headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 27/11/2024 - Ngày 27 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HẠNH SỐNG MỘT MÌNH

 Hôm nay tôi nói về hạnh người biết sống một mình. Đây là hạnh tu mà người con Phật phải biết qua. Vì đến một lúc nào đó, dù muốn dù không chúng ta cũng phải sống một mình. Cho nên ngay bây giờ tuy đang sống trong cộng đồng, nhưng ta nên chuẩn bị cho mình tinh thần sống một mình.

 

Sống một mình trong nhà Phật có nghĩa là không vướng mắc. Trong tâm không có những ý niệm, những hình bóng của buồn thương giận ghét trong quá khứ, hoặc những ước vọng phiền toái trong tương lai. Ta sống được trong nếp hiện tiền ngay đây là sống tỉnh thức, là biết sống một mình. Phần này Tăng Ni đã được học nhiều qua bản luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ-tát Mã Minh, mà Krishnamurti thường nói “Cái đang là”.

Ở đây muốn “Sống một mình”, theo tôi thứ nhất là làm chủ được đối với tất cả những tưởng niệm về quá khứ và vị lai. Thường đời sống của chúng ta, mỗi một ngày qua là mỗi một sự nếm trải. Nhất là những ai từng trải trong hoàn cảnh cay đắng, đòi hỏi người ấy phải phấn đấu tột cùng để được bình yên sinh tồn. Cho nên quá khứ đối với họ là một chất liệu vừa ngọt ngào vừa cay đắng, rất khó quên được. Đã là vậy mà nhất thời bảo buông đi, thì xin thưa “không dễ gì buông được!”. Những tưởng niệm ấy không có hình ảnh gì cụ thể cả, mà nó có lực còng trói chúng ta rất mạnh. Như vậy ta phải dùng lực gì để phá trừ nó?

 Nói về những phương thức để phá trừ vọng tưởng, Phật dạy có nhiều phương pháp. Nhưng tựu trung, nếu không tỉnh, không có trí tuệ thì không cách gì phá vỡ được. Nghĩa là chúng ta phải tỉnh táo, sáng suốt, có trí tuệ. Chỗ này, nhà thiền nói phải phản quan tự kỷ, mới có thể loại bỏ những thứ hư giả, sống với cái thật của chính mình. Người tu chúng ta nhất định phải dành tất cả thời gian của đời mình để hóa giải, tu tập thế nào cho làm chủ được, đừng để vọng tưởng kéo lôi. Vì nếu không làm chủ được mình, để cho vọng tưởng kéo lôi, thì chẳng những hiện đời ta bị buộc ràng mà nhiều đời còn phải chịu trôi nổi nữa.

Do buộc ràng phát sinh quyến luyến, vì vậy mình sống trong lao xao, không có sự an lạc. Đến khi gần chết ray rứt, khó chịu, không dám buông bỏ nên rất khổ. Dù cho người có sang cả quyền quý chăng nữa, nhưng đối với vọng tưởng không hóa giải được thì khổ vẫn khổ thôi. Đôi khi nhiều tiền của, danh vọng, địa vị chừng nào lại càng bị ràng buộc chừng ấy. Vì vậy Phật dạy hàng xuất gia sống thiểu dục tri túc, tức là ít muốn biết đủ. Nhờ sống đạm bạc nên không có gì để vướng mắc, để giữ gìn, do đó dễ buông bỏ.

Nếu ta không buông được, luôn sống với một tâm trạng ngổn ngang vướng mắc buộc ràng, dù Phật có đưa tay kéo lên Niết-bàn, cũng không thể kéo nổi, Bồ-tát cũng bất lực, thiện hữu tri thức cũng đứng đó mà nhìn thôi. Cho nên, trong bước đầu chúng ta phải ý thức, phải làm chủ được, đề cao cảnh giác những vọng tưởng của mình. Chúng không có hình dạng gì, nhưng xuất hiện bất cứ lúc nào và thường làm cho ta bất an. Đang đi du lịch vui vẻ với bạn bè, nó xuất hiện thì mất hết hứng thú. Đang nằm ngủ bình yên, nó xuất hiện thì ngủ không được nữa, trằn trọc thâu đêm! Đang ăn ngon miệng, nó xuất hiện thì thức ăn biến thành củi mục. Quả thực là tai hại!

Cuộc đời nếu cưu mang những nỗi bất an ấy mãi thì thật là khổ đau! Vì vậy chúng ta cố gắng tu làm sao để hóa giải được mọi thứ phiền não, giữ tâm bình yên. Trong hiện tại chúng ta có làm chủ được, an ổn được thì mới đảm bảo lúc lâm chung thảnh thơi nhẹ nhàng. Còn bây giờ bất ổn, băn khoăn nhìn trước ngó sau giống như tổ Quy Sơn nói “Đường trước mờ mờ chưa biết về đâu!” Đã như vậy dù có niệm tưởng đến Phật, Bồ-tát “Nguyện cho con được an ổn sinh về thế giới của Ngài” cũng vô hiệu.

Vọng tưởng chi phối con người thật kỳ lạ. Có khi đang ngồi ta bật cười, gương mặt tươi lên, hoặc đang nằm nước mắt bỗng chảy ra. Đó là gì? Niệm quá khứ đang hoành hành trong đầu, nó kéo lôi mình đó! Chợt nghĩ đến những kỷ niệm vui trong quá khứ tự nhiên ta thấy vui, gương mặt tươi lên. Rồi có một đoạn thời gian nào đó, có những bi thương trong cuộc đời, ta sực nhớ lại tự nhiên buồn. Nghĩ đến đó tự nhiên mình bị động thôi.

Chỉ có thiền định mới giải thẳng những tâm trạng này. Đây là pháp trực chỉ. Chỉ hành giả dám buông hay không dám buông thôi! Muốn buông được mỗi người chúng ta phải có chủ lực. Buông được thì hiện tại không bị những niệm ràng buộc, quyến luyến của quá khứ kéo lôi. Ngay đối với tất cả những ham muốn hiện thời, ta cũng dừng được. Do đó các tư niệm hối hận cũng không có. Nói thế nghĩa là chúng ta phải có quá trình thực hiện công phu, chớ không nói suông được.

Như vậy ngay trong từng phút giây sống, chúng ta phải có lực khắc tỉnh. Như vậy mới làm chủ được, đánh bạt được tất cả những vọng niệm, cắt đứt tất cả buộc ràng, không để cho những dây mơ rễ má bu bám chung quanh. Người đó mới có thể gọi là:

            Người đứng lên ánh sáng dựng ban ngày,

            Thế giới mười phương chung một hướng.

             Ba đời quy lại sát-na đây.

                                    (Thơ Trúc Thiên)

Nghĩa là, khi ta đánh tan được tất cả những buộc ràng chung quanh rồi thì hiện tiền ánh sáng dựng ban ngày. Quá khứ vị lai cũng ngay trong hiện tại đây thôi. Tất cả mọi thứ thiện ác, thuận nghịch… cũng chung về trong một niệm hiện tiền, an ổn.

Trong cuộc đời chúng ta, những nỗi bất hạnh gian truân chiếm tới sáu bảy mươi phần trăm, còn hạnh phúc an ổn như ý, đối với những người tốt phúc tốt duyên thì được khoảng chừng ba, bốn mươi phần trăm! Thông thường là như vậy. Chứ không ai hoàn toàn hoàn bị. Có người khoảng đời trước hanh thông, rồi sau bất hạnh. Hoặc khoảng đầu bất hạnh hanh thông v.v… Đối trước những hoàn cảnh này, nếu chúng ta không vững niềm tin với luật nhân quả, không tin lời Phật dạy thì sẽ khổ dài dài thôi. Cho nên Phật nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước bốn biển.” Lời dạy này thật thấm thía làm sao!

Sống trong quá khứ đau buồn và tương lai mờ mịt, hoặc luôn ở trạng thái hối tiếc là sống mà thật ra là đã chết. Cuộc sống như thế sẽ khô héo và làm cạn kiệt cả những nguồn sinh lực chung quanh. Người sống được với hiện thực thì lúc nào cũng tươi tắn, nhẹ nhàng, thoải mái, không bị vướng mắc hay cột trói ở đâu cả. Đó là người sống được với hiện tại. Có những trường hợp sự hối hận không cần thiết. Chẳng hạn ta đã cho một người nghèo qua đường hết số tiền trong túi, bây giờ chợt tiếc phải chi để lại vài đồng. Những hối hận như thế thì phải loại hẳn ra. Loại được nó chúng ta sẽ có sức mạnh tinh thần. Như vậy mới vững vàng đi theo hướng trong sáng.

Người không có sức mạnh, cứ ngồi đó mà tơ tưởng hay hối hận vào những chuyện không đâu thì có ích lợi gì. Như ta thường than phiền về sự lui sụt của mình hoài, chỉ càng làm não hại tâm trí mà thôi. Cứ quyết tâm khẳng định sắp tới khắc tỉnh khắc tiến, không để xìu xìu yếu dở như vậy nữa. Đó là người biết dựng lại niềm tin vững mạnh, là người sáng suốt kiên cường, nhờ thế lần lần phục hồi được sức mạnh. Cho nên quan trọng là phải tỉnh.

Tỉnh rồi phải tu phải sửa, không thể đọc đi đọc lại những điều sai trái hoài mà phải tu sửa. Tôi nghĩ rằng không có Phật, Bồ-tát nào chịu nghe những điều lảm nhảm hoài “Con nghiệp dầy phước mỏng”… Nghe một lần hai lần là phát ngán rồi, cứ đốt hương lặp tới lặp lui như vậy hoài, tội nghiệp Phật mệt lắm! Chúng ta phải tự cố gắng. Tu hành là phải tự sửa, nỗ lực và thêm một điều nữa là phải quyết tử. Nghĩa là biết dở thì đừng làm, biết sai thì đừng có nói, biết hậu quả không tốt thì dừng. Được vậy là người biết tu. Không cần phải đến tượng Phật khóc lóc lạy lục gì cả, chỉ mạnh dạn bỏ hết những hành vi sai trái là được. Đó là người có sức mạnh, có lực lượng.

Ngài Thái Hư bình luận về mười tông phái của đạo Phật tại Trung Hoa, đại ý thế này: Những tông phái khác sau thời pháp nạn, muốn gầy dựng lại phải có thời gian, điều kiện thuận lợi. Như tông Tịnh Độ phải có chùa chiền, kinh điển, nghi thức tụng niệm v.v… Nói chung các tông phái khác trong đạo Phật đều phải có những phương tiện như vậy. Nhưng riêng Thiền tông thì không cần. Năm ba vị ở trong rừng trong núi, hang đá có thể tham vấn với nhau được, có thể công phu được. Tham vấn để trao đổi những kinh nghiệm chánh lý, sau đó đùm bọc, thúc liễm nhắc nhở nhau tu hành. Nhờ vậy không lệ thuộc vào hình thức cố định như thế mà đạo Phật đã tồn tại qua mọi thời mọi lúc cho đến ngày nay. Đây là điểm kỳ đặc của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng.

Ngài kết luận: “Chỉ có Thiền tông, không cần những hình thức.” Nói không cần e hơi quá, ta có thể nói là không nặng về hình thức. Cho nên yêu cầu  trong nhà thiền là phải tỉnh. Ở đâu, lúc nào cũng phải tỉnh, kiểm điểm trong lòng mình. Kiểm bên trong thì biết luôn bên ngoài. Chỉ có mình mới biết được mình thôi, chớ không ai biết được mình cả. Ngay Phật, Bồ-tát đứng kế bên cũng không làm sao biết được những ý niệm trong đầu, trong tâm mình. Như vậy chỉ có vững niềm tin, đầy đủ trí tuệ, khẳng tâm tu học mới có thể tu được trong mọi hoàn cảnh, làm chủ lấy mình.

Đã là một tông phái không đặt nặng hình thức, thì ai tu cũng được hết. Có nhiều bà già nói: “Bây giờ tui già rồi! Thầy dạy tui niệm Phật thôi, chớ nói tu Thiền tui tu không nổi”. Thật ra đâu phải khó khăn lắm! Ngay bây giờ ta dám buông, dám bỏ những gì hiện trong trong tâm mình, lúc ăn lúc ngủ lúc làm việc… Có cái gì hiện lên thì bỏ hết, tức là đã tu thiền rồi. Tại sao phải bỏ? Vì nó không thật. Dù có ôm tới đâu, cuối cùng cũng phải buông thôi, vì  bản chất của nó không thật, chợt hiện chợt mất, không nắm bắt được. Những thứ đó phải vất hết thì mới yên được.

Tôi muốn nói thế để tất cả quí vị đối với pháp Thiền có niềm tin mình tu hết, lúc nào hành trì cũng tốt. Có chùa, có tượng Phật tu cũng tốt, mà không thì tự mình làm chủ và buông được những vọng niệm cũng tốt. Như vậy chúng ta mới khắc phục được những điểm dở, tiến theo nhịp bước thanh tịnh giải thoát của các bậc thầy, các vị tiền bối. Buông được những vọng chấp rồi, người đó có thể nói là cắt đứt được muôn duyên, ngay hiện đời tự tại giải thoát.

Bao giờ ta cắt được quá khứ, buông được những tưởng niệm, thì cái hiện tiền sẽ hiện tiền. Tôi nói như thế là hơi thừa. Khi đó hiện tiền. Hiện tiền tức là sáng, là định, là tuệ. Chỉ có người sống được với hiện tiền mới có thể vào định, từ đó trí tuệ viên mãn. Còn lăng xăng dấy niệm, lao theo niệm thì không bao giờ có định tuệ.

Tôi dám khẳng định rằng: Nếu ai còn bị quá khứ và tương lai ràng buộc là người đó chưa tin Tam Bảo, tin nhân quả. Người tin Tam Bảo, tin chắc nhân quả rồi, đối với tương lai mặc nhiên thôi. Có bao giờ người học trò quậy phá, hư hỏng mà có thể thi đỗ đầu, gọi là bảng hổ đề danh không? Không bao giờ có. Luật nhân quả Phật dạy rõ ràng, gây nhân xấu thì lãnh quả xấu, gây nhân tốt thì hưởng quả lành. Ngay hiện tại chúng ta không sống được với nhân tốt thì biết rằng hậu quả sẽ không tốt. Không cần phải tìm hỏi ai, cầu cứu ai, ta tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, với nhân quả đã tạo. Tốt nhất là ngay đây mình tỉnh, đừng gây những nhân xấu. Đừng nói, đừng làm, đừng nghĩ về điều ác thì sợ gì chứ? Đã không có những nhân đó thì cần gì phải cầu khẩn ai giúp đỡ, hóa giải cho mình? Không cần thiết, thưa quý vị.

Người học trò thông minh cặm cụi học hành, ghi chép đàng hoàng, đảm bảo chưa làm bài thi người đó cũng có một khả năng, một kinh nghiệm, một lực dụng đủ làm được bài thi đó. Và làm trong nếp bình tĩnh, tin chắc như vậy. Nếu trong nhà, có con cháu học hành như vậy thì khỏi phải tốn tiền lo lót. Chắc chắn là thi đậu. Giả như không thi nó cũng có khả năng đáng tin cậy.

Cũng thế, chúng ta muốn tu thành Phật, muốn hết khổ, muốn được thanh tịnh giải thoát thì phải… tu thôi. Phải chịu khó tu, chịu khó công phu, trăm giũa ngàn mài mới thành công được. Mỗi ngày ta đều đầu tư vào trí tuệ chân thật của mình thì khỏi phải sợ địa ngục ngạ quỉ làm gì nổi mình. Thiền sư nói đến giờ ăn không chịu ăn là tại vì mình cứ tơ tưởng về ngày qua, về ngày mai. Bây giờ có dưa ăn dưa, có muối ăn muối, có nước tương ăn nước tương mà thiếu nước tương thì ăn nước muối cũng được. Ngay trong hiện tại ta cứ sống như thế, chắc chắn sẽ được an ổn.

Nói tóm lại, người biết sống một mình, sống ở đâu cũng được vì luôn sống trong hiện tại. Không bị vị lai kéo lôi, không mắc mứu trong quá khứ, cứ bình thường ngay trong hiện tại. Đó là Phật hiện tiền. Chúng ta là Phật ngay đây, chứ không đợi lúc nào khác. Đây là lẽ thật, là điều rất quí mà tất cả chúng ta cần phải hạ quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Pháp tu của Bồ-tát như Lục độ, vạn hạnh cũng gồm trong hiện tại. Cảnh giác đối với tất cả những nhân khổ, mình đừng gây tạo, đừng dấy niệm. Hiện tại chúng ta cũng có thể tu theo Bồ-tát hạnh. Nhưng với điều kiện là phải tỉnh, làm sao từng phút giây đừng gây tạo những nhân đưa đến quả khổ.

Người biết sống một mình là người biết viễn ly mọi vọng tưởng điên đảo của mình, chớ không có nghĩa tách rời đoàn thể, tách rời đại chúng. Ngày xưa Phật dạy các thầy Tỳ-kheo phải một mình ra khỏi xóm làng, nghĩa là đừng dính mắc chuyện thị phi của thế gian. Dù đắp y mang bát vào thành khất thực, nhưng tâm vẫn ra khỏi xóm làng, đừng nghe chuyện bên ngoài, tin tức xóm nọ xóm kia. Như vậy mất hết thì giờ, không tu được. Cho nên nói xóm làng tức là những việc rộn ràng, hay dở của thế gian. Những thứ đó không cần thiết phải đem vào trong sự sống của mình. Việc chính vẫn là đang sống một mình trong tỉnh thức.

Khi tâm được bình thường, ta không bị vướng mắc bởi bất cứ một người nào, dù người đó thương hay không thương mình, an nhiên tự tại. Sống được như vậy rồi, không cần phải ngăn rào dậu gì cả, bởi vì ai cũng như ai! Người già người trẻ, người thân người không thân, ta đều bình thường tự tại. Tôi nhắc lại việc duy nhất của mình là không bị quá khứ kéo lôi, không tưởng niệm tương lai mà sống an ổn ngay hiện tại.

Thời gian nhanh lắm, vô thường chụp đến ta không làm sao trở tay kịp. Thế mà cả đời ngược xuôi xóm làng, rộn ràng với việc của những người chung quanh thì thật là đáng tiếc. Nói thế không có nghĩa là ta sống thụ động hoặc thờ ơ với nỗi khổ của mọi người quanh ta. Mình vẫn làm tất cả với niệm bình an, bình thường. Không để mất thì giờ bởi những ồn ào náo nhiệt chung quanh, ta luôn chánh niệm trong mọi thời mọi chỗ, đó là biết sống một mình giữa chốn đông người. Mỗi ngày sống được như vậy là ta đang đi trên đại lộ thênh thang của mười phương Phật.

Khi chúng ta ngồi thiền, lim dim nhìn xuống tưởng như đang sống một mình, nhưng chỉ có người trong cuộc mới biết mình sống như thế nào. Ngồi đó mà tơ tưởng mông lung, hết nghĩ nhớ chuyện này đến tính toan chuyện nọ, hết nói chuyện với người này lại gây gổ với kẻ nọ, trong tâm như một bãi chiến trường. Cho nên Hòa thượng Viện trưởng thường dạy: “Vừa có một niệm dấy lên liền buông”. Các Thiền sư thì nói mạnh hơn là “Chặt”, bất cứ niệm gì đến cũng phải chặt hết. Như vậy mới gọi là ngồi thiền một mình.

Người xưa nói: “Quá khứ đã không còn. Tương lai thì chưa tới. An nhiên sống trong hiện tại, không bị vướng mắc vào tham dục”. Đó là các Ngài mở lối cho chúng ta tiến bước. Thử nghiệm lại rõ ràng như thế, quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Cho nên sống với quá khứ là sống với cái chết, sống với những chiếc xác không hồn. Như thế còn gì là sinh khí, còn gì là sự sống nữa. Hoặc chỉ sống với tương lai thì người này thật là hơi bất bình thường rồi! Vì tương lai đâu có mà sống, e rằng họ đang ở trong một cuộc sống ảo. Hiện tại bình yên tức là đầy đủ cả quá khứ và vị lai.

Chư Phật, Tổ sư hay tất cả các vị Thiện hữu tri thức trong mười phương, bằng kinh nghiệm của mình, các Ngài đã nhắc nhở chúng ta làm sao sống được với hiện tại. Đó là điều quan trọng. Cổ đức nói: “Người sống được với hiện tại thì tham dục mất dạng”. Chữ Tham là ham thích, chữ Dục là mong muốn. Những ham thích, mong muốn của chúng ta chính là tham dục. Nếu mình sống được với hiện tại thì tham dục cũng mất luôn, từ thô cho tới tế. Chúng ta khỏi phải xin Phật: “Cho con hết tham dục”.

“Kẻ trí sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu, mọi hối hận, xa lìa hết mọi tham dục ở đời; cắt đứt tất cả những sợi dây ràng buộc, sai sử”. Đó là hạnh sống một mình. Thế nên người không có trí thì không cách gì sống một mình được. Bởi tâm vọng tưởng của mình là con khỉ. Nó lén lút, đi ngược đi xuôi, đến xóm này xóm nọ. Nếu mình không tỉnh thì nhất định con khỉ ấy sẽ dẫn mình đi thôi.

Ví dụ hồi xưa cái nhà có tới mấy chục cây cột, bây giờ như vậy là quê rồi, nên con khỉ nó xúi mình gỡ cột ra bỏ, cất lại theo kiểu hiện đại cho tươi sáng, sang trọng hơn. Thế là đang yên ổn thì bao nhiêu việc ập tới, chạy vạy đủ kiểu cất cho được cái nhà. Chẳng bao lâu, kiểu nhà này cũng không còn hợp thời, lại phải tháo ra, sửa lại. Đủ thứ lý luận, để sanh ra đủ thứ tất bật, phiền não. Sự tiến bộ của vọng tưởng, chính là lòng tham dục không bao giờ biết dừng của con người.

Chỉ có trí tuệ mới an lạc vĩnh cửu không đổi thay, vậy mà chúng ta lại không quan tâm, không đầu tư triển khai vào chuyện này. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa hề để lại một ngôi chùa nào. Chúng ta là đệ tử Ngài đâu cần phải làm một việc đức Phật chưa hề làm và cũng không muốn mình làm. Để lại một ngôi chùa trăm ngàn năm! Với Phật, không cần đâu.

Điều Phật lo lắng sau khi Ngài đã giác ngộ rồi là làm sao cho tất cả chúng sinh cùng được hết mê, cùng được giác ngộ như Ngài. Chứ còn tất cả những đền đài, cho đến xá lợi của Ngài cũng là pháp hữu vi, sẽ hoại diệt thôi. Cái không hoại diệt chính là trí tuệ nằm sẵn nơi mỗi chúng ta, Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy và nhận lấy cái đó để vĩnh viễn được giác ngộ giải thoát.

Đệ tử Phật phải là người có trí, chứ không thể không trí được, vì Như Lai là bậc giác ngộ, chẳng lẽ Ngài dạy chúng ta si mê. Ý thức sâu sắc điều này, chúng ta nên để tâm vào việc thiền định và khai sáng trí tuệ của mình. Đó mới đích thực là đệ tử Phật. Cho nên ta sống với trí tuệ, với hiện tại thì không còn do dự, hối hận, lìa hết tham dục ở đời, cắt đứt mọi thứ ràng buộc sai sử mình.

Có bài kệ thế này:

            Quán chiếu vào cuộc đời,

            Thấy rõ được vạn pháp.

            Không kẹt vào pháp nào,

            Lìa xa mọi ái nhiễm.

            Sống an lạc như thế,

            Tức là sống một mình.

Bài kệ này tóm kết lại những điều tôi muốn nói về hạnh sống một mình. Người luôn luôn có sự sáng suốt soi rọi vào những hành vi của mình, soi rọi vào cuộc đời là người sống hạnh một mình. Người này phải có trí tuệ mới thấy tất cả những gì lăng xăng, những trần cảnh chung quanh không thật, mới có thể xả bỏ được một cách dễ dàng. Ngay nơi mình thấy thân không thật, tâm vọng tưởng không thật. Người thấy được như vậy là thấy được lẽ thật của các pháp.

Bài pháp đầu tiên Phật thuyết cho năm anh em ngài Kiều Trần Như tại Lộc Uyển là bài pháp Tứ Đế. Tứ Đế tức bốn đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Chữ “Đế” có nghĩa là chắc thực. Đây là bốn điều chắc thật Phật thấy được bằng trí tuệ của Ngài. Thế gian này là khổ tức Khổ đế, nguyên nhân từ đâu mà có khổ là Tập đế. Sau đó Phật giới thiệu niềm vui của người hết khổ là Diệt đế và con đường đưa đến chấm dứt khổ đau là Đạo đế.

Qua bài pháp này năm anh em ngài Kiều Trần Như thấy được lẽ thực. Nghĩa là thấy được tất cả các pháp là khổ, thấy được nguyên nhân từ đâu mà có nỗi khổ đó. Tu tập như thế nào để được Niết-bàn an vui. Thấy được như vậy gọi là Kiến đế. Bây giờ chúng ta cũng vậy, không đợi ở Vườn Nai mà ở bất cứ chỗ nào, pháp hội nào, chúng ta thấy được thực chất của các pháp đều gọi là Kiến đế. Ta thường nghĩ rằng vấn đề Kiến đế là của các bậc Thánh, các vị Bồ-tát, chứ còn mình không mong gì được. Không phải thế. Đối với tất cả các pháp thế gian, ta thấy được lẽ thật, tức là Kiến đế.

Người Kiến đế quyết tâm tu tập theo sự hướng dẫn của Phật thì nhất định sẽ được Niết-bàn. Như vậy Kiến đế có thể chúng ta cũng đạt được phần nào, nếu mình có học Phật hiểu Phật. Nhưng điều quan trọng nhất là mình có chịu tu hay không đây? Điều này ta phải tự vấn thôi, chớ biết làm sao hơn. Có chịu thực hành, thể nghiệm hay không mới là điều đáng nói, chứ còn pháp môn, đường lối… thì ta thông cả rồi.

Thấy được lẽ thực của các pháp rồi chúng ta sẽ không còn kẹt ở một pháp nào, lìa xa ái nhiễm. Sống an lạc như thế tức là sống một mình. Giản dị thế thôi, tại sao ta làm không được!

            Đừng tìm về quá khứ,

            Đừng tưởng tới tương lai.

            Quá khứ đã không còn,

            Tương lai thì chưa tới.

Đừng nghe! Đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng tới tương lai. Bởi vì quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Điều này rõ ràng như vậy, cho nên thực tập đâu phải quá khó, đâu phải vượt tầm hiểu biết của mình. Chỉ tại chúng ta ít thực tập nên không quen, thành ra khó.

            Hãy quán chiếu sự sống

            Trong giờ phút hiện tại.

            Kẻ thức giả an trú,

            Vững chãi và thảnh thơi.

Người quán chiếu vào sự sống trong giờ phút hiện tại là bậc thức giả an trú vững chãi và thảnh thơi. Nghĩa là sống bằng sự tỉnh giác của mình, không bị quá khứ kéo lôi, không bị tương lai chi phối. Muốn được thảnh thơi thì phải sống như vậy, không cách gì khác hơn. Nhiều người nói: “Tôi đã sắp đặt hết rồi! Tất cả tài sản đã giao cho người này người nọ…” nhưng trong lòng lại vướng. Như vậy chưa gọi là giao hết, chỉ giao hình thức bên ngoài thôi, còn những vướng mắc bên trong là còn nắm níu, chưa thảnh thơi.

            Phải tính đến hôm nay,

            Kẻo ngày mai không kịp!

            Cái chết đến bất ngờ,

            Không thể nào mặc cả.

Ngay đây ta phải lo đi, kẻo ngày mai không còn kịp nữa. Cái chết đến bất ngờ không ai mặc cả được. Không thể nói: “Tôi còn một số việc chưa giải quyết xong. Đợi ngày mai ngày kia… tử thần hãy đến”. Có ai hẹn như vậy được không?

            Người nào biết an trú,

            Đêm ngày trong chánh niệm,

            Là biết sống một mình.

Người nào biết an trú trong hiện tại, trong chánh niệm là người biết sống một mình. Khi nghe từ chánh niệm, ta tưởng phải loại bỏ những tà niệm mới đúng. Đó chỉ là nghĩa bên ngoài thôi, nghĩa chính của chánh niệm là không có niệm nào hết. Chánh niệm là vô niệm. Vô niệm tức không bị quá khứ kéo lôi, không mắc mứu tương lai, sống ngay trong hiện tại. Cho nên nói “An trú trong vô niệm” là không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì hết. Người sống được với hiện tại rồi thì làm việc gì cũng có thể tu được! Làm việc nào cũng là việc Phật, cho nên việc nào cũng thanh tịnh giải thoát. Đó là nếp sống mà tất cả người tu chúng ta phải sống được.

Có một anh chàng họa sĩ nọ nghèo hết cỡ. Anh đi tìm sự sống. Trên bước đường bôn ba gầy dựng sự sống, anh được một số vốn liếng kha khá. Hôm đó, nghe tin quý Thầy tổ chức lễ cúng dường, anh nghĩ: “Lâu nay sở dĩ mình nghèo là vì chưa cúng dường. Đây là cơ hội tốt để mình loại bỏ nghèo khó đây”. Nghĩ thế xong, anh dốc hết tất cả tài sản đã có vào lễ cúng dường. Sau khi làm việc đó rồi, anh về nhà trong niềm hoan hỷ.

Về đến nhà, vợ anh hay ra sự việc thì kêu trời: “Trời ơi! Ông đi làm bấy lâu nay, bây giờ về với hai bàn tay không như vậy sao?” Ông vui vẻ nói: “Bà ơi! Tôi làm việc công đức đó là để tạo duyên tốt cho tương lai của mình đó chứ!” Bà nghe vậy nổi sùng la toáng lên. La không chưa hả giận, bà đâm đơn kiện ông luôn. Ông vẫn bình tĩnh khi nghe các quan tòa thẩm vấn, và lặp lại vững vàng những lời đã nói từ trước. Cuối cùng ông kết luận: “Tôi đã cúng dâng số tiền của tôi kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Tôi không chút hối hận về việc cúng dường này. Tôi hiểu rằng sự giàu có thực sự không bằng tiền mà bằng tấm lòng”.

Ông nói lên điều đó giữa mọi người công chúng, quan tòa nể quá khen ngợi hết lời. Mọi người hân hoan giúp đỡ, càng tin cậy và quý trọng ông hơn. Từ đó bà vợ ông chuyển theo, thấy chồng mình tuy không đem tiền về nhưng được mọi người nể nang quý trọng nên bà cũng quý trọng ông. Đó là nhờ ông đã phát huy được lòng tốt, đã tạo nhân tốt nên được quả báo tốt ngay trong hiện đời.

Cho nên người biết tu là người sống lại với tâm của mình. Anh chàng họa sĩ, không phải là Phật tử nhưng biết phát huy tấm lòng tốt, nên đã khuyến hóa được người trong gia đình cũng như mọi người cùng hướng đến con đường tốt. Huống chúng ta là hàng Phật tử tu đạo, sống được với tâm hiện tại chân thật tốt đẹp thì lo gì không có cuộc sống giải thoát an vui.

Nói tới tâm là nói đến sự thấy biết rõ ràng trong từng việc làm, từng sinh hoạt của chúng ta. Điều này thật khó nói, chỉ những ai có tu tập mới thấy được. Thực sự chúng ta đang sống, đang nói, đang nghĩ… là nhờ có tâm mình. Tâm ấy ghi nhận hết tất cả các hiện tượng chung quanh ta và ngay cả bản thân ta là các pháp duyên hợp, không thật. Biết được các pháp không thật, cái biết ấy là chân thật, là tâm ta vậy. Nhưng điều này ai chưa thể nghiệm được thì chưa tin tới.

Khi nào ta dám buông mọi thứ giả tướng bên ngoài thì cái chân thật ấy sẽ hiển lộ, chừng đó ta hết khổ. Chúng ta là đệ tử Phật, cũng hướng theo con đường của Ngài, sống một mình trong vắng lặng để phát sinh trí tuệ như thật. Mong cầu chính đáng duy nhất của mình là thành Phật, độ tất cả chúng sinh. Con Phật thì phải mong cầu như vậy, không thể khác hơn được. Nói “mong cầu thành Phật” là một cách nói thôi, chớ thật ra là dám sống một mình trong hiện tại.

Người dám sống như vậy có thể làm được tất cả những việc của hàng Bồ-tát làm. Người tu phải là người thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Muốn thế tất cả những vọng niệm, ta phải buông hết, sống ngay hiện tiền đây. Đó là nhân chân chánh nhất để thành Phật.

Tóm lại, buổi nói chuyện hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh tới hạnh sống một mình của người con Phật là, không để quá khứ kéo lôi, không để tương lai thúc phược mình, mà luôn sống với niệm an trú trong hiện tại. Chúc quý vị thành công trong cuộc sống hiện tại. Tất cả chúng ta đều sống được trong niệm hiện tại.

[ Quay lại ]