HOÀN THIỆN CHO MÌNH
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng tám 2009 08:14
- Viết bởi nguyen
Buổi sinh hoạt đạo lý hôm nay, chúng tôi sẽ nói về những điều kiện cần thiết để hoàn thiện cho chính mình, làm sao chúng ta phát huy được công phu tu hành đi đến kết quả tốt đẹp nhất.
Là đệ tử Phật, được học hiểu chánh pháp, biết áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình, nên biết ta có phước rất nhiều. Bây giờ cố gắng nỗ lực công phu cho đúng với những gì mình đã được học hiểu, sớm hoàn thiện cho mình là mục tiêu chánh yếu của người tu chúng ta.
Có rất nhiều phương pháp tu tập, nhưng hành trì được hay không lại là một vấn đề khác. Bởi thế Phật tử cần phải nghiên tầm, xem phương pháp nào thích hợp với mình, ta ứng dụng đạt được lợi lạc thì mới nên hành trì.
Như Phật tử đã biết, mỗi chúng ta đều có nghiệp tập, căn khí, chủng tử riêng, không ai giống ai cả. Muốn hóa giải những nghiệp tập này, nhất định chúng ta phải vận dụng một năng lực dũng mãnh mới đẩy trôi những cù cặn trong lòng mình được. Ở đây tôi muốn nói đến “Đức nhẫn” của người con Phật. Muốn thành Phật, muốn chấm dứt khổ đau, được an vui vĩnh viễn, nhất định chúng ta phải sấn bước, phải có công phu trong mọi hoàn cảnh thuận cũng như nghịch. Bởi từ lâu do ngu mê nên ta tạo nghiệp, chấp nhận sự tăm tối, lầm lũi đi trong sự tăm tối. Bây giờ muốn thoát ra phải có thời gian, rất cần đến đức nhẫn nhục, chịu khó bền chí.
Sự vô minh tăm tối đó không phải của ai đưa đến cho chúng ta, mà do chính mình lầm mê, không nhận ra lẽ thực nên rồi gây tạo. Đã biết như vậy thì bây giờ nhất định chúng ta không để bị lầm nữa, không để mình trôi giạt trong vòng vô minh đó nữa. Nội quyết tâm này cũng tiêu biểu cho đức nhẫn. Nhờ đức nhẫn mình có thể khắc phục được nóng lạnh đói no hoặc những điều bất như ý, những chướng duyên ngăn cản việc tiến đạo của chúng ta. Đó là người khéo sử dụng đức nhẫn trong công phu tu hành. Bây giờ làm sao trong mọi thời, mọi sinh hoạt chúng ta nói năng làm việc, tiếp cận tất cả công việc, mà đầy đủ tỉnh sáng, đừng bị trôi lăn bởi những thứ ăn ngủ, tiếp khách, làm việc, nói năng, sinh hoạt đó. Người nào áp dụng được như vậy, tuy không nói tu nhưng đã là tu rồi.
Hòa thượng thường dạy chúng ta sống với tánh giác. Vậy tánh giác là gì? Tức là năng lực giác biết của mình. Làm sao chúng ta sống được với tánh giác đây? Bởi từ lâu mình bị chao đảo, bị lung lay chạy ngược xuôi theo những hiện tượng lăng xăng, ít khi nào sống được với tánh giác của mình. Tuy nó hằng hữu nơi chính mình, nhưng ta bỏ quên lâu quá, bây giờ nhận lại thấy khó, chớ thật ra việc này không phải khó. Do vậy người nào bảo vệ được, sống được với tánh giác, làm chủ được mình trong mọi thời, mọi sinh hoạt là người có đức nhẫn. Tức là kiên nhẫn, gan dạ bỏ được những thói quen si mê để quay về nhận và sống với tánh giác sáng suốt.
Người thường nhẫn nhịn trong lòng không cưu mang tâm ác hay các ý niệm xấu. Trên thực tế tu tập, trước nhất những ý niệm ác giảm thiểu, rồi từ từ nó mới mất hẳn. Người tu hành bất luận trong hình thức nào, xuất gia hay tại gia mà những ý niệm ác, lăng xăng điên đảo giảm thiểu là tốt. Người xưa nói: “Gắng làm các việc lành, gắng bỏ các điều ác”. Những ý niệm không tốt, những lăng xăng điên đảo, những ác niệm không còn manh nha phát triển nữa là chúng ta bắt đầu có sự chuyển hóa lớn trong tâm thức.
Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, chúng ta tụng kinh, ngồi thiền, tiếp khách, thụ trai, làm công tác… những ý niệm ác không có cơ hội ngoi đầu lên, không dẫn ta đi đâu được hết là mình bắt đầu có năng lực, có công phu rồi đó. Tức là phát triển điều tốt, không phát triển điều xấu. Nói thế nhiều người bảo tu như vậy là còn lưỡng nguyên, chưa phải rốt ráo. Thưa quí vị, con đường nào dẫn đến nhà cũng không phải là nhà cả. Nhưng nếu không có con đường để đi, làm sao chúng ta trở về nhà được. Mình vốn làm cùng tử lang thang bao đời kiếp rồi, bây giờ quay lại phải lần mò từng chặng từng lối mà đi chứ. Trước không dùng phương tiện, làm sao đến được chỗ rốt ráo? Chỗ cứu kính không có ngôn từ, đối đãi thật, nhưng muốn đến được chỗ đó phải mượn nhiều phương tiện lắm. Chúng ta tu Phật lưu ý đừng lầm chỗ này mà trở thành những kẻ lý luận suông.
Chúng ta nói những gì có thể thực tập được, chứ không phải nói để nghe cười chơi. Như vậy lời nói và việc làm mới có giá trị thiết thực. Phải biết mình cần tu như thế nào? Không thể nói ăn chay một tháng năm ba ngày gọi là tu. Một năm đi chùa đôi ba lần gọi là tu hay mỗi ngày tụng kinh, ngồi thiền đôi ba thời gọi là tu. Làm sao đối với tất cả những dấy niệm chúng ta làm chủ được, không lầm chạy theo nó, đó là tu, là công phu. Hiện tại mình chưa làm được, chưa có công phu thì bây giờ từng bước khắc phục. Như tôi đã nói ở trên, việc ăn, việc ngủ, tiếp khách, tụng kinh, tọa thiền, làm sao đừng bị niệm tưởng lăng xăng điên đảo dẫn kéo, tức là mình có đức nhẫn. Nhẫn cái gì? Nhẫn chịu sức lôi cuốn hấp dẫn của các dục bên ngoài và vọng tưởng bên trong. Cho nên đức nhẫn là sức mạnh tinh thần đầu tiên của người tu.
Người gầy dựng được tâm thiện có thể phá vỡ ngay sào huyệt của những ác niệm, không cho nó hình thành và phát triển. Hòa thượng thường dạy cho chúng ta thấy rõ ba nghiệp thân, miệng và ý; trong đó ý là gốc. Nó không có hình tướng nhưng lại là chủ trì bên trong, tham mưu cho thân và miệng tạo nghiệp. Nếu chúng ta không tu sửa ngay ý, nó sẽ phát ra nơi miệng và thân những tư tưởng và hành động lăng xăng điên đảo. Sở dĩ cái miệng nói những điều xằng bậy là do ý chủ động xúi bảo, thân làm những điều sai trái là do ý ra lệnh. Cho nên chúng ta phải nhắm ngay ý mà tu, làm chủ được ý là làm chủ được tất cả. Người có công phu là người sửa được ý xấu thành ý tốt, sửa ý dong ruổi theo ngoại trần thành ý thanh tịnh trong lặng. Do đó người có công phu tu tập luôn trầm tĩnh, giàu sức chịu đựng, trong mọi hoàn cảnh lúc nào họ cũng bình thản an nhiên. Đó là thể hiện giai đoạn đầu của người có đức nhẫn.
Giai đoạn thứ hai, người phát huy được đức nhẫn thì phát huy được thiện lực, tức là có đầy đủ sức mạnh làm điều tốt. Điều thiện đã được phát huy thì việc ác phải thối lui, giống như ánh sáng tới đâu thì bóng tối lùi tan tới đó. Tâm thiện đã có năng lực lớn thì mọi vô minh tăm tối không làm gì mình được nữa. Người con Phật xả bỏ, làm chủ được đối với vô minh là một vinh dự, một niềm vui lớn. Không có niềm vui nào sánh bằng. Tôi nói thế để làm gì? Để chúng ta phấn đấu tu tập cho đạt được sự an lạc nội tại, niềm vui chân thật trong tâm, chứ đừng tu lấy lệ, giẫm chân tại chỗ hoài. Tu phải có tiến chứ!
Như trước kia sự kiện đó đến với mình, ta hoàn toàn bị mất hút, không có chút tự chủ nào, không chịu đựng nổi, nhưng bây giờ nhờ tu tập mình giữ được sự tỉnh táo, làm chủ phần nào, không để nó kéo đi mất hút. Từ nền tảng đó ta gầy dựng dần và tiến lên. Tu là như vậy, chớ đừng nghĩ rằng phải biết quá khứ vị lai, phải bay lên trời hay lặn xuống biển, làm chuyện nọ chuyện kia phi thường. Những việc đó quỷ thần thiên ma ngoại đạo làm rồi, còn chuyện trị bệnh loạn tâm điên đảo, vọng tưởng si mê nó không trị được. Chúng ta tu không làm những việc của quỷ thần làm, mà nhắm trị cho dứt mầm bệnh si mê điên đảo. Chính các Tổ sư Việt Nam đã dạy chúng ta phải xoay lại quán chiếu mình, đừng chạy theo những thứ bên ngoài. Quan trọng từ nơi mình đây. Thành ra điểm thứ hai, người có sức mạnh công phu là người phát triển thiện lực. Chúng ta gần gũi được những vị này sẽ thấy năng lực lành của họ tỏa ra làm tươi mát cả mình.
Sức mạnh sau cùng là giai đoạn thứ ba, đức nhẫn hoàn thiện trong công phu tu hành. Sức mạnh hoàn thiện đó lạ thường lắm. Lạ thường như thế nào? Vì nó có năng lực rất lớn, lợi ích rất lớn không chỉ cho bản thân chúng ta, mà còn tác động đến mọi người. cũng vì tầm lợi ích lớn lao như thế nên gọi là toàn thiện. Giai đoạn thứ ba này là giai đoạn người đã làm chủ được, đã đầy đủ đức nhẫn, đã có một thiện lực hoàn bị. Bấy giờ tư cách của người đó sáng chói. Vì vậy đối với những bậc tôn túc có năng lực, tự nhiên chúng ta kính nể, quí trọng, khi gần gũi cảm thấy yên ổn.
Một con người thực sự hoàn thiện thật là hiếm có giữa cõi đời này. Nên người xưa thường nói: “Nhân vô thập toàn”. Điều này nói lên con người ai cũng còn sự bất toàn. Bởi chưa hoàn toàn nên chúng ta cầu toàn trong vòng thế gian tương đối toàn không bao giờ có. Cái hoàn toàn đó chỉ có thể tìm được ở những người có công phu tu hành, tự khai thác phát huy cái toàn diện chân thật nơi chính mình. Nói rõ hơn, bao giờ chúng ta liễu ngộ thật tướng của các pháp, sáng đạo và sống đạo thì mới vượt lên trên cái bất toàn đối đãi của thế gian.
Sống lại với tâm chân thật không sanh diệt của mình là sống thật với mình và hoàn thiện với tất cả mọi người. Bởi vì lúc đó ta không tạo nghiệp thương ghét, hơn thua thì làm gì có việc bất như ý, bất toàn cho mình cho người? Người có được sức chịu đựng, sức nhẫn thì giai đoạn đầu xả bỏ hết những tâm niệm xấu. Giai đoạn thứ hai là thiện lực của người đó hoàn chỉnh. Giai đoạn ba là hành giả làm chủ mình hoàn toàn, hoàn thiện công phu. Thời gian của ba giai đoạn này dài ngắn không biết là bao nhiêu, không thể tính được, tùy sự tu tập của mỗi người.
Trong khi tu, chúng ta nên nhu hay nên cương, nên cứng hay nên mềm? Thật ra, không nhất thiết phải nhu cũng không nhất thiết phải cương. Nhu hay cương tùy thời, tùy cảnh và tùy mình. Tuy nhiên mỗi thứ đều thể hiện sức chịu đựng, đức nhẫn bên trong, đó mới là gốc gác. Đôi khi sự mềm dịu lại thắng được cứng rắn. Chẳng hạn như chúng ta không cần phải trừng trợn với vọng tưởng, bởi vì nó là vọng tưởng mà. Mình chỉ cần biết nó không thật thì nó tự tan, không cần phải đấm đá hay mắng chửi vô ích. Quan trọng làm sao chúng ta có nội tại vững vàng, trí tuệ và năng lực sung mãn thì điều trị nó dễ dàng, nhẹ nhàng.
Ví dụ như chúng ta đang ngồi đây, chợt trong tâm dấy lên niệm muốn về thành phố, bây giờ phải làm sao? Ta không thể nào lôi niệm đó ra thoi cho nó một cái, mà phải tỉnh táo biết nó là điên đảo loạn tưởng, đừng theo thì được rồi. Nó dấy lên bao nhiêu thứ trong cuộc đời này mình cũng không theo, tâm vẫn bình thường, an nhiên, mềm mại, nhu hòa, bởi vì mình biết nó không thật. Nếu không thực tập được như vậy, chúng ta sẽ rơi vào một trong hai trường hợp này: Một là mất mình vì chạy theo những thứ lăng xăng. Hai là chiến đấu với hư không.
Chiến đấu với hư không thì như thế nào? Chúng ta thử tưởng tượng một người cầm gươm nhắm trong hư không mà vút, chắc kẻ ấy cũng không được bình tĩnh lắm đâu. Hư không là cái gì mà đánh nó? Biết nó là hư không thì được rồi. Cũng như chúng ta không cần đem những món vàng giả đã chế tạo thành vật trang sức đập nhừ hoặc thảy nó xuống sông. Điều này không cần thiết. Dù thiên hạ có chế bao nhiêu ngàn tấn đồ giả cũng chẳng có giá trị gì so với đồ thật. Chỉ có điều mình phải có đôi mắt sáng, thiện nghệ, cái nào giả biết giả, đừng đắm theo, đừng muốn hốt về mình thì được rồi. Chớ không cần thiết phải đem nó đổ đi đâu hoặc bầm dập cho khuất mắt.
Chủ yếu của người tu hành là làm sao có năng lực, có sức mạnh để khắc phục chính mình trước ngoại cảnh bên ngoài cũng như vọng tưởng bên trong. Ví dụ nghe người ta chửi mình nhịn được, người ta lấn lướt mình nhịn được. Điều này tuy khó nhưng không hẳn khó lắm. Cái khó là khi đối diện trước những thứ mềm mại dịu dàng, dễ thương, ta không nhẫn được. Ai tu được với các duyên loại này là người có sức mạnh lớn, không phải dễ đâu. Đôi khi những việc khó khăn như trèo đèo lội suối mình làm, nhưng đi qua những vùng đất sũng mềm ta chịu thua. Các trường hợp này xảy ra thường lắm, chúng ta cần nên dè dặt chớ xem thường.
Ở đây người con Phật phải biết sử dụng trí tuệ một cách thiện xảo. Dùng trí tuệ phân biệt biết rõ ràng cái gì thật cái gì giả. Phật nói những gì không thật mình biết, những gì thật mình biết, như vậy mới tu được. Chúng ta nhận và hiểu trái lại với điều Phật nói, xem như việc tu khó thành tựu. Có những điều chúng ta hiểu đúng theo lời Phật dạy mà còn chưa áp dụng được hết, hiệu năng chưa đạt bao nhiêu, huống là hiểu sai và làm sai. Cho nên người tu Phật phải dè dặt cẩn trọng, không thực hành những gì khác với lời Phật dạy, cũng không nên chấp kẹt nơi pháp Phật dạy. Có thế hy vọng chúng ta tu tiến.
Thật ra người sử dụng được trí tuệ nhuần nhuyễn thì việc tu rất nhẹ nhàng mà kết quả lại cao. Lấy nhu nhuyến đối trị lăng xăng chộn rộn, tuy thấy ngồi yên nhưng lại đang dũng cảm cắt đứt muôn duyên bên ngoài. Người này phải có một sức mạnh bên trong rất lớn, có đầy đủ sức tỉnh táo sáng suốt để khắc phục những tâm tưởng cuồng loạn của mình. Thiếu nội tại vững vàng bên trong mình sẽ bị những thứ bên ngoài nhận chìm tức khắc, không thoát được.
Đối với các cảnh duyên trong thời thường đây, làm sao chúng ta làm chủ được. Sức mạnh ấy không do thần thánh nào đem lại, đó là sự tỉnh và sáng, một thứ năng lực có sẵn nơi chúng ta. Chỉ cần biết lấy ra dùng thì mình không bị giả duyên giả cảnh sai suyển kéo lôi. Khéo tu tập với trí tuệ chân thật của chính mình, tuy thấy mềm nhưng lại có một sức mạnh phi thường, khắc phục được tất cả những lăng xăng điên đảo của mình. Quí vị thấy, cái răng nó cứng nhưng rụng, cái lưỡi mềm nhưng không rụng. Đó là công dụng kỳ diệu của người biết lấy nhu thắng cương.
Tất cả chúng ta đều biết, do vọng tưởng mà mình luân hồi sinh tử, si mê điên đảo. Từ si mê điên đảo lại phát sanh vọng tưởng, cứ loay hoay lẩn quẩn trong đó, không thoát ra được. Bây giờ biết rõ như vậy, chúng ta phải thoát ra như thế nào? Lối thoát đó không chi khác hơn là phải thức tỉnh, làm chủ được mình. Do đó tôi mới nhấn mạnh về việc tự hoàn chỉnh cho mình. Tuy điều đó còn mang tính lý tưởng, nhưng không phải là bất khả thi. Chúng ta bị phiền não điên đảo kéo lôi nhưng chúng là hư giả, còn trí tuệ tuy chưa sáng hoàn toàn nhưng đó là cái chân thật sẵn có, không bao giờ mất. Cho nên chỉ cần ta nhớ lại, quán chiếu trở về mình thì vọng tưởng phiền não lập tức tan ngay, chúng không làm được gì mình. Nắm vững yếu thuật đó, nỗ lực công phu thì việc tu không khó lắm. Ngặt nỗi chúng ta cứ quên quay trở lại, mà hay phóng ra ngoài. Quí vị kiểm lại xem từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều tới tối, mình quên mất tiêu, cứ bị trần cảnh điên đảo vọng tưởng kéo đi hết ngày này qua ngày khác, nên rồi tu hoài không thấy kết quả gì. Thế nên huynh đệ nên thường xuyên nhắc nhở nhau, động viên nhau mãnh tỉnh, đừng để vọng tưởng lừa gạt nữa.
Khi thực tập đức nhẫn cần phải có thêm các tùy pháp hỗ trợ. Những tùy pháp đó là gì? Chữ “Tùy” tức là tùy theo, ở đây muốn nói đến những phương tiện bổ sung cho việc tu hành của chúng ta mau đạt kết quả tốt. Tùy pháp thông thường nhất là niềm tin đối với chánh pháp. Bởi vì khi nghiệm lại chính mình, ta chưa tin hoàn toàn lời của Phật thì không thể tu tập theo sự hướng dẫn của Ngài. Ví dụ Phật nói tất cả chúng sanh đều có tánh giác, mỗi người đều có hòn ngọc bảo châu vô giá. Nếu ai tin trọn vẹn như thế thì nỗ lực siêng năng phát huy tánh giác ấy. Song chúng ta thường có bệnh, nghe thì nghe, hiểu thì hiểu nhưng nhận ra để hằng sống với cái Phật dạy thì chưa có niềm tin vững chắc lắm. Đó là một trong những lý do khiến cho công phu của chúng ta trì trệ, có khi còn lui sụt nữa. Do đó niềm tin đối với chánh pháp rất quan trọng.
Khi tu đúng chánh pháp rồi, chúng ta không sợ rơi vào ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Phật thường nói với chư Bồ-tát thế này: “Các ông không chịu vô địa ngục thì ai vô cứu chúng sanh trong đó”. Nếu không đủ trí lực, dũng lực chắc chắn các Ngài sẽ sợ, không dám vào địa ngục. Thế thì chúng sanh trong đó không bao giờ được cứu thoát và chính các Ngài cũng không thể tròn bản nguyện tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn để tiến lên Phật quả. Cho nên sợ thì làm sao vào địa ngục được! Thành ra niềm tin đối với chánh pháp là điều tiên quyết để chúng ta tiến đạo.
Người tu Phật nếu niềm tin không vững vàng, công phu còn lệch lạc thì khó thành tựu sở nguyện giác ngộ giải thoát. Như tôi thường nói từ đây muốn về Vũng Tàu, thay vì ra khỏi cổng Thường Chiếu rẽ trái, quí vị lại quẹo phải thì nhất định lạc đường thôi. Đi như vậy chẳng những không về được Vũng Tàu mà còn cách xa Vũng Tàu hơn vị trí mình đang đứng. Cũng thế, tu hành không có đường lối rõ ràng, không có niềm tin vững vàng chẳng những không tiến mà còn cách đạo rất xa. Nên nhớ giữ đức tin nơi chánh pháp không bị sai suyển, như tin rằng mình tu theo Phật thì sẽ thành Phật, nhất định như thế chớ không thành gì khác hơn.
Lập chí tu hành trải qua rất nhiều thử thách, không phải ai tu cũng được như nguyện hết. Có người hồi chưa tu mạnh khỏe lắm, tới chừng phát tâm tu rồi, bệnh thôi là bệnh. Hoặc nhiều thiền khách sau khi xuất gia, bao nhiêu năm đi gõ cửa các vị thiện hữu tri thức để học hỏi, cuối cùng nhận định chỉ có ở yên một chỗ hành trì Phật pháp mới được lợi lạc thiết thực. Vị này sau khi có được chỗ hành trì tương đối như ý mình thì bắt đầu bệnh, bệnh tới đi không nổi nữa. Những lúc nguy ngặt như thế, nếu không lập chí, không vững niềm tin đối với chánh pháp sẽ thối lui bỏ cuộc. Niềm tin đó trong kinh gọi là “Tịnh tín”. Chữ “Tịnh” là trong sạch, trong vắt, thanh tịnh không gì làm nhơ nhiễm được.
Xưa có một vị Tỳ-kheo tu hành rất đắc lực, nhưng lại mắc chứng bệnh kiết lỵ. Nó hành thầy tới không còn cất đầu lên nổi nữa. Từ đó thầy phát nguyện: “Nếu như đại nạn đến, con phải bỏ thân tứ đại này, dù có bị rơi vào địa ngục con nguyện vẫn giữ vững chí nguyện tu hành. Bao giờ hết nghiệp trong chốn địa ngục con sẽ trở lên tiếp tục tu hành cho tới ngày viên mãn mới thôi. Con tin chắc rằng con có Phật tánh, con nguyện sống lại với tánh giác đó, không có cái nào khác hơn”. Khẳng định như thế, tuy kiệt sức nhưng nhờ quyết tâm tu và được sự hỗ trợ của các huynh đệ, sau đó dần dần thầy bình phục, căn bệnh tan biến mất và thầy khỏe mạnh trở lại. Từ đó thầy gầy dựng công phu rất đắc lực và đã đạt được kết quả như nguyện.
Đây là chỗ ách yếu của người tu chúng ta. Bởi vì đôi khi thấy bệnh mệt quá nên ta tự cho phép mình nghỉ tu một bữa. Luôn luôn mệt là chuẩn bị nằm nghỉ. Ví dụ công việc hồi chiều có mệt đó, nhưng tới 6 giờ 30 chuẩn bị tụng kinh, đâu có làm gì mà mệt, nhưng tự nhiên tới giờ đó sao thấy bữa nay mệt quá. Rồi sao nữa? Mệt quá thì nghỉ tụng kinh. Hoặc tới giờ ngồi thiền cũng tự bào chữa bữa nay mệt quá, nghỉ ngồi thiền một bữa. Đó là yếu điểm của chúng ta. Bây giờ làm sao chấn chỉnh công phu, đừng đợi đến lúc bị kiết lị, bị bệnh phổi, bệnh gan… không đứng được, không ngồi được, không nằm được. Ngay bây giờ, chúng ta gầy dựng một sức mạnh liên tục để công phu của mình luôn tăng tiến.
Phật tử nên nhớ đối với thân giả hợp này, mình có chiều nó tới đâu cuối cùng nó vẫn phụ bạc mình. Bây giờ tốt hơn hết ta nên lợi dụng nó để gầy dựng công phu tu hành cho mình. Gầy dựng ở đây theo tùy pháp thứ nhất là phải vững niềm tin với chánh pháp. Nghĩa là Phật dạy như thế, thực hành như thế, chúng ta gắng gổ công phu sẽ được lợi lạc. Dù trời mưa bão hay nóng bức nhọc nhằn, tới giờ ngồi thiền mình gắng ngồi thiền, tới giờ tụng kinh mình tụng kinh bình thường, vui vẻ. Mọi cảnh duyên bên ngoài không làm ngăn ngại công phu tu hành của chúng ta. Được ổn định như thế chắc chắn công phu không thối chuyển mà ngày càng tăng tiến, bảo đảm hiện tại an vui mà mai sau ta làm chủ được.
Phật tử chúng ta có bệnh thường hay đổ thừa, tự viện dẫn lý do này lý do nọ để trốn tu. Như nói giờ giấc, phương tiện như vậy làm sao tu được. Thôi để bao giờ xong việc con sẽ tu. Thưa quí vị, biết đến bao giờ mới xong việc? Và quỷ dữ vô thường có chịu đợi cho chúng ta xong việc không? Điều này quí vị phải tự hỏi lại mình trước đi. Ta huân nghiệp tập chúng sanh nhiều hơn chủng tử Phật mà muốn thành Phật thì thật không hợp lý chút nào. Huân chúng sanh nhiều thì chúng sanh hiện ra, huân Phật nhiều thì Phật hiện ra. Tùy chúng ta thôi. Thành ra đối với người có công phu tu hành, trong giai đoạn đầu phải có niềm tin thật vững. Niềm tin vững rồi ta sẽ thắng vượt được tất cả những cảnh duyên bên ngoài, không bị chết bởi cảnh duyên, không bị gục ngã bởi cảnh duyên. Đó là tùy pháp thứ nhất.
Tùy pháp này nếu đã vững vàng tiến triển thì chúng ta sẽ gặt hái được thành quả tốt đẹp là trí lực hiện tiền. Trí tuệ của mình khỏe lên, đầy đủ hơn, phát huy mạnh mẽ hơn. Ngược lại nếu ải thứ nhất này mà mình xìu xìu, không làm chủ được, không phát huy được thì trần lao phiền não quấy nhiễu, ta sẽ không tiến được làm sao có thể làm chủ mình. Chỉ khi nào trí lực mạnh, ta tỉnh táo sáng suốt, không bị những mê mờ tăm tối điên đảo kéo lôi thì mới hoàn thiện được chính mình. Cho nên trong từng phút giây hằng sáng suốt tỉnh giác mới bảo trì được tánh giác của mình.
Tùy pháp thứ hai là tinh thần hướng thượng. Tại sao phải hướng thượng? Hướng thượng cái gì? Ở đây tôi không nói hướng thượng Niết-bàn, giải thoát, thanh tịnh, chân như… Mà hướng thượng ở đây là nhắm vào một hành trình, mà trên con đường ấy chúng ta là người vững vàng hiên ngang đi thẳng, không bị quật ngã bởi bất cứ những sự kiện gì chung quanh, tiến thẳng tới trước. Dứt khoát người tu chúng ta muốn tiến lên phải gầy dựng cho được giai đoạn thứ hai này. Nếu không như thế trước sau gì ta cũng sẽ bị thoái chuyển. Sở dĩ người tu bị động, bị thoái chuyển là do tinh thần hướng thượng chưa vững. Một khi sự nghiệp giác ngộ đã thoái chuyển thì gầy dựng trở lại quả thật gian nan. Thà là chậm, chứ đừng nhảy vọt sai lệch rồi bị thoái chuyển thì chỉnh đốn lại rất khó.
Do đó giai đoạn thứ hai là giai đoạn mà Phật tử chúng ta phải chín chắn nhìn nhận thật kỹ. Chín chắn để thấy từng bước, từng giai đoạn công phu của mình, không khéo sẽ hỏng việc trước khi hoàn thành đại sự. Quí Phật tử phát tâm đi chùa, làm phước hoặc học hiểu kinh pháp đâu phải ai cũng tăng tiến hết đâu, con số thoái chuyển nhiều lắm. Đôi khi bị một lời nói hoặc sự cố gì đó, tự nhiên buồn lòng bức xúc, không vượt qua được là bỏ cuộc. Thành ra ở đây chúng ta phải phát tâm hướng thượng dũng mãnh, làm sao cho công phu tu hành có một lực tăng tiến. Lực tăng tiến ấy như thế nào?
Giống như trời trưa nắng gắt, một người đang gánh nặng trên con đường xa ngược dốc. Người này không có quyền để gánh nặng xuống ngồi hóng gió hoài. Nếu mệt, chỉ nên nghỉ một tí thôi rồi phải đứng dậy đi tiếp. Biết đường xa thì phải nỗ lực đi mới tới, gánh nặng này cũng nên vất bớt cho nhẹ. Do đó khách bộ hành phải là người khôn ngoan, muốn gánh nhẹ thì thảy ra hết dù ngọc ngà châu báu cũng không ham. Muốn thâu ngắn đoạn đường thì phải bước tích cực, phải đi tới chớ không được dừng lại.
Ở giai đoạn thứ hai, chúng ta phải khởi niệm công phu tăng tiến, không để bị thoái chuyển. Thiếu quan niệm hướng thượng thì việc tu sẽ không đi tới đâu hết. Bởi vì phiền não tập khí, những thứ cù cặn của chúng ta nhiều vô kể, không thể cất giấu ở đâu được, chỗ nào nó cũng lòi ra hết. Ví dụ như đang trong buổi lễ trang nghiêm trước bàn Phật, mọi người đều hoan hỷ tập trung cung kính hướng về đức Phật, nhưng lúc đó có ai kề tai chửi mình là ta nổi sùng tức khắc. Nếu cơn sân bộc phát dữ dội không kềm được, ta có thể gây tại chỗ. Cái sân nó ẩn đâu không biết, hễ có cơ hội là xuất hiện liền, bất cứ chỗ nào. Nghiệm lại đôi khi mình thấy xấu hổ ghê lắm chứ, nổi nóng những lúc như vậy thiệt là tầm bậy. Nhưng không hiểu nó ở đâu nhảy ra nhanh quá, mình không làm chủ được. Nó vọt ra miệng thì ta nói tầm bậy tầm bạ, vọt ra thân thì vung tay múa chân. Thật đáng sợ!.
Bây giờ muốn thắng nó, làm sao chúng ta phải luôn luôn thầm lặng tăng tiến, nhưng tiến mãnh liệt, liên tục mới có năng lực mạnh hơn và dứt trừ được các tập khí. Đó là giai đoạn của tùy pháp thứ hai. Nếu như công phu ở giai đoạn này thành tựu, chúng ta là người đã có niềm tin vững chắc đối với chánh pháp, đã thâm nhập chánh pháp và cũng là người cả quyết đoạn đường tu hành của mình, khẳng định đi lên tới nơi chớ không bao giờ trở lùi lại. Được vậy công phu tu chắc chắn thành công.
Tùy pháp thứ ba là Dũng mãnh. Chữ “Dũng” là dũng cảm, chữ “Mãnh” là mạnh mẽ. Không thể nói tôi đi được đoạn đường đó xong rồi, thôi bây giờ nghỉ một chút. Giả như bây giờ Phật tử đã được tâm an lạc rỗng rang, người ta chửi thấy cũng bình thường. Tuy nhiên như vậy chưa phải là xong đâu, phải làm sao tăng lên nữa, không phải bao nhiêu đó gọi là đủ. Cho nên tùy pháp thứ ba tôi muốn nói ở đây là tâm dũng mãnh, tức phải có sức mạnh mà để nhảy vượt tất cả. Bởi vì trong sinh hoạt thời thường của chúng ta, không phải cái gì cũng bình thường. Cũng như trên con đường dài có nhiều đoạn khác nhau, có đoạn tráng nhựa xe chạy bon bon, nhưng cũng có đoạn còn hố bom, nếu chủ quan ta cứ tưởng đoạn nào cũng êm xuôi hết thì bất ngờ lọt vào hố bom một cái rầm là chết. Cho nên người đã vững niềm tin càng phải dũng mãnh tiến lên. Hòa thượng thường nhắc: “Đi lên dốc núi, chưa tới đỉnh thì chưa được quyền liếc ngó và đứng yên một chỗ. Phải tiến bước, chừng nào tới đỉnh rồi tha hồ ngồi yên hóng gió”.
Nhờ dũng mãnh chúng ta mới có sức mạnh vượt qua tất cả những trở lực, công phu nhuần nhuyễn thâm trầm. Ta thường nghe nói ma cao nhất trượng Phật cao nhất xích. Người có công phu nhiều chừng nào, trở ngại càng lớn chừng ấy. Bởi vậy nếu khinh thường, không mạnh mẽ sẽ bị vấp. Thành ra công năng của tùy pháp thứ ba là giúp chúng ta nhảy qua được mọi trở lực, cuối cùng hoàn chỉnh tư cách, hoàn chỉnh công phu tu hành. Từ đó chúng ta hoàn thiện được mục đích cứu kính trong cuộc đời tu hành của mình.
Bấy giờ cảnh duyên không làm gì được ta, sự đói no nóng lạnh không còn bức xúc nổi thân này, những danh hư lợi dưỡng không thể tác động đến tâm này, tất cả hiện tượng bên ngoài không làm gì được mình cả. Đối với các cảnh duyên, chúng ta nhẹ nhàng bước lên, không trở ngại gì hết. Nhà thiền gọi đây là người bình thường an ổn trong tất cả các cảnh duyên. Cho nên người thâm đạt thật lý không bao giờ trốn chạy, không bao giờ sợ sệt trước bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta thấy các Thiền sư luôn vô úy, vô ngại bởi vì với trí tuệ và thiền định, các Ngài đã tự chiến thắng nội ma phiền não cũng như ngoại ma dục trần cảnh. Noi gương ấy, chúng ta lập chí tu hành quyết không thoái chuyển, thì công phu sẽ có ngày thành tựu, không nghi.
Phật tử nên nhớ trong quá trình áp dụng pháp Phật, quí vị phải thấy rõ từng tâm niệm, từng vấn đề trong từng giai đoạn để định lượng được sự tiến thoái của mình mà có phương pháp sửa đổi. Giống như một người ngồi thiền trước tấm gương to, ngồi nghiêng hay lệch họ thấy rõ ràng và kịp thời sửa ngay thì không mắc bệnh, lại được kết quả tốt. Ở đây công phu tu hành hằng ngày của mình, ta phải nhận định rõ để thực hiện đến nơi đến chốn. Dĩ nhiên mình phải thấy rõ mình hơn ai hết, do đó không được đổ thừa tại hoàn cảnh hay tại bất cứ nhân duyên nào khác đã ngăn cản việc tu tập của mình.
Phật tử nên nhớ Hòa thượng thường dạy “chúng ta có tu là có tiến”, mình quyết tâm tu thì nhất định sẽ thành Phật. Chỗ này trong kinh Pháp Hoa phẩm Thọ Ký, đức Phật đã thọ ký cho các vị đại đệ tử nhẫn đến những người chưa chứng quả, đặc biệt là con gái của vua rồng, tức Long Nữ mới 8 tuổi cũng được Như Lai thọ ký sẽ thành Phật. Đã thế chẳng lẽ chúng ta không thành Phật sao? Phải có niềm tin khẳng định như thế. Một khi nắm vững như vậy rồi chúng ta sẽ không còn thoái chuyển nữa.
Tóm lại muốn hoàn thiện cho mình, trước nhất chúng ta phải có niềm tin với chánh pháp. Từ niềm tin đó ta phấn chấn, không để thoái chuyển tâm cầu đạo giải thoát của mình. Tâm bất thoái đã hình thành đầy đủ rồi thì cần phải dũng mãnh tiến lên, như vậy chắc chắn sẽ hoàn thiện được chính mình. Cuối cùng đến giai đoạn thứ tư, được lược ghi trong mấy câu kệ như sau:
Ta hăng hái tu tập,
Luôn nỗ lực hành trì,
Trong tinh thần tỉnh sáng,
Tiến trọn con đường đi.
Tâm dũng mãnh đã quyết,
Khó khăn ngần ngại gì,
Đời thường tâm rỗng lặng,
Khói mây tan hề chi.
Cuối cùng chỗ ta phải đến và sống được là tâm rỗng lặng. Tất cả chúng ta nỗ lực tu hành ngay trong đời này để thắng vượt được tất cả những vọng tưởng lăng xăng, không bị chúng kéo lôi, đó là bất thoái. Người đã nhận rõ cục diện này, bao nhiêu thứ thịnh suy, hợp tan trong đời thường chẳng còn gì đáng để quan tâm, tất cả đều là khói là mây. Trong mỗi chúng ta chỉ còn lại gì? Tất cả sự việc bên ngoài khi yên lắng hết, chỉ còn lại cái sáng suốt, tinh thần mãnh liệt, làm chủ hoàn toàn trước tất cả mọi điên đảo của thế gian.
Thực hiện được điều này ngay trong đời sống hiện tại đây chính là hoàn thiện cho mình. Chúc tất cả quí vị đều được thành công.