headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BẾ GẢNG KHÓA I

begiangThời kỳ mãn khóa rồi cũng đến. Khóa học 3 năm đã đến hồi chung cuộc. Chương trình học đã được hoàn tất sớm hơn thời gian đã định. Thiền sinh đã qua rồi một giai đoạn. Bao nhiêu vốn liếng đã thu nhận được, Thiền sinh dự bị dùng vào những giai đoạn tới.

Ðường tu hành là một con đường dài, gần như vô tận. Người hành đạo không biết đâu là cùng. Dầu vậy, cũng tạm thời giả lập khuôn trạm thời gian, tạm thời nghỉ ngơi, để rồi hãy khởi lại hành trình. Tháng hai năm cuối cùng này (2 ÂL- 1974) Thầy Viện chủ mở cổng cho chúng được bước ra vòng rào Tu viện, được "hạ san" về thăm lại Thầy Tổ Mẹ Cha.

Thiền sinh mừng hay không về việc này? Ba năm dài chôn chân trên núi rồi còn gì? Thiền sinh có "mở cờ trong bụng" không?

Về lại chùa xưa, gặp lại Thầy bạn cũ, đem sở học, việc tu bấy lâu trên núi trình ra Thầy bạn để không bỏ công tu học, Thiền sinh có thấy đó là việc nên làm không? – Việc ấy đáng giá lắm chứ!

Ðó là điều mà hầu hết ai cũng nghĩ như vậy, và việc ấy là việc đương nhiên có gì xấu đâu? Là một sự hãnh diện đúng đắn đó chứ!

Nhưng với Thiền sinh thì sao?

Mới ba năm thôi. Sức nội tỉnh chưa là bao, thoạt đầu Thiền sinh có vị cũng đã vọng khởi như vậy. Nhưng rồi Thiền sinh cũng nghe bình thường trở lại. Thầy mở ngõ cho xuống núi thì đi. Ði thì về thăm lại chùa cũ, thăm lại Thầy Tổ, thăm cha mẹ anh em.

Thực ra, Thiền sinh khi đối diện lại cảnh cũ người xưa nghe chừng tất cả đều mới lạ! Thế rồi không biết phải nói gì, trình bày gì. Vì trong vẻ mới lạ ấy còn mang thêm vẻ xa lạ nữa. Những điều mình đã học đã sống ở núi bao nhiêu lâu, thì hôm nay tất cả đều khác. Từ sinh hoạt tu hành, đến sinh hoạt tư tưởng đều khác lạ. Thiền sinh không bắt nhịp được, và tự dưng Thiền sinh nghe nhớ lại núi non.

Cái buổi ban đầu xuống núi, Thiền sinh cũng nghe vui vui. Nhưng rồi mấy ngày hôm sau ấy Thiền sinh lại cảm nghe lẻ loi tẻ nhạt là vậy.

Thế mới hay ra, mấy năm tu học ở núi, tánh ý Thiền sinh đã chuyển biến đã thay đổi nhiều. Thiền sinh đã thấm mùi Thiền, nên có phần nhạt đi mùi thế sự.

Mà phải lắm, hơi thở thiền làm sao hòa cùng hơi thở khác được. Thiền giản dị thanh cao, mà đa phần thế nhân là lắm việc. Có chăng bậc Ðại Thiền sư, đã đến trình độ "thõng tay vào chợ" thì họa hoằn mới bình thản trong cuộc sống mang đầy tính hỗn tạp này.

Thiền sinh đã tự nghe lại mình và tự quán sát mọi diễn biến trên hành trình xuống núi. Thiền sinh tự thấy đời sống hôm nay chỗ thích hợp vẫn là núi và Tu viện. Vì vậy, suốt mấy mươi ngày (Thầy cho đi trong vòng 20 ngày) phải làm cái việc "ân nghĩa". Thiền sinh nghe mình sao ấy! Chẳng hứng thú gì trong việc sinh hoạt có tính cách gắng gượng này. Và như vậy Thiền sinh thấy rằng, mình còn phải tu và tu nữa. Lòng mình chưa ổn với việc dời bước, với đối duyên xúc cảnh thì cần phải tu và tu nhiều hơn nữa.

Phải tu thế nào cho được như các vị xưa. Vào nước không dậy sóng, vào rừng không khua lá… Tu như Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma quảy hài đi trên sóng nước.

Riêng Thầy Viện chủ, Thầy cũng xuống núi. Thầy về thăm lại Tổ đình – Chùa Phước Hậu – Trà Ôn. Thăm lại ngôi tháp Hòa thượng Thiện Hoa, thăm lại những nơi quen biết ngày xưa, từ Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây.

Trong việc thăm viếng ở Thầy có khác. Ði đến đâu Thầy cũng được nơi ấy cung thỉnh giảng nói đạo lý. Một vòng đi như vậy ở Thầy đã gây biết bao lợi lạc cho người.

Sau chuyến đi nhiều ngày như vậy. Thầy Viện chủ và Thiền sinh cùng trở về núi.

Về lại núi, Thầy Viện chủ xúc tiến chuẩn bị ngày Lễ mãn khóa cho khóa I và Lễ khai giảng cho khóa II. Hai lễ được dự bị tổ chức chung trong một lúc.

Ðể chuẩn bị lễ mãn khóa và nhập khóa thật rất nhiều công việc. Phải hoàn chỉnh khu Thiền thất, đường sá và những ngôi thất phải cất thêm một thất nữa dự bị cho khóa II. Việc chuẩn bị này để có chỗ an toàn cho Thiền sinh khóa I nhập thất ba năm và Thiền sinh khóa II có chỗ thay phiên nhau nhập.

Phải chỉnh lại Thiền đường, mở rộng vách ngăn. Vì Thiền sinh khóa II dự bị sẽ đông hơn gấp đôi khóa I, và phải sửa lại Tăng đường để đủ chỗ cho Thiền sinh. Trai đường đã dùng làm phòng ở, nên phải cất thêm một trai đường và nhà trù cũng được cất lại.

Ðó là bao việc phải làm ở Tu viện Chơn Không.

Ngoài ra, Tu viện Chơn Không dự bị khóa II này lại còn kèm theo một Thiền viện Ni. Thiền viện Bát Nhã cũng đang được dựng lên về phía mặt của Thiền đường Chơn Không, cách ranh giới Tu viện chừng trăm thước. Với Thiền viện Ni này, Thầy Viện chủ cũng phải để mắt trông qua. Và lại thêm một ngôi chùa Linh Quang ở Cát Lở – Vũng Tàu. Vị chủ chùa đã hứa cúng cho Thầy Viện chủ để mở Thiền viện. Viện chủ đã nhận và Thầy cũng bắt đầu thâu chúng.

Bao nhiêu việc như vậy, khiến Tu viện Chơn Không đã trở nên nhộn nhịp, vẻ thanh u tạm thời dừng lắng.

[ Quay lại ]