headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 11/01/2025 - Ngày 12 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TUỆ GIÁC CỦA NGƯỜI TU

 Hôm nay tôi muốn nói lại chỗ chứng đạo của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Như chúng ta biết trong đêm thứ bốn mươi chín dưới cội Bồ-đề, từ canh một đến canh ba, đức Phật tuần tự chứng những pháp siêu việt, mở tung được tất cả những ràng buộc từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay.

 

Ngài hoàn toàn giải thoát và đứng lên tuyên bố “Ta đã thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề”.

Trong đêm này đức Phật ở trong thiền định, từ canh một Ngài để tư tưởng lắng dịu tinh khiết, tất cả những nhiễm ô tham ái đều dứt bặt, mọi vọng tưởng đều bị chiết phục. Ngài hoàn toàn làm chủ, hoàn toàn bất động nên chứng được Túc mạng minh. Chữ “Túc” là đời trước, chữ “Mạng” là mạng sống, chữ “Minh” là sáng. Nghĩa là trí tuệ sáng suốt thấy khắp, nhớ khắp. Ngài dùng tuệ giác này hướng tâm về quá khứ, liền nhớ vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp về thuở quá khứ, Ngài đã sinh ở đâu, tên gì, trong gia đình nào, đời sống và hạnh nghiệp ra sao, sanh đây chết kia, luân hồi sanh tử thế nào v.v… Nhớ đầy đủ và nhớ thật rõ như chuyện vừa xảy ra hôm qua.

Chúng ta cũng nhớ nhưng mà nhớ chuyện thế gian, nhớ chuyện này chuyện kia, nhớ không liên tục, không có đầu đuôi gì cả, nhớ bằng trí thế gian phân biệt nên không gọi là Túc mạng minh. Còn Ngài từ tuệ giác thanh tịnh bất động, hướng tâm tới đâu liền nhớ tới đó, từ một kiếp hai kiếp cho đến vô lượng kiếp. Nghĩa là bao giờ tâm còn lăng xăng thì mình không sáng suốt nên trí nhớ không chính xác.

Thế Tôn thấy rõ đời sống lang thang luân hồi trong sanh tử đều do từ những niệm điên đảo dấy lên. Chúng sanh lao theo đắm trước những niệm đó để rồi lẩn quẩn mãi trong luân hồi sanh tử, gây nhân chuốc quả. Cho nên Hòa thượng thường dạy chúng ta, chớ chạy theo vọng tưởng, hãy buông từ những ý niệm đầu tiên, thì sẽ không tạo nghiệp và bị nghiệp lôi. Đối với người tu, nếu chín chắn sáng suốt làm chủ được, đừng để lực nhân quả chi phối. Vừa có một dấy niệm liền cắt, buông dẹp đi, đừng để nó kéo lôi, được như vậy thì an toàn. Còn nếu như không làm chủ, để niệm kéo lôi, nó sẽ có năng lực dẫn chúng ta đi rất mạnh.

Chứng Túc mạng minh, Ngài hướng tâm về quá khứ thấy rõ vô số kiếp sống của mình như vậy, để cuối cùng vỡ tung hết, chẳng có gì ràng buộc. Chúng ta muốn được như vậy thì hãy tự nhận lại tánh giác của mình, ta có khả năng, có trí tuệ đó nhưng bị những vọng niệm lăng xăng ngược xuôi che lấp đi. Bây giờ phải dẹp hết những thứ đó thì tuệ giác tròn sáng ngay. Đó là canh đầu trong đêm đức Thế Tôn thành đạo.

Ngài được như vậy rồi, Ngài tiếp tục triển khai tuệ giác phá lớp tăm tối của quá khứ, hướng tuệ giác đến muôn loài, Ngài thấy rõ kiếp sống sinh diệt của muôn loài, chết đây sanh kia, lên xuống trong ba cõi sáu đường. Từng chúng sanh một đã làm gì, ở đâu, thân tộc gia quyến thế nào, tạo hạnh nghiệp gì v.v… Ngài thấy rõ như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy người qua kẻ lại rõ ràng, không sai chạy chút nào. Đây là từng chứng thứ hai, tức Thiên nhãn minh.

Với tuệ nhãn tinh khiết siêu phàm, Ngài thấy chúng sanh chết từ kiếp này tái sinh vào một kiếp khác, rồi với bao nhiêu cảnh tượng sang hèn đẹp xấu, khổ vui sinh diệt tùy thuộc vào hành vi tạo tác của mỗi người. Tất cả đều do chúng sanh tạo nghiệp, rồi từ năng lực của nghiệp này trở lại dẫn chúng sanh đi trong các đường, thọ các thứ quả báo khác nhau. Khi dùng tuệ giác thấy rõ những kiếp sống của mình và của tất cả chúng sanh, mọi tăm tối vô minh điên đảo từ vô lượng kiếp không còn nữa, trí tuệ của Thế Tôn càng siêu việt, càng trùm khắp hơn. Cho nên chúng ta tu theo pháp của Phật là không còn chấp ngã nữa, vì thấy thân tâm này hư giả, không thật, trôi lăn nhiều đời nhiều kiếp đến nay, thọ nhận biết bao khổ báo. Nhờ xả bỏ hết nên đạt được trí tuệ thanh tịnh giải thoát hoàn toàn.

Các Thiền sư lúc gần chết thường ngồi ngay ngắn, kêu đệ tử tới dạy điều gì đó hoặc cho một bài kệ, rồi thở cái khì là xong. Sống chết tự tại như vậy là do không đắm luyến thân này. Bởi các Ngài đã đầy đủ trí tuệ rõ biết thân sanh diệt không thật, do duyên hợp tạm có, thì cũng sẽ theo duyên mà mất. Biết rõ như vậy rồi, các Ngài đâu bận lòng đến cái giả tạm làm gì, còn có một cái chân thật luôn sẵn bên mình, các Ngài đã nhận và sống với nó rồi, đâu sợ mất mát chi. Cho nên Thiền sư luôn an nhiên giải thoát khi sống cũng như lúc chết. Điều đó cho chúng ta thấy khi thiếu trí tuệ, ta không giải quyết được những chuyện đời thường của mình, nói gì đến việc lớn sanh tử.

Học hiểu Phật pháp rồi, chúng ta thấy bản thân mình có thể thực hiện được trí tuệ, bằng cách lắng buông những vọng tưởng lăng xăng. Khi đó tâm định yên định thì tuệ phát ra. Phát huy được tuệ giác như thật rồi thì cuộc sống này, thân này, tâm này và tất cả mọi hiện tượng chung quanh, ta có thể làm chủ được. Định tuệ đầy đủ, chúng ta cũng có thể chứng được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh như Phật vậy. Nên nói về trí giác, thì ai cũng có thể tu tập và thành tựu được.

Không phải lúc nào chúng ta cũng ngồi thiền, đọc kinh mới gọi là tu. Mà trong mọi việc làm, mọi sinh hoạt đừng gây tạo những nghiệp nhân để thọ quả báo, đó là tu. Tu tập dần dần như thế, chúng ta sẽ phá vở vòng luân hồi quả báo từ vô lượng kiếp đến nay. Sở dĩ có luân hồi, sinh tử là vì chúng ta bị  sức hút của luật nhân duyên quả báo. Hễ gây nhân thì phải thọ quả. Khi tuệ giác thông suốt, thấy khắp tất cả rồi thì vòng luân hồi quả báo vỡ tung hết. Cho nên nói các bậc toàn giác thấy luân hồi sanh tử giống như hoa đốm trong hư không vậy.

Lâu nay chúng ta thấy mình có chết thật, sinh thật, nhân quả thật, mình là con người thật. Bây giờ trí tuệ đã đầy đủ, biết rõ do duyên như vậy, nhân như vậy nên quả báo như vậy, không có gì thật hết, nên các Thiền sư nói sanh tử Niết-bàn như không hoa. Hoa đốm trong hư không chỉ có đối với người mắt bệnh, thực sự trong hư không không có hoa đốm. Như vậy tánh giác không thể nói là gì hết, không có sinh tử, không có Niết-bàn, tất cả đều do vọng tưởng mà ra. Hết vọng tưởng thì trở về bản thể nhi nhiên, hằng giác hằng sáng nhưng không nói là gì già cả.

Trở về chỗ tu hành của chúng ta, Hòa thượng Viện trưởng dạy vọng tưởng không thật, ai thấy rõ chân tướng của nó thì tự nhiên không còn lầm nữa. Đã không lầm thì đâu sợ vọng tưởng lôi đi, quả là một pháp tu tối thượng. Ai làm chủ, ai trị được những vọng tưởng của mình, người đó là người sống được với chính mình, hưởng được niềm vui Niết-bàn ngay trong hiện đời.

Qua hai giai đoạn đó rồi, vòng luân hồi đã vỡ toang, tất cả sự kiện sinh tử của bản thân và của chúng sanh đối với đức Phật như hoa đốm trong hư không. Bấy giờ Ngài hướng tuệ giác ấy phát huy tận căn để dòng luân hồi sanh tử và cuối cùng chứng được Lậu tận minh. Chữ “Tận” tức là sạch hết, chữ “Lậu” là rơi rớt. Lậu tận minh là sạch hết cội gốc phiền não, không còn rơi rớt lại một chút nào cả. Đến giai đoạn này đức Phật mới thực sự đã hoàn toàn giác ngộ viên mãn. Ngài thấy rõ biết rõ nguyên nhân nào khiến cho chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử và làm thế nào để chấm dứt những nguyên nhân đó, được hoàn toàn giải thoát, thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đó là giai đoạn cuối cùng trong đêm đức Phật thành đạo. Ngài thấy rõ nguyên nhân nào khiến cho chúng sanh lên xuống, thăng trầm trong sáu đường. Tất cả đều do nghiệp, mà nghiệp từ đâu ra? Từ vọng tưởng dấy khởi nơi ý, ta không dừng được để phát ra nơi thân miệng. Nói gọn lại nghiệp từ thân khẩu ý mà phát sinh, nhưng ý là chính. Ta đã gây thì phải trả, chuyện của mình chứ đâu do ai tạo. Chúng sanh kêu gào than khổ là vì không biết chính mình đã si mê đưa mình vào con đường đau khổ. Phật thấy rõ nguyên nhân ấy rồi, đồng thời cũng biết cách đoạn trừ, nhổ tận gốc khổ. Bởi do mình tự buộc thì bây giờ cũng chính mình tự mở, chứ không phải ai khác. Phát huy được năng lực sẵn có nơi mình thì ta đủ sức mạnh, không sợ không lo không buồn không giận gì hết vì biết đó là nghiệp quả, mình đã làm thì bây giờ trả hoặc chuyển đổi. Hiểu và sống như thế là tự tại, giải thoát được nhiều lắm.

Đối với những hiện tượng bên ngoài như được mất, hơn thua, nếu không bị động thì chúng ta được đại thiền định. Làm sao lọc lừa hết các chủng tử phiền não, nhận lại tâm hoàn toàn thanh tịnh, làm chủ các hiện tượng là phát sinh được Lậu Tận Minh. Các Thiền sư luôn nhắc nhở chúng ta: Các pháp không thật, thân này không thật, bà con dòng họ không thật, hoàn cảnh không thật, địa vị không thật, tài sản không thật, không có gì thật hết. Đừng bị động bởi những thứ đó thì an trụ trong đại thiền định.

Đối với vọng tưởng, chúng ta bắt đầu từ giai đoạn nhận ra nó không thật, không theo nó, để nó tự lặng và cuối cùng tâm hoàn toàn thanh tịnh, không một chút dấy niệm nào. Tu theo trình tự tăng tiến như vậy nhất định chúng ta cũng sẽ giống như đức Phật, có thể làm chủ mình và triển khai tuệ giác như thật, chứng từ Túc Mạng Minh cho đến Thiên Nhãn Minh và cuối cùng phá tan tất cả những phiền não vọng tưởng tăm tối, chứng được Lậu Tận Minh.

Bởi đầu mối khiến chúng sanh trôi lăn trong sanh tử chính là vô minh. Vô minh là không sáng, tối tăm, do tối tăm nên chúng ta bất giác dấy khởi vọng động, rồi thân làm miệng nói tạo nghiệp luân hồi. Bây giờ biết rõ nguyên nhân khiến cho mình nhiều đời thác đây sanh kia, chịu vô lượng khổ đau thì chúng ta đừng gây tạo những nhân ấy nữa, tức là diệt tận gốc mầm mống khổ đau. Muốn thế phải dùng trí tuệ chặt đứt mọi sự si ám, khiến cho phiền não không còn, trả lại tâm thanh tịnh sẵn có ban đầu của mình. Đức Phật tu tập như vậy nên Ngài chứng được Lậu tận minh. Chúng ta là đệ tử Phật, muốn giác ngộ giải thoát như Ngài thì cũng đi theo con đường ấy thôi.

Tuy nhiên trong nhà thiền không bao giờ nói chứng nói đắc. Bởi tánh giác ấy sẵn có, không do công phu tu tập mà được nên hết phiền não thì tâm Bồ-đề hiển lộ, đó là chuyện đương nhiên, không phải từ đâu đem đến nên không thể nói “được”. Chỉ sống trở lại với tánh giác thì ta an ổn, không trở lại được thì bất an, đau khổ. Thế thôi. Ví dụ người đời thích ăn ngon mặc đẹp, chúng ta tu thì an trú trong pháp lạc, không chú trọng ăn ngon mặc đẹp, miễn no lòng ấm thân là được. Hoặc như người đời lẩn quẩn trong danh văn lợi dưỡng, người tu chúng ta an trú trong đạo tràng, mọi người đều có tánh Phật bình đẳng, ai cũng như ai, không có sự hơn kém quyền cao chức trọng. Chỉ huynh đệ chung sống, người đi trước nhắc nhở cảnh giác kẻ đi sau cùng nhau tu hành. Chừng ấy thôi là đã giải thoát được nhiều rồi.

Nhìn kỹ cuộc đời này, con người bị ràng buộc bởi ngũ dục, danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, chứ có gì đâu. Bây giờ chúng ta tu, tuy chưa phải là thánh nhưng thành quả đầu tiên là ta ở trong đạo tràng, có sự cảnh tỉnh nhắc nhở nhau tu hành. Nhờ thế mà bớt chạy theo sự cám dỗ của ngũ dục nên bớt phiền não. Bớt phiền não thì bớt bị động, tức đã làm chủ dần dần nên được giải thoát từng phần. Chỉ người không chịu tu thôi, chứ chịu tu thì từng bước ta sẽ làm chủ mình cho đến giai đoạn làm chủ hoàn toàn, đó là đi đến mục đích cuối cùng, giải thoát thật sự.

Dù hiện tại chúng ta chưa đạt được các quả vị như Phật, Bồ-tát và các bậc Thánh hiền, nhưng ta không chạy theo các cảnh duyên, không chấp ngã chấp pháp, an trú trong mỗi việc làm của mình, thì cũng không đi ngoài đường tiến tới Lậu tận minh, nhất định sẽ hoàn toàn giải thoát thôi. Nhưng nên nhớ một điều là phải gan dạ tu hành liên tục, không tính thời gian. Lúc nào cũng phấn phát và phấn đấu chiến thắng nội ma cũng như ngoại ma. Nội ma là giặc phiền não bên trong, do tâm tưởng hư ngụy vọng tạo. Ngoại ma là các thứ ngũ dục kéo lôi. Hai thứ này ta chiết phục được gọi là người tự chiến thắng mình, là người có chiến công hiển hách nhất.

Người hành giả ở trong một đạo tràng nào, dù đạo tràng xa xôi trên rừng núi hay giữa phố chợ, mà giữ được lập trường tu hành như vậy, nhất định sẽ có lợi lạc cho bản thân cũng như cho tập thể. Càng có công phu tu hành chừng nào, chúng ta càng thể nghiệm thiết thực và sâu sắc để sống với chính mình. Từ đó mà ta tự lèo lái vận mạng tu hành của mình đến bờ giải thoát. Cho nên nói đến Lậu tận minh là nói đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. Nhiều người cho rằng chỗ này chỉ có Phật mới đến được thôi. Nhưng quả thật tất cả những ai đang nỗ lực  tu hành đều có thể đến được chỗ này, nếu không bị chi phối bởi vọng tưởng và các duyên bên ngoài.

Chúng ta không gây nhân kẹt vướng trong phiền não, trong luân hồi sinh tử tức là đã mở ra một con đường, một chân trời để đi tới chỗ “Lậu tận” phiền não. Dù người tu pháp môn nào của đạo Phật, mục đích cuối cùng cũng phải đi tới chỗ Lậu tận, tức là sạch hết phiền não. Bởi chỉ khi sạch hết phiền não, tâm thuần tịnh mới không còn nhân trong luân hồi sanh tử nữa, chừng đó mới thực sự giải thoát an vui. Cho nên dù công phu tới đâu mà chưa đến chỗ Lậu tận cũng không thể gọi là giải thoát được. Thời đức Phật, ngoại đạo tu hành cũng có thần thông, nhưng họ chỉ thua Phật Lậu tận thông, nên vẫn phải đi trong sanh tử, chưa thể giác ngộ giải thoát như đức Phật.

Sau khi triệt chứng được Tam minh, bản thân đã tự giác ngộ giải thoát xong, đức Phật bước qua giai đoạn giáo hóa chúng sanh. Trong bài pháp đầu tiên, Ngài giảng về Tứ đế thế này: Đây là phiền não khổ đau, đây là nguyên nhân dẫn đến phiền não khổ đau. Đây là sự chấm dứt phiền não khổ đau và đây là con đường đưa đến sự chấm dứt phiền não khổ đau. Như Lai do thân thấy thân chứng một cách rõ ràng như vậy, nên mới chỉ dạy lại cho các ông, chứ không phải do ta tưởng tượng ra mà nói. Tức là bằng tuệ giác của mình, đức Phật thấy biết như vậy nên nói chứ không phải nói theo ai hay nói suông qua sự ức đoán tưởng tượng. Cho nên giáo lý của đức Phật là một con đường sống, rất thực tế, rất cụ thể, chứ không phải là những triết thuyết viển vông.

Trong cuộc sống giả tạm này, đức Phật thấy đầy phiền não đau khổ nên tìm đường vượt thoát. Sau khi trí tuệ phát huy đến mức trùm khắp rồi, Ngài tìm ra được nguyên nhân dẫn đến khổ và phương pháp diệt khổ, để được vĩnh viễn an vui. Đó là nội dung toàn bộ bản kinh Tứ đế do Phật thân chứng mà nói ra. Với tâm thanh tịnh, trí tuệ trùm khắp, đức Phật tìm ra được manh mối của luân hồi sanh tử và tìm ra con đường để chấm dứt sanh tử. Sự thành công vĩ đại đó của Ngài được Ngài nhấn mạnh nó nằm sẵn nơi mỗi chúng hữu tình. Nghĩa là tất cả chúng ta, ai cũng có khả năng giác ngộ như Ngài cả. Đây là chỗ mà chúng ta cần phải quan tâm.

Bởi vì ta tự thấy tuệ giác của mình không bằng Phật, khi tỉnh dường như có, lúc mê lại thấy không. Do đó phiền não kết phược càng che lấp trí tuệ của mình. Đối với đức Thế Tôn, bậc đã hoàn toàn giác ngộ rồi thì những dây mơ rễ má của vô minh điên đảo đều được nhổ tận gốc, nhổ liên tục cho đến khi chúng tiêu tan hết. Đó chính là yếu tố chư Phật thành công trong công phu tu tập của mình. Chúng ta ngược lại, không có niềm tin kiên cố, không nuôi dưỡng được đạo tâm vững chắc, dễ bị chao động và hoài nghi, nên ta luôn thất bại. Đây là điều mà chúng ta cần phải xem xét lại mình cho thật chín chắn.

Chúng ta có chủng Phật tu mới thành Phật. Các vị Thiền sư nói: “Cho thóc người có ruộng, cướp thức ăn của kẻ không có ruộng” là như vậy. Người có ruộng thì mới có chỗ gieo giống, nẩy mầm, lên cây được, nên cho họ thóc để họ gieo trồng. Còn người không có ruộng thì hạt giống biết dùng vào chỗ nào, nên không cho mà còn lấy đi. Lấy đi để cho người có ruộng. Ý này rất rõ ràng. Chúng ta có sẵn mảnh đất tâm rồi, có sẵn hạt giống Phật rồi, Phật tổ mới tạo điều kiện, giúp đỡ hỗ trợ cho ta cách làm cho hạt giống Phật đó phát triển. Còn thiếu chủng Phật, dù các Ngài có giúp cũng không làm gì được. Chính đức Phật đã nói Ngài chỉ độ được người có duyên với mình, không độ được những người thiếu duyên.

Chúng ta học Phật, cùng sinh hoạt trong một đạo tràng là đã có duyên, bây giờ chỉ cần phát huy chủng duyên đó, nhất định sẽ thành công. Phật nói tất cả chúng sanh đều có sẵn tánh giác, không kinh điển nào không nói điều đó. Vậy tại mình không mạnh dạn nhận lại tánh Phật của mình. Hiểu như vậy rồi, chúng ta phấn chấn vui vẻ vì thấy mình có khả năng thành Phật.

Khi sao Mai vừa mọc, đức Phật đã chứng đủ ba minh là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Ngài đứng lên nói thế này: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, tại sao ngu mê để bị trầm luân sanh tử”. Như vậy, không phải ta không có khả năng đạt được Lậu tận minh, nhưng lâu nay phiền não cứ rơi rớt hoài, lậu không tận thì làm sao chứng Lậu tân minh được. Bây giờ muốn phát huy Lậu tận minh thì phải tu tập cho sạch chủng tử phiền não, chỉ thế thôi, không có cách nào khác hơn cả.

Điểm ưu việt của đạo Phật là nói lên tinh thần toàn giác và phần giác, tức sự tự do trong từng pháp tu, từng công phu của mỗi người. Tùy trình độ, tùy công phu mà chúng ta được phần giác hay toàn giác, mỗi người thực hiện tu tập theo khả năng của mình. Đó là niềm vui, sự phấn khởi, độc lập không bị lệ thuộc của người tu Phật. Như nói đến pháp tu thiền là nói đến tự tại, giải thoát. Muốn được tự tại giải thoát phải có đầy đủ trí tuệ. Cho nên kết quả đạt được tùy theo sự nỗ lực của từng người mà có Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.

Chúng ta tu Phật với mục đích duy nhất là thành Phật, chứ không gì khác hơn. Mọi thời khóa, mọi sự học tập, mọi việc làm của  chúng ta đều tập trung vào mục đích này. Hàng tại gia cư sĩ hay hàng xuất gia đều có thể đạt được mục đích cứu kính này, nếu áp dụng được những gì Phật tổ dạy vào đời sống tu học của mình. Bậc đại lực lượng hay đến chỗ bất động này, không bắt buộc ở trong một hình thức cố định nào. Cho nên chúng ta không nên mặc cảm, nghĩ mình là người nghiệp dày phước mỏng gì gì cả. Chỉ sợ ta không dám làm, không dám nhận thôi. Mình phải gan dạ nhận lại kho báu nhà mình, đừng nghĩ chỉ có Phật, Bồ-tát mới được như vậy, còn mình vô phần. Nghĩ như vậy là sai lầm lớn.

Cuối năm chúng tôi xin gởi đến toàn thể huynh đệ lời chúc mừng, mỗi người đều có sẵn Phật tánh, có sẵn đức tướng trí tuệ của Như Lai. Mong tất cả hãy nhận lại và sử dụng được kho báu vô giá đó của mình, chấm dứt kiếp cùng tử nghèo đói lang thang.

[ Quay lại ]