headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BÀI DIỄN VĂN KHAI GIẢNG KHÓA II

khoa22

T.T Thích Thanh Từ

Kính bạch Hòa thượng chứng minh

Kính thưa quý Thượng Toạ, Ðại Ðức, Tăng ni

Kính thưa quý quan khách và toàn thể Phật tử

Kính thưa quý vị.

Thấm thoát đã ba năm qua, hôm nay là ngày Tu viện Chơn Không vừa làm xong một nhiệm vụ đầu tiên, và bắt đầu đặt lên vai nhiệm vụ thứ hai kế tiếp. Sự kết quả hoàn mãn của khóa học Thiền thứ nhất, là một hình ảnh trưởng thành cụ thể của Tu viện Chơn Không.

 Mặc dù với sĩ số không quá mười Thiền sinh chính thức và mười vị dự thính. Tu viện Chơn Không ra đời để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho Phật giáo Việt Nam hiện đại cũng là bổ cứu phần nào cho đa số Phật tử hiếu tu có nơi nương tựa. Tuy nhiên một trọng trách quá nặng nề mà do chủ xướng của một cá nhân, thì không sao chu đáo được. Dù thế chúng tôi còn được một nguồn an ủi lớn lao là, trên có một vài vị Hòa thượng, Thượng toạ lân mẫn ủy lạo, dưới được đại đa số Phật tử ủng hộ. Do đó, chúng tôi đảm đang được một việc tưởng chừng như quá sức của chúng tôi. Sự thành đạt viên mãn khóa Thiền đầu tiên này thật do lòng nhiệt thành hộ đạo cuả quý vị. Chúng tôi thành thật tri ân quý vị.

Hôm nay đã kết thúc khóa một, lý đáng Thiền sinh trong khóa này phải khăn gói chống gậy xuống núi. Song xét thấy trong ba năm qua, chúng tôi chỉ giúp Thiền sinh được niềm tin đối với pháp môn "tức tâm tức Phật" mà thôi. Thiền sinh cần có hoàn cảnh thuận tiện để hạ thủ công phu thời gian năm ba năm họa chăng mới được chút ít đạo lực. Vì thế, chúng tôi quyết định cho những Thiền sinh mãn khóa ở lại Thiền viện ba năm, hoặc nhập thất, hoặc tùy nguyện lãnh một trách nhiệm nào trong Thiền viện thích hợp với khả năng, để đủ phương tiện tiến tu. Ba năm sau, Thiền sinh này mới được quảy bát xuống núi.

Trong thời mạt pháp mà chủ trương mở mang Thiền viện khôi phục Thiền tông là một việc rất là khó khăn của chúng tôi. Bởi vì đại đa số quần chúng Phật tử Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu đậm Tịnh độ tông. Họ có cảm nghĩ không tốt với Thiền tông, hoặc bảo rằng "Thiền là dành riêng cho những bậc thượng căn thượng trí, mình yếu đuối làm sao tu nổi" hoặc nói "tu Thiền thì phải gia công tự lực, mình yếu đuối làm gì tu được" nhưng, chúng tôi thường nói với chúng Tăng ở đây "trong mùa đông vẫn có những ngày hạ, cũng như trong mạt pháp vẫn có chánh pháp, hoặc ngược lại". Chúng ta không thể phủ nhận lời huyền ký của đức Phật, song chúng ta cũng không thể phủ nhận đức tự tín của chúng ta, chính khi đức Thế Tôn còn ở đời, vẫn có những vị Tăng hoàn tục, vẫn có những cư sĩ không muốn thấy Phật. Như thế, đối với những kẻ ấy đâu phải trong chánh pháp không có Phật pháp hay sao? Hiện nay cách Phật hơn hai ngàn năm, nếu chúng ta nghe những lời Phật dạy trong Kinh, liền thành kính tuân hành đúng mức, trong tâm hằng nhớ Phật chẳng quên. Thế là, đối với chúng ta hiện ở trong thời mạt pháp có khác gì với chánh pháp. Bởi đức Phật thường tuyên bố "kẻ nào y theo lời ta dạy tu hành, dù ở xa ta ngàn muôn dặm cũng như hiện ở bên ta; kẻ nào trái lời ta dạy chẳng tu, dù ở bên cạnh ta vẫn cách xa ta muôn ngàn dặm". Chúng ta đừng bi quan bởi cách Phật quá xa, mà đáng bi quan hơn là lòng mình không cố gắng. Cách Phật tuy xa, mà chúng ta vẫn đầy đủ lòng tin, vẫn tinh tiến chẳng dừng. Vẫn sống phù hợp với chánh pháp thì lo gì không thấy Phật. Cho nên, chúng ta phải gan dạ, phải cứng cỏi, phải dẻo dai, phải nỗ lực tiến tu, thì dù ở thời gian nào vẫn đẹp, nơi chốn nào cũng tốt. Tóm lại, chánh pháp hay mạt pháp, gần Phật hay xa Phật, gốc tại lòng mình. Chúng ta đừng lệ thuộc thời gian, không gian, mà phải vững tin nơi tâm mình. Chỉ chuyển đổi được tâm mình thì mọi việc đều tươi sáng cả. Ðó là chủ trương của Thiền tông "tức tâm tức Phật".

Ðức Phật đâu không từng dạy: "Kia đã là trượng phu ta cũng vậy, không nên tự khinh mà lui sụt". Tại sao chúng ta cứ mặc cảm tự ti, cho rằng mình là căn cơ trì độn không thể tu Thiền được? Chính các Tổ xưa cũng đã nói "Ðâu ai lường được nhân duyên đời trước của mình". Hơn nữa, Bồ tát Thường Bất Khinh gặp ai cũng nói lên câu: "Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ thành Phật". Chúng ta hiện thấy sờ sờ ở trong kinh Pháp Hoa. Thế mà, tại sao chúng ta tự khinh chúng ta?

Lại nữa, trong kinh Pháp Cú Phật dạy: "Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp". Thế mà chúng ta cứ sợ gia công tự lực là sao? Ngọn đuốc chánh pháp của Phật, Tổ lưu truyền lại, chúng ta phải mồi nó để thắp sáng ngọn đuốc của tâm mình. Có thế, chúng ta mới làm được việc truyền đăng tục diệm, soi đường cho chúng sanh ra khỏi vô minh hắc ám. Nếu chúng ta cứ nơm nớp lo sợ không chịu nỗ lực tiến tu, một bề ỷ lại vào tha lực đó là chúng ta tự phản bội với đức Phật của chúng ta rồi. Vì chính đức Bổn Sư Thích Ca ngày xưa, do nỗ lực Thiền định mới được giác ngộ. Tổ tiên đều thế cả. Tại sao đến chúng ta lại không theo con đường ấy, mà một bề trông vào tha lực? Do đó, chúng tôi mở Thiền viện, khôi phục Thiền tông là bước theo lối mòn của phật tổ, chớ có mới mẻ gì.

Tu viện Chơn Không bước sang khóa II không còn mang vẻ ấu trĩ và xa lạ với quần chúng Phật tử nữa. Nó đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của chúng Phật tử xuất gia và tại gia. Khóa nhất tỉ số Thiền sinh chánh thức và dự thính không quá 30 vị, khóa hai này tỉ số Thiền sinh chánh thức đến 30 vị và dự thính đến 100 vị. Sự hiện diện đông đủ Tăng ni và Phật tử nam nữ hôm nay là cụ thể hóa bước tiến của Tu viện. Tuy nhiên chúng tôi không lạc quan về con số đông đảo này, mà rất e dè về số lượng to sẽ áp đảo số phẩm nhỏ. Vì chủ trương của chúng tôi là trọng phẩm hơn trọng lượng. Song cái gì đến là phải đến, chúng tôi không thể ngăn cản lại được.

Chúng tôi thường tuyên bố với Tăng, Ni rằng: "chúng tôi là kẻ nợ Tăng Ni, song kẻ nợ này không muốn giật mà cũng không thích trả, nếu ai biết đòi mới trả, bằng không thì hẹn lại". Do đó, Tăng Ni nghe chúng tôi chỉ còn dạy một khóa này sẽ nghỉ, nên đồng tình kéo nhau đến đòi, không cho chúng tôi hẹn. Vì vậy mà tỉ số Thiền sinh khóa này vượt bậc. Ðã là kẻ nợ, nên không cho phép chúng tôi từ khước những vị xin vào Thiền viện tu học với chúng tôi. Mặc dầu khẩu phần vọt lên quá cao trong khi kinh tế nhà chùa không có. Nếu nhìn vào kinh tế sẽ còn lắm vị phê bình chúng tôi "làm việc không đúng thời". Chúng tôi chấp nhận lời phê bình ấy thật đúng. Song chúng tôi tin tưởng trên nhờ sức gia hộ của Tam bảo, dưới nhờ lòng hộ pháp của toàn thể quý vị có mặt ở đây và những vị vắng mặt, Thiền viện Chơn Không sẽ vượt qua được những khó khăn ấy.

Chúng tôi quả quyết rằng "dạy mãn khóa II này chúng tôi sẽ hưu trí", nếu không vì vô thường ép ngặt giữa chừng. Vì thế mong rằng quý vị thương, muốn giúp cho chúng tôi mãn nguyện, xin gắng giúp trong ba năm này. Quý vị muốn bàn luận đạo lý với chúng tôi cũng xin đến ngay trong ba năm này. Ba năm này là ba năm chúng tôi sống với quý vị, ngoài ba năm, quý vị coi như chúng tôi đã chết. Từ đó về sau quý vị đừng đòi hỏi, đừng lo lắng về chúng tôi nữa. Ðó là nguyện vọng thiết tha của chúng tôi.

Cùng các Thiền sinh!

Với chủ trương "Thiền giáo song hành" của Thiền viện Chơn Không rất phù hợp với lời của Tổ Khuê Phong nói "do tu Thiền mà hiểu được giáo, do học giáo mà tin được Thiền". Cho nên trong ba năm tu học, quý vị cố gắng đừng bỏ sót thời khóa tu tập, cũng như những buổi học kinh. Nhất là quý vị dự thính, phải bền chí và cố gắng mới có thể trọn vẹn khóa học ba năm. Tu học đủ ba năm, chúng tôi đoán quyết rằng quý vị sẽ được niềm tin vững chắc đối với chánh pháp Ðại Thừa. Và quý vị sẽ thấy mình có vinh hạnh mới được hấp thụ chánh pháp ấy. Chúng tôi và hàng Phật tử cố gắng gánh lấy trách nhiệm lo cho quý vị an tâm tu học, thì quý vị cũng phải nỗ lực tinh tiến làm tròn bổn phận cho mình.

Kính thưa toàn thể quý vị! Sự tu không hạn cuộc thời gian, mà ở đây chúng tôi đặt thành khóa ba năm. Âu cũng là trái lý. Song vì, chỗ nhắm của chúng tôi là của ít mà muốn được nhiều người dùng, cho nên mới đặt hạn kỳ là ba năm. Nếu sau này có nhiều Thiền viện ra đời thì hạn kỳ ấy sẽ được bãi bỏ. Chủ đích Thiền viện Chơn Không này là để làm nên một viên đá đầu tiên đặt vào lòng nền móng những ngôi Thiền viện tương lai. Cho nên chúng tôi chỉ mở hai khóa rồi im lặng.

Trách nhiệm mở mang hay duy trì, chúng tôi xin gởi gắm lại cho những người sau. Trước khi dứt lời, chúng tôi kính dâng lên Hòa Thượng lời nguyện cầu "Phúc huệ viên mãn" và gởi đến quý vị câu chúc lành "thân an tâm tịnh".

Nam Mô Thường Bất Khinh Bồ Tát.

[ Quay lại ]