CÁCH SỐNG TRONG ĐẠO PHẬT
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng tám 2009 08:25
- Viết bởi nguyen
Để giúp hàng Phật tử tại gia có được một phương hướng cụ thể cho việc ứng dụng Phật pháp tu hành, hôm nay chúng tôi sẽ nói những vấn đề cần thiết trong đời sống của một tục gia cư sĩ tu Phật. Đôi khi chúng ta hiểu nhiều mà không áp dụng đạo lý vào đời sống được, thì kết quả chẳng có bao nhiêu. Hoặc dụng công quá nhiều mà kết quả không như ý, sẽ dẫn tới buồn nản không còn muốn tu nữa.
Đó là hiện tượng chung của hầu hết giới Phật tử, trong đó có cả Tăng Ni nữa. Có nhiều vị tu mấy mươi năm cũng chưa thấy kết quả gì. Đụng việc không giải quyết được, buồn nản rồi phiền não dấy khởi. Phiền não đã khởi thì trong lòng rộn ràng không yên, cuối cùng đành bỏ cuộc.
Thật ra ai tu được niềm vui, có kết quả lợi lạc thì hiện ra nơi ánh mắt, trong sinh hoạt đi đứng, nói năng, tiếp xúc của người đó. Không riêng hàng xuất gia chúng tôi mà quí Phật tử cũng vậy. Có niềm vui thì tự nhiên trong người mình thoải mái vui tươi. Còn trong lòng bực dọc, thấy chung quanh toàn là những chướng ngại làm cho mình buồn nản. Do đó phải xét soát lại việc tu của mình, đạo lực của mình.
Hồi còn tại thế, có một mùa hạ Phật nhận lời lên Thiên cung giảng đạo cho thân mẫu là Bà Ma Da. Như chúng ta đã biết, sau khi sanh Thái tử Tất Đạt Đa bảy ngày thì bà thăng hóa và nhờ công đức lành, Bà được sinh lên cung trời Đao Lợi, làm một Thiên tử trên đó. Đức Thế Tôn nghĩ đến công ơn cha mẹ, vì vậy Ngài lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp. Suốt thời gian ba tháng Ngài vắng mặt dưới nhân gian, chúng đệ tử buồn nhớ vô kể. Đại chúng mới nghĩ cách: Bây giờ yêu cầu Tôn giả Mục Kiền Liên lên cung trời thỉnh đức Thế Tôn về để đại chúng được chiêm ngưỡng, rồi Ngài trở lên cho tới ngày mãn hạ.
Với yêu cầu ấy, Tôn giả Mục Kiền Liên thấy hợp lý, vì vậy chẳng những ngài mà Tôn giả Xá Lợi Phất cũng đồng đi. Hai vị lên Thiên cung, vào nội điện thì thấy hai vị trời Đế Thích đang ngồi đối diện nhau. Tôn giả Mục Kiền Liên là bậc thần thông đệ nhất, Ngài vận dụng toàn lực mà không nhận được ai là đức Thế Tôn, ai là trời Đế Thích. Hai vị giống hệt nhau, từ sắc diện y phục cho đến hào quang v.v… Cuối cùng Ngài hỏi ý kiến Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc trí tuệ đệ nhất Ngài Xá Lợi Phất liền mách nước: “Ông không thấy sao, người có ánh mắt bình an không dao động chính là Thế Tôn của chúng ta. Cứ nhìn kỹ vào ánh mắt hai vị đi, ông sẽ nhận ra”. Quả đúng như vậy. Ngài Mục Kiền Liên nhìn kỹ thì trong hai vị trời, có một vị ánh mắt luôn giao động. Bởi chung quanh ông bao nhiêu công việc hành chánh đang đợi. Tuy ngồi đó nhưng trong bụng không yên, phải lo lắng việc nọ việc kia, nhất là trời Đế Thích chưa chứng đạo, làm sao có được ánh mắt vững chãi bất động như Phật. Sau khi nhận ra đức Thế Tôn, hai Tôn giả liền đến đảnh lễ Phật và đưa lời thỉnh nguyện của đại chúng lên đức Phật.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy người bên trong có được niềm bình an, thì tỏa ra bên ngoài mọi oai nghi cử chỉ đều bình an. Phật tử chúng ta khỏi phải hỏi mình tu được hay là không tu được, có kết quả hay không có kết quả, cứ nhìn vào hình thức cuộc sống của mình là biết. Nếu người bên trong có được sự bình ổn thì việc tu có kết quả. Người còn lăng xăng, bận rộn, vướng mắc thì sự bất ổn hiện ra rất rõ.
Chỗ này các vị bên Luật tông chuyên về giới luật cũng dạy: Nếu người bên trong giữ giới luật nghiêm túc thanh tịnh thì thể hiện ra bên ngoài là hạnh Phật, hạnh Bồ-tát. Người giới đức chưa nghiêm minh, chưa thanh tịnh thì dù hình thức gò bó thế nào, cũng chỉ là gượng ép, chưa thể hiện hoàn toàn nét thanh tịnh bình ổn.
Đạo Phật là đạo giúp chúng ta xoay trở về mình, chỉnh đốn, hóa giải, sắp đặt ổn định bên trong. Bên trong thực sự ổn rồi thì bên ngoài khỏi sợ sai phạm gì. Cho nên Hòa thượng Viện trưởng thường dạy: “Chúng ta biết phấn đấu khắc phục cái dở của mình, những thói quen không đúng đạo lý. Đó là biết giữ giới tu hành”. Ví dụ ta vừa có một ý nghĩ sai, liền biết và không cho nó nghĩ như vậy nữa. Tự mình giải quyết lấy, chứ không cần lực nào tác động vào. Rõ ràng ta tự tu nơi chính mình. Đó là cách tu chân chính, giản dị, ai cũng có thể tu được. Chủ trương của đạo Phật là như vậy.
Khi áp dụng đúng với tinh thần Phật pháp, chúng ta có được một niềm bình an giải thoát rồi, thì mọi sinh hoạt của mình đều hợp đạo lý, hoàn toàn thuần phục, trang nghiêm, thanh tịnh. Do đó những người tu càng lâu năm chừng nào, càng có giới đức thanh tịnh chừng nào thì bên ngoài của họ càng hồn nhiên chừng ấy. Sự đi đứng, nói năng, tiếp xúc của những vị ấy luôn luôn tươi mát, an ổn lạ thường.
Phật tử gặp những vị Thầy tu lâu, có đạo hạnh, lớn tuổi, ta liền cảm thấy bình an mặc dù Thầy chưa nói gì. Nhà Phật gọi đó là thân giáo, tức nguồn đạo hạnh tỏa sáng từ bên trong cảm hóa được người chung quanh, mà không cần nói gì cả. Ngôn ngữ không vớ tới kịp chỗ thân giáo này, cho nên thân giáo rất quan trọng trong việc độ người. Các thầy còn lỉnh kỉnh như chúng tôi, thì đôi khi nói ráo nước miếng mà chẳng ai nghe. Hoặc có nghe cũng để đó chớ không thực hành, không chuyển hóa được mình. Nên biết đạo hạnh, công đức, trí tuệ không cần phải có âm thanh mới truyền bá được. Chỉ nhìn thấy là đã quy kính, đã bình yên rồi.
Như thời đức Phật còn tại thế, lúc nào cũng có 1.250 Tỳ-kheo đi theo Thế Tôn. Chúng ta thử tưởng tượng một đoàn trên cả ngàn người như vậy cùng sinh hoạt chung, cùng đi theo Phật. Chỉ việc đi thôi, nếu vô trật tự một chút là cũng đạp hết đồ đạc của thiên hạ rồi. Hoặc mạnh ai nấy nói thì hơn cái chợ Phước Thái này. Nhưng không đâu!
Một hôm chính ông Cấp Cô Độc đến chỗ Phật còn phải ngạc nhiên vì tưởng Như Lai ở một mình, không ngờ tăng đoàn yên lặng, trang nghiêm, thanh tịnh đến như vậy. Đến nơi ông thấy đức Phật đang đi kinh hành. Vừa gặp lần đầu Phật đã gọi: “Cấp Cô Độc, đến đây.”, dường như đức Thế Tôn đang chờ ông. Ông vừa đến gần Phật vừa hỏi người bạn đi bên cạnh: “Nghe nói đệ tử của Phật có cả một ngàn mấy trăm người, tại sao ở đây không nghe một tiếng động?” Bạn ông đáp: “Hãy nhìn dưới tàn cây bóng lá kìa, trùng trùng các thầy đang ngồi trong thế tĩnh toạ an nhiên”.
Hình ảnh ấy thật là trầm và đẹp làm sao. Chỉ có đệ tử Phật mới được như thế, chỉ có các bậc Thánh mới có được một cuộc sống bình ổn lạ thường như vậy. Ông Cấp Cô Độc mê say chiêm ngưỡng các thầy trong tư thái an nhiên tự tại. Quý vị nhớ là không có ngủ gục nghe. Các thầy đều ngồi ngay thẳng đàng hoàng, không có gục gặc như chúng ta. Lần đó được đảnh lễ và nghe bài thuyết pháp đầu tiên của Phật, Cấp Cô Độc liền chứng được sơ quả Tu Đà Hoàn, bước vào dòng Thánh.
Chỗ này là chỗ chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ. Như vậy quả Thánh không phải dành riêng cho hàng tu sĩ mà ai cũng có thể chứng được hết. Với điều kiện là vị đó không vướng mắc, không náo động theo những trần cảnh bên ngoài. Được vậy là có thể chứng quả Thánh rồi. Nên biết giáo pháp của Phật có thể hóa giải được tất cả những nghiệp tập phiền não, chất chứa trong lòng mỗi người từ nhiều kiếp. Nếu chịu tu sửa thì ai cũng có thể bỏ được cái nặng nề tăm tối kia, phấn khởi nhận niềm vui thanh tĩnh giải thoát của chính mình.
Vì thế sau khi chứng được Sơ quả, Cấp Cô Độc đã nghĩ làm sao cho giáo pháp này được lan tỏa ra, mọi người đều chung hưởng, đều tu và đạt được niềm an vui ấy. Nên ông phát nguyện xây cất Tinh xá Kỳ Hoàn cúng dường Phật và từ đó ông trở thành vị hộ pháp đắc lực nhất bên giới nam cư sĩ.
Như vậy về phương thức tu hành trong đạo Phật, như tôi đã nói rất nhiều lần, là ai cũng tu được hết. Với điều kiện tâm phải thanh tịnh, buông tất cả vọng tưởng, đừng vướng mắc gì hết thì nhất định sẽ được an ổn. Từ đó niềm bình an ấy sẽ phát triển tùy theo công huân, sự nỗ lực của mình mà ngày càng lớn mạnh hơn. Với kinh nghiệm nhỏ nhoi, chúng tôi thấy rõ nếu chúng ta chịu khó phấn đấu thì không có gì mình không làm được. Lúc nào ta cũng tỉnh, đừng để những thứ bên ngoài bu bám, dẫn dắt. Nếu tu hành đúng cách thức như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an.
Trong Phật giáo, vấn đề đạo đức được xem là quan trọng bậc nhất. Bởi nếu chỉ chú trọng trên hình thức, thì con người lao theo thế giới hiện tượng chung quanh không biết đến bao giờ mới gọi là cùng. Cho nên việc trở về cái gốc ban đầu của mình là nền tảng đạo đức căn bản nhất trong đạo Phật. Người tu phải làm sao chuyển được cái nhìn. Nhìn sai một ly đi cả một dặm, nhìn đúng trở lại thì ngay bờ mê là bến giác.
Chuyển được cái nhìn của mình chính là trí tuệ. Cái nhìn đúng như thật về muôn pháp là cái nhìn trí tuệ. Nó luôn bén nhạy, sáng suốt, mà không có sự phân biệt hơn thua, phải quấy, tốt xấu… Với cái nhìn ấy ta làm chủ được mình. Còn chạy theo bên ngoài, phân biệt vướng víu trăm thứ chộn rộn, đó là cái nhìn tăm tối điên đảo, Phật gọi là ngu si.
Pháp tướng tông trong Phật giáo nói thế này, người có cái nhìn không đúng như thật thì khi trời tối, thấy một khúc dây nằm ngoằn ngoèo dưới đất tưởng là con rắn. Do tưởng con rắn nên hoảng hốt sợ hãi, thành ra khổ. Nếu có ánh đèn chiếu vào, thấy rõ đó là sợi dây thì lập tức con rắn mất ngay, người ấy không còn sợ hãi và đau khổ nữa.
Tôi nhớ hôm lên Đà Lạt thăm Hòa thượng, tới chùa Quan Âm của thầy Phước Tịnh, có mấy con chó bẹc-giê, trong đó con Meka dữ nhất. Nó ra lệnh một tiếng là mấy con kia nhào vô “vật” đối thủ tới sứt thịt, chớ chẳng chơi. Tức cười quí thầy mình, khuya dậy nấu cơm, nghe nói thầy Phước Tịnh thả con Meka ra rồi, ai nấy thất kinh. Ông ở nhà bếp thì nhảy lên sàng, ông ngồi thiền thì im re trên giường, không dám thở mạnh… mặc dù chưa ai thấy con Meka ở đâu. Đó là do cái nhìn trong tưởng tượng mà thành sự như vậy.
Ở đây, ngay từ đầu cái nhìn của mình không thấu thể, giữa tối và sáng sợi dây ngoằn ngoèo biến thành con rắn. Bây giờ làm sao? Nhận được sợi dây là sợi dây thì mọi chuyện yên ngay. Đây là gốc của sự tu hành. Tất cả các pháp trong cuộc đời này cũng vậy, ta thấy được như thật thì mọi khổ đau chấm dứt. Ngay cả thân của mình ta cũng từng than khổ vì nó. Lão Tử bên Trung Quốc có nói: “Sở dĩ ta bị họa hoạn là vì ta có thân.” Thế nên Phật dạy biết thân không thật thì tự nhiên họa hoạn hết.
Nếu tu hành nhận được đúng như vậy, thì thật là ngắn gọn, khỏi mất thời gian, mà được bình an ngay trong cuộc sống hiẹân tại đây. Điều tôi muốn nói là làm sao chúng ta có được cái nhìn thật chín chắn, thật chuẩn, nhìn thấu thể. Đừng nhìn bằng những hình thức bên ngoài. Mọi thứ pháp chung quanh Phật đã nói là không thật, nó không phải là của báu trong nhà mình, nên vứt hết đi, đừng cưu mang mà rước họa vào thân.
Chúng ta nghiệm lại xem thân này cho đến tất cả những thứ chung quanh: Gia đình, sự nghiệp, kiến thức, danh vọng, tiền tài… có thứ nào không từ ngoài đem vô? Đã từ ngoài đem vô thì rõ ràng không phải là của mình rồi. Cho nên được mất là chuyện thường, tại sao ta phải đau khổ vì nó? Rồi đến tâm là những vọng động, điên đảo, chúng cũng không thật, thay đổi vô thường. Vậy ta theo đuổi nó làm gì cho mệt mỏi, rốt cuộc nó cũng đâu còn. Biết rõ như vậy và buông bỏ hết mọi bám víu vào hai thứ thân tâm như huyễn này là làm chủ được mình. Từ đó yên ổn thôi.
Cho nên Pháp tướng tông có nói đến ba cái nhìn:
Thứ nhất là Biến kế sở chấp. Tức ta nhìn sự vật bằng vọng tưởng của mình, nên mọi thứ hiện ra trước mắt đều sai sự thật, không thấy thủng được vấn đề, đây gọi là biến kế. Chữ “kế” là so đo, tính toán. Ví dụ sợi dây mà ta nhìn ra con rắn. Nhìn như vậy thì trầm luân sanh tử đời đời không dừng được, có thể nói là không tu được nữa.
Thứ hai là Y tha khởi. Nghĩa là ta thấy các pháp duyên sinh, không thật. Ví dụ trước mắt chúng ta là cái đồng hồ, với con mắt trí tuệ thì đồng hồ do các bộ phận như kim, số, máy móc bên trong, vỏ bên ngoài và công thợ ráp lại, chớ không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không do một thứ tạo nên đồng hồ này. Nếu rã ra từng món, tìm cái đồng hồ không có. Như vậy tại sao chúng ta si mê chạy theo những hình thức bên ngoài, để rồi bị mê muội dẫn đi, vô tình đánh mất phần trí tuệ sáng suốt của mình. Thấy từng phần không thật như vậy, đó là thấy theo nhân duyên. Cái thấy này chưa phải chân lý, nhưng rất cần thiết trong cuộc sống này.
Người tu phải thấy được thực chất của các pháp. Những gì thuộc về duyên hợp thì biết rõ ràng như vậy, còn cái gì thật thì biết thật. Người biết như vậy là có thể dự vào dòng Thánh, là giải thoát được nhiều rồi. Tu ngay đây thôi, không đợi phải ngồi thiền hay tụng kinh bao nhiêu năm, hoặc ăn chay mấy tháng, mấy năm… những thứ ấy chỉ phụ thôi. Quan trọng là phải có cái nhìn thấu thể mọi vấn đề, mọi pháp từ con người cho đến sự vật. Phật dạy các pháp duyên sinh thì không thật.
Chúng ta đang ngồi trước một mâm cơm thịnh soạn, đầy đủ tất cả những sơn hào hải vị, với cái nhìn thấu thể thì ta sẽ thấy từng phần ấy không có giá trị gì, chỉ do quan niệm, khẩu vị đắm trước của con người mà sanh chuyện thôi. Nếu thấy thủng vấn đề rồi thì cơm thường cũng là cơm, cơm thịnh soạn cũng là cơm. Ta ăn chỉ vì để tạm sống no lòng thôi, đâu đợi thức ăn ngon mới sống được. Cơm lạt, cơm hẩm, nước lã cũng tạo được sự sống. Do không nhận định rõ ràng cho nên người ta mới đắm trước, chạy theo những thứ giả tạm bên ngoài, mà bỏ quên cái chân thật của chính mình.
Bây giờ phải nhìn thế nào cho đúng với đạo lý? Đây chính là cái nhìn thứ ba Viên thành thật. Ngay bây giờ chúng ta có thể ngồi bình thường mà thấy rõ ràng từng pháp một chung quanh mình. Thấy nhà cửa, xe cộ, cây cảnh, người qua lại, không nhầm lẫn cái nào với cái nào, mà tâm không khởi nghĩ tưởng hay đặt tình cảm thương ghét vào đó. Đây chính là Viên thành thật, cái nhìn của thành thật, của người thấu thể. Cái nhìn ấy là cái nhìn của Phật, là chân lý. Bởi có cái nhìn ấy nên ánh mắt của Phật trong sáng, hồn nhiên, không bị mây mù giăng phủ.
Ánh mắt của Phật, Bồ-tát nhìn thấy cái gì như thật sự hiện hữu của cái đó, không phân biệt dao động, cho nên làm chủ hoàn toàn. Tâm không bị cảnh dẫn dắt, cảnh không bị tâm chia chẻ chọn lựa. Đã thế thì còn ai dẫn ai rong ruổi trong vòng đời điên đảo, lăng xăng lộn xộn nữa. Bấy giờ tâm cảnh nhất như. Người tu Phật cần phải có cái nhìn chân thật ấy mới có thể giải quyết việc sanh tử của mình. Như tôi đã nói nhiều lần: “Người xưa làm được, không lý chúng ta làm không được”.
Trái lại, nếu chúng ta chưa thể thấy được các pháp duyên sinh nên mỗi pháp đều có giá trị của nó, đều có hình thức riêng biệt, đều đáng yêu, đều cần thiết cho mình. Người thấy với tâm trạng ấy, thì thôi xin gát qua việc tu hành. Chừng nào khổ đến hẵng hay. Bấy giờ từ sự thể nghiệm bản thân, có thể họ sẽ thức tỉnh và quay đầu. Như Lai cũng không còn cách nào khác với những chúng sanh chưa đủ duyên.
Phật dạy trong nếp sống của người tu hành luôn luôn phải có sự chuẩn bị. Chúng ta phải sẵn sàng chứ đừng buông xuôi để mất mình bởi các pháp, hay bởi hoàn cảnh của cuộc sống. Không có Phật, Bồ-tát nào kéo chúng ta lên nổi, khi mình luôn cố giữ những nghiệp tập phiền não. Chúng ta phải mạnh dạn buông ra, vất đi thì may ra mới hội ngộ chư Phật, Bồ-tát.
Tôi tạm đưa ra vài yếu tố cần thiết để chúng ta chuẩn bị cho mình thế này:
Thứ nhất là đức tin. Người có đức tin thì làm gì cũng dễ thành công. Cho nên đức tin hết sức quan trọng trong đời sống tu hành. Tin thế nào? Tin rằng mình có khả năng thành Phật, tin mình có thể dừng được vòng luân hồi sanh tử nhiều kiếp. Chúng ta phải dám tin như thế mới có thể tu tập được kết quả viên mãn. Ai tin được như thế, khỏi phải ghé cây đa hoặc miếu ông miếu bà đốt nhang khấn vái gì cả.
Phật đã nói tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, đều sẽ thành Phật. Đã sẵn có hạt giống Phật rồi, tại sao ta không tin mình sẽ thành Phật chứ? Tin như vậy mới vững vàng từng bước ngay trong đời hiện tại, làm chủ mình giải quyết vấn đề của mình. Nên nhớ không ai có thể giải quyết cho mình được hết, kể cả Phật cũng bất lực. Như Lai từng tuyên bố “Ta chỉ là thầy dẫn đường, các ngươi phải tự đi”.
Hòa thượng Viện trưởng thường nói với chúng tôi: “Mấy chú khỏi đi cầu an cầu siêu, chỉ lo tu thôi.” Tại sao các nơi người ta làm như vậy mà Ngài không làm như vậy? Nhiều Phật tử ở đây rất phiền quí thầy về việc này. Thật ra không đến theo lời mời của quí vị, chúng tôi cũng thấy hơi thiếu một chút, gọi là tình làng nghĩa xóm. Nhưng về phần tu hành, quả thực phải như vậy thôi. Nếu chúng tôi không đủ đạo lý, chưa thực sự yên ổn, giải thoát thì có đến với quí vị cũng chẳng giúp được gì. Niệm tụng là đọc lại những lời Phật dạy, mà bản thân mình chưa thực hành được thì tiếp độ, cầu nguyện cho ai? Giá trị trong đạo Phật chính là sự an lạc từ thân tâm mình tỏa ra, khiến người cảm phục và chuyển đổi theo.
Người đã chết hoặc sắp chết, sáu căn không còn tác dụng nữa, nghe được gì, sửa được gì? Cho nên việc tụng đọc không có kết quả bao nhiêu. Bây giờ còn sống còn mạnh khỏe nên chuẩn bị, nên lo. Nên Thầy chúng tôi thường nhắc: “Phật độ sinh chớ không độ tử”. Tụng kinh trợ tiến chỉ là an ủi phần nào thôi. Ngay trong hiện tại mình lo tu cho có kết quả, từ đó đem kinh nghiệm bản thân dạy Phật tử tu hành cho đúng đắn. Như vậy mới thật sự vì nhau, chớ không phải lấy việc cầu an cầu siêu hết nhà này đến nhà kia, gọi là lợi sanh. Đức Phật ngày xưa không có làm việc này.
Thành ra đạo Phật là đạo cứu sinh, giải quyết ngay hiện tại, chuẩn bị trong hiện tại. Phải có niềm tin thật vững vàng rằng mình có khả năng thành Phật, có khả năng làm chủ được mình. Đó là niềm tin đối với chánh pháp, đối với đức Phật. Tất cả Phật tử có được niềm tin này, kiên cố, sắt đá, không bị lay chuyển bất cứ thứ gì hết, thì việc tu tập chắc chắn sẽ thành công.
Nhiều Phật tử khi làm ăn khá, thường xuyên đến chùa. Tới khi sa sút, cuộc sống khó khăn thì ngại không đến chùa nữa, niềm tin theo đó cũng tan mất. Chúng ta phải làm sao kiện toàn lại điều này? Vấn đề thất bại trong cuộc đời ai chẳng có. Đó là trên phương diện cuộc sống, chứ can chi đến việc tu hành, đến trí tuệ của mình. Cho nên quan niệm đến với đạo bằng hình thức vật chất thế gian là một quan niệm sai lầm.
Ta đến chùa để tu học Phật pháp, chớ đâu phải để vì mục đích nào khác. Ai tiếp, ai mời cũng được; không tiếp không mời cũng chẳng sao. Chỉ cần lòng thanh thản trút hết muộn phiền bên ngoài cổng chùa, vào cửa Phật là để sống với Phật, với sự bình an nội tại trong tâm chớ không phải sống với người ngoài, kể cả quí thầy hay quí cô. Không nên lấy việc thành bại ở đời làm cản trở việc tu học của mình. Lẽ ra càng thất bại thế gian, ta lại càng thấm nhuần hơn về giáo pháp, tin sâu hơn Phật pháp mới đúng. Bởi đức Phật đã dạy như vậy, ngày nay chính bản thân mình trải qua, quả thật không sai. Ý thức được như vậy, đời sống tu hành của Phật tử sẽ rất vững chải và không bị lệ thuộc vào tất cả hình thức bên ngoài.
Nên nhớ niềm bình yên không dành riêng cho người có tiền của hay người có điạ vị trong xã hội. Niềm bình yên ấy là vinh dự chung cho những ai biết sống, biết buông bỏ những lỉnh kỉnh trong cuộc đời này. Đó là những người có trí tuệ. Không luận lớn tuổi nhỏ tuổi, nam nữ, giàu nghèo, ai biết buông bỏ cái giả và hàm dưỡng cái thật đều có thể quay về sống bình yên cả. Phật tử chúng ta càng sốt sắng hơn ai hết để thực hiện niềm tin ấy.
Thứ hai là phải thực hành. Học Phật pháp chỉ là phương tiện thôi, quan trọng ở nơi sự thực hành. Ví dụ người Phật tử quy y Tam Bảo: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng có nghĩa là trở về sống với Phật với Pháp với Tăng. Kế đó Phật dạy người Phật tử tại gia phải giữ năm giới, không cố ý giết người, làm mất mạng chúng sinh, không gian tham trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, dùng các chất nghiện. Phật tử đã nghe và phát tâm thọ trì những điều giới đó rồi, bây giờ mỗi đêm cứ đọc lại mà không áp dụng, như vậy có gọi là giữ giới không? Thưa không! Như vậy quý vị chưa phải là Phật tử.
Người Phật tử biết giữ giới không cần thiết phải tụng lại những điều giới đó. Mà khi tham nổi lên, mình chặt đứt không cho tham nữa. Lòng nóng giận, sân hận, thù hằn nổi dậy, mình chặt đứt không cho nó tiếp tục phát triển nữa. Đó là người biết cách giữ giới. Người đó là người có sức mạnh, là người đại lực lượng trong cuộc sống này. Chúng ta phải biết cách áp dụng và áp dụng được, thì mới hưởng pháp vị của Phật dạy.
Thứ ba là nhận cho được tâm an tịnh. Ngay trong lòng mỗi chúng ta đều có tâm thanh tịnh bình an cả. Hôm nào đó chúng ta bỗng cảm thấy sao trong lòng mình bình yên quá. Đó là gì? Chính là tâm thanh tịnh hiện hữu nơi mình vậy. Nó không phải từ làn gió mát, từ bầu trời trong, hay từ những lời an ủi của ai đó đưa đến, mà nó tự nhiên như vậy. Thường ngày chúng ta cứ chạy theo bên ngoài, lao xao chộn rộn mãi nên không nhận ra những giây phút bình an sẵn có nơi mình. Vì vậy chỉ cần bỏ hết những lao xao lộn xộn xuống thì sự bình an đó phát ra. Điều này rõ ràng ràng như vậy. Đây chính là gốc của sự tu.
Ta bình an khi uống một chung trà, bình an khi nghe một bản nhạc, bình an khi nghe lời khen ngợi… tất cả những bình an sung sướng ấy, không phải là bình an thật sự. Khi những thứ đó không còn, ta cảm thấy tiếc nuối, thiếu vắng và tâm trở nên giao động bất an. Tóm lại, các pháp bên ngoài chỉ là miếng mồi độc hại, đánh mất sự bình an của chính mình. Cho nên Phật thường nói người đam mê, chạy theo ngũ dục sẽ không bao giờ thỏa mãn, như người khát uống nước biển vậy. Tìm sự bình an trong các pháp sanh diệt, chính là đánh mất sự bình an vĩnh cửu của chính mình.
Như tôi đã nói thời gian không hẹn, mạng này mỏng manh, búa rìu của quỷ vô thường lúc nào cũng sẵn sàng siết cổ mình. Một làn gió độc, một con rắn dữ đều có thể làm mất mạng mình như chơi. Chúng ta còn đợi gì? Phật lý đã hiểu, giới luật đã học, cách tu hành đã nắm, chỉ còn thực hành thôi. Giả dụ ngay hiện đời mình chưa hưởng được pháp vị, thì cứ nguyện “Con tu như thế này, nếu chưa xong nguyện đời đời gặp Phật pháp tu nữa”. Thực sự Phật pháp không phụ người có chí, có lòng bao giờ. Quí vị đừng sợ điều này.
Nên nhớ một điều, đừng lầm các cảnh duyên là cái nhìn cần thiết nhất của một hành giả tu Phật. Lầm như thế nào? Như chuyện anh chàng nhà quê xuống phố. Đi ngang cửa hàng bán gương soi mặt, vô tình anh nhìn vào gương thấy có một người ngộ nghĩnh. Anh nghĩ hay là mình mua hắn về ở nhà mình, biết đâu chừng hắn sẽ giúp được việc cho mình. Nghĩ thế, bằng mọi cách anh mua cho được cái gương đó.
Về nhà, anh vội kêu vợ khoe: “Bữa nay xuống phố anh mua cái thằng này nè, mình có thể sai vặt nó giúp việc nhà cho mình, em thử tới mà xem”. Bà vợ tới nhìn, liền tru tréo lên: “Trời ơi! Tôi một lòng một dạ chung thủy với ông, cưng chìu ông hết mức, sao ông nỡ lòng nào bạc bẽo với tôi, mà đem cái con quỷ này về đây, mặt mày gì mà thấy ớn, xấu như ma trơi. Vậy thì thôi từ đây tôi với ông chấm dứt nghĩa tình”. Vợ anh khóc bù lu bù loa. Anh thì chưng hửng, anh nghĩ: hồi nãy mình thấy người đó ngồ ngộ mới đem về đây giúp đỡ việc nhà. Tại sao vợ mình lại nói bạc tình bạc nghĩa, thế nọ thế kia. Mẹ anh nghe vậy vội lại xem. Bà nói: “ Trời ơi, cái mụ già cóp bình thiết như vậy, chẳng biết chết nay sống mai, mà ghen tuông cái gì hổng biết”.
Câu chuyện cho chúng ta thấy, chỉ vì cái nhìn sai lầm mà điên đảo dấy khởi. Cho nên sống phải có trí tuệ, đừng để mình ngốc đến nỗi như vậy. Chúng ta cũng đã có lúc ngốc như thế, phải không? Nếu cứ kẹt trên hình thức thì quả là ngốc rồi. Đụng một cái là giận, nói một tiếng là hờn v.v… Đây là chỗ người Phật tử phải nhận định để cố gắng buông bỏ, đừng bị kẹt bởi hình thức, đừng ngược xuôi điên đảo. Chúng ta hãy giữ cái hạnh phúc chân thật từ xưa nay của chính mình.
Hạnh phúc đó là gì? Là tánh Phật sẵn có nơi mình. Lúc nào cũng chung thủy, cũng bên cạnh ta, không bao giờ thay đổi. Sống được với tánh Phật ấy, ta đủ năng lực, đủ trí tuệ giải quyết mọi chuyện ngay trong đời này. Vững tin trên hướng đi của mình và có thể tạo được nếp sống của người Phật tử giải thoát, không còn lầm mê điên đảo nữa. Người con Phật sống phải giác ngộ, thấy được thực chất của vấn đề. Sợi dây là sợi dây, sợi dây không phải là con rắn. Thấy thủng được nhân duyên sinh của các pháp rồi thì thực sự an ổn, Niết-bàn hiện tại.
Nói “Tu hành” hay “Sống đạo” v.v… là cắt đứt tất cả những tham sân đắm trước từ nhiều đời để thực sự sống lại yên ổn, làm chủ được mình. Tuy thân tứ đại và tâm phân biệt là giả, nhưng nếu ta có trí tuệ, dùng thân đúng với phạm vi của thân, dùng tâm đúng với phạm vi của tâm. Tất cả mọi thứ ta đều dùng đúng với vị trí của nó. Người Phật tử biết rất rõ cái ấy chỉ giả tạm, ta dùng nó trong một giai đoạn thôi, nên không khởi đắm luyến, chấp giữ. Đó là sống đạo.
Đây chính là điều chúng tôi muốn trình bày cho Phật tử hiểu, nhận và sống được với tánh Phật của chính mình. Từng phút từng giây trong hiện tại, ta sống bình an, vui vẻ, làm chủ được mình, đó là nguồn hạnh phúc lớn lao nhất của người con Phật. Ngay bây giờ mỗi chúng ta hãy thử nghiệm lại xem, mình đã bình an chưa, đã làm chủ được các hiện tượng chung quanh chưa, đã vững niềm tin nơi chánh pháp chưa, tất cả lời Phật dạy mình áp dụng được chưa? Đây là những việc ta phải chuẩn bị, để từ đó gia tăng công phu tu hành của mình. Nếu chưa được thì phải phấn đấu cho được. Phấn đấu bằng mọi cách, chớ không thể thối lui. Tùy mỗi người áp dụng, giá trị thiết thực của Phật pháp sẽ thấy rõ trong cuộc sống này.
Buổi nói chuyện đạo lý hôm nay nhằm nêu ra một số phương hướng cho quí Phật tử thực tập tu hành. Chúng tôi không dám ước vọng gì hơn, mỗi ngày quí vị mỗi an vui hơn trong cuộc sống đầy đạo vị của mình. Chúc tất cả thành công trong ánh sáng của đạo.