Ba đại nguyện của Phu nhân Thắng Man
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 02 Tháng tư 2016 09:29
- Viết bởi Super User
Chân Hiền Tâm
Phu nhân Thắng Man sau khi phát mười hoằng thệ xong, trên hư không hoa trời liền rơi, nhạc trời liền trổi, chúng thấy điềm lành đó cũng đồng phát nguyện: “Nguyện cùng phu nhân sinh ra chỗ nào cũng cùng chung hạnh nguyện”. Phật thọ ký cho đại chúng được như nguyện rồi, phu nhân lại phát tiếp ba Đại nguyện. Với đức Phật, “ba nguyện này là chân thật quảng đại. Các nguyện nhiều như cát sông Hằng của chư Bồ-tát đều nằm trong ba nguyện này”. Ba nguyện là:
1/ Nguyện dùng thiện căn này, đời đời sinh ra được chánh pháp trí.
2/ Được chánh pháp trí rồi, nguyện vì chúng sinh giảng nói không nhàm mỏi.
3/ Vì nhiếp thọ chánh pháp, nguyện chẳng tiếc thân mạng mình.
Nguyện dùng thiện căn này, đời đời sinh ra được Chánh pháp trí
Đây là lời nguyện đầu tiên của phu nhân.
Nguyện là mong muốn. Nguyện, trong nhà Phật không phải là lời cầu xin hay mong muốn suông mà nó được thực hiện đúng theo qui luật Nhân quả đang chi phối thế giới này. Phu nhân thực hành mười hoằng thệ để mong được cái quả là Chánh pháp trí. Chánh pháp trí là cái trí tương ưng với chánh pháp. Có Chánh pháp trí thì mình mới có thể nhìn thấy các pháp đúng như chính nó, tạo tác ở thân, khẩu, nghiệp mới ít nhầm lẫn, việc tự lợi lợi tha mới hoàn mãn. Phu nhân làm mọi thiện nghiệp chỉ để có được cái trí tương ưng với Chánh pháp đó. Trí này là cái quả của mười hoằng thệ, cũng là cái nhân giúp phu nhân thực hiện mười hoằng thệ ngày càng sâu rộng. Trí đó cũng là nền tảng để phu nhân có thể thực hiện hai nguyện sau được viên mãn.
Nguyện đời đời, là bất cứ khi nào phu nhân có mặt ở thế gian này, bà cũng có Chánh pháp trí. Vì phải có Chánh pháp trí thì mới có thể thực hành mười hoằng thệ đúng với tinh thần của nó, giảng nói không nhàm mỏi và nhiếp thọ chánh pháp không tiếc thân mạng.
Ba loại trí
Kinh Lăng Già phân trí thành ba loại là thế gian, xuất thế gian và xuất thế gian thượng thượng.
1/ Trí thế gian.
Kinh nói: “Trí thế gian, là tất cả ngoại đạo phàm phu chấp trước có không”. Chấp trước có không, là muốn nói trí này vẫn chưa ra ngoài cái thấy nhị biên phân biệt, vẫn thấy các pháp là thật có. Tuy vậy, đã gọi là trí thì cái thấy này phải phù hợp với luật Nhân quả ở thế gian. Chỉ một việc đơn giản trong đời sống là muốn có nước sôi thôi, ta đã phải biết nhân nào tương ưng với quả nào. Đó là đun nước trên lửa hoặc trong bình điện cho đến khi nước sôi. Tức nước phải thêm cái duyên là lửa hay bình điện mới cho ra cái quả là nước sôi. Nhân phải tương ưng với quả như thế. Nếu mang nước đặt trong tủ lạnh thì không thể có nước sôi. Các pháp ở thế gian đều theo qui luật tương tợ. Yêu thương muốn tồn tại lâu dài, đòi hỏi phải có sự chung tay từ nhiều phía. Nếu một người vun bồi còn một người phá tán thoải mái thì sớm muộn gì yêu thương cũng ra đi. Nhân cần tương ưng với quả[1]. Mọi thứ ở thế gian này đều theo qui luật Nhân quả như thế mà sinh tồn hay hoại diệt. Nếu ta nắm được mặt nhân quả tương ưng này, rồi vận dụng nó vào đời sống của mình thì cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp. Mọi thứ trở nên rối rắm và bất hạnh là do mình đi sai qui luật Nhân quả này. Muốn có cái quả giàu sang lại đi gieo cái nhân trộm cắp. Muốn có cái quả trường thọ lại đi gieo cái nhân sát sinh. Muốn phục vụ tốt trong ngành y, lại đi mua bằng, thay vì phải thi đậu và học hành chăm chỉ v.v… Vì thế, tuy chỉ là Trí thế gian, vẫn còn rơi vào chấp trước có không, nhưng nếu vận dụng được nó thì nó cũng mang lại thành công và hạnh phúc cho mình, dù chỉ là tương đối.
Trí thế gian, với phàm phu và ngoại đạo, ở mặt lý, có thể họ không nắm được phần lý tổng quát đang chi phối thế giới này, nhưng trên mặt sự, họ vẫn vận dụng tốt phần lý đó trong lãnh vực của họ nhờ kinh nghiệm. Người chăn nuôi, một khi nắm vững các điều kiện chăn nuôi thì việc chăn nuôi sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Bác sĩ, một khi nắm rõ nguyên nhân gây ra từng bệnh mà cho thuốc thì việc chữa trị sẽ có kết quả tốt v.v... Nhờ loại Trí thế gian này mà mọi việc trở nên hài hòa và tốt đẹp hơn trong thế giới này. Tuy vậy, trí này cũng có mặt trái của nó, là khi nó được dùng vào các mục đích không lương thiện, như sử dụng vào việc tạo bom nguyên tử, chất độc màu da cam… phục vụ cho chiến tranh.
Vấn đề hiện nay là loại Trí thế gian này được nhân loại ứng dụng vào lãnh vực vật chất thì rất tốt mà ở mặt tâm linh thì không tốt. Vì thế, đời sống vật chất thì cao mà nạn tai, chết chóc, tệ nạn xã hội cũng khá nhiều.
2/ Trí xuất thế gian.
Kinh nói: “Thế nào là trí xuất thế gian? Là tất cả Thanh văn, Duyên giác rơi vào chấp trước hy vọng tự tướng cộng tướng”. Xuất thế gian là ra ngoài thế gian. Vì thế, nói đến trí thế gian là nói đến Thanh văn và Duyên giác, là những vị tu giải thoát, xuất ly tam giới.
Thanh văn thì quả vị tối cùng của chư vị là A-la-hán. Chư vị quán khổ, không, vô thường, vô ngã để tiêu trừ ngã chấp và nương lý Tứ đế tu hành.
Duyên giác thì quả vị tối cùng của chư vị là Bích Chi Phật. Chư vị cũng quán khổ, không, vô thường, vô ngã để tiêu trừ ngã chấp, nhưng nương lý Thập nhị nhân duyên tu hành.
Quả vị tối cùng của Thanh văn và Duyên giác tuy đã tiêu trừ được phần ngã chấp nhưng chưa thấy được lý Duy tâm Duy thức, vẫn thấy có sinh tử để ra, Niết-bàn để vào, tâm chấp pháp vẫn còn, nên nói “rơi vào chấp trước hy vọng”. Chấp trước là chấp trước pháp. Biểu hiện của nó là thấy sinh tử và Niết-bàn đều thật. Không biết sinh tử hay Niết-bàn đều như không hoa, chỉ là biến hiện của tự tâm.
Nói về tự tướng và cộng tướng, thì pháp thế gian đều có hai tướng này. Như sắc ấm hay thọ ấm đều có tướng riêng của nó. Sắc ấm, chỉ cho thân vật chất này. Thọ ấm, chỉ cho những cảm thọ thuộc tâm. Những tướng riêng đó biểu thị cho thấy đó là sắc âm hay thọ ấm, nên gọi nó là tự tướng, tướng của riêng mình. Song sắc ấm hay thọ ấm đều có tướng chung là khổ, không, vô thường, vô ngã. Tướng chung đó, gọi là cộng tướng. Nhị thừa tuy quán sắc ấm hay thọ ấm đều khổ, không, vô thường, vô ngã, nhưng vẫn thấy cái khổ, không, vô thường, vô ngã đó là thật, nên nói “rơi vào chấp trước hy vọng tự tướng, cộng tướng”. Nói chung, thứ gì còn thấy thật thì vẫn còn biểu hiện của tâm chấp trước. Thanh văn, Duyên giác khi chưa chứng quả thì ngã chấp và pháp chấp đều còn, chứng quả rồi thì tâm chấp pháp vẫn chưa hết, nên nói “Tất cả Thanh văn, Duyên giác rơi vào chấp trước hy vọng tự tướng cộng tướng”.
3/ Trí xuất thế gian thượng thượng.
Kinh nói: “Thế nào là trí xuất thế gian thượng thượng? Là chư Phật Bồ-tát quán pháp không thật có, thấy chẳng sinh chẳng diệt, lìa các loại có không. Như Lai địa, nhân pháp vô ngã, duyên tự đắc sinh”. Trí này là trí của chư Phật và Bồ-tát. Bồ-tát thì có từng phần. Chư Phật thì được toàn phần.
Chư Phật quán các pháp không thật có, vì trí ấy thấy tột được bản chất của các pháp, tất cả đều duy tâm sở hiện, chỉ do bất giác tâm động mà sinh hai tướng Năng kiến (tâm) và Cảnh giới tướng (cảnh), như ngủ mê rồi mộng. Mê thì mộng hiện tiền. Tỉnh thì mộng mất đi. Không thứ gì có cội gốc riêng để nói đến sinh và diệt. Thấy có sinh có diệt vì đang còn trong mộng. Bản chất các pháp vốn không sinh không diệt, nên “thấy chẳng sinh chẳng diệt”. Đã không có sinh diệt thì nói “không” nói “có” là lời nói của người trong mộng.
Chư Như Lai chứng nhập được tự tánh pháp thân, không có tâm niệm, nhân và pháp đều không, nhưng không rơi vào đoạn diệt, tùy tâm chúng sinh đối diện liền hiện, như châu ma-ni tùy năm sắc hiện, nên nói “duyên tự đắc sinh”. Thảy do bi nguyện mà thành, cũng do tự tánh pháp thân lý vốn như thế. Chỉ mình Phật mới hay viên chứng[2].
Chư Bồ-tát quán các pháp không thật có, vì chư Bồ-tát được học quán các pháp duy tâm sở hiện. Hàng Bồ-tát Tam hiền tin tâm mình là Phật, tin chân như là sở y của tất cả pháp, y Trung đạo mà tu, hạnh tu là lìa tướng. Nhưng phải đến Sơ địa[3] mới có thể chứng thực được tánh Phật đó, chính là tánh không của vạn pháp. Đến Bát địa mới thấu được các pháp đều từ tâm sinh, thật là chẳng sinh chẳng diệt. Kinh nói: “Đệ Bát địa thấy pháp vô ngã, giác tự tâm hiện lượng, tất cả cảnh giới thảy như mộng huyễn. Liền dùng tự giác chiếu liễu, thân tâm chuyển biến, thuận tánh khởi dụng, nhập Như huyễn tam muội v.v… hiện tất cả thân như trăng đáy nước, bóng trong gương, như ý tự tại khắp các cõi Phật. Hiểu sâu pháp tánh chẳng phải có chẳng phải không, chẳng do tạo tác, tự nhiên đầy đủ trang nghiêm”[4].
Trí xuất thế gian thượng thượng này chính là trí Nhất thiết chủng của Phật, cũng là Trí vô sư mà nhà thiền hay nói. Kinh Thắng Man gọi trí này là Trí tánh không.
Từ Phật nhân đến Phật quả là một quá trình, nên Trí xuất thế gian thượng thượng này cũng có cạn sâu. Nói cạn sâu là y vào mức độ hiển phát diệu dụng mà nói, không phải bản thân trí ấy có cạn sâu. Nó lệ thuộc vào việc tiêu trừ tập khí của người tu. Trí và ý sinh thân của hàng Bồ-tát Sơ địa không thể như Bồ-tát Ngũ địa hay Bát địa, huống là Phật.
Chánh pháp trí bao gồm cả ba trí
Trong ba loại trí, Trí xuất thế gian thượng thượng là loại trí tối thượng, bao trùm Trí xuất thế và Trí thế gian. Vì muốn thành tựu trí này, trong quá trình tu tập phải có Trí xuất thế gian, trong quá trình lợi ích tha nhân, cần có thêm Trí thế gian.
Phu nhân nguyện được Chánh pháp trí tức gồm đủ ba trí này. Chỉ là tùy duyên của từng đời mà được ít nhất là hai trí hay ba trí. Nói hai trí hay ba mà không nói một, là nói trong cái duyên của hai trí đầu. Chỉ với Trí thế gian thì không đủ mang lại lợi ích chánh pháp cho bản thân, huống là lợi ích cho tha nhân. Chỉ với Trí xuất thế gian thì việc lợi ích cũng bị hạn chế. Vì căn khí chúng sinh không đồng, nhất là vào thời mạt pháp. Cần phần nhân quả thế gian, nương đó dẫn người vào chánh pháp, nên trong kinh Hoa Nghiêm, hàng Bồ-tát Ngũ địa cần thông xảo pháp thế gian. Ở đây, lời phát nguyện được Chánh pháp trí xảy ra sau khi phu nhân thấy Phật, thì biết Phu nhân được đủ cả ba trí.
Trí tuệ cần thiết cho đời sống của một vị Bồ-tát
Vì sao phu nhân hồi hướng hết tất cả thiện nghiệp chỉ để có Chánh pháp trí? Vì trí tuệ, nhất là trí tuệ Phật, rất quan trọng trong việc tự lợi và lợi tha. Chỉ với loại Trí thế gian thôi, có được trí này, cuộc sống của chúng ta cũng bớt đi khá nhiều sai lầm, huống là thêm các trí khác.
Cô bạn nhỏ của tôi, chỉ vì một chút chọn lựa sai lầm trong việc trị bệnh mà bệnh trở thành nghiêm trọng.
Cách đây 17 năm, cô bị ung thư. Nhờ hóa trị mà 17 năm nay mọi thứ yên lắng. Vừa rồi, bệnh tái phát, nhưng chỉ là một cái u rất nhỏ. Thay vì vào viện điều trị như trước, cô lại nghe lời người thân, theo một thầy ăn gạo lứt muối mè kết hợp với uống thuốc nam ở Long Thành. Kết quả cục u phát mạnh. Thấy không xong cô bỏ cuộc. Nhưng thay vì nhập viện, cô lại tiếp tục uống thuốc bắc, thêm màng châm châm đốt đốt, khối u càng lớn khủng khiếp, sần sùi như một rừng nấm và bắt đầu xuất huyết. Nhập viện, bác sĩ tiếc: “Khi khối u còn nhỏ, chỉ cần cắt bỏ và hóa trị như cũ là xong. Đâu đến nỗi như vậy”. Hiện tại muốn hóa trị cũng không thể được vì cục u ra máu quá nhiều, cần chờ chuyền máu và sức khỏe hồi phục mới hóa trị được.
Chỗ thiếu trí tuệ ở đây là gì? Là tin vào mấy ông lang băm[5] mà bỏ qua phần y học, trong khi y học đã từng chữa lành căn bệnh của mình. Tôi không phản bác cách chữa bằng nhịn ăn hay gạo lức muối mè, vì nó từng mang lại kết quả khả quan cho một số người. Nhưng gần như ai cũng biết, bài thuốc số 7 muốn trị ung thư có hiệu quả, ngoài gạo lức muối mè và nước uống rất ít, không được dùng thứ gì khác. Nếu dùng, bài thuốc không còn hiệu nghiệm. Nhưng giờ lại kết hợp với thuốc nam thì hiệu quả có hay không là do thuốc nam, không do gạo lứt muối mè nữa. Cái dại ở đây là vẫn tin rằng mình đang ăn gạo lứt muối mè theo bài số 7 để trị ung thư. Tức nhân duyên đã khác mà tin quả vẫn như vậy. Nói thiếu trí tuệ là đó. Chỉ một việc nhỏ trong đời sống thôi, thiếu trí tuệ đã thấy phiền não đầy dẫy. Nói là thiếu các loại trí khác.
Nếu có thể trang bị cho mình loại Trí xuất thế gian, phu nhân có thể nắm vững Tứ đế và Thập nhị duyên sinh.
Với Tứ đế, có thể nhìn thấy nguồn gốc của mọi khổ nạn. Tất cả đều do tích tụ. Một dạng tích tụ quen thuộc là thói quen của mình. Nắm được quá trình đó, chúng ta có thể chuyển hóa vận mệnh theo ý mình muốn. Tất cả đều tùy thuộc vào mình. Cũng như nắm được nguyên tắc chuyển biến của tâm, chúng ta sẽ tránh được nhiều sai lầm trong đời sống tu tập cũng như lợi ích cho tha nhân.
Như việc trừ tham sân v.v…, dù biết tham sân v.v… có hại, nhưng trên thực tế không phải nói bỏ là bỏ liền được. Vì thế nhiều người đã buông lơi, tới đâu thì tới. Nếu nắm được qui luật chuyển biến của tâm, chúng ta sẽ hiểu bỏ dễ hay khó là tùy vào mức độ huân tập của tâm. Thứ gì huân tập lâu, thứ đó khó bỏ hơn mới huân tập. Biết vậy nên đối với những tật xấu của mình hay người, mình sẽ có tâm nhẫn nãi và trường viễn. Song đa phần thường bực bội khi thấy bản thân mình thì cứ phạm tới phạm lui, còn ai đó hứa bỏ một thói xấu nhưng lại tái phạm nhanh chóng và nhiều lần. Sự bực bội khiến mình không còn tâm nhẫn nại và trường viễn đối với tật xấu của mình và người. Rốt cuộc, mình bỏ cuộc, người thì mất điểm tựa. Mọi việc trở nên tồi tệ. Đây là do không nắm được qui luật vận hành của tâm: Hành vi nào được tích tụ lâu ngày thành thói quen, đều tạo ra một lực cuốn người theo nó rất mạnh. Đó chính là lực khiến chúng ta tái sinh ở các đường. Phật gọi là lực nghiệp. Thành lực đó không phải dễ cưỡng khi nó đủ duyên. Việc thất hứa và tái phạm là không tránh khỏi. Cần thời gian để lực giác phát triển. Vì thế cần một tâm trường viễn, nhẫn nại, thông cảm và tha thứ.
Là cha mẹ, có được loại trí này chúng ta sẽ biết uốn nắn con cái hướng thiện ngay khi chúng còn rất nhỏ. Kiên nhẫn với các tập nghiệp xấu của con, giúp trẻ huân tập các thiện nghiệp có lợi cho bản thân và người chung quanh.
Đứng ở cương vị giáo hóa, chúng ta dễ thông cảm và tha thứ với những lầm lỡ của người, nhưng không tạo điều kiện để người phát triển các thói xấu. Cần ngăn chặn mà không thắt ngặt. Cần tha thứ mà không buông lung. Sự hiểu biết giúp ta định tỉnh và phát triển lòng từ, giúp người từ bỏ một thói xấu.
Nếu thẩm thấu được Thập nhị duyên sinh, ta sẽ thấy việc hình thành nên con người cũng như những gì xảy ra trong hiện tại, chỉ là kết quả của những mắt xích nhân duyên, mà đầu mối là vô minh, không có chủ tể. Mình cứ nghĩ mình có một cái đầu tính toán ra mọi sự thành bại ở thế giới này. Thật ra chỉ là kết quả của thiện nghiệp và ác nghiệp đã gieo từ quá khứ. Nên, hư, thành, bại đều là kết quả của thiện hay ác nghiệp. Với kẻ chưa từng có sự tỉnh giác thì nghiệp là chủ. Tỉnh giác rồi, cũng thuận nghiệp mà đi (Tùy duyên tiêu nghiệp cũ). Duyên này nối tiếp duyên kia mà thành muôn sự ở thế giới này. Thứ chúng ta có thể tính và làm được là thiện nghiệp hay ác nghiệp mà thôi. Nói vậy, trí tuệ dùng vào chỗ nào? Chính là để phân rõ thiện ác, để biết tất cả đều do nghiệp thiện ác làm chủ, để biết Nhân quả chi phối thế giới này, để biết tính tùy duyên của vạn pháp v.v…
Trí xuất thế gian thượng thượng cần thiết cho việc “Thượng cầu Phật đạo” của một vị Bồ-tát. Kinh Thắng Man đã nói về 5 loại Trụ địa vô minh. Trong đó Vô minh trụ địa là nền tảng của Tứ trụ địa. Thanh văn, Duyên giác có thể phá được Tứ trụ địa, nhưng phải là Trí tánh không, tức Trí xuất thế gian thượng thượng, mới có năng lực đoạn phá từng phần Vô minh trụ địa, thể nhập Phật địa. Không có trí này thì không thể phá Vô minh trụ địa mà được Phật quả. Hiện tướng của trí này là có cái nhìn Duyên khởi đối với các pháp. Luận Thành Duy Thức nói: “Hiện tiền địa, trụ vào trí biết về Duyên khởi, dẫn dắt trí Bát nhã (vô phân biệt tối thắng) khiến nó được hiện tiền”[6]. Trang bị cho mình trí này, tâm mới bớt phân biệt, chấp trước mới hết. Được trí này, sẽ thấy xấu - đẹp, ngắn - dài, Bồ-tát - chúng sinh, sinh tử - Niết-bàn v.v… chỉ nương nhau mà lập, không có chất thật, chỉ tùy duyên mà hiện tướng, không mang tính cố định.
Gọi cái này ngắn vì so với cái dài hơn. Nếu so với cái ngắn hơn, nó trở thành dài. Điều đó cho thấy cái gọi là dài không mang tính cố định. Giá trị của nó chỉ tùy duyên mà lập. Mọi tướng khác ở thế gian cũng như vậy.
Với tâm phàm phu, Đề-bà-đạt-đa là Ác tri thức, vì theo đó mà tu hành sẽ đọa ác đạo. Nhưng với Phật, đó là Đại thiện tri thức của ngài[7]. Vì đã giúp ngài đạt Đạo quả vô thượng nhanh chóng. Cùng trên một tướng mà với duyên này là Ác tri thức, trong duyên kia trở thành Thiện tri thức. Điều đó cho thấy pháp không có tính cố định, chỉ tùy duyên mà hiển giá trị. Vì giá trị của pháp tùy duyên mà hiển, nên nó cho phép chúng ta có nhiều cái nhìn sai khác về pháp. Trên cùng một pháp mà người thấy thế này, kẻ lại thấy thế kia. Song đó chỉ là tướng sở biết của một cái năng biết đã được sở tri hóa. Tùy năng biết mà sở biết hiển giá trị của nó. Nói cách khác, là tùy duyên mà pháp hiển giá trị, không có tính cố định, nên không có chất thật. Bồ-tát là Bồ-tát của chúng sinh. Chúng sinh là Bồ-tát của Bồ-tát. Ngay cả thứ gọi là chúng sinh và Bồ-tát này cũng không mang tính phổ quát ở một con người mà được tính trên từng niệm. Niệm nào từ, bi, hỷ, xả v.v… niệm đó là Bồ-tát. Niệm nào gian tham, đố kỵ… niệm đó là chúng sinh. Song ít người nhận ra được mặt Duyên khởi đó, thường thấy tướng nào có tính cố định của tướng đó. Bồ-tát là Bồ-tát mà chúng sinh là chúng sinh. Vì thế chúng sinh thì lưu chuyển mãi trong sáu đường, còn Bồ-tát thì như bông xoài, nở nhiều mà tụ quả thì ít.
Không đâu có phần kinh điển nhiều như trong Phật giáo. Cũng không đâu hiển bày nhiều pháp đối nhau như trong Phật giáo. Trong các kinh thuộc hệ A-hàm, Đề-bà-đạt-đa được coi là ác tri thức. Trong kinh Đại Bửu Tích và Pháp Hoa, Đề-bà-đạt-đa được Phật gọi là Đại thiện tri thức. Lúc thì dạy chúng sinh phải trì giới, nhẫn nhục. Lúc thì dạy “Trì giới nhẫn nhục chiêu tội chẳng chiêu phước”[8]. Lúc thì bảo “giữ tâm một chỗ việc gì chẳng xong”. Lúc thì bảo “Đối cảnh, tâm cứ khởi”[9] v.v… Những hình thức đối nhau đó, đầy dẫy trong kinh, luật, luận Phật giáo. Nếu không nắm được phần Duyên khởi không tánh của vạn pháp, hiểu được pháp chỉ do đối cơ mà lập, giúp người vào thẳng Trung đạo, thì hoặc là chúng ta sẽ chấp trụ vào một hình thức nào đó rồi gây tranh cãi, hoặc sẽ rối bời vì những hình thức đó. Thật ra, sự đối nhau đó chính là tướng thể hiện mặt không tánh của pháp. Nếu không có mặt đối nhau đó, hiện tướng duy nhất sẽ thành tánh của pháp. Nhưng các pháp ở thế gian thì không tánh.
Nắm được mặt Duyên khởi của pháp, ta sẽ nhận ra năng lực của thệ nguyện, sẽ hiểu vì sao thệ nguyện của Bồ-tát nhiều như cát sông Hằng, vì sao nghiệp ai nấy gánh mà nguyện lực của chư Bồ-tát vẫn có tác dụng trong việc chuyển nghiệp của chúng sinh v.v…
Đây chỉ nêu vài vấn đề để chúng ta tạm hiểu về cái nhìn Duyên khởi đối với các pháp.
Mọi hiện tướng đều không có giá trị cố định, lật trở nhanh như mu bàn tay và lòng bàn tay, không có chất thật, thì tâm y đâu trụ trước? Vì thế nói trang bị được trí này mới phá được phần phân biệt thâm sâu. Song muốn trang bị được trí này thì phải qua cho được ngưỡng Cực nan thắng địa. Gọi là “cực nan” vì “hai trí chân và tục, hành tướng trái nhau, mà hợp nó lại khiến được tương ưng với nhau rất là khó”[10]. Song đó là việc mà một vị Bồ-tát thuộc hàng Thập địa phải thông tỏ từ lý tới sự, là nhận ra trong cái dị có cái đồng, trong cái đồng có cái dị...
Trí xuất thế gian thượng thượng càng cần thiết cho việc “Hạ hóa chúng sinh”. Vì có được trí này thì có được Ý sanh thân. Với Ý sinh thân, cùng lúc có thể có vô lượng hóa thân ứng với vô lượng các duyên làm lợi ích cho chúng sinh. Tùy người hữu duyên mà hiển tướng, giúp người tăng tiến đạo lực. Người cần phước đức trí tuệ thì hiện tướng khiến người được phước đức trí tuệ. Người cần phá tâm phân biệt thì hiển tướng giúp phá tâm phân biệt v.v… Biến hóa thì vô vàn nhưng không ngoài 32 ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tất cả đều do bi nguyện mà thành. Có được trí này, Bồ-tát có khả năng “cảm ứng đạo giao”, ứng duyên liền cảm. Pháp dù thuận hay nghịch đều vì lợi ích chúng sinh mà hiện đúng duyên. Pháp đúng duyên này rất quan trọng trong việc lợi ích tha nhân. Vì có những hình thức thấy lợi ích tha nhân, nhưng ứng dụng không đúng đối tượng, không đúng thời điểm thì có khi chỉ mang lại hại mà không lợi.
Xuất gia, với cái thấy của đa phần thì xuất gia là việc cao quí. Ừ thì đúng là cao quí. Tuy vậy, sự cao quí đó cũng cần đúng duyên. Không đúng duyên thì xuất gia rồi thành kẻ điên loạn, thành tăng thượng mạn v.v… Khá nhiều vấn đề xảy ra khi chúng ta không nắm được mặt Duyên khởi của pháp, chỉ biết chạy theo những hình thức bên ngoài.
Dùng mười thệ nguyện hồi hướng để có Chánh pháp trí, tức mười thệ nguyện là nhân để có Chánh pháp trí. Nhưng nhờ Chánh pháp trí mới có mười hoằng thệ đó, tức Chánh pháp trí là nhân để có mười hoằng thệ… điều đó cho thấy mối liên quan mật thiết giữa mười hoằng thệ và Chánh pháp trí. Không có Chánh pháp trí thì không dám phát mười hoằng thệ, cũng không thể giúp thực hiện mười hoằng thệ được tốt đẹp, tự lợi và lợi tha khó mà hoàn mãn. Chánh pháp trí quan trọng với việc tự lợi và lợi tha như vậy, nên đại nguyện đầu tiên của phu nhân vẫn là “Đời đời sinh ra được Chánh pháp trí”.
Được Chánh pháp trí rồi nguyện giảng nói không nhàm mỏi
Chánh pháp trí là nền tảng để có việc giảng nói không nhàm mỏi này, nên nói “Được chánh pháp trí rồi….”. Điều đó cũng có nghĩa, nếu không có chánh trí thì không giảng nói. Tức những gì nằm trong phạm vi trí tuệ của phu nhân, phu nhân sẽ giảng nói không nhàm mỏi, còn những gì không thuộc phạm vi ấy thì không nói.
Giảng nói có hai. Một là bằng thân giáo. Hai là bằng ngôn giáo. Thân giáo hay ngôn giáo đều có nghịch và thuận. Đó là tùy căn cơ và tính dục của chúng sinh mà hiện tướng.
Bằng ngôn giáo là đối với người thích nghe thì nói, thích đọc thì viết. Chúng sinh thích nghe lời dịu ngọt thì dùng lời dịu ngọt mà nói. Thích đọc sách với văn từ hơi ba gai thì dùng văn từ hơi ba gai mà viết. Với kẻ căn khí lanh lợi, nếu dùng lời nói mạnh mới có thể giúp họ ngộ tánh thì dùng lời nói mạnh mà nói (Việc này thường gặp trong hành trạng của các thiền sư) v.v… Nghịch hay thuận đều tùy vào tính dục và căn cơ của chúng sinh mà lập, sao cho họ được lợi ích thiết thực nhất.
Bằng thân giáo, là bằng chính hành vi và thân tướng của mình. Giới luật nghiêm chỉnh mới độ được người thì hoàn thiện giới luật để độ người. Người mà chỉ có ăn chay nằm đất mới nhiếp được họ thì dùng ăn chay nằm đất để độ họ. Người thấy thân tướng trang nghiêm mới chịu qui thuận thì dùng thân tướng trang nghiêm mà nói pháp. Phần thân giáo này cũng có nghịch hạnh, gọi là mật hạnh. Tùy theo tập nghiệp của từng người mà hiện nghịch hạnh để độ họ, giúp họ từ bỏ tham dục, sân nhuế v.v… hướng về Đạo vô thượng.
Không nhàm mỏi là không nhàm chán và mệt mỏi. Bởi chúng sinh can cường khó độ nên cần có tâm không nhàm mỏi để độ họ. Nói không nhàm mỏi, là nói đến khi nào không nói được mới thôi. Có miệng là có nói. Có tay là có viết. Nói đến khi nào thiên hạ chịu hướng thiện và làm thiện. Làm thiện rồi, nói đến khi nào chịu phát tâm Bồ-đề. Phát tâm Bồ-đề rồi, nói nữa cho đến khi thành Phật v.v… Việc nói này không có thời hạn, bất kể nơi chốn, nhưng cần đúng lúc, đúng nơi và vừa đủ. Nếu sống được với Trí xuất thế gian thượng thượng thì ứng duyên liền hiện, dù hiện tướng có trái với cái nhìn của người đời, vẫn mang lại lợi ích cho chúng sinh. (Nói sống được là nói ở mặt ẩn. Bởi hiện tiền chỉ là những hóa thân, tùy căn khí chúng sinh mà hiện, trong đó có cả phần nghịch hạnh, nên nói ẩn).
Việc giảng nói này chỉ xảy ra sau khi được Chánh pháp trí, chỉ ứng với cái duyên phù hợp với phần Chánh pháp trí mà phu nhân đã có, nên không rơi vào các trường hợp như: Nói lời tà kiến, trái với lý Nhân duyên Nhân quả. Nói không dừng được. Nói không đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng v.v…
Phần giảng nói này, tuy nói “giảng nói không nhàm mỏi”, nhưng đúng với cái duyên “không nói mới là nói”, “không nói mới là lợi ích cho chúng sinh” thì phu nhân sẽ diễn thuyết bằng cách không nói.
Vì nhiếp thọ chánh pháp, nguyện chẳng tiếc thân mạng mình
Nhiếp thọ là thu nhiếp và nạp thọ v.v...
Nhiếp thọ chánh pháp là thu nạp chánh pháp. Nó mang nghĩa thu vào và lưu giữ.
Chánh pháp, được hiểu theo nhiều nghĩa. Đầu tiên là phần giáo lý mà đức Phật đã nói thông qua ba tạng kinh điển là kinh, luật, luận. Kế, là giới hạnh của người tu và những cảnh tâm chứng. Cuối cùng là pháp giới tánh. Chánh pháp còn được dùng để chỉ cho Đại thừa. Đại thừa tức là Nhất thừa v.v… Chánh pháp có thể được hiểu theo nhiều nghĩa như thế là do mặt tùy duyên của pháp. Mặt Duyên khởi của pháp cho phép chúng ta nhìn pháp theo nhiều cách khác nhau mà không lỗi.
Ba tạng kinh điển, là bước đầu cần thiết của người học đạo, cũng là phương tiện cần thiết cho việc giáo hóa về sau. Vì không đọc học thì không thể biết Như Lai nói gì mà tu hành. Song giá trị của Phật pháp không dừng ở việc đọc học mà phải biến những gì đã được đọc học đó thành hạnh, thành chỗ tâm chứng của người tu đạo, để cuối cùng thể nhập Phật tánh của chính mình. Cho nên, nhiếp thọ chánh pháp là dùng hạnh giới trang nghiêm tự thân để sống lại được với tánh Phật của chính mình. Muốn trang nghiêm tự thân thì không thể thiếu phần lợi ích cho chúng sinh.
Chẳng tiếc thân mạng, là sẵn sàng xả thân không thấy hối tiếc.
Xưa đại sư Trí Khải nghe kinh Lăng Nghiêm là một bí truyền rất quí ở Ấn Độ, nên sớm chiều Sư xoay mặt về hướng tây thành lễ bái, nguyện kinh sớm được truyền bá đến nước Sư. Hơn 100 năm sau, có Sa môn Bát Thích Mật Đế mang kinh đến. Vì lệnh cấm ở Ấn Độ quá nghiêm ngặt, nên muốn mang kinh ra khỏi nước, Bát Thích Mật Đế đã phải xẻ thịt bắp đùi nhét kinh bằng lụa mỏng vào rồi băng lại, vượt biển mà đến đất Huệ Thành. Nếu trân quí thân mạng thì không thể xẻ thịt nhét kinh mang đến Trung quốc. Đó là một trong những dạng vì nhiếp thọ chánh pháp mà chẳng tiếc thân mạng.
Hòa thượng Thích Quảng Đức vì để cứu Phật tử thoát khỏi cảnh đàn áp của chính quyền vào lúc đó, cũng để giúp dừng bớt việc gây nghiệp, ngài đã tẩm xăng tự thiêu. Do có nội lực nên việc tự thiêu đã để lại những hiện tướng gây chấn động thế giới, chấm dứt việc đàn áp Phật giáo. Chẳng tiếc thân mạng để làm lợi ích chúng sinh như vậy biểu hiện cho việc Ngài đã “nhiếp thọ” được chánh pháp ở mức độ cao nhất. Vì không có trí tuệ thì không thể dùng phương tiện đúng lúc để giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi tai ương. Không có Bi nguyện rộng lớn thì không thể hy sinh thân mạng để cứu độ chúng sinh khỏi cảnh xương tan thịt nát. Không có nội lực thâm hậu thì dù tâm huyết có nhiều, cũng không đủ khả năng để việc làm của mình gây chấn động lớn, được kết quả tốt đẹp.
Việc xả thân vì pháp đòi hỏi người tu phải có nội lực thâm sâu. Tâm không. Thân không.
Phu nhân đặt ra lời nguyện này sau khi đã chứng được cái nhân Phật tánh. Nghĩa là trên mặt sự, pháp chấp có thể chưa toàn không, nhưng đã hàng phục được phần ngã chấp, là phá được cái thấy “thân mình quan trọng”. Phải không thấy thân mình quan trọng thì gặp khó mới không sợ, đụng việc mới dám làm, mới dám đương đầu với lỗi hại của người mà bảo vệ chánh pháp. Không thì thấy bệnh người sẽ sợ, thấy chỗ nào coi khổ nạn quá thì rút lui v.v… Chỉ hăng hái với những gì dính lứu đến lợi dưỡng. Đó đều là dạng của ngã chấp. Không phá được phần ngã chấp này, việc tự lợi và lợi tha khó mà hiển phát, nói là hoàn mãn. Bởi đã chấp cái ngã bên ngoài thì cái tinh túy bên trong không thể phát được.
Ngày mới đến với đạo, tuy đã hành thiền nhưng cái tật hay soi gương thì tôi không bỏ. Rất thích soi gương dù thân tướng không có gì đẹp đẽ. Một đêm, đang mơ mơ màng màng, tôi nghe có người nói bên tai “Thân đó mà không để nó lụi tàn đi thì cái tinh túy bên trong không bao giờ phát được”. Một lời dạy rất chí lý. Suốt ngày cứ soi tới soi lui như thế là do mình yêu thích cái thân. Tu mà còn thích thân thì gặp khó sẽ nản, thấy bệnh sẽ lùi. Không có tâm dám bỏ thân trên bồ đoàn thì cái tinh túy của mình không bao giờ hiển lộ. Cái tinh tuý bên trong không hiển được thì nội lực không có. Nội lực không có thì chỉ cần nghe một câu có hơi hướm đụng đến mình là đã rụt đầu muốn tránh, nói là đối đầu với tất cả để bảo vệ chánh pháp, dấng thân vào chỗ khổ nạn giải quyết khó khăn cho chúng sinh.
Thời mạt pháp, chúng sinh ái dục tăng thượng, tập nghiệp sâu dày, phần chánh pháp thâm sâu lại là thứ đi ngược với tính dục của chúng sinh. Phát nguyện đưa họ về đạo Vô thượng không phải là việc dễ làm. Nếu tâm chấp ngã chấp pháp còn mạnh thì không đủ nhẫn lực để thực hiện hạnh nguyện sâu rộng của mình.
Phần hàng phục ngã chấp của phu nhân không được như cảnh giới của hàng La-hán. Vì duyên sự của Bồ-tát phải đối duyên tiếp việc nhiều. Tuy vậy, trong cái duyên cần thí xả thân mạng, phu nhân đủ năng lực để làm việc đó. Do phần nội lực bên trong có đủ.
Đó là nói về mặt lợi tha. Song lợi tha không lìa tự lợi. Không tự lợi được thì lợi tha cũng bị hạn cuộc, nên chẳng tiếc thân mạng để nhiếp thọ chánh pháp còn mang nghĩa vì đạo Vô thượng mà sẵn sàng thí xả thân mạng mình. Như chuyện tiền thân đức Phật, do muốn nghe 4 câu kệ mà sẵn sàng trao thân mình cho quỉ dữ, chuyện thiền sư lập sàng thiền trên cây, lấy que lữa dùi đùi trị bệnh mất ngủ v.v... đều là dạng thí xả thân mạng để nhiếp thọ chánh pháp. Chúng ta có thể mở rộng nó ở những dạng thô hơn để thấy mình cũng đang thí xả thân mạng để nhiếp thọ chánh pháp.
Chấp nhận chay trường đạm bạc để lòng từ được mở rộng hay do lòng từ hiển phát mà chúng ta ăn chay, đều là dạng của việc thí xả thân mạng để n3hiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp trong trường hợp này là lòng từ. Hạn chế cung dưỡng thân mình theo thói đời là một dạng của việc thí xả thân mạng.
Nghe kinh pháp rồi, những việc làm nào khiến mình phạm vào 5 giới mà chúng ta sẵn sàng từ bỏ, là một dạng của thí xả thân mạng để nhiếp thọ chánh pháp. Chánh pháp chính là 5 giới. Không để thân mạng phạm giới chính là thí xả.
Kết luận
Đức Phật sau khi nghe phu nhân phát ba Đại nguyện xong, đã nói: “Như tất cả sắc đều nằm trong không giới. Các nguyện như cát sông Hằng của chư Bồ-tát đều nằm trong các nguyện này. Nguyện này là chân thật quảng đại”. Thì biết ba nguyện này rất quan trọng đối với con đường Bồ-tát hạnh. Vì nó giúp việc tự lợi và lợi tha được hoàn mãn, thành tựu được quả Phật. Cho nên, phát ba Đại nguyện như thế là việc cần thiết của người học đạo. Đương nhiên mọi thứ cần đúng duyên.
[1] Bao gồm luôn mặt duyên.
[2] Lời bàn của Đại sư Hàm Thị trong Lăng Già Tâm Ấn. H.T Thanh Từ dịch. Mục “Chỉ Phật địa, thân tương không hành tác và bài tụng”.
[3] Phân theo Biệt giáo.
[4] Lời bàn của Đại sư Hàm Thị trong Lăng Già Tâm Ấn. H.T Thanh Từ dịch. Mục “Chỉ ra thân tướng Bát địa”.
[5] Chỉ cho những vị thành thầy thuốc tự phát, không có xuất xứ nghề nghiệp rõ ràng, dù là cha truyền con nối.
[7] Kinh Đại Bửu Tích cuốn 6
[8] Lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy Trúc Lâm Đại Đầu Đà khi được hỏi về việc trì giới và nhẫn nhục.
[9] Lời trong bài kệ của Lục Tổ đáp Ngọa Luân.
[10] Luận Thành Duy Thức. H.T Thiện Siêu dịch và chú.