headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CỬA VÀO ĐẠO

 Đề tài tôi nói hôm nay là Cửa vào Đạo. Trong nhà Thiền, hầu hết các Thiền sinh khi đi hành cước, luôn luôn câu hỏi đầu môi là: “Làm sao con vào Đạo?” Mà cửa đạo là cửa Không, cửa Thiền. Cửa Không thì làm sao vào được? Nếu không biết cửa vào, thì không vào cửa được. Không vào cửa được thì làm sao gặp được ông chủ, trong khi mục đích duy nhất của người tu thiền là gặp và sống được với ông chủ của mình. Cho nên đây là một vấn đề quan trọng đối với hành giả tu thiền.

Sử kể lại một Thiền sư Việt Nam đi hành cước ở Trung Quốc, tới ba tháng mới vào cửa được. Bởi các tùng lâm ở Trung Hoa rất lớn, có đến năm ba lớp cửa, chứ không như xứ ta. Tại cửa Tam quan khách tăng sống tạm một thời gian, tới giờ cơm nước thì vào Trù phòng xin phần ăn của mình, không ai hỏi han hay đặt vấn đề gì hết. Nhưng còn nghỉ ở Tam quan là chưa vào Đạo tràng. Chưa vào cửa được thì chưa ở được.

Thiền sư nước ta ở như thế ba tháng. Một hôm, thầy Tri sự đi ra ngoài cổng kiểm tra, hỏi ra mới biết đã ba tháng thiền tăng này ở đây. Thầy hỏi: “Tại sao không vào gặp Hòa thượng Đường Đầu?”. Đáp: “Chưa được phép vào”. Nhờ thế ngài mới được vào cửa. Sau khi thưa trình ngài mới thực thụ “được vào cửa”. Được vào cửa lần thứ hai tức là đã nhập Pháp ở đó. Về sau Thiền sư đã mang được Tông phong thiền về xứ ta truyền bá.

Các tông Thiền ở xứ ta được truyền bá rộng rãi như: Thiền Tào Động, Thiền Lâm Tế, Thiền Quy Ngưỡng… Và, như chúng ta đã được Hòa thượng chỉ dạy: Từ những dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thiền Vô Ngôn Thông, Thiền Thảo Đường từ Trung Quốc truyền sang, sau đó tinh ba các dòng thiền này tựu thành một dòng Thiền Việt Nam, đó là Thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trúc Lâm Đại Đầu Đà tức vua Trần Nhân Tông làm Sơ tổ. Hiện nay Hòa thượng Viện trưởng ở đây, một lòng hướng về và gầy dựng phát huy lại Thiền Trúc Lâm Yên Tử thuở xưa ở nước ta. Đó là một phái Thiền hoàn toàn Việt Nam.

Trở lại vấn đề vào cửa. Bây giờ làm sao chúng ta vào cửa được? Mục đích vào cửa là để nhận diện lại ông chủ của mình. Từ lâu chúng ta đã ngược xuôi, bỏ quên ông chủ của mình, bây giờ muốn nhận lại thì trước tiên phải vào cửa, mới có thể nhận được. Đây là một vấn đề. Phật tổ nói bỏ quên ông chủ tức là bỏ quên chính mình, quay lưng với chính mình, rong ruổi theo những giả cảnh giả tướng bên ngoài. Tại sao chúng ta bỏ quên, điều này cũng dễ hiểu thôi, vì cửa đó là cửa Không, có gì để mà nhớ!

Như đến Thường Chiếu, bước vào cổng Tam quan chụp một tấm ảnh, rồi sang gốc điều, Nhà tròn, Phòng khách, Chánh điện… còn một chút hình ảnh lưu lại, chúng ta mới nhớ. Đằng này, đến cũng không mà về cũng không, có cái gì để nhớ! Ông chủ là gì, làm sao quen được? Chính vì thế chúng ta dễ quên khó nhớ vị này. Tuy nhiên, không phải là không có cách nhớ. Trong nhà thiền bảo ông chủ tuy không hình không tướng, nhưng có sẵn ở mắt, tai, mũi, lưỡi… chúng ta, không vắng thiếu lúc nào. Chỉ người khéo hay nhận lấy, khi xúc cảnh chạm duyên liền nhận ra sự có mặt của ông chủ ngay tức thì. Nếu chúng ta nhận được thì xem như vào cửa được.

Nhị Tổ Huệ Khả hỏi Sơ Tổ:

- Làm thế nào vào Đạo được?

Tổ đáp:

- Ngoài dứt các duyên, trong bặt nghĩ tưởng, tâm như tường đá mới vào được Đạo.

Chúng ta muốn vào được cửa Không, muốn làm quen hay sống được với ông chủ thì phải “Ngoài dứt các duyên, trong bặt nghĩ tưởng”. Ở ngoài mà dứt hết các duyên không phải là chuyện dễ. Nào là bà con dòng họ, tình cảm thương yêu, buồn lo khổ sở, bao nhiêu thứ đó để lại cho ai? Chưa truyền lại được thì chưa dứt được. Ở đây Tổ nói rất giản dị: Muốn vào Đạo được, giai đoạn đầu phải dứt các duyên bên ngoài, bặt hết mọi nghĩ tưởng bên trong. Sau đó tâm như tường vách, mới vào được Đạo.

“Tâm như tường vách” là thế nào? Không phải tâm chúng ta cứng như tường vách, mà như Hòa thượng dạy: Tâm là cái sáng suốt trùm khắp, là trí tuệ linh tri, rỗng rang không hình tướng. Bây giờ muốn vào được chỗ đó, sống được với cái đó, tâm của mình cũng phải rỗng rang, dứt hết mọi vọng tưởng lăng xăng mới khế hợp chỗ ấy. Có khế hợp mới vào được, đó là lẽ đương nhiên thôi.

Phật bảo “buông” chứ không bảo ta làm gì cả, mà sao mình làm không được. Chính như chúng tôi ở trong chùa có bận bịu gì đâu, bất quá thì quét sân, làm rẫy, rồi tụng kinh, ngồi thiền, ai đến thăm viếng thì nói chuyện đạo lý v.v… không có gì gọi là ràng buộc. Thế mà nhiều khi chúng tôi thấy mình buông cũng chưa được, việc này quả thật không đơn giản đâu. Ví dụ quý thầy đang làm việc bình thường, bất thần có người bảo: “Thằng đó là thằng nào?”, lúc đó mình còn bình tĩnh không, tâm như tường vách chưa, hay là nổi sùng lên, tăng áp huyết, đỏ mặt tía tai, miệng méo, chân đá, tay quơ…

Bây giờ thử nghiệm lại câu nói “Thằng đó là thằng nào?”, sở dĩ câu nói được phát âm là do có miệng, có môi, có răng, có lưỡi… ba bốn thứ hợp lại tương xứng với nhau mới có lời nói kia. Giả như bây giờ cái lưỡi đầy hết cả miệng, hoặc miệng không có hai cái môi, nói ai nghe được. Tóm lại đủ duyên thì phát ra âm thanh như thế. Mà đã là duyên hợp thì không thật. Chúng ta học Phật Pháp biết một cách tường tận điều này, nhưng khi đối đầu tiếp cận với các duyên thì thấy thật, người thật, lời đó nó thật v.v… Bởi thấy thật nên nổi giận, la hét đủ thứ chuyện. Chính hậu quả thấy sai lầm ấy dẫn chúng ta đi lẩn quẩn trong vòng luân hồi.

Bây giờ phăng ra được, biết sở dĩ mình bị luân hồi sanh tử là vì cái huyễn không thật mà ta cho là thật. Từ sự mâu thuẫn ấy sanh ra luân hồi sanh tử. Bởi vậy nên rồi thỉnh thoảng người ta bị tai biến mạch máu não. Là vì thần kinh, ống dẫn máu bị các thứ cù cặn tống tới mạnh quá, chịu không nổi, phải vỡ ra thôi. Tai họa từ sự hiểu biết sai lầm đó. Cho nên Phật, Bồ-tát thấy chúng ta bị luân hồi không có ngày ra, cứ lay hoay với vòng nhân quả như thế.

Trở lại vấn đề vào Đạo. Nếu tâm chúng ta bình yên, không bị động bởi những lăng xăng, biết đúng như thật và làm cũng đúng như thật, đó là chúng ta vào đạo. Ví dụ như ta ngồi bình tĩnh đây, nghe ai nói xấu mình, ta tự nhủ “Ờ, lời nói không thật. Bình thường”. Nếu sống đúng như vậy, tức là cắt đứt được vòng lẩn quẩn luân hồi sanh tử. Đó là vòng khổ đau truyền thống, thấm thía sâu sắc nhất. Đói khổ, thiếu tình thương, thiếu ăn, thiếu mặc, bị bão lụt chết nổi chết chìmv.v… chỉ khổ một đời này thôi. Còn vô minh lầm nhận cái giả cho là thật, tạo vô vàn nghiệp quả thì khổ đau không có ngày cùng.

Bây giờ muốn chấm dứt dòng sanh tử ấy, dễ lắm. Như Sơ tổ Đạt Ma dạy: Tâm như tường vách! Một khi tâm ta đã bình thản, không dính mắc vào bất cứ thứ gì là vào đạo được rồi. Một pháp tu cụ thể, rõ ràng. Nghĩa là ngay đây, tâm chúng ta bình thường, rỗng rang, sáng suốt, không bị động bởi bất cứ thứ gì bên ngoài, tự chủ, dứt khoát thì thế giới hòa bình. Nên pháp môn này là pháp môn tối thượng, pháp môn trực chỉ. Nếu chúng ta áp dụng công phu tu như thế sẽ giảm thiểu rất nhiều thời gian. Đó là những điều thiết yếu trên con đường vào Đạo.

Khi tâm không yên chỉ cần lặng xuống, đừng nghĩ ngợi gì thêm thì nó sẽ yên. Chứ tâm đã không yên, mà ta còn quấy động, xáo trộn lăng xăng thì nó càng mệt, càng không yên nữa. Trong lúc đã mệt rồi mà làm thêm cái gì nữa thì mệt hơn, đó là điều đương nhiên. Kinh Viên Giác, Phật dạy: “Muốn nhận được mặt trăng thực, phải từ ngón tay chỉ mặt trăng mà nhận.” Từ ngón tay chỉ mặt trăng, mình nhận mặt trăng thực trên kia. Chứ còn cho ngón tay là mặt trăng, chẳng những không nhận được mặt trăng thực mà làm hư ngón tay. Chúng ta học Thiền, học Đạo nên nhân các phương tiện này mà nhận ra cái thật của mình. Đôi khi ta đến hỏi đạo, Hòa thượng trả lời: “Lúc này trên Trúc Lâm lạnh lắm!” Hoặc “Sáng nay tôi đi về hồi ba giờ rưỡi”, bất giác ta nhận ra. Đó là những con đường vào đạo của nhà thiền.

Nói tóm lại, vào đạo là nhận được tâm. Tâm là cái gì? Là cái Không, cái rỗng rang, cái trí tuệ trùm khắp. Đây là một loại công án bí truyền mà các Thiền sư không giải thích. Học với Thiền sư mà không nhân cái này nhận ra cái kia là chưa biết học. Thiền sư nói cái đó nhưng để chỉ cái kia. Như nhân ngón tay mà chỉ mặt trăng thật trên kia. Chúng ta học cái này rồi dính mắc ở cái này thì không vào cửa được. Tu học như vậy chắc phải ở ngoài cổng năm ba năm, chứ không phải ba tháng đâu. Năm ba năm còn chưa chắc được vào cửa nữa là khác!

Ngài Thần Tán cũng là một Thiền sư Trung Hoa. Ngài có điểm đặc biệt là, từ giã thầy đi hành cước, vào cửa được rồi xong việc trở về, nhưng sư phụ thì vẫn còn lúng túng. Một hôm, sư phụ Ngài ngồi đọc sách bên cửa sổ, trên cửa dán giấy. Có con ong muốn bay ra cửa mà cứ vùi đầu vào trong khung giấy. Nhân đó Ngài nói bài kệ như thế này:

Cửa trống chẳng chịu ra,

Song hẹp lại lao đầu,

Trăm năm đục giấy cũ,

Thuở nào ngóc đầu lên.

Sư phụ ngài lấy làm lạ hỏi:

- Ông đi hành cước được những gì, hôm nay lại nói thế?

Ngài ứng khẩu đọc bài kệ:

Linh quang độc chiếu,

Thoát xa căn trần,

Thể lộ chân thường,

Chẳng vướng chữ nghĩa.

Tâm tính không nhiễm,

Vốn tự viên thành,

Chỉ lìa vọng duyên,

Tức như như Phật.

Ngài nói cửa trống mà không chịu chui ra, lại cứ chun đầu vào chỗ dán bít lại. Trăm ngàn năm vùi đầu như thế, chừng nào mới ra được. Cái nhìn của các Thiền sư tất cả đều là Không. Còn chúng ta khi ở Nhà khách thì thấy Nhà khách, khi nào ở Nhà tròn thấy Nhà tròn, khi ở Thư viện thấy Thư viện… Tóm lại loay hoay lẩn quẩn cả đời chừng ấy việc, biết bao giờ mới ra khỏi luân hồi sanh tử? Cho nên Ngài bảo cửa Không lại chẳng ra, lại vùi đầu vào chỗ bít lấp.

Điều này chắc chúng ta cũng đã từng khắc khoải. Bởi vì nghiệm lại từ ngày mình bước chân vào Thiền viện cho tới bây giờ, tính ra có người mười năm, mười lăm năm hoặc hai mươi mấy năm, nhưng hỏi: “Vào cửa Không được chưa?”, ai cũng sửng sốt. Thế là sao? Quả thực chúng ta đã chấp ngón tay cho là mặt trăng nên không thấy mặt trăng mà còn làm hỏng đi ngón tay của mình. Đã cho ngón tay là mặt trăng thì không bao giờ nhận ra mặt trăng thật được.

Ví dụ thầy Tri khách làm việc ở Nhà khách, quét sân, tiếp khách… cứ như thế, không có gì thêm hết thì Nhà khách cũng là Không, tức thì “Lập địa thành Phật”. Bình ổn. Bờ mê bến giác cách nhau một tí tẹo thôi, mà mình cứ muôn đời muôn kiếp loay hoay lẩn quẩn không vượt thoát được. Ta còn có những mâu thuẫn khác nữa. Như nghe các Thiền sư nói: “Ăn chỉ biết ăn, ngủ chỉ biết ngủ” nên cứ đợi tới giờ ăn thì ăn, tới giờ ngủ thì ngủ. Mặc tình thụ hưởng, không biết như vậy là thả cho thức tình chạy theo ngũ dục, tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử. Nên hiểu như vậy là lầm to.

Nghiệm lại cho kỹ rõ ràng mình thấy lầm. Phật đã nói “Các pháp duyên sinh là không thật” hoặc “Cái gì giả hợp thì huyễn hóa”, cho tới cái thân này, tâm này cũng hư huyễn, không thật. Chúng ta học được, hiểu được, nhưng tại sao không sống được, chỉ vì lầm một chút xíu này thôi. Các Thiền sư tới giờ ăn thì ăn, tâm không đắm trước mùi vị, không khen chê lựa chọn. Khi ngủ liền ngủ không suy tư nghĩ tưởng trăm ngàn thứ. Còn chúng ta khi ăn khi ngủ hoặc điên đảo loạn tưởng, hoặc mê say đắm trước các thứ dục ấy, tâm mê mờ không tỉnh sáng, không làm chủ được mình. Ràng buộc ngoại duyên như vậy, làm sao có thể sánh với sự tự do tự tại của các Ngài.

Nếu nhận được, sống được, thể hiện rõ ràng tâm bình thường ấy trong mọi sinh hoạt là ta đã được vào đạo. Được vào Đạo thì tự tại, an lạc, giải thoát, thanh tịnh, bình đẳng, Niết bàn tức thì, không phải tìm ở đâu xa. Vì vậy lời nói của ngài Thần Tán làm cho vị sư phụ tỉnh, khiến Ngài phải hỏi: “Từ khi đi học đạo về, ta nghe ngươi nói ra lời nào cũng cao tột. Thế thì ngươi được cái gì?”, ngài Thần Tán thưa: “Bạch Thầy! Con nhờ ơn Tổ Bách Trượng chỉ cho chỗ ấy”. Nhân đây Ngài đọc luôn bài kệ:

Linh quang độc chiếu,

Thoát xa căn trần,

Thể lộ chân thường,

Chẳng vướng chữ nghĩa.

Ở đây Ngài bảo chỗ linh quang riêng chiếu ấy thoát xa căn trần, không vướng chữ nghĩa, mà thể vẫn hiện bày chân thường.

Tâm tính không nhiễm,

Vốn tự viên thành,

Tâm tính không nhiễm tức là tâm như tường vách, chỗ này Ngài đã chỉ thẳng. Tâm như tường như vách vì không nhiễm, không dính đối với tất cả các sự kiện chung quanh nên vững chảy, kiên cố, bất động.

Chỉ lìa vọng duyên

Tức như như Phật.

Kết thúc Ngài muốn trình lên sư phụ “Chỉ lìa vọng duyên, Tức như như Phật”. Ngài không nói phải tụng bao nhiêu kinh điển, phải ngồi bao nhiêu thời thiền, phải ăn chay bao nhiêu năm… mà Ngài nói chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật. Lìa vọng duyên là lìa cái gì? Vọng duyên là các duyên bên ngoài, mà dưới con mắt trí tuệ nó là vọng, không thật, giả hợp huyễn hóa. Chúng ta từ đó mà phăng ra để nhận được tất cả những gì có đây đều không thật. Nhận được như thế rồi sẽ không lầm, không chạy theo các cảnh duyên bên ngoài, tâm yên ổn. Từ chỗ tâm yên ổn vắng lặng đó mà nhận ra ông chủ của mình, tức như như Phật.

Tôi nhớ câu chuyện một đạo nhân tu theo Lão giáo. Hôm đó ông đi vào rừng núi thâm u, thấy hai Đồng tử ngồi đánh cờ ông đứng lại xem. Khi bàn cờ vừa giải quyết xong, hai vị Đồng tử cũng khuất bóng, ông nhìn lại thì mũ mão áo quần của mình đều mục hết. Như vậy thời gian ông đứng đó không biết bao nhiêu năm, đến nỗi áo quần mục hết, còn hai ông Đồng tử thì đã bay bổng đến non Bồng nước Nhược nào rồi.

Ở Việt Nam chúng ta ngày xưa có quan điểm Tam giáo quy nguyên. Lúc còn nhỏ học hành cho giỏi ra làm quan. Lớn lên tu theo Đạo giáo, bấy giờ mặc áo dài đẹp, mang gươm, tự tại đi trên mây trên gió, trên núi trên non, uống một viên linh đan sống đôi ba ngàn năm, cuối cùng rồi trở về Phật. Tôi nghĩ trở về Phật chắc phải có hai người dìu mới được, không thì đi xe lăn, chứ còn hơi sức đâu nữa mà đi đứng, nói gì đến chuyện tu hành. Đó là kiểu Tam giáo quy nguyên của hồi xưa, tu như vậy thật là trở ngại.

Con người khi buồn quá, bị mất mát một cái gì lớn lao thường đến với Đạo. Cho nên với những nỗi buồn da diết không thể trình bày với ai được, chúng ta thường quay lại sống với tâm mình, nói cho mình nghe. Người Việt Nam chúng ta, có hai trường hợp, vui đến với Đạo mà buồn cũng đến Đạo. Còn trường hợp thứ ba là trong lúc tỉnh táo, không quá vui cũng không quá buồn, chúng ta đến với Đạo. Trong ba trường hợp trên, trường hợp thứ ba là thành công nhất. Giai đoạn này là giai đoạn lý tưởng để chúng ta học Đạo; đến với Đạo với một tâm bình thường thì dễ nhận được ông chủ, nhận được “bình thường tâm”, tức tâm vô nhiễm.

Ta tu là thực hiện từng giai đoạn, trước nhất đối với các sự kiện chung quanh, cố gắng làm chủ, đừng để bị động bởi những thứ ngược xuôi lăng xăng đó. Giai đoạn thứ hai là làm chủ thân này. Người nào bị lệ thuộc thân này là nguy. Sở dĩ người ta khổ là vì lệ thuộc thân này. Thân này làm khổ mình không ít, nhưng nó cũng là cái phao cuối cùng, là thuyền bè duy nhất, để đưa chúng ta qua sông mê, bể khổ. Người có con mắt tuệ phải sử dụng nó đúng với ý nghĩa ngón tay là ngón tay, phương tiện là phương tiện. Đừng bao giờ lệ thuộc nó.

Các vị tu theo Đạo giáo muốn cho thân này đẹp, sống ngàn năm, muốn bay bổng trên mây xanh v.v… đó chính là những ràng buộc, những hệ lụy từ thân này. Chúng ta tu Phật biết thân này giả tạm, do tứ đại hợp thành. Phật nói tứ đại như bốn con rắn độc ở chung trong một lồng, lúc nào chúng cũng cắn lộn. Như hôm nay quý vị nghe giọng nói của tôi là biết con rắn nước đang cắn con rắn lửa, nó làm lạnh nghẹt cứng hai lỗ mũi. Phật nói đúng như vậy.

Chúng ta học lời Phật, nghe lời Phật, hiểu lời Phật, thuộc lời Phật nhưng chỉ chưa làm được lời Phật thôi. Bởi vậy mình vẫn bị lệ thuộc cái này, cái kia mà trong đó lệ thuộc thân này là một nguy cơ lớn. Phải biết thân này là phương tiện đưa ta qua sông. Sóng to gió lớn cần phải có thuyền bè, thân này giống như thuyền bè nên phải khéo duy trì, khéo dùng nó. Tuy nhiên lúc nào cũng nhớ lên bờ rồi thì thuyền không thể vác trên vai, cho nên dùng thân nhưng không chấp thân là thật, ấy mới là người biết tu, người có trí tuệ.

Nói dùng thân, dưỡng thân để tu tập không có nghĩa là ta nuông chiều thân này. Như mình tập ngồi thiền, vừa kéo chân lên nghe đau liền bỏ xuống, thì biết đến bao giờ mới ngồi được! Nên cũng tùy trường hợp mà điều hòa thân, có lúc cũng phải cương quyết, chỉ huy làm chủ nó, bắt nó phải tuân phục mình, để dẹp trừ thói hư lười biếng vốn luôn ngủ ngầm trong thân. Cứ chiều chuộng nó hoài thì làm sao tọa thiền, nhập định. Đã thế thì định tuệ nào mà có được? Những lúc vừa đau liền quở “cho mày đau”. Nó sợ sẽ không dám bung chân ra. Đau quá muốn bỏ cuộc, thì quở mạnh hơn nữa “cho mày chết”. Thử coi nó có chết không, nếu không chết là nó thua mình, mình đã thắng nó, tức đã điều phục được thân. Đây là bước thành công đáng kể đối với người mới tu tập tọa thiền.

Ngày xưa, ngài Phú Lâu Na trình với đức Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con xin được đến xứ Du Lũ Na giáo hóa chúng sanh ở đó.

Đức Thế Tôn cũng lo ngại cho vị đệ tử trẻ này nên hỏi Tôn giả rằng:

- Ta nghe dân ở đó dữ dằn lắm. Ông đến đó họ chửi ông thì ông nghĩ sao?

- Bạch Thế Tôn! Họ chửi con là vẫn còn thương con, vì chưa đánh đập con.

- Nếu như họ đánh đập ông thì sao?

- Bạch Thế Tôn! Họ đánh đập là vẫn còn thương con, vì chưa giết con.

- Nếu như họ giết ông thì sao?

- Bạch Thế Tôn! Nếu như họ giết con thì con rất cám ơn, vì họ đã giải quyết sớm giùm con cởi chiếc áo nhơ nhớp xấu xa này, giúp con vào Niết-bàn mau hơn.

Đức Phật gật đầu:

- Ông thật xứng đáng là đệ tử của Như Lai với tinh thần bố giáo vô sở úy. Tâm lực, nhẫn lực và trí lực của ông thật không ai bằng. Vậy Như Lai chấp thuận cho ông đến xứ Du Lũ Na để giáo chúng sanh ở đó.

Chỉ sau ba tháng an cư thôi, ngài Phú Lâu Na độ được dân chúng dữ dằn xứ ấy trở thành những Phật tử hiền lương, cất được rất nhiều Tinh xá, nhiều người phát tâm Quy y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới. Chẳng bao lâu dân chúng ở đó đều là hàng hộ pháp đắc lực và số người xuất gia tu hành theo tôn giả Phú Lâu Na đều dự phần trong các Thánh quả. Đó chính là nhờ ngài Phú Lâu Na đã hoàn toàn làm chủ được thân tâm này, không còn lo sợ với việc sanh tử nữa. Tôn giả xem thân nhẹ như lông hồng, nên mới dám quả cảm xông xáo vào chốn hiểm nguy như vậy.

Trở lại việc tu hành của chúng ta. Nếu ngồi thiền vừa đau chân, ta kéo ra thì không được định. Hòa thượng chỉ định ở Thiền viện Trúc Lâm ngồi thiền hai tiếng đồng hồ. Mình bây giờ mới mười lăm phút đã kéo chân ra thì mặt mũi nào thưa với Hòa thượng: “Xin cho con được bình yên”. Yên sao được, Tăng Ni ngồi hơn hai tiếng đồng hồ mà chưa được bình yên trọn vẹn, mình mới ngồi mười lăm phút mà đòi yên thì thật khó nghe quá. Tức là ta còn hệ lụy thân này nhiều quá, dính mắc, không buông được, không làm chủ được đối với thân thì phải bị nó chi phối thôi.

Người thế gian khổ vì thân này cũng bởi những chuyện ăn mặc, hưởng thụ nọ kia. Suốt ngày, suốt đời cứ loay hoay lẩn quẩn với thân này. Nhiều cô nói: Thầy ơi ! Sáng mở mắt ra thì đi chợ. Đi chợ về nấu nướng xong là hết buổi sáng. Ăn xong, dọn dẹp xoay qua lo buổi chiều, chiều xong đến tối. Quần quật suốt ngày như vậy nên lên tụng kinh nhớ tầm bậy tầm bạ, tụng lung tung lộn xộn. Tu thế này không biết chừng nào thành Phật? Tôi cũng không biết trả lời làm sao! Nếu khéo thì ta tự buông bỏ, tự sắp xếp việc tu trong từng sinh hoạt của mình, đừng đợi tới giờ mới tu. Như vậy may ra không mất thì giờ, mà cũng không mất mình trong mọi thời mọi lúc. Định tuệ từ đó phát sinh, tăng trưởng. Chứ không còn cách nào khác.

Đó là nói về thân này, về hoàn cảnh bên ngoài, chưa nói tới tâm. Tâm vọng động còn dữ dằn hơn nữa. Cái mình cho là tâm đó thật ra chỉ là vọng tưởng, suy nghĩ, biện biệt lăng xăng mà thôi. Chứ tâm thực là trí tuệ sáng suốt, rỗng rang, bất động như tường vách, không vướng mắc gì hết. Tâm này phải tu mới biết, mới tin được, nói suông như vầy chẳng dính dáng chi đâu. Cho nên chủ yếu là chúng ta làm chủ được đối với tất cả vọng duyên, đừng để tâm chạy ra ngoài rồi vướng mắc theo các trần cảnh. Một phen chạy ra thì trở về rất khó. Được như thế thì “Tức như như Phật”, đức Phật như như bất động hiện tiền ngay đây thôi.

Lục Tổ khi được Thượng tọa Minh hỏi về đại ý Phật pháp, Ngài đã dạy thế này: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Câu hỏi này đồng nghĩa như một câu trả lời, không nghĩ thiện không nghĩ ác, chính ngay đó là bản lai diện mục. Chúng ta thường hoặc nghĩ ác hoặc nghĩ thiện, cho nên không thấy được mặt mày thật của mình. Bây giờ theo lời Tổ dạy không nghĩ thiện không nghĩ ác, chính ngay đó là bản lai diện mục của chúng ta rồi. Đây quả thực là pháp môn trực chỉ, giản dị như vậy. Nhưng tại sao chúng ta lại đuổi theo pháp trần, trong khi chính cái quý báu rõ ràng trước mắt lại không nhận! Cho nên biết biên cương giữa mê và ngộ, chỉ cách nhau một chút xíu thôi.

Bài pháp ở đây là vào cửa Không, muốn thế chỉ cần không nghĩ thiện không nghĩ ác, lìa hai bên là được, giản dị như thế. Có Thiền sư nói “Dạy Thiền mà nói như thế là không đúng”. Vâng, không đúng. Nhưng phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt trăng. Nhờ những phương tiện đó, chúng ta biết được đường vào bằng cách xoay lại chính mình. Miễn sao vào cửa được, nhận ra ông chủ, sống với ông chủ là đủ. Chừng đó phương tiện ngôn ngữ cũng chẳng thể làm ngại được ta, ngược lại nó trở thành diệu dụng nữa là khác. Cho nên quan trọng vào cửa được là mọi vấn đề xem như được giải quyết một cách hoàn bị nhất.

Từ lâu nay cái làm chúng ta phải bận rộn, day dứt nhất là phiền não. Bởi nó luôn nằm sẵn bên mình trong bất cứ lúc nào, ngay cả khi ngủ. Ví dụ bình thường cái mền để như vầy, mình chỉ nắm ở trên, rồi lấy chân tung một cái, là nó phủ lên người. Bữa nay chẳng hiểu sao tung hoài không được. Phiền não. Tức mấy đứa nhỏ để trật, chỉ chút xíu vậy thôi mà lửa nóng xông lên hừng hực, đêm đó hết ngủ, sáng ra mệt mỏi. Phiền não. Thế là ta tìm người để trút hết nổi giận lên họ. Càng trút lại càng bị phiền não đốt cháy. Cho nên hai chữ phiền não nghĩa là lửa đốt trên đầu, bức xúc trong tâm, không còn minh mẫn sáng suốt nữa. Khi bị phiền não rồi thì tức người này, giận kẻ kia chứ ít khi nào nghĩ lại mình. Ý nghĩ, miệng nói, thân làm toàn bằng lửa giận, đến đâu cháy tới đó là chuyện đương nhiên vậy.

Vì vậy chúng ta phải biết phiền não là lao ra, chứ không phải xoay lại mình. Lao ra như thế thì chừng nào vào được cửa Không? Ví dụ chúng ta ngồi đây, nhìn ra ngoài thấy xe cộ, thấy người tới lui qua lại, thấy vườn cây v.v… chứ không thấy được mình. Đã thế thì làm sao sửa được những khiếm khuyết nơi mình. Chỉ khi nào ta dám nhìn lại, dám nhận những khuyết điểm của mình thì mới vận dụng tâm lực và trí tuệ để bỏ nó. Nhận ra được lỗi từ mình rồi, ta mới không đổ thừa, không phiền não.

Người xưa nói: “Giữ cho tâm trong sạch, không bị phiền não làm mê hoặc. Bởi vì, do u mê mà mình khổ sở và từ đó có phiền não.” Nghiệm cho cùng, sở dĩ phiền não dấy lên được là do ta u mê. Nếu mình sáng không có phiền não nào quấy nhiễu được hết. Nếu sáng tự nhiên ta sẽ có được nụ cười của Bồ-tát Di Lặc. Lúc nào ta cũng tươi vui, phấn khởi, bình yên. Những khi như vậy, ngồi trong nhà cũng thấy thích thú, đi ra đường cũng thích thú, xuống Nhà bếp cũng thích thú, tới Thư viện cũng thích thú, lên Chánh điện lại càng thích thú, càng phấn chấn hơn nữa vì gặp nụ cười của Phật tương đồng nụ cười của mình.

Nói tóm lại, chỉ làm sao biết xoay lại. Đây là mấu chốt mà các Thiền Tổ Việt Nam dạy chúng ta tu. Như vua Trần Thái Tổ dạy “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”. Mà hầu hết các vị Thiền sư thời Trần đều dạy chúng ta phản quan tự kỷ, tức là soi lại chính mình, không nhìn ra bên ngoài. Vì hễ nhìn ra ngoài thì thấy đẹp xấu. Đẹp thì muốn gom về mình, xấu thì tống đi. Tống đi không được thì bực bội lắm. Thế là phiền não. Phiền não là thua rồi! Chỉ có cái mình nhận lại, thấy rõ nơi mình những gì khiếm khuyết, bỏ đi, đừng chạy theo bên ngoài thì bình yên. Đó là tu.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn có câu chuyện thế này. Một vị quan chức cao cấp đến hỏi Thầy mình: “Thế nào là gió đen thổi dữ làm thuyền trôi đến nước quỷ La Sát?” Ông thầy trợn mắt, chỉ vào mặt quan viên nói: “Hạng người như ông mà cũng biết hỏi thế?”. Vị kia vốn quan chức cao cấp, xưa nay chưa ai dám tỏ vẻ bất kính, nói gì đến nặng lời. Thế mà hôm nay ông lại bị nhà sư nện cho một búa dữ dội. Ông ta trừng mắt hỏi lại Thầy mình: “Thầy vừa nói gì?” Sư phụ cười đáp: “Đó là gió đen thổi dữ làm thuyền trôi đến nước quỷ La Sát”. Vị quan kia bừng tỉnh, quỳ xuống đảnh lễ Sư phụ mình.

Thế nên phiền não, tham sân, tật đố tất cả đều ngủ ngầm nơi ta, chỉ có cơ hội thuận tiện là nó xuất hiện. Nếu chúng ta thường phản quan tự kỷ, làm chủ được thì nó không làm gì được mình. Ngược lại ta không phản quan tự kỷ, không làm chủ thường xuyên, như vị đệ tử quan chức cao cấp kia, vừa nghe lời nói trái tai liền nổi sùng lên thì nước quỷ La Sát hiện tiền. Đó là loại phiền não độc hại do ta u mê ám chướng mà ra, nó sẽ làm khổ mình.

Tuy nhiên có một điều là từ phiền não mà ta bị trầm luân sanh tử, nhưng cũng từ phiền não mà ta tu thành tựu quả vị Bồ-đề. Bởi phiền não là một chất liệu nằm sẵn trong ta nên Bồ-đề cũng luôn có mặt nơi mình. Tất cả huynh đệ chúng ta ai cũng có phiền não, nếu ngay nơi phiền não ta xoay trở lại quán sát nó thì phiền não lặng, trí sáng suốt hiện bày, đó là chủng tử Bồ-đề đã xuất đầu lộ diện. Đây là một pháp tu rất thiết thực, nếu không nói là chính yếu trong quá trình tu đạo để được giác ngộ giải thoát của chúng ta.

Nếu muốn mỗi ngày chúng ta tu hành được tăng tiến, công đức tăng trưởng, trước nhất mình phải nuôi dưỡng sự sáng suốt, đừng bao giờ để trí tuệ lu mờ bởi các vọng duyên bên ngoài. Từ đó đức nhẫn của mình tăng trưởng, sức định tĩnh vững mạnh hơn, trí tuệ Bát-nhã hiện tiền trùm khắp. Đây là kết quả viên mãn nhất, đáng mong muốn nhất của người tu Phật. Dù tu pháp môn nào, cũng phải đến được chỗ này. Không những người tu Thiền, mà bất cứ người tu pháp môn nào của Phật cũng đều phải tỉnh táo, định tĩnh, đầy đủ trí tuệ. Như vậy đạo giác ngộ giải thoát, không cầu mà tự được.

Các pháp vốn như thế, nó không cố ý làm mình hạnh phúc hay khổ đau, tất cả đều do chúng ta bất giác mà ra thôi. Nói nó huyễn nó cũng bình thường, nói nó thật nó cũng bình thường. Cho nên ta phiền não là tự ta gây tạo thôi, không ai xen vào đó. Vì vậy, ta giải thoát cũng do chính ta cởi bỏ phiền não, chứ không ai đem lại được. Nên nhớ việc tu hành của mình là làm sao mình sống được với tâm rỗng rang sáng suốt, đừng bị các pháp kéo lôi.

Chúc toàn thể đạo tràng chúng ta đều tỉnh táo sáng suốt để được vào cửa đạo.

[ Quay lại ]