headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 25/04/2024 - Ngày 17 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KẾT QUẢ TU HỌC 3 NĂM

thiensinhphuochao

Lời Dịch giả

Sau thời gian học Kinh tại Tu viện Chơn Không, tôi được người bạn đồng song trao cho quyển "Phật Tâm Luận" này (viết bằng chữ Hán) bảo xem và khuyến dịch ra Việt ngữ. Chúng tôi tự xét mình không đủ khả năng phiên dịch những loại sách khó nên do dự rồi bỏ qua. Nhưng khi đọc kỹ thấy quyển Luận thật có giá trị. Trong ấy có nhiều tài liệu rất cần cho người tu Phật nói chung, cho người tu Thiền nói riêng, nhất là rất thích hợp với đường lối tu của Tu viện mà chúng tôi đang thực hành. Soạn giả đã dày công nghiên cứu, rút nhiều tinh hoa giáo lý Ðại thừa và góp nhặt những lời chư Tổ dạy sắp thành một đường lối duy nhất để người học dễ nhận, y theo đó mà thực hành, khỏi phí công đọc nhiều kinh sử.

 Bởi thấy sự lợi ích trên nên chúng tôi cố gắng phiên dịch, trước để làm tài liệu tu học, kế là giúp ích cho các nhà tu Phật nào chưa đủ phương tiện đọc Kinh Luận bằng chữ Hán.

Quyển Luận này do một Thiền sư Việt Nam biên soạn, nhưng vì trải qua lâu đời nên bị thất lạc và hư rách. Gần đây, vào năm Ất Mão, đời vua Tự Ðức, tại tỉnh Bắc Ninh, huyện Việt An, xã Tiên … ? (Bắc Việt) được Hòa thượng Tuệ Không, chùa Phổ Ðà khắc bản lại. Hòa thượng khắc bản xưa tại Hải Dương, chùa Côn Lôn. Nguyên bản ấy đã hư rách nhiều, cho đến lời tựa của quyển sách cũng rách mất. Sau có nhờ ông Lương Ðô mang đến chùa Hồng Phước tìm lại bản khác để điều chỉnh những chỗ thiếu sót, nhưng cũng không tìm lại được lời tựa của quyển Luận. Bởi lý do trên nên không biết soạn giả là ai, chỉ thấy người xưa ghép vào Thư tịch của Phật điển Việt Nam nên biết của Thiền sư Việt Nam soạn mà thôi.

Nội dung quyển Luận này, soạn giả muốn cho chúng ta nhận ra được đức Phật sẵn ở tự tâm của mỗi người chúng ta, hướng về đức Phật ấy mà tu tập để thấy Phật tánh.

Bởi từ xưa đến nay đa số người tu Phật, nhưng không rõ được đường lối của Phật dạy cho chính xác nên cứ tu loanh quanh mà không tiến được. Phật tánh sẵn có của chúng ta bị lãng quên, cứ chạy theo giả tướng hoặc lầm lẫn trên phương tiện của Phật dạy mà không đạt đến chỗ cứu cánh, nên cố dụng công vẫn không được kết quả viên mãn. Cổ đức nói: "Chúng ta đang cỡi trâu mà tìm trâu, hay vác Phật đi tìm Phật" là phải lắm. Hòa thượng ở Giang Tây (Mã Tổ) cũng nói: "Các ông quen bỏ của báu sẵn có nhà mình, cứ chạy đi tìm nơi nhà người khác. Nếu mỗi người đều nhận được của báu ấy đem ra tiêu dùng thì giàu có an ổn".

Thế nên, chúng ta tu hành không gì khác hơn là cố tình xoay lại với Phật tánh sẵn có của chúng ta. Một phen xoay lại là thấy được đức Phật, khỏi phải tìm kiếm đâu xa mà khổ nhọc.

Dịch xong quyển Luận này, tôi xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo. Bởi Thánh ý khó lường, mà trí phàm ngu của chúng tôi quá nông cạn, làm sao diễn đạt đúng với nghĩa lý cao siêu và huyền diệu của Phật Tổ. Và với khả năng học Phật hẹp hòi cạn cợt của chúng tôi, chắc không sao tránh khỏi vấp phải nhiều điều sai lầm và thiếu sót trong văn nghĩa.

Vậy cúi mong các bậc Sư trưởng và thiện hữu tri thức từ bi chỉ giáo, chúng tôi xin chân thành cảm tạ.

Ngày Trung Thu năm 1974

---------------------------------------------------

Lời người dịchthiensinhdacphap

Quyển Vạn Pháp Qui Tâm Lục này do Thiền sư Tổ Nguyên người Trung Quốc trước tác vào đời vua Khang Hy năm thứ 15 (1676 TL) vào nhà Thanh.

Ngài Tổ Nguyên là một vị Thiền sư đắc đạo nổi tiếng của Trung Quốc thời bấy giờ. Ngài nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 33, là đệ tử của Thượng Lam Thiên Phong Hòa thượng ở Giang Tây, Ngài trụ núi Tiểu Vương ở Yên Kinh, thủ đô nhà Thanh, ngày nay thuộc Bắc Bình.

Quyển Lục này chẳng những là một tài liệu quí vô giá cho những vị đang nghiên cứu và tu theo Thiền tông, mà lại còn là tài liệu quý cho những vị đang tu theo Tịnh độ tông, cho đến những người tu theo đạo Tiên, đạo Nho, tất cả đều được Ngài Tổ Nguyên phân tích một cách rõ ràng về chỗ sở trường và sở đoản của mỗi nhà và đưa ra một phương pháp dẫn đạo rất thích đáng.

Chúng tôi dịch quyển Lục này với chủ đích, thứ nhất là làm tài liệu tu học cho Tu viện, thứ hai là giúp tài liệu cho những vị đang nghiên cứu và tu theo Thiền tông, thứ ba là để minh định đường lối tu tập của Tu viện Chơn Không.

Hiện tại, khi nói đến tu Thiền, người ta thường nghĩ đến hoặc là tu theo thiền Minh Sát của Phật giáo Nguyên thủy, hoặc tu theo những phương pháp của ngoại đạo như Yoga, như phương pháp "Chuyển pháp luân" (cho tư tưởng chạy vòng theo châu thân). Phương pháp Thai tức của Tiên gia (luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần …) Họ đinh ninh Thiền tông đã chết ở Việt Nam để nhường chỗ cho Tịnh độ tông và ngoại đạo. Quyển Lục này và những quyển sách do Tu viện Chơn Không xuất bản là để trả lời rằng Thiền tông vẫn còn sống ở Việt Nam và hiện có người đang tu.

Quyển Lục này chúng tôi dịch theo bản của Tỳ kheo Thừa Giới và Ðịnh Huệ khắc bản in vào năm Quang Tự thứ 34 (1908 TL). Chúng tôi có lược bớt lời tựa của Tiến sĩ Kim Hoằng, Tiến sĩ Trịnh Thế Thái, cả hai đều giữ chức vụ quan trọng trong Hàn Lâm Viện triều Khang Hy. Ông Kỳ Huân Mộc làm chức Cao mật nhiệm ở Bộ Lễ. Chúng tôi cũng lược bớt lời bài của ông Tường Hàng Chương. Lời bạt của nhóm người tái bản. Lời bạt của ông Tống Thế Tổ Quán. Theo lời tựa của tác giả có nói đến tiến phần phụ lục gồm 12 bài kệ tuyệt cú có tựa là "Ðơn thế sơn cư", nhưng ở bản này chúng tôi không thấy.

Chúng tôi dịch quyển Lục này là do sự khuyến khích của Bổn sư chúng tôi là Thượng tọa Thích Thanh Từ. Và sau khi dịch xong, chúng tôi có trình cho người giảo chính lại. Tuy thế, nhưng chắc thế nào cũng có điều sơ sót, xin độc giả lượng thứ cho.

Trung thu năm Quý Sửu (1973)

Trong thời gian này Thiền sinh Thích Ðắc Pháp đã cho ra đời hai dịch phẩm chánh:

- Vạn Pháp Qui Tâm Lục: Thiền sư Tổ Nguyên

- Chơn Tâm Trực Thuyết: Thiền sư Phổ Chiếu

Hai dịch phẩm này đều do Tu viện Chơn Không xuất bản.

---------------------------------------------------

Lời người dịchthiensinhnhatquang

Vào Hạ năm trước, khi trao tập đề cương này cho tôi, Thầy tôi dạy: Chú chịu khó đọc kỹ rồi dịch ra, để phổ biến một tài liệu quí giá của Phật giáo Việt Nam chúng ta, cũng để đánh tan quan niệm sai lầm của một số người cho rằng: "Người nước ta thua kém người Trung Quốc".

Sau khi nhận sách và đọc qua, thâm tâm tôi khoan khoái lạ thường, khác nào người bệnh ngặt, được toát mồ hôi, như kẻ lạc lối trong đêm dày chợt gặp mục tiêu và ánh sáng, cũng như kẻ khốn cùng, bỗng được của báu vô lượng.

Ôi! Thích thú. Sung sướng không kể xiết!

Thật vậy, không luận người Ấn hay người Hoa, chẳng riêng Việt Nam hay Nhật Bản, mà toàn thể nhân loại, cho đến muôn loài sanh trong pháp giới, đều có "Tri kiến Phật" đều sẵn đủ "Trí huệ Như Lai". Chỉ khác nhau ở chỗ, người hữu duyên sớm nhận ra trân bảo nhà mình, đời đời giàu sang. Kẻ vô phần thì đông tây dong ruổi, mãi mãi đói khổ.

Chớ nào phải, trong biển Tỳ-lô lại nổi bất bình, trên pháp thể an tường há sanh bỉ thử ...

Việt Nam chúng ta, được một vinh hạnh lớn lao vô cùng là viên đá đầu tiên của tòa nhà Phật giáo, đã được đặt trên lãnh thổ này từ thế kỷ thứ III, trước công nguyên. Kịp đến thế kỷ thứ XI, tòa nhà Phật giáo hoàn thành tráng lệ. Thế thì, có thể nói, Phật giáo có mặt trên xứ sở ta cùng lúc hoặc sớm hơn Trung Quốc. Bấy giờ, chư vị Thiền đức đạo cao đức trọng lần lượt ra đời.

Những vị tích cực như Khuông Việt, Vạn Hạnh ...

Những vị kỳ bí như Minh Không, Giác Hải ...

Những vị uyên bác như Thanh Biện, Viên Thông ...

Cho đến những vị siêu thoát như Thiền Lão ... Những vị mẫu mực như Ðạo Huệ ... và vô số những vị khác, hoặc ẩn hoặc hiện, cùng nêu cao đuốc tuệ, làm cho "cơ Thiền" đã vang lừng một thuở. Chính các Ngài đã khéo léo hòa tấu khúc "Tông phong" thanh tao vi vút khắp sơn khê. Mãi đến thời Pháp thuộc gần đây, âm hưởng đó vẫn còn bàng bạc gội nhuần ngoài cỏ nội. Các bậc kiến tánh thâm tu quảng học như thế, vẫn tiếp tục ra đời, mà nhân vật đại biểu cho thời này là Minh Chánh Thượng Nhơn, người làm ra Ðề Cương này.

Thế nên biết: "Giọt nước dòng Tào nhuần thấm khắp nơi" vậy.

Hôm nay, con thành kính đốt nén tâm hương, dâng lên mười phương các đấng Ðiều Ngự cùng lịch đại Thánh Hiền và Minh Chánh Thượng Nhơn, nguyện từ bi phủ giám cho con. Ðồng thời soi tỏ lòng con khiến con sáng suốt phiên dịch Ðề Cương này, hầu khêu sáng ngọn đuốc trí tuệ mà các Ngài đã nhen nhúm từ lâu.

Con cũng mong mỏi hiện tại chư Thiện tri thức, từ mẫn bổ chính cho bản dịch, để khi đến tay quý độc giả được hoàn bị hơn.

Lại nguyện mọi loài cùng dự hội Pháp Hoa đều ngộ Tri Kiến Phật, hằng sống với bổn thể thanh tịnh như như của mình.

Ðầu Xuân năm Quý Sửu (PL 2517 - 1973)

Trong thời gian này Thiền sinh Thích Nhật Quang đã cho ra đời 4 dịch phẩm:

- Luận Tọa Thiền: Thiền sư Ðại Giác

- Pháp Hoa Ðề Cương: Thiền sư Minh Chánh

- Luận Phật Thừa Tông Yếu: Thái Hư Ðại sư

Ba dịch phẩm này được Tu viện Chơn Không xuất bản.

- Tín Tâm Minh nghĩa giải: Ðại sư Trung Phong.

Dịch phẩm này được Nhà Xuất bản Trí Thức ấn hành.

---------------------------------------------------

thiensinhphuoctu

 

Tôi ở Chơn Không mấy độ rồi
Lòng tôi như thuở ở trong nôi
Âm thầm ngày tháng trôi trôi mãi
Hớp lấy không gian ngắm cuộc đời.

Cuối năm 1973

Những văn thơ như vậy ở các Thiền sinh đại biểu, đủ làm chứng tích cho thành quả các vị.

[ Quay lại ]