headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 11/01/2025 - Ngày 12 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐƯỜNG VÀO ĐẠO

 Người Phật tử khi tu Phật, trước cần phải biết những cách thức trị tâm, ứng dụng pháp tu vào đời sống như thế nào. Bởi nếu chúng ta không biết rõ đường đi hoặc không nắm được hướng vào đạo thì việc tu khó đạt được kết quả mong muốn. Để giúp Phật tử có đường lối tu hành rõ ràng, buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi sẽ nói về Đường vào đạo.

 

 

 

Hầu hết các kinh điển Đại thừa, Phật dạy người muốn báo ân Phật, muốn làm cho ngọn đèn chánh pháp sáng mãi trên đời thì phải tu. Một chữ tu thôi, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Vì sao? Vì khi Phật tử có nhiệt tâm muốn tu, nhưng không tìm được thầy hay, bạn tốt hướng dẫn tu hành đúng như chánh pháp nên cuối cùng không vào đạo được mà có khi còn cách xa đạo nữa. Đó là những hiện tượng cụ thể trong giới Phật giáo chúng ta hiện nay.

Nếu Phật tử nào tu hành lâu năm nhưng thấy tâm độc không giảm bớt, nghiệp tập của mình vẫn còn dẫy đầy thì phải xét lại xem mình tu đúng chưa. Bởi các bậc tiền bối của chúng ta phát tâm tu hành, hầu hết đều được an lạc giải thoát. Còn chúng ta ngày nay tu rất nhiều năm, làm tất cả Phật sự mà nghiệp tập phiền não vẫn còn nhiều, đó là lỗi tại chúng ta tu sai. Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ để tìm một hướng tiến trên con đường đạo.

Hiện nay Phật tử có suy nghĩ đường vào đạo như thế nào? Điều này người con Phật nhất định phải nắm cho được đường đi nước bước, chúng ta thực hiện tu tập như thế nào để thực sự an ổn. Như tôi đã nói, chủ trương của đạo Phật là giúp cho con người được an lạc, giải thoát, làm chủ mình hoàn toàn. Muốn thế chúng ta phải tự đào xới, sửa đổi, bỏ đi tất cả những gì dở khuyết, chướng ngại cho sự tu của chính mình.

Tuy chúng ta tu ít, nhưng nắm chắc đường lối chủ trương thì ngày thành công nhất định sẽ đến với chúng ta. Như người muốn từ Long Thành về Thành phố Hồ Chí Minh, đường đi biết rõ, phương tiện sẵn có, kinh nghiệm đường đi nước bước dày dặn, dù người ấy đi những loại xe thường hay đi bộ, nhưng đi đúng đường, không sớm thì muộn chắc chắn họ cũng đến nơi. Trái lại nếu người đi Thành phố Hồ Chí Minh mà đón xe tốc hành loại nhanh nhất, chạy ngược ra hướng Vũng Tàu, xe siêu chừng nào thì nó càng đưa họ đi xa với điểm đến chừng ấy, càng đi càng xa gốc. Nên kẻ tu hành mà mê mờ đường vào đạo thì kết quả không thể biết được.

Đường vào đạo chúng tôi muốn nêu lên ở đây là tâm nguyện của chúng ta. Người tu phải phát tâm rộng rãi, tâm đó là tâm chân thật, tâm không tà ngụy, nhất là không dễ bị lung lay bởi những hoàn cảnh bên ngoài. Phát tâm như thế chưa đủ, chúng ta còn phải sáng suốt, tinh tấn liên tục mới mong đạt được sở nguyện ban đầu của mình. Tuy nhiên, trên đường vào đạo nếu không đầy đủ phúc duyên gặp thiện hữu tri thức giúp đỡ, chỉ dẫn đúng chánh pháp thì con đường tu cũng khó có thể đoán định được kết quả ra sao.

Nhiều người đầu tiên đi chùa, đến với đạo bằng những sở nguyện rất bình thường, như muốn được giàu sang, mạnh khỏe, thông minh, sống dai. Nói chung là họ muốn tìm niềm an lạc, cởi bỏ những muộn phiền của trần gian này. Nghe bạn bè rủ rê, họ cũng đi chùa, tụng kinh, niệm Phật để giải sầu. Thời gian sau, thấy không có kết quả, họ lại chuyển sang cúng kính cầu nguyện hay rơi vào các hình thức mê tín, tà kiến. Những người này nếu không kịp thời xét lại những phương tiện tu tập sai lầm của mình thì việc tu tập sẽ dẫn đến hậu quả tai hại vô cùng.

Khi thực hành công phu tu, chúng ta xét thấy phương tiện nào giúp mình tăng tiến đạo hạnh, sự tu hành càng ngày càng được an ổn giải thoát, đó là phương tiện đúng, ta nên sử dụng tiếp. Trái lại những phương tiện nào làm mình chùng bước, sự tu không được an lạc giải thoát, thì ta dừng lại, đừng tiếp tục sử dụng nữa. Ví dụ như mỗi lần làm Phật sự, ta gánh thêm một mớ phiền não, thì thôi gác lại chuyện ấy đi, đừng gánh nó vô nhà nữa. Cứ mỗi lần làm Phật sự gánh về một gánh phiền não, riết đầy nhà toàn là phiền não, cuối cùng mình cay đắng hạ ngữ “Không ngờ trong đạo cũng giống như ngoài đời”. Có rất nhiều Phật tử nói như thế, tại vì mỗi ngày họ gánh về nhà toàn là ve chai, hũ bể. Thật sự tu đạo không phải vậy. Nếu người quyết tâm tu theo một đường lối đúng đắn, thì mỗi ngày mỗi an lạc, chứ không phải buồn phiền như vậy.

Người tu hành phát tâm rộng lớn như thế nào? Như những lời nguyện mà Phật tử thường nguyện: “Nguyện đoạn tất cả phiền não, nguyện tu tất cả pháp lành, nguyện học tất cả pháp môn cao quý của Phật và nguyện độ tất cả chúng sanh”. Những lời nguyện này, quả thật là những lời nguyện chân chính. Phật tử chúng ta nếu có nguyện thì nên nguyện như vậy, không nguyện gì khác hết. Nói thế chứ cũng khó nhớ lắm. Cứ mỗi lần đốt nhang lại nguyện: “Ngày mai con đi đường đừng gặp trục trặc, nguyện buôn may bán đắt, nguyện gặp quới nhân phù hộ”. Nguyện ấy trật rồi, vì nó không có trong Phật pháp.

Muốn không có những việc tai hại cho bản thân thì phải thực hành pháp Phật dạy, tu sửa mình đồng thời cũng phải gan dạ, chấp nhận trả tất cả những nợ nần trước thì mới hết được. Còn nguyện khơi khơi, giao hết cho Phật, Bồ-tát, lâu ngày e quí vị cũng sẽ nghi Phật. Tại sao? Vì nghe nói Phật là đấng giác ngộ, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề, từ bi trí tuệ vô lượng mà con nguyện có một chút cũng không được nữa. Hay là Phật không còn chính hiệu như người ta ca tụng nên nguyện hoài không linh!

Bản nguyện của chúng ta chỉ thành tựu khi nào lòng mình an ổn, có tu sửa. Ví dụ như nguyện Phật cho con bớt khổ, thì mình phải mở rộng lòng tha thứ cho mọi người, buông hết buồn phiền trong lòng thì mới hết khổ được chứ. Còn ta cứ đem vô, nắm lại thì khổ càng thêm khổ, làm sao hết được. Dù có nguyện bao nhiêu cũng thế thôi.

Trong các điều nguyện, có nguyện độ tất cả chúng sanh. Quí vị nghĩ độ hết chúng sanh là như thế nào? Đừng nói hết chúng sanh mà nội bạn bè của mình, độ hết cũng đã khó rồi. Như Phật tử đi chùa được an ổn, mà trong nhà bà con dòng họ có người hay quậy, muốn độ họ, quí vị thử thuyết pháp cho họ nghe đi. Không phải đơn giản đâu. Nói người ngoài nghe thì dễ chứ nói người trong nhà nghe không dễ chút nào. Nếu nói họ không nghe thì mình phiền não, phiền não rồi buông trôi. Đã buông trôi làm sao gọi là độ chúng sanh được.

Thành ra nói độ chúng sanh là mình tự độ tất cả phiền não của chính mình trước. Như ta khởi một niệm nào giúp người mà họ làm trái ý mình, ta liền bực bội phiền người đó, thì nên độ niệm này đi. Trước khi độ người, ta phải tự độ những niệm buồn phiền bực bội của mình về người, thì mới hết khổ. Độ được phiền não của mình rồi, mới có thể độ người ngoài. Bởi khi bớt hoặc dứt sạch phiền não, ta nói họ nghe cũng được, không nghe cũng được, ta không thấy buồn phiền, không mất mình, do đó tâm vẫn an lạc. Nguyện tức là mở rộng lòng mình ra, soi tới soi lui, cuối cùng thấy lời nói không thật, việc làm không thật nên mình tha thứ được hết, tự nhiên hết khổ.

Người tu Phật chúng ta đã phát nguyện rồi thì giữ vững cương lĩnh, thủy chung như một, chư Phật Tổ nhờ thế mà các Ngài thành tựu đạo quả viên mãn. Như chỉ cần phát một nguyện “Nhẫn” thôi, ta cũng có thể thành Phật được như thường. Bây giờ người ta chửi mình, ta cứ mở rộng lòng ra, không phiền gì hết. Nếu vừa khởi niệm phiền, ta liền tự kiểm lại, khám nghiệm xem niệm ấy có thật không, người chửi mình có thật không. Biết niệm ấy là xấu, không thật thì phải bỏ đi, đó là tự độ. Độ là độ chúng sanh ngay trong lòng mình, những ngổn ngang phiền trược, những rối rắm điên đảo, phải độ cho hết, như vậy mới hết khổ.

Hằng ngày chúng ta đối duyên xúc cảnh, đối với bà con thân thuộc, đối với gia đình, đối với xóm làng, đối với xã hội… tất cả những việc ngang trái, những điều uất ức, ta nguyện độ hết. Chúng ta phải gan dạ chấp nhận độ hết, bằng cách là buông bỏ nó đi. Thấy nó không thật, đừng đem nó vào nhà nữa thì trong nhà hết đồ ve chai. Còn ta cứ đem vô hoài, thấy người kia nói xấu mình, người nọ hại mình, ta phải làm cho ra lẽ v.v… Đó là kiểu đem rác rến vô nhà cho nhơ nhớp thêm. Người tu Phật phải là người phát nguyện xả bỏ tất cả những thứ đó.

Phật dạy pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp. Nghĩa là những thứ tốt mình còn phải xả bỏ huống là các pháp xấu ác. Không có quan niệm gì về mọi thứ trên đời thì mới an ổn, mới thành Phật được. Cho nên nói độ mà không độ gì hết, chỉ nó dấy khởi lên ta biết là phiền não loạn tưởng, buông đi tức là độ chúng sanh. Bao giờ hết những phiền não lăng xăng, chừng đó mình thành Phật. Tu như vậy trong mọi sinh hoạt đi đứng nằm ngồi thì dù Phật tử cả năm đi chùa một lần cũng đã gần kề quả Phật rồi. Đó gọi là tu thẳng tắt hay tu thiền.

Nói tu thiền là lối tu thẳng tắt, nghĩa là sao? Thẳng tắt vì không qua phương tiện nào, cốt sử dụng trí tuệ của chính mình để nhận hiểu, thực hành được một cách dễ dàng. Nhưng với điều kiện lúc nào ta cũng tỉnh sáng, có sức cảnh giác cao. Đang ngồi thiền mà vừa nghe ai chạm tới tên, mình vụt đứng dậy đỏ mặt tía tai là biết chưa được rồi. Những hiện tượng ấy ta chưa làm chủ, chưa hóa giải được thì biết mình còn yếu lắm. Phải phát nguyện mạnh lên, phải tu nhiều hơn nữa để có sức tự chủ trước những ngoại cảnh bên ngoài cũng như vọng tưởng bên trong. Nguyện độ chúng sanh là nguyện như vậy.

Đến lời nguyện học tất cả pháp môn Vô thượng của Phật, là học những pháp môn gì? Pháp của Phật chỉ một vị sáng suốt, bình đẳng. Bây giờ trong đời sống của quý Phật tử, đừng để bị kẹt trong cái không chân chính, trong cái mất quân bình, trong cái tăm tối, nhỏ hẹp. Đời sống ngôn hạnh luôn luôn sáng suốt bình đẳng, đó là học pháp của Phật.

Pháp ấy, trước chúng ta nhờ thầy bạn hướng dẫn, nhưng sau phải tự học, tự tập. Ví dụ Phật tử nghe chúng tôi bảo không tham, không sân, nếu về nhà quên mất hết thì lâu lâu cũng muốn có nhiều tiền, hoặc ai vừa đụng tới liền nổi trận lôi đình. Như vậy là chưa tự học, tự hành pháp của Phật. Phải từng phút giây, từng đêm ngày, trong mọi sinh hoạt, lúc nào mình cũng học pháp. Niệm nào tăm tối thì bỏ đi, đó là người sáng suốt thực hiện pháp một cách bình đẳng.

Pháp ấy là pháp tối thượng, đưa chúng ta tới chỗ an ổn thực sự giải thoát. Ngày xưa Phật Tổ, những vị tiền bối của chúng ta cũng học pháp ấy mà được an ổn. Bây giờ chúng ta muốn an ổn, muốn hết khổ cũng phải học pháp ấy. Quí vị đừng nghĩ phải đọc năm ba quyển kinh quyển luận hay nghiên cứu sách nọ sách kia mới gọi là học pháp. Điều đó cũng cần thiết nhưng làm sao hằng ngày mình phải thực hiện cho sự sống của chính bản thân ta được an lạc, sáng suốt bình đẳng. Tất cả những thứ tăm tối nhỏ nhoi phải bỏ đi. Trong từng tâm niệm chúng ta đều áp dụng và phát huy như thế, đó là học Phật pháp.

Nếu được vậy thì tất cả phiền não, những bất như ý trong đời sống sẽ hết. Người biết tu Phật nhất định sẽ có kết quả lợi lạc. Khi đã được an ổn thật sự, chúng ta không cần phải nói trừ phiền não, không nói đến chuyện tu hành thế nọ thế kia, ta vẫn sống bình thường, mà không gì chẳng là đạo. Người có được mọi sinh hoạt sáng suốt, bình đẳng, tự tại, giải thoát, người đó đúng là thiền sư.

Muốn phát tâm rộng lớn, chí nguyện phải vững chắc. Nghĩa chính của chữ “nguyện” là xin cho, tức mong cầu điều gì đó. Tại sao chí nguyện phải vững chắc? Vì con đường Phật đạo, việc hóa giải tất cả những nghiệp tập của mình có rất nhiều chướng ngại, lại phải trải qua thời gian lâu xa. Bởi nghiệp tập nhiều đời quen như vậy rồi, cái mũi quen ngửi mùi thơm, con mắt quen nhìn sắc đẹp, lỗ tai quen nghe tiếng khen, thân thể quen với khí hậu tươi mát… khác đi một chút là chịu không được. Bây giờ muốn chuyển hướng đâu phải dễ, đòi hỏi có nhiều thời gian và đồng thời cũng có một quyết tâm vững chắc lắm mới được.

Tu hành là hóa giải được tất cả phiền não bên trong, sự cám dỗ của các pháp bên ngoài. Làm chủ được mình như thế gọi là tu. Nên người lập nguyện vững chắc thì trên con đường Phật đạo mới có thể thành tựu. Thế nên chúng ta cần phải xét lại tâm nguyện của mình xem đã vững chắc chưa hay còn bị lung lay? Gặp một trở lực nào hoặc có hiện tượng gì lạ xảy ra, những xung đột bất như ý trong cuộc sống… tất cả những điều đó có làm cho sự tu hành của chúng ta thối chuyển hay không? Nếu ta hoảng sợ trước những tình huống như thế thì biết tâm nguyện chưa vững, lòng nghi dễ sinh, từ đó có thể đi đến bỏ đạo.

Ví dụ như từ lâu mình nghe Hòa thượng nói tất cả các pháp không thực, duyên hợp như huyễn. Phật tử hiểu và tập sống được như vậy thì an ổn, làm chủ được các pháp, thấy có chút an lạc. Nhưng bất thần có người nào đó nói rằng tất cả các pháp là thật, là những tinh hoa do trời đất hợp thành, rất cần thiết cho cuộc sống. Nghe thế ta liền đắn đo suy nghĩ, trong lòng lưỡng lự không biết ai đúng ai sai, thế là tâm nghi phát sinh, làm chướng ngại việc tiến đạo rồi. Người có đủ lòng tin thì không như vậy. Ai nói gì thì nói, họ chỉ một lòng tu theo pháp mình đã học, tăng tiến đạo hạnh, không hề lay chuyển. Cứ như thế mà hành trì, từng bước từng chút nếm được pháp vị an lạc, người ấy gọi là người tâm nguyện kiên cố.

Ngày xưa đức Phật trải qua sáu năm khổ hạnh, thân thể còm cõi đến mức độ không thể tưởng tượng nổi, nhưng ý chí của Ngài không hề lay chuyển. Khi quán sát biết rõ ràng phương pháp khổ hạnh không đem đến đạo quả, Bồ-tát liền rời khổ hạnh lâm, tìm phương tiện khác điều hòa lại thân tâm và tiếp tục thiền định. Dưới cội Bồ-đề, Ngài đã phát thệ nguyện như thế này: “Nơi đây, nếu không đạt được đạo quả, dù thịt nát xương tan ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này”. Nhờ thệ nguyện kiên cố ấy mà đức Thế Tôn đã viên thành Phật quả trong vòng chỉ bốn mươi chín ngày đêm. Vì đức Phật không rời khổ hạnh lâm với tâm niệm chán nản, thoái hóa, nhu nhược nên Ngài mới được thành công như thế. Gương hạnh ấy, chẳng những chúng ta luôn khắc ghi học tập mà còn phải quyết tâm thực hiện cho bằng được mới thôi.

Trong kinh Phật, có chỗ nói tâm Bồ-đề tức là tâm giác. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Người tu hành, thực hành tất cả pháp mà không phát tâm Bồ-đề thì tất cả những việc làm ấy có thể gọi là không đúng chánh pháp”. Người tu hành dù tu pháp nào, tại gia hay xuất gia cũng đều có tâm Bồ-đề tức tâm giác vậy. Nếu không có tâm này chỉ đạo, việc tu của chúng ta sẽ không đi đúng đường hướng. Kết quả nguy hại ra sao thật khó đoán. Cho nên khi phát tâm, nếu không phải tâm Bồ-đề thì không nên phát huy. Phật tử cần dè dặt điều này, tránh phát những tâm sau đây:

Một là tâm tà ngụy. Tà ngụy là chỉ cầu quả vui mai hậu, ham thích nổi tiếng, hoặc ưa theo dục lạc thế gian, luyện thân này cho khỏe mạnh theo những hình thức bên ngoài. Phát tâm như vậy gọi là phát tâm tà. Không phải tâm Bồ-đề mà tu muốn được thành Phật, chuyện ấy không bao giờ có. Ví dụ quí vị phát nguyện tu để bản thân và gia đình được hưởng quả này quả nọ, đó không phải là tâm Bồ-đề mà là tâm tà. Làm sao tâm nguyện của mình đừng bị hạn hẹp, đừng bị kẹt vướng trong một phạm vi nào. Theo tinh thần luật nhân quả, người tu đúng chánh pháp, gieo nhân thế nào thì đạt kết quả thế ấy. Gây nhân tà mà muốn được thanh tịnh giải thoát là chuyện không bao giờ có.

Hai là tâm vị kỷ, chỉ mong cầu tự mình được an ổn thôi, ai sao đó mặc. Đối với tinh thần thiền, tinh thần Đại thừa Phật giáo, rất tối kỵ tâm nhỏ hẹp này. Chỉ mong cho mình được như vậy là tâm ích kỷ, không phải tâm rộng rãi. Người như thế dù cho có nỗ lực tu hành đến đâu, kết quả cũng trong một phạm vi nhỏ hẹp của cá nhân mà thôi. Bồ-tát đạo không chấp nhận người tâm hạnh như thế.

Trong tinh thần Phật đạo luôn lấy vị tha làm gốc. Chứng kiến từ sự khổ đau của chúng sanh, ta phát tâm tu hành. Ví dụ thấy bà con ruột thịt của mình hoặc những nơi có chúng sanh đang bị cảnh điêu đứng cùng cực, ta khởi lòng thương phát nguyện giúp họ hết khổ bằng cách tự tu sửa mình rồi sau đó độ họ. Tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật là thế, chứ không phải thấy người khổ, ta lo tu rút một mình để đừng bị cảnh như vậy. Niệm ấy là niệm tự lợi, chưa có lợi tha, nên chưa đủ công đức để thành tựu Phật quả. Ta phát tâm Bồ-đề, cầu thành Phật để độ tất cả chúng sanh đều được hết khổ, an vui giống như mình.

Phát tâm tu hành vì tất cả chúng sanh gọi là phát tâm chân chính. Trái lại, cứ nghĩ bo bo cho mình thôi, thì dù có phát tâm tu hành vẫn chưa phải là chân chính. Phát tâm như thế là thiên lệch một bên, chưa phải rốt ráo. Người tu hành không lý do gì lại để bị kẹt trong chỗ nhỏ hẹp, không chân chính, dù có tu trăm ngàn kiếp cũng không thành tựu được Phật vị an ổn giải thoát.

Ở đây, nói đến tu hành nhất là tu thiền, tức là nói đến ông Phật gốc của chính mình. Người tu thiền là người nhận được ông Phật nhân. Trong tất cả việc làm, phải phát huy để sống thực với Phật nhân đó. Không lý do gì khi ta đã biết mình có Phật nhân mà cứ ngồi đó nhìn những thứ tăm tối, tự đánh mất thì giờ, không có lợi gì. Tuy nhiên, trên bước đường tu, chúng ta phải chuyển lần lần, chớ không thể đi thẳng ngay được. Ví dụ lâu nay mình sống hạn cuộc, chỉ nói chuyện với những người thân, bây giờ với ai ta cũng nói chuyện, với ai ta cũng quan hệ vui vẻ bình thường, tạo một sinh khí sống động trong sự tu hành của chính mình, dần dần tiến lên, thiện ác tốt xấu bình đẳng, ta sống vô phân biệt mà làm tất cả chuyện trong tinh thần tự tại vô úy.

Có lời dạy thế này: “Người tu hành là phải liên tục, chỉ cầu Phật đạo và độ chúng sanh, nghe khó khổ không thoái chí, độ chúng sanh cang cường cũng chẳng sờn lòng, như leo lên núi cao, quyết tới đỉnh, lên tháp cao phải tiến đến cùng”. Ở đây dạy, nếu gặp những đối tượng cang cường, chúng ta càng vững, càng phấn chấn kiện toàn hùng lực dũng lực của mình, hướng tâm Bồ-đề giúp đỡ cho những chúng sanh này.

Trong cuộc đời những điều bất như ý luôn luôn đến với chúng ta. Gặp những trường hợp này, chúng ta phải có đủ lực để hóa giải, khuyến khích tương trợ nhau cùng tu cùng tiến để cùng đạt đến chỗ an vui thật sự. Người có tâm nguyện như vậy, kết quả có thể thành Phật không khó. Chúng ta đã có Phật nhân rồi, bây giờ làm sao phát huy Phật nhân ấy phát triển viên mãn. Đó là mục đích chính của người tu Phật.

Khi thực hành công phu tu chúng ta nên biết thêm điều này, “Người không biết phải quấy, ngoài tốt trong xấu, ban đầu thì siêng năng, sau lại lười nhác, có tâm tốt nhưng bị danh lợi giao xen, có cái hay nhưng bị nhuốm bẩn bởi vọng hoặc”. Đây là một thứ bệnh, ban đầu rất siêng năng học đạo, chấp nhận tất cả những khó khăn. Nhưng về lâu về dài, lại thoái lui, do nghiệp tập quá dày, hoặc bị động bởi những thứ chung quanh. Tuy cũng có tu, nhưng trong lòng đã lay chuyển, tâm Bồ-đề đã lui sụt. Gặp những trường hợp như thế, không cách gì hơn là chúng ta phải chấn chỉnh, luôn khắc ghi trong lòng thủy chung trước sau như một. Khi phát tâm tu hành rồi thì phải tiến, không để thoái lui, không bị động bởi bất cứ thứ gì chung quanh. Có thế mới trung thành với bản nguyện ban đầu của mình.

Người ban đầu phát tâm tốt nhưng bị danh lợi giao xen, thì việc tu không còn đúng nghĩa giác ngộ giải thoát nữa. Danh lợi thường hay xoa dịu tâm cao ngạo của con người, khiến cho ta tự đánh lừa mình hồi nào cũng không hay. Nếu Phật tử thật tâm tu hành thì phải dè chừng tâm danh lợi.

Đức Phật dạy “Bằng sự cố gắng hăng hái không buông lung, tự khắc chế lấy mình, người thiện trí tạo cho mình một hòn đảo, không bị ngọn thủy triều nào nhận chìm được”. Chúng ta phải tự tạo cho mình một hòn đảo mà không lượn sóng tham ái hay tà kiến nào có thể làm chìm đắm được.

Nói tóm lại, người tu hành chân chính phải phát tâm Bồ-đề, vì sự sinh tử, vì khổ đau của mình và tất cả chúng sanh mà phát tâm tu hành. Phát tâm tu hành như vậy mới là phát tâm chân chính, phát tâm không tà ngụy, đó mới là phát tâm đúng với tinh thần thiền, tinh thần Phật đạo. Đức Thế Tôn cũng như tất cả những vị đi trước chúng ta đều nhắc nhở, dạy bảo như vậy. Mỗi chúng ta tự cố gắng để đừng bị nhận chìm bởi những vọng tưởng điên đảo của chính mình và ngoại cảnh chung quanh.

Nỗi khổ của chúng sanh là vọng tưởng đảo điên. Có thể nói đó là nỗi khổ lớn lao nhất của chúng ta. Bao giờ ta làm chủ được, dứt được nó thì mới hết khổ. Có một ông cụ bị bệnh tim, sống chung với một chàng thanh niên phóng túng trong một căn gác nhỏ. Anh ở tầng trên, ông cụ ở tầng dưới. Mỗi khi đi đâu về, anh cởi giày liệng từng chiếc xuống sàn nghe rầm rầm, ông cụ chịu đựng hai tiếng “rầm” này tới muốn bức thở. Sau một thời gian chịu đựng, ông già nghĩ kiểu này chắc có ngày mình chết vì cái tật của nó. Nên một hôm ông già nói với chàng thanh niên:

- Qua có bệnh tim, mỗi lần em về, đề nghị mở cửa nhẹ nhẹ một chút, em mở cửa mạnh quá làm qua muốn đứng tim. Nếu có cởi giày thì em làm ơn để nhẹ nhẹ xuống, chứ em cởi rồi liệng cái rầm, tim của qua nó muốn nhảy ra ngoài. Qua già rồi, em thương chút.

Anh chàng nghe vậy hối hận lắm, hứa sẽ thay đổi. Nhưng tuổi trẻ hay quên nên vẫn chứng nào tật nấy. Hôm ấy, đi làm về anh cũng lỡ tay mở cửa mạnh, nhưng ông già đã chuẩn bị ôm cái ngực trước. Sau đó lên gác, anh cởi một chiếc giày liệng cái rầm và chợt nhớ tới lời ông già, anh giật mình cởi chiếc thứ hai để nhẹ nhẹ xuống. Ông già dưới này ôm ngực chịu đựng và chờ tiếng “rầm” thứ hai. Cuối cùng chịu hết nổi, ông kêu lên: “Còn một chiếc giày nữa, làm ơn liệng xuống mau dùm cho, tôi chờ hết nổi rồi”.

Vọng tưởng của chúng ta như vậy đó. Cuộc sống của con người cứ trải qua những dòng vọng tưởng cuồn cuộn, làm cho ta sống dở chết dở. Mà đã là vọng tưởng thì đâu có đúng, thế nhưng trong chúng ta có ai không tưởng và không khổ vì những thứ tưởng tượng viển vông của mình. Ví dụ đang còn trẻ mà ta đã tưởng tượng “không biết khi già ai nuôi mình đây” hoặc “mai này chết rồi không biết ai săn sóc con cháu nhà cửa của mình”. Có vô vàn thứ tưởng rồ dại như thế.

Đạo Phật yêu cầu chúng ta phải loại bỏ những thứ vọng tưởng ấy đi. Người tin chắc nhân quả, thực hiện nhân quả, biết mình đã gây những nhân gì thì sẽ hưởng những quả ấy. Họ không tưởng tượng hay sợ hãi viển vông. Sống đúng với tinh thần từ bi trí tuệ, nói ra lời nào, hành động điều gì đều nắm chắc kết quả trong tay. Từ tưởng tượng mà sanh điên đảo, điên đảo thì lại càng thêm vọng tưởng rồi khổ sở. Bây giờ bỏ hết những tưởng tượng thì mọi chuyện an ổn cả. Muốn thế trước ta phải có trí tuệ, thấy đúng như thật về con người, về các pháp ở thế gian này là không thật, ta không mê chấp nên không khổ sở vì nó. Nếu không có trí tuệ, không làm chủ được thì không thể bỏ được nó.

Có ai hỏi quí vị tu thiền thế nào, quí vị chỉ cần trả lời: “Những gì loạn tưởng điên đảo thì bỏ đi”. Thế thôi. Thiền là sự sống, là những sinh hoạt hết sức bình thường mà ở đó lúc nào ta cũng tỉnh thức, biết rõ không lầm về mình và các pháp. Như vậy là đủ rồi, không thêm bớt gì cả. Tu thiền không phải là cái gì ngoài cuộc sống này. Trong kinh nhắc nhở thế này “Những đống rác quá khứ không tốt đẹp, chúng ta đừng bới móc nó nữa”. Nghĩa là phải dừng vọng tưởng ngay bây giờ.

Ở đây muốn nói cách dừng vọng tưởng. Một trong những cách đó là, những gì thuộc về quá khứ thì chúng ta hãy để cho nằm im như quá khứ. Tương lai là những gì chưa đến, thì chớ nên ước mơ tưởng tượng, vì nó cũng không thật. Cho nên quá khứ bỏ đi, không bới móc nữa, tương lai cũng đừng suy nghĩ viển vông, chỉ sống với cái hiện tại của chính mình là hợp pháp nhất. Song nên nhớ cũng không được đắm nhiễm trong hiện tại. Vì sao? Vì hiện tại cũng không thật, cũng do duyên hợp sanh diệt liên tục. Ta chỉ cần thấy biết ngay cái đang là mà không đắm nhiễm hay mắc kẹt vào thời điểm nào cả. Đó là sống đạo, sống thiền.

Những phương tiện bên ngoài chỉ được sử dụng trong giới hạn của nó thôi, quan trọng là nghiệp tập tham sân si của mình cần phải loại bỏ hết. Chúng ta xét trong mọi sinh hoạt, những việc đã qua, những ước mơ sắp đến, nếu mình làm chủ được và ngay trong hiện tại sáng suốt bình tĩnh, từng bước tu tạo công đức lành, từng bước một bỏ nghiệp tập tham sân, thì không nói đạo quả gì nhưng ta cũng thành tựu địa vị của những bậc giác ngộ giải thoát.

Thành ra chúng ta có thể kiểm nghiệm xem mình học thiền tiến hay không, bằng cách nhìn vào sự chuyển hóa nghiệp tập tham lam, sân hận, si mê của mình. Chúng tôi tin rằng, qua một thời gian dài quí vị đã nghe giảng dạy, hướng dẫn tu thiền của Hòa thượng Viện trưởng, quí vị nhận ra cách sống đúng với chánh pháp và gần gũi với những điều tôi đã nói. Như vậy mới không hổ thẹn là người con Phật, nhất là Phật tử tu thiền.

Kinh Duy Ma nói: “Do giác ngộ mà phát khởi tâm từ bi”. Thường thường người tu phải có tâm từ bi. Tâm từ bi chân chính phát xuất từ tâm Bồ-đề. Nhiều Phật tử không hiểu chữ từ bi trong đạo Phật, nên cứ thương tràn trề lai láng, thấy ai cũng thương, người ta khổ mình cũng bi lụy theo. Thương như vậy không phải là tâm từ bi. Tâm từ bi phải được uốn nắn từ tâm Bồ-đề của chính mình. Từ bi để hướng người đến giác đạo, chứ không phải từ bi vì xoa dịu những tình cảm riêng tư.

Phật tử có lòng thương với tất cả là tốt, nhưng phải căn cứ từ tâm Bồ-đề làm gốc. Mọi việc làm đều bắt nguồn từ tâm giác ngộ, không có gì khác. Ví dụ ta giúp đỡ ai thì mong người đó phát huy được trí tuệ của họ, hướng về con đường giải thoát mà thực hiện Phật đạo. Không phải vì ta thương, vì thấy người đó có tình cảm hợp với mình hoặc gia đình mình mà giúp họ. Cuộc sống của người Phật tử phải lập cước trên tâm giác mà phát huy mọi mặt. Như vậy chúng ta mới đi đúng hướng của Phật dạy và đạt được sự an vui như đức Phật.

Thật ra chữ Tăng bảo trong nhà Phật bao hàm hai ý nghĩa lớn. Một là chúng tăng thanh tịnh tu theo giáo pháp của đức Phật. Hai là sự trong sạch, hoan hỷ, hòa thuận trong lòng của chúng ta. Phật tử có thể buông bỏ hết phiền não, tha thứ cho mọi người, sống vui vẻ tương trợ nhau. Đó là tinh thần hòa hợp, hoan hỷ, thanh tịnh của Tăng. Người Phật tử ngay trong sinh hoạt của gia đình mình, sống đúng với tinh thần chánh pháp, thể hiện cuộc sống hoàn toàn thanh tịnh giải thoát. Đó là quí vị sống theo tinh thần Tam bảo rồi.

Ví dụ như nói nhờ đi chùa ta biết được đâu là chánh đâu là tà, nên bây giờ áp dụng vào cuộc sống của mình. Nhờ học pháp mà biết được pháp nào chân thật, đưa mình đến chỗ thực sự an ổn giải thoát, nên tâm hồn ta trong sáng định tỉnh hơn trước. Những gì chân chính thanh tịnh thường đem lại cho đời sống của mình an vui, chúng ta theo đó mà áp dụng tu hành. Quí vị có thể tụng kinh hoặc ngồi thiền miễn trong tâm yên ổn vui vẻ là tốt. Nên nhớ luôn luôn xét lại và sống đúng với tinh thần đạo lý giải thoát thanh tịnh.

Đã là Phật tử chúng ta đừng làm khổ mình nữa. Các pháp trôi chảy trên thế gian như dòng nước, nếu nó còn lại trong ký ức thì cũng như chiếc máy quay phim chụp hình vậy thôi. Ta có nhìn thấy thì cũng chỉ là những hình ảnh trên phim, có thật đâu mà buồn mà nhớ. Ví dụ quí vị thương một con người nào đó, thì hình ảnh của họ cũng là hình ảnh thôi. Chưa chắc bây giờ mình nhớ thương họ mà họ còn nhớ thương mình như hồi nào. Thôi ta trở lại vị trí của mình, người Phật tử sống chân chánh, phải sáng suốt không bị quá khứ kéo lôi, tương lai dẫn dắt, mọi vọng tưởng đều là bóng dáng hư ảo, buông bỏ hết đi. Được vậy thì hết buồn hết khổ ngay thôi.

Mong rằng toàn thể quý Phật tử có thể từng bước một thực hiện cuộc sống như vậy. Nhớ là tất cả những gì đã qua thì cho nó qua luôn, đừng kéo lại. Làm sao ta hài hòa, sáng suốt trong cuộc sống hiện tại. Đó là tinh thần sống thiền cũng là đường vào đạo của người Phật tử.

Chúc quí vị thành công.

[ Quay lại ]