headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 31/10/2024 - Ngày 29 Tháng 9 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Sự Liên Hệ Tăng Ni và Phật Tử

lienheTrong liên hệ Tăng ni, Phật tử, Tu viện quan hệ ở dưới hai dạng. Một ở dạng khách, một ở dạng thân hữu láng giềng.

Ðối với khách:

Như trong Thanh quy đã ghi: "Chư Tăng trong Tu viện vui vẻ đón tiếp tất cả khách đến với tinh thần tìm hiểu Phật pháp, hoặc vì viếng thăm Tu viện v.v…

Khách đến bên ngoài cổng giật dây chuông, tiếng chuông đã reo, khách không phải đợi lâu, Tri khách phụ liền có mặt, mỉm cười mở khóa, mở cổng mời khách vào. (Cổng Tu viện lúc nào cũng được khóa kín, khách vào là liền được khóa lại. Khi ra được mở ra. Ðây nhằm tạo sự nghiêm túc và ngăn sự ồn náo không cần thiết).

 

Ngôi nhà khách là ngôi Pháp Lạc Thất thuở trước. Nơi đây bên trong được dọn lại để thích hợp cho việc khách khứa. Một bàn nước và bốn giường nằm. Hai vị Tri khách phụ ở đây túc trực.

Khách đến, trước tiên xin được mời khách vào phòng khách nghỉ mệt, dùng nước.

Tri khách sẵn sàng chờ đợi và sẵn sàng nghe chuyện. Khách muốn điều chi, cần việc gì, nói và được Tri khách hướng dẫn. Sẽ thấy vị Tri khách Tu viện luôn điểm nụ cười trên môi.

Về thể lệ, thì vẫn đúng như trong Thanh Quy đã quy định. Nếu khách đến rồi đi, thì không có gì để nói. Trường hợp khách ở lại thì:

- Khách Tăng được ở lại 7 ngày.

- Khách cư sĩ nam được nghỉ lại 3 ngày. (Ngoại trừ được phép dự học, được ở suốt trong thời gian học). Khách Tăng và cư sĩ nam nghỉ lại phải sinh hoạt theo đời sống Tu viện.

- Riêng khách Ni và cư sĩ nữ, thời hạn cũng không khác, nhưng chỗ nơi và sinh hoạt có khác. Nhà khách Nữ ở ngoài rào Tu viện, bên cạnh Dương Chi Am. Nơi đây khách tự túc về cơm nước.

Trong mỗi nhà khách đều có bảng thể lệ dành cho khách và bảng Thanh Quy để khách xem cho rõ đời sống Tu viện. Cùng bảng "Thời khóa chuông bảng", ghi giờ khắc hiệu lệnh sinh hoạt.

Khách đến thăm Tu viện muốn dùng cơm thì báo trước cho Tri khách. Tri khách sẽ thông qua vị Tri khố để tăng thêm phần ăn. Khi dùng cơm xong khách tự dọn dẹp mâm bàn, tự rửa và phơi lấy. Ðây là việc hơi lạ so với các nơi. Nhưng bù lại mặc dù có nhà khách nhưng khách muốn ngồi ăn nơi đâu thì tùy, bàn đá, gốc cây… đâu cũng được. Mỗi người đã có một phần riêng, mâm riêng thì chỗ ngồi tùy thích.

Thành phần khách:

"Cửa Thiền mở rộng" Cổng Tu viện luôn luôn khóa kín, nhưng là mở rộng. Bất cứ thành phần gọi là khách vào Tu viện, Tu viện không phân biệt gạn lọc bất cứ một thành phần gọi là khách nào… Nhà khách Tu viện mở cửa sẵn sàng đón tiếp khách. Viện chủ Tu Viện luôn dành thời giờ cho khách.

Tu viện không vẫy tay mời khách: Hãy đến! Nhưng Tu viện sẵn sàng đón khách: Xin vào. Bất cứ thành phần, Tu viện đón tiếp như nhau.

Khách nhiều, sự đón tiếp như nhau (thái độ không khác – nhưng lễ nghi có khác tùy theo thành phần) nhưng với một số khách vì liên hệ đặc biệt với Tu viện nên được ghi lại để rõ nét hơn. Các vị khách ấy:

Hòa thượng Thích Thiện Hòa (Hòa thượng Giám đốc)

Hòa thượng Thích Thiện Hoa (Hòa thượng Viện trưởng)

Thượng tọa Thích Bửu Huệ (Thượng tọa Huệ Nghiêm)

Sư Bà Diệu Kim (Sư Bà Bảo An – Trụ trì chùa Bảo An – Cần Thơ)

nhivihoathuong

Ðối với những vị khách này là những khách đặc biệt. Hai vị Hòa thượng là hàng Thầy. Thượng tọa Bửu Huệ là thân hữu. Sư Bà Diệu Kim, tức chị ruột Hòa thượng Thích Thiện Hoa, cũng là hàng pháp quyến.

Viện chủ Tu viện phải có lối cư xử khác bình thường.

Với nhị vị Hòa thượng, Viện chủ Tu viện phải y áo chỉnh tề dẫn hết môn đồ đến trước nhị vị ra mắt lễ kính.

Vì không phải chủ nên nói là khách. Kỳ thực, với nhị vị Hòa thượng đây, không thể coi là khách của Tu viện được. Như con không thể coi cha là khách, dù là nhà của con.

Buổi đón tiếp hai vị Hòa thượng đây khiến cho cả Tu viện được thêm phần ấm áp, khởi sắc thêm hơn. Hai vị đã không hẹn mà đến. Hai vị Thầy đã đến thăm một người trò. Một người trò rất xứng được thăm nom. Hai vị đã mang theo một món quà. Một món quà giá trị vật chất không là bao, nhưng giá trị tinh thần, giá trị đạo lý hết sức to lớn. Món quà ấy là bức họa vẽ hình một Thiền sư.

Hòa thượng Thích Thiện Hòa ra kiểu và họa sĩ vẽ theo. Bức họa vẽ một Thiền sư già chống gậy đi trên núi đá chập chùng. Trên đầu gậy của Thiền sư, một con bướm đậu. Cảnh núi đẹp. Thiền sư đạo mạo, nếp già uy nghi, hợp thành một bức tranh có giá trị về nghệ thuật.

Dưới bức tranh, ghi một bài kệ bằng sơn trắng. Bài kệ:

Thiền sư khe khẽ bước
Con bướm trên đầu gậy thiu thỉu ngủ
Ði cũng thiền
Nói nín động lặng thể an nhiên.

Thầy trò mới gặp nhau trên núi cao này là lần đầu, ngày tháng này vào thu năm 1971, Thầy trò thăm hỏi chuyện vãn trong niềm thương cảm mênh mang. Tình sâu nghĩa nặng nói sao cho hết. Một người đệ tử duy nhất nên danh. Người Thầy nào không dành trọn niềm tin yêu! Một vị đương kim Viện trưởng Viện Hóa Ðạo trong Giáo hội bên cạnh một vị hiện là Tông chủ Thiền tông đang chồi hưng phát. Một sự cảm thông sâu sắc! Nào ai thấy được nét thâm trầm ẩn sâu trong đáy mắt giữa hai con người có chí xung thiên, tỏa rộng vì đời.

Hai trái tim,
Cùng son hồng.

Thầy trò không phải nói gì thêm nữa. Hai vị Thầy đã mỉm cười dắt tay nhau cùng xuống núi.

Thầy Viện chủ và môn đệ đưa tiễn hai vị xuống tận cuối đường đến bến đậu xe. Ðến cuối đường, Hòa thượng Thiện Hoa ngửa nhìn lên núi đọc bài thơ Lô Sơn:

Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu.
Ðáo đắc hoàn lai vô biệt sự,
Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều
.

Xe chưa có, phải chờ. Thầy Viện chủ Tu viện thỉnh hai vị trở lên Nhà khách Nữ ngồi nghỉ tạm. Hòa thượng Thiện Hòa nói:

- Ðã xuống thì không lên.

Lời Hòa thượng nhỏ, nhưng giọng quyết liệt, khiến mọi khẩn khoản ở người tắt lịm. Thật là một con người có lập trường. Một khi đã "hạ thủ" thì rất dứt khoát.

Sau đó, Thầy Viện chủ đem lời này dạy chúng: Ðấy là chí khí kẻ đại trượng phu.

Viện chủ và Thiền khách:

Trải mấy năm, người đến tham vấn đạo lý Thiền rất nhiều. Những vị gọi là Thiền khách ấy đã đến và vị Viện chủ đã tùy cơ nghi nói pháp khơi mở chỉ dạy cho người.

Lối chỉ dạy của Viện chủ là nhằm vạch cho người thấy rõ ông chủ của chính mình. Bằng phương tiện Kinh Luận, Thầy đã khéo diễn khiến người nghe cũng có được niềm tin.

Ðã có rất nhiều người khi đến với lòng bâng khuâng, và khi về với lòng nhẹ nhõm. Họ đã cảm nhận ít nhiều đạo vị Thiền.

Có những Thiền khách từ phương xa lặn lội đến để chỉ cần nghe Viện chủ nói một lời, một câu rồi ôm câu đó mà xuống núi.

Lời dạy của Viện chủ không cầu kỳ, mà đơn giản bình dị khiến người nghe dễ dàng đón nhận.

Dầu vậy, cũng không phải một chiều thuận, đã lắm người đến vì nạn vấn, hỏi han hóc búa để mong gây khó, tranh hơn, nhưng rồi Viện chủ vẫn bình thường đối đáp.

Công việc tiếp người của một Viện chủ như vậy thật bề bộn, mất nhiều thì giờ. Nhưng Viện chủ lúc nào cũng thấy có vẻ an nhàn thanh thoát từ hòa. Viện chủ đã chống gậy trúc thong dong dạo bước sau khi tiếp độ chúng sanh. Việc tiếp người vì thế xem như chẳng dính dáng.

Gậy thiền thong thả nhịp khua đều
Dạo núi xem non lòng chẳng bận.

Ðối với láng giềng:

Với sự hoằng hóa của Viện chủ Tu viện, nhiều người đã cảm nhận nguồn đạo, muốn về bên gần gũi trau dồi tu tập thêm lên. Vài vị có điều kiện đã sang đất, phá rừng bên cạnh Tu viện cất am thất, theo gót tu hành.

Với những vị có duyên gần gũi Tu viện như vậy, Viện chủ Tu viện lúc nào cũng tùy thuận. Và chính Viện chủ đã trực tiếp coi ngó chỉ vẽ trong việc xây cất cho người. Lắm lúc, vị Viện chủ lại đóng vai tuồng như một thầu khoán. Vì trợ duyên cho người thiếu điều kiện trực tiếp trông coi, vị Thầy được chủ nhân phó thác hết cả công việc, kể cả tiền bạc. Ðã nhận một việc như vậy tức là đã là "Nhà thầu". Viện chủ kiêm thầu khoán – Một việc nặng nhọc như vậy mà Viện chủ vẫn vui nhận. Trường hợp này Viện chủ sẽ có thêm một phụ tá – thư ký kế toán, để sổ sách chi tiêu, liên hệ mua sắm vật liệu. Người phụ tá ấy là Thiền sinh Tri khách phụ.

Thầy trò hợp lực gánh vác việc xóm giềng. Chẳng bao lâu, vườn cây đá sạn thuở trước trở thành nhà cửa xum vầy. Nơi đây đã trở thành xóm đạo. Ðường lên Tu viện đã mọc lên nhiều am cốc.

[ Quay lại ]