Ý nghĩa hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 23 Tháng mười 2011 12:12
Hôm nay đủ duyên chúng ta hội ngộ tại đây, trước hết tôi có lời thăm viếng tất cả Tăng Ni và Phật tử. Đối với các Phật tử lớn tuổi, đi chùa học đạo nhiều năm, bây giờ có dịp gặp lại thăm viếng nhau, tôi chúc mừng quí vị vẫn còn có mặt trên thế gian, còn đến chùa học đạo, thật là quí báu. Nhân đây tôi cũng có vài điều nhắc nhở cho tất cả quí vị nhớ Phật pháp, an ổn tu hành đến ngày nhắm mắt, có hướng đi rõ ràng tốt đẹp.
Chùa này tên là chùa Quan Âm, vì vậy chúng ta sẽ nói về Bồ-tát Quán Thế Âm. Hầu hết các chùa Việt Nam đều có thờ tượng đức Quan Âm lộ thiên. Khi sang Trung Quốc hay Nhật Bản tôi thấy các nước này thờ tượng Quan Âm lộ thiên không nhiều như ở Việt Nam. Như vậy thờ tượng Quan Âm lộ thiên hay tín ngưỡng Bồ-tát Quán Thế Âm là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Đặc điểm đó như thế nào? Nếu không khéo quí Phật tử lại hiểu lầm, người Việt thờ đức Quan Âm để cầu cứu Ngài khi gặp khổ. Như thế vô tình Phật giáo Việt Nam trở thành ỷ lại, mê tín. Đó là điều chúng tôi muốn nói để quí vị hiểu cho tường tận thấu đáo.
Thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm có những gì cao siêu kỳ đặc, mà tôi gọi đó là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam? Khi chúng ta thờ một đức Phật, một vị Bồ-tát cần phải thâm hiểu ý nghĩa hình tượng các ngài. Bây giờ quí Phật tử hình dung tượng đức Quán Thế Âm như thế nào không? Trước tiên tôi xin hỏi Bồ-tát Quán Thế Âm là tượng nam hay nữ? - Nữ. Nhưng trong kinh Phổ Môn nói Bồ-tát là nam hay nữ? Không phải nam cũng không phải nữ. Bồ-tát Quán Thế Âm tùy theo nhu cầu thiết yếu của chúng sanh muốn Ngài cứu độ, nếu là đồng nam cầu cứu Ngài hiện thân đồng nam, nếu là đồng nữ cầu cứu Ngài hiện thân đồng nữ, cho tới trưởng giả v.v... Ngài đều tùy duyên thị hiện để cứu độ tất cả. Như vậy đâu bắt buộc cố định hình tượng Ngài là người nữ, vậy tại sao hầu hết các chùa thờ đức Quán Thế Âm đều tạc hình người nữ? Đó là vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ.
Ở Việt Nam chúng ta ngày xưa, các cụ già thường hay răn dạy con cái phải luôn tưởng nhớ công ơn cha mẹ. Nếu người cha đứng đắn dạy bảo con cái nghiêm trang, người ta gọi là nghiêm phụ. Người mẹ hiền lành thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, chớ không rầy không đánh nên người ta gọi là từ mẫu tức mẹ hiền. Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ-tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, thường cứu khổ chúng sanh, nên người ta thường xưng tán Ngài là Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát. Hạnh đại từ bi của Ngài là lúc nào cũng an ủi, nhắc nhở, khuyên lơn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng sanh. Ở đâu có tiếng than, có nỗi khổ, Ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy Ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi. Hạnh từ bi thì gần với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng Ngài là nữ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải Ngài thật là người nữ.
Thêm một điểm nữa, Bồ-tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình cam lồ, tay phải cầm cành dương liễu. Quí vị tụng kinh Phổ Môn có câu “Nam-mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm nguyện”. “Thanh tịnh bình” là bình thanh tịnh, “thùy dương liễu” là cành dương liễu rủ xuống, “Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm” là nước cam lồ của đức Quan Âm rưới lên tâm. Ý nghĩa nguyên câu ấy là bình thanh tịnh đựng nước cam lồ, nhờ cành dương liễu rưới khắp làm cho tâm người được mát mẻ. Đó là câu nguyện của Bồ-tát Quán Thế Âm mà chúng ta hằng lạy trong mười hai câu nguyện. Đây là những hình ảnh biểu trưng cho hạnh nguyện của Bồ-tát.
Trong bình thanh tịnh chứa nước cam lồ, nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh. Đặc điểm của nước cam lồ là vừa ngọt vừa mát. Bình thanh tịnh là giới đức. Như Phật tử giữ năm giới, nhờ giữ giới mà trong sạch thanh tịnh. Người không giữ giới không bao giờ có tình thương chân thật hay lòng từ bi. Tôi nói ví dụ nhỏ thôi, như người phạm giới sát sanh có từ bi được không? Nếu phạm giới sát sanh không thể gọi là người từ bi. Hoặc người phạm giới trộm cắp, gọi từ bi được không? - Không. Cho tới phạm giới uống rượu, có từ bi được không? - Không. Vì từ bi phải đi đôi với trí tuệ sáng suốt, uống rượu vô say sưa rồi không thể nào sáng suốt được. Dân quê Việt Nam gọi mấy kẻ say là ba ngầu, lúc đó đã mất bình tĩnh, đâu còn tỉnh táo sáng suốt để làm điều tốt đẹp giúp người. Do đó phạm một trong năm giới thì không có lòng từ bi. Muốn lòng từ bi càng ngày càng tăng trưởng, đòi hỏi chúng ta phải giữ giới.
Vì vậy giới đức thanh tịnh tượng trưng cho bình thanh tịnh. Từ bình thanh tịnh mới chứa được nước cam lồ. Con người có giới đức thanh tịnh mới chứa đựng lòng từ bi. Còn cành dương liễu để làm gì? Cành dương liễu yếu mềm dẽo dai nên khó gãy, gió chiều nào nó lay theo chiều đó nhưng không gãy. Những cành cây cứng gặp gió mạnh nó dễ gãy. Như vậy cành dương liễu biểu trưng cho đức nhẫn nhục. Muốn đem lòng từ bi ban rải cho chúng sanh được an vui mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi khó thực hiện được. Tại sao? Gần nhất như chùa Quan Âm ở đây, quí Phật tử phát tâm xây dựng vì nghĩ mình cất ngôi chùa này để huynh đệ hướng tâm về Phật pháp có nơi chốn lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp. Rồi lập hội Quan Âm để bảo trợ chùa, có đủ phương tiện tồn tại dài lâu. Đó là lòng từ bi. Có hội thì có họp. Họp thì bàn cãi, mà bàn cãi thì nhiều ý kiến bất đồng. Nếu quí vị thiếu lòng nhẫn nhục thì lòng từ bi có thể đổ vỡ.
Khi chúng ta thương mọi người, muốn giúp họ đến với đạo để tu hành, tâm hồn được trong sạch an vui, đó là lòng từ bi. Nhưng nếu thiếu đức nhẫn nhục thì khó bảo vệ được Phật sự lâu dài, cho nên phải có đức nhẫn nhục. Khi có những bất đồng, có những người không hợp đạo lý, chúng ta cũng ráng ẩn nhẫn bỏ qua, để cùng hòa thuận với nhau giúp đỡ xây dựng nhau. Như thế khả dĩ Phật sự bền lâu được.
Các chùa quê ở Việt Nam, đến rằm tháng bảy hay phát quà cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Giả sử quí Phật tử phát tâm bố thí cho hai trăm người, hai trăm lá phiếu được phát cho dân nghèo đến lãnh quà. Có người quí vị phát rồi, họ trở lại xin nữa. Thành ra cuối cùng không đủ quà, những người đến sau không có quà họ chửi mình. Phật tử làm việc từ thiện vì thương họ, rốt cuộc họ lại chửi quí vị. Nếu không có đức nhẫn nhục, gặp trường hợp như thế, chắc quí vị sẽ thề ngang đây không thèm làm nữa. Rõ ràng từ bi mà thiếu nhẫn nhục thì không thể làm tròn, không thể trường cửu được.
Vì vậy Bồ-tát dùng cành dương rưới nước cam lồ, biểu trưng cho lòng nhẫn nhục nhu nhuyến. Thiếu cành dương không rưới nước cam lồ được. Cũng vậy, có lòng từ bi mà thiếu đức nhẫn nhục thì lòng từ bi đó không lâu dài, không đem đến lợi ích cho chúng sanh được. Cho nên đức nhẫn nhục, lòng từ bi luôn đi đôi với nhau, thiếu một đức thì đức kia không thể thực hiện.
Phật tử thờ đức Quan Âm, khi nào phiền não quá liền lạy cầu Bồ-tát rưới nước cam lồ cho con được mát mẻ phải không? Như vậy là đòi hỏi, xin xỏ chớ không nhớ chúng ta thờ đức Quan Âm để nhắc mình phải học theo hạnh từ bi của Ngài. Muốn học hạnh từ bi, đầu tiên phải giữ giới luật cho trong sạch. Kế đó phát tâm từ bi thương chúng sanh và thực hiện tâm ấy phải có đức nhẫn nhục. Đó là gương sáng, đức tánh tốt. Mỗi Phật tử tới lạy Bồ-tát Quán Thế Âm luôn nhớ ba điều này thì tốt đẹp biết mấy.
Phật tử Việt Nam có đặc tánh muốn đem tình thương của mình giúp đỡ mọi người một cách bền bỉ lâu dài, mới thờ Bồ-tát Quán Thế Âm với hình tượng như thế. Cho nên tinh thần từ bi và nhẫn nhục là tinh thần rất thiết yếu trong cuộc sống hiện tại. Người Việt Nam thờ đức Phật hoặc các vị Bồ-tát lộ thiên đều nhớ ý nghĩa ấy thì rất hay, Phật pháp sáng sủa biết bao nhiêu. Một chùa thờ đức Quan Âm, nhiều chùa thờ đức Quan Âm, để nói lên tinh thần người Phật tử Việt Nam khao khát thực hiện lòng từ bi và đức nhẫn nhục. Đó là mục tiêu trọng yếu của tinh thần Phật giáo Việt Nam. Tôi nhắc lại chân tinh thần này để quí Phật tử không quên ý nghĩa và mục đích việc học Phật và tu Phật của mình.
Quí vị lớn tuổi ở Việt Nam hồi xưa từng đọc mấy bài thơ cổ như Lục Vân Tiên, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện… chúng ta thấy người Việt Nam yêu chuộng lòng từ bi, đức nhẫn nhục nên ngoài hình tượng thờ, những đức tánh cao đẹp ấy còn biểu trưng đầy đủ qua thơ văn. Quan Âm Thị Kính thường được dân quê Việt Nam gọi là Phật Bà. Ở cách xưng danh này, tôi xin lưu ý quí Phật tử một chút. Gọi như vậy e sẽ bị kẹt, nếu người ta hỏi Quan Âm là Phật Bà, vậy ai là Phật Ông? Phật tử trả lời thế nào? Cho nên phải hiểu rõ, Phật là Phật không có bà có ông. Chỉ vì dân gian gọi theo cảm tính thôi, danh xưng ấy không có trong danh từ chuyên môn nhà Phật.
Người ngoại quốc chưa rành về Phật giáo đến hỏi, chúng ta giới thiệu sai là lỗi lớn nên quí vị phải hiểu cho thật kỹ. Ai muốn tìm hiểu đạo Phật, chúng ta nói những ý nghĩa thâm trầm để người ta thấy Phật giáo Việt Nam có những cái hay cái đẹp, có chân tinh thần sâu xa tế nhị bên trong, chớ không phải chỉ những hình thức nổi bên ngoài thôi. Đó là trách nhiệm lớn của Tăng Ni Phật tử Việt Nam, không thể xem thường được.
Trong quyển thơ văn Quan Âm Thị Kính, tôi tóm lược vài điểm cho quí vị thấy được cái hay của Thị Kính. Bà là người con gái vừa tuổi mười tám, xuất thân trong một gia đình hết sức đứng đắn nghiêm trang, rất đáng cho mọi người quí trọng. Khi đó bà được gả cho một chàng thư sinh đang đi học, hai người sống với nhau rất đầm ấm. Một hôm, ông chồng đi học về mệt nhoài nằm nghỉ, ngủ mê. Bà nhìn trên cằm có sợi râu mọc ngược khó coi quá, mới lấy kéo kê sát cằm hớt sợi râu. Cây kéo đụng làm ông chồng giựt mình thức dậy. Thấy vợ kê kéo sát cổ, anh ta hiểu lầm vợ muốn ám sát mình nên chụp tay la lên vợ ám sát mình. Nghe tiếng la ám sát, cha mẹ anh hoảng chạy ra thì thấy Thị Kính cầm kéo, bị chồng nắm chặt tay. Quả tang là vợ ám sát chồng rồi. Thế là họ mời ông bà xui tới trả con gái với tội giết chồng. Đó là nỗi oan ức không thể tưởng.
Chúng ta nghĩ một phụ nữ yếu ớt gặp hàm oan như vậy thì thế nào? Tự vận chết phải không? Nhưng Thị Kính không làm thế. Bà nghĩ có thân này không phải dễ, cha mẹ sanh ra, công ơn nuôi dưỡng quá lớn. Bây giờ mình vô phước gặp hàm oan này, phải làm sao chọn con đường đi cao thượng hơn, tốt đẹp hơn. Nghĩ thế bà đi tu thay vì tự vận. Nhưng khổ nỗi, hồi xưa không có chùa Ni, chỉ có chùa Tăng. Bà đi tu ai chứa, cho nên phải giả trai. Hòa thượng Trụ trì nhận cho tu, đặt pháp hiệu là Kính Tâm. Như vậy quá tốt!
Mọi việc tưởng đâu ổn cả, không ngờ vì bà có nhan sắc nên giả trai lại càng đẹp hơn. Có một cô gái con nhà giàu tên Thị Mầu, đi chùa thấy thầy Kính Tâm dung mạo xinh đẹp nên để lòng thương mến. Thương nhưng không tỏ tình được, vốn sẵn không có nết na nên Thị Mầu lôi thôi với người nô bộc trong nhà đến có thai. Cha mẹ cô hay chuyện gạn hỏi nhiều lần, cuối cùng sợ mất danh giá vì thất thân với kẻ nô bộc trong nhà, nên Thị Mầu khai chủ nhân cái thai ấy là thầy Kính Tâm.
Thị Kính chịu hàm oan trước chưa giải xong, bây giờ chịu thêm hàm oan thứ hai nặng hơn. Nếu nói thật ra thì chỉ cần một câu thôi, Thị Kính trắng án liền, không có chuyện gì xảy ra. Nhưng vì muốn tu hành, bà nhất định không nói mình là người nữ, chấp nhận mọi hình thức khảo tra đánh đập để giữ trọn bản nguyện. Bởi vì bà nguyện đi tu là phải tu suốt đời, nếu khai mình là người nữ thì bị đuổi ra khỏi chùa, không được tu nữa. Vì vậy thà chịu hàm oan, chịu đánh đập chớ không nói mình là người nữ. Chúng ta thấy sức nhẫn ấy ít ai làm nổi.
Khi đánh đập đã, làng xã mời Hòa thượng tới nói đệ tử của ngài hư quá, bây giờ ngài tính sao. Họ gởi trả về chùa. Hòa thượng nhận đệ tử về nhưng còn nghi nên không dám cho ở trong chùa, mà cho ở ngoài hành lang, xem Kính Tâm có trong sạch không, sau sẽ cho vô chùa. Ở ngoài hành lang như vậy mà còn chưa yên. Chẳng bao lâu sau Thị Mầu sanh con ẵm tới hành lang, nói con của ông tôi trả cho ông, rồi bỏ đi về.
Trong hoàn cảnh đó Thị Kính không biết xử trí ra sao? Nếu ôm đứa bé nuôi thì có hai điều không thể giải quyết nổi. Điều thứ nhất là nếu mình không có liên hệ thì sanh mặc nó, tử mặc nó, bà không nóng ruột chút nào. Nếu ôm nuôi người ta sẽ nói chắc là máu mủ rồi nên không đành bỏ. Như vậy cái nghi càng tăng. Điều thứ hai, nếu nuôi sữa đâu cho nó bú? Cuối cùng bà can đảm thà bị nghi, nhất định nuôi đứa bé. Trong bài thơ tôi còn nhớ hai câu thế này: “Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”, nghĩa là dù mình xây một ngôi tháp chín tầng, không bằng cứu một mạng sống. Lòng từ bi vì người của bà Thị Kính đã thắng những nỗi niềm oan khiên riêng.
Bấy giờ chính ông Hòa thượng Trụ trì cũng lắc đầu nghĩ “nếu không có máu mủ gì, mà chú ôm nuôi tôi cũng không tin nổi”. Ông thầy còn không tin thì ai tin, cho nên tiếng xấu đồn xa khắp hết xóm làng. Bấy giờ không có phương tiện nuôi, nên mỗi sáng Thị Kính phải bồng đứa bé đi cùng làng cùng xóm xin sữa. Thôi thì kẻ mắng người chửi, họ phỉ nhổ không còn gì để nói, ông thầy Kính Tâm cứ lầm lũi bồng đứa bé đi xin sữa. Như vậy mà nuôi từ ba bốn ngày cho tới lớn. Chúng ta thấy nhục nhã chừng cỡ nào, không thể tưởng tượng nổi. Bình thường ta làm gì nhục nhã trong một ngày một giờ còn chịu không nổi, đằng này Thị Kính chịu nhục nhã cả mấy năm trời. Ai chửi mắng mặc, miễn sao nuôi được đứa bé sống thì thôi.
Qua câu chuyện đó quí vị mới thấy lòng từ bi tràn trề vì cứu mạng chúng sanh của Bồ-tát. Lòng từ bi đó được thành công nhờ có đức gì? Đức nhẫn nhục, nếu yếu thì không bao giờ làm nổi. Như vậy văn hóa Việt Nam mang đầy đủ tánh chất từ bi nhẫn nhục. Người Việt Nam được hun đúc trong nền văn hóa đó nên ai cũng sẵn lòng từ bi, ai cũng có đức nhẫn nhục, song đôi khi chưa đủ. Bởi vậy người Việt Nam xem cải lương hay khóc lắm. Thấy hoạn nạn khóc sướt mướt, vì tình thương nhiều quá dồi dào quá. Nhưng đức nhẫn nhục thì chưa được nhiều nên lòng từ bi chưa thể thực hiện trọn vẹn và bền lâu.
Quan Âm Thị Kính gặp cảnh khổ không nghĩ tới chuyện chết. Phải nhẫn nhục mà sống, sống để làm gì? Sống để tu. Trong ba lần nhẫn nhục lớn của bà, lần nhẫn nhục thứ nhất chúng ta có thể làm được. Nhưng tới lần nhẫn nhục thứ hai bị hàm oan, có đủ điều kiện minh oan mà Ngài không minh oan. Vì sự tu mà nhẫn nhục bị đòn bị đánh. Tới lần nhẫn nhục thứ ba, vì tình thương chúng sanh mà nhẫn nhục mọi nhục nhã khinh khi của người đời. Hai lần trước nhẫn nhục vì nguyện ước của mình, lần sau cuối nhẫn nhục vì thương chúng sanh, muốn cứu mạng chúng sanh mà quên hết đau khổ tủi nhục của bản thân. Đó là sự nhẫn nhục quá cao cả. Chính nhờ đức nhẫn nhục ấy mà thực hiện trọn vẹn lòng từ bi nuôi đứa bé lớn khôn. Vì vậy cuối cùng bà thành Phật. Khi đã thành Phật tất cả gia quyến đều được Ngài độ.
Như vậy hình ảnh Quan Âm Thị Kính trong văn thơ giúp chúng ta thấy rõ hơn, ai đủ lòng từ bi và đức nhẫn nhục, người đó tu hành sẽ thành tựu viên mãn. Tự mình được an lạc và làm cho thân thuộc cùng được an lạc. Quí vị phát tâm từ bi, phải luôn nhớ tập đức nhẫn nhục. Ý nghĩa chúng ta thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm đáng quí đáng kính như vậy. Phật tử Việt Nam chú trọng trí tuệ và từ bi nên chùa nào cũng có tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Đã thế chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa hình tượng tôn thờ ấy, để ứng dụng Phật pháp đúng vào đời sống của bản thân, đem lại lợi ích cho mình và mọi người.
Đến hình ảnh Công chúa Diệu Thiện, dân ta còn gọi là Quan Âm Diệu Thiện. Theo sách vở ghi thì bà là con của vua nước Ấn Độ, Công chúa thứ ba. Nhà vua không có con trai, chỉ sanh ra ba người con gái. Khi ba cô Công chúa lớn lên, nhà vua chọn những chàng rể xứng đáng để gả, bà nhất định từ chối, không ưng lấy chồng. Nhà vua khuyên răn bao nhiêu bà cũng cương quyết không chịu, đòi đi tu. Vua cha giận quá ra lệnh cho Công chúa vào tu trong một ngôi chùa gần hoàng thành và bảo Hòa thượng Trụ trì phải đày đọa hành hạ Công chúa đủ cách để cô chán nản trở về.
Lệnh vua như vậy không ai dám cãi, nên Hòa thượng và thầy Tri sự bắt Công chúa làm đủ thứ hết, gánh nước bửa củi, những việc cô chưa từng làm. Công chúa vui vẻ làm, khổ mấy cũng làm. Mấy năm trời như vậy không thối tâm. Nhà vua chờ hoài, chờ con gái mình chán nản trở về mà nó không về. Nhà vua tức quá ra lệnh đốt chùa, vì nghĩ trong chùa hành không đúng mức nên Công chúa không chịu về. Chùa bị đốt cháy hết nhưng Công chúa được cọp cõng đi, chạy từ Ấn Độ tuốt sang Việt Nam, vào động Hương Tích ở tu. Công chúa ở đó tu cho tới thành đạo chứng quả.
Bấy giờ được tin vua cha bệnh nặng, thầy thuốc không cứu chữa nổi, Công chúa mới trở về. Sau khi gặp cha, cô cho thuốc cha uống hết bệnh, rồi giáo hóa cha mẹ, tất cả thần dân trong nước đều biết đạo. Việc cứu độ xong bà trở về Hương Tích tu cho tới ngày nhập Niết-bàn. Bây giờ chúng ta ra động Hương Tích thấy những bài thơ ca tán bà Công chúa Ba vẫn còn khắc trên vách đá. Sự thật thế nào không biết, nhưng đây là tinh thần tu tập dũng mãnh của người con Phật. Qua đó chúng ta thấy bà là người quyết chí tu hành. Khi đã quyết chí tu rồi, dù bị đày đọa khổ sở mấy cũng không lay chuyển. Nếu không nhẫn nhục có lẽ bà đã rút lui rồi.
Bà đi tu ở phương xa, nhưng khi biết tin cha bệnh nặng liền trở về cứu cha. Như vậy để thấy tâm hiếu thảo của bà đâu thua gì ngài Mục-kiền-liên. Ngài Mục-kiền-liên chứng quả rồi tìm mẹ để cứu. Ở đây bà cũng thành đạo rồi, trở về cứu cha, cứu cả những người trong thân quyến, khuyên họ về với đạo. Cho nên tinh thần của người con Phật, dù đã xuất gia hay tại gia, tâm hiếu thảo không quên. Đó không phải đặc điểm của Phật giáo Việt Nam là gì? Như vậy từ hình tượng cho đến văn thơ đều tán thán tinh thần từ bi nhẫn nhục, hiếu thảo của người dân Việt Nam. Chúng ta đã được nuôi nấng trong cái nôi đẹp đẽ đó thì chắc không bao giờ quên. Chúng ta tới động Hương Tích chỉ thấy thắng cảnh mà ít lưu tâm đến sự tích tu hành của Quan Âm Diệu Thiện là một thiếu sót lớn.
Năm tôi đi Trung Quốc có lên Ngũ Đài sơn và Phổ Đà sơn. Phổ Đà ở ngoài biển. Khi tới Phổ Đà sơn, tôi tủi cho người Việt Nam mình. Hiện giờ nhiều chùa khi lạy vía Quan Âm, thường niệm câu “Nam-mô Nam Hải Phổ Đà sơn Quán Thế Âm Bồ-tát” mà không biết sự tích như thế nào. Nghe câu niệm ấy tưởng chừng Phổ Đà sơn là quê hương của đức Bồ-tát Quán Thế Âm, nên chúng ta hướng về đó mà lạy. Chúng tôi tới đó đọc sự tích rất là giản đơn, không có gì lạ. Hồi đời Đường có một người Phật tử Nhật sang Trung Hoa tìm tới Ngũ Đài sơn để lễ. Lễ bái xong vị đó thỉnh một tượng Bồ-tát Quán Thế Âm xuống thuyền trở về. Đi chưa bao xa gặp giông to gió lớn, thuyền phải tắp vô bờ vì đi không được nữa. Trải qua năm bảy ngày như vậy, vị Phật tử này nghĩ có lẽ Bồ-tát không chịu về Nhật nên nguyện: “Nếu Ngài không muốn về Nhật Bản thì xin cho gió yên sóng lặng, con sẽ thỉnh tượng Ngài lên đảo này để thờ.” Sau đó gió yên biển lặng, ông liền thỉnh tượng Bồ-tát lên đảo Phổ Đà, tìm một cái động tương đối rộng rãi, dân lành nơi ấy cũng phụ giúp ông sửa sang lại động, rồi thỉnh Bồ-tát Quán Thế Âm vào thờ trong đó, ở ngoài đề bảng “Bất khẳng khứ”. Bất khẳng khứ là không chịu đi.
Chúng ta thấy sự tích hết sức đơn giản, vậy mà người Trung Hoa tán thán đó là quê hương của Bồ-tát Quán Thế Âm. Dân mình cứ hướng về đó mà lạy, trong khi ở Việt Nam có một sự tích rất quan trọng, là động Hương Tích mà lại không hướng về động Hương Tích lạy Bồ-tát bao giờ. Đó là khuyết điểm của chúng ta.
Tóm lại tôi muốn nhắc các câu chuyện có liên quan tới Bồ-tát Quán Thế Âm, để tất cả quí vị hiểu Bồ-tát mà chúng ta hiện thờ cũng như những bản thơ văn nói về Ngài là nói lên tinh thần Phật giáo Việt Nam muốn dạy, muốn nhắc cho Phật tử Việt Nam tu Phật, phải có đủ đức tánh nhẫn nhục để làm tăng trưởng lòng từ bi. Tu Phật phải có tâm hiếu thảo với cha mẹ, kính nhường anh em. Như vậy mới đúng là đệ tử Phật, đúng với tinh thần Phật giáo Việt Nam. Hiểu và hành như thế, không ai dám nói tu theo Phật là mê tín dị đoan. Đó là ý nghĩa thâm trầm tế nhị tôi xin nhắc nhở quí Phật tử.
Nhiều người thắc mắc niệm Quán Thế Âm Bồ-tát được tai qua nạn khỏi, vậy những người ra biển niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm sao vẫn không qua khỏi ách nạn? Nếu tất cả người gặp tai nạn là Phật tử, ít ai không nhớ niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, bởi vì tất cả đều thuộc danh hiệu của Ngài, song có người được linh ứng, có người không được. Như vậy là sao? Không lẽ Bồ-tát thương người này bỏ người kia? Đó là một vấn đề, chúng ta không thể nhìn một chiều được.
Bồ-tát lúc nào cũng thương, cũng muốn độ chúng sanh. Điều này không ai chối cãi cả. Nhưng tại sao có chúng sanh cầu nguyện linh ứng, có chúng sanh cầu nguyện không linh ứng. Như vậy Bồ-tát có thiên lệch chăng? Nếu thiên lệch thì đâu phải Bồ-tát. Trong nhà Phật thường dạy chúng ta có niệm lành niệm dữ, từ đó tạo nghiệp lành nghiệp dữ. Nếu người nghiệp lành nhiều, nghiệp dữ ít, khi gặp hoạn nạn, tha thiết chí thành tưởng niệm Bồ-tát thì sẽ linh ứng, sự linh ứng là do phước của vị ấy. Nếu người thiếu phước khi niệm Bồ-tát không thấy linh ứng. Không phải Bồ-tát thương người này bỏ người kia. Rốt lại tất cả đều qui trở về mình. Bên ngoài có cảm ứng hay không, gốc từ mình mà ra.
Cũng như quí Phật tử xin việc làm, có người thấy mặt người ta thương nên được nhận liền, có người mặt mũi không biết thế nào đi đâu cũng bị từ chối. Tại sao như vậy? Tại người có phước có duyên, người ta thấy dễ thương nên muốn giúp. Còn kẻ ít phước người ta thấy khó thương nên không muốn nhận. Lỗi đó tại ai? Cũng tại mình mà ra. Hiểu thế rồi, chúng ta không trách ai mà chỉ trách mình thiếu tu, thiếu phước. Vì vậy ráng tu cho có phước, đó là điều thiết yếu.
Hôm nay tôi nói về hình tượng đức Quán Thế Âm Bồ-tát mà các chùa thường tôn thờ, Phật tử cũng luôn hướng về Ngài. Quí vị nên nhớ tinh thần thờ đức Quán Thế Âm Bồ-tát là tinh thần tôn xưng quí trọng lòng từ bi, đức nhẫn nhục và tâm hiếu thảo của người Việt Nam. Đó là nền tảng đạo đức của Phật giáo Việt Nam hay của dân tộc Việt Nam. Bây giờ dù ở nước ngoài, tâm hồn người dân Việt chúng ta cũng nặng trĩu hình ảnh ấy, nên tới đâu cũng muốn thờ đức Quan Âm lộ thiên. Tôi nêu lên để nhắc nhở tất cả Phật tử muốn thực hiện lòng từ bi như Bồ-tát thì phải tập đức nhẫn nhục. Nếu chỉ có một phần thì sẽ không bao giờ được viên mãn tâm nguyện.
Chúc quí vị tu hành tinh tấn và luôn luôn niệm danh hiệu Bồ-tát để tự cảnh tỉnh mình nuôi lớn tâm từ bi và đức nhẫn nhục.
***
Có một Phật tử thắc mắc thế này:
- Kính bạch Hòa thượng, chúng con là những Phật tử sống ở ngoài đời, hằng ngày phải đối diện với nhiều công ăn việc làm. Từ trong nhà đến ngoài xã hội, mọi cám dỗ, mọi ràng buộc vây hãm. Kính xin Hòa thượng hãy chỉ dạy cho chúng con làm thế nào để gìn giữ cho tâm được yên tĩnh hay tâm bình thường, vì tâm là vấn đề quan trọng mà đức Phật thường dạy chúng con phải điều phục, phải làm chủ?
- Phật tử sống trong hoàn cảnh phải đi làm. Trong khi đi làm, làm sao giữ được tâm bình thường là điều rất khó. Muốn giữ tâm bình thường, theo tôi có hai cách. Một là chúng ta nhìn tất cả sự vật bên ngoài hiện có nhưng không thật, không bền lâu. Dù vật ấy đẹp hay quí đến đâu, chúng ta cũng biết chỉ là giả dối. Quán sát như vậy luôn, tâm sẽ ít chạy đuổi theo. Tâm không chạy không đuổi theo, tự nó sẽ bình.
Trường hợp thứ hai, muốn cho tâm an thì khi làm việc gì, luôn luôn phải nhớ đừng để cho nó chạy bậy. Như đang làm đây nó chạy đằng kia, đang làm đằng kia nó chạy đằng nọ, chạy tứ tung hết. Đó là gốc của bất an. Chúng ta làm việc gì cột nó ở việc ấy, vừa làm vừa chăn con trâu, đừng cho nó phóng ra ngoài. Dùng phương tiện này chăn giữ, dần dần nó bớt chạy nhảy lăng xăng, từ từ sẽ an. Thật ra muốn tâm an phải trải qua thời gian công phu lâu lắm, chớ không giản đơn. Vì tâm an là cả một vấn đề chuyển mê thành giác. Phật tử phải quyết tâm mới thực hiện được và nhớ cũng không nên nóng vội.
Chúc quí vị tu hành được nhiều tiến bộ và an vui.