BIẾT TU
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng tám 2009 08:26
- Viết bởi nguyen
Nói đến hai chữ Phật pháp là nói đến biển học mênh mông, chúng ta không cách gì mò cạn được. Vậy thì chỉ còn cách là hiểu được tới đâu ta cố gắng áp dụng tu tới đó, may ra bước vào được ngôi nhà Phật pháp.
Quí Phật tử tại gia, đang đối đầu với trăm phương ngàn kế trong cuộc sống này, nên còn rất nhiều loạn tưởng điên đảo. Người trong chùa loạn tưởng theo kiểu trong chùa, người thế gian loạn tưởng theo kiểu thế gian. Nhìn chung còn là phàm phu, ai cũng còn đầy dẫy điên đảo loạn tưởng. Bây giờ muốn phá vỡ nó, không cách nào khác hơn là chúng ta phải tu tập.
Có anh nông phu nọ, gần nửa đời cần kiệm dành dụm để chuẩn bị cho mấy đứa con sắp thành gia thất. Anh mua được một khoảng đất dành cho thằng hai. Trong khi xới đất chuẩn bị vườn cây, anh đào được một chung vàng to. Lúc đầu anh ngại lắm “Cha! không biết của ai đây?” Anh nghĩ có lẽ là của chủ đất. Thế là anh mời chủ đất tới để trả lại, vì lúc mua đất anh không định có chung vàng. Ông chủ đất cũng đồng quan điểm như anh. Ông nói: “Không, vàng này không phải của tôi, anh đào được là cái lộc của anh đó. Hồi tôi bán đất không tính chung vàng này”. Cả hai bên đều nhượng cho nhau. Thật là hy hữu! Cuối cùng chưa ngã ngũ vào đâu thì trời tối, mạnh ai nấy về.
Sau một đêm suy nghĩ tính toán đủ điều, anh nông phu nọ và cả ông chủ đất đều đi đến quyết định không gì lay chuyển được. Trời chưa sáng hai ông đã gặp nhau, ai cũng mở miệng nói: “Tôi tính kỹ rồi bác ơi, đúng như bác nói chung vàng ấy là của tôi”. Mới ngày hôm qua, hai người tương nhượng nhau, không ai nhận của ấy. Bữa nay khác hẳn, ông nào cũng cố tranh giành để chung vàng thuộc về mình. Cuối cùng hai ông đi đến tranh cãi và ẩu đả nhau nên phải đưa ra quan.
Qua câu chuyện chúng ta thấy, làm việc gì mà có sự toan tính lợi lộc trong đó thì xem như hỏng hết. Chỉ bao giờ chúng ta dám buông được túi lợi cá nhân thì may ra được chút ích lợi chung cho tập thể và cả gia đình mình. Vì thế Phật dạy chúng ta đừng bao giờ toan tính đến tư lợi. Đạo lý sống của người Phật tử chân chánh là tìm hạnh phúc ngay nơi tâm chân thật, ngay thẳng. Sống được như vậy tức là sống có giới, định và tuệ.
Giới là biết làm lành, lánh dữ, có đời sống tương nhượng nhau, không tranh giành lợi lộc bất chính. Trên đời này sở dĩ người ta khổ đau điêu linh là vì những tư lợi, nó thúc bách mình phải chạy ngược chạy xuôi, gây nghiệp rất nhiều. Bởi gây nghiệp hoài nên phải chịu khổ hoài. Phật tử nếu sống giữ giới Phật dạy là chuyển nghiệp, dần dần hết nghiệp, vĩnh viễn được an vui giải thoát.
Kế nữa, chúng ta còn phải giữ tâm định tĩnh. Tâm không điên đảo, ngược xuôi chạy theo các cảnh bên ngoài, luôn vững vàng an định, đó là tu định. Sống được với tâm đó thì trí tuệ sẽ phát sinh, làm việc gì, nghĩ việc gì, nói việc gì cũng sáng suốt. Đó là tu tuệ. Cho nên một đời sống giới định tuệ đầy đủ là một đời sống đạo, đời sống tỉnh thức, an lạc. Ngược lại, nếu chúng ta mất sáng suốt, ngược xuôi theo dòng đời, tạo nghiệp lăng xăng phải nhiều kiếp trả vay, không bao giờ dứt.
Trong ba điều giới định tuệ thì trí tuệ là gốc. Trí tuệ là cồn đảo để chúng ta nương tựa, gầy dựng cuộc sống an vui hạnh phúc. Vì vậy người Phật tử không thể nào thiếu trí tuệ được. Sở dĩ chúng ta có tư cách, từng bước đi theo con đường sáng suốt giải thoát là nhờ có trí tuệ. Thế nên đừng bao giờ để mất sự bình tĩnh sáng suốt. Quan trọng là sống tỉnh thức, chớ không phải sống hình thức. Vì vậy dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải luôn nhớ giữ giới định tuệ. Sống thương nhau, tương nhượng nhau, không vì những tư lợi, điên đảo mà tranh giành cướp đoạt lẫn nhau. Đó là sống đúng chân tinh thần giới định tuệ.
Phật tử đã học Phật pháp, phải biết cách hành trì Phật pháp đã học vào đời sống của mình. Phải quấy, thiện ác, thông đạt sự lý, biết rõ chánh tà, những gì đáng làm, những gì không nên làm, chúng ta đều nắm vững và áp dụng được. Có rất nhiều Phật tử đi chùa năm mười năm, mà cũng chưa nhận định một cách chính xác đâu là chánh đâu là tà, thật đáng tiếc. Đã thế thì đời sống phải phiêu bạt thôi, vì sống mê lầm thì sẽ rơi vào chỗ tối tăm mê lầm.
Tu Phật là tạo được những công đức, để ta an ổn ngay trong đời này và đảm bảo đời sau khỏi nợ nần vay trả nữa. Đó là người biết đầu tư vốn liếng cho mình. Người như vậy ở đâu cũng đem lại niềm vui cho mọi người, cho xóm làng. Người như vậy không phải sợ sệt mong cầu điều gì khác nữa. Sống đúng theo luật nhân quả sẽ có niềm tin rất vững vàng. Ta gây nhân nào sẽ nhận hậu quả nấy, biết chắc như vậy. Nhờ thế không dại gì ta gây tạo những nhân đau khổ cho mình cho người, để mai sau phải trả những hậu quả khổ đau.
Chúng ta tu nếu không có đường lối chủ trương, không có sự hiểu biết, thì cũng không biết làm sao mà tu. Cho nên cần có thiện tri thức chỉ dạy, cần học hỏi Phật pháp. Nhờ đó ta hiểu biết, quán chiếu tu tập, từng bước từng bước vươn lên. Có niềm tin việc làm sẽ đưa đến kết quả tốt đẹp. Ta tin chắc vào đường lối chủ trương mình đã chọn mới dám đem cả cuộc đời, đem cả sinh mạng nghiên tầm Phật pháp. Chứ nếu mơ hồ, không biết tu thế này mai mốt thành cái gì, ngồi bó gối thở ra, hít hà kiểu đó thì nhất định tu không tới đâu hết.
Đã có niềm tin trong pháp tu rồi, dù đời này chưa đạt được kết quả như ý, nhưng ta vẫn vững tâm mình nói đúng, làm đúng, sống đúng. Tất cả những gì ta có trong hiện tại là do cấu trúc trong quá khứ chưa tốt nên không tương xứng với hoài bão nguyện vọng của mình. Bao giờ đầy đủ công đức thì những cái xấu không còn nữa. Tinh thần trong cuộc sống của người hiểu đạo là như thế. Cho nên người Phật tử sống với tinh thần sáng suốt sẽ không còn bồi hồi, sợ sệt gì nữa.
Sở dĩ Phật tử tu học Phật pháp lâu năm mà còn chao đảo theo các pháp khác, là vì chưa khẳng định được chỗ này. Do chưa khẳng định nên nghe ai nói cái gì hay mình chạy theo liền. Còn tu Phật sao cứ thấy phiền não hoài, chán quá. Điều này dễ hiểu thôi. Phật bảo là chúng sanh trôi giạt trong trầm luân sanh tử từ vô lượng vô biên kiếp đến nay, chúng ta đen tối quá chừng rồi, bây giờ đâu thể một ngày một bữa mà làm sáng sạch được. Chỉ một ngày nhận được mình có khả năng làm cho sáng sạch là quý lắm rồi.
Thật ra tại chúng ta không thấy thôi, chứ có tu là có tiến, không thể nói không tiến được. Như ngày xưa mình muốn làm gì thì làm, muốn nói gì cứ nói không sợ nhân quả, không sợ người khổ đau. Bây giờ trước khi làm việc gì, ta cũng có suy nghĩ điều đó nên hay không nên làm. Hoặc lỡ xúc phạm khiến người buồn lòng, ta cũng ăn năn hối hận vì đã làm khổ người. Như vậy là có tiến rồi. Ngày xưa ta thường nhăn nhó, quạo quọ, lúc cực khổ hay cự nự, giận ai rồi thì không nhìn mặt. Ngày nay mình hoan hỷ tha thứ, buông hết, biết đời là ảo vọng, phiền não do nghiệp tập nhiều đời kết nên, chớ không phải ai đem đến cho mình. Đó là kết quả thiết thực của sự tu hành.
Thành ra người khẳng định lập trường của mình rồi thì tu khỏe lắm. Trong đạo, các bậc tôn túc thường dạy, giả như bây giờ ta thiếu cơm thiếu áo, bị người khinh khi hoặc bệnh tật v.v… tâm cũng vẫn bình thường. Quan trọng là biết xét nét ngay trong hiện tại đây. Từng phút từng giây tu tập gầy dựng nhân lành thì không sợ quả báo xấu ở ngày mai. Còn chuyện hôm nay, khổ vui gì ta cũng chấp nhận, để trả hết nợ cũ. Sở dĩ hiện quả mà ta đang gánh chịu là tác nhân trong nhiều đời, không phải trong một đời này thôi. Đã là nợ nần mình gây tạo thì bây giờ phải vui trả chứ, phải gan như vậy đó.
Người con Phật là gan dạ, sáng suốt, bình tĩnh hơn ai hết, không sợ sệt gì cả. Bởi đức Phật là đấng đại hùng, đại lực, đại từ bi, thì tại sao chúng ta lại nhút nhát được. Muốn thẳng tiến an vui trên đường tu tu hành của bậc đại giác, chúng ta không thể đi ngược lại những gì Phật đã chỉ dạy. Sống bình tĩnh sáng suốt, quán chiếu một cách cụ thể rõ ràng khi đối duyên xúc cảnh. Đó là yếu thuật vào đạo.
Trong những pháp môn Phật dạy, mỗi vị nên chọn một pháp thích hợp với mình, thực hành triệt để pháp ấy. Đừng hẹn, đừng đợi gì nữa hết, bởi vô thường, già chết chụp mình bất cứ lúc nào. Không có gì bảo đảm cho mạng sống này, cho nên chúng ta luôn ở trong tinh thần chuẩn bị. Ví dụ ta biết uống rượu sẽ làm mình loạn trí, có những hành động táo bạo, phi Phật pháp. Rượu có thể biến người từ cuộc sống tốt đẹp có tư cách, trở thành người có cuộc sống tăm tối, phi pháp.
Cứ thử tưởng tượng, một giờ trước người đó nói năng đàng hoàng, đi đứng có tư cách; nhưng sau khi uống rượu vào, chỉ trong vòng nửa giờ thôi, người đó đi té ngang té ngửa, nói năng sặc sụa không ra làm sao, chỉ làm trò cười cho bọn trẻ trong xóm. Biết rõ như vậy rồi, chúng ta cũng thấy rõ giá trị của người Phật tử là ở chỗ hành trì Phật pháp. Ta chuẩn bị cho mình trước khi vi phạm sai lầm, tốt nhất là luôn nhớ không bao giờ uống ruợu. Chúng ta dám từ bỏ uống rượu hay bạn bè mời cứ uống, rồi đổ thừa cho công việc làm ăn, quan hệ tương giao v.v… Chỗ gan dạ của mình là ở đây.
Rõ ràng nếu chúng ta dừng được, quyết định được thì cuộc sống an ổn, giới định tuệ trang nghiêm đầy đủ. Còn trái lại, mình đổ thừa cho hoàn cảnh, phải như thế như thế thì xem như ta chấp nhận phiêu lưu. Đã vậy thì hậu quả như thế nào khó mà lường nổi. Giả dụ như đứng trước một trường hợp bất khả kháng thì ta cũng cố gắng làm sao giữ được sự sáng suốt bình tĩnh, hạn chế lấy mình. Dứt khoát làm chủ được mình để hạn chế các việc làm không tốt. Đó là người Phật tử biết tu.
Hàng xuất gia chúng tôi cũng vậy, trong cuộc sống tương giao này, vẫn phải ăn mặc ngủ nghỉ, đi đứng quan hệ đủ thứ thì ai cũng có những khó khăn riêng, ai cũng có bệnh tật… nhưng dừng được hay không, làm chủ được hay không, là do nơi sự sáng suốt của mỗi người. Nếu người không có chủ định, sống trong mê mờ quờ quạng, Phật nói đó là người điên. Bởi vì như Phật đã từng tuyên bố “tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành”, nhưng ta lại đánh mất khả năng ấy thì không điên đảo là gì? Chỉ tại mình không chịu làm theo lời Phật dạy nên đau khổ triền miên.
Bây giờ chúng ta nhận lại quyền làm chủ của mình. Khi thấy đã mất tự chủ, mất bình tĩnh sáng suốt rồi thì phải dè dặt, đừng làm ẩu rồi mang họa, điều này rất quan trọng. Bây giờ trong hiện tại, người ta mời rượu mình đừng uống, người ta mời bài bạc mình đừng chơi. Những si mê điên đảo đều chấm dứt, đó là tập làm chủ, tập áp dụng và thể hiện Phật pháp trong cuộc sống này. Còn người nói huyên thuyên đủ thứ, thuộc kinh làu làu, giảng cho thiên hạ nghe mà gặp việc điên loạn lên không làm chủ được, thì Phật pháp đó đã bị thế gian dẫn đi mất rồi.
Phật pháp là những phương pháp Phật dạy giúp cho chúng ta giải quyết những khổ đau, rối rắm điên loạn của mình. Phật pháp thì rộng lớn mênh mông, tuy nhiên chỉ một câu một lời mà ta nhớ và thực hành được cũng đem lại lợi ích cho mình. Giá trị của người học Phật không cần nhớ nhiều nói nhiều mà chủ yếu là thực hành. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, quí Phật tử đang đối đầu với cuộc sống nhiều khó khăn, nếu không ứng dụng được Phật pháp thì khó có thể hóa giải được những muộn phiền trong lòng. Cho nên học Phật và tu Phật là điều rất cần thiết đối với chúng ta.
Trong con người, luôn luôn có sẵn Phật tánh mà có cả những đam mê. Như tức giận không ai thấy nó ở đâu, hoặc sự ham thích cũng không biết nó ở đâu, nhưng nó vừa xuất hiện là sắc diện ta thay đổi liền. Đang cười tươi tắn mà ai nói câu gì xóc hông một cái là dựng chân mày, trợn mắt lên liền. Hoặc đang bực tức mà người mình mến thích xuất hiện thì đổi giận làm vui ngay. Dường như nó nằm canh sẵn bên trong. Bây giờ làm sao mình tiêu hóa, đừng cho nó nhảy ra bất tử, thì tâm tĩnh lặng, không não hại mình cũng không làm giao động người.
Trong kinh kể lại câu chuyện thế này. Hôm đó Phật đang thuyết pháp tại Tinh xá Kỳ Hoàn. Một con chim bồ câu đang bị con chim cắt đuổi bắt, nó hoảng sợ bay đại vào chỗ vị trưởng lão, đệ tử lớn của Phật. Nhưng ở đó nó cũng còn run sợ, chưa an tâm nên vụt bay lên và sà vào lòng đức Thế Tôn. Đức Phật nhằm ngay sự kiện này thuyết một bài pháp:
- Này các thầy Tỳ-kheo, dù đệ tử Như Lai đã giữ giới, đã phá tâm ác nhưng chủng tử bên trong vẫn còn. Vì vậy con chim ẩn vào vẫn còn sợ niệm xấu ác trong quá khứ của đệ tử ta, nên nó còn run sợ. Với ta, đã nhiều đời giữ giới tu tập, tất cả chủng tử ác hoàn toàn không còn, do đó chim bồ câu núp vào thân ta cảm thấy hoàn toàn yên ổn.
Qua câu chuyện trên, đức Phật muốn nhắc nhở chúng ta phải tu học thế nào, gột trừ không còn một chút tâm ác mới được. Chúng ta phải phát nguyện đi vững vàng trên con đường Phật đạo không thối chuyển, đời đời thực hành lời Phật dạy. Có chí nguyện bền lâu như vậy mới dẹp sạch hết chủng tử xấu ác trong nhiều đời. Cho nên Phật tử phải là người gan dạ, mới xứng đáng là đệ tử của Như Lai. Nếu không khẳng định như thế, chúng ta sẽ mất thì giờ mà không đi tới đâu hết.
Trong tâm niệm của mình, lúc nào cũng tưởng nhớ và thực hiện một điều duy nhất là tu hành cho tới thành Phật mới thôi, không mong mỏi gì khác. Bởi chúng ta nhiều đời đã gieo trồng căn lành, nhiều đời có duyên với Phật pháp nên bây giờ mới trở thành Phật tử, quy y Tam Bảo tu học Phật pháp. Việc làm xem như thường, nhưng nếu không có duyên sẽ không làm được.
Có một vị trong giới trí thức, anh là kiến trúc sư nổi tiếng. Ba, Mẹ của anh tu Phật, thọ giới Bồ-tát, siêng năng tinh tấn lắm. Ở nhà dành ra một phòng để thờ Phật, đêm nào gia đình cũng tụng kinh lạy Phật. Sau thời kinh mẹ anh kiểm tra lại, thiếu mặt ai bà đều hỏi cho ra lý do, không có lý do bà sẽ giận, mà trong nhà ai cũng sợ bà giận hết. Anh này là con trai cưng nhất trong gia đình nên bà khuyến khích ăn chay - sau khi anh đi du học về.
Không dám cãi mẹ, nhưng thật tình anh ngán lắm. Ngay ngày mùng một Tết, bà bắt ăn chay, thật là tu bất đắc dĩ. Bạn bè tới, anh nói chuyện vài câu rồi về để… tu. Ngày mẹ anh vui lắm, nghe nói chùa nào bán bánh ngon nhất, bà sai người đi mua cho gia đình dùng. Hôm đó trong nhà đông đủ không thiếu một ai, từ đứa cháu nhỏ cho đến người làm trong gia đình cũng phải ăn với bà. Cả ngày đó anh ăn uống sơ sơ, nói chuyện tầm phào chờ cho hết giờ. Tối lại là thời kinh, còn những chương trình đàn ca gì dẹp hết.
Ở nhà không chưa đủ, còn cái nạn bà bắt phải đi chùa nữa chứ! Lạy Phật ở nhà xong phải vào lạy Phật trong chùa, chúc tết quý thầy. Anh ca cẩm trong bụng thật là mất thì giờ, lại chẳng thú vị gì hết, nhưng phải rán làm cho mẹ vui. Anh ráng thức cho tới mười một giờ, nghe hơi xót ruột nhưng đợi thêm chút nữa, mười hai giờ là đủ, coi như ngày đó ăn chay xong. Đúng mười hai giờ anh bảo người làm mở cửa mua phở về ăn, mẹ anh lúc đó ngủ rồi, Phật cũng đã ngủ !
Sau này mẹ anh qua đời, anh kể lại việc đó trong sự xúc động không kềm được, cứ vừa kể vừa khóc. Bởi khi mẹ anh qua đời rồi, không còn ai nhắc nhở, nắm cương lĩnh cho gia đình tu nữa. Bây giờ những ngày Tết con cái người làm việc này kẻ lo việc kia, giết mạng chúng sinh đãi đằng rượu thịt. Lúc đầu anh không thấy gì, nhưng dần dần thấm thía, nhớ lại ngày mẹ mình còn sống gia đình hiền thiện như thế nào? Bây giờ đâu còn nữa. Anh nghe buồn vô hạn, thương nhớ mẫu thân sống nghiêm từ, dìu dẫn mình đi trong con đường đạo đức. Ngày nay muốn tìm lại, vĩnh viễn không còn.
Anh nói khi lớn tuổi rồi, muốn tu nhưng bao nhiêu công việc bu bám, khó tu quá. Trong gia đình không có người nhắc nhở, con cái lớn lên đủ thứ yêu cầu, mình phải giải quyết. Không giải quyết thì nó quậy lên, sợ mất uy tín gia đình nên ráng. Cuộc sống thật chẳng có tí gì vui, chỉ thấy phiền muộn, mặc dù gia đình được tiếng trí thức, ăn học đàng hoàng. Bây giờ anh mới thấm thía tại sao ngày xưa mẹ anh muốn dạy con tu tập, sống nếp đạo đức. Càng nghĩ anh càng quí tiếc, thương kính mẹ nhiều hơn.
Sau này khi dựng vợ gả chồng cho con cái hết rồi, sinh hoạt gia đình thay đổi nhiều, nhưng hình bóng và việc làm của mẹ luôn sống mãi trong lòng anh. Ở đâu anh cũng dành một phòng đặc biệt để thờ Phật và thờ mẹ. Rồi anh cũng bắt đầu dạy người con trai lớn của mình y như vậy. Anh thường nhắc hồi đó bà nội sống, bà nội dạy ba thế nào, bây giờ ba dạy lại tụi con thế ấy. Nếu giống ba thì tụi con cũng tuân làm như ba hồi đó vâng lời bà nội. Nhờ thế anh đã thành công trong việc giáo dục con cái. Công đức ấy đều do mẹ của anh cả.
Tôi muốn nói nhân duyên bất đắc dĩ đến với Phật pháp còn có sự gắn bó như vậy, hà huống chúng ta là những người đã quy y Tam bảo, hiểu biết Phật pháp đồng thời ứng dụng phần nào giáo lý vào đời sống của mình, chẳng lẽ không có chút kết quả gì sao? Vị Phật tử đến với Phật như anh kiến trúc sư vừa kể, không ngờ giá trị Phật pháp mầu nhiệm lạ thường. Từ nhân duyên tin kính Tam Bảo, mẹ anh gầy dựng cho con cháu trong nhà đổi thay hẳn cuộc đời của mình.
Vững tin vào Phật pháp rồi thì không còn gì chúng ta phải sợ sệt nữa. Người có cuộc sống an ổn trong tâm hồn sẽ thấy rất sung sướng, dù ăn cơm lạt, uống nước lạnh, ngủ dưới bóng cây vẫn thấy vui như thường. Hồi xưa các thầy Tỳ-kheo ở trong núi trong hang, uống nước khe suối, ăn lá cây rừng mà lúc nào cũng tươi tắn hồng hào. Đó là nhờ tâm an vui, hiện ra trong nếp sinh hoạt, trên mắt, trên môi ánh sáng rạng ngời. Trái lại người thế gian ăn cao lương mỹ vị bao nhiêu thì gương mặt càng âu lo héo hắt bấy nhiêu. Vì tâm họ tính toan được mất quá nhiều, nên không còn hồn nhiên trong sáng như các nhà tu nữa.
Cho nên quan trọng không phải ở vật bên ngoài, mà chính là ởø tâm chúng ta. Tâm có an ổn, cởi mở thì mới thanh tịnh giải thoát. Tâm còn gút mắc tăm tối, toan tính ngược xuôi, thì dù cố gắng thể hiện cách gì nữa, vẫn không che giấu nổi những điên loạn tăm tối bên trong. Chúng tôi nói như vậy để Phật tử làm sao giữ được cương lĩnh tu tập, biết được tâm mình và chuyển hóa nó.
Khi tu giữ được cái miệng của mình cũng là việc quan trọng. Bởi miệng là dao bén, là lửa dữ, nó thường đem tai họa đến cho mình, cho người. Miệng có thể thiêu đốt cả rừng công đức. Như tình bạn bè mấy chục năm gầy dựng, chỉ cần cái miệng nổi khùng một bữa là đổ vỡ. Cho nên không làm chủ được miệng của mình tai hại ghê gớm. Phật tử giữ giới, phải coi chừng cái miệng của mình. Nói vừa phải thôi, đừng nói năng những điều lôi thôi để mất lòng, đổ vỡ. Trong nhà thiền thường dạy “hãy để cái miệng như cây quạt mùa đông”. Đó là điều không thể quên được của người Phật tử chúng ta.
Trong kinh có những câu thế này “môi là cây cung, tâm là dây cung, âm thanh là tên trong đêm tối. Nếu bắn bậy sẽ gây khổ đau cho chính mình và mọi người”. Thành ra mình làm chủ được cái miệng rồi, thì nghe ai nói gì ta cũng “thủ khẩu như bình”. Ví dụ người ta nói mình là con bò, mình không thành con bò liền. Như vậy việc gì phải mắng lại người ta. Bình thường được rồi thì họ có cố tâm nói gì đi nữa, ta cũng hóa giải được hết. Sống như vậy có phải an ổn không. Nên nói Phật pháp vi diệu là thế, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành giác. Điều này Phật tử phải luôn ghi nhớ thực hành.
Trong kinh Phật dạy: “Mặc cho người hủy báng, tha hồ kia chê bai, khác nào cầm lửa đốt trời. Trời không thể đốt, tự mình chuốc họa tai”. Người Phật tử giữ giới, biết tu rồi, dù đối duyên xúc cảnh có bị người hủy nhục, luôn an vui bình thường. Mặc! chê bai cũng được, khen cũng được, vì đó là những thứ bên ngoài, không thể làm kinh động tánh Phật của mình được. Một chữ “mặc” thôi, cũng giống như đem lửa đốt trời, làm sao đốt được? Cũng vậy, tâm ta thanh tịnh rồi dù ai nói gì cũng chẳng ăn thua. Chỉ khi nào mình còn mê muội, tăm tối mới lo lắng sợ sệt. Điều này rất rõ, ai có tu tập cũng thấy cả.
Đã có duyên là bạn đạo với nhau, làm sao đời đời chúng ta gắn bó để nhắc nhở tu hành. Đừng vì một lý do không đáng mà làm sứt mẻ, tổn thương, chướng ngại cho việc học hỏi Phật pháp của mình. Nên nhớ trong cuộc sống này, tất cả mọi thứ chung quanh đều tùy duyên, đều tương đối thôi. Do đó người ta khen chê gì cũng mặc, như vậy mới an ổn tiến tu được. Việc tu nói thì dễ nhưng làm thì khó, vì vậy chúng ta cần phải nỗ lực mới được.
Có câu chuyện cổ thế này. Một gia đình nhà mèo nọ đang sống hạnh phúc, bên cạnh một xóm chuột cũng đang sống trong hạnh phúc. Bỗng dưng trong xóm chuột phát hiện có một chị mèo lạ rất dữ xuất hiện. Thế là hạnh phúc của bà con nhà chuột không còn nữa. Bấy giờ nhà chuột mở đại hội, trưng cầu ý kiến tất cả những bậc bô lão, làm cách nào để khắc phục tai họa của chị mèo này. Qua đại hội, ai nấy đều nhất trí là phải cột cái chuông báo động vào cổ chị mèo. Khi chị ta đi tới đâu, chiếc chuông sẽ rung lên, nhà chuột biết đường mà trốn. Nhưng khi câu hỏi “Ai là chuột dám tới chỗ chị mèo treo cái chuông báo động vào cổ chị ta?” thì cả đại hội im re. Không một ai dám hó hé, kể cả chị chuột già nhất trong làng. Cuối cùng xóm chuột đành chịu thua.
Phật pháp cũng thế, nói hay lắm, hiểu nhiều lắm, nhưng đụng chuyện mới biết “thế nào là Phật pháp”! Nên chúng ta phải thận trọng thủ khẩu như bình, bởi vì nói thì dễ mà làm rất khó. Khó nhưng không có nghĩa là không làm được, nếu quyết tâm thì dù khó cách mấy ta cũng vẫn thực hiện được. Phải tỉnh táo, sáng suốt, đừng vì tư lợi vọng động điên đảo, thì mình sẽ làm được tất cả. Phật tử phải có niềm tin vững chắc nơi mình, nơi Phật pháp. Luôn luôn lúc nào cũng gan dạ vững tiến. Được vậy bình an sẽ đến với chúng ta.
Đó là những điều giản dị trong phương thức tu tập của đạo Phật. Chúng tôi rất hy vọng toàn thể quí Phật tử thực hiện và thành tựu được sở nguyện của mình.