headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

SỰ TU

tuhoc03Ba Thiền viện: Chơn Không, Bát Nhã, Linh Quang, được sử dụng chung cùng một thanh quy, nhưng ngày giờ và địa điểm học tu có khác, về việc học được phân ra làm hai địa điểm:

- Chơn Không

- Linh Quang

A. SỰ HỌC

THIỀN VIỆN CHƠN KHÔNG

Khóa giảng Chơn Không vào đầu tháng âm lịch, giảng tại Thiền đường. Việc giảng dạy này chung cho cả Bát Nhã. Ðến kỳ học, Thiền sinh Bát Nhã cùng đến đây để học.

Ngày học số Thiền sinh nội trú hai Viện và số Thiền sinh ngoại trú (am cốc lân cận) lên đến cả trăm vị. Lại thêm số Thiền sinh dự thính ở các nơi, Tăng Ni, Phật tử, số này thật đáng kể, cũng phải mấy mươi người nữa, có khi lại cả trăm không chừng.

Thiền đường Chơn Không không đủ chứa người, kể cả hiên và hành lang đều không đủ, người nghe phải ngồi rải rác dưới gốc cây, trên vồ đá, ngồi lan trong vườn.

Với số lượng người như vậy, buộc lòng phải sử dụng máy phát thanh.

Những ngày học đông đầy, trông thật vui. Tiếng Thầy giảng vang vọng cả núi rừng, khiến lòng người cảm thấy âm hưởng.

Qua một lần học Thiền sinh nghe mình sáng ra và vươn lên. Trong số thính chúng có vị Cha Thống nghe qua lấy làm thích thú lắm. Ông là người đã tốn nhiều ngày đi tìm chân lý. Ông đã đi từ Việt Nam đến các nước Âu Châu, nhưng nay lại tìm về rừng núi này, khoác lên người chiếc áo màu lam theo hàng Phật tử nghe kinh. Với không khí học tập thoải mái, với phương pháp diễn giảng cùng điệu nói của Thầy Viện chủ, Ông cảm thấy tâm hồn được nhiều niềm vui, Ông luôn luôn có nụ cười trên môi.

Chương trình học cũng không khác khóa I. Mở đầu cũng bằng thời kinh Bát Nhã. Qua thời kinh này, sau buổi chiều, Thiền sinh đi dạo mát dưới cội Bồ đề. Nơi đây Thiền sinh phát hiện một việc hay hay.

Trong khi ngồi lại, một Thiền sinh đã nhìn thấy dưới gầm thạch bàn một đôi giày, tò mò Thiền sinh lôi ra, một đôi giày của nữ giới, kiểu giày có vẻ thời trang đắt giá, Thiền sinh lại tò mò ngắm nghía việc lạ này, ai mà đi học lại đến nỗi quên cả giày dép thế này? Trong lòng giày lại có mảnh giấy trắng. Thiền sinh lôi ra, hai ba huynh đệ xúm lại coi mảnh giấy có ghi rằng:

"Ta đã bao năm lầm mi, nay biết mi rồi! Thôi hãy ở lại đây mà nghe kinh với kệ mà giác ngộ! Ngày nào đó ta sẽ gặp lại mi, chào mi!"

Thiền sinh xem qua dòng chữ trên mảnh giấy con ấy mỉm cười và lặng người, nhìn lại đôi giày: một đôi giày thật thanh tú, vẻ xinh đẹp và sang trọng của đôi chân hiện rõ.

Thiền sinh bàn nhau :

- Ðây là một cô gái trẻ đẹp, có học thức. Không đâu, phải là một người có tuổi, có chạm trán với đời. Một người đã có kinh nghiệm sống "Ta đã lầm mi". À, cô này đây, đến Chơn Không nghe Bát Nhã, giác ngộ lẽ Chơn Không rồi cụ thể bằng đi Chơn Không (cẳng không) mà xuống núi.

Thế rồi mảnh giấy ấy và đôi giày ấy, được giao cho Thầy tri khách cất giữ để chờ trao trả cho chủ nhân.

Nhưng chủ nhân nào đâu! Châu đã không về hiệp phố.

Vị tri khách bèn ép nhựa mảnh giấy kia nhét vào giày, cất đi, để làm "chiến tích".

THIỀN VIỆN LINH QUANG

Thiền viện Linh Quang được khởi học giữa tháng âm lịch (Từ 16 trở đi).

Ðến kỳ học Thầy Viện chủ Chơn Không từ núi xuống trước một ngày. Thầy chủ trì lễ thỉnh nguyện ở ngày rằm xong và hôm sau bắt đầu việc giảng dạy.

Nơi đây ngoài Thiền sinh Thiền viện ra, cũng có thêm một số Thiền sinh dự thính. Cùng số Tăng ni dự học, số cư sĩ nam nữ đến nghe giảng cũng thật đáng kể. Ở đây gần đường cái, việc đi lại dễ dàng, nhất là những người yếu sức, hay lớn tuổi thì điểm này có phần thuận lợi hơn, ngỡ rằng giảng hai nơi như vậy, số học chúng sẽ chia sớt, nhưng không, Pháp đường vẫn đầy người. Và giảng hai nơi cũng tiện cho học chúng. Nhỡ bệnh đau hay công chuyện kẹt không học được ở Chơn Không, thì sau học lại tại nơi đây. Hoặc trong một chùa, một tịnh xá, người đều muốn đi học, đi nghe pháp thì cũng tiện, sẽ sắp xếp với nhau và chia người học trước người học sau. Với Phật tử, đây là việc ổn nhất cho cả hai vợ chồng đồng muốn đi nghe pháp. Trường hợp này khá nhiều, ông đi nghe pháp Chơn Không thì bà đi nghe pháp Linh Quang hay ngược lại.

Khung cảnh học Phật pháp ở đây rất vui, số thính chúng đông dầy, Thầy cũng phải giảng bằng máy, lời pháp vang cả vườn cây.

Ông bà chủ chùa là người vui nhất trong những lần học như vậy, đây là sự vinh dự, niềm vinh quang cho ông bà.

Với tinh thần học tập của Thiền sinh nơi đây cũng khá phấn chấn, Thiền sinh được học qua một thời gian, cũng nghe mình có chuyển biến ít nhiều, sự nhận hiểu Phật pháp có phần khá hơn.

B. SỰ TU

Về việc tu tập, mỗi Viện đều có nơi tu tập riêng. Giờ giấc và cách thức tu ở mỗi Viện cũng không có gì khác.

Thiền sinh ở mỗi Viện đều chăm chỉ đến việc tu của mình, siêng năng không bỏ thời khóa. Thời gian tọa thiền cũng tăng lên đều. Về việc khổ công tu tập thì Thiền sinh cũng không khác gì nhau mấy. Cũng bị các chướng ngại như đau chân, đau lưng, muỗi cắn, buồn ngủ v.v. . . cũng không khác nhau mấy. Trong việc này Thiền đường Chơn Không là khá hơn hết. Phương tiện tu hành tốt nhất.

Ở Viện Chơn Không và Bát Nhã, mỗi nơi có một thiền thất riêng để Thiền sinh thay phiên nhau nhập thất.

[ Quay lại ]