đã sắp đặt sự tiếp rước trọng hậu. Ngài liền hỏi: “Tôi đi không có báo tin cho ai hay trước, tại sao Trang chủ bày biện thế này?” Trang chủ thưa: “Khi hôm Thổ địa mách, ngày nay có Hòa thượng đến, nên con sắp đặt tiếp rước”. Ngài than: “Lão Thầy họ Vương này (chỉ cho Ngài) tu hành vô lực, bị quỉ thần thấy tâm”.

Thiền sư Đạo Ưng, đệ tử Động Sơn Lương Giới cất am trên đảnh Tam Phong chuyên tu. Thường ngày đến giờ thọ trai xuống chùa thọ trai với chúng. Bỗng dưng ngót 7 hôm, Sư không xuống thọ trai, Động Sơn thấy lạ cho người gọi Sư đến hỏi: “Sao mấy hôm rồi không thấy ông xuống thọ trai?”. Sư thưa: “Con được thiên thần cúng dường”. Động Sơn bảo: “Ta xem ngươi còn kiến giải, chiều rảnh xuống ta dạy”. Chiều Sư xuống, vào thất Động Sơn bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Ưng am chủ?” Vâng lời dạy này, Sư về thất im lặng suốt mấy hôm, Thiên thần không tìm ra Sư để cúng dường nữa.

Được cầm thú dâng hoa; đi xa có Thổ địa báo tin trước; được Thiên thần cúng dường, là những điều mà hầu hết người tu đều cho là được công phu lớn lao, cảm thông với quỉ thần, cầm thú khiến chúng kính mến cúng dường. Hiện thời nếu có một vị tu hành nào cảm được triệu chứng ấy, ắt tự cho mình sắp đắc đạo. Tín đồ nếu thấy Thầy mình được như thế, sẽ tán thán rằng, Thầy sắp thành Phật v.v… Nhưng với Thiền sư chân chánh vẫn thấy đó là còn bệnh “kiến giải”. Thật là vượt ra ngoài cái thấy hiểu thường tình quá xa.

Chẳng những thế, dù người tu hiện được thần thông đi trên nước, bay trong không, các Ngài vẫn thấy là việc tầm thường. Nếu ai cố tình khoe thần thông, các Ngài cho đó là một lối xảo mị. Cho nên, Tổ Hoàng Bá, Thầy của ngài Nghĩa Huyền, Tổ tông Lâm Tế, một hôm đi tham vấn trên núi Thiên Thai, gặp một pháp hữu làm bạn đồng hành. Hai vị đồng đi đến một dòng suối, vì trong mùa mưa nên nước lênh láng và chảy xiết, pháp hữu ấy bảo Tổ Hoàng Bá: “Hãy qua, hãy qua”. Tổ Hoàng Bá bảo: “Huynh qua được thì cứ qua”. Pháp hữu ấy vén áo đi bay bay trên mặt nước. Qua đến bờ kia, Ngài trông lại với vẻ tự đắc gọi: “Huynh qua đây, qua đây”. Tổ Hoàng Bá đáp: “Nếu tôi biết thế, trước đã chặt bắp đùi huynh rồi”. Pháp hữu ấy khen: “Thật là pháp khí Đại thừa, tôi không bì kịp”.

Thời nay nghe nói đến thần thông ai ai cũng đều say sưa ngưỡng mộ, cho đó là kết quả cứu cánh của đời tu. Vì thế, họ dễ bị rơi xuống hố tà mị, do những kẻ bịp đời bày phép lạ. Có lắm kẻ mạo xưng mình là Giáo chủ, là Quan Âm, là Phật mẫu, là Di Lặc là cả trăm danh hiệu khác nữa, mà Phật tử cứ cho đó là thật, đua nhau đến kính lễ. Chỉ vì những kẻ ấy có vài điều kỳ hoặc, nào là trị lành bệnh, hoặc nói việc quá khứ vị lai, hoặc hiện tướng lạ, hoặc nói việc giặc giã đao binh v.v… Thế là Phật tử mê say, phục vụ mấy cũng không chán. Thật đáng thương thay!

Song lỗi ấy tại ai? Phải chăng vì giới tu sĩ lầm lẫn trong sự tu hành, lấy quả làm nhân, nên dạy cư sĩ mới sai lầm như vậy. Đây, chúng ta hãy nghe Quốc sư Huệ Trung trả lời câu hỏi của vua Đường Túc Tôn. Vua hỏi: “Quốc sư đã chứng quả gì rồi?” – Quốc sư chỉ áng mây trên trời thưa: “Bệ hạ thấy áng mây trên hư không chăng?” Vua đáp: “Thấy”. – Quốc sư thưa: “Áng mây ấy do cột dây mắc hay đóng đinh mắc?”. Vua im lặng.

Tuy nhiên không cột dây, không đóng đinh mà áng mây vẫn lơ lửng trong hư không qua lại tự tại. Nếu là cột dây hay đóng đinh thì áng mây sẽ kẹt cứng một chỗ. Cũng vậy, nếu người tu hành còn thấy có SỞ ĐẮC SỞ CHỨNG ẤY LÀ CÒN NGÃ CÒN PHÁP. Ngã pháp là cái khuôn đóng khung chúng ta chết khô trong ấy. Nếu ta đập tan được chiếc khuôn ấy, mới được tự do tự tại, như áng mây trôi lơ lửng trên không trung, từ phương trời này sang phương trời khác, khi tan khi hợp tự do.

Do đó, đối với người tu theo Thiền tông mà hỏi “Đã chứng gì chưa?” thật là một điều lầm lẫn đáng buồn, dù bên trong của người tu ấy, tâm đã tự tại như gió, rỗng rang như hư không, họ cũng không thể hé cho chúng ta thấy, theo ý muốn của chúng ta. Chỉ chúng ta chịu khó gần gũi họ, hoặc nghe qua lời nói hoặc hành động của họ mà có thể đoán biết đó thôi. Nếu ai tự vỗ ngực xưng mình đã chứng quả này quả nọ, ấy chỉ là yêu mị trá hình, hồ tinh xuất thế. Phải thận trọng lắm lắm.

***

Thiền sinh trong Tu viện học hỏi huân tu sau thời gian cho đến khi chương trình được kết thúc, mỗi Thiền sinh đều nắm được chỗ tu trì như vị Thầy đã mong mỏi. Thiền sinh đã tin được “tự tâm này là Phật”. Niềm tin đã có, công phu cũng đã có và sự lóe sáng cội nguồn, thì đây trên mặt lý giải, hầu hết Thiền sinh đã có được.

Thiền sinh hôm nay đã thay hình đổi dạng, không còn bé bỏng yếu mềm như thuở nào. Đã bao năm mài đũng quần trên bồ đoàn, Thiền sinh đã được lớn lên, đã được “có nghề nghiệp, có kế sinh nhai”.

Tuy vậy, đối với các bậc Cổ đức, Thiền sinh hãy còn là bé bỏng chưa thấm vào đâu so với các Ngài. Thiền sinh lại phải còn gia công nhiều hơn nữa.

Thời gian tu học 3 năm, so với thời gian học nghề ở thế gian hãy còn chưa là bao, huống là việc tu học trong Phật đạo.

Dù vậy, Thiền sinh vẫn tự thấy mình khác hơn thuở trước rất nhiều. Gần như có sự thoát xác đó vậy. Như Thiền sinh Thích Thiện Năng, khi mới vào Tu viện, Thầy đi không dám bước, nói không dám hở môi, ngồi không dám cựa ... Thầy có vẻ hiền lành ngoan ngoãn là vậy. Nhưng rồi một hôm ở giữa chúng trước Thầy mình Thầy bỗng hét lên. Và từ đó Thiền sinh này dùng hét thay cho trả lời. Đấy là sự đột biến, lột xác hoàn toàn. Thiền sinh này đã có một phen chuyển đổi tâm thức.

Ở các vị Thiền sinh khác cũng vậy, cũng có sự đổi mới trong tâm thức, nhưng nó ở một dạng khác hơn. Nó có vẻ nhẹ nhàng êm ái trầm lắng.

Sự đổi mới ở các vị được nhìn qua cung cách, lối xử sự, việc ăn nói và việc viết lách văn thơ.

[ Quay lại ]