NHỮNG NÉT SIÊU NHIÊN CỦA THIỀN
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 03 Tháng tám 2009 08:42
- Viết bởi nguyen
Lâu nay tôi thường nói tu thiền là sống bình thường, tuy nhiên trong cái bình thường đó lại khác người thế gian. Bình thường của người tu thiền là bình thường trong sự tỉnh thức. Vì thế, cuộc sống bình thường ấy lại mang những nét thần bí và siêu nhiên, lưu xuất từ năng lực thiền định và trí tuệ của một hành giả tu thiền.
Như chúng ta biết, ngày xưa Phật giáo hóa chư Tỳ-kheo tu và chứng Tứ quả Thanh văn, gồm có Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và cao nhất là A-la-hán. Chứng A-la-hán rồi, các Ngài có mười tám phép thần biến như bay lên hư không, trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, hoặc trên thân ra lửa, dưới thân ra nước, đi lại, đứng, nằm, ngồi tự tại giữa hư không… Đó là quả vị và thần thông của các bậc tu Thanh văn. Còn các Thiền sư thì sao, có gì đặc biệt không?
Tu thiền kỵ nhất là nói đến chứng đắc, hà huống bàn về thần thông. Nhưng chỗ lý thú nhất lại là nét siêu nhiên và thần bí của các Thiền sư. Song các Ngài không bao giờ lưu lại dấu vết, vì tất cả đối với Thiền sư đều là như huyễn, không phải chỗ chân thật. Những thứ ấy chẳng qua chỉ là chút diệu dụng lưu xuất từ công phu tu tập mà thôi, nên các Ngài không quan trọng. Nhưng nếu tu thiền mà không biết các năng lực và diệu dụng này thì chưa thể hiểu hết công năng của thiền định là gì? Thật là một thiếu sót đáng tiếc. Vì vậy hôm nay chúng tôi trộm đưa ra vài nét đặc biệt trong nhà thiền để chúng ta cùng chiêm ngưỡng.
Thiền sư thứ nhất tôi nêu lên ở đây là ngài Đặng Ẩn Phong. Đặng Ẩn Phong là học trò của Mã Tổ Đạo Nhất, xem như là con cháu đích tôn của Lục Tổ Huệ Năng. Thiền sư Ẩn Phong không có chỗ ở nhất định, mùa nóng Ngài ở núi Thanh Lương (Ngũ Đài Sơn), mùa lạnh về Hoành Nhạc. Chỗ Thiền sư thường lui tới là núi non kỳ vĩ, nơi ít ai đến được. Đời nhà Đường niên hiệu Nguyên Hòa, có loạn Ngô Nguyên Tế nghịch chiến với triều đình. Ngài đi về Ngũ Đài Sơn, đến Hoài Tây gặp hai bên đang giao chiến chưa phân thắng bại. Ngài tự nhủ trong lòng “Ta nên cứu nạn này”. Nghĩ xong, bèn ném gậy lên hư không, phi thân bay qua. Tướng sĩ hai bên trông thấy, tâm tranh đấu dứt sạch, liền rút quân. Đó là điểm đặc biệt của Thiền sư Đặng Ẩn Phong. Song cũng vì ngại đã dùng phép lạ, sợ mê hoặc lòng người nên Ngài vào Ngũ Đài Sơn thị tịch trong hang Kim Cang.
Có người khi dùng đạo lý giảng dạy, hướng dẫn tu hành họ không nghe, mà còn chống trái lại nữa. Với những trường hợp này nếu không có phương tiện, không có những lực dụng đặc biệt, rất khó hóa độ. Khả năng của chúng ta nhiều lắm chỉ nói hoặc thể hiện đạo lý qua đời sống gương mẫu, còn nói đến những thần dụng phi thường thì chắc rằng ta chưa có được. Vì vậy nhân duyên tiếp cận hóa độ của chúng ta còn hạn chế nhiều lắm.
Tôi nói như vậy để chúng ta nỗ lực tu, thấy được những lợi lạc thiết thực và năng lực phi thường của một con người giác ngộ, chứ không phải chú trọng thần thông. Người thật tu không bao giờ khởi niệm tu để có được những thần bí siêu nhiên làm lạ mắt hoặc mê hoặc người. Bởi chính đức Phật đã dạy, Như Lai không thích dùng thần thông, chỉ dùng đạo thông. Trừ khi gặp những trường hợp đặc biệt lắm, đức Phật mới cho sử dụng thần thông, nhưng chỉ tạm thời thôi, chứ không được dùng thường.
Như ngài Đặng Ẩn Phong vừa sử dụng thần thông, liền biết mình có lỗi, trái với di huấn của đức Thế Tôn, nên vào núi nhập diệt ngay. Song bình nhật có lẽ Ngài hay làm những điều khác thường, nên lúc thị tịch cũng kỳ bí hơn người. Đến hang Kim Cang rồi, Ngài hỏi đại chúng: “Các tăng chư phương khi hóa, ngồi tịch hoặc nằm tịch thì ta thường thấy, còn đứng mà tịch có ai thấy không?”. Đại chúng đáp “Có”. Sư hỏi: “Thế có ai đứng ngược đầu mà tịch chưa?” Trong chúng thưa: “Trường hợp này chưa từng thấy”. Nghe xong Ngài bèn đứng ngược đầu mà tịch, sừng sững ra đó, y phục vẫn ngay ngắn bất động, không ai lay động nổi. Sự việc này khiến cho đại chúng rợp đầu kính nể. Chẳng bao lâu chuyện Ngài lộn ngược mà tịch được đồn đi khắp nơi.
Bấy giờ em gái Ngài là một vị ni tu hành cũng đắc đạo. Nghe tin sư huynh của mình như thế, cô tìm đến hang Kim Cang. Tới nơi, thấy quả thật như lời đồn đại không sai, Cô bèn đến bên Ngài nói: “Lão huynh! Ngày xưa chẳng tuân pháp luật, khi chết lại còn làm hoa mắt thiên hạ nữa”. Nói xong, cô lấy tay lay nhẹ một cái, thân Ngài ngã xuống, nằm ngay ngắn. Bấy giờ toàn chúng mới làm lễ trà tỳ được, thu nhặt rất nhiều xá lợi và an tháp cúng dường.
Trong nhà thiền có những thần lực, diệu dụng siêu nhiên như vậy. Nhưng phải tu đến một mức độ nào đó, chứ như chúng ta thì không có rồi. Chúng ta có duyên được gặp Phật pháp, nếu quyết tâm hành trì đúng chánh pháp thì có lợi lạc, trước nhất là hết khổ. Đây cũng là một loại thần dụng, chứ đừng nghĩ phải như các Thiền sư mới gọi là thần dụng. Sống và làm mọi việc với tâm giải thoát, không ràng buộc, không phiền não là thần thông trong đạo Phật. Lời nói vị ni em gái của Thiền sư Đặng Ẩn Phong đã minh chứng rất rõ điều này. Đối với nhà thiền, những chuyện kỳ bí lạ đời cũng có giá trị y như người sống bình thường nhưng đến được chỗ chân thật giải thoát. Có khác chỉ là khác nhau trên mặt hình thức tùy duyên giáo hóa thôi, chứ không khác nhau trên giá trị tâm chân thật.
Nói thêm về Thiền sư Đặng Ẩn Phong, trong thời gian còn ở pháp hội của Mã Tổ. Một hôm Ngài đẩy xe đất đi tới, Mã Tổ đang ngồi duỗi chân trên đường. Đặng Ẩn Phong thưa:
- Thỉnh thầy rút chân.
Mã Tổ bảo:
- Đã duỗi thì không rút.
Ngài cũng chẳng thua:
- Đã tiến thì không lùi.
Nói xong, Ngài đẩy xe qua cán chân Mã Tổ bị thương. Sau vụ đó, Mã Tổ cầm búa lên pháp đường gọi:
- Vừa rồi ai đẩy xe cán chân lão tăng bị thương, hãy ra đây!
Sư bước ra đưa cổ trước Mã Tổ, Mã Tổ liền dẹp búa. Kể từ đó, Sư được xem là một trong những đệ tử tâm đắc nhất của Mã Tổ.
Thiền sư Đặng Ẩn Phong quả thật có nhiều hành động kỳ đặc từ lúc còn nhỏ, nhưng có thể xem hiệu lệnh “Đã tiến thì không lùi” là tinh thần mạnh mẽ tiêu biểu nhất của Ngài. Chúng ta có thể nắm lấy nguyên tắc này mà tiến đạo. Sở dĩ mình tu hoài vẫn không có kết quả là vì một tiến mà hai ba lùi, còn Ngài đã tiến thì không lùi. Mã Tổ thì “đã duỗi thì không rút”, hai thầy trò quả nhiên tâm đắc với nhau thật trọn vẹn. Vì vậy Ngài đã theo Mã Tổ về phương trượng để nhận chiếc búa có một không hai đó.
Chúng ta thấy một người đưa búa, một người đưa cổ, đây chính là hình ảnh đặc sắc truyền tâm của hai thầy trò vậy. Trong trò đùa gần như bình thường giản dị ấy, nhưng bên trong ẩn chứa đầy đạo lý. Những bài pháp của Thiền sư bao giờ cũng đặc sắc đáo để, chúng ta không thể nào mò tới được. Bởi thầy trò ta không phải là thầy trò của thời ngài Đặng Ẩn Phong. Trường hợp của mình bây giờ khác, chỉ thể hiện đạo lý một cách phù hợp với cuộc sống hiện thời trong sự tỉnh táo sáng suốt, làm chủ được mình là xem như ta đã có công phu đắc lực.
Thiền sư thứ hai là Tôn giả Mục Châu, tức Thiền sư Đạo Minh hay còn gọi là Trần Tôn Túc. Ngài là Thủ tọa của Tổ Hoàng Bá, tức vị kế Hòa thượng đường đầu. Nhận thấy Lâm Tế là nhân vật đặc biệt, xuất cách nhưng ở trong pháp hội Ngài Hoàng Bá mấy năm trời mà không hỏi gì hết. Ngài Trần Tôn Túc thúc:
- Sao không lên hỏi Hòa thượng đạo lý?
Lâm Tế thưa:
- Tôi không biết hỏi gì.
Ngài Trần Tôn Túc bảo:
- Cứ lên hỏi Hòa thượng: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”
Theo sự hướng dẫn đó, ngài Lâm Tế y áo chỉnh tề lên hỏi Tổ Hoàng Bá:
- Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?
Ngài vừa dứt lời liền bị Hoàng Bá cho một gậy. Trở xuống với tâm trạng buồn bã, ngài Tôn Túc bèn an ủi và đốc thúc hỏi nữa. Ba lần lên hỏi ba lần đều bị ăn gậy như vậy, nên Lâm Tế nản muốn thối lui. Ngài Trần Tôn Túc biết Lâm Tế không phải là người thường, mới ngầm thưa nhỏ với Tổ Hoàng Bá tạo cơ duyên cho Lâm Tế ngộ đạo. Vì vậy, khi Lâm Tế lên từ giã đi, tổ Hoàng Bá đã chỉ sang chỗ Đại Ngu và quả nhiên về sau ở chỗ Đại Ngu, Lâm Tế ngộ đạo.
Ở đây tôi muốn nói đến cái nhìn đặc biệt của ngài Trần Tôn Túc. Ngài quả thật có con mắt tinh tường, nếu không phải là bậc trí tuệ hơn người làm sao có được cái nhìn như thế. Ngài còn mẹ già nên sau đó phải về quê ở Mục Châu đan giỏ nuôi mẹ, vì vậy còn được gọi là Tôn giả Mục Châu. Đời sống như vậy mà danh đức của Ngài được tôn xưng khắp nơi trong tùng lâm. Vì vậy tại Mục Châu, thiền giả bốn phương tụ về thưa hỏi Phật pháp rất đông. Trong số đệ tử đó, có một vị rất nổi tiếng là Thiền sư Vân Môn, sau này là Sơ tổ khai sáng ra tông Vân Môn.
Giữa ngài Trần Tôn Túc và ngài Vân Môn cũng có một giai thoại rất đặc biệt. Một hôm ngài Trần Tôn Túc đang đứng ngoài cửa, Vân Môn đến hỏi đạo. Vừa thấy Vân Môn đến Ngài đóng cửa lại, Vân Môn tới gõ cửa, Ngài mới mở cửa ra. Vân Môn vừa hỏi đại ý Phật pháp chưa dứt lời, Ngài đuổi ra rồi đóng cửa một cái rầm. Vân Môn không kịp lấy chân nên cánh cửa kẹp ngang chân luôn, đau quá Ngài thét lên, ngay đó liền ngộ đạo. Chân Ngài bị gãy, về sau phải chịu tật luôn.
Ngài Trần Tôn Túc làm vậy để chi? Có thể nói nhờ thế mà đập tan tất cả vọng niệm của Vân Môn, đuổi thẳng con khỉ ý thức về rừng thì đạo lý mới hiển bày. Bởi còn nuôi dưỡng con khỉ ý thức trong lòng thì nó sẽ dẫn mình đi tạo nghiệp khổ đau, cho nên các tổ ngày xưa sử dụng những phương tiện độc đáo như vậy. Nhờ thế sau này mới đẽo gọt được những thiện hữu tri thức xuất cách trong đời, nối hạt giống Phật, thay nhau tiếp dẫn người sau ra vượt biển mê lên bờ giải thoát.
Vào thời ngài Trần Tôn Túc, Trung Quốc có loạn Hoàng Sào. Khi loạn quân tiến đến Mục Châu máu đổ thành dòng, thấy dân tình khổ sở quá, Ngài lấy chiếc dép to của mình treo ngay cửa thành. Loạn quân tới đó, không hiểu do thần lực gì mà không thể mở được cửa thành. Cuối cùng thủ lãnh Hoàng Sào ra lệnh: “Ở đây chắc có bậc Tôn túc nào đang sống, ta nên để yên thành này”. Nói xong họ rút quân, thế là Mục Châu thoát nạn. Đây là điểm thần kỳ siêu nhiên của Thiền sư Đạo Minh tức Thủ tọa Trần Tôn Túc.
Ngài Đặng Ẩn Phong dùng gậy, Tôn giả Trần Tôn Túc dùng dép, các Ngài không hề đụng tới giáo mác gươm đao mà giặc tự tan. Qua đó đủ minh chứng cho chúng ta thấy được lực dụng của người tu đến chỗ tâm bất động. Bất động trước nhất là đối với ngũ dục thế gian, đối với thị phi luyến ái, đối với những hiện tượng lăng xăng trong cuộc sống. Vì vậy đỉnh cao nhất của hành giả tu thiền là tám gió thổi không động. Từ cái bất động đó tỏa ra một năng lực phi thường. Thế nên chiếc dép của các Ngài treo lên cổng thành thì cổng thành đó không ai động tới được, cây gậy của các Ngài bay lên hư không thì bầu trời ấy bất khả xâm phạm. Các Ngài không cần sự hỗ trợ bên ngoài hay một quyền năng nào cả, thần lực có từ chính tâm bất động của các Ngài. Nó thể hiện qua ánh mắt, lời nói, dáng đi, qua cả những vật dụng như gậy, dép, nón…
Như Tế Điên Hòa thượng chỉ có một cái nón trên đầu thôi mà náo loạn thiên hạ, không ai làm gì được ông Tăng khùng này. Tất cả những gì trên thân hay chung quanh Ngài, đều có thể biến thành lương dược, phương tiện để cứu người. Nhưng thần tăng kiểu Tế Điên ai mà biết được, Ngài không ngồi chễm chệ trên tòa cao lập pháp trường, dựng tông chỉ, uy nghi lẫm liệt như các bậc cao tăng khác. Ngài lang thang đầu đường cuối hẻm, nay ở chợ mai ở quán, tay xách bầu rượu, tay quảy bị với đủ thứ thập vật trong đó. Hóa duyên xong thì đi mất, không lưu lại chút dấu vết.
Trong kinh nói những bậc như thế có thể biến sắt thành vàng, nấu cát thành cơm. Đó là những thần bí siêu nhiên của các Thiền sư mà hạng phàm phu thường như chúng ta không thể lường nổi. Nếu có duyên, sanh nhằm thời các Ngài chúng ta cũng được lợi lạc theo, đó là dễ ngộ đạo với những chiêu thức độ người kỳ đặc. Ngày nay cũng có những vị như vậy, nhưng ta ít gặp. Tuy nhiên, các bậc đạo cao đức trọng thường dùng đức cảm hóa người vẫn là điều đáng quý xưa nay. Chúng ta thấy có trường hợp nhiều người đang say sưa với dục lạc thế gian, đang mệt mỏi với những toan tính lo âu v.v… nhưng khi gặp được các vị Hòa thượng tôn túc, tự nhiên lòng trần nguội lạnh, muốn quay đầu trở về với Tam Bảo. Điều này thời nay thấy cũng khá nhiều.
Ngày xưa tôi có quen với một luật sư có biện tài và hiểu biết Phật pháp lắm. Ông đến làm việc vùng nào, thì quý thầy vùng đó bị ông chặt ngã hết. Chặt ngã về đạo lý chứ không phải chuyện đời, nên ai cũng ngán nhưng mà không ưa, chỉ quý Hòa thượng mới thương và kính nể. Ông kể tôi nghe có một thời gian do hoàn cảnh sao đó, khiến ông nguội lạnh với gia đình, đến mức độ vợ ông phải khóc. Ông không đá động gì đến chuyện nhà hết, chỉ lui tới chùa. Khoảng ba năm như vậy, ông tưởng mình đã dứt nghiệp với gia đình. Nhưng sau đó lại có một nhân duyên khiến ông động tâm. Duyên đó từ mấy đứa nhỏ.
Một hôm cũng như mọi ngày ông đi làm về, ngồi nghỉ ở ghế bố, mấy đứa con nhỏ quây quần chung quanh. Ông để yên cho con quấn quít một chút, không nói gì cả. Đến khi nào ông bảo “Thôi tụi con đi chơi, cho ba nghỉ” thì chúng nó mới giải tán. Hôm đó không hiểu sao ông thấy đứa con gái nhỏ nhất chạy quanh ghế bố, nó nắm lấy tay ông để lên má trìu mến, ông nghe trong lòng rộn lên tình thương con vô kể. Nhưng ngay sau đó ông liền thức tỉnh và tự nhắc mình không nên yếu đuối với những tình cảm buộc ràng. Sau lần đó, ông lâm trọng bệnh phải chạy chữa tận nước ngoài. Và chính ông cũng không ngờ đó là lần ra đi vĩnh viễn của mình trong sự thanh thản yên lành.
Khi quan tài được đưa về Huệ Nghiêm để an táng, mở cửa nắp quan ra chúng tôi thấy rõ ràng, vẫn là con người ấy, vẫn đôi kính trắng ông thường mang, vẫn cái cặp ông thường xách, vẫn bộ đồ màu sậm ông thường mặc, nhưng đôi mắt thì đã khép kín thật bình an. Ông quả thật xứng đáng là một người Phật tử sống trong giáo pháp của đức Phật, nét mặt ra đi của ông đã nói lên được điều đó. Phật giáo Việt Nam chúng ta thời xưa cũng như cận đại đã có nhiều vị cư sĩ tu hành rất đắc lực như Tuệ Trung Thượng Sĩ, vua Trần Thái Tông, cụ Tâm Minh Lê Đình Thám v.v…
Ở đây tôi muốn nói sự tu học này được truyền nối từ các bậc thượng tổ xa xưa đến ngày nay, trải qua nhiều biến thái thăng trầm, tùy hoàn cảnh căn cơ có khác, nhưng cốt lõi vẫn là tâm trong sáng bất động. Tôi nhấn mạnh lại đỉnh cao của người tu chân chánh là bất động đối với ngũ dục thế gian, là người làm chủ được mình. Hòa thượng Viện trưởng nơi đây cũng thế, nói gì thì nói cuối cùng Ngài cũng quay trở về tánh giác, chỉ ra ông chủ của mỗi người cho chúng ta nhận và sống với ông chủ ấy. Đó là mục đích chánh của người tu chúng ta.
Đến vị đặc biệt thứ ba, Thiền sư Phổ Hóa đồng thời với tổ Lâm Tế. Ngài cũng có đời sống rất thất thường, hay đi du hóa khắp nơi. Có khoảng thời gian Ngài ra chợ xin một chiếc áo dài. Nghe thế, người cho áo dài này, kẻ cho áo dài nọ nhưng Ngài không nhận. Tối đó trở về chỗ Lâm Tế, ngài Lâm Tế nói: “Ta nghe ông ra chợ xin áo dài phải không?” Phổ Hóa đáp: “Phải”. Khi đó ngài Lâm Tế mới bảo trong chúng sắm cho Phổ Hóa chiếc quan tài. Bấy giờ Phổ Hóa cười nhận.
Sáng hôm sau Ngài vác quan tài vừa đi vừa nói với mọi người “Ngày mai tôi tịch ở cửa đông”, dân chúng đua nhau tới cửa đông. Khi đó, Ngài nói “Hôm nay tôi chưa tịch, ngày mai sẽ tịch ở cửa tây”. Mọi người lại xô nhau đến cửa tây. Nhưng đến đó cũng không thấy Ngài tịch. Như thế trải qua mấy cửa, người ta bắt đầu chán. Thôi mặc kệ ông Hòa thượng này muốn tịch ở đâu thì tịch, thiên hạ chẳng còn muốn coi nữa. Cuối cùng tại cửa bắc, lúc không còn ai theo coi nữa, Ngài mới để quan tài xuống, giở nắp ra chui vô trong đó nằm đàng hoàng, rồi nhờ người qua đường đậy nắp lại giùm. Mọi người hay tin, kéo nhau đến xem. Họ giở nắp quan tài ra, không thấy Ngài ở đâu cả, chỉ nghe xa xa trong hư không có tiếng chuông ngân vang. Mọi người hướng về đó mà đảnh lễ. Từ ấy danh tiếng Ngài vang khắp và đặc biệt ai nghe đến cũng phát tâm tu hành.
Những nét thần kỳ của các Thiền sư mới nhìn thấy như không có gì đặc biệt, nhưng nếu không phải là Thiền sư thì sẽ không hiểu nổi và không làm nổi như thế. Như ngài Phổ Hóa xin chiếc áo dài mà ngài Lâm Tế gởi cho chiếc áo quan. Như vậy là giữa hai vị có sự cảm thông nhau rồi, còn người thường không hiểu được ý này. Bởi ngài Phổ Hóa thấy cơ duyên giáo hóa đã viên mãn, ngài muốn thị tịch. Nhưng lối tịch của Ngài là một trong những lối thị tịch đặc biệt của các Thiền sư đã chứng đạo. Người ta mở quan tài ra chẳng thấy gì hết, chỉ nghe xa xa có tiếng chuông ngân. Thiền sư ra đi một cách thong dong tự tại như vậy.
Với người tu, tôi nhắc lại là đừng để bị động bởi các pháp thế gian. Giặc giã, đói khát khổ sở, danh vọng, tiền tài, ngũ dụcv.v… không dính dáng gì tới người tu cả. Chúng ta tu như thế nào để làm chủ được mình, đừng bị động bởi những thứ đó là đúng chánh pháp. Thần thông lực dụng có được không phải là điều đáng quan tâm, nhưng nó thể hiện được năng lực của một người đã làm chủ mình, bất động với các pháp thế gian. Cho nên những thần bí siêu nhiên của các Thiền sư không phải ít đâu, nhưng các Ngài không muốn phô trương, sợ mê hoặc lòng người, làm lệch mất tông chỉ tu hành của người sau.
Khi được hỏi tu thiền như thế nào? Chúng ta trả lời thầy tôi dạy đếm hơi thở hoặc ngồi thiền ngày hai ba lần, lần hai ba tiếng hoặc phải tụng sám hối sáu căn v.v… trả lời như vậy là sai rồi. Tất cả hình thức ấy chỉ là phương tiện để chế phục tâm, đừng cho nó điên loạn ngược xuôi thôi, chứ không dính dáng gì đến tâm ta cả. Quan trọng là tâm bất động. Bất động trước mắt là đối với ăn mặc ngủ nghỉ, tiếp cận mọi việc ta làm chủ được, không bị động bởi những thứ đó. Đây chính là thiền. Cho nên thiền không có một phương pháp nào cố định, tùy mỗi vị cảm nhận trong công phu của mình.
Giả như người không ngồi thiền được, nhưng họ có khả năng buông tất cả vọng tưởng, làm chủ được mình, người này vẫn được gọi là hành thiền. Bởi chẳng lẽ người già lạy Phật không được, tụng không nổi, rồi tu không được sao? Cho nên tu thiền rất thực tế, đối với tất cả mọi thứ chung quanh luôn tỉnh giác, đó là tu. Ngồi ở nhà cũng tu, nói chuyện với bạn bè cũng tu, làm bất cứ việc gì cũng tu. Làm sao buông tất cả, không dính dáng, không mắc mứu, không chạy theo ngoại duyên, đó thì người tu thiền.
Đây là bài thơ của một Thiền sư tu trên núi:
Nhà anh bên xóm chợ,
Tôi thì ở núi hoang,
Núi hoang không có vật,
Chợ búa ắt huy hoàng.
Bốn câu thơ này diễn tả rất rõ ràng, nhà anh ở xóm chợ, nhà tôi ở núi hoang, tức Thiền sư nói mình ở chốn núi non xa xôi vắng vẻ. Núi hoang không một vật, còn chợ thì rực rỡ huy hoàng, ngựa xe qua lại, người ra kẻ vào đông đúc, không thiếu gì cả. Đó là hai hình ảnh trái ngược nhau. Tuy nhiên đừng vì thế chúng ta cho rằng ở núi mới tu, ở chợ không tu được.
Có đó, thường ăn uống,
Không ấy, hả miệng suông,
Miệng không bụng trống rỗng,
Trống rỗng lại no lòng.
No lòng cũng rỗng không,
Rỗng no thể đều không.
Bốn câu kế diễn tả ở chợ đầy đủ các thứ, muốn ăn thì có ăn, muốn uống thì có uống, thuận lợi như vậy. Chính đây lại là chỗ không thuận lợi cho người tu hành, vì từ sáng tới chiều cứ ăn không, làm sao tu được. Cho nên ở chợ thuận lợi về vật chất thì bất tiện cho việc tu hành. Tuy nhiên, nếu ở giữa chợ mà ta không chạy theo sự ăn uống, các thứ ngũ dục thì sức làm chủ mới thật sự mạnh mẽ. Cho nên ở đây nói phải làm chủ được mình.
Không ấy hả miệng suông, miệng không bụng trống rỗng, rõ ràng như vậy. Ở núi non không có gì ăn hết, nên hả miệng suông. Hả miệng suông thì trong bụng trống. Hai câu này thật là hay, sáu giác quan của ta tiếp cận với sáu trần, tai nghe, mắt thấy, mũi ngửi… Nếu chúng ta đem các thứ sắc, thinh, hương… vô trong đầy hết là lúc nào cũng ăn. Nếu sáu giác quan luôn tỉnh giác, làm chủ được, tiếp cận với trần cảnh mà không đem vô cái gì hết nên bụng được rỗng rang. Người bụng rỗng lòng không là người không bị buộc ràng, sống tự tại giải thoát rồi, đâu còn mong muốn gì nữa. Vì vậy nói bụng rỗng lại no lòng. Chỗ này thật tiêu sái làm sao !
Cho nên ngài Đạo Giai Phù Dung, một thiền sư nổi tiếng tông Tào Động cũng dạy: Người tu thấy sắc như trồng hoa trên đá, thấy lợi danh như bụi rơi trong mắt. Trồng hoa trên đá thì không dính gì cả. Bụi rơi trong mắt thì xốn xang không ưa, nên các Ngài đối với danh lợi xem như bụi trong mắt. Đó là chỗ hành công phu của các thiền sư.
Hai câu kết nói no lòng cũng rỗng không, rỗng no thể đều không. Người tu không thêm bất cứ một chủng tử nào trong tàng thức của mình, nên kho tàng thức rỗng rang sáng suốt. Người sống được với cái rỗng rang sáng suốt đó luôn thấy no lòng, không thiếu thốn gì hết. Cuối cùng kết lại rỗng no thể đều không, nghĩa là rốt ráo thiền sư phá hết đối đãi hai bên. Sống ở giữa chợ thường ăn uống no lòng, còn ở núi bụng rỗng không, tuy rỗng không mà vẫn no lòng. Tuy nhiên đến chỗ cứu kính, cả hai đói và no đều buông hết, đó mới là thiền.
Như trường hợp chúng ta thuận duyên được ở nơi vắng vẻ, không bị ồn ào náo nhiệt bên ngoài chi phối, lòng lúc nào cũng thanh thản. Vì thế việc hành trì Phật pháp được tăng tiến, chúng ta tu tốt nhờ các duyên thuận lợi. Nhưng nếu hoàn cảnh trái ngược lại ta sống ở phố thị ồn náo, nhiều va chạm, trong lòng không yên. Gặp hoàn cảnh như vậy chúng ta phải quán tất cả đều không thật, đều giả tạm, chúng đã là hư dối thì ta chấp vào đó làm gì cho phiền não, không tu được. Như ngài Trần Tôn Túc, một vị thiền sư danh tiếng lẽ ra phải ở trong pháp hội, hoằng hóa chánh pháp. Nhưng vì còn mẹ già nên Ngài phải về quê đan giỏ, đan hài tạo kế sống để nuôi mẹ. Đó là sống giữa chợ nhưng tâm Ngài vẫn bình yên, vì vậy Ngài đã biến nơi ấy thành đạo tràng.
Chúng ta luôn ghi nhớ như vậy, biết cuộc đời vô thường nay vầy mai khác, thay cũ đổi mới luôn luôn, buồn vui theo nó làm chi, mất thì giờ vô ích. Quan trọng là trong lòng phải làm chủ được mình thì ở đâu cũng thanh tịnh, ở đâu cũng là đạo tràng. Việc tu cần phải tế nhị, sáng suốt sắp đặt cho mình một sinh hoạt thích hợp. Làm sao ta vừa có thể đảm đang việc bổn phận, vừa tu hành đúng theo tâm nguyện của mình. Được vậy, nhất định chúng ta sẽ thành công. Nên nhớ đừng bao giờ đổ thừa cho hoàn cảnh, gốc là ở nơi mình. Ta phải tự quán xuyến việc của mình sao cho trôi tròn là tốt, không ai có thể xen vào đó cả. Mạng sống mong manh, thời gian qua nhanh, không biết mình sống bao lâu, mà ngồi đó tính toán việc nọ việc kia. Cho nên chúng ta phải có một thái độ sáng suốt, dứt khoát.
Thêm một bài kệ nữa:
Người có một quyển kinh,
Không tướng cũng không hình,
Không người hay đọc tụng,
Ai đó hiểu được kinh.
Nếu hay đọc tụng được,
Nhập lý hợp vô sinh,
Chẳng luận đạo Bồ-tát,
Phật cũng chẳng nhọc thành.
Đây là bài kệ tụng kinh. Người có một quyển kinh, không tướng cũng không hình, không người hay đọc tụng, ai đó hiểu được kinh. Kinh mà không tướng không hình, kinh đó là kinh gì? Là tâm kinh. Thành ra tụng sám hối sáu căn, tụng sám hối hồng danh, tụng Lương Hoàng Sám v.v… cũng không bằng tụng kinh tâm của mình. Đó mới là bản kinh tối thượng nhất, kinh trong các kinh. Như vậy chúng ta quỳ sám hối sáu căn để nhớ lại nghiệp thức từ nhiều đời đã tạo, bây giờ sám hối chừa bỏ hết, để trở về với bản kinh tâm của mình. Tụng kinh tâm để lòng rỗng rang sáng suốt, tụng để sống lại tâm thể bất động của mình.
Phật tổ dạy tâm chúng ta trùm khắp sáng suốt, không hình không tướng. Nên nghe tiểu sư Thần Hội nói đó là bản lai diện mục, là Phật tánh của Thần Hội… Lục Tổ liền quở: “Đã bảo không hình không tướng, không tên không tuổi mà ông còn nói thế, thật là môn đồ của bọn tri giải, lấy cỏ che đầu, chẳng dính dáng gì đến cái ấy”. Tất cả chúng ta đều phải nhận và hành trì như vậy mới đúng ý tổ dạy.
Thành ra giữa người tụng được và người không tụng được, không can hệ gì cả. Đừng cho tụng hay, tụng nhiều mới là tụng kinh, phải làm sao tụng được kinh tâm kìa. Lúc nào ta cũng sống với tâm thể của mình, không vướng hình thức này hình thức khác, rỗng rang sáng suốt, mới thật là tụng kinh tâm. Phật nói trí tuệ đức tướng của Như Lai trùm khắp, chứ nó không ở trong cái thân cao một thước mấy, nặng sáu bảy chục ký này đâu. Bây giờ chúng ta tìm lại, sống lại, quay nhận lại tánh Phật đó, sống với nó thì Phật ở trong ta, ta thành Phật ngay hiện đời.
Đời sống thiền tăng của chúng ta dù chưa hoàn toàn tự do tự tại, nhưng so với người thế gian, ta thảnh thơi hơn nhiều. Buổi tối xả thiền ra, mình đi kinh hành dưới hàng dương, có gió mát trăng trong, mặc tình sấn bước, lòng rỗng rang không toan tính chuyện ngày mai, như vậy cũng giải thoát phần nào rồi. Đây chính là diệu dụng khi ta tụng bài kinh tâm.
Nếu hay đọc tụng được,
Nhập lý hợp vô sinh,
Chẳng luận đạo Bồ-tát,
Phật cũng chẳng nhọc thành.
Nếu chúng ta đọc tụng được tâm kinh này thì không nói thành Phật, thành Bồ tát gì cả. Miễn lòng rỗng rang sáng suốt, không thị phi nhân ngã, không mắc mứu hai bên, không ngược xuôi theo dòng đời, đó là chúng ta đã an lạc với Niết-bàn của chính ngay trong hiện tại. Niết-bàn ấy có trong vườn điều, có trong giảng đường này, có mọi nơi trong đạo tràng Thiền viện, ta đi đến đâu cũng sống trong Niết-bàn.
Sống chung trong một pháp hội, ta không giàu của cải vật chất mà giàu đạo tình, huynh đệ thương kính, đùm bọc nhắc nhở nhau tu hành. Mai kia hết duyên, mỗi người đi mỗi ngã nhưng tinh thần ấy vẫn còn bàng bạc khắp chốn ta đi. Đó là vì ta biết mở rộng cái Niết-bàn vô tướng, nên có thể sống với tâm tự tại giải thoát ở khắp nơi. Bạn hữu ngày hôm nay có đủ mặt, ta cũng an nhiên sống trong nếp tự tại giải thoát. Mai kia chia tay, ta cũng an nhiên tự tại sống như thế.
Trong buổi sinh hoạt đạo lý hôm nay, tôi nêu dẫn một vài nét thần kỳ siêu nhiên của các thiền tổ, cùng vài bài kệ sống thực của các Ngài, với mong mỏi làm sao huynh đệ chúng ta noi theo đó, cố gắng tu tập để cuộc sống của mình cũng được như vậy. Thân này mỏng manh, mạng người chóng vánh, chúng ta không có nhiều thời gian để hoang phí, vui đùa cùng năm tháng. Mai kia vô thường đến, khổ khổ nối nhau, chừng đó có tự trách cũng muộn rồi, chi bằng ngay bây giờ để tâm vào việc của mình. Người tu thì phải giải thoát mọi gông cùm trói buộc, sống an nhiên tự tại với tâm thanh tịnh trùm khắp. Được vậy lo gì sanh tử luân hồi nữa, mình làm chủ rồi ai dám kéo lôi!
Cây kiếm trí tuệ tay chẳng rời, đó là khẩu lệnh của hành giả tu thiền. Ngài Huệ Khả cũng nhờ thanh gươm này mà dám chặt tay cầu đạo, cho nên mới được Tổ Đạt Ma truyền tâm pháp yếu. Thành ra cốt lõi của việc tu thiền là phải thể nhập, quay về nhận lại tâm bình thường của mình. Sự an lạc giải thoát nằm ngay trong những cái bình thường giản dị nhất. Mong tất cả huynh đệ chúng ta hiểu, nhận và sống được như vậy.