headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THẾ NÀO LÀ VIỆC LỚN SINH TỬ ?

 Sanh tử là một vấn đề lớn đối với người tu chúng ta nói riêng, đối với nhân loại nói chung. Những ai từng đau khổ, từng bị bức xúc trong cuộc đời bởi sanh lão bệnh tử đều băn khoăn về kiếp người. Đức Phật ngày xưa cũng vì thế mà tìm đường giải thoát sanh tử, nên hôm nay chúng ta mới có được giáo lý Phật dạy để tu tập giải thoát như Ngài. Thế thì chúng ta thử đặt lại vấn đề “Thế nào là việc lớn sanh tử?”

 

 

 

 

Trong cuộc sống bình nhật, dường như ai cũng sáng suốt với những toan tính sự nghiệp công danh nọ kia, nhưng khi đối diện với vấn đề lớn lao này thì bỗng nhiên tăm tối mờ mịt. Như nghe một lời nói ta liền nhận xét hay dở và theo đó tươi vui hay phiền giận, điều này ai cũng làm được. Nhưng nghe một lời nói, chỉ nghe trong sự yên lặng, không phân biệt tốt xấu hay dở thì dường như khó ai thực hiện được trọn vẹn. Phật bảo sanh tử từ đó mà phát khởi. Nghĩa là chúng sanh do dấy niệm vọng động mà sanh ra trong các đường, trôi lăn đau khổ không có ngày cùng. Bây giờ muốn chấm dứt nỗi thống khổ sanh tử thì phải dừng nguyên nhân tạo ra nó. Chỉ có một con đường duy nhất này thôi.

Thế nên biết còn tâm giao động là còn khổ. Bởi còn động tâm nên cứ lăng xăng, ngược xuôi theo cảnh duyên. Mà cảnh duyên lại luôn thay đổi, cho nên tâm cứ như vượn chuyền cành. Như vậy chúng ta phải làm sao? Người xưa nói phải tu. Vấn đề tu hành không phải khó cũng không phải dễ. Biết tu thì dễ, không biết tu thì khó. Chúng ta không có nhiều thì giờ để chọn lựa hay chuẩn bị đâu, bởi ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt cõi nước và con người trong từng phút từng giây. Hoàn cảnh và thời gian không cho phép chúng ta dây dưa lần lựa qua ngày. Mình phải có thái độ dứt khoát đối với đạo lý đã học và hiểu, để rồi bắt tay ngay vào sự tu tập.

Phật dạy chúng sanh chìm nổi trong các đường bởi si mê, tham lam, sân hận lẫy lừng. Chúng ta soát xét lại có phải như vậy không? Nên việc lớn sanh tử lại nằm ngay trong những hành vi nhỏ nhiệm mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi v.v… tâm chạy theo hay thức tỉnh là thay đổi cả một dòng sinh mệnh. Nghĩa là ngay đó ta bị trói buộc mà cũng có thể ngay đó ta được giải thoát. Đây là vấn đề mà người Phật tử chúng ta không thể nói không biết.

Con người vừa mở mắt chào đời là đã nhận ngay một bản án sanh tử rồi. Ta có mặt ngày hôm nay để rồi sẽ mất ở ngày mai, điều này ai cũng biết. Cho nên bản án tử hình đã treo vào cổ mỗi đương sự ngay từ lúc mới chào đời. Vậy mà ta quên khuấy, để rồi mải mê với những thú vui giả tạm nào lợi danh, tài sắc… Đến khi tử thần tới gõ cửa, ta giật mình hỏi “Sao không báo trước?” Cho nên chỗ này các thiền sư nói “việc lớn sinh tử chưa giải quyết xong thì không thể ngồi yên”.

Việc của mình mà mình không biết, không đá động tới thì ai có thể đương đầu thế đây? Dù cho cha mẹ, anh em, thầy tổ hay đức Phật Thích Ca có thị hiện trở lại cũng không giải quyết được cho mình. Phật đã nói “Như Lai chỉ là bậc đạo sư dẫn đường, các ngươi phải tự cất bước. Như Lai không thể đi thế cho các ngươi”. Chúng ta tu như thế nào, sống như thế nào để tự phá bản án đó. Chứ Phật Bồ-tát không giúp gì hơn được.

Có sanh là có tử, điều đó ai cũng biết. Từ ông bà cho tới cha mẹ mình có ai sống mãi đâu. Chúng ta đã chứng kiến biết bao cảnh chết chóc thảm thương, nhưng tỉnh một chút thôi. Thấy giật mình hết hồn, trong vòng vài tiếng đồng hồ, khuây khỏa rồi cũng quên mất. Người xưa khi đối diện với những sự kiện như vậy, các Ngài cũng giật mình như chúng ta, nhưng các Ngài tỉnh luôn. Còn ta giật mình xong thì mê trở lại, nên rồi ở trong Thiền viện mười mấy, hai chục năm mà Sư phụ chưa dám cho đi đâu hết. Vì vậy tu hoài mà không thấy tới đâu hết. Làm sao phải khắc chữ “tử” trên đầu mới dồn hết tâm lực vào việc giải quyết vấn đề sanh tử được. Đây là điều mà Phật tổ đã tốn không biết bao nhiêu tâm lực, sức lực để gầy dựng cho chúng ta một phương hướng tu tập nhằm đưa mình ra khỏi vực thẳm tử sanh.

Điều trở ngại lớn lao nhất của chúng ta chính là cái tâm vô thường của mình. Nó chợt hiện chợt mất, lúc vui lúc buồn, luôn bị động bởi những cảnh duyên bên ngoài nên ta không có được cái nhìn sâu sắc của nội tại tâm linh. Vì vậy đối với các pháp ta hoàn toàn mê lầm. Đây là mối họa lớn trong việc tu hành. Nếu chúng ta ai cũng có cái nhìn phủng vấn đề, mỗi khi đụng cảnh duyên có tỉnh, luôn tỉnh thì con đường Phật đạo không xa. Nuôi dưỡng và phát triển cái tỉnh ấy thường xuyên thì chúng ta là những vị Bồ-tát con, những vị Phật con rồi đó.

Một vị Bồ-tát ra đời làm lợi lạc chúng sanh rất nhiều, mà chúng ta là những vị Bồ-tát thì thế gian này đang có hàng năm bảy trăm ngàn Bồ-tát! Như vậy cuộc đời đâu còn đau khổ nữa. Cho nên tự gầy dựng sự tỉnh thức cho mình cũng chính là đem lại niềm an lạc cho mọi người. Những bất an bất ổn trong cuộc đời theo đó tự tiêu tan hết, ngay đây trở thành cõi Cực Lạc, đâu cần phải chạy tìm kiếm ở đâu xa.

Trở lại vấn đề sanh tử, tôi xin kể câu chuyện của Thiền sư Tông Bổn. Thiền sư Tông Bổn thuở nhỏ có một người cậu tuổi tác ngang ngửa với Ngài. Hai cậu cháu rất thân, hay đi chơi chung, làm bất cứ việc gì cũng có nhau. Một hôm ông cậu nằm dài ủ rũ, đậy mặt lại, đắp kín chăn. Ngài gọi dậy đi chơi, bà mẹ cản bảo đừng động đến cậu. Ngài hỏi “Sao cậu nằm hoài?” Thấy con rất thương em trai của mình mà không biết gì, bà quá xót xa nên khóc nói “cậu đã chết rồi”. Ngài hỏi tỉnh bơ “chết là sao hở mẹ?” Bà mẹ nghe câu hỏi đó thì nghẹn cứng, không khóc được mà cũng không trả lời được.

Bấy giờ Ngài lén nhìn và lay lay xem cậu có ngồi dậy không, đợi hoài không thấy cậu động đậy, Ngài buồn thiu. Gia đình khiêng đồ đạc, áo quan tới và chuẩn bị khiêng cậu Ngài vô đó. Thấy vậy, Ngài cản lại không cho khiên, rồi nói: “Để cậu đi chơi, chứ bỏ vào đó làm sao dậy được”. Cuối cùng người ta cũng lắp ông cậu vô hòm rồi đậy lại, khiêng đi đâu Ngài cũng không biết. Mấy hôm sau Ngài kêu kiếm cậu thì mẹ Ngài nói “Đã chôn cậu rồi”. Buồn quá vì không có ai để chơi, Ngài cứ thắc mắc “tại sao người ta lại chôn cậu?”

Thời gian sau, có một vị Tăng đi hành cước ngang nhà, Ngài để ý thấy và tự nhiên rất thích vị tăng ấy. Vì gia đình là Phật tử nên mẹ Ngài thỉnh vị tăng vào nhà. Ngài lén nghe mẹ mình nói gì với vị tăng, nhưng không nghe được, chỉ biết hai bên trao đổi với nhau rất tâm đắc, vui vẻ. Hôm khác mẹ Ngài thỉnh chư tăng đến cúng dường rất đông. Ngài tìm cách làm quen và hỏi một vị trong số đó:

- Các Ngài là ai?

- Là Tăng hành cước.

- Tăng là gì? Hành cước là gì?

- Tăng là những vị xuất gia, không vướng mắc tất cả mọi việc trên cuộc đời này. Hành cước là đi học đạo.

- Học đạo để làm gì?

- Để giải quyết vấn đề sanh tử, để thành Phật.

- Vậy con học được không?

- Được.

Ngài liền tìm mẹ dứt khoát xin theo mấy thầy để học đạo, để giải quyết cái chuyện mà con đã hỏi mẹ nhưng mẹ không chịu trả lời. Bà mẹ nghe vậy đành nuốt lệ cho con mình theo mấy thầy. Quả vậy, một con người dứt khoát như Thiền sư Tông Bổn một khi tỉnh thì tỉnh luôn, không mê trở lại nữa. Ngay trong hiện đời Ngài ngộ đạo, giải quyết hoàn toàn mớ bồng bông mà thuở nhỏ không biết gì. Đó chính là giải quyết được việc lớn sanh tử, tự tại giải thoát giữa cuộc đời vô thường này.

Thưa quí vị, tu thiền là như vậy. Giải quyết cho xong thân phận con người trong dòng sanh tử này, chứ không phải cầu an cầu siêu cho mình, cho người. Việc làm đó không bảo đảm đâu. Ngay bây giờ chúng ta có tỉnh lực, phát huy được tỉnh lực đó, làm sao một phen tỉnh rồi không mê trở lại mới giải quyết được việc lớn. Không nên ỷ lại, cũng không chờ đợi trông cậy vào Phật Thánh nào, mà tự mình phải giải quyết việc của mình.

Phàm có sinh thì quyết định có tử, sau khi tử thì quyết định có báo nghiệp do mình gây tạo trong hiện đời. Trong nghiệp báo gồm có hiện báo, hậu báo, sanh báo. Tại sao nhiều như vậy? Bởi vì miệng của mình gây nghiệp nhiều quá, ý vọng tưởng điên đảo cũng nhiều quá, thân làm các việc sai trái nhiều quá. Những cái nhiều này chồng chất lên nhau tạo thành oan báo nhiều đời, không thể kể hết. Nghiệp đã nhiều như vậy thì làm sao giải thoát được. Chữ Hán “Giải” có nghĩa là cởi ra, chữ “Thoát” là thoát ra ngoài, “Giải thoát” là tháo gỡ tất cả mọi dây mơ rễ má để thoát ra ngoài, không còn bị ràng buộc dính mắc nữa. Chúng ta muốn được giải thoát, muốn được an lạc, muốn thành Phật nhưng chính bản thân mình lại tự buộc ràng với các pháp, chưa làm chủ được, đó mới lạ chứ!

Chúng ta cũng biết có thân này thì có sống chết. Như vậy thân này có đảm bảo được đâu? Chỉ một hơi thở thôi, thật là mong manh làm sao. Vừa nín thở rồi thì thân này phải bịt lại, khằn cứng trong quan tài, chẳng bao lâu vùi sâu dưới đất hoặc đốt ra tro bụi. Như vậy quý chỗ nào? Thế mà cả đời chúng ta lại lận đận vì thân này. Khi còn sống được cưng chiều mến yêu, lúc chết rồi không ai dám đến gần, kể cả những người thương mình nhất. Ngay như cha mẹ mình, để đêm đầu chưa thấy ngán lắm, nhưng vài ba đêm sau bà con quyến thuộc đi hết, tự nhiên mình sợ ma. Đến khi đưa đi rồi, tối lại đố ai dám nằm ngay chỗ để quan tài. Như vậy rõ ràng thân này chẳng có giá trị gì cả. Vậy mà lúc sinh tiền, hơn thua nhau một câu cũng không được. Có phải là mình si mê điên đảo lắm không?

Chúng ta học Phật nhưng chưa thực hành được những điều Phật dạy, nên đối với vấn đề sinh tử hoàn toàn bất lực. Nếu hiện tại chúng ta không vận dụng đạo lý đã học hiểu vào cuộc sống, thì khi nhắm mắt mình phải chịu mù tối thôi. Giải quyết vấn đề sinh tử phải được thực hiện ngay trong từng phút giây sinh tiền, trong mỗi hoạt động bình thường. Chứ đợi lúc nằm dài ra đó, thỉnh thầy cô tới cầu nguyện, chuông trống lễ nhạc rùm beng, dọa tử thần được sao?

Nhiều người không dám dùng từ chết, nhất là đối với Tăng Ni. Họ nói viên tịch hay theo Phật, nhưng có theo hay không theo Phật ai biết được. Nếu khi sống người đó không theo Phật thì chết theo làm gì. Phật không chấp nhận những ai sống không theo mà chết thì theo. Người tu phải thấu suốt được điều này, đừng tự dối và dối người. Tôi không dám nói trên đời này người ta hoàn toàn không thật với nhau, nhưng có lẽ là như vậy. Quí vị cứ nghiệm đi, trong gia đình cha mẹ, vợ chồng, con cái… nói thương nhau lo cho nhau, nhưng cuối cùng thì việc ai nấy lo, lỗ mũi ai nấy thở, không ai thở giùm cho ai được hết. Giây phút kết thúc của cuộc đời này là như vậy.

Nói thế không có nghĩa chúng ta bi quan, mà đó là sự thật người tu cần phải thấy rõ để không bị lầm lẫn, không kẹt vướng. Bởi chúng ta cả đời cứ lăng xăng việc nọ việc kia, mất hết thì giờ, cuối cùng việc lớn của mình là vấn đề sanh tử lại giải quyết không được. Mới ngày nào tóc hãy còn xanh, lụi hụi bốn năm mươi tuổi, tóc điểm muối tiêu, rồi trắng dần dần đến bạc đầu lúc nào không hay. Chừng giật mình thì cái chết đã cận kề một bên, không còn xoay trở gì được nữa.

Thế mà biết bao người trong chúng ta ở tuổi bốn mươi năm mươi vẫn chưa tỉnh mộng. Học cũng học đạo lý, tu hành cũng tu hành nhưng tỉnh mãnh liệt thì chưa, dường như ta thấy mình còn trẻ, còn yêu đời lắm, chưa muốn tu vội. Ngộ thật! Đến ngoài năm mươi tuổi thì cơ thể đã suy nhiều. Như hồi mười bảy mười tám tuổi, có nhiều đêm gặp gỡ bạn bè, anh em nói chuyện chơi suốt đêm, mình thấy mệt chút ít thôi. Ngủ một giấc là khỏe lại liền, không cần thuốc men gì hết. Nhưng ngoài năm mươi rồi, chỉ cần suy nghĩ quá giấc, đêm đó không ngủ được là sáng ra thần sắc thay đổi hẳn, mặt mày hốc hác. Cái hốc hác đó dù Bác sĩ thẩm mỹ giỏi nhất thế giới cũng không làm sao sửa lại được. Sự tàn phá từ bên trong phát ra, không ai ngoài mình có thể giải quyết được.

Từ đó chúng ta mới ý thức được giá trị của sự tu hành, buông bỏ vọng tưởng, điều phục tâm ý cho trong sạch. Lúc sống ta chuẩn bị cho mình được như thế, thì khi chết không sợ phải rơi vào chỗ tối tăm hoặc không biết đi về đâu như bao nhiêu kẻ mê khác. Trong cổ giáo nói:

Ta thấy người khác chết,

Tâm ta nóng như lửa.

Chẳng phải nóng người khác,

Mà vì sẽ đến ta.

Đây là điều rất hiện thực. Thấy người khác chết biết rằng mình cũng chết. Ta không thể nói “Không biết”. Tuy nhiên, biết thì biết mà chưa chịu quyết. Dù cũng từng trải, từng hiểu biết đạo lý, đêm đêm cũng kinh kệ, cũng ngồi thiền, cũng làm lành lánh dữ, nhưng tu hành đến chỗ ngàn thông trăm ổn thì chưa. Đó là lý do khiến chúng ta còn đứng bên đây bờ sanh tử. Vì vậy cần nhớ chỗ nhắm chung của người con Phật, không luận là tại gia hay xuất gia, phải tu đến được chỗ ngàn thông trăm ổn mới được. Còn một chút xíu vướng mắc, là còn bị đọa lạc, bị rơi rớt trở lại trong ba cõi. Nghĩa là mỗi người chúng ta phải tỉnh, phải đứng lên, phải dũng mãnh giải quyết việc sanh tử của mình.

Chữ “dũng mãnh” tức là can đảm, mạnh mẽ. Trong sự mạnh mẽ này ngầm chứa sự siêng năng, tinh tấn liên tục. Không phải bữa nay tụng kinh suốt đêm, ngày mai có công việc đi suốt ngày, tối lại mỏi mệt ngủ vùi. Tu như thế không gọi là dũng mãnh. Thành ra ở đây tôi muốn nhấn mạnh yếu tố tinh tấn liên tục. Ngày nay tu như vậy, ngày mai cũng tu như vậy, mới đảm bảo nuôi dưỡng, phát triển được tánh giác, giải quyết vấn đề sanh tử mới được.

Tánh giác đó tuy sẵn có, nhưng nhiều đời mình lẩn thẩn trong trần lao nên bụi mờ tăm tối đã phủ đầy. Bây giờ làm sao cho nó tan ra, để tánh giác hiển lộ. Muốn vậy, ta phải thực hành công phu liên tục, không còn cách nào khác hơn. Sở dĩ chúng ta tu không có kết quả, không phải vì không biết không hiểu mà vì không có dũng mãnh, không siêng năng liên tục. Cho nên công phu quý ở chỗ không gián đoạn, đừng để một nắng mười mưa. Người dù thông minh đa văn cách mấy mà tu không liên tục cũng khó có thể đạt được sở nguyện.

Mỗi khi niệm khởi lên mà ta chưa khắc phục được thì biết là mình đang đùa với tử thần đó. Cứ dễ duôi thả trôi mạng sống, không cố gắng mãnh tỉnh, quỷ dữ vô thường đến nó đâu có dung thứ cho ai. Nếu sự tu hành của chúng ta trì trệ, quả thực lỗi từ mình chứ không phải ai hết. Người xưa nói: “Phật pháp không nhiều, người lâu dài khó có. Học đạo như tâm ban đầu, thành đạo có thừa. Trước sau chẳng đổi thật là đại trượng phu”.

Phật pháp không có nhiều, người lâu dài khó có, nghĩa là chỗ rốt ráo của Phật pháp không nhiều, nhưng người bền tâm vững chí cầu Phật pháp rất hiếm có. Học đạo như tâm ban đầu, nghĩa là tâm ban đầu đến với đạo rất mạnh mẽ. Nếu người tu giữ mãi tâm như thế thì việc thành Phật không khó. Trước sau chẳng đổi thật là đại trượng phu, nghĩa là người trước sau không thay đổi, khi đến với đạo rồi khẳng tâm như vậy, hành trì như vậy, đó là bậc đại trượng phu.

Tại sao ở đây nói Phật pháp không nhiều, trong khi chúng ta thường nghe nói biển pháp mênh mông. Nào là Tam tạng Thánh giáo, như riêng pháp tu thiền cũng chia nhiều loại nào Thiền phàm phu, Thiền nhị thừa, Thiền Đại thừa, Thiền Phật, Thiền Tổ sư… Nói trên phương tiện thì nhiều như thế, song mục đích cứu kính không khác, cũng không nhiều. Ví dụ ở đây Hòa thượng dạy chỉ một môn Tổ sư thiền, nếu chúng ta hành trì đúng như thế thì đảm bảo không bị vấn đề sinh tử chi phối nữa, đó là chỗ không nhiều. Cụ thể như chỉ cần chúng ta đừng theo vọng tưởng, giản dị thế thôi. Nếu làm được điều này xem như các hình thức tụng kinh ngồi thiền không còn cần thiết nữa. Nhưng vì ta thực hiện chưa được, nên phải mượn các hình thức phương tiện để trợ giúp cho công phu chóng thành tựu.

Khi học Phật pháp chúng ta học rất nhiều, nhưng cuối cùng chỉ quy về một việc là trong tất cả thời, tất cả việc đừng theo vọng tưởng. Nghe băng đừng theo vọng tưởng, đang học đừng theo vọng tưởng, đang ăn đừng theo vọng tưởng, đang làm đừng theo vọng tưởng, đang thở đừng theo vọng tưởng… Giản dị như vậy thôi nhưng quả thật không dễ làm được đâu. Phải là bậc đại trượng phu mới làm được.

Chúng ta có các thứ ràng buộc lớn trong cuộc đời. Một là ràng buộc về thân thể, con người luôn luôn bị thân thể ràng buộc. Đến người xuất gia như chúng tôi cũng còn bị ràng buộc đây. Ít ngày phải cạo tóc, cạo cũng phải đàng hoàng chứ không thể như cóc gặm, chỗ này lỏm chỗ kia chổm coi không được, phải cạo cho sạch. Nghĩ cho cùng lại cũng bị ràng buộc. Người tu còn như vậy, huống nữa là người đời, nhất là phái nữ. Thôi thì không có sách vở nào mà chép cho hết các thứ ràng buộc thuộc về thân thể của người thế gian.

Thứ hai là ràng buộc quyến thuộc, tức gia đình, bà con họ hàng liên hệ thân thích. Những mối quan hệ ràng buộc này có khi làm mất thì giờ ghê lắm. Hồi nghèo thiếu cực khổ thì không ai ngó ngàng tới, nhưng đến lúc giàu sang vinh hiển thì lễ mễ tiệc tùng liên miên. Nay chỗ này mời, mai chỗ kia thỉnh rồi thì tiếp đón đủ chuyện, càng phú quí càng lễ nghĩa mà. Ôi! nó ràng buộc biết là bao nhiêu.

Thứ ba là ràng buộc gia nghiệp. Trường hợp như tôi chẳng hạn, hồi nhỏ mới xuất gia cù bơ cù bất. Bây giờ lớn lên, được vào trong đạo tràng này, đệ tử của Hòa thượng. Ngài gần như ông Phật sống, mà tôi ba trợn ba nháng thì không được, nên phải chỉnh đốn từ lời nói cho đến cử chỉ, đi đứng đàng hoàng. Đó cũng là một hình thức bị ràng buộc. Tuy nhiên đối với người tu chúng ta, luôn lấy mục đích tu hành để được giác ngộ giải thoát làm trọng, nên sự ràng buộc gia nghiệp không nặng nề như người thế gian. Ngoài đời, có khi vì gia nghiệp mà người ta phải hy sinh mạng sống hoặc ân đoạn nghĩa tuyệt, để gìn giữ gia nghiệp của mình.

Cho nên với người tu, chúng ta có được chút duyên đến với đạo, đừng để các thứ ràng buộc này làm mất đi đời tu của mình. Nếu thương mình, biết lo cho mình thì hãy buông bỏ hết, gắng gổ theo sự hướng dẫn của Phật tổ sửa đổi những tập nghiệp xấu, không chạy theo các giả tướng bên ngoài, hằng nhìn lại mình, sống với tâm chân thật của mình. Đó là tu. Một ngày một đêm hai mươi bốn tiếng đồng hồ, ta khắc tỉnh với công phu liên tục. Hy vọng với sự tu tập như vậy, chúng ta sẽ có một sức mạnh lớn đủ để đương đầu với vấn đề sanh tử.

Cách tu hành cụ thể như thân thể bị ràng buộc, thì bây giờ mình đừng để thân thể bị ràng buộc. Quyến thuộc, gia nghiệp cũng vậy. Lúc nào cũng nhớ mỗi niệm dấy lên đều là vọng tưởng, hãy bỏ đi, thì không còn gì có thể ràng buộc ta được cả. Thật ra không phải những thứ đó ràng buộc mình, mà là ta ràng buộc nó đấy. Quý vị nghiệm có phải thế không? Tiền tài, danh vọng, sự nghiệp v.v… đâu có bảo ta giành lấy giữ lấy nó, tự ta muốn thế mà. Suy cho cùng chính ta là thủ phạm làm cho mình khổ, rồi ta lại kêu ca cuộc đời làm mình khổ. Thật là vừa ăn cướp vừa la làng!

Biết rõ như vậy rồi, còn gì mà không thức tỉnh buông sạch hết đi, sống tự tại thong dong không bị buộc ràng bởi bất cứ thứ gì có phải thích thú hơn không? Cho nên người tu Phật là người có trí, phải biết nhận định đâu là thật, đâu là giả để không bị lầm lẫn không si mê như người thế gian. Người đời than khổ còn có thể tha thứ, chứ người tu đã hiểu đạo mà than khổ là điều không thể chấp nhận được. Buông được hết các thứ không thật, trở về với cái chân thật là chúng ta giải quyết được vấn đề sanh tử của mình vậy.

Buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi không mong mỏi gì hơn là làm sao chúng ta thoát khỏi nỗi khổ chung từ vô lượng kiếp đến nay, đó là vấn đề sanh tử. Muốn thế không gì hơn là chúng ta hằng tỉnh giác, đừng để thân tâm rong ruổi chạy theo các cảnh duyên và vướng mắc với nó. Từng bước tu tập như vậy, lâu ngày lực dụng đầy đủ, thì việc lớn sanh tử không còn là vấn đề nan giải nữa.

Đó là điều mong mỏi duy nhất của chúng tôi. Cầu chúc quý vị đều có đầy đủ trí tuệ và năng lực để giải quyết việc lớn sanh tử của mình.

 

[ Quay lại ]