headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CẢM TỪ KẾT THÚC KHÓA I

camtuThiền sinh Thích Phước Hảo

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngưỡng bạch Hòa thượng chứng minh.

Ngưỡng bạch chư Tôn Thượng tọa, Ðại đức Tăng ni

Kính thưa quý quan khách cùng toàn thể Phật tử.

Thưa liệt vị!

Lời nói đầu tiên của chúng con là cung kính dâng lên Hòa thượng chứng minh, chư tôn Thượng tọa, Ðại đức Tăng ni lời chúc mừng an khang và gởi đến toàn thể quý Phật tử lời vấn an cùng niềm tri ân sâu xa của chúng con.

 Kính thưa Quý Ngài!

Trước khi vào Thiền viện trong thâm tâm của chúng tôi có một ấn tượng sợ hãi tu Thiền, bởi một lý do hết sức giản dị là Thầy Tổ chúng tôi toàn tu Tịnh độ. Hơn nữa, Thiền tông của thời gần đây hầu như bị pha trộn mị giáo, khiến có lắm người tu gọi tu Thiền bị cuồng loạn mất trí… Vì thế nghe nói tu Thiền, học Thiền là chúng tôi phát ngán, chẳng bao giờ dám nghĩ tới vấn đề đó.

Nhưng cuối năm Canh Tuất (1970) bất chợt Thiền viện Chơn Không do Thượng tọa Viện chủ khánh thành giảng kinh Kim Cang ba ngày. Rồi đầu năm Tân Hợi lại khai giảng khóa Thiền ba năm.

Lần đầu tiên, một vấn đề trọng đại có ảnh hưởng lớn đến đời sống tu học của chúng tôi. Với Thượng tọa chúng tôi không còn lạ gì. Thượng tọa là ông Thầy học cũ của chúng tôi, trong mấy năm chúng tôi theo học ở Huệ Nghiêm. Phong cách cũng như việc làm của Người, chúng tôi rất quen thuộc. Vì Thầy trò đã chung sống với nhau bốn, năm năm dài, từ khi chúng tôi còn học Cao, Trung cho đến khi lên Ðại học.

camtu2

Lý do gì Thầy lại mở ra lớp dạy Thiền? Nhất là câu hỏi tu Thiền có điên như người ta đồn không? v.v… và v.v… hằng bao nhiêu câu hỏi như thế đập vào đầu chúng tôi, khiến chúng tôi nát óc mà chẳng tìm ra giải đáp chi cả. Cuối cùng chúng tôi đành thúc thủ, đồng thời quyết định đi học Thiền xem sao.

Phải đi tham học. Phải khám phá "Ông Già Viện chủ". Phải dấn thân vào trong đó xem có thật tu Thiền điên cuồng không? Bấy giờ, chúng tôi khăn gói ra đi một cách âm thầm. Những bước đầu khi dấn thân vào Thiền viện, chúng tôi không khỏi e dè thắc mắc và đau đáu lo âu.

Chà! Chẳng biết rồi đây mình ra sao? Tu mà phát điên lên thì nguy to. Bao nhiêu cơm áo của đàn na thí chủ nếu có bề nào trả biết bao giờ cho xong.

Kính thưa quý Ngài, tất cả những nỗi lo âu khắc khoải trên, đều đổi ngược hết chẳng còn mảy may nào để chúng tôi băn khoăn nữa. Tại sao? Do đâu? Nguyên nhân nào? Ðây tuần tự chúng tôi xin cố gắng trình bày cùng quý vị.

Trước nhất là nếp sống của Thiền viện.

Thượng tọa Viện chủ một con người hết sức khéo léo. Ngài đã tạo cho chúng tôi một nếp sống vừa đơn giản, vừa khỏi bận rộn về những nhu cầu vật chất tầm thường. Ngài đã nêu cao ý nghĩa Lục hòa, một vấn đề chính yếu của đoàn thể Tăng trong bản Thanh Quy của Thiền viện, Ngài nói: "Toàn chúng phải hoàn toàn tuân hành Lục hòa".

Nhưng vì sao Ngài lại đặt nặng vấn đề? Vấn đề này có phải là vấn đề ách yếu nhất trong đời sống hằng ngày của chư Tăng không?

Thật ra, trong mỗi con người hầu như có sẵn chất liệu tranh đấu. Vì quyền lợi ai ai cũng muốn giành phần thắng, phần ưu về mình. Mặc cho đối phương ra sao thì ra, miễn mình chiếm thượng phong, chiếm ưu thế là được. Vì lẽ đó từ ngàn xưa trong các tòng lâm cũng như thể chế của Tăng già, các bậc tiền bối đã khéo léo đặt Lục hòa lên trên, làm trước. Có Lục hòa mới vui sống. Có Lục hòa mới đoàn kết, cùng làm cùng xây dựng lý tưởng chung. Lục hòa là linh hồn của tổ chức, của đoàn thể, thiếu Lục hòa là thiếu tất cả, sụp đổ tất cả.

Cũng vậy, Tu viện Chơn Không cũng như các Thiền viện nối tiếp sau này đều giữ Lục hòa, lấy Lục hòa làm trọng, coi Lục hòa như một Hướng đạo sư, là lẽ sống của đoàn thể Tăng già. Nó là một chất liệu, là keo sơn để hàn gắn giữa mọi người sống chung nhau và mọi đổ vỡ nếu có xảy ra.

Thành thử trong bất cứ kỳ hợp Chúng, kỳ Thỉnh nguyện nào, Thầy Tri sự cũng tuyên đọc lại bản Lục hòa. Chính nhờ nếp sống Lục hòa mà Thiền sinh trong Thiền viện khỏi phải lo lắng về nhu cầu vật chất, dồn hết tâm trí trong mỗi một việc tu – nỗ lực tu thôi – Như vậy, chả bàn giải thoát, không nói Bồ đề mà tự nhiên Bồ đề - Giải thoát không xa. Mỗi ngày chỉ lo kiểm điểm trong tâm, loại bỏ mọi phiền toái lăng xăng bên ngoài, vun vén một nếp sống xinh tươi an lạc. Nếu ai thật tình sợ luân hồi, chán sinh tử (đây chỉ là một lối nói) hãy nỗ lực tu hành để rảnh rang tâm trí khỏi phải phiền bận về nhu cầu tự túc… được chừng ấy việc cũng đã khá lắm rồi.

Thời gần đây, thường thường người tu bị kẹt vấn đề tự túc tài sản riêng, bổn đạo riêng, chất giữ cho nhiều, rốt cuộc tiền và quyền dẫn họ ra ngoài cửa Thiền. Nếu chưa tập nhiễm thế tục nhiều, ít ra họ cũng đã và đang lặn hụp trong dục lạc thế gian. Ðấy là một sự thật não lòng. Người xưa bảo:

"Tiền và quyền nó hại mạng mạch người tu, là thế".

Ở đây, cuộc sống của chúng tôi được Thượng tọa Viện chủ lo lắng một cách chu đáo. Có bất cứ một vật dụng nào, chúng tôi cũng đều xem là của chung, dùng chung. Và chỉ một điểm nhỏ xíu này, chúng tôi cũng thấy tinh thần giải thoát phần nào rồi. Chúng tôi tin chắc rằng, tu Thiền mà tổ chức đúng theo quy củ này hẳn tinh thần nhẹ bỗng, bến bờ giải thoát không xa.

Ngoài vấn đề Lục hòa mà nãy giờ chúng tôi đã trình bày, trong Tu viện còn có một phương pháp học tập và đường lối tu hành hết sức lý thú cởi mở.

Như quý vị biết, trước khi vào Tu viện, chúng tôi đã ít nhiều dùi mài trong các Phật Học Viện. Chúng tôi đã mất mười năm dài trích cú tầm chương. Nhưng, sự thật là chúng tôi bị lôi kéo vào vòng luẩn quẩn không lối thoát, khác nào ngài Hương Nghiêm khi còn ở chỗ Bá Trượng, tánh thức tuy có minh mẫn, mà tham thiền mãi chẳng xong. Ðến khi Thầy Tổ qua đời, Ngài theo học với sư huynh là Qui Sơn. Ngày kia Qui Sơn gọi vào bảo:

- Ta nghe ngươi ở chỗ Tiên sư hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ngươi thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây ngươi nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem?

Ngài bị câu hỏi này mờ mịt đáp không trôi. Trở về liêu Ngài soạn hết sách vở đã học qua tìm một câu đáp hoàn toàn không có, Ngài than:

- "Bánh vẽ chẳng no bụng đói".

Sau đó, Ngài đem sách vở đã thâu thập được đốt hết… rồi tìm chỗ cất am tu.

Sơ lược qua câu chuyện trên quý Ngài thấy gì? Sở học có bổ ích gì cho việc tu không? Cẩn thận chúng ta không nên lệch bất cứ bên nào, mà phải thẳng đường tiến thủ.

Tại Tu viện, đường lối tu học là "Thiền Giáo song hành". Nghĩa là đem lời dạy của Phật Tổ ở trong Kinh Luận để bổ sung cho pháp tu. Thế nên mỗi tháng có tổ chức học tập một tuần lễ vào đầu tháng.

Tuy nhiên, học không bắt trả bài, nhớ câu gì cả. Thượng tọa Viện chủ cứ giảng những chỗ có liên hệ với pháp tu. Mặc tình thính giả thu nhận. Miễn tu đúng và càng ngày tham sân phiền não vơi dần là được. Nghĩa là làm thế nào càng học con trâu càng ngoan ngoãn, càng tu con trâu càng thuần thục. Bao nhiêu đó thôi. Chẳng cần trích cú tầm chương. Lại kiêng phân biệt danh tướng, mà rất cần tinh thần vững chắc, ý chí sắt đá như:

Thiền sư Ðại Mai chỉ một câu: "Tức tâm tức Phật" liền sống được.

Huệ Hải Ðại Châu khi nghe "Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài" liền dứt nghèo khốn.

Ðại khái việc học tập của Tu viện là học để tu, nói phải làm cho được thế, phương pháp học tập ở đây, tuy rất đơn sơ, mà tầm quan trọng của nó không kém đường lối tu hành của các Thiền sinh hiện sống trong Tu viện này. Không cần học nhiều nhớ nhiều, mà chỉ cần thật học thật hiểu một câu cũng đủ rồi. Phải làm sao mình sống được với câu đó và như vậy mình là kẻ có chìa khóa sẵn trong tay, quyết định mở cửa, chắc chắn vào được nhà vui thích an ổn.

Nhân đây, chúng tôi lại trình bày qua đường lối tu hành của Tu viện.

Kính thưa Quý Ngài,

Nói đường lối tu hành cũng chỉ là một lối phát âm mà thôi. Thánh xưa chỉ tùy bệnh cho thuốc. Lại lấy chốt tháo chốt, vì người cởi trói… Thế thì việc tu hành ở đây không có một đường lối nhất định nào cả. Xưa ngài Triệu Châu, khi khách đến thăm Ngài hỏi:

- Từng đến đây chưa?

- Rồi.

- Uống trà đi.

Lại một ông khách khác Ngài cũng hỏi:

- Từng đến đây chưa?

- Chưa!

- Uống trà đi.

Thầy Viện chủ thấy lạ bạch Ngài:

- Người đến đây rồi mời uống trà là phải, còn người chưa đến cớ sao lại cũng mời uống trà?

Ngài gọi:

- Viện chủ!

- Dạ!

- Uống trà đi.

Ðấy lối tu của Ngài là thế, và phương pháp giáo hóa môn đồ của Ngài thật quá độc đáo, ít ai bì kịp. Ở Chơn Không thì không hẳn như vậy… Tuy nhiên dù sao cũng mất một tuần lễ "buông lời" mỗi tháng rồi. Vì vậy mà ở đây có Thiền sinh nào lên trình hỏi việc gì, Ông Già Viện chủ thường bảo:

- Buông bỏ hết đi.

Thầy kia vừa tìm ra ý nghĩa gì đó trong Kinh, định lên bạch Thầy hay để ấn chứng cho. Nghe xong Thầy bảo:

- Buông bỏ hết đi.

Cô nọ mấy tháng nay dụng công miên mật mở mắt nhắm mắt gì cũng thấy Phật hiện trước, lên trình Thầy để giải quyết, Thầy cũng bảo:

- Buông bỏ hết đi.

Tức mình quá, Sư Quản viện y hậu lên bạch. Bạch Thầy! Vậy chớ câu nào Thầy cũng bảo buông bỏ hết là sao?"

Ông Già đáp gọn: "Thì buông bỏ hết đi".

Thích thú thay! Thích thú thay! Ông Già Viện chủ.

Một hôm nhân dịp tu hành gặp khó khăn, tôi y hậu chỉnh tề lên thất trình diện thưa:

- Bạch Thầy, con cảm thấy con trâu của con độ này khó chăn quá.

Thầy đáp: "Con hãy coi mình như kẻ chết rồi".

Ông Già chỉ đáp vỏn vẹn một câu đó rồi im lặng. Một lúc lâu, Thầy hỏi:

- Con thấy thế nào?

Tôi đáp nhanh:

- Người chết rồi đâu còn sống dậy nói khó nói dễ làm chi.

Thầy bảo:

À! Như thế con chăn con trâu của con được rồi đó.

Ðể kết thúc mấy dòng tâm sự này, chúng tôi xin bày tỏ quan điểm của mình sau ba năm học tại Tu viện:

Ðiểm thứ nhất là sau bao tháng ngày hạ thủ công phu, mỗi chúng tôi đều tự tin tâm mình. Tin mình có khả năng giác ngộ. Lớp áo si mê điên đảo bên ngoài, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Ðã tin chính mình có khả năng làm Phật thì phải nỗ lực tu hành thế nào cho khả năng đó đừng bị bụi mờ bám phủ nữa. Tức làm cho hiển lộ rõ ràng cái "khả năng giác ngộ" ấy.

Ðiểm thứ hai kể từ nay chúng tôi tự có một chân trời mới đang mở rộng. Như buổi học đầu khóa giảng về Bát Nhã Tâm Kinh, Thượng tọa nói:

"Người nào soi thấy năm uẩn là không, tức thì vượt qua tất cả khổ ách".

Thì ra, những gì mà lâu nay mình gọi là có, là ta, của ta… tất cả chỉ là tánh không do duyên hợp giả có.

Ðiểm thứ ba, chúng tôi tin chắc và nắm vững pháp tu. Hằng ngày chúng tôi chỉ làm một việc là cố giữ con trâu của mình cho nó thuần thục để sớm được vào chỗ không ngại thênh thang, để sống cuộc đời tự do giải thoát.

Ngưỡng bạch Hòa thượng chứng minh, ngưỡng bạch Thượng tọa Viện chủ cùng chư tôn Thượng tọa Ðại đức Tăng ni, quý Ngài đã dành mọi ưu ái cho chúng con, đã dày công hướng dẫn chúng con trên bước đường tu học. Chúng con nguyện cố gắng hết sức, làm tròn sứ mạng của quý Ngài giao phó, nỗ lực tu hành để mai hậu đại lao cho quý Ngài làm lợi ích chúng sanh.

thiensinhkhoa1

Kính thưa quý quan khách cùng toàn thể Phật tử hiện diện. Quý vị đã, đang và sẽ giúp đỡ chúng tôi yên ổn tu học trong ba năm qua và những năm sắp tới, công đức của quý vị vô lượng vô biên. Thay mặt cho tất cả Thiền sinh Khóa I chúng tôi thành tâm cầu nguyện Tam bảo hằng gia hộ cho quý vị được thân tâm an lạc, vạn sự như ý.

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

[ Quay lại ]