headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHÁP AN LẠC

 Hôm nay bắt đầu mùa an cư của chư Tăng, trong niềm vui là chư Tăng hòa hợp tác lễ an cư, phát nguyện tu hành đúng theo chánh pháp, chúng tôi tin nhất định sẽ được an lạc. Vì vậy trong buổi nói chuyện này, chúng tôi sẽ nói về những niềm an lạc của người tu.








Không riêng gì hàng xuất gia chúng tôi, mà giới Phật tử tại gia nếu với tâm thành dứt khoát, quyết chí tu tập đúng chánh pháp, nhất định sẽ được niềm an lạc. Từ đó chúng ta phấn khởi, khắc phục những gì còn ngổn ngang trước mắt, để thực sự được an lạc. Bởi trong cuộc đời này những bất an trong lòng chúng ta, những điều không như ý rất nhiều. Là người con Phật, đối với những vấn đề này, chúng ta phải giải quyết như thế nào?

Muốn dứt khổ được vui, chúng ta phải tìm bằng cách nào? Trên đời này có ai muốn khổ đâu, có ai muốn gặp trắc trở, ngổn ngang, oan trái đâu, ai cũng muốn mình được an lạc. Mong muốn thì như thế, nhưng đạt được chẳng có bao nhiêu người. Là con Phật chúng ta phải sống, hành trì như thế nào để hóa giải được tất cả những ngổn ngang ấy. Đó là điều chúng tôi muốn trình bày qua những kinh nghiệm nhỏ nhoi của bản thân mình.

Mỗi vị đều có một thời gian học Phật riêng, nhưng tất cả hãy thử nhìn lại bản thân mình xem đã có được niềm vui nhỏ nào chưa? Nếu chưa thì quả thực là một thiệt thòi lớn lao. Nếu thiếu niềm vui, xem như việc tu của chúng ta không có kết quả, làm sao phấn chấn để thực hiện trọn vẹn con đường Phật đạo được? Con đường Phật đạo rất dài, nhưng chỗ thiết yếu của sự tu hành lại rất dễ. Chỉ vì chúng ta không nắm được nguyên tắc và hay quên nên thành khó, do đó con đường Phật đạo cứ dài thêm mãi. 

Khi tu học chúng ta phải thường kiểm nghiệm công phu của mình. Phần nào còn lệch lạc sai trái thì dứt khoát sửa, phải gan dạ đứng thẳng lưng. Trên có Tam bảo gia trì, dưới có Thầy bạn dìu dắt và bản thân ta phải chân thật thọ nhận những lời giáo huấn ấy, hành trì cho đúng. Khẳng định như vậy thì việc làm của mình nhất định sẽ có kết quả. Tuy nhiên, trong kinh Lăng Già Phật luôn nhắc nhở chúng ta, đạo vốn không có ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ hay chuyển tải lý Đạo. Cho nên nếu mắc kẹt ở ngôn ngữ, sẽ giống như voi to bị sa lầy.

Người muốn thực sự an lạc phải hiểu thế này: “Chân lý cao cả mà đức Phật đã dạy là một lối thoát để chúng ta hết khổ.” Nói lối thoát nghĩa là con người có những bất như ý mới tìm một lối thoát, chứ mọi việc đều hoàn toàn như như ý nguyện hết thì thoát cái gì. Lời của Phật dạy đều nhằm hướng cho chúng ta có một lối thoát nếu hành trì đúng. Từ chỗ hành trì đó, ta hết khổ gọi là thoát khổ.

Chúng ta kiểm lại xem mình thường nắm gì? Trong kinh nói nhiều thứ, nhưng cũng không ngoài hai thứ là ái và tắng. Chữ “Ái” là yêu thích, chữ “Tắng” là ghét, không yêu thích. Những gì vừa lòng thích ý, ta muốn nó thuộc về mình. Những gì không hài lòng thích ý, ta muốn trừ khử nó đi. Với người tu chúng ta, muốn hết khổ được vui thì hai trạng thái tắng và ái phải dẹp. Tu như vậy khỏi tụng kinh gì cả, một niệm ái khởi lên liền chặt đứt. Phải chặt mạnh cho đứt hẳn, chứ đừng lây nhây. Đứt lây nhây nó sẽ lên mầm lên rễ nữa thì không xong. Có thái độ cương quyết thế ấy chắc chắn sẽ hết khổ.

Tắng và ái là hai gọng kềm luôn siết cổ chúng ta từ đời này sang đời khác. Bởi nó mà ta không có được an lạc. Cái gì mình không ưa thì luôn luôn bực bội, muốn tránh, muốn tống khứ đi để đừng đối mặt với nó. Trái lại những gì mình hài lòng thích ý, thì lúc nào cũng tìm cách thu về mình. Chưa được, không an ổn vì cứ khao khát; đã được, cũng không an ổn vì sợ mất, mất rồi càng không an ổn vì tức giận đau buồn. Dở hơn nữa là ta cho cái đó là mình, bỏ quên cái thật của mình đi, bởi vậy nên khổ. Phật nói: “Thương cũng khổ, mà ghét cũng khổ! Chỉ có ai bỏ được thương và ghét thì người đó mới hết khổ thôi.” Đó là một pháp tu.

Ai tu được, chặt đứt được hai thứ tắng ái gọi là người tu thiền. Rất giản dị. Một khi buông được tắng và ái rồi thì khổ đau sẽ mất, mây tan, trời trong, ánh sáng chiếu soi muôn nơi. Bấy giờ tâm của chúng ta an nhiên tự tại đối với tất cả các cảnh duyên. Chỉ người chặt đứt tắng ái mới có tư cách truyền thừa tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật, bởi vì người ấy đã có thể thực hiện Niết-bàn ngay đây cho chính mình.

Những khao khát là động cơ thúc bách chúng sanh tạo nghiệp đi trong luân hồi. Nó không có hình thức bên ngoài, nhưng luôn ngủ ngầm trong tạng phủ, trong huyết quản của mỗi người. Bởi khao khát nên gặp duyên thúc bách phải thực hiện. Ví dụ ta đang đói bụng, vừa thấy bánh mì là bụng cồn cào, tay muốn bốc, miệng muốn nhai, đôi mắt láo liên tìm cách lấy cho được miếng bánh mì ấy. Thế là vì khao khát mà chúng ta tạo nghiệp.

Bây giờ mình biết tu, vậy khi niệm khao khát vừa khởi lên, ta chận đứng, hóa giải làm cho nó tiêu tan đi. Như vậy, không tạo duyên tiếp sức cho tắng và ái. Còn vừa thấy khúc bánh mì trong lúc đói, ta liền nghĩ bao tử của mình đang cần, khúc bánh mì này được làm từ lò bánh ngon đây, bánh mì rất giòn, nếu để vào miệng một chút chắc ngon lắm, thích thú lắm. Cứ nuôi dưỡng dòng vọng tưởng liên tục như vậy thì nhất định ta không dừng được nghiệp. Chúng sinh khổ là vì vậy.

Bây giờ muốn chận đứng, muốn hết khổ chúng ta phải chấm dứt, phải loại bỏ những khao khát, những vọng tưởng. Biết nó là vọng tưởng, buông đi thì được an lạc, hết khổ. Cho nên người tu phải siêng năng canh chừng tâm ý, lúc nào cũng phải cảnh giác. Nhà thiền bảo tất cả vọng tưởng đều không thật, nên cũng không cần lấy hay bỏ. Nhưng bây giờ chúng ta chưa đạt được trình độ tự tại với các pháp, chưa thấy được tận căn gốc tánh không thực của các pháp, nên cần phải loại bỏ vọng tưởng. Nếu không như thế, dù giả nhưng nó vẫn làm ta điêu đứng khổ sở vô cùng.

Những dấy niệm là vọng tưởng, chứ không phải ruột gan hay ngọc ngà châu báu của mình, vậy ta nuôi giữ nó trong lòng để làm gì. Hòa thượng Viện trưởng thường dạy “Buông đi mới an ổn được”. Chúng ta nhớ trong một ngày có nhiều việc, nhưng mỗi lần làm chỉ nên một việc thôi, đừng để chúng xen lẫn tạp loạn thì sẽ không giải quyết được việc nào cả. Trong lúc tiếp khách đừng nấu ăn, trong lúc ăn đừng tiếp khách, như vậy nấu mới ngon, tiếp khách mới tốt. Chứ vừa tiếp khách vừa nấu ăn thì đồ ăn khét hết, mà trong khi tiếp khách bị phân tâm, nên câu chuyện không được thú vị.

Người tu phải như thế, việc nào ra việc nấy. Bởi tu là chúng ta tập làm chủ được những vọng tưởng, những dấy khởi mê lầm, tức là làm chủ mình. Có làm chủ được mới không bị nó dẫn chạy cả ngày với trăm ngàn thứ ngổn ngang. Muốn hết khổ phải tu như vậy. Phật dạy Niết-bàn là hết vọng tưởng, là dứt hẳn tắng ái. Như vậy chúng ta có thể thực hiện được Niết-bàn này trong đời sống hiện tại, không đợi đến khi nhắm mắt mới có. Nó không phải là cảnh giới nào ở trên mây trên núi, cũng không phải là niềm an lạc của riêng ai. Mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được ngay bây giờ.

Thực ra không thể diễn đạt Niết-bàn bằng những ngôn ngữ tầm thường. Bởi ngôn ngữ tầm thường không thể diễn đạt được cái phi thường. Điều này chỉ mỗi người cảm nhận tự trong tâm của mình thôi. Nếu chỉ chuyên một bề nghe nhận Niết-bàn theo sự diễn tả của ngôn ngữ, thì không bao giờ có thể cảm nhận được. Trong kinh A-hàm, đức Phật có kể câu chuyện thế này:

Có con rùa nọ muốn giới thiệu với bạn cá những kỳ thú trên đất liền mà mình vừa biết được. Nó nói thế này:

- Tôi vừa đi tham quan một vòng trên đất liền rất là thích thú.

Cá vừa nghe liền hỏi:

- Chắc anh bơi lội trên đó phải không?

- Không, tôi không bơi lội trên đó.

- Nơi đó có lỏng, có ướt, có mềm giống như dưới đây không?

- Không có.

Vậy thì anh chỉ nói dóc chơi với tôi cho vui thôi, chứ làm gì có đất bằng để mà thích thú!

Con cá không thể nào cảm nhận được sự thích thú của con rùa khi đi trên đất bằng, bởi nó không thể đi trên đất bằng. Do đó nó không tin là có đất bằng và cũng không tin luôn lời của rùa nói. Câu chuyện nói lên điều gì? Niết-bàn không phải là cái mà ngôn ngữ có thể diễn tả được, chỉ ai chứng được thấy được mới biết thôi. Những kẻ không đến được Niết-bàn thì không thể nào cảm nhận được nguồn an lạc đó, dù có nói mấy họ cũng không biết, ngược lại giống như con cá kia, họ sẽ cho Niết-bàn không có thật.

Cho nên nguồn an lạc này phải được thực hiện từ bên trong, chứ không hình thức bên ngoài. Chỗ này, mỗi người tự tu tự nhận tự tâm đắc lấy. Trong nhà thiền các Thiền sư nhận là trực nhận từ tâm mình. Nhân cái giả mà nhận ra cái thật, đó là chân tinh thần của thiền. Chúng ta không nên quên rằng những điều mình có thể nói được là những điều không dính gì tới Niết-bàn. Phật nói vô luợng vô biên pháp môn, mỗi người cảm nhận từ những lời dạy ấy rồi áp dụng vào công phu của mình. Từ đó mới biết được giá trị thật của pháp Phật nói. Nên nhớ bản thân ngôn ngữ là huyễn, không thật, chúng ta nương cái huyễn ấy để xoay lại chính mình, nhận ra cái thật từ nơi mình mới đúng với mục đích của Phật dạy.

Ví dụ Phật nói tất cả chúng ta đều có Tri kiến Phật, thì chúng ta nhớ Tri kiến đó không phải của Phật, không phải Phật ban cho chúng ta, mà cái đó sẵn có nơi mình. Công phu tu hành của mình hằng ngày mới đem đến được sự an lạc chân thật miên viễn, được hay không đều do ta quyết định cả. Ta có được kinh nghiệm của chính bản thân về lời Phật dạy, qua sự hướng dẫn của chư Tăng Ni, mà được an lạc, thì niềm vui đó sẽ đem lại niềm tin và sự phấn chấn cho mình trong việc tu tập nhiều hơn.

Người được an lạc Niết-bàn, không cần phải nói gì cả, sống tự tại thảnh thơi mà vẫn sắp đặt được tất cả mọi việc yên ổn. Tuy nhiên hiện giờ chúng ta ở trong giai đoạn chưa được sự an lạc ấy nên cần phải trau giồi lý thuyết, để từ đó có phương thức tu tập tiến đến Niết-bàn. Mỗi bước tiến ta sẽ trực nhận một cách sâu sắc, thấu đáo về điều này.

Đức Phật đã từng nói: “Ta không có gì để ban cho mọi người. Ta chỉ có kinh nghiệm tu hành trải kiếp số lâu dài, đã hoàn toàn giác ngộ. Nay đem những kinh nghiệm ấy truyền dạy lại, nếu ai thực hành đúng như vậy thì sẽ được an lạc, sẽ được giác ngộ thành Phật như ta không khác.” Lời này đã đánh tan mặc cảm, tự ti của chúng ta, nhờ thế mình mới phấn chấn đứng lên, mạnh mẽ dứt khoát. Cho nên mỗi phút giây tu hành theo con đường Phật đạo là mỗi phút giây an lạc, mỗi phút giây Niết-bàn.

Nhưng chúng ta đang còn nhiều mắc mứu lắm. Ví dụ Phật dạy đơn giản thôi: “Tất cả các con đừng phóng túng.” Không phải Ngài bảo đừng phóng túng là chúng ta hết phóng túng ngay. Khó lắm. Phóng túng là gì? Là những niệm lăng xăng, điên đảo, ngược xuôi của mình. Bây giờ, muốn đừng phóng túng thì ta phải có một quá trình khắc phục bằng cách buông bỏ, đừng lầm chạy ra bên ngoài v.v… Như vậy mình mới thực hiện được lời dạy không phóng túng.

Tôi nhớ câu chuyện về việc phóng túng như thế này. Có một anh chàng nhà nghèo nọ thường phát tâm muốn cúng dường. Sau đó anh gặp duyên tốt được cúng dường cho các Thiên tử. Một hôm có một Thiên tử muốn thử anh, giả làm người thường đến hỏi:

- Anh phát tâm cúng dường, vì cầu cái gì?

Anh nói:

- Tôi chỉ muốn hết khổ thôi.

Sau một thời gian nhận của cúng dường ấy, các Thiên tử thấy tâm anh đã thuần rồi, mới trao cho anh một cái bình và nói:

Đây là bình như ý rất quý báu, do công đức cúng dường của anh mà được. Có bình này rồi anh muốn gì được nấy.

Anh chàng mừng quá. Sau khi nhận cái bình rồi, điều mong ước trước nhất của anh là có được một ngôi nhà to lớn sang trọng, đầy đủ tiện nghi và tất cả ngọc ngà châu báu quý giá trên thế gian này. Anh vừa muốn liền được. Như ý về chỗ ở và tài sản rồi, anh bước sang muốn làm sao trong nhà có người hầu kẻ hạ trung thành đẹp đẽ. Vừa ước liền được. Tóm lại, nhất nhất chuyện gì anh muốn đều được như ý. Sau khi thụ hưởng một thời gian, anh muốn làng nước đều biết được tiếng tăm lừng lẫy của mình. Vì vậy một hôm anh mời hết làng nước bà con lại, tổ chức tiệc tùng linh đình, đãi đằng một cách thoải mái. Vì có cái bình cung cấp hết, đâu phải mua sắm gì.

Bấy giờ, những vị khách mới hỏi:

- Thưa Ngài! Do đâu Ngài được vinh hiển như hôm nay?

Bấy giờ được mọi người tán tụng kính nể hết lời, anh chàng khởi niệm kiêu căng, nên không còn giữ ý tứ gì nữa liền nói:

- Ta có cái bình như ý của chư Thiên cho. Cái bình đã cung cấp tất cả, trên đời này không còn ai bằng ta.

Khách nói:

- Vậy Ngài có thể cho chúng tôi chiêm ngưỡng cái bình ấy được chăng?

Đang say sưa trong cơn tự mãn tự đắc, anh vào trong đem cái bình ra, nhảy múa quay cuồng trước cử tọa, chẳng may vấp phải vật gì đó trượt chân té nhào, cái bình rớt xuống vỡ tan nát. Thế là bao nhiêu nhà cửa ngọc ngà châu báu, người hầu kẻ hạ thoáng chốc biến đâu mất hết, chỉ còn hiện nguyên hình một gã nghèo cùng xác xơ quỳ mọp bên đóng miểng vụn, khóc nức nở.

Tâm niệm kiêu căng, phóng túng của anh chàng nghèo nọ đã kết thúc câu chuyện này một cách thật đau lòng. Chúng ta coi chừng, cũng có thể mình là gã cùng tử kiêu mạn ấy. Đang hưởng an lạc, ta muốn chứng tỏ cho mọi người biết mình rất an lạc, tức là khởi tâm kiêu mạn. Chính tâm này sẽ đốt tan mọi công đức, mọi sự an lạc của chúng ta trong tích tắc. Đó chính là tai hại của một tâm buông lung, phóng túng. Cho nên trong lúc tu hành, dù có được chút niềm vui, chút an lạc tuyệt đối không lấy đó làm tự hào, được ít cho là đủ, kiêu căng tự mãn thì hiểm họa sẽ kề một bên.

Tâm nguyện của người tu chúng ta là giải quyết sự khổ đau ngay trong hiện tại đây! Phật dạy: “Pháp giải thoát cao cả nhất, đó là giải thoát những tâm kiêu mạn.” Câu chuyện trên cho chúng ta thấy anh chàng nhà nghèo được cái bình như ý liền khởi tâm kiêu mạn nên mất tất cả. Ở đây người Phật tử không nên kiêu mạn thì công phu tu mới không bị chướng ngại, công đức không mất, Phật đạo mới hy vọng thành tựu.

Một khi vọng tưởng dấy khởi, ta không làm chủ được, không dừng được thì… bể hết công phu. Vì vậy có câu một niệm sân, hay một niệm tham, một niệm si khởi lên, thì tất cả công đức đều tiêu tan hết. Ví dụ người đi chùa lâu năm thường nghĩ thế này: “Mình là người đi chùa lâu, từng tụng cả trăm bộ kinh, từng cúng dường Tăng Ni nên ai cũng vị nể, cả thánh thần cũng phải ủng hộ nữa”. Đã nghĩ như vậy rồi, gặp việc gì bất như ý liền nổi sân đùng đùng, xem trời đất bằng cái vung, mặc sức múa may nói năng cuồng loạn, chẳng sợ quả báo tội phước gì cả. Người này nếu không chuyển được nghiệp, sau khi nhắm mắt nhất định rơi vào địa ngục nhanh như tên bắn. Chỗ này là chỗ thâm yếu, người tu hành phải lưu tâm.

Phật cũng dẫn một câu chuyện về vị vua ham mê ngũ dục, chẳng lo chuyện chính sự. Khi có ngoại bang xâm lấn, binh mã không được huấn luyện, kho đụn đã cạn sạch vì sự ăn chơi phung phí, cuối cùng nhà vua mất nước. Qua câu chuyện Phật khuyên nhắc các thầy Tỳ-kheo không nên buông lung, phóng ý mặc tình theo ngũ dục, mà phải siêng năng tu sửa, gìn giữ tâm ý trong sạch. Khi có giặc phiền não đến mới có thể đối đầu và chiến thắng nó được. Nếu không, sẽ như ông vua kia mất hết đất nước và mất luôn mạng mình nữa.

Nếu chúng ta không có công huân tu tập liên tục hằng ngày, bỏ hết chuyện thương ghét qua một bên, tập trung tâm lực vào việc thiền định để phát sinh trí tuệ, như vậy mới có được sự an lạc. Phật dạy: “Tất cả những người tu trong từng phút giây, đừng để vọng tưởng điên đảo dẫn đi. Đừng để si mê tắng ái ngự trị trong tâm thì giặc phiền não không làm gì được”. Ý này cũng không ngoài ba chữ “Đừng buông lung”.

Trong Phật giáo có hai hệ tư tưởng. Một là hệ Nguyên Thủy, hệ này quan niệm Niết-bàn là sự chấm dứt dục vọng, sự dứt bỏ, sự thoát khỏi nó. Đừng tắng, đừng ái, đừng vọng tưởng cũng là một trong những phương pháp tu tập của hệ này. Quý Phật tử ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật… làm sao đối với các dục vọng dứt hẳn, loại trừ nó ra khỏi cuộc sống của mình thì quý vị có an lạc, có Niết-bàn.

Vừa ngồi yên, có những dấy khởi bên, liền quở “Dục vọng, buông!” Giống như mình không muốn tiếp khách, mời người khách ra. Mời bằng cách nào tùy mỗi người miễn mình đừng mắc mứu, đừng bị động, đừng mất thì giờ bởi người khách đó là được rồi. Thành ra hệ Nguyên thủy dạy tu cũng gần gũi với thiền tông, vì đó cũng là một pháp thiền. Tu như thế cũng dễ thực hiện, không khó. Nhiều người nghe nói tu phải có thời khóa một ngày một đêm sáu thời tụng kinh, sám hối v.v… mới được Niết-bàn thì sợ làm không nổi nên không dám tu. Hiểu như vậy là sai lầm.

Mình là người đủ sự sáng suốt, đủ lực giải quyết tất cả những sự kiện chung quanh trên bước tu tập, nếu ta nắm vững nguyên tắc. Nói như vậy để Phật tử không bi quan, vì có vị nghĩ rằng: Pháp Phật dạy có lẽ chỉ quý Thầy mới có điều kiện thuận lợi tu, còn chúng con tu không được. Không phải vậy, pháp Phật vốn bình đẳng, ai cũng có thể tu được cả, nếu có sự quyết tâm và lòng tin kiên cố. Mình không phải là người bất lực! Bởi tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành kia mà.

Thật ra cảnh duyên bên ngoài không cố ý làm rối rắm mình, tự chúng ta chạy theo nó rồi mắc kẹt với nó thành ra rối rắm thôi. Có thấy bao giờ danh vọng, tiền tài trong tủ sách nhảy ra trước mặt mình nói “Tôi ra đây để quậy ông”? Không có. Tự mình đi kiếm đi lượm từng đồng, từng cắc mang về cất trong tủ, rồi khóa lại năm ba lớp, rõ ràng tự mình mắc mứu. Các pháp vốn bất động, nó không hại ai cả. Biết như vậy rồi chúng ta sẽ thấy phấn khởi, sẽ buông nó dễ dàng. Qua hệ Nguyên thủy chúng ta thấy có thể thực hiện được Niết-bàn ngay trong đời này. Các pháp tự bất đôïng, tự nó không có tác dụng gì, nếu tâm vắng lặng, trong sạch thì các pháp không hề vướng bận ta.

Phật dạy: “Các thầy Tỳ-kheo! Thế nào là cái tuyệt đối không bị giới hạn? Đấy là, này các thầy Tỳ-kheo, sự diệt tắt của ham muốn, sự diệt tắt của hận thù, sự diệt tắt của vọng tưởng. Đó là cái tuyệt đối không bị giới hạn.” Phật nói cái tuyệt đối đây là gì? Tức làø cái Niết-bàn hằng hữu nơi mỗi chúng ta đó. Chúng ta đã có cái tuyệt đối này rồi, nhưng với những điều kiện phải diệt tắt ham muốn thì nó mới xuất hiện. Rõ ràng như vậy.

Bây giờ, với những vọng tưởng chúng ta cắt đứt chưa? Nếu chưa cắt đứt thì phải cắt đứt. Nếu cắt đứt được rồi thì chúng ta sống được với cái tuyệt đối ấy. Cho nên Niết-bàn còn được hiểu là sự an lạc tuyệt đối. Cái tuyệt đối này không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được, chỉ có công phu tu hành chúng ta tự chứng tự biết thôi. Công phu đó là gì? Là buông bỏ tất cả vọng tưởng vậy. Đây là cách tốt nhất, nhanh nhất để đạt được sự an vui tuyệt đối.

Dù cho chúng ta có nghiên cứu vô lượng kinh điển của mười phương chư Phật, cũng không tìm được Niết-bàn khi chưa tắt hết những ham muốn, dục vọng, hận thù… trong lòng. Trái lại, ngay đây nếu mỗi người tắt được những ham muốn, dứt sạch mọi hận thù, dừng hết tất cả loạn tưởng điên đảo thì cái hằng hữu vĩnh cửu ấy, gọi là Niết-bàn hay bản tâm thanh tịnh, bản lai diện mục… của chúng ta hiện tiền.

Trong nhà thiền, các Thiền sư thường nói: Hãy nhận lại bản tâm của mình hay hãy sống lại với bản tâm của mình hoặc hãy sống lại với ông chủ của mình. Làm sao để sống lại với cái đó?” Ví như ta muốn tìm người nào đó ở xóm đông xóm tây, thì ít ra cũng phải biết số nhà người đó, phải có hình ảnh người đó cao thấp, tuổi tác ra sao… thì gặp mới nhận ra được. Chứ không biết gì cả làm sao nhận được. Thế thì Phật tổ dạy, cái tâm chân thật ấy nằm nơi sáu căn của chúng ta. Nơi thấy, nơi nghe, nơi ngửi, nơi nếm, nơi xúc chạm, nơi nhận biết mà ta không bị kẹt, không dính mắc, không bị động là nhận được ông chủ của mình.

Đạo Phật thường dạy tu là hết khổ, tu là được giải thoát. Giải thoát là mở ra, muốn thế phải biết chỗ cột mới mở được. Sáu căn là chỗ cột thì cũng ngay nơi sáu căn mà mở. Nên kinh Lăng Nghiêm Phật dạy, sáu căn là nhân chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử, mà sáu căn cũng là nhân dẫn đến giác ngộ giải thoát. Người con Phật chúng ta ý thức hơn ai hết, những niệm kiêu mạn, tham, sân, si là nguyên nhân làm cho mình khổ, thì bây giờ loại bỏ hết, tức khắc được giải thoát hiện tiền! Điều này ai cũng có thể thực hiện được cả. Nên nhớ mục đích tối hậu của chúng ta là giải thoát, là chấm dứt khổ đau sinh tử, là Niết-bàn.

Thứ hai là Niết-bàn của hệ Đại thừa. Theo tinh thần Đại thừa cũng là tinh thần của Thiền tông, Niết-bàn là không sanh tử, chính là tâm chân thật bất sanh bất diệt, không hình không tướng của chúng ta. Dưới cái nhìn của đạo Phật, tất cả pháp có hình có tướng đều sanh diệt nên không thật. Chỉ có Niết-bàn là bất sanh bất diệt. Bấy giờ Niết-bàn với sanh tử không hai, vì đều nằm trong một thể chân như. Thế thì ngay trong sanh tử đã có Niết-bàn. Không tham là Niết-bàn, không sân là Niết-bàn, không si là Niết-bànv.v… Gom hết lại, ta có được cái Niết-bàn không hai, cho nên nói Niết-bàn không khác với sanh tử. Cho nên có thể nói gọn lại, theo tinh thần Đại thừa Niết-bàn là chân lý, nó là tuyệt đối.

Niết-bàn ở ngay trong sanh tử, như trở bàn tay thôi. Thế thì không đợi người xuất gia mới được Niết-bàn, mà tất cả những ai không bị tham sân phiền não kéo lôi, người đó có Niết-bàn ngay trong hiện đời. Đó là Niết-bàn chân thật, mà mọi người đều có thể thực hiện được. Tu như vậy mới không uổng một đời tu hành. Thực hiện được điều đó, chúng ta mới không hỗ là người con Phật.

Vì vậy chúng ta không nên mặc cảm, sợ sệt, lo lắng không tu được hoặc đường đạo còn diệu vợi lắm, không có phần mình đâu. Tất cả những ý niệm ấy hãy buông hết đi, vui vẻ nhận ngay đây: Mình là con người đủ tư cách xứng đáng nhận cái Niết-bàn, cái chân lý, cái tuyệt đối, hiện thực ngay trong sanh tử này. Chính nơi sanh tử mà mình không có sanh tử. Đó là thể nhập Niết-bàn, thể nhập chân lý tuyệt đối.

Hy vọng với giáo pháp vi diệu của đức Phật, chúng ta từng bước áp dụng tu tập sẽ được an lạc, từ đó mỗi ngày công phu mỗi phấn chấn hơn lên. Xin tất cả nhớ cho một điều, có tu là có tiến, dù tiến chậm vẫn tiến. Chỉ sợ chúng ta không chịu tu thôi, chứ đừng sợ không tu được. Vì nhân Phật đã có sẵn trong ta rồi, chỉ cần nước trí thấm nhuần thì hạt giống Phật sẽ nẩy mầm đâm chồi. Và nếu như hạt giống ấy tiếp tục được chăm sóc vun quén chu đáo, nhất định nó sẽ đơm bông kết trái. Nguồn an lạc vô tận ấy mỗi người tự thưởng thức.

Cuối cùng chúng tôi xin chúc tất cả được an lạc trong chánh pháp.

[ Quay lại ]