headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

PHẢN QUAN TỰ KỶ

Tổ Huệ Khả đến xin Tổ Đạt-ma chỉ dạy pháp an tâm, Tổ Đạt-ma bảo “đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả xoay lại tìm tâm không được, thưa với Tổ Đạt-ma “con tìm tâm không được”, Tổ Đạt-ma liền bảo “ta đã an tâm cho ngươi rồi. Đọc sử tới đây, đa số chúng ta đều ngẩn ngơ. Người tu thiền tâm xao xuyến loạn động, cầu thầy dạy pháp an tâm, điều đó thật chí lý. Nhưng thầy không dạy pháp gì cả, chỉ bảo “đem tâm ra ta an cho”.

Quí vị đem được không? Đâu thể đem được, vì quay lại tìm thì nó mất, như vậy là Tổ đã an tâm cho chúng ta. An bằng cách nào? Tại sao ngài Huệ Khả nhân câu nói này biết lối vào? Đó là điểm đặc biệt. Nhiều người nghiên cứu Phật giáo thiền đều lúng túng không hiểu chỗ này, tưởng người xưa đùa cợt chơi thôi. Sự thật đây là điều quá ư tuyệt diệu, chớ không phải thường. Tuyệt diệu chỗ nào?

Tôi lập lại tinh thần Thiền tông khi Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa truyền bá thiền, qua bốn câu kệ như châm ngôn:

Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.

Dịch:

Không lập văn tự,
Truyền ngoài giáo lý.
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.

Đây là chủ trương, đường lối của Tổ Đạt-ma truyền dạy thiền. Vì thiền truyền ngoài giáo lý nên nói giáo ngoại biệt truyền, không có văn tự, không có giáo lý. Trực chỉ nhân tâm tức chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, tức nhận ra Bản tánh của mình thì thành Phật. Đơn giản như vậy.

Chúng ta học Phật pháp hầu hết nương nơi kinh điển. Nếu học Phật mà không y theo kinh điển làm sao hiểu, nhưng Tổ lại bảo truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Chỗ này kỳ đặc như thế nào? Tổ bảo “đem tâm ra ta an cho”, vì Ngài biết không bao giờ tìm được tâm ấy. Nó là những nghĩ tưởng lăng xăng hư dối không thật có, làm sao đem ra được. Xưa nay chúng ta đều ngỡ tâm hơn thua, phải quấy, tốt xấu, được mất, khen chê… là thật, là tâm mình nên cứ chạy theo nó hoài. Đến cả khi ngồi thiền hay niệm Phật cũng thấy bực bội, khó khăn bởi tâm lăng xăng. Do đó gặp thầy muốn hỏi cách trị cho nó hết.

Các vị tu theo Nguyên thủy muốn an tâm thường dạy pháp quán hơi thở hoặc pháp quán Tứ niệm xứ… Ở đây Tổ Đạt-ma không dạy pháp nào hết, chỉ bảo “đem tâm ra ta an cho”. Câu đó làm cho ngài Huệ Khả sửng sốt nhưng không dám xem thường. Khi quay lại tìm thì không thấy, lúc đó tâm an chớ gì. Nên Tổ xác nhận “ta đã an tâm cho ngươi rồi”.

Tổ an tâm mà không dùng một pháp nào, chỉ bảo quay lại tìm xem tâm bất an ở đâu. Khi quay lại tìm nó mất, đó là an tâm. Nhà thiền còn gọi là phản quan tự kỷ, tức xoay nhìn trở lại chính mình. Khi phản quan nhìn lại xem nó ở đâu thì nó mất tức là an. An tâm mà không có một pháp, nên nói không một pháp cho người, tức chỉ thẳng.

Lâu nay chúng ta do mê lầm nhiều đời, lấy giả làm thật, nên trầm luân muôn kiếp. Thân này giả mà ai cũng cho là thật, nên tìm đủ mọi phương tiện nuôi dưỡng, chăm sóc, để thỏa mãn những nhu cầu của nó. Lo được việc đó gọi là người giỏi, khôn ngoan. Nhưng với con mắt nhà Phật không thấy như vậy. Lớp người đi trước như ông sơ, ông cố, ông nội, ông ngoại của chúng ta ai cũng có rồi mất. Người trước mất, lớp người kế mất, tới cha mẹ chúng ta dần dần mất. Cuối cùng chính ta cũng không còn. Như vậy thân giả là điều quá rõ, tại sao mình không chấp nhận nó giả? Phải chạy ngược xuôi lo lắng chu cấp cho nó đủ điều, cuối cùng cũng chẳng giữ được mãi.

Một vị đang ngồi nói chuyện với người bạn thân, bất thần người bạn lên cơn đột quị ngã chết. Lúc đang nói chuyện mình bảo là thật, khi ngã ra chết người đó thật hay giả? Mới giờ trước còn, giờ sau mất, còn mất trong phút giây, không bảo đảm gì hết, làm sao nói thật được. Ngày nay quí vị đóng tiền bảo hiểm, nhưng bảo hiểm thế nào? Bảo hiểm mình chết họ đền, chớ không bảo hiểm mạng sống chúng ta được mười năm, hai chục năm gì cả. Như vậy thân này không bảo đảm chút nào hết, thấy đây bất chợt mất kia, không thật mà chúng ta ngỡ là thật.

Đức Phật nói thân này do tứ đại hợp thành. Đầy đủ bốn thứ đất, nước, gió, lửa thì thân tồn tại, nếu thiếu một thứ nó liền mất. Trong người mình chất cứng là đất, ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn thứ này từ cha mẹ sanh cho tới giờ nó còn nguyên vậy hay luôn đổi thay? Mũi chúng ta mượn không khí ở ngoài hít vô rồi trả ra. Mượn vô trả ra, mượn vô trả ra. Mượn trả đều đặn thì sống, nếu thở khì ra không hít lại thì chết ngay. Vậy sự sống chỉ là vay mượn thôi. Một lát mượn tách nước rồi trả. Mượn ít chén cơm có tiêu, gừng, ớt tức là mượn đất, mượn lửa rồi cũng phải trả. Rõ ràng cuộc sống con người chẳng qua là sự vay mượn. Mượn trả suôn sẻ thì sống, mượn trả không suôn sẻ thì chết. Ví dụ mượn cơm, mượn nước vô mà không trả ra được thì xe hồng thập tự đến chở đi. Như vậy thân này có giá trị chân thật chi đâu?

Nói về tâm, đa số người cho rằng những nghĩ suy khôn dại, hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm mình. Đối về phần vật chất nhận thân là thật, nên tìm vật chất cung phụng cho nó ấm no. Đối về phần tinh thần nhận suy nghĩ phân biệt là tâm mình thật. Cái thân nặng mấy chục ký này bị tâm suy nghĩ ấy điều khiển. Khi niệm muốn đi dấy lên sai thân đi thì nó đi, niệm ăn cơm dấy lên sai thân ăn thì nó ăn. Tất cả đều do tâm dấy động thúc đẩy thân làm theo. Có nghĩ mới có hành động, có nghĩ mới có nói năng. Như vậy nói năng hành động từ suy nghĩ mà ra. Cho nên tâm suy nghĩ là chủ động, thân là cái bị động. Nếu suy nghĩ là thật thì chúng ta phải biết nó ở đâu, ra sao? Bình thường nó dấy nghĩ hơn thua, nhưng tìm lại thì nó mất, rõ ràng nó không thật. Thiền tông dạy chỉ cần nhìn lại xem cái tâm suy nghĩ ấy không thật thì an tâm ngay.

Thân tạm bợ giả dối chúng ta cho là thật, tâm sanh diệt chợt có chợt không, hư dối chúng ta cho là thật. Lầm nhận hai thứ này thật là người tỉnh sáng hay mê lầm? - Mê lầm. Tất cả chúng ta hiện giờ đang mê hay đang tỉnh? - Đang mê. Thế mà ra đường có ai nói chị mê quá thì nổi sân liền vì ngầm cho mình khôn ngoan, chớ không mê muội. Lúc nào cũng thấy ta khôn ngoan nhưng sự thật không biết mình là gì hết.

Trong kinh Viên Giác, Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật: “Thế nào là vô minh?” Đức Phật dạy: “Chấp thân hư giả cho là thân thật, chấp tâm duyên theo bóng dáng sáu trần cho là tâm thật, đó là vô minh.” Sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là theo hình sắc, âm thanh, hương vị, xúc chạm và bóng dáng của các pháp. Nói rõ hơn là mắt duyên sắc, tai duyên tiếng, mũi duyên mùi, lưỡi duyên vị, thân duyên cảm xúc, ý duyên pháp trần. Như vậy là tâm duyên theo bóng dáng sáu trần và cho đó là tâm thật. Ai thấy thân thật, tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật, người đó đang ở trong vô minh.

Ngài Huệ Khả thấy tâm lăng xăng làm chướng ngại việc ngồi thiền, vì Ngài ngỡ nó thật. Tổ Đạt-ma không giảng dạy gì hết, bảo đem tâm ra ta an cho. Ngài quay lại tìm tức là lấy trí tuệ soi sáng lại, xem tâm lăng xăng hiện giờ ở đâu. Khi nhìn lại kỹ nó mất tăm mất dạng, Ngài nói thật thà con tìm tâm không được. Tổ bảo ta an tâm cho ngươi rồi. Tổ Đạt-ma đã dạy ngài Huệ Khả phản quan, nhìn lại tâm lăng xăng của mình. Khi nó lăng xăng dấy động gọi là có, nhưng quay lại tìm nó không còn, tức là an rồi.

Thiền tông từ thời đức Phật truyền cho Tổ Ca-diếp mãi về sau, cho đến Tổ Đạt-ma thứ hai mươi tám truyền sang Trung Hoa. Dòng thiền này sang tới Việt Nam chúng ta được các Tổ đời Trần ứng dụng tu. Thiền đó là trực chỉ tức chỉ thẳng chớ không nói quanh co. Chỉ thẳng cái gì? Ngay nơi tâm mình, biết bóng dáng không thật dẹp bỏ nó, thì chúng ta mới thấy cái chân thật.

Người tu thiền, những phương pháp thiền khác cũng dùng phương tiện để đưa tâm tới chỗ lặng lẽ. Như thiền Nguyên thủy dùng Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Bốn pháp đó trong kinh Đại Tứ Niệm Xứ Phật cũng dạy, người nào tu Tứ niệm xứ từ một ngày tới bảy ngày, tâm không dời đổi sẽ chứng từ Tam quả A-na-hàm tới Tứ quả A-la-hán. Chủ yếu là định tâm lăng xăng lộn xộn.

Tu theo đạo Phật là cốt dừng tâm lăng xăng. Tại sao? Bởi vì tâm lăng xăng lộn xộn là hư dối, nhưng nó lại là chủ tạo nghiệp. Nếu chúng ta chạy theo nó sẽ tạo nghiệp lành, nghiệp dữ. Tạo nghiệp lành, nghiệp dữ thì đi trong luân hồi sanh tử, đi trong lục đạo địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, a-tu-la, trời. Tâm lăng xăng theo chiều xấu thì đi xuống ba đường ác địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Tâm lăng xăng theo chiều tốt thì được làm người, a-tu-la hoặc trời. Còn tâm lăng xăng đối đãi là còn đi trong sanh tử. Khi nào tâm lăng xăng đối đãi lặng mất, chúng ta mới giải thoát sanh tử.

Tu muốn giải thoát sanh tử thì tâm lăng xăng phải lặng. Người đầy đủ lòng tin, đức Phật dạy niệm Phật, tin có Phật A-di-đà, tin có cõi Cực Lạc, tin mình niệm Phật sẽ được Phật đón về Cực Lạc. Dùng lòng tin tha thiết đó chí tâm niệm Phật để dẹp tâm lăng xăng. Người tu thiền dùng trí quán. Theo Nguyên thủy thì quán thân này nhơ nhớp v.v… Thiền tông đi thẳng, biết gốc tạo nghiệp sanh tử luân hồi là tâm niệm lăng xăng. Bây giờ nhìn thẳng nó, nó lặng hết thì tâm an định. Tâm an định thì cái chân thật hiện tiền, đó là giải thoát sanh tử.

Thiền tông nhìn thẳng để biết tâm vọng tưởng hư giả, như vậy có pháp môn nào không? Không có pháp môn. Cho nên nói giáo ngoại biệt truyền. Nhìn thẳng bằng trí tuệ thấy vọng tưởng không thật, làm chủ được nó, lâu ngày tự nó tan biến. Tâm lăng xăng hết, nhưng cái biết tâm lăng xăng vẫn hiện tiền, đó là chỗ đặc biệt của người tu Phật. Đi sâu trong cái giả dối không thật để nhận ra cái chân thật muôn đời của mình. Nhà thiền dùng từ “Bản lai diện mục”, tức mặt thật muôn đời.

Nhìn lại tâm lăng xăng, nó tan biến gọi là phản quan tự kỷ. Đây là một pháp tu mà không có pháp gì hết, chỉ lấy trí chiếu rọi lại mình, gọi là phản quan tự kỷ. Người ta tu hay cầu được Phật xoa đầu, Bồ-tát ấn chứng v.v…, ở đây không cầu như thế. Dứt tâm lăng xăng rồi thì trí tuệ tự sáng, không cầu chi hết, nên nói không phải từ ngoài mà được. Phá tan mê lầm đó gọi là giác ngộ, dừng được tâm sanh diệt lăng xăng không còn dấy động nữa, là đi tới giải thoát sanh tử. Đường lối tu theo Thiền tông là lối tắt, lối đi thẳng chớ không quanh co, không mượn phương tiện.

Nếu ai nghiên cứu mười bức tranh chăn trâu của Thiền tông, sẽ thấy lối minh họa của các Thiền sư hết sức chân xác, đúng đắn. Trong mười mục chăn trâu, mục thứ nhất là thằng chăn đi tìm con trâu. Thằng chăn là gì, con trâu là gì? Thằng chăn là Trí tuệ Bát-nhã, con trâu là tâm vọng tưởng. Mục thứ nhất thằng chăn đi tìm trâu, không thấy gì hết nhưng vẫn xách roi đi tìm. Sang mục thứ hai là từ từ thấy dấu. Thấy dấu rồi, thằng chăn tay cầm roi, tay nắm dây vàm xỏ mũi trâu dắt về.

Chỗ này người ta không hiểu làm gì? Nhà Phật dạy, người tu muốn dừng tâm lăng xăng lộn xộn thì phải dùng phương tiện. Phương tiện là gì? Là giới luật. Cư sĩ giữ năm giới, Sa-di giữ mười giới, Tỳ-kheo giữ hai trăm năm mươi giới…. Giới như sợi dây xỏ mũi kềm chế con trâu. Ngoảnh đầu bên này bị giựt lại, ngoảnh đầu bên kia bị giựt lại. Người tu giữ giới không cho phạm tức là không đi lệch ra phạm vi của mình. Vì vậy giới luật dụ như sợi dây vàm xỏ mũi con trâu. Nếu trâu hung hăng quá lôi không thèm đi, chú mục đồng phải làm sao? Có cây roi để đánh. Vậy roi và dây vàm dụ cho giới luật. Ai phạm giới luật thì phạt quì hương v.v… đó là đánh cho nhớ.

Trí tuệ Bát-nhã là trí tuệ sáng suốt của mình, biết con trâu hung hăng tìm bắt, trừng phạt không cho nó chạy nữa. Ngồi thiền là chúng ta kềm chế giữ tâm không cho lộn xộn, lăng xăng. Sau khi mình giữ được như vậy rồi, lôi đầu trâu trở về, từ đó thằng chăn mới leo lên lưng cỡi. Giữ gìn kỹ một thời gian trâu thuần hòa. Bấy giờ trâu nằm dưới cội cây, thằng chăn dựa cây ngủ không cần làm gì hết, trâu cũng yên ổn. Đây là chỉ khi chúng ta theo dõi, điều phục tâm lăng xăng đến một lúc nào đó, nó sẽ hiền hòa yên lặng từ từ. Giai đoạn sau trâu mất hẳn, tức tâm lăng xăng lặng hết rồi. Đó là giai đoạn thành công thứ nhất.

Tâm lăng xăng lặng rồi bước qua giai đoạn thằng chăn cũng mất luôn. Đây là tới mục thứ tám, có một vòng tròn như mặt trăng, không còn trâu, không còn chăn. Chăn là đối với trâu, khi trâu còn hung hăng phải có chăn đuổi bắt gìn giữ để kềm chế nó. Khi trâu mất rồi, chăn còn làm gì nữa. Cũng vậy, khi tâm chúng ta lăng xăng mình nhìn nó, theo dõi nó đừng cho lăng xăng nữa. Khi nó hoàn toàn yên lặng, chúng ta còn dùng trí nhìn nó nữa không? Lúc đó trí cũng lặng. Cái bị thấy, bị phá hết thì người hay phá cũng mất luôn. Người hay phá, nhà Phật gọi là trí Bát-nhã. Do đó trâu mất thì chăn cũng không còn. Đến đây nhà thiền gọi là đầu sào trăm trượng, còn phải nhảy qua nữa. Như ta trèo lên cây một trăm thước, khi trèo lên là còn có cây để mình trèo. Trèo tới đầu sào chót ở trên, phải nhảy qua khỏi mới được, chớ không thể tới đó là xong. Trâu, chăn không còn là tới đầu sào trăm trượng, nhảy qua khỏi đó là thể nhập Pháp thân. Trong hình vẽ mục thứ chín, lá rụng về cội, chim bay về tổ. Chúng ta có Pháp thân chân thật nhưng lâu nay quên mất. Bây giờ trở về được gọi là thể nhập Pháp thân.

Khi thể nhập Pháp thân rồi, tới mục thứ mười là ông già bụng bự, tay quảy con cá chép, tay cầm bầu rượu đi vô xóm. Để làm gì? Thể nhập Pháp thân thì có ba thân là Pháp thân, Báo thân, Ứng thân hay Hóa thân. Người thể nhập Pháp thân rồi, tùy duyên thị hiện để giáo hóa chúng sanh. Với kẻ say mê rượu chè, vị ấy tới quán rượu tìm cách gần gũi giáo hóa. Muốn nói chuyện với người uống rượu phải nhâm nhi với họ một chút. Vì vậy tay xách bầu rượu vô xóm, đây là pháp “đồng sự” trong Tứ nhiếp pháp.

Bồ-tát có đủ phương tiện, đủ hình thức thị hiện để làm lợi ích cho chúng sanh. Biết đâu trong khi các vị đang vui chơi uống rượu cũng có Bồ-tát lẫn trong ấy. Khi uống rượu, quí vị bàn kế tìm ra nhiều tiền hoặc làm việc gì không tốt, có người ngăn cản không nên làm như vậy. Đó là một hiện thân để nhắc nhở chuyển hóa những người say mê rượu chè. Thầy tu với người uống rượu không thể gần nhau được, làm sao khuyên ngăn, nên Bồ-tát phải có hình thức như vậy, gọi là Ứng thân để giáo hoá chúng sanh. Tinh thần tu Phật kỳ đặc ở chỗ đó, tuy thấy thân giả, tâm hư dối, biết rõ không mê lầm, quyết tu cho tới được giải thoát. Giải thoát rồi thì thị hiện tất cả tướng để tùy duyên hóa độ, chớ không phải tới đó thảnh thơi đi luôn, bỏ mặc ai làm gì thì làm. Đó là tinh thần tu hành của Bồ-tát.

Người tu theo Thiền tông đi tới chỗ tâm thanh tịnh không còn niệm, khi đó Trí tuệ Bát-nhã cũng buông luôn. Có người thắc mắc buông cả Trí tuệ Bát-nhã, chúng ta có ngu không? Nhiều người sợ tu thiền mãi thành khờ. Tại sao? Vì có suy tính việc này việc nọ mới khôn. Bây giờ ngồi yên, bỏ hết không nhớ nghĩ, không tính toán riết thành ngu. Tu để thành ngu, tu làm chi? Đó là vì họ không ngờ tất cả những loạn động sạch rồi, Tâm chân thật thanh tịnh sáng suốt hiện ra.

Phật dạy chúng sanh có Phật tánh hoặc Trí vô sư. Người đời quí trọng những vị học giỏi, nghiên cứu triết lý này triết lý nọ, nhưng nhà Phật không quí trí đó mà quí Trí vô sư. Vô sư là không thầy. Trí vô sư này ai được? Chính đức Phật Thích-ca đã được. Khi Ngài ngồi yên tịnh dưới cội bồ-đề trong bốn mươi chín ngày đêm, đến đêm thứ bốn mươi chín, từ canh một tới canh hai Ngài chứng được Túc mạng minh. Minh là sáng, túc là đời trước, mạng là sanh mạng. Túc mạng minh là sáng biết được sanh mạng đời trước của mình, không phải một đời mà vô số đời. Khi chứng được minh này, Ngài nói: “Ta nhớ vô số kiếp về trước như nhớ việc mới xảy ra hôm qua, rõ ràng không có chỗ sai sót.” Từ đó Ngài biết con người không phải mới có đời này, mà đã có vô số đời sanh đi tử lại tới ngày nay, vô lượng lần chớ không phải một lần.

Chúng ta không phải có mặt lần này là lần số một. Nếu lần số một thì cha mẹ thế nào sanh con y hệt thế ấy, tư tưởng cũng như thể xác đều giống nhau. Nhưng trên thực tế, tư tưởng cha mẹ khác tư tưởng con cái, cha mẹ thích nghề này con cái ưa nghề khác. Như vậy mỗi chúng sanh mang trong mình những sai biệt nên có những khuynh hướng khác nhau. Anh em ruột cũng vậy.

Từ canh hai tới canh ba, Ngài chứng được Thiên nhãn minh. Thiên nhãn minh tức con mắt Ngài thấy thấu suốt tất cả vật lớn, vật nhỏ. Nhỏ tí ti Ngài cũng thấy, xa thăm thẳm Ngài cũng thấy. Cho nên Ngài nói “trong bầu hư không này có vô số thế giới”, trong kinh dùng từ “hằng hà sa số thế giới” tức thế giới nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ. Phật biết vô số thế giới trong hư không mà khỏi nhìn qua kính viễn vọng. Ngài thấy vật nhỏ tí ti như vi trùng trong bát nước, nên thường dạy các thầy Tỳ-kheo, khi uống nước không có lọc phải tụng câu kệ “Phật quán nhất bát thủy, tám vạn tứ thiên trùng”, tức Phật nhìn trong bát nước thấy có tám muôn bốn ngàn vi trùng. Như vậy con mắt của Ngài thấy xa thật xa, thấy nhỏ thật nhỏ. Ngài thấy chúng sanh sau khi thân này hoại bị nghiệp dẫn đi luân hồi trong sáu đường, như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại rõ ràng không nghi ngờ. Vì vậy Phật mới nói lý luân hồi nghiệp báo, để nhắc nhở mọi người biết thức tỉnh, dè dặt để đời sau đừng đọa vào những đường khổ.

Từ canh ba đến canh năm, khi sao Mai vừa mọc Ngài chứng được Lậu tận minh, tức Ngài không còn rơi rớt lại trong sanh tử hay trong tam giới nữa. Sau đó Phật đi giảng đạo, nói về pháp Tứ đế v.v… chỉ rõ nguyên nhân nào chúng ta trầm luân trong sanh tử, nguyên nhân nào thoát khỏi vòng sanh tử.

Vậy thời gian Phật ngồi dưới cội bồ-đề, Ngài học với ai, học cái gì? Không học với ai hết, chỉ định tâm cho yên lặng hoàn toàn, từ đó tự sáng lên. Đây gọi là Trí vô sư, nên Ngài nói “ta học đạo không có thầy”. Như vậy, ngồi thiền là một phương tiện để dừng tâm lăng xăng tạo nghiệp, đi tới chỗ an định hoàn toàn. Khi tâm an định hoàn toàn rồi trí tuệ vô sư hiển bày, vượt hết tất cả trí phàm tục. Biết mấu chốt đó chúng ta mới nắm vững đường tu Phật đã dạy.

Chúng ta tu Phật có hai con đường. Một là còn sanh tử, lựa sanh tử tốt tránh sanh tử xấu. Đó là đi trong ba đường lành người, a-tu-la, trời. Hai là tu giải thoát sanh tử, tức định tâm yên lặng dứt hết mầm suy tưởng, được hoàn toàn an định, Trí vô sư hiển hiện. Chừng đó chúng ta có đủ Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông v.v… Đây là chỗ siêu thoát rất nhiệm mầu, tùy chúng ta chọn lựa. Ai muốn đi gần thì chọn lựa đường tốt. Ai muốn đi xa thì phải cố gắng tu ra khỏi sanh tử.

Như trên đã nói thân này không thật, tâm lăng xăng không thật. Chúng ta dùng trí Bát-nhã ruồng phá tâm không thật. Cuối cùng không chấp thân, không chấp tâm, buông luôn cả trí Bát-nhã, sau đó mới đi tới chỗ cứu kính chân thật. Hiện giờ quí vị biết mình có cái chân thật không? Nghe Phật nói tất cả đều giả dối, chúng ta tưởng mình không còn gì hết thì tu để làm gì? Sự thật ngay trong thân sanh diệt này, còn có cái thật hiện tiền.

Nói chữ tâm là nói đến cái biết. Cái biết dấy khởi, cái biết chạy lăng xăng là cái biết động, cái biết giả dối. Còn cái biết không dấy khởi, không lăng xăng, không hình bóng, hiện tiền mà chúng ta bỏ quên. Trong nhà Phật gọi cái biết đó là Chân tâm, Phật tánh. Như khi quí vị ngồi chơi thảnh thơi ở chỗ vắng một mình, đầu trống rỗng không niệm nghĩ suy, không tính toán gì hết, lúc đó chim kêu có nghe không, gió thổi có biết không, người qua lại có thấy không? Tất cả mọi thứ đều hiện tiền. Chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn biết, cái thấy biết đó luôn sẵn có, nhưng dấy niệm lên thì quên mất, liền chạy theo niệm lăng xăng lộn xộn. Đang có cái thật mà bỏ quên, nhà Phật gọi là mê. Mê tức là quên chớ không gì lạ.

Nhà thiền luôn luôn nhắc, luôn luôn chỉ cho người tu thiền biết và nhận ra cái thật của mình. Đức Phật trên hội Linh Sơn, không thuyết pháp mà chỉ đưa cành hoa sen lên. Sau đó Ngài nhìn khắp từng người, tới Ca-diếp thì Ca-diếp nhìn lại Phật rồi mỉm cười, Phật liền bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay trao cho Ca-diếp.” Từ đó ngài Ca-diếp được truyền y bát, làm Tổ kế thừa thứ nhất.

Như vậy Phật chỉ cái gì? Đưa cành hoa sen lên rồi nhìn từng người, ai nấy đều ngơ ngác không biết Phật muốn dạy gì, tới Ca-diếp Ngài liền cười, Phật ấn chứng. Lạ quá! Bài pháp không lời. Câu kỳ đặc nhất mà lâu nay ít ai để ý tới: “Ta có chánh pháp nhãn tạng Niết-bàn diệu tâm.” Chánh pháp nhãn tạng là chánh pháp từ kho con mắt. Phật đưa cành hoa lên, ngài Ca-diếp nhìn, Phật nhìn lại ngài Ca-diếp, ngài Ca-diếp cười là nhận được chánh pháp từ kho con mắt. Từ kho con mắt đưa tới tâm mầu nhiệm, tâm mầu nhiệm là Niết-bàn. Do nhận được cái đó mà ngài Ca-diếp thành Tổ sư.

Tại sao từ con mắt có chánh pháp? Như bình hoa ở đây, tất cả quí vị thấy không? Ai cũng thấy. Khi quí vị thấy bình hoa có suy nghĩ không? - Không. Nếu vừa phân biệt bình hoa đẹp xấu thì có thứ khác chen vô rồi. Thấy bình hoa là bình hoa, cái thấy đó biết rõ bình hoa, nhưng vừa có bình hoa đẹp xấu, liền có niệm tiếp theo ai trưng hoa khéo quá hoặc ai trưng hoa tệ quá. Có khen có chê thì có thương có ghét, từ đó tạo nghiệp. Nếu thấy bình hoa chỉ là bình hoa thì có tạo nghiệp không? - Không. Cũng thế, ai đi ngang mình biết là người đi ngang thôi, có tạo nghiệp không? - Không. Nhưng người đi ngang khen đẹp, xấu là tạo nghiệp ngay. Cái thấy biết đó sẵn ngay nơi mắt mình, ở chặng thứ nhất thì đúng, qua chặng thứ hai, thứ ba thì sai. Bởi vì chặng thứ nhất là cái thấy thật, qua chặng thứ hai, thứ ba có tình cảm xen vô nên hết thật rồi. Có tình cảm là có tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử.

Hình ảnh Phật đưa cành hoa sen lên ngài Ca-diếp nhìn, Phật nhìn lại rồi hai thầy trò thông cảm, trong nhà thiền thường dùng từ “Tứ mục tương cố” tức bốn mắt nhìn nhau. Thầy trò nhìn thông cảm, Phật liền thọ ký. Sau này tới ngài A-nan. Khi Phật nhập Niết-bàn rồi, A-nan hỏi ngài Ca-diếp: “Sư huynh được Thế Tôn truyền y bát, ngoài ra còn truyền cái gì khác không?” Ngài Ca-diếp kêu: “A-nan!” A-nan: “Dạ.” Ngài Ca-diếp nói: “Cây phướn trước chùa ngã.” Ngay đó A-nan ngộ, được kế thừa làm Tổ thứ hai. Dễ như trở bàn tay, kêu dạ liền ngộ, được truyền làm Tổ.

Nếu tai nghe tất cả tiếng mà đừng phân biệt tiếng hay tiếng dở, lúc nào cũng nghe rõ ràng, đó là cái biết không tạo nghiệp. Cho nên kêu A-nan, Ngài dạ, đó là để chỉ cho Tánh nghe. Câu nói “cây phướn trước chùa ngã” là câu gạt chơi thôi, người không biết lo suy nghĩ cây phướn mà không nhớ Tánh nghe của mình. Ngài A-nan “dạ” và lãnh hội Tổ Ca-diếp muốn chỉ cái biết ở tai.

Như vậy ở mắt, ở tai chúng ta có Tâm chân thật hiển lộ mà mình quên, chỉ chạy theo tâm suy nghĩ. Mắt vừa thấy cảnh liền khen chê tốt xấu, tai nghe tiếng liền chạy theo phân tích tiếng hay tiếng dở. Cả ngày chúng ta chạy theo cái sanh diệt tạo nghiệp luân hồi. Nếu biết sống trở lại cái chân thật thì ra khỏi luân hồi sanh tử, ngược lại sống với tâm phân biệt lăng xăng thì trôi lăn mãi trong sáu đường, không biết bao giờ ra khỏi. Phật muốn cho chúng ta thấy cái chân thật hiện tiền của mình, nên dạy dẹp bỏ hết những thứ hư dối, đừng mê lầm nó nữa. Như vậy tu thành Phật là trở về với tâm bất sanh bất diệt thường hằng của mình.

Thiền tông đời Trần ở Việt Nam lấy phản quan tự kỷ làm bổn phận chủ yếu của người tu. Đến ngày nào tâm hoàn toàn yên lặng thanh tịnh, chừng đó sẽ giác ngộ viên mãn. Cách chỉ dạy này không khác với thiền của đức Phật chỉ dạy cho ngài Ca-diếp, thiền của Tổ Đạt-ma chỉ dạy cho Tổ Huệ Khả. Thật là một hệ thống từ đầu tới cuối nhất quán không hai.

Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ tu đúng như vậy, nên tuy còn gia đình, đầy đủ thê thiếp mà vẫn ngộ đạo. Tới giờ phút sắp lâm chung, Ngài ra Dưỡng chân trang nằm trên bộ ngựa, nhắm mắt chuẩn bị đi. Các thê thiếp nghe vậy chạy ra khóc ồn lên, Ngài mở mắt ngồi dậy bảo lấy nước rửa mặt súc miệng. Rửa mặt, súc miệng xong Ngài quở: “Ta đi có nơi về có chốn, các ngươi khóc lóc làm náo loạn chân tánh ta.” Nghe quở, quí vị ấy êm lại, Ngài nằm xuống nhắm mắt đi. Tốt chưa! Dù người cư sĩ nhưng khi nhận ra cái thật rồi, ra đi cũng thảnh thơi. Điều này cho thấy quí Phật tử còn tóc đừng ngại tu không được. Còn tóc hay cạo tóc gì miễn thực hành đúng thì kết quả như nhau.

Đó là những gì chúng tôi muốn nhắc nhở quí Phật tử, mong tất cả ghi nhớ và cố gắng thực hành để được giải thoát an vui.

[ Quay lại ]