headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 11/01/2025 - Ngày 12 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NIỀM TIN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

 Tinh thần của đạo Phật là tinh thần tôn trọng sự giác ngộ của mỗi con người. Một Thiền sư đã nói “Người nào phủ nhận sự giác ngộ nơi mỗi cá nhân, người ấy đã giết chết một vị Phật tương lai”. Thế nên ai cản trở hay phá vỡ sự giác ngộ ấy, xem như có tội “giết chết một vị Phật tương lai”.

 

 

 

 

Nếu chúng ta không khéo điều hòa để việc tu học tăng tiến, hỗ trợ cho trí tuệ phát triển, có thể ta sẽ vi phạm vào lỗi này. Đây là điều mà giới Phật tử nên suy nghĩ. Suy nghĩ để làm gì? Để đừng phạm lỗi này. Muốn vậy người Phật tử phải tu tập như thế nào, để không làm chết đi một vị Phật tương lai?

Câu nói trên của Thiền sư nhằm gieo rắc một niềm tin cho người Phật tử. Niềm tin ấy là mỗi người đều có trí tuệ, có khả năng thành Phật, đúng như lời Phật nói “Tất cả chúng sinh sẽ thành Phật”. Tin như thế rồi, chúng ta mới cố gắng tu tập, phát triển tánh Phật của mình, mới có thể thành Phật được. Phật đây là Phật của chính mình, chứ không phải Phật nào khác. Qua câu nói này, Phật tử chúng ta có đường hướng tu hành như thế nào để xứng đáng là một người Phật tử, đừng phạm lỗi với Phật tổ và nhất là với ông Phật của mình.

Phật dạy tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Câu nói này nghe thường, nhưng nghiệm lại mấy người dám tin? Nói anh là Phật chị là Phật, không ai dám nhận hết. Nếu không tin vào khả năng ấy thì việc tu hành, làm phước thành ra vớ vẩn, không có tương lai. Chẳng lẽ chúng ta lại làm cái việc không có tương lai, mất thì giờ vô ích như thế, phải không? Do đó trước nhất mỗi người con Phật phải vững niềm tin rằng mình có khả năng thành Phật. Khả năng ấy chính là sự sáng suốt, là trí tuệ sẵn có không bao giờ vắng thiếu của mình. Tuy nhiên, những lúc ta chạy theo bà con lối xóm ở ngoài thì khả năng ấy mất dạng. Cho nên quan trọng là mình phải biết cách nuôi dưỡng, phát huy khả năng ấy.

Cách đó không có gì lạ, chúng ta bớt đi những lăng xăng, đừng ngược xuôi theo dòng đời, đừng chạy theo vọng tưởng điên đảo từ nhiều đời, thì sẽ sống thực với chính mình thôi. Điều này chúng ta có thể làm được ngay trong đời này, không quá khó khăn đâu. Mục đích giảng dạy, hướng dẫn của hầu hết chư vị tiền bối, đều nhằm vào việc này, không có gì khác.

Trong kinh Pháp Hoa có nhắc đến một vị Bồ-tát tên là Thường Bất Khinh. Ngài đi đâu, gặp ai cũng kính lễ và nói: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài đều sẽ thành Phật”, gieo rắc vào lòng mọi người một niềm tin rằng, mình có khả năng thành Phật. Thế nhưng ngay thuở xa xưa đó cũng có người không dám tin. Chẳng những không dám tin mà lại còn hủy báng, khinh khi Bồ tát nữa. Do đó Ngài thường bị đánh mắng, đuổi đi, khinh thường. Song Bồ-tát vẫn một mực hoan hỷ nói với mọi người điều ấy.

Chúng ta hiện nay cũng biết mình có khả năng thành Phật, nhưng tin tưởng trọn vẹn thì chưa dám. Đó là việc làm cho bản thân, gầy dựng lại sự nghiệp của mình, tại sao ta lại không dám? Vốn liếng đã sẵn có nhưng lâu nay bỏ quên, bây giờ chỉ nhận lại thôi. Cách nhận lại cũng dễ dàng, chỉ cần dừng lặng tất cả những lăng xăng vọng động trong tâm, tự nhiên trí tuệ chân thật hiện bày. Cho nên khi Bồ-tát Thường Bất Khinh Bồ tát nói câu đó rồi, những ai nhận lại được đều cảm nhận và có niềm tin thật vững vàng.

Từ đó chúng ta nghiệm trở lại cách thức tu hành của mình, tự đánh giá sự học hiểu và áp dụng lời Phật tổ dạy ra sao, kết quả như thế nào, thì biết ta sống được với chính mình được bao nhiêu. Từ trước đến giờ, không có cách nào giản dị, ngắn gọn hơn cách tu trên, mà cổ đức thường gọi tu thiền là đi đường chim. Nói đến thiền tức là chỉ thẳng cái đó, anh có cái đó, chị có cái đó, mọi người đều có cái đó. Nhưng từ lâu bỏ quên, bây giờ nhận lại thôi, song dám nhận hay không lại là một vấn đề. Chúng ta học Phật, là con Phật thì phải dám nhận chứ, đừng nói là không dám nhận.

Nhận rồi mới nói đến chuyện tu hành để phát huy cái đó. Quí vị tụng kinh cũng được, niệm Phật cũng được, trì chú cũng được, làm tất cả việc lành đều để gầy dựng tinh thần ấy, nghĩa là tin rằng mình sẽ thành Phật. Như vậy cũng không khác gì tu thiền. Gương xưa, chư vị Bồ-tát, các vị tiền bối đã làm như vậy, bây giờ chúng ta cũng sẽ như vậy. Các vị ngày xưa làm thành công thì bây giờ nhất định chúng ta cũng thành công. Không lý gì ngày xưa làm được, bây giờ ta làm y như vậy lại không thành công. Có thể nói sự hiểu biết, khôn ngoan, kiến giải rộng rãi của người nay hơn người xưa, hiểu biết tận cung trăng, khám phá mộc tinh, hỏa tinh, rồi dĩa bay… đủ thứ chuyện hết. Như vậy chẳng lẽ không phát huy được khả năng mẫn tuệ hiểu biết bên trong của mình.

Hướng tu hành Phật dạy là chuyển nghiệp, dứt nghiệp, hoàn toàn sống với trí tuệ của chính mình. Điều này mình còn yếu, biết như vậy để ta cố gắng phát huy, làm sao đừng yếu nữa. Tinh thần gốc của đạo Phật là tự giác, sau đó mới giác tha. Nói “tự” để tin rằng mình có khả năng phát huy được việc của mình. Như đức Phật nếu không phát huy được trí tuệ này, nhất định Ngài chẳng thành tựu được gì hết. Sau khi thu thập tất cả kiến thức trên đời, Ngài buông hết để trở về phát huy cái của mình, thành tựu được sự giác ngộ độc đáo nhất, hoàn bị nhất gọi là tự giác.

Chúng ta cứ nấn ná, bám víu, dựa nương vào những cái bên ngoài, nên không phát huy được cái của mình. Các thiền sư nói “của báu từ ngoài đem vào không phải là của mình”. Tất cả cái bên ngoài nếu có giá trị thì cũng trong phạm vi nào thôi, nó không có giá trị vĩnh cửu. Tốt nhất là ta nên phát huy cái của mình, sử dụng đời đời không bao giờ hết.

Chư Phật, chư Bồ-tát cũng bắt đầu từ một chúng sinh như chúng ta, từng có những ưu tư, những khổ đau, chứ đâu phải sanh ra là đã giác ngộ toàn bích. Từng bước, từng bước các Ngài nếm trải, vận dụng khả năng của mình thực hiện đạo lý, cuối cùng mới giác ngộ giải thoát hoàn toàn. Chúng ta hiện nay có được cơ sở ấy là có đủ niềm tin để thực hiện điều đó, chứ không phải nói suông. Nhưng muốn được an vui giải thoát, chúng ta cũng phải từng bước nếm trải tự giác lấy mình như chư Phật, Bồ-tát.

Có câu “niềm tin của thế nhơn đặt vào mình không bằng niềm tin của chính mình”. Ví dụ có người nói với mình “thầy có tướng làm Hòa thượng, làm Phật”. Lời ấy chỉ là cái thấy bên ngoài thôi còn làm Hòa thượng, làm Phật được hay không là do nơi chính mình. Tu hành được thì thành Phật được, tu hành không được thì thanh Phật không được. Rõ ràng như vậy. Hơn ai hết người Phật tử phải tự tin nơi đạo lý của mình, đường lối tu hành của mình, sự thành tựu từ công phu tu tập của mình. Tổ tông đi trước đã thành tựu như vậy, không lý gì ta làm theo mà không kết quả.

Nhiều Phật tử nói tu hoài không thấy thành Phật cũng nản. Làm phước hoài cũng bị người ta chửi nên sanh chán. Từ những trường hợp này Phật tử đâm ra nghi ngờ, không biết giáo lý của Phật có đảm bảo an ổn, giải thoát không? Những trường hợp này chúng ta phải xét lại, xem việc làm của mình có đúng hay chưa, hoặc xét lại từng tâm niệm xem có hoàn toàn sống với lời Phật dạy hay đi ngược lại. Thêm nữa, nghiệp lực từ nhiều đời cũng ảnh hưởng đến việc tu tập của mình trong hiện đời nhiều lắm. Tất cả những điều này luôn luôn phải suy xét, để có được một nhận định chính xác. Khi áp dụng phương pháp tu hành hằng ngày phải cho đúng thì kết quả mới tốt.

Luật nhân quả không bao giờ sai chạy, chỉ vì mình chưa quán triệt hết nên có những suy nghĩ sai lầm. Hiểu rõ như thế chúng ta tin chắc rằng làm lành, thì không khi nào có kết quả xấu. Nếu ta gặp những nghịch cảnh là do nghiệp ác đời trước chiêu cảm, bây giờ phải trả. Chấp nhận trả nghiệp cũng chính là một cách chuyển nghiệp, làm cho thân tâm mình bớt khổ được vui. Con mắt tuệ chưa mở thì ta thấy việc gì cũng không đúng không sáng, con mắt tuệ mở thì ta thấy việc gì cũng rõ ràng, đúng luật của nó. Khi hiểu như vậy rồi, mình dễ dàng sống được với niềm tin chân chánh, tin chắc vào khả năng giác ngộ của mình.

Phật dạy muốn thành Phật thì tham sân si phải bỏ, tất cả những đắm trước, vướng mắc phải buông và mọi lăng xăng phải lặng. Nghĩa là định tuệ đầy đủ thì mới thành Phật được. Điều này không thể cầu cạnh ở đâu hết, cho nên người Phật tử nên vững tâm tu hành, nỗ lực phát huy trí tuệ của mình là phương hướng đúng đắn nhất. Phải tập trung tâm lực vào một việc, đừng làm việc này lại tơ tưởng việc khác. Mắt nhìn ở đây mà tâm để ở bên ngoài cửa sổ là hỏng việc rồi. Bởi vậy kết quả không được thuần, không được hoàn bị là hợp lý thôi.

Bây giờ người tu, nhất là tu thiền theo phương pháp trực chỉ hãy vững niềm tin đi tới. Ví dụ mình tu hai ba năm rồi mà chưa thấy gì, cũng vui vẻ tấn tới. Năm rồi tu bảy mươi phần trăm, năm nay tám mươi, rồi tám mươi lăm chín mươi phần trăm, nhất định có ngày cũng sẽ thành công. Chứ còn thấy bảy mươi phần trăm rồi lìu xìu “thôi, đi chùa hoài coi bộ không khá, ở nhà tu cho khỏe” là xem như đi đứt luôn. Thật ra chúng ta có tiến chứ không phải không, nhưng vì mình tham quá muốn tiến một cái là thành Phật liền. Như vậy không được.

Quý vị thử nghiệm lại xem, trước khi đi chùa mình chưa biết gì hết, nên cứ tạo tội làm ác, không thấy gượng tay. Bây giờ mỗi khi khởi niệm gì bậy hoặc nói lỡ lời với ai, ta thấy bứt rứt khó chịu, sượng sùng lắm. Từ đó, mỗi khi nghĩ điều gì, nói lời gì hay làm việc gì mình cũng suy nghĩ kỹ càng, xem nên hay không, tốt hay xấu rồi mới làm. Đó là ta đã tu rồi, tu trên luật nhân quả, biết làm lành lánh dữ. Với cái hướng ấy là thăng tiến chứ sao không tiến được. Kết quả tu hành không thể căn cứ ngay bây giờ mà phải trải qua thời gian, như người đi trong sương móc lâu ngày ướt áo vậy. Luật nhân quả cũng thế, tương ứng dần dần theo thời gian. Vì vậy người tu Phật không nên nôn nóng, còn nôn nóng là chưa biết tu Phật.

Chuyện xưa kể về một nhà vua chọn người hiền tài giúp nước như thế này. Một hôm vua cho làm ba con búp bê thật tuyệt mỹ, rồi mời tất cả thần dân trong nước tới xem. Nhà vua ra lệnh ai tìm được điểm đặc biệt trong ba búp bê này sẽ được trọng thưởng. Khắp kinh thành, không ai tìm được hết chỉ biết trầm trồ khen ngợi búp bê của nhà vua tuyệt đẹp. Cuối cùng có một thư sinh áo rách, lang thang không nhà cửa, nghe chuyện như thế mới xin đến xem. Vừa nhìn qua anh liền thấy trong ba búp bê này đều có dùi lỗ nhỏ. Anh lấy một cọng cỏ thọc vô đó xem thử. Qua thí nghiệm ấy, anh liền tâu cùng đức vua:

- Muôn tâu Bệ hạ! Theo chỗ thấy của kẻ hèn này, đây là vật đặc biệt.

Vua hỏi:

- Đặc biệt chỗ nào?

Anh thưa:

- Con búp bê dùi lỗ có thể xuyên từ đây qua kia không dùng được, vì vừa đem vô bên đây đã chạy ra bên kia. Con búp bê dùi lỗ xuyên cọng cỏ vô liền dội ngược ra cũng không dùng được, vì nó ngăn ngại, không giải quyết được gì. Chỉ có con búp bê dùi lỗ, cọng cỏ xuyên qua và rơi xuống dưới là dùng được, vì nó thâm trầm biết lặng lòng để phát huy trí tuệ. Muôn tâu bệ hạ! Thần dân của bệ hạ, nếu ai cũng được như vậy, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ rồi rồi áp dụng thì nước của bệ hạ hùng mạnh, thái bình. Vua nghe xong, liền ra lệnh ban thưởng và trưng dụng chàng thư sinh này vào triều.

Trở lại vấn đề tu hành, nếu không có cái nhìn sâu sắc, không có niềm tin vững chắc, chúng ta nghe bên này lọt bên kia, hoặc nghe đây nói kia, thì chỉ chạy lăng xăng bên ngoài thôi, sẽ không được gì cả. Chúng ta nghe rồi phải suy nghĩ, suy nghĩ thấy đúng rồi áp dụng, như vậy mới có kết quả, có lợi ích thiết thực. Phật tổ không bao giờ dối gạt người, nhưng chúng ta tu hoài mà không thành Phật, đó là tại mình thôi. Phật chịu khó chịu khổ vô lượng vô biên kiếp mới thành Phật. Công phu phải lâu dài, thấm vào tim vào tủy, vào máu huyết của mình mới mong thành tựu được đạo quả Bồ-đề. Chúng ta lười trễ, biếng nhác, niềm tin lại quá yếu làm sao thành tựu được giác ngộ giải thoát. Cho nên cần phải như con búp bê thứ ba của nhà vua mới tìm lại kho báu của mình được.

Từ chỗ này chúng ta có chỗ nhận định, không nhất thiết phải học nhiều, bất cứ lời nói nào trong giáo pháp của Phật, chúng ta đọc được phải suy xét, quán chiếu, dùng trí tuệ của mình soi rọi vào đó để rồi áp dụng. Ví dụ như nghe nói tu thiền điên, ta phải quán chiếu tại sao tu thiền điên? Người xưa tu thiền thành Tổ, thành thiền sư, bây giờ mình tu thiền điên thì vô lý. Chỉ tại người tu sai, tu không đúng mới điên, chứ nếu tu thiền đúng làm sao điên được. Có được tinh thần đó quán chiếu đó ta sẽ vững niềm tin, không sợ gì nữa hết, cứ vững tiến theo con đường mình đã lựa chọn. Đó là người Phật tử chân chánh.

Khi hiểu được Phật pháp chân chính và áp dụng trí tuệ quán chiếu rồi, chúng ta sẽ tiến từng bước, dù chậm nhưng chắc, nhất định sẽ thành công. Có thể ngay trong lúc đang thực hành ta đã từng bước thành công, không đợi đến xong việc. Thanh tịnh giải thoát ấy không phải ở đâu mang tới, không phải của ai cho mình, cũng không phải do hoàn cảnh ngẫu nhiên mà có. Bằng trí lực, đạo hạnh, công phu tu hành quán chiếu, bằng tuệ giác của mình mà có. Phải ngay trong cái vô thường mà nhận được cái chân thường, trở về phát huy cái bản thể của mình.

Con người có bệnh nếu không tiếc nuối quá khứ thì cũng ngóng về tương lai, còn hiện tại lại mê mờ. Làm sao cả ba thời, ta không bị mất mình. Ngồi đây không phải để ngóng về tương lai hay nuối tiếc quá khứ, ngồi đây để thấy rõ từng phút giây ta đang thở, sự vật đang từng phút tuần hoàn, giao lưu với sự biến chuyển của thân tâm này. Nếu ta luôn luôn sống thực như vậy thì đúng với tinh thần thiền. Nhập thiền là nhập cái đó, được vậy lúc nào mình cũng thiền, ở đâu cũng thiền. Còn trái lại, ta cứ mong ngóng tương lai, thân ở đây mà tâm gởi chốn non Bồng nước Nhược, tơ tưởng một thân hình đẹp đẽ có thể bước một bước từ đỉnh núi Bà Đen tới ngọn núi Sam núi Sập Châu Đốc, nhảy một cái từ vịnh Hạ Long sang tới mũi Cà Mau. Sống trong tưởng tượng như thế thì có ngày té gãy chân, mà không Bác sĩ nào chịu bó bột cho đâu. Người tu phải đập chết những tơ tưởng ấy, mới sống được với phút giây hiện tại.

Ta không nên để đời mình trôi suông được, sống sao cho có giá trị, có lợi ích cho mình cho người. Người tu phải đi như trâu nhìn như cọp. Trâu đi từng bước vững chãi thật chắc, cọp nhìn thẳng nghiêm trang không láo liên qua lại, mỗi lần muốn nhìn sang bên nào nó xoay mình qua đó nhìn thẳng, chứ không dáo dác liếc ngang liếc dọc. Chúng ta đi đứng nói năng chưa vững chãi, chưa ngay thẳng mà còn trạo cử là vì tâm ta chưa định, trí ta chưa sáng. Ta bị cuộc sống với những thứ ngũ dục kéo lôi nên lúc nào cũng điệu cử, lăng xăng. Sống như thế không thể nào có cuộc sống sâu sắc được, chỉ biết phơn phớt bên ngoài thôi. Ví dụ như ta nhìn vật nào, quán chiếu chiêm nghiệm nó chưa chắc đã hiểu hết, huống là liếc mắt qua mà có thể thấy được rõ ràng. Cho nên người tu rất cần chiều sâu của một tâm tỉnh thức.

Tu Phật chủ yếu là phát huy được sự tỉnh lặng nơi chính mình. Chữ “Tỉnh” là tỉnh táo, chữ “Lặng” là lặng lẽ. Tỉnh táo trong lặng lẽ và ngược lại lặng lẽ trong tỉnh táo, mới gọi là định tuệ đẳng trì. Bởi có tỉnh lặng ta mới thấy được một cách thấu đáo bản thể của các pháp. Nếu thiếu tỉnh lặng thì cả cuộc đời tu hành không thể phát huy được trí tuệ. Bởi những kiến thức do học được từ thiện hữu tri thức chỉ là trí hữu lậu, chưa giải quyết nổi vấn đề sanh tử, vấn đề then chốt của con người. Chỉ có trí tuệ lưu xuất từ bên trong do công phu thiền định mới thấu triệt và giải quyết được tất cả mọi vấn đề.

Chữ “Thức” có nghĩa là phân biệt, nhớ hiểu phân biệt theo những tư tưởng, những trào lưu văn hóa v.v… đều là cái ở bên ngoài. Chủ trương của đạo Phật không như thế, chúng ta phải lặng hết vọng tưởng, định tỉnh thì trí tuệ mới phát triển. Trí này mới thật là của mình, không do bên ngoài đến nên không bao giờ mất. Nhưng đặc biệt nó chỉ xuất hiện khi nào tâm ta tỉnh lặng.

Cho nên tôi nói quí vị đọc sách cũng được, tụng kinh cũng được, ngồi thiền cũng được nhưng với điều kiện phải có sự tỉnh lặng. Chứ ngồi thiền mà lăng xăng thì không kết quả. Tụng kinh mà nhớ nghĩ chuyện xưa chuyện nay cũng không thành công. Hoặc niệm Phật mà cầu sanh về thế giới Cực Lạc mà nhớ Sài Gòn, Hà Nội thì Phật không rước được. Như vậy yếu tố tĩnh lặng không thể thiếu với người tu Phật.

Muốn tĩnh lặng phải làm sao? Trước nhất là về thân. Chúng ta khi ngồi thiền hay niệm Phật phải ngồi ngay ngắn yên lặng, không được dao động, nhúc nhích ngó tới ngó lui. Kế đến phải tỉnh tâm, tức điều phục tâm, đừng để quá khứ hay tương lai kéo lôi. Chánh niệm trong hiện tại, bình tĩnh sáng suốt trong lặng lẽ, vừa nghĩ nhớ gì liền bỏ đi, đó là dụng công trong lúc tọa thiền. Khi ăn, khi ngủ hay làm tất cả công việc cũng đều áp dụng tỉnh tâm như vậy. Không nên đang ăn mà suy tính chuyện này chuyện nọ hoặc lúc ngủ cứ suy nghĩ miên man việc năm trên năm dưới. Phải có một thái độ dứt khoát mới tỉnh tâm được.

Trong hiện tại luôn có sự tỉnh táo lặng lẽ, quán chiếu trong mọi việc làm, nhà thiền gọi là người đâu trâu đó, làm việc nào biết việc ấy. Cho nên các Thiền sư thường nói “Đói ăn khát uống” là vậy, không có chút niệm tạp xen vào. Người đời đói mà không chịu ăn, chê khen ngon dở, khát mà không chịu uống, đòi nước này nước nọ. Ngủ cũng thế, Thiền sư mệt thì ngủ trong khi người thế gian lên giường là gác tay lên trán tính chuyện ngày mai, không chịu ngủ. Nếu có ngủ cũng ngủ trong mơ mộng điên đảo, do đó không bao giờ sống được với cái thực của chính mình.

Tinh thần tĩnh lặng này Nam phương Phật giáo gọi đó Niết-bàn, tinh thần Bắc phương Phật giáo gọi là “vô niệm vô trước”. Chúng ta nghiệm lại xem mình có được vô niệm hay không? Nếu tâm còn lăng xăng, toan tính thì chưa vô niệm. Pháp môn thiền là pháp môn đại giải thoát, ai cũng có thể thực hiện được trong mọi hoàn cảnh và ngay bây giờ, chứ không đợi đến lúc nào hết. Bằng chứng cụ thể là khi thiền được mở mang ở Trung Hoa, từ đầu cho tới cực thịnh là đời Đường đời Tống, hầu hết các quan chức cao cấp đều hiểu và áp dụng thiền vào cuộc sống hằng ngày. Có vị chứng đạt cả tâm tủy của thiền, ngang hàng với các Thiền sư.

Tuy nhiên nghiệp của chúng ta nhiều lắm, nên nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Ví dụ như ta nói phải tỉnh, mà sự thực mình không tỉnh, càng nói tỉnh chừng nào lại càng mê chấp chừng ấy. Bởi không tỉnh nên bị lầm mê dẫn dắt. Muốn chận đứng, chiến thắng được nó phải khéo dùng phương tiện. Vì vậy mới có các hình thức tụng kinh, tọa thiềnv.v… cốt để tạo điều kiện thuận tiện cột tâm lại, khiến nó bớt lao xao, chộn rộn, dần dần được tỉnh lặng.

Những phương pháp tu thiền dù của Phật hay Tổ dạy cốt làm sao cho ta đừng lầm vọng tưởng, đừng chạy theo vọng tưởng nữa. Đánh tan được con khỉ ý thức mới dứt được gốc tham lam, sân hận, si mê của mình. Bởi đó chính là nhân dẫn chúng ta đi trong trầm luân sanh tử. Dù ham muốn thế gian hay ham muốn được thánh vị cũng phải bỏ hết, vì chúng đều là vọng tưởng. Như vậy để làm gì? Để đừng giết chết thì giờ quí báu theo đuổi những cái bên ngoài. Bởi tánh Phật đã sẵn có nơi mình rồi, ta chỉ cần nhận trở lại, chứ không mong cầu ở đâu cả. Đó là những phương thức tạm thời giúp cho người yếu đuối phát triển trí tuệ của mình.

Khi công phu đã thuần thục, lúc nào chúng ta cũng định tỉnh sáng suốt. Làm việc gì cũng thiền, tiếp khách cũng thiền, nấu cơm cũng thiền, đi chợ cũng thiền, chứ không đợi ngồi thiền mới gọi là thiền. Sống trong tinh thần vô trước, trí tuệ luôn hiện hữu là sống thiền. Chừng đó các phương tiện chỉ là phụ thôi, không còn quan trọng nữa. Cho nên phải biết tụng Bát-nhã mà không sử dụng trí Bát-nhã quán chiếu thì chẳng dính dáng gì đến Bát-nhã. Lạy Phật mà vẫn cống cao ngã mạn thì có phá dẹp cây cờ ngã mạn được đâu, không chừng càng lạy càng xây cao cây cờ ngã mạn thì nguy. Cho nên Phật tử phải ý thức tất cả hình thức tu tập đều là phương tiện, nó chỉ có tác dụng và giá trị trong một giới hạn nào thôi. Quan trọng là sự phát huy trí tuệ bên trong.

Khi tu cần nhất là phải thấy đến chỗ tột cùng của mọi vấn đề. Ví dụ nghe người ta chửi, mình muốn chửi lại. Nhưng bây giờ hiểu rõ ngôn ngữ không thật, tiếng chửi kia không thật, người chửi không thật và ta đang nghe chửi đây cũng không thật, thế thì cần gì phải chửi lại. Đó là nhờ trí tuệ thấy tận căn gốc của vấn đề, do đó ta dừng tạo nghiệp. Dừng tạo nghiệp là cắt đứt nhân đi trong luân hồi sanh tử. Phật lại dạy thêm, chẳng những ta không chửi lại mà còn thương người đang chửi mình nữa. Vì sao? Vì họ si mê nên mới sân hận như thế, chửi mình họ có sướng ích gì đâu, cũng khổ lắm chứ. Người đang khổ thì ta thương, chứ sao nỡ giận được. Đó chính là trí tuệ và từ bi trong đạo Phật.

Quán sát như vậy thì việc tu không còn khó nữa. Nghiệm cho cùng chúng ta sẽ thấy, đối với các pháp trên cuộc đời này, ta không phụ nó thì nó cũng phụ ta thôi. Bởi bản chất nó là vô thường, còn mất đổi thay luôn luôn. Thế thì ta nên khôn ngoan, sáng suốt để chuẩn bị tu cho kịp, còn đợi chừng nào nữa. Muốn bỏ được những đam mê, ham muốn, đắm trước và phát huy sự tỉnh táo của mình, đòi hỏi ta phải bình tĩnh sáng suốt, tức là ta phải có thiền định và trí tuệ. Có thiền định và trí tuệ mới nhìn thấy thực tướng các pháp. Thấy đúng như thế ta sẽ an ổn, giải thoát. Người tu Phật làm sao thực hiện được Niết Bàn ngay đây, chứ không mơ ước trong tương lai ở một thế giới nào cả. Người ta chửi mình mà mình bình thường an ổn, đó là đã vào hiện tại lạc trú Niết-bàn.

Thế giới chúng ta đang ở đây là một thế giới đầy đủ thiện duyên cho người tu hành. Chư Phật đều thị hiện vào trong này, cũng vì thế, chúng sanh có khổ có vui mới dễ thức tỉnh họ. Sống trong nghịch cảnh mà vẫn an ổn vui tươi mới trưởng dưỡng đạo tâm kiên cố, vì vậy các vị Bồ-tát thường hay phát nguyện vào cõi đời ô trược độ sanh để viên thành Phật quả. Thân này là mộng, cõi này là mộng, người mộng, mình mộng, tất cả đều là mộng. Mộng với mộng, huyễn hóa với huyễn hóa, thôi thì ai chửi cũng được, khen cũng được, nghe rồi đi là xong, bận lòng làm chi với các thứ giả dối. Có được những nhận thức chín chắn như vậy là thấy được vấn đề để tu hành.

Nên nhớ mọi ham muốn đều là tai họa, tìm cầu đã khổ, được nó cũng khổ. Được nhiều khổ nhiều, như lửa gặp củi, càng nhiều càng cháy mạnh. Khó khăn nhất của chúng sinh là lòng ham muốn, chúng ta tu phải quán chiếu phá tan cái này. Kinh A Hàm ví dụ ham muốn như cục thịt thối, bầy quạ giành nhau. Bây giờ, như ta thấy một người đẹp, lúc nào ta cũng mơ tưởng về người đó mà Phật dạy phải nhìn họ như ví dụ trong kinh A Hàm thì khó rồi. Nói chuyện không hay còn sợ họ buồn, khổ vậy nên rồi ham muốn cứ tăng trưởng ham muốn. Nếu mình có cái nhìn như thực thì tu hành dễ dàng, không khó khăn gì.

Trong kinh nói “Người bị câu thúc bởi những ham muốn như con thiêu thân nhảy vào lửa, như cá nuốt câu, như nai theo tiếng, như khát mà uống nước muối”. Đây là nói tai họa của người không dừng được lòng ham muốn. Ham muốn như lửa, như cá nuốt câu, như nai khát nước mà chạy theo bóng nắng ngoài sa mạc, chạy đến ngã gục cũng không bao giờ có nước. Đối với ham muốn nếu chúng ta không dừng được, quá khứ hiện tại vị lai cứ tơ tưởng hoài thì sẽ bị khổ, không bao giờ được yên. Người Phật tử phải có niềm tin vững chắc nơi Phật lý để áp dụng vào cuộc sống của mình, mới mong đủ lực thắng lại tất cả những ham muốn thuộc về thân tâm này.

Từ thân tâm này mà tu, soi rọi lại mình nếu thấy còn những khuyết điểm thì tu sửa. Ví dụ mình vừa sắp đặt chương trình đúng tám giờ ngồi thiền, gần tới giờ bỗng có khách. Thế là ta đổ thừa, hôm nay có khách, thôi mai tu cũng được. Như vậy là mình yếu đuối, cứ hẹn lần hẹn lựa như thế hoài sẽ không tu hành gì được hết. Bây giờ phải dứt khoát, tới giờ tu là tu, mọi chuyện gác qua một bên, tu xong mới giải quyết. Được vậy mới hy vọng chiến thắng được những chướng duyên, những khuyết tật của mình. Cho nên người tu phải có lực, quyết định làm việc gì thì phải làm chủ tình hình, không bị động, không chờ hẹn gì hết, tự mình quyết định như vậy.

Dĩ nhiên trong khi tu chúng ta gặp nhiều chướng duyên, nhưng nếu quyết tâm thì không có chướng nào mà mình không vượt qua được. Chỉ trừ người yếu đuối, mê ngủ, nhắm con mắt lại thì không vượt qua được. Chứ còn dù cho núi cao, sông rộng cách mấy, một khi chí đã quyết thì ta đều có thể vượt qua tất cả. Đã nói học đạo, đã nói tu thì nhất định phải thực hành đúng như lời Phật dạy. Cho nên người tu phải như vách đá, kiên cố vững chắc gió cuốn chẳng lay. Lời tán dương hay hủy báng không làm chao gợn đôi mày, đó mới đúng là con đấng Pháp vương.

Thật ra việc tu không khó nhưng đòi hỏi chúng ta phải có ý chí, có quyết tâm thì nhất định sẽ thành công. Nghiệp chướng tuy nhiều nhưng ta có thể chuyển đổi được. Vì vậy đối với tham lam, sân hận, si mê, ta biết rõ nó không thật thì không bị nó lôi đi, không tạo nghiệp. Đó là dứt nghiệp, chuyển nghiệp. Cho nên biết tu và quyết tâm tu thì không khó. Khó tại chỗ không quyết tâm thôi. Thành thử quan trọng là mỗi người phải nuôi được ý chí của mình, thấy được lẽ thực các pháp. Cứ thế từng bước ta áp dụng sao cho mỗi ngày qua, mỗi thời khắc mình làm chủ và nếm được pháp vị, sống được với chính mình, thực hiện Niết-bàn ngay trong hiện đời. Tu như vậy không bao giờ ta dừng bước thoái lui, cũng không để mất chút thời gian nào, vì đối với các sự kiện chung quanh lúc nào mình cũng tu, chắc chắn ta sẽ đạt được sự an ổn.

Buổi nói chuyện hôm nay, mục đích chúng tôi nhắc lại lời Phật dạy Tất cả chúng sanh đều là sẽ thành Phật, để củng cố niềm tin nơi mỗi chúng ta. Lời nhắc nhở của các thiền sư là mỗi ngươi đều có trí tuệ chân thật, ai làm cản trở, hủy diệt trí tuệ ấy, tức người đó đã giết một vị Phật tương lai. Biết thế rồi chúng ta nỗ lực phát huy trí tuệ của mình. Ban đầu dùng phương tiện qua các hình thức tu tập giúp cho ta thành tựu được việc chính của mình. Nhưng nên nhớ cũng không được kẹt dính nơi phương tiện thì công phu mới viên mãn. Tất cả chúng ta cố gắng làm sao thực hiện viên mãn bản nguyện của mình là tu đến thành Phật mới thôi. Tin chắc như vậy là chánh tín, là người có trí tuệ.

Để thay lời kết, tôi xin mượn câu nói của Bồ-tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa gởi gấm đến toàn thể quý vị: “Tôi không dám khinh quý Ngài, vì quý Ngài đều sẽ thành Phật”.

[ Quay lại ]