THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI - VỚI CÔNG CUỘC PHỤC HƯNG DÒNG THIỀN TRÚC LÂM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 23 Tháng sáu 2016 13:53
Thích Tâm Thuần
I. DẪN NHẬP
Dân tộc Việt Nam luôn tôn vinh tinh thần biết ơn và đền ơn “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với cội nguồn dân tộc của mỗi người con Việt. Tinh thần này lại càng được khắc cốt ghi tâm sâu sắc đối với mỗi người con Phật chúng ta. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, dù bao thăng trầm biến cố Phật giáo vẫn luôn là cái nôi nương tựa của mỗi người.
Nói đến một trong những nét đặc trưng của Văn hóa Phật giáo Việt nam, thì phải nói đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam. Một dòng thiền thuần Việt, do vua Trần Nhân Tông sáng lập, Ngài với trí tuệ siêu phàm xuất chúng, với đạo lực dũng mãnh và quan trọng chính là bằng sự thân chứng thiền đến phần cốt tủy, Ngài đã dùng ánh sáng chân thật đó dung hợp ba dòng thiền trước đó là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường thành dòng thiền đặc trưng Việt. Thiền Trúc Lâm Yên Tử mở ra phong trào Phật Học mới từ Vua quan cho đến các thường dân đều được thấm nhuần mưa pháp. Ánh sáng chân lý được thắp sáng, cuộc sống của nhân dân cũng được bình yên hạnh phúc, mọi người biết yêu thương đùm bọc nhau, đất nước an bình hòa lạc, cuộc sống đạo hạnh được quan dân tán dương tu hành theo, từ đây dòng thiền Trúc Lâm trở thành quốc giáo của Đại Việt.
Thế nhưng dòng chảy của lịch sử cũng không nằm ngoài cái quy luật vô thường của cuộc đời, khi thì hiển vinh, lúc thăng trầm lặng lẽ, triều đại nhà Trần cũng trong vòng xoay của vô thường, triều đại suy vi kể từ cuối đời Trần trở đi. Phật giáo cũng khó tránh khỏi sự ảnh hưởng của triều đại khi quân nhà Minh sang chiếm đất nước và đốt phá chùa chiền kinh sách, truyền bá những tín ngưỡng mê tín dị đoan vào các tầng lớp nhân dân. Với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, ta không khỏi ngỡ ngàng khi dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam đang thịnh hưng lại phải một thời chìm nổi ẩn dật.
Lịch sử Thiền Trúc Lâm một thời yên lặng là vậy, nhưng thiền là Tâm tông, sức sống thiền là ở nội tâm chứ không phải trên hình thức bên ngoài. Do đó, bên ngoài tưởng chừng như khuất bóng mà bên trong mạch ngầm vô tận vẫn cháy mãi với thời gian. Dù nơi non cao chót vót hay núi sâu rừng thẳm, vẫn có những vị Thiền sư âm thầm mồi đèn truyền tâm ấn, tâm tông vẫn luôn sáng ngời muôn thuở, chỉ chờ có đủ duyên ắt sẽ hiển bày. Và minh chứng cho sự phục hưng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử chính là sự xuất hiện của các vị thiền sư xuất cách siêu phàm, trong đó nổi bật nhất là hai vị thiền sư cùng thời Hậu Lê đó là Thiền Sư Minh Châu Hương Hải và Chân Nguyên Huệ Đăng.
Hôm nay nhân ngày húy kỵ lần thứ 300 của Thiền Sư Minh Châu Hương Hải, hàng hậu học chúng con cùng hướng tâm về Ngài với tấm lòng kính ngưỡng biết ơn sâu sắc.
Ân đức của Ngài đã toàn tâm toàn trí phục hưng lại Phật giáo Việt Nam thời kỳ đất nước phân tranh, trong lúc dòng thiền Trúc Lâm VN đang thời kỳ gần như vắng bóng, không có người hiểu rõ về việc học Phật và tu thiền và trong lúc chính bản thân Ngài cũng gặp muôn vàn khó khăn hoạn nạn, hiểu lầm nghi kỵ, thật không thể dùng trí phàm mà nói hết được đạo lực và tâm hạnh của các Ngài.
II. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
Hàng hậu học chúng con hôm nay để tưởng nhớ về Ngài xin được quy kính ngưỡng nguyện Ngài cho mạn phép dùng chút kiến giải của mình qua sử sách tư liệu để ôn lại về cuộc đời, công hạnh, hoài bão của Ngài đối với dân tộc, đặc biệt hơn nữa đối với công cuộc phục hưng Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam, ngõ hầu lấy đó để cùng nhau sách tấn công phu tu tập, noi theo gương hạnh của Ngài, quyết tâm gìn giữ mạng mạch Thiền Tông Việt Nam rạng ngời muôn thuở.
Thông qua sử sách chúng ta được biết, Thiền sư Hương Hải (1628 – 1715) là một Thiền Sư Việt Nam thời Hậu Lê, tục gọi Ngài là Tổ Cầu. Tổ tiên Ngài ở làng Áng Độ, Nghệ An. Ngài sinh năm Mậu Thìn (1628), sống ở làng Bính An Thượng phủ Thăng Hoa (nay thuộc Quảng Nam). Ngài từ nhỏ đã thông minh, hiếu học, năm 18 tuổi Ngài thi đỗ Hương tiến (cử nhân), được bổ vào làm Văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Lan (ở ngôi: 1635 – 1648). Năm 1652 được bổ làm Tri phủ Triệu Phong (nay thuộc Quảng Trị). Khi ấy, vì hâm mộ Phật pháp, Ngài tìm đến học đạo với một Thiền sư đang hành đạo ở Quảng Trị pháp hiệu Viên Cảnh. Ba năm sau 1655, năm 28 tuổi Ngài từ quan, và xin xuất gia với Thiền Sư Viên Cảnh, được pháp hiệu là Huyền Cơ Thiện Giác pháp tự Minh Châu Hương Hải. Sau đó Ngài tìm đến Thiền Sư Đại Thâm Viên Khoan để tham học.
Sau đó Ngài ra đảo Tim Bút La cất ba gian nhà tranh để tu học. Sư ở đây chuyên tu thiền định và giới luật tinh nghiêm được hơn tám tháng, nhân dân cùng quan trưởng xa gần đều quý kính, tiếng tăm vang dội. Sau chúa Hiền nghe danh sai xứ ra đảo mời sư về. Chúa Hiền lập Thiền Tịnh Viện ở núi Quy Kính mời Sư ra ở đây chúc lành cho Vương gia, hộ trì quốc mạch. Sư ở núi Quy Kính giáo hóa thạnh hành, rất nhiều người xin quy y học đạo, tu hành tại gia. Quan quân cũng đồng quy y học đạo rất nhiều, gồm bảy trăm vị chánh quan, hơn một trăm vị phó quan, quân lính trong ngoài hơn một ngàn hai trăm vị.
Ngoại đạo thấy Sư được Vua quan kính phục sinh lòng hiềm tỵ, thị phi, bạch với Chúa Hiền là Sư ngầm với Gia Quận Công âm mưu ra Bắc. Sư nghe lời dèm pha, tuy không tìm được bằng chứng nhưng vẫn truyền cho Sư về quê cũ ở Quảng Nam cách kinh thành ba ngày đường, bởi lý do ấy sư quyết chí trở về Bắc thực sự.
Ra tới Bắc, Sư được chúa Trịnh mời vào triều thăm hỏi, đồng thời thưởng tiền và vật dụng. Một hôm, Chúa sai Sư vẽ địa đồ hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa, sư vâng lệnh vẽ đầy đủ, rõ ràng, hai mươi mốt ngày thì xong, dâng lên chúa.
Lúc Sư 55 tuổi, chúa Trịnh Tạc mất, chúa mới lên ngôi lại cho sư về trấn Sơn Tây. Sự lập am tu hành, chuyên tâm lễ Phật tụng kinh, tinh tấn thiền định hơn 18 năm. Mỗi ngày sớm tối ba thời tu hành đàn Chuẩn đề không lười mỏi. Ngoài thời gian công phu ra thì Sư chuyên tâm dịch giải kinh từ chữ hán sang chữ nôm.
Năm Sư 70 tuổi, xét thấy việc đời vô thường, tỏ ngộ thân căn không lâu bền, một lòng nghĩ nhớ muốn xây dựng ngôi tam bảo, nhóm họp kẻ tăng người tục để kéo dài về sau, đèn thiền tiếp nỗi mãi không dứt nên sư nhờ thí chủ trùng tu lại ngôi chùa Nguyệt Đường, sau đó Sư ra trụ trì tại đây. Hàng ngày nhóm họp đại chúng, khai thị ngộ nhập, giảng kinh thuyết pháp, khai thị tâm tông. Tăng tục xa gần tề tựu về, hàng pháp tử pháp tôn kể không hết. Cuộc đời tu hành của Ngài từ đây có những định hướng vì đạo pháp dân tộc một cách rõ nét.
Năm Sư 88 tuổi, nhằm vào ngày đầu xuân năm Ất Mùi, Sư dặn dò hàng đệ tử trước khi Niết Bàn.
Vị thượng tọa bạch Sư:
Phật pháp vi diệu có gì thiết yếu mong Thầy truyền trao cho lý tột!
Sư bảo:
Đạo giáo từ xưa đến nay đã trao phó là bặt ngôn từ, không lời để nói, chính ta ngay lúc đó phó thác.
Thượng tọa lại hỏi: Đại chúng ứng dụng thế nào?
Sư đáp: Lấy tâm mà dùng.
Đến giờ Dậu ngày mùng 10 tháng 5 môn nhân trong chùa chợt thấy sao sáng xuất hiện, tỏa sáng soi suốt cả chùa, mới biết việc đó.
Sáng ngày 12/5 sư bảo thị giả:
Hãy đem nước đến nhà tắm, ta sẽ tắm rửa.
Tắm xong, sư trở về phòng bảo vị thượng tọa:
Ta đến lúc mạng chung, hãy báo khắp cho đại chúng.
Thượng tọa đem pháp phục ca sa cho Sư đắp, đội mũ chuẩn đề, đeo xâu chuỗi ngồi kiết già an định hai giờ, rồi phó chúc bài kệ:
Giờ đúng tám mươi tám
Bỗng nhiên lên ngồi thoát
Có đến cũng có đi
Không chết cũng không sống
Pháp tánh đồng hư không
Sắc thân như bọt nước
Đông Độ rời Ta Bà
Tây Phương hoa sen nở.
Sư ngâm kệ xong, đến giờ Mùi thì ngồi yên lặng mà tịch, nhục thân được nhập tháp (không có trà tỳ).
III. SỰ NGHIỆP PHỤC HƯNG DÒNG THIỀN TRÚC LÂM CỦA THIỀN SƯ HƯƠNG HẢI.
Theo sử sách thì TS Hương Hải thuộc thiền Lâm Tế dòng Trí Bảng Đột Không:
Trí tuệ thanh tịnh
Đạo đức viên minh
Chân như tính hải
Tịch chiếu phổ thông.
Nhưng tư tưởng và sự lãnh ngộ thiền của Ngài thì lại thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Điều này thể hiện qua tư tưởng cuộc đời hành đạo, giáo hóa chúng sanh và sự phục hưng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Thiền Sư.
1. Ngài xiển dương đúng tông chỉ, tông phong thiền phái Trúc Lâm.
Tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm chính là “phản quan tự kỷ”, tông chỉ này bắt nguồn khi Vua Trần Nhân Tông khi xưa tham vấn đạo nơi Tuệ Trung Thượng Sỹ, Ngài hỏi: “Thế nào là tông chỉ của việc bổn phận?”. Thượng sĩ đáp: “soi sáng lại chính mình, đó là việc bổn phận, chẳng từ nơi nào khác để được”. Ngay đó Vua nhận được tông chỉ Thiền, mở sáng con mắt đạo. Từ đó “phản quan tự kỷ” chính là tông chỉ của thiền phái Trúc Lâm.
Thiền Sư Hương Hải thông suốt tư tưởng này nên đã nhắm đúng chỗ này mà xiển dương, phục hưng tông chỉ của Thiền phái khi Vua Lê Dụ Tông hỏi Sư rằng:
- Trẫm nghe Lão sư học rộng nhớ nhiều, vậy xin Lão sư thuyết pháp cho trẫm nghe để trẫm được liễu ngộ.
Sư tâu:
- Xin bệ hạ chí tâm nghe cho thật hiểu bốn câu kệ này:
Hàng ngày quán lại chính nơi mình
Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh
Trong mộng tìm chi người tri thức
Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình.Âm:
Phản văn tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm tri thức
Tương lai diện thượng đổ sư nhan.
Quay lại chính mình là phận sự chính, không từ ngoài mà được đã được Thiền Sư chỉ dạy một cách đơn giản, rõ ràng mà trực chỉ. Bài kệ chỉ dạy này của Ngài thật thẳng thắn, trong mộng thì tâm của tất cả chúng sanh đều đầy dẫy những phiền não khổ đau, khi thì buồn thương giận ghét, khi thì tham sân si đầy dẫy, lúc lại chạy theo được mất, hơn thua, phải trái, đúng sai…muốn làm chủ tâm mình thì hàng ngày xoay lại chính mình để quán sát, tư duy một cách kỹ lưỡng, không phải đi đâu tìm xa xôi. Hãy tự mình là ngọn đuốc cho chính mình, quán sát kỹ lưỡng hàng ngày như vậy lần lần sẽ gột rửa được những phiền não, vọng tưởng lăng xăng trong đầu. Khi tất cả những tâm lăng xăng đó lắng xuống hay được buông bỏ thì sẽ nhận ra vị thiện tri thức chân thật nơi chính mình, chính là Tâm Phật nơi chính mình.
Tông chỉ của Thiền Trúc Lâm đã được Ngài xiển dương một cách cụ thể bắt đầu từ Vua Lê Dụ Tông này.
Tinh thần Thiền Việt Nam là tinh thần trực chỉ, nên Ngài nhấn mạnh tiếp chỗ rốt ráo cho vua Lê Dụ Tông khi vua hỏi: “Thế nào là ý của Phật?”.
Sư liền đáp:
Nhạn bay trên không
Bóng chìm đáy nước
Nhạn không để ý dấu
Nước không tâm lưu bóng.Âm:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Ngay khi “vô niệm”, “vô tâm” mà thường sáng rõ là Phật là Tổ rồi còn hỏi ý Phật ý Tổ chi nữa. Ngài thật khéo léo và linh động khi ứng cơ chỉ thẳng chỗ rốt ráo cho Vua nghe. Pháp Phật thậm thâm vi diệu sâu mầu, tùy cơ mà khế hợp.
Chúng ta lại thấy tinh thần xiển dương tông chỉ Thiền Trúc Lâm lại một lần nữa được Ngài nêu cao trong khi dạy đại chúng:
“Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, ngay ngoại cảnh mà trực nhận tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, pháp thân hiện tiền, những vết trần tự rỗng. Ta phải dùng lưỡi dao trí của tâm tự giác mà rạch lấy tâm châu. Phải dùng mũi giáo tuệ chặt đứt lưới kiến chấp muôn đời. Ấy chính là tông chỉ cùng trực thuyết vậy.” (Hương Hải Thiền Sư Ngữ lục)
“Trí hay chiếu vốn không, cảnh bị duyên cũng lặng. Lặng mà không phải lặng, bởi không có người hay lặng. Soi mà không soi, bởi không có cảnh bị soi. Cảnh và trí đều lặng, tâm lo nghĩ an nhiên, đây chính là con đường cốt yếu trở về nguồn.” (Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục).
Tinh thần đạo Phật là tinh thần nhập thế, dòng thiền Trúc Lâm là dòng thiền nhập thế. Tinh thần của đạo Phật nói chung và tinh thần của thiền phái Trúc Lâm đều không câu nệ dân tộc, mầu da và các đẳng cấp.
Với cái nhìn của đạo Phật thì các chúng sanh đều đang khổ, đều đáng cứu độ. Và tất cả mọi loài đều có tri kiến Phật đáng tôn kính. Do vậy, với cái nhìn riêng đặc biệt của các Thiền sư Việt Nam, và rõ nét nhất là Sơ Tổ Trúc Lâm đã vận dụng tinh thần này, với Ngài ai ai cũng đều đáng được cứu độ, từ vua quan cho đến thần dân thiên hạ, kể cả các dân tộc Chiêm Thành, Ai Lao cho đến các dân tộc thiểu số. Ngài Minh Châu Hương Hải cũng có những nét như thế. Làm được vậy, các Ngài phải hòa mình vào trần thế mới mang ánh sáng giác ngộ cho chúng sinh. Đây là tinh thần nhập thế “hòa quang đồng trần”, cũng chính là tinh thần “tùy duyên bất biến” của Thiền Trúc Lâm.
· Hòa quang để hướng mọi người quy y Tam Bảo.
Thiền sư Hương Hải đã vận dụng tinh thần nhập thế này qua những việc như cầu an trị bênh cho phật tử, qua đó Ngài hướng dẫn họ quy y Tam bảo, phát lồ sám hối những tội lỗi trong quá khứ, giúp họ hiểu được lý nhân quả, nghiệp báo mà làm lành tránh dữ. Vì trong pháp trị bệnh của Ngài có đề ra pháp sám hối khi Ngài trả lời Hoa Lễ Hầu “trưởng quan quyền cao chức trọng giết hại nhiều người, phải nương sức đại sám hối mới mong được an lành khỏi bệnh.” - Hương Hải Thiền Sư Ngữ Lục.
Chú nguyện cầu an chỉ là một phần phương tiện trợ duyên cho người bệnh, cái chính là các ngài linh động nhờ phương tiện đó mà giúp họ tĩnh tâm sám hối tội lỗi. Nhờ có sự chí thành sám hối đó mà chuyển được phần nào nghiệp chướng quá khứ cho nên tâm bệnh được thuyên giảm, kèm thuốc thang nữa nên thân tâm khỏe khoắn, chứ không phải cứ bệnh cầu an là hết. Đó là phương tiện “nhiếp pháp” của các bậc cao tăng đem Phật pháp hóa nhân gian. Bằng trí tuệ và lòng từ bi các Ngài vận dụng mọi phương tiện có thể để giúp đỡ cho mọi người quay trở lại bản tâm mình cùng tu hành hết khổ an vui. Đây cũng chính là tinh thần khế cơ của Đạo Phật.
Công đức của Ngài vang dội, triều đình nhà Nguyễn mời Ngài về núi Quy Kính lập nên Thiền Tĩnh Viện để hàng ngày công phu thiền định và chúc nguyện cho Vương gia, hộ trì quốc mạch nước nhà. Vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích quốc gia và lợi ích cho mọi người, nên Ngài nhận lời, nhờ công đức đó mà triều đình từ vua quan cho đến quân dân đều biết quy y Tam Bảo, tu nhân tích đức. Dù rằng triều đại Hậu Lê trước đó tuy mến mộ Phật pháp mà chưa vận dụng đạo pháp vào việc trị nước an dân như đời nhà Trần, nhưng việc vua quan quy y học Phật trên cả ngàn người cũng phần nào thấy được sức ảnh hưởng lớn của Thiền Sư Hương Hải như thế nào.
· Hòa quang để xiển dương Phật giáo qua tam giáo đồng nguyên.
Vua Trần Nhân Tông xiển dương tinh thần Phật giáo trong nhân gian, Ngài đã dung hòa ba dòng thiền trước đó, thành dòng thiền Trúc Lâm Việt Nam. Và với cái nhìn bình đẳng về các tôn giáo, Ngài cũng khéo dung hòa Phật Giáo, Nho Giáo, Lão giáo đang tồn tại trong xã hội vào một, thành tư tưởng tam giáo đồng nguyên.
Tiếp thu tư tưởng này từ Vua Trần Nhân Tông, Thiền Sư Hương Hải, với cái nhìn bình đẳng, Ngài cũng tán thán tinh thần tam giáo đồng nguyên, tư tưởng này được thể hiện khi Ngài làm kệ dặn dò người phật tử tại gia:
“Từ thành thị đến nghỉ chùa chiền,
Tùy cơ ứng hóa lẽ đương nhiên
Song vời trăng đến giường thiền mát
Gió thổi thông cười khách ngủ yên
Lầu đài rực rỡ, màu huyền diệu
Chuông trống vang rền, tiếng thâm uyên
Ba giáo nguyên lai đồng một thể
Hồn nhiên đâu có lẽ nào thiên”.Bài 2:
“Thượng sĩ từng chơi cảnh tùng lâm
Phong trần không vướng hội thiền tâm
Liêm Khê, Trình Hiệu người thông suốt
Tô Tử, Hàn Văn hiểu diệu âm
Muôn ngàn cảnh vật cao dễ thấy
Tạo hóa một bầu kín khó tầm
Nguồn nho thăm thẳm lên càng rộng
Bể thích trùng trùng xuống lại thâm.”
Trước tiên ngài nhận định cho hàng phật tử biết là ba giáo, tên tuy khác, nhưng đều đồng một thể “tam giáo nguyên lai đồng một thể, hồn nhiên đâu có lẽ nào thiên”. Và Ngài khen Phật, khen nho “nguồn nho thăm thăm lên càng rộng, bể thích trùng trùng xuống lại thâm”. Ngài nhìn các đạo rất bình đẳng, không thiên vị, đạo nào cũng có giá trị riêng cả, trong Sự Lý dung thông Ngài viết:
“Trong nơi danh giáo có ba
Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân
Đạo thì dưỡng khí an thần
Thuốc trừ tà bệnh chuyên cần luyện đan
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương
Nho dùng tam cương ngũ thường
Đạo gìn ngũ khí, giữ giàng ba nguyên
Thích giáo nhân tam quy ngũ giới
Thể một đường, xe phải dùng ba.”
Thế nhưng Ngài vốn xuất thân từ giới trí thức, nho học uyên thâm, lại thâm nhập và giác ngộ Phật giáo, do đó ở bài thứ hai chúng ta sẽ thấy rõ tư tưởng của Thiền Sư Hương Hải muốn đem tư tưởng tam giáo đồng nguyên để xiển dương Phật giáo một cách khéo léo khi Ngài nhắc tới các nhân vật nổi tiếng đời Tống là Liêm Khê, Trình Hiệu, Tô Đông Pha (Tô Tử) và Hàn Dũ (Hàn Văn) đời Đường. Đây là các bậc nho học nổi tiếng, ngộ lý thiền và tu thiền. Qua đó chúng ta phần nào thấy được tư tưởng của Thiền Sư đúng với tư tưởng của Thiên Phái Trúc Lâm đời vua Trần Nhân Tông.
3. Ngài xiển dương tinh thần hoằng pháp lợi sanh
Đây là tinh thần của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam đời Trần. Tinh thần này được Thiền Sư tiếp nối một cách rõ nét.
· Chú trọng độ tăng, thuyết pháp.
Sau khi ngài trụ trì Nguyệt Đường, lập thiền Tịnh Viện thì đệ tử ở khắp nơi theo về đông đảo để quy y, học đạo, thảy đều ghi tên tất cả để rõ dấu tích. Các hàng đệ tử lớn nối tiếp truyền đăng rất nhiều, chẳng hạn như “hàng chữ Chân được bảy mươi vị, tạm ghi những vị lớn tiếp nối truyền đăng”, “hàng chữ Như khoảng hai trăm vị, tạm ghi hai mươi bốn vị hoặc có công với chùa, hoặc có sắc mệnh”, kế đến là hàng chữ Tánh, chữ Hải nhiều không kể xiết, “hàng chư ni khoảng ba mươi vị, cư sĩ nam nữ cả ngàn muôn vị đều quy hướng theo Sư”.
Thầy Lê Mạnh Thát trong Minh Châu Hương Hải toàn tập, có nhận định như sau: “Để dựng nên một dòng thiền phát triển rầm rộ như thế, Minh Châu Hương Hải đã biến thiền tịnh đơn sơ ban đầu vào những năm 1683, 1685 thành một ngôi tổ đình làm trung tâm văn hóa giáo dục, liên tục đào tạo ra những thế hệ thiền sư có danh tiếng”.
Và ngày nay, hoài bão, tâm nguyện của Sơ Tổ Trúc Lâm được tiếp nối qua Thiền Sư Hương Hải cũng đã, đang và tiếp tục được Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thanh hạ Từ xiển dương, Hòa Thượng từng nói: “Muốn cho giáo pháp thiền tông Trúc Lâm Yên Tử được khôi phục và phát huy sáng tỏ, bền bĩ, để mọi người hướng theo thì không gì hơn là phải tạo điều kiện cho Tăng Ni tu được sáng đạo. Có sáng đạo thì chánh pháp mới trường tồn. Sở nguyện của tôi muốn duy trì thiền tông Việt Nam lâu dài, nên tôi đã cố gắng tạo thiện duyên cho tăng ni tu học. Vì vậy, tăng ni phải ráng tu cho sáng đạo để khi tôi nhắm mắt, tôi vui vì đã được toại nguyện. Nếu quý vị tu lừng chừng qua ngày thì thật là đời tu của tôi chưa đủ phúc để vui hưởng lúc ra đi. Đó là hoài bão của tôi”. (Lời Giáo Huấn nhân ngày truyền thống 8/12/2015)
· Xiển dương thiền giáo đồng tu.
Giảng kinh thuyết pháp, hay Thiền giáo đồng hành là chủ trương của Thiền Phái trúc Lâm Yên Tử. Vua Trần Nhân Tông cũng dịch giảng rất nhiều bộ kinh, luật, luận. Hay như Thiền Sư Pháp Loa cũng rất nhiều lần thăng tòa thuyết giảng bộ Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Báo Ân. Thiền Sư Minh Châu Hương Hải đã vận dụng được tư tưởng này một cách tích cực. Và ngày nay Hòa Thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ cũng chủ trương tinh thần Thiền giáo đồng hành trong các hệ thống thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Với cái nhìn của đạo Phật nói riêng và đặc biệt cái nhìn của Thiền Việt Nam thì xuyên suốt tất cả Kinh đều có thể làm sáng tỏ thiền, và ngược lại, khi ngộ thiền thì có thể thông suốt các loại Kinh qua cái nhìn của nhà thiền. Bởi người tu Thiền đã sáng tâm thì đọc kinh sẽ hiểu rõ ý nghĩa sâu xa ngoài câu lời, do đó càng giảng linh động sáng tạo, giúp người nghe dễ thâm nhập hơn. Cho nên Ngài không quản khó khăn dịch kinh sang chữ Việt (Nôm) và làm các bài văn thơ bằng chính chữ Việt, để lại cho kho tàng Văn Học Việt thời bấy giờ cho tới ngày nay những tác phẩm vô cùng quý giá. Đây là nét đặc trưng của Phật Giáo Việt Nam, nhất là của các Thiền Sư Việt Nam.
Những tác phẩm trước tác của Thiền Sư Hương Hải:
- Giải Pháp Hoa kinh 1 bộ
- Giải Kim Cương Kinh lý nghĩa 2 đạo
- Giải Sa Di giới luật 1 quyển
- Giải Phật tổ tam kinh 3 quyển
- Giải Di Đà kinh 1 quyển
- Giải Vô lượng thọ kinh 1 quyển
- Giải Địa Tạng kinh 3 quyển
- Giải Tâm Kinh đại điên 1 quyển
- Giải Tâm Kinh ngũ chỉ 1 quyển
- Giải Tâm châu nhất quán 1 quyển
- Giải Chân tâm trực thuyết 1 quyển
- Giải Pháp Bảo đàn kinh 6 quyển
- Giải Phổ khuyến tu hành 1 quyển
- Giải Bảng điều 1 thiên
- Soạn Cơ duyên vấn đáp tinh giải 1 quyển
- Soạn Sự lý dung thông 1 quyển
- Soạn Quán Vô lượng thọ kinh 1 quyển
-Soạn Cúng Phật tam khoa 1 quyển
- Soạn Cúng Dược Sư 1 khoa
- Soạn cúng cửu phẩm 1 khoa.
Trên đây là 20 tác phẩm gồm cả thảy 30 quyển, đều rất được thịnh hành thời bấy giờ.
Qua các tác phẩm Thiền Sư đã dịch ở trên, Thầy Lê Mạnh Thát trong Minh Châu Hương Hải toàn tập có nhận xét rằng: “điều này chứng tỏ Ngài Minh Châu Hương Hải đã nằm trong dòng chủ lưu của thiền Phật Giáo Việt Nam, không bị ảnh hưởng bởi các dòng thiền Trung Quốc”, hay “trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc hầu như không bao giờ gặp một vị tổ nào vừa là thiền sư vừa là dịch giả”.
Sơ tổ Trúc Lâm khi hoằng truyền Phật pháp cũng đã dịch các kinh sách, luật luận sang chữ nôm và trước tác các tác phẩm lớn như Cư Trần Lạc Đạo phú, ngài Huyền Quang với tác phẩm Vân Yên tự phú… để lại cho dân tộc ta một kho tàng Văn Hóa rất lớn. Ngày nay Hòa Thượng Thiền Sư Thích Thanh Từ cũng dịch kinh sách sang chữ quốc ngữ để phật tử đọc có thể hiểu được giáo lý Phật. Việc dịch thuật này chính là thể hiện tinh thần dân tộc, tức là tinh thần tự chủ. Đó chính là tinh thần của Thiền Trúc Lâm “miễn được lòng rồi chẳng cần pháp khác”. Tinh thần này được Thiền Sư Minh Châu tiếp thu tư tưởng trong Sự Lý dung thông như sau:
“Đạo viên minh ngại chi chân tục
Miễn lòng rồi, tri túc thì nên
Năm mươi lăm phẩm dưới trên
Luyện tam muội hỏa, chí bền kim cương” .
· Hoằng pháp bằng thân giáo qua cuộc sống giản dị thường nhật.
Hàng ngày Sư chuyên tâm tinh tấn, hằng giữ tâm chánh định, giới luật tinh nghiêm, sớm hôm không khi nào lười mỏi.
Chỗ sống hàng ngày cũng rất bình dị, đúng với tinh thần “bình thường tâm thị đạo” một cách thi vị như Sơ Tổ Trần Nhân Tông “đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, thì Ngài cũng gần gũi giản dị mà trực chỉ:
“Phiền não do tâm nên có
Tâm không phiền não ở đâu?
Chẳng nhọc phân biệt lấy tướng
Tự nhiên được đạo chóng mau”.Hoặc:
“Đạo tức hằng ngày dụng
Tâm an đó là thiền
Dừng nghỉ đáy hang mây
Nằm mơ bên lều tuyết”.
Người đạt đạo thì chỗ sống thật bình dị, thường nhật.
Cho nên dù mọi người có hiểu như thế nào đối với Ngài thì Ngài cũng vẫn trải lòng mình đem Phật pháp tới mọi người mà không hề phiền não, buồn giận ai: “cao nhân chi có nỡ hiềm, thanh trần hủy sự càng thêm đức dày” (Sự lý dung thông). Ngài đã khéo vận dung oan ức để làm cửa ngõ đạo hạnh “càng thêm đức dày”. Ngài từng nói “ Hoặc phải hoặc quấy nào ai biết, nghịch hạnh thuận hạnh trời khó xét”. Hay “Há còn chấp tướng ngại danh, tùy cơ thuận nghịch tung hoành cũng ưa” (sự lý dung thông). Không thuận Đàng Trong thì ngài ra Đàng Ngoài, miễn sao đến đâu cũng đem được ánh sáng phật pháp cho mọi người là ngài hoan hỷ “gần xa đầm ấm, hương thiền nức xông” (Sự lý dung thông).
IV. KẾT LUẬN
Xưa kia “Đức Phật Thích Ca Văn vì một việc lớn mà xuất hiện giữa cõi đời này”, Sơ Tổ Trúc Lâm cũng vì đại sự đó mà gầy dựng nên tông phong mạng mạch Thiền Việt Nam – dòng Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam. Ánh sáng đó được truyền đăng tục diệm qua Thiền Sư Hương Hải, Thiền Sư Chân Nguyên và vẫn tiếp tục truyền sáng mãi cho tới ngày nay, thể hiện qua sự phục hưng dòng thiền Trúc Lâm Việt Nam của Hòa Thượng Thiền Sư thượng Thanh hạ Từ - tông chủ Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam.
Muốn thâm nhập được mạch nguồn thiền Trúc Lâm phải là một hành giả chứ không phải chỉ là một học giả. Hòa Thượng Ân Sư đã dạy “chúng ta là con cháu của Ngài, tu theo thiền phái Trúc Lâm cho nên phải đi theo con đường Tổ đã đi, hành trì theo pháp Tổ đã hành. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” là cương lĩnh của thiền Trúc Lâm. Chư Tăng Ni tu theo sự hướng dẫn của tôi phải ghi nhớ và thực hành cho được điều này. Mỗi vị tự xoay lại quán chiếu, nhận ra của báu nhà mình, không còn làm gã cùng tử lang thang nữa.” (Lời Giáo Huấn nhân ngày truyền thống 8/12/2015)
Chúng con thật hãnh diện, tự hào khi được làm đệ tử Phật, là thiền sinh của thiền phái Trúc Lâm – Thiền Tông Việt Nam. Hôm nay nhân lễ kỷ niệm ngày húy kỵ lần thứ 300 của Thiền Sư Hương Hải, chúng con thành tâm đê đầu hướng về Ngài với tấm lòng kính ngưỡng biết ơn sâu sắc. Mạng mạch thiền phái Trúc Lâm đã được Ngài xiển dương và phục hưng, chúng con xin nguyện tinh tấn tu hành, trở thành những hành giả chân chính, nguyện đời đời tông phong vĩnh chấn, tổ ấn trùng quang, truyền đăng tục diệm, kính dâng lên Thiền Sư.