headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 10/01/2025 - Ngày 11 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TRỊ NHỮNG TẬP KHÍ

 Buổi sinh hoạt này chúng tôi sẽ nói về tập khí. Đối với người tu, tập khí là chướng duyên ngăn trở bước tiến đạo. Nó chính là những chủng tử từ nhiều đời còn tồn đọng lại trong chúng ta. Muốn trừ nó chúng ta phải có công phu miên mật, liên tục và đặc biệt phải tế nhị mới phát hiện được tập khí của mình.

Hòa thượng dạy “Người tu chúng ta trong giai đoạn công phu phải trải qua những thử thách, những khó khăn”. Giai đoạn ban đầu chúng ta thấy khó khăn, gần như không thể tiến nổi.

Nhưng rồi ta cũng tiến nổi, vượt qua được. Tuy nhiên những thử thách về sau càng nhiều hơn, những thứ cù cặn sâu kín ở trong ta từ từ ló dạng. Lúc này là lúc ta phải có tâm kiên cố, có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phải mạnh mẽ dứt khoát lắm mới được. Như ta đã thấy có những vị tu hành từ thời bé thơ cho đến năm mươi tuổi, vẫn có thể trở lại thế tục, bởi những hình ảnh, những sự kiện thế tục chi phối. Tại sao? Vì không trừ bỏ được tập khí nên cuối cùng bị chúng kéo lôi.

Những hiện tượng này xảy ra không phải ít. Có người tu thời gian ngắn, hoặc có người trải qua thời gian rất dài, nhưng bất thần họ bỏ đạo trở về đời sống thế tục. Có những người trở về thế gian, không phải vì bị cuộc đời mê hoặc, nhưng vì không tiến đạo được nên họ không tu nữa. Đây là do tập khí này chỉ đạo, mà đương sự không có năng lực để đối kháng chống trả lại. Bởi thế nên cuối cùng đành im lặng quay lại con đường ngày xưa mình đã bỏ đi.

Cho nên nói đến tập khí là nói đến những cái gì sâu kín, cù cặn bên trong chúng ta, rất khó bỏ khó trừ.  Những loại tập khí vi tế bên trong, ta không thấy dáng dấp nó ra làm sao nên rất khó phát hiện. Nhưng đủ duyên, có điều kiện hoặc do chúng ta sơ hở một chút, nó sẽ ngoi lên. Khi nó hiện ra, chúng ta không tỉnh giác phát hiện được để tiêu dung hoá giải nó đi, dần dần chúng sẽ hiện ra nhiều hơn và dẫn dắt mình đi. Theo Hán tự, chữ “Tập” là nhóm họp, chữ “Khí” là hơi hướm còn tồn đọng lại. Tập khí là những hơi hướm tồn đọng nhóm họp lại, và khi chúng đã kết cấu với nhau thì sẽ tạo ra một xung lực dẫn ta đi theo nó.

Nhân nói về tập khí, tôi nhớ lại câu chuyện này. Một hôm Phật ở tại Tinh xá Kỳ Hoàn, Tôn giả Xá Lợi Phất thấy đức Thế Tôn đi thiền hành, Ngài cũng cùng đi phía sau đức Phật. Bỗng có con chim bồ câu bị con chim cắt đuổi bắt rất gấp. Chim bồ câu liền bay vào cái bóng của đức Phật, tự nhiên nó an lành hết run sợ. Khi bóng của đức Phật đi qua, tới bóng của Tôn giả Xá Lợi Phất đi tới thì con chim lại run sợ, không an lành như được núp dưới bóng của Thế Tôn. Sự kiện này chính ngài Xá Lợi Phất chứng kiến rõ ràng.

Ngài nghĩ “Nói về nghiệp tập, về tham sân si… những thứ này, quả thật trong lòng Ngài không còn nữa vì đã chứng quả A-la-hán rồi. Vậy tại sao con chim bồ câu lại sợ sệt khi đến gần Ngài, nó không an ổn như khi đến gần đức Thế Tôn?” Do đó Ngài đem trình lên đức Phật. Sau khi trình lên, đức Thế Tôn mới nói: “Vì tập khí của ta đã dứt sạch, còn tập khí của các ông chưa hoàn toàn dứt sạch. Bởi vậy nên các loài thú khi đến gần các ông nó vẫn còn sợ sệt”.

Như vậy tập khí gốc từ những chủng sâu dầy, nhiều đời của chúng ta. Đối với các bậc Đại thánh, các Ngài đã thành tựu chánh giác mà tập khí cũ còn chưa hết, chưa hoàn toàn dứt sạch. Thế thì đối với chúng ta như thế nào? Chắc nó dầy lắm, thật là dầy cho nên mình thường sống trong tăm tối. Bây giờ muốn trừ dẹp chúng đòi hỏi chúng ta phải có tâm kiên cường, dứt khoát và phải sáng suốt để bảo vệ gìn giữ tâm tu hành ấy cho đến nơi đến chốn.

Người tu Phật nào cũng phải có trí tuệ sáng suốt mới được. Người xưa nói Tu mà không học là tu mù. Hiện nay trong đạo của chúng ta, có một số vị hành đạo không đúng với chủ trương đường lối của Phật dạy, do đó người bàng quan cho rằng đạo Phật có hiện tượng mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan nghĩa là tin mà không biết, tin mà không có trí tuệ, không sáng suốt; từ đó bày đặt ra những hình thức tà vạy làm mê hoặc quần chúng nên gọi là mê tín dị đoan.

Cho nên người tu Phật dứt khoát phải có sự sáng suốt, biết rõ chủ trương đường lối sự tu hành của mình. Không thể tu mà không nhận rõ, không biết pháp tu cũng như công phu tu hành của mình ra sao. Không nên như vậy. Tất cả chúng ta phải có kinh nghiệm, hiểu biết từ sự hỗ trợ của các bậc thiện hữu tri thức trước, kế đó là sự hiểu biết từ kinh nghiệm tu tập của bản thân mình. Muốn vậy bước đầu chúng ta phải học Phật pháp, tìm hiểu, suy gẫm ghi nhớ rồi mới thực hành.

Nói tới điểm này có nhiều vị phê bình: Tại sao tu thiền lại còn phải học? Chúng tôi xin nhắc lại, trước đây Hòa thượng đã từng dạy: Con đường tu học do Ngài hướng dẫn chúng ta là con đường Thiền Giáo đồng hành. Vì vậy người tu thiền trước tiên cũng phải học kinh, luật, luận, sử, ngữ lục… tất cả các lời dạy của các vị thiện hữu tri thức cũng như các Thiền sư. Học để làm gì? Để chúng ta hiểu. Người xưa tu như vậy, làm như vậy, nói như vậy, bây giờ chúng ta cũng tu như vậy, công phu như vậy, sinh hoạt như vậy. Khi học hiểu rồi, bản thân mình hay những người chung quanh ứng dụng tu tập đúng hay sai, ta biết, để trên con đường đạo chúng ta không bị lệch lạc và đạt được kết quả tốt.

Trở về vấn đề tập khí. Muốn trị tập khí sâu dày chúng ta phải có tu. Chỉ có tu mới trị được tập khí của mình. Không thể cầu nguyện mà hết tập khí, cũng không thể làm công kia việc nọ mà hết tập khí, mà bản thân chúng ta phải có công phu. Công phu này bắt nguồn từ chỗ mình nhận hiểu đạo lý, nhận hiểu lời Phật dạy, các bậc thiện hữu tri thức chỉ dẫn. Từ đó chúng ta áp dụng và sẽ được lợi lạc thiết thực. Phần này nói nghe giản dị nhưng thực hành đòi hỏi phải có thời gian nhiều lắm. Đặc biệt chúng ta phải khiêm hạ, sáng suốt mới mong thấy rõ và trị được những tập khí, bảo vệ được công phu tu hành của mình.

Có những tập khí hư xấu mà chỉ ta tự biết, tự nhận thôi. Ta không dám nói với ai hết, kể cả những bậc thầy mà mình nương tựa. Những tập khí ta trình bày được chỉ là dáng dấp bên ngoài thôi. Còn rất nhiều và thật nhiều những cù cặn sâu sắc bên trong, mình chưa dám lôi đầu điểm trán nó trước mặt mọi người, để cầu sự hỗ trợ chỉ giáo của các bậc thiện hữu tri thức, nhằm trị nó một cách quyết liệt nhất. Chỉ khi nào ta bị u đầu chảy máu rồi mới đến trình với thầy con đã lỡ như vậy, như vậy… Khi ấy chuyện đã rồi, còn chỉ dạy được gì nữa. Cho nên chúng ta thường chỉ trình thầy giải quyết những việc ngọn ngành thôi, chớ nội dung cốt lõi thì không dám trị thẳng. Đó là lý do ta tu hoài mà vẫn không tiến.

Từ đó nghiệm thấy, việc tu hành ta cũng muốn nhưng chưa có thực tâm. Chưa thực tâm để trị bệnh và giải quyết vấn đề sinh tử. Vì yếu đuối nên ta tu học, hành đạo mà còn trong tinh thần lập lờ lập lững. Do đó kết quả thiết thực chúng ta không hưởng được. Người xưa tọa thiền thì được định, chúng ta bây giờ cũng tọa thiền nhưng rất ít người được định. Tại sao? Vì không kiên quyết dứt trừ tập khí. Người xưa cũng là con người, cũng từ cha mẹ sanh, có sự sống như chúng ta ngày nay. Trong tăng đoàn các ngài cũng sống chung đụng, phải đối diện, giải quyết mọi vấn đề theo pháp quy. Chúng ta bây giờ cũng thế. Có điều hồi xưa các ngài được đức Thế Tôn trực tiếp chỉ dạy cách thức tu tập theo từng căn cơ, từng nghiệp tập nên các ngài dễ nỗ lực hơn chúng ta. Tuy nhiên, điều chánh yếu vẫn là sự nỗ lực của tự thân. Các ngài sau khi nhận đề mục thiền quán của Phật rồi, liền vào rừng hoặc đến chỗ nào vắng vẻ, chuyên tâm thiền định, không chạy theo các duyên lự nên công phu dễ thành công. Có nhiều vị chưa đầy ba tháng mùa hạ đã chứng A La Hán rồi.

Còn thì chúng ta bây giờ phát tâm tu hành rất đông, nhưng ít thấy kết quả vì không chuyên tâm như người xưa. Chúng ta bị các việc tạp chi phối nhiều quá. Sáng ra là đi chợ, nấu cơm, sắp đặt việc nọ việc kia, tiếp duyên xúc cảnh đủ thứ. Nghĩa là mình chưa hoàn toàn buông xả nên chưa bình thản an ổn được. Đó là chưa kể còn có những cái mình luôn luôn phải bảo thủ giữ gìn nữa... Duyên lự như vậy thì làm sao dứt trừ tập khí được!

Nói chung trong cuộc sống, trong sinh hoạt này bản thân mình cũng chưa hài lòng với mình nữa, làm sao đối với bạn bè chung quanh ta có thể tha thứ cho họ được. Đó chính là sự tồn tại của tập khí ở bên trong, nó biểu hiện ra ngoài bằng những lo lắng rộn ràng của chúng ta xoay quanh cuộc sống này. Ví dụ ta có một thói quen không thích người khác đi trước mặt mình mà quơ tay, múa chân. Cái không thích đó nằm ở đâu? Trong  bụng, cần cổ, đầu gối hay tay chân? Chỗ nào không biết, nhưng bất thần có huynh đệ nào đi trước mặt mình mà quơ tay, múa chân là ta tỏ thái độ không thích liền. Đó chính là tập khí. Một lần đi kiểu ấy ta chỉ thấy khó chịu, nhưng nếu hai ba lần liên tiếp là mình tỏ thái độ ngay. Nghĩa là tập có đủ tay, đủ chân, đủ mắt, đủ mũi, đủ lời lẽ để phô diễn ra bên ngoài. Nên biết tập khí chỉ làm khổ nhau mà thôi.

Chư Tổ dạy, ngay khi ông ngồi thiền là Phật hiện ra đó, ta cũng không chấp nhận nữa. Hà huống ngồi đó mà mổ xẻ người này đi cong lưng, người kia đi ưỡn ngực… đủ thứ vấn đề. Qua đó đủ thấy chúng ta còn quá nhiều thứ cù cặn. Tập khí không trừ bỏ được, sẽ mất rất nhiều thời giờ trong đời sống tu hành của mình. Ăn không ngon, ngủ không yên, tiếp duyên xúc cảnh, mọi thứ sắp đặt hằng ngày đều không trọn vẹn, lơ lơ lửng lửng ba mớ, đại khái như thế thôi không có sự tỉnh táo sáng suốt nào cả. Đó là biểu hiện cho chúng ta thấy bên trong của mình chưa trong sạch, còn cặn bã của tập khí nhiều lắm.

Như câu chuyện con chim bồ câu núp dưới chiếc bóng của đức Thế Tôn, nó hoàn toàn an ổn là vì Ngài đã dứt sạch tập khí từ vô lượng kiếp. Cũng là người, là cái bóng mà rõ ràng bên trong của đức Phật đặc biệt hơn chúng ta. Đó là công đức của vị đã dứt sạch mầm tạo nghiệp, không gây nhân đau khổ cho chúng sanh nữa nên chúng ở gần bên hoàn toàn được an ổn, không chút sợ hãi. Suy nghiệm hình ảnh này chúng ta sẽ thấy, trong cuộc sống hằng ngày mình còn nhiều chủng tử nghiệp xấu đối với chúng sanh quá, những thứ cù cặn bên trong còn dày đặc, nên con chim gần ta chưa thể tin tưởng rằng mình không bao giờ làm thương tổn nó.

Hòa thượng thường dạy, gốc của sự khổ là vọng tưởng điên đảo. Ở đây tôi muốn nói nguồn gốc của sự khổ là cái thấy ở bên ngoài, không chịu khiêm hạ nhìn lại mình. Người khiêm hạ nhìn lại mình sẽ có nhiều lợi ích, trước nhất là thấy được tập khí của mình. Hoặc ham ăn, ham ngủ, ham nói dóc, ham làm việc tào lao… Ta phải thấy được những tập khí xấu của mình mới có thể khắc trị nó. Ví dụ mình ham ngủ, nhưng nhớ Phật dạy người tu không thể ham ngủ, vì đó là nhân của si mê, nó sẽ dẫn mình đi vào loài súc sinh. Biết rõ như vậy nên phải lo trị bệnh tham ngủ của mình. Tìm cách nào đó cho tỉnh, uống cà phê đen hoặc rửa mặt, chấn chỉnh tinh thần cho mạnh.

Trong sử kể lại, ngày xưa Tôn giả A Na Luật nghe Phật thuyết pháp thường ngủ gục. Một hôm Phật quở:  “Này A Na Luật, ông tu để làm gì, ai bắt buộc ông tu? Có phải bị nợ nần nhiều nên ông trốn đi tu không, hay vì làm thuê làm mướn vất vả quá mà đi tu?” Tôn giả thưa: “Bạch Thế Tôn! Không. Con là một hoàng tử nên không làm thuê làm mướn vất vả, cũng không thiếu nợ ai hết. Con tu là vì cảm kích công đức của Thế Tôn, giáo pháp của Thế Tôn”. Phật bảo: “Ông tu vì muốn hiểu biết giáo pháp để khai mở trí tuệ cho được giác ngộ. Vậy tại sao lúc ta đang dạy, ông lại ngồi ngủ?”

Từ đó Ngài ăn năn hổ thẹn, nhất định không bao giờ nhắm mắt nữa. Bằng mọi cách Ngài thức để công phu, đến nỗi hai con mắt sưng vù và sắp hư. Trước tình trạng ấy, đại chúng trình lên đức Thế Tôn. Phật đến thăm và hỏi: “A Na Luật, hai con mắt của ông bây giờ thế nào rồi?” A Na Luật thưa: “Bạch Thế Tôn, vì con không hề chợp mắt nên hai con mắt đau”. Bấy giờ đức Phật mới kêu thần y Kỳ Bà đến trị hai con mắt cho A Na Luật. Kỳ Bà xem qua và thưa với Thế Tôn: “Đức Phật lệnh cho A Na Luật ngủ một chút thì con mới trị được. Nếu Tôn giả cứ mở mắt hoài như thế này thì con đành bó tay”. Đức Thế Tôn mới bảo: “A Na Luật! Ông dụng công vừa phải thôi, cần phải nhắm mắt nghỉ một chút, Kỳ Bà mới có thể cứu chữa đôi mắt cho ông được”.

Tuy Phật khuyên thế, nhưng vì trót đã thệ nguyện nhất định không bao giờ nhắm mắt nữa nên A Na Luật dứt khoát không ngủ, dù chỉ một chút. Ngài tuyên thệ “Nếu chưa chứng Thánh quả, thà là tan thân mất mạng, chớ không thể để cho cái tập khí ham ngủ này kéo lôi”. Bởi dứt khoát như vậy nên hai con mắt của Ngài bị hư. Nhưng bù lại, sau đó không lâu Tôn giả chứng được Thánh vị nên không cần đến hai con mắt phàm tục ấy nữa, vì Ngài đã có thiên nhãn. Với lực dụng và thần thông của Lục thông, Ngài có thể thấy suốt vũ trụ vạn hữu rõ ràng như thấy một trái xoài trong lòng bàn tay, không bị một chướng ngại nào. Trong mười vị đại đệ tử của đức Phật, Ngài được danh hiệu là thiên nhãn đệ nhất.

 Mùi vị ham ngủ thì chúng ta đã có nếm, nhưng phấn đấu dứt trừ nó để đạt được kết quả sau cùng như ngài A Na Luật thì chúng ta không dám sấn sướt. Vì thiếu năng lực, thiếu gan dạ nên chúng ta  thua giặc tập khí ham ngủ, danh từ chuyên môn trong nhà thiền gọi là ma hôn trầm. Nói thật, trong huynh đệ mình chưa ai dám làm như Ngài. Ngồi thiền cũng ngồi, buồn ngủ cũng tìm cách này cách kia để vượt qua, nhưng ta chưa bao giờ dám thệ nguyện như Tôn giả A Na Luật, do đó đời này không chứng Thánh quả là phải rồi.

Đức Thế Tôn cũng thế, lúc ngồi dưới cội Bồ-đề, Ngài tuyên thệ “Nếu như không đạt được quả Vô thượng thì nhất quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Ta cũng chưa có năng lực của người tráng sĩ chặt tay ở Tung Sơn thuở nào để cầu pháp an tâm. Thành ra mình vui vẻ trong giai đoạn bình thường thôi, chớ khó một chút là nhăn mặt, là khóc rồi. Tu khổ quá tu sao tu được! Ai nấy cũng chuẩn bị cơm gạo trong cốc của mình thật đầy đủ, thân thể thật khỏe mạnh, đi bác sĩ hàng tháng theo dõi sức khỏe coi thử có bị u nhọt ở đâu không? Quanh năm suốt tháng ta loay hoay với bao nhiêu đó việc, nên công phu không dám sấn sướt. Nói ra điều này thật là xấu hổ!

Vì không nhận diện hết tập khí, hoặc đã nhận được nhưng không đủ bản lãnh dứt trừ nó nên việc tu hành của mình luôn gặp chướng ngại. Bây giờ làm sao chúng ta tự phấn đấu sấn sướt công phu, thời giờ không đợi chờ chúng ta đâu. Tất cả ai rồi cũng bước tới tuổi xế chiều, gần kề cái chết mà mình không thể làm chủ được thì có phải nguy khốn chưa? Thế nên chúng ta còn đợi gì nữa mà không chịu gắng gổ tu, còn đợi gì nữa mà không lôi đầu những nghiệp tập xấu dở trong tận cùng tiềm thức ra để đối trị nó. Ngay bây giờ mình không an tâm, không làm chủ được, đợi đến lúc hấp hối huynh đệ đến hộ niệm làm sao làm chủ được.

Làm chủ được hay không là ngay bây giờ đây, đối với cơm ăn áo mặc, mọi thứ chung quanh, ta đã buông xả được hết chưa? Ta có mạnh dạn dứt khoát cắt đứt những thứ đó thì đảm bảo ngày ra đi tự tại. Lúc đó dù huynh đệ có đến hộ niệm hay không đến mình cũng an nhiên vui vẻ mà đi thôi. Các Thiền sư ngày xưa sống một cuộc đời rất an nhàn, bỏ nhà không nhà học đạo, lấy trăng sao làm ngọc bích. Không cần phải người thân, không cần phải lễ lượt gì cả. Muốn được như vậy, ngay bây giờ chúng ta phải trị được tập khí. Có năng lực, có nội tại vững vàng chúng ta mới sống an vui và chết nhẹ nhàng thanh thản.

Lúc khỏe mạnh sức lực dồi dào, chúng ta không nỗ lực tu, đến khi già yếu việc làm chủ khó khăn vô cùng. Ăn cơm còn phải có người đút nữa thì làm sao tự chủ nổi với cái thân này, việc công phu nói đến làm chi nữa. Đã như vậy thì đường đi phía trước mờ mờ mịt mịt, không biết sẽ ra sao. Cho nên bây giờ phải tích cực cho chính mình, phải làm sao hoàn bị giai đoạn xuất gia của mình. Cho nên tuổi trẻ là giai đoạn tốt nhất để thực hiện công phu tu tập. Quí vị  đừng để trễ, trễ thêm một chút nữa là khó khăn vô cùng.

Ngoài việc điều thân, còn phải loay hoay với ba mớ vọng tưởng luôn quấy rầy mình nữa. Nội tập khí của thân thôi trị cũng đã hết hơi, lại còn vọng tưởng tức tập khí của tâm. Dính dấp vào cuộc đời này quả thật có sung sướng gì! Đó là chưa kể đến tập khí tà kiến. Tà kiến là mình chưa hoàn toàn làm chủ đối với các pháp, mà tự thấy dường như mình đã làm chủ được. Nếu trong giai đoạn tu hành chúng ta rơi vào tà kiến như vậy thì việc tu thật cách xa muôn trùng. Nói gọn lại tà kiến là cái thấy sai lệch đối với chánh pháp.

Người tà kiến tuy miệng nói hết thảy không, nhưng đối cảnh thì thường bị ràng buộc, người này thường tự gạt mình một cách nguy hại mà không biết. Đây cũng là một loại tập khí. Kiểm lại công phu của mình, chúng ta thấy đối với giáo lý thông thường ta có hiểu, có nhận; đối với công phu ta có tu chút chút. Nếu không bị động bởi những thứ chung quanh, cũng không chấp vào công phu, sống bình thường không thấy mình chứng đắc gì hết. Người có công phu tu hành như thế hy vọng hóa giải được những tập khí về tà kiến, nếu có.

Có những niệm dấy khởi ta buông được, nhưng có những niệm ta buông hoài không được. Tại sao? Các Thiền sư thường dạy nếu trí tuệ chưa hiện tiền thì chúng ta chưa trị được những vọng tưởng đó. Quả thực như vậy, chỉ khi nào trí tuệ đầy đủ mới hóa giải được chúng. Ví dụ có người chửi cha mình, nếu không có trí tuệ ta sẽ dùng lời gì đó nặng nề hơn để chửi lại họ. Bây giờ học Phật rồi, ta đừng dùng cách ấy mà hãy nhớ trong kinh Phật có dẫn sự kiện: Như người không có răng, lưỡi ngắn, môi dưới sứt chỉ còn một phần ba thôi, họ sẽ phát âm chửi cha mình ra sao? Nếu phân tích cụ thể như thế, chúng ta sẽ giảm đi ý muốn trả đũa lại. Kế đến cộng thêm công phu buông bỏ nữa thì ta có thể giải quyết ổn thỏa được. Cách này gọi là dùng trí dụng để tu.

Trí dụng kiếm ở đâu? Không thể kiếm ở đâu được hết, mà tự nơi chúng ta có cái nhìn, cái hiểu, sau đó áp dụng giải quyết mọi việc trong cuộc sống hằng ngày, gọi là trí dụng hiện tiền. Phật nói trí này tất cả chúng sanh đều có sẵn, không phải đầu tư vốn liếng bên ngoài, nhưng với điều kiện vọng tưởng lặng xuống nó mới hiện ra. Nếu chúng ta không phát huy được trí dụng này thì phiền não dài dài, tu hành ít có niềm vui lắm. Cứ hướng theo hình thức bên ngoài, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này bất bình đẳng, từ đó mình sanh ưu não. Ngược lại dùng trí quán để xem xét thật tướng của các pháp thì tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Thế nên người nào tu sống với trí quán này sẽ thấy cuộc đời an vui, hạnh phúc, không có gì phải muộn phiền thất vọng cả. 

Hiểu như vậy tự nhiên sẽ hóa giải được tất cả. Tự quay lại nhìn sâu hơn một chút là cái nhìn trí tuệ, không bị tác động bởi hình thức bên ngoài. Nhà thiền gọi đây là phản quan, từ hiện tượng quay về bản thể, cái nhìn này rất cần thiết đối với chúng ta. Nếu chúng ta có được cái nhìn như vậy sẽ được bình an.

Mỗi người đều có viên trạm thường tính, tức là chơn tâm. Cái viên trạm thường tính đó rất sáng suốt, được cất trong một ngôi nhà có sáu cửa. Ánh sáng đó phát ra sáu cửa tức là sáu căn của chúng ta. Muốn tiếp nhận cái viên trạm thường tính này thì phải ngay cửa sáu căn nhìn lại, mới nhận được cái viên trạm thường tính hay là chơn tâm của mình. Người nào từ sáu cửa mà nhìn ra ngoài thì chỉ thấy đường sá, xe cộ, người thương, kẻ ghét, chớ không thấy được chơn tâm của mình. Đó là tinh thần Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm.

 Các Thiền sư đời Trần dạy chúng ta phải phản quan tự kỷ. Chỉ một chút xíu đó thôi, hễ nhìn ra là khổ đau, là tạo nghiệp. Còn quay lại chiếu soi chính mình thì sẽ được bình an. Lục tổ Huệ Năng khi được Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang tới chỗ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền nhận ra mình có cái tâm chân thật. Ngay lúc đó Ngài quá thích thú thốt lên “Đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đầy đủ, rỗng sáng…” Tánh giác này tất cả chúng ta đều có đủ. Nhưng có điều mình cứ lao ra ngoài nên không nhận được của báu trong nhà, chỉ biết ở bên ngoài. Của báu trong nhà không biết, chỉ biết chuyện tào lao của người khác thì cái biết đó không cần thiết, nếu không nói là vô ích.

Từ những hiện tượng trong cuộc sống này, nếu chúng ta quay trở về nhận lại cái chân thật của mình, thì lợi ích trước nhất là trị được các tập khí. Kế đến là loại trừ được tà kiến. Người tu trước nhất là tu cho mình, sửa đổi những gì không hay trở thành hay tốt. Tu sửa mình được rồi mới dạy bảo hay chỉ dẫn người khác tu được. Cho nên ngày nào trị được những bệnh của mình, ngày đó tôi rất vui. Dù cho nhà bếp nấu ăn rất dở, ăn không được gì hết mà tôi cũng thấy vui thích trong lòng. Ngược lại ngày nào có những cù cặn bên trong, mình không đủ lực trị nó thì ngày đó dù mâm cao cỗ đầy, ta vẫn thấy bất lực và buồn bã làm sao!

Đối với tất cả những dấy niệm, ta làm chủ được, không bị nó kéo lôi thì thích thú, cuộc sống của mình có giá trị. Còn mình chưa làm chủ được, bên ngoài bị ngoại cảnh kéo lôi, bên trong bị vọng tưởng vây khốn bởi quá khứ, vị lai, thương ghét tốt xấu v.v… lúc đó cuộc sống của ta thật khốn đốn, thật vô nghĩa, không có giá trị gì cả. Khi sống đã như vậy, nói gì đến lúc chết, tâm thần hôn mê hoảng loạn, khổ sở gấp muôn ngàn lần.

Huynh đệ chúng ta khi họp lại năm bảy người, trước sau gì cũng có chuyện phê bình anh này, chỉ trích chị nọ. Ít khi nào ta gặp nhau chỉ ngồi cười thôi, giữ tâm thanh tịnh không thị phi chuyện thế sự bên ngoài. Ai vừa nêu ra vấn đề gì là ta có ý kiến ngay, phải thế này, thế kia v.v… Thời gian kéo dài bao lâu ta cũng có đủ ý kiến để đóng góp như thường. Tôi mong sao có một buổi họp mà tất cả huynh đệ chúng ta ngồi yên nhập định bất động thì hay biết mấy. Hiện tại bây giờ chúng ta còn ồn ào quá.

Người huynh trưởng dẫn đạo chúng ta thường là người luôn luôn trực tiếp bên mình để hướng dẫn, nâng đỡ chúng ta cùng tu. Người đó không có môi mép, không có răng lưỡi, không phát biểu gì cả mà việc nào cũng đả thông hết. Người này chấm dứt mọi tà kiến. Chúng ta đừng quan niệm tà kiến là những ma mị bên ngoài. Tà kiến là những cố chấp của mình, cho thế này, thế nọ, phải như vậy, như kia. Bỏ hết những ý kiến riêng tư, đừng nghĩ mình là gì hết thì sẽ yên thôi. Như vậy mới giữ được công phu tu hành.

 Cho nên chúng ta phải luôn luôn soi rọi xét nét, quán chiếu, công phu thường xuyên. Để tiêu hóa những phiền não, để lòng mình mát mẻ thanh lương như nước cam lồ từ cành dương của Bồ-tát Quán Thế Âm rưới lên, chúng ta phải trừ bỏ hết tập khí mới được. Người tu chúng ta luôn luôn mong mỏi mình được an tâm, vui vẻ mà những điều kiện chính để được an tâm không có thì làm sao thành tựu được sở nguyện. Cho nên chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trị các tập khí của mình, phá vỡ những quan niệm sai lầm đối với chung quanh, đối với các pháp. Chủ yếu hằng ngày chúng ta hóa giải những bực bội trong tâm bằng sự thiền định liên tục. Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói nín động tịnh gì cũng thiền. Đỉnh cao của người tu thiền là như vậy.

Người có trí tuệ là có năng lực chủ đạo phá tan vô minh. Người có trí tuệ là người đơn độc không bằng hữu, tức là đối với tất cả các pháp không dính mắc, không để nó kéo lôi. Đơn độc là như vậy, không bằng hữu là như vậy. Trên đoạn đường tu hành của chúng ta, sự siêng năng liên tục cũng là một yếu tố mang tính quyết định. Tức là gan dạ và quyết tâm là điều không thể thiếu được. Có nhiều vị nói với tôi: “Tại sao con tu hoài mà cũng trầm trầm như vậy?” Tôi có thể đáp ngắn gọn là tại vì chưa hội đủ điều kiện.

Có ai dám nguyện với Phật cho con nhiều phiền não không? Không ai gan như vậy đâu. Ta cứ tạo duyên cho mình phiền não, rồi lại nguyện với Phật cho con hết phiền não, làm sao mà hết được? Nguyện một đường làm một nẻo, thì đáp số không bao giờ đúng với sở nguyện của mình. Cho nên tôi định nghĩa con người trí tuệ hơi lạ một chút: Người trí tuệ là người sống cô độc, không có bằng hữu. Người tu chúng ta phải sống cô độc nghĩa là quay trở lại với chính mình, không tiếp duyên bên ngoài. Chớ không phải nói sống cô độc rồi huynh đệ về đóng cửa hàng rào hết, như vậy không được. Đơn độc ở đây là đơn độc trong tâm của mình. Những hình ảnh thuộc về quá khứ không thật, quên đi! Những hình ảnh của tương lai chưa đến, đừng nghĩ tới. Sống với chính phút giây hiện tại này, đây gọi là sống đơn độc, sống trí tuệ. Kinh Kim Cang, Phật đã dạy: “Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được”. Thành thử ở đây những dấy niệm nào của quá khứ, ta biết đây là bọn bằng hữu đã qua rồi, cho nó đi luôn. Những ước vọng của tương lai, ta biết nhóm này là bằng hữu của vị lai chưa có mặt, cho nó đi luôn thì yên. Người tu có trí tuệ là phải như vậy, chứ không phải học nhiều kinh, có nhiều bằng cấp. Sống được với tánh giác, làm chủ được mình, là người có trí tuệ.

Định của người có trí tuệ là luôn tỉnh sáng trong mọi sinh hoạt, nấu cơm, đi chợ mua thức ăn, đổ bê tông, làm tất cả công việc mà bất động, không bị lay động mới là định của thiền tông. Trong kinh nói “Na-già đại định” chính là định này. Không phải chúng ta đóng cửa, bịt lỗ tai, che mắt lại, không thấy bên ngoài, không tiếp xúc với ai hết mới được định. Ở trong đại định vẫn sinh hoạt bình thường. Tu nghĩa là sửa đổi cách thức sống của mình như thế nào để đừng bị những lăng xăng bên ngoài kéo lôi, phiền não lắng yên, mọi thứ đều an bày, các pháp là như thế.

Như như bất động đối với các pháp nghĩa là, mình là mình, các pháp là các pháp. Tôi không để tâm vọng chạy theo cảnh duyên, dính mắc cảnh duyên. Cũng không cho cảnh duyên kia ập vào tâm, làm đảo lộn cái bình thường. Tâm, cảnh không dính nhau là như như, là thiền. Chúng ta tu để được như như. Hòa thượng thường dạy chớ vọng tưởng, là đừng bị những cảnh duyên bên ngoài kéo lôi. Bỏ thân này mà chúng ta chưa được như như, thì sẽ bị nghiệp kéo lôi. Chính nghiệp kéo lôi đó là gốc của luân hồi sanh tử.

Như trong kinh Nhân Quả nói: Người gây tạo những nghiệp nhân bất hảo, khi mất thân này, họ thấy bên ngoài trời chuyển sấm sét giống như cọp beo gầm hét rền trời. Họ sợ quá, không biết chạy đi đâu, cuối cùng thấy những chỗ lùm bụi liền núp vào để trốn. Vừa vào đó liền thọ thân sau. Mở con mắt ra thì thấy mình mang lông đội sừng hoặc làm bò làm chó, làm rắn làm rít… khổ sở vô cùng. Kinh nói Bồ-tát cách Ấm còn phải ngán, huống là chúng ta không chuẩn bị gì hết, tới lúc đó nguy khốn biết bao!

Các huynh đệ thử nghiệm xem mình có được như như không? Hằng ngày công phu tu hành như thế nào? Chúng ta phải chuẩn bị thôi, ông ba mươi không cho hẹn đâu. Những ai ngoài năm mươi, sáu mươi thì thấy gần đến giai đoạn thọ thân sau rồi đó, không chịu chạy nước rút, còn chấn chờ gì nữa. Nếu hồi trước có thiếu nợ ai thì bây giờ vui trả hết đi, người ta đòi mình còn mừng nữa, chớ đừng sợ. Trả hết nợ mới thảnh thơi hưởng an vui chứ! Trong kinh Địa Tạng, Phật nói rõ ràng, chí thân như cha với con gặp nhau cũng là nghiệp. Của ai nấy mang, gông ai nấy chịu, đường ai nấy đi, chứ không giúp đỡ gì cho nhau được.

Trả hết nghiệp rồi đừng huân nghiệp mới nữa, là một cách trừ tập khí. Luôn sống trong tỉnh thức, việc nào ra việc ấy. Đừng có ăn cơm mà trong đầu nghĩ lung tung, miệng tụng kinh mà tâm chơi rong. Có lời nguyện thế này “Tâm tôi rộng lớn, siêng năng không biết lười ắt sẽ làm lửa tắt. Nếu như chết thân này mà chưa làm tắt được ngọn lửa, thì thọ thân sau quyết làm cho tắt mới thôi”. Lửa đây là lửa phiền não, những vọng tưởng lăng xăng. Chúng ta tu hành nguyện đời này và mãi mãi, phải dập tắt cho được lửa phiền não thì mới yên lòng.

Lại nguyện thế này nữa: “Nguyện con có chí hành đạo, quyết vượt mọi khó khăn, dù phải dời núi lấp biển cũng không bao giờ thối chí. Lời nguyện này xuất phát từ những ý chí quyết liệt để giúp cho chúng ta có sức mạnh phá tan phiền não, dứt trừ sạch tập khí, thẳng bước tiến đạo. Nếu nguyện thì nên nguyện như thế, chớ không thể nguyện lúc tôi chết có mẹ tôi đứng bên, có người thương tôi tới khóc, bạn bè phúng điếu hương hoa đèn nến thật nhiều… Mình nguyện nương từ lực Bát-nhã của chư Phật mà hành đạo cho đến khi nào đạt đạo mới thôi!

Sau cùng tôi nhắc lại lời Hòa thượng dạy chúng ta: Người tu phải có tâm kiên cố, trường viễn, có ý chí mãnh liệt, không biết mệt mỏi. Hằng ngày thường dùng trí tuệ quán chiếu lại mình, xem công phu có tiến bộ không? Có ý chí, có quyết tâm, có trí tuệ thì nhất định chúng ta tu hành sẽ thành công.

[ Quay lại ]