headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TU VÀ HỌC

tuhoc02Tu viện Chơn Không, tu theo Thiền tông được chính thức ra đời ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch, năm Tân Hợi, 1971. Với số Thiền sinh dự học nội trú là 10 vị, cùng một số Tăng ni và cư sĩ nam dự thính tất cả là 30 vị (khóa 1). Trong khuôn viên của Tu viện, các Thiền sinh sống hồn nhiên trong cuộc sống thường ngày với thời gian là 3 năm.

 Theo nhịp thở của đất trời, Thiền sinh gõ sừng lùa trâu lên đỉnh núi gặm cỏ hay cho tắm mát ngoài bể cả mênh mông. Hoặc trên tầng mây xanh thẳm trải ánh sáng thần kỳ soi khắp các tinh đẩu, nguyệt cầu trong cõi đại thiên.

Thiền sinh tự lấy mình làm tâm điểm cho vũ trụ linh thiêng này, cho những cuộc rong chơi trong hố thẳm vực sâu của vùng vô cực, và cho sự an nghỉ cuối cùng của cuộc vận vô biên tế.

Do Học mới biết Tu. Do Tu mới sáng điều Học. Tu và Học có sự liên đới mật thiết. Thật khó mà tách rời ra được.

Nói về Tu, tức là Học. Thành ra muốn rứt cái Tu ra khỏi cái Học thật không thể được. Không học bằng Kinh giáo, thì cũng học bằng cách khác. Làm sao để biết Tu, thì đó là học rồi. Khi chưa hiểu biết gì mà tu, thì tu làm sao? Có một cái gì đó đã sẵn là tu sao? Vào một Tu viện, một Thiền viện là đã sẵn có cái gì đó để tu sao, mà nói là không cần tới học?

Thường cái Học, cái Tu do đâu thành lập? Dù nói rằng: “Đâu có cái gì để mà tu”, người nghe theo đây để thể nhận, thì đây tức đã có học rồi. Vì người nói tức đã dạy. Một lối dạy khác vậy thôi. Theo lời dạy tức Học, hành lời dạy tức Tu. Vậy thì chớ dại dột nói rằng Tu Thiền không cần phải học. Cái “Học” không dính gì tới Thiền! Đừng nói theo lối “Phản bội” như vậy!

Dù rằng Thiền chủ trương:

Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật.

Lối nói này không có nghĩa phủ nhận, ruồng rẫy cái học.

Trước hết ngay bản thân Thiền, khi nói như vậy, tức đã truyền dạy cái chủ trương của mình. Người nghe theo đó lấy làm qui củ phép tắc, tức đã Học. Vả lại, nếu không học thì làm sao “thuộc” bài đó mà truyền cho đến bây giờ.tuhoc01

Phải biết rằng Thiền dù có dẹp ngôn ngữ đi nữa, cũng chỉ là việc dùng sào khuấy trăng nơi đầm sâu, lấy lông rùa mà cột gió đầu cây. Phải thật hiểu mới được. Phải thấy đâu là tự tánh và tự tánh dụng. Phải dè dặt khéo biết mọi vấn đề chung quanh “Tu và Học”. Thiền sư dù có nói đông nói tây, cũng không ngoài giúp người học sáng tỏ việc mình. Nên cũng quanh trong việc tu học của người thôi. Điều quan trọng là ở mình, phải biết rõ sự Tu sự Học. Biết mà không thiên lệch không dính mắc. Học ngôn ngữ mà học như Duy Ma Cật (Kinh Duy Mật) thì Văn tự là tướng giải thoát. Vậy học ngôn ngữ văn tự có lỗi gì? Một người được xem như Sư tử lông vàng trong rừng thiền, oai phong lẫm liệt là Vĩnh Gia Huyền Giác. Sư nhân đọc kinh Duy Ma mà khế ngộ đạo mầu lại được Lục Tổ ấn chứng. Việc ấy thì sao? Người được gọi là Thiền sư không ai không thể nghiệm qua “Ca khúc chứng đạo” của Ngài. Sản phẩm đó từ đâu? Đâu không phải do xem Kinh một sớm mà nên sao ?

Vả lại, cho đến ngày nay đọ thử sách vở các Tông phái mà xem, sách vở Tông nào nhiều nhất? Có phải là sách vở Thiền tông trội hơn cả không. “Bất lập văn tự” mà chữ nghĩa lại nhiều hơn ai hết! Một vài điều đơn sơ như vậy, nêu lên để thấy rõ việc Tu Học là như thế nào. Đừng định kiến, đừng quan niệm theo tiêu chuẩn. Hãy Tu Học với tinh thần phóng khoáng, thái độ cởi mở. Đối với Thiền sinh tu ở Tu viện Chơn Không thì việc tu học là việc bình thường. Với việc này không phải đặt thành vấn đề trong sinh hoạt.

Thiền sinh lúc nào cũng tu cũng học bên cạnh vị Chân sư, mà Thiền sinh coi đó là vị Ân sư của mình. Đạo học ở đây bình dị, giản đơn. Thiền sinh nơi đây đã thể hiện sự Tu Học bằng sự hòa vui với cuộc sống hiện tại,trong nguồn sữa pháp của người Thầy.

[ Quay lại ]