headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Nhân duyên tu thiền

tuthien2Chánh Trí Phước

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hồng Ngự, một huyện gần biên giới Campuchia của Đồng Tháp.

Tôi có phước hơn những đứa trẻ khác là được ba mẹ chăm sóc lo lắng đầy đủ, cho ăn học đàng hoàng.

Gần nhà tôi có bà Út bán quán nước. Bà hay mở các bài pháp của các vị sư vào buổi trưa. Nhà bà cách xa nhà tôi nhưng bà mở loa thật to nên cả xóm đều được nghe Phật pháp. Thế là sau khi ăn cơm trưa, tôi lại được nghe Phật pháp miễn phí. Tôi thích nghe giảng Phật pháp khi còn học ở cơ sở. Chẳng hiểu sao lúc đó lại thích nghe như vậy.

Lớn lên chút, khi còn đang học phổ thông, tôi chuyển lên huyện ở nhờ người bà con. Thế là không được nghe pháp của bà Út nữa. Nhưng gần chỗ tôi ở lại có chú Tuấn. Không biết chú đọc sách hay nghe pháp ở đâu mà lại hay kể những câu chuyện về Phật pháp. Ấn tượng nhất là lần nói chuyện với chú:

- Mày biết câu “không có lửa làm sao có khói” của ai nói không?

Tôi đã trả lời như bẻ cây, không có dạ thưa:

- Không.

- Của ông Thích-ca Mâu-ni

Tôi nghi ngờ hỏi tiếp:

- Ổng còn nói những câu nào nữa không?

- Nhiều lắm nhưng ổng nói câu nào cũng đúng hết.

Tôi ấn tượng ở chỗ “câu nào cũng đúng”. Rồi tự tưởng tượng ra một người nói “câu nào cũng đúng” đó để mà ngưỡng mộ.

Thường thì tôi hay quán xét nguyên nhân của sự việc để tự gỡ rối cho mình. Như khi bị điểm kém tôi thường tự nhủ “Mình học bài không tốt nên bị điểm kém là bình thường”. Đến sau này, khi học Phật mới biết mình đang dùng pháp Quán nhân quả để trừ phiền não. Tôi đã làm rất tốt công việc này từ khi còn học phổ thông. Có lẽ nhờ vậy mà khi rớt đại học, tôi thấy cũng nhẹ nhàng. “Rớt vì học dở, rớt thì ôn thi lại, có gì mà buồn”.

Đến lúc ôn thi đại học, lần đầu tiên lên đất Sài Gòn, tôi được ở chung với các anh sinh viên. Tôi lại có duyên đọc được những loại sách như “Hạt giống tâm hồn” v.v… Ở đó tôi tìm thấy những câu chuyện cảm động về tình người, tình bạn và những mẫu chuyện đầy trí tuệ. Chúng được huân tập vào tạng thức của tôi, làm nên hạt giống từ bi, giúp tôi tăng thêm lạc quan trong cuộc sống. Đó là những câu chuyện đã ảnh hưởng không ít đến sinh hoạt và cách ứng xử của tôi sau này.

Một buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, không có gì để làm, tôi nhìn vào mông lung và tưởng tượng về cái chết “Sau này mình cũng phải chết, chết rồi thì không biết gì nữa”… Nghĩ tới đó, nước mắt rơi hồi nào không hay. Đó là chìa khóa để tôi đến với pháp môn thiền mà Sư ông Trúc Lâm đã dạy.

Sau bao năm đèn sách, tôi đã hứa với mẹ là “Sẽ đậu đại học, mẹ đừng lo”. Thi đậu đại học tôi cũng thấy vui vui, nhưng cũng vẫn kiểu suy nghĩ cũ “Học hành chăm chỉ thì thi đậu thôi, có gì mà mừng”…

Là sinh viên ngành CNTT, tôi được tiếp xúc với máy tính và Internet, một hôm nhớ lại những bài pháp mà bà Út mở cho nghe hồi trước, tôi tìm vị thầy mà tôi đã thích. Không tìm được vị đó nhưng lại vô tình được nghe một bài pháp cực kỳ ấn tượng của thầy Thiện Thuận. Bài pháp “Bóng Mây”. Nói về công ơn cha mẹ. Lần nào nghe cũng rướm nước mắt. Nghe vài chục lần, thuộc luôn lời giảng của thầy. Sau đó, tôi tải về tất cả các bài pháp của thầy. Mỗi lần nghe pháp là mỗi lần trí tuệ được rộng mở. Nghe pháp đối với tôi như ăn cơm uống nước hằng ngày. Nghe không biết chán.

Nghe pháp một thời gian, tôi bắt đầu thực hành pháp môn niệm Phật. Tôi tập niệm Phật trong cả bốn oai nghi, nhưng thấy không hợp. Không thể tập trung vào câu niệm Phật. Tôi quay sang học thiền. Tôi thực tập theo thầy Chân Quang, vị thầy mà tôi “chỉ nghe giọng” chớ chưa biết pháp danh lúc còn ở quê. Cũng vẫn thấy không hợp. Rồi tôi thực hành chánh niệm hơi thở mà Sư ông Làng Mai đã dạy. “Hít vào tôi biết rằng tôi đang hít vào, thở ra tôi biết rằng tôi đang thở ra”. Thực hành một thời gian cũng không xong, dù rất thích nghe Sư ông Làng Mai giảng pháp.

Cho đến lúc nghe được bài pháp “Cội gốc của đạo Phật” mà Sư ông Trúc Lâm đã giảng thì mọi thứ đổi khác.

“Giờ đây quý vị xem lại toàn thân mình, trên đầu có muỗi cắn, dưới chân có kiến cắn, ở bụng mình có bù mắt hay muỗi gì cắn v.v… Ba, bốn con nó cắn một lượt, mình có biết hết không? Có chỗ nào không biết không? Ở đâu cắn là mình biết liền. Cái biết nó tràn ngập ở thân mình. Mà cái biết suy nghĩ thì đợi khởi niệm, khởi nghĩ mới có, còn cái biết kia mình có khởi nghĩ không? Động tới liền biết. Như vậy quý vị thấy cái biết nào thiệt, cái biết nào giả?… Buồn, thương, giận, ghét, những cái nghĩ lăng xăng nó dẫn mình đi theo những cái đó, nó khiến cho mình phải lăn trong luân hồi lục đạo. Còn nếu mình dừng được cái đó, không cho nó hoạt động, chỉ là yên lặng thanh tịnh, khi tâm mình yên lặng thanh tịnh như vậy thì quý vị nghĩ “lúc chết mình đi đâu?”. Không có một niệm gì thì đâu có còn nghiệp, mà không có nghiệp thì cái gì dẫn, như vậy là giải thoát sinh tử…”.

Nghe xong, tôi giống như nhà thám hiểm tìm thấy kho tàng vĩ đại. Có lẽ vì túc duyên nhiều đời, nên khi nghe Sư ông giảng, mình như tìm được vị thầy bấy lâu đang tìm kiếm. Nghe mà run hết toàn thân. Vui không thể tả! Đây là cái mình tìm bấy lâu, cái chân thật sẵn có, không sinh không diệt. Lại thêm khi đọc kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn đức Phật hỏi vua Ba-tư-nặc về cái thấy “không có già trẻ”, cũng làm mình rung động. Nó đã giải quyết được câu hỏi “Sau này mình cũng phải chết, chết rồi thì không biết gì nữa”, giúp mình giảm được 50% nỗi sợ “không còn gì” sau khi chết.

Tuy được nghe Sư ông giảng, nhưng lại chưa có duyên gặp được Sư ông. Cũng như học pháp thiền của Sư ông mà không khởi niệm tìm đến chỗ Sư ông dạy thiền. Song đã có một nhân duyên rất hay. Một cô bạn học chung trường năm nhất “để tôi quen”. Đến năm thứ hai cô chuyển sang trường Đại Học Quốc Gia Thủ Đức, lúc đó anh Phước hay giao lưu với sinh viên của trường và cũng hay tổ chức đi thiền viện Trúc Lâm Trí Đức mỗi tháng. Cô bạn biết tôi thích học Phật nên đã rủ tôi đi chung. Bình thường thì tôi không thích đi đâu, nhưng hôm đó tôi đã nhận lời cô bạn. Đến một thiền viện mà không hề biết là nơi tu theo thiền phái Trúc Lâm của Sư ông. Cái tên Trí Đức rất xa lạ vì thiền viện mới xây dựng.

Lần đầu đọc “Sám hối sáu căn” vô cùng thích thú, không phải là những thuật ngữ khó hiểu trong kinh Địa Tạng hay kinh Nhật Tụng mình đã đọc. Những câu kệ ngắn gọn mà ý nghĩa tương đối dễ hiểu. Giúp mình thấy ngay lỗi mình trong đó. Thích! Buổi chiều được nghe pháp…

Sư cô Trụ trì đây rồi. Sao mà giọng cô từ hòa đến thế. Lời giảng sao mà trí tuệ đến thế. Lòng vui không thể tả bằng lời. Thế là ra về, rồi tìm hiểu và biết được thiền viện Trí Đức cũng theo pháp môn mà Sư ông giảng dạy. Còn gì vui hơn. Giống như bạn nghèo không một xu dính túi, tự nhiên biết mình có một kho báu dùng hoài không hết, tuy chỉ dùng được chút chút mà còn vui như vậy, huống gì dùng được hết kho báu kia. Thế là từ đó đến nay, vẫn tu theo pháp Sư ông đã dạy. Có giai đoạn không đến thiền viện nhưng vẫn nghe pháp và thực hành theo những gì Sư ông đã dạy. An lạc!

Thẹn mình bản ngã bộc nhung
Tu hành chưa tới luận bàn Tổ sư
Đến khi té ngã lăn nhào
Mới hay mình chỉ một bề nói suông
Còn bề thì để trống trơn
Từ nay sẽ gắng thực hành nhiều hơn
 

[ Quay lại ]