headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

SỐNG CHẾT VÔ THƯỜNG

Trong cuộc sống, vấn đề sống chết là vấn đề đáng lo sợ nhất của con người. Nhiều vị mới thấy đó rồi chết đó. Khi sống bất an, lúc chết hoảng loạn, không chuẩn bị được gì cả. Ai rồi cũng phải đi chung con đường này, không thể tránh đâu cho khỏi. Vậy thì đối với vấn đề sống chết, chúng ta phải làm sao đây?

Khoảng tháng bảy năm ngoái, có nhân duyên tôi về quê. Đứng trước nhà của người chị vừa mất, tôi cảm khái được dòng sinh diệt vô thường, thật là vừa lạnh lùng vừa mãnh liệt. Mới hôm nào hai chị em còn nhỏ, chị nắm tay tôi đến trường, khuyên dỗ học hành. Chị kể cho tôi nghe về các ngôi chùa, những ngày rằm cúng lễ, thầy trụ trì ở đó như thế nào… Thoáng chốc chị có gia đình, về đâu tôi cũng không biết. Bẵng đi thời gian gần 40 năm, tôi trở lại thăm quê nhà thì chị đã mất. Ngôi nhà tranh của chị vẫn còn đây, mấy đứa cháu nghèo khổ vẫn còn đó, chỉ tất cả cảnh vật chung quanh đã thay đổi. Có những sự thay đổi đi lên, cũng có những sự thay đổi đi xuống. Điều này tùy thuộc vào phúc duyên của mỗi người. Vì vậy, chúng ta muốn gầy dựng cho mình một tương lai sáng sủa thì phải biết lo tu tạo nhân tốt đẹp. Nhân nào quả nấy, đó là định luật muôn đời.

Chuyện tu hành của chúng ta cũng vậy. Sự đổi thay diễn tiến không chỉ hằng ngày mà là từng phút giây. Ai không kịp thời thích ứng với sự thay đổi ấy thì bị định luật vô thường nghiền nát, không gầy dựng lại nổi. Trong tổ chức sinh hoạt tu học của chúng ta cũng thế, nếu không tiến hóa, không thay đổi thì sẽ bị vô thường cướp đi tuổi thanh xuân quý báu, cướp cả sự nghiệp tu hành. Như một loạt trên năm mươi vị thiền sinh phát tâm tu học, có người tiến bộ, có người cứ nằm ỳ một chỗ, có người thối lui. Từ thời làm tịnh nhân tập sự tới khi được xuất gia, thọ giới, tiến liêu làm thiền sinh trong thiền viện, phải qua một quá trình thay đổi. Nếu vị nào không khéo sẽ không theo kịp chúng tăng, sẽ bị thời gian nghiền nát và tu hành chẳng ra gì hết. Đó là vì họ dể duôi, quên lãng, buông lung, không tích cực tu học, cuối cùng thời gian cướp đi tất cả.

Tu hành không tiến, cứ nằm ỳ ra đó thì đồng nghĩa với thối lui rồi. Đây là một tệ tình mà chúng ta cần phải tránh, đừng để phạm phải. Năm rồi mình còn sức khỏe, dáng dấp phong độ, việc tu có thể tiến được đôi chút. Năm này bệnh hoạn, sức khỏe không tốt nữa, nhất định chuyện tu hành bị sa sút. Nếu không vươn lên, không thích ứng kịp thời, mình sẽ bị mất trắng đời tu. Nên biết việc tu hành nếu không tranh thủ, cứ dần dà qua ngày thì thật là một điều đáng lo sợ.

Mới đây, cụ Đạo Tấn buổi sáng còn đứng quét sân, 9 giờ ra đi. Có người bảo sao đi mau vậy? Mau gì! 80 năm rồi, còn ít chi nữa. Tuy nhiên, có một điều chúng ta không yên trong lòng, đó là không ai có thể sắp đặt được đời mình. 80 năm, 50 năm, 30 năm hoặc có người chỉ trong thời gian thật ngắn đã ra đi. Với người chuẩn bị được, sắp đặt được thì vấn đề sống chết không có gì đáng nói. Nhưng chúng ta chưa sắp đặt được, chưa chủ động được thì sống chết vẫn là con đường tăm tối ở phía trước, không biết rồi sẽ ra sao?

Phật đã dạy rõ đường đi nước bước của mình, chúng ta có thể quyết định được. Chỉ vì chúng ta không chịu quyết mà thôi. Hòa thượng Ân sư đã dạy: “Nếu bây giờ chúng ta làm chủ được tất cả dấy niệm, không bị nó kéo đi, đó là dấu hiệu tốt báo cho chúng ta biết con đường phía trước sáng sủa. Nếu cứ lao theo những dấy niệm, không làm chủ được, thì con đường phía trước sẽ là bóng tối dài vô tận, không biết kéo lôi ta về đâu? Nên nhớ năng lực của nghiệp thật đáng kinh sợ, nó đưa mình đến chỗ tăm tối rồi thì khó vượt qua được.

Nhiều Phật tử trước khi đến đạo tràng đã chuẩn bị bao nhiêu lần, định kỳ này ở lại thiền viện tu một tháng. Nhưng mới một tuần, điện thoại báo ở nhà có việc phải về gấp. Anh chạy vô thưa:

- Bây giờ người ta phóng đường, họ bồi hoàn nhà cửa. Bà nhà không giải quyết được, kêu con về gấp.

Tôi bảo:

- Anh tính đi tu thì ở chùa cho rồi, còn chuyện phóng đường dời nhà để cô bạn lo đi.

- Không được thầy ơi, ở đây con bị động còn hơn là về. Khi chưa nghe điện thoại thì bình yên, theo thầy được. Bây giờ nghe điện thoại rồi, trong lòng không yên nữa, làm sao mà tu cho được. Thầy cho con về ba bữa thôi, con sẽ trở lên.

Tôi cười:

- Nói gì ba bữa, nếu ba bữa mà người ta chưa bồi hoàn thì anh tính sao đây?

- Dạ xin thầy ở lại tiếp.

- Vậy thôi, đạo hữu về lo việc đi, chừng nào xong thì lên.

Việc bồi hoàn đâu phải một ngày một bữa. Thật vậy, hai tháng trời chưa được gì, thế là anh điện thoại ra xin lỗi tôi. Rõ ràng vị này đã ký hợp đồng với “Công ty Vô thường”. Chỉ vì một niệm khởi lên là bị trôi dạt, không biết tới bao giờ. Chúng ta nên biết niệm niệm nối nhau tạo ra năng lực, nó có sức lôi cuốn rất mạnh. Nghiệp lực cũng từ đó mà ra, người tu nếu không dè dặt cẩn thận dòng năng lực này, sẽ bị nó hút đi không kiềm lại nổi.

Quí vị còn nhỏ chưa dính dáng nhiều đến các duyên nghiệp nên tâm hồn còn nhẹ nhàng. Các vị có tuổi, có gia đình thì bị không biết bao nhiêu duyên nghiệp lôi kéo quay cuồng. Chư Tổ dạy chúng ta dùng cây kiếm Bát-nhã chặt đứt nó, mà chặt mãi vẫn còn nguyên. Bởi vì đứt cái này, nó ra cái khác, cứ tiếp nối mãi.

Hòa thượng Ân sư dạy phải dẹp sạch ba nghiệp tham, sân, si. Chúng ta cũng hứa nguyện cố gắng hết sức mình. Tuy nhiên, dẹp tham, sân còn có thể thực hiện một cách tương đối, chứ si mê điên đảo thì vô cùng vô tận. Học kinh Đại thừa, chúng ta thấy chừng nào hoàn thành Phật đạo mới rũ sạch hết si mê điên đảo. Đến các vị thượng thủ Bồ-tát vẫn còn một chút lưu hoặc để đi vào đời độ chúng sinh. Chừng nào trong sạch hoàn toàn mới hết si mê, viên thành Phật đạo.

Trong kinh nói tu ba vô số kiếp mới thành Phật. Mỗi vô số kiếp có bao nhiêu thời gian mình không biết, đủ thấy việc tu hành cần phải kiên gan bền chí đến thế nào. Nội bệnh tật của chúng ta đã mất hết hai phần ba vô số kiếp thứ nhất rồi. Thân này thiệt chướng ngại, không khi nào nó để mình yên. Hết nhức đầu đến nhức răng, rồi đau bụng, đau chân, ăn không được, ngủ không được v.v... Cứ loay hoay luẩn quẩn với bệnh tật. Có người sống không được một tháng bình yên, mạnh khỏe. Nói thân của mình mà quả thật chúng ta có làm chủ được đâu. Đó là chưa kể đến chướng ngại của tâm. Vọng tưởng điên đảo làm cho tâm phiền não bất an, khiến chúng ta cứ sống trong tăm tối u mê, tạo nghiệp không cùng, chuốc quả cũng không tận. Thật là chúng sinh sống trong thống khổ triền miên.

Có những tháng tôi thấy khỏe mạnh, không có bệnh gì. Đi thọ trai vui vẻ, nói chuyện với đại chúng vui vẻ, lên lớp dạy học vui vẻ, làm việc vui vẻ, tụng kinh, ngồi thiền vui vẻ. Nhưng thời gian ấy không kéo dài bao nhiêu. Bữa đó thấy anh em cắt kiểng, tôi chống gậy đi ra xem, lụi xụi vấp cục đá té rầm một cái. Thế là bị đau chân phải bó thuốc, phải đi cà nhắc. Rõ ràng thân này không có gì an toàn, bảo đảm. Vậy mà chúng ta cứ lầm chấp nó tốt đẹp, là thật, là của mình cho nên đau khổ hoài.

Tu hành là để tâm trí sáng suốt rõ biết thân tâm này không thật, đừng để các nghiệp tập lôi dẫn mình đi theo nó. Từ nghiệp nhân đưa đẩy chúng ta thọ thân, vướng vào nỗi khổ của con người. Một nỗi khổ mà nếu không có giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy, cứu vớt thì khó ai thoát ra được. Nhiều Phật tử tâm sự, khi còn nghèo chúng con khổ đã đành, đến lúc có của ăn của để, nỗi khổ lại nhiều hơn. Tại sao? Tại vì lao theo nó nên quên cả gia đình, quên luôn chính mình. Con cái hư hỏng, ăn chơi lêu lổng. Bản thân vị ấy thì không có giây phút bình yên vì toan tính, vì bận rộn với công việc, vì mệt mỏi… Bây giờ nhìn lại, thấy tiền bạc trở thành vô nghĩa, không đem đến chút an lạc nào cho cuộc sống. Thế là muốn từ bỏ tất cả, nhưng bấy giờ nhân duyên buộc ràng chằng chịt, không phải muốn bỏ là bỏ được ngay. Do vậy nên khổ. Những hoàn cảnh, những con người như thế trong cuộc đời này không phải là ít. Chúng ta đầy đủ phúc duyên được xuất gia tu hành, sống trong thiền viện thật yên tĩnh, các duyên đều là duyên tốt, cho nên phải thức tỉnh cố gắng lo tu.

Có thể nói bệnh tật và các chướng duyên chiếm hết vô số kiếp thứ nhất. Đức Phật nói tu ba vô số kiếp thành đạo, còn chúng ta tu bốn, năm, sáu, bảy… vô số kiếp, không biết có thành được không? Cho nên ngay đây có cơ hội tỉnh, nhận ra được cái chân thật thì vơi đi bao nhiêu phiền não, có khi ngang đó cắt được nguồn gốc si mê. Ngược lại, nếu không tỉnh thì cứ lăn lóc trong trầm luân sanh tử, không biết tới bao giờ mới ra khỏi.

Ngày xưa Bồ-tát Sĩ-đạt-ta cũng có những lúc thấy bất lực. Vì sao? Vì áp lực của triều đình, cha mẹ, vợ con nên cuối cùng Ngài quyết định vượt thành xuất gia. Nếu Đức Phật không cương quyết thì không thể thực hiện được việc này. Còn chúng ta bỏ nhà vô chùa ở một bữa, thấy thời khóa khít khao chịu không nổi, liền kêu người nhà điện thoại ra bảo về. Tu như vậy tới bao giờ mới thành Phật. Đức Thế Tôn ngày xưa ở trong rừng tu khổ hạnh, ngày ăn một hạt đậu, một hạt mè, thân thể kiệt quệ cùng cực, chỉ còn da bọc xương, một chuỗi xương sống và đôi mắt như hai cái hố sâu. Nhưng trí lực mạnh mẽ phi thường, nhất định không lui bước. Đói khổ, vất vả như thế nhưng không bao giờ nghĩ tới những người hầu hạ ngày xưa, không nghĩ tới những món ngon vật lạ, những thụ hưởng sung sướng trong triều đình. Ngài chỉ tập trung làm sao giải quyết được việc lớn sinh tử để cứu khổ chúng sinh. Nhờ tập trung chủ lực như vậy mới thu ngắn thời gian tu tập. Vậy mà Thế Tôn tuyên bố trải qua ba vô số kiếp tu hành Ngài mới thành tựu viên mãn đạo Bồ-đề.

Chúng ta ngày nay căn trí cạn mỏng, lại không tập trung chủ lực vào việc tu hành, ưa thích chạy theo các duyên bên ngoài thì không biết tới đời nào mới xong đây. Ngày xưa công nương Da-du-đà-la phát tâm cúng dường bảy đóa sen cho Đức Phật quá khứ. Trên đường đi đến chỗ Phật, cô gặp một thanh niên cũng phát tâm cúng dường Phật. Một lần gặp gỡ nhau ở lòng kính tín Tam Bảo, như vậy mà kết thành duyên nợ vợ chồng đến 500 đời. Chàng thanh niên đó là tiền thân Đức Phật Thích-ca. Đến đời cuối cùng, trước khi thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật còn gặp lại Da-du để trả cho xong món nợ ấy. Thật là đáng sợ thay! Huống là chúng ta bây giờ buông lung đủ thứ chuyện thì không biết còn lăn lộn trong sinh tử đến bao giờ?

Nhiều vị nói tu mà buông lung quá cỡ. Thấy ai cũng thương được hết, rồi có hồi thấy ai cũng ghét. Lạ kỳ! Làm như ma nhập vậy. Đã thế thì làm sao tu? Tu có nghĩa là sửa. Vậy thôi. Biết mình buông lung, bất an thì cố gắng nhắc nhở tỉnh giác, siêng năng. Phải nhớ nghiệp lực một khi đã vây bủa thì không thể chống trả. Bây giờ chưa chịu chuẩn bị đạo lực vững vàng thì mai này có kêu cứu cũng chẳng ai giúp được. Thống khổ hay an vui là do mình, chứ không ai khác. Chạy theo bên ngoài thì bị quyến thuộc nhà ma kéo đi. Dừng lại thì an thân lập mệnh ở chỗ đất thật.

Qua những gương hạnh, những sự việc trước mắt, cho chúng ta những bài học vươn lên. Ngày xưa Hòa thượng dạy: “Cắt được hay không là do mấy chú, an ổn hay không là do mấy chú, bị kéo lôi hay không cũng do mấy chú”. Anh em chúng ta sống và tu tập trong điều kiện thuận lợi hơn quí Phật tử bên ngoài nhiều. Nhờ giới luật giữ gìn, huynh đệ nhắc nhở và bảo vệ, cuộc sống tu hành của chúng ta tương đối an toàn. Quí Phật tử hay người thế gian đâu có bì được, do vậy họ khó gầy dựng công phu tu hành hơn Tăng Ni rất nhiều. Người ta bảo: “Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Chúng ta tu trong thiền viện là hạng bét rồi, mà còn thấy khó như vậy. Cho nên phải cố gắng thật nhiều, không được lười biếng, buông lung.

Do nghiệp, do công phu tu hành yếu kém mà mình không tiến được. Trí tuệ không sắc bén sinh ra đủ thứ chuyện. Thật ra, việc cạo đầu, mặc áo nhuộm, sống trong hàng ngũ Tăng đoàn không phải là điều chính yếu của người tu. Tuy nhiên, tất cả những hình thức ấy chẳng qua là phương tiện để hun đúc, đưa chúng ta đi vào nề nếp và nhắc nhở mình luôn nhớ “Ta là kẻ xuất gia tu hành”. Nhờ vậy tâm hạn chế phóng túng buông lung. Nếu ai lầm nhận hình thức này, quyết định giá trị của một người tu là sai lầm. Bởi vì ý nghĩa đích thực của sự tu là sửa trong tâm. Chúng ta có thói quen chạy theo, vướng mắc vào hình thức bên ngoài nên công phu bên trong trì trệ, không giải quyết được vấn đề trọng đại của chính mình.

Sau khi nhận bát sữa của mục nữ Su-gia-ta, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta cương quyết từ bỏ khổ hạnh mà chọn con đường Trung đạo. Ngài liền trải tòa cỏ dưới cội Bồ-đề, rồi tuyên thệ: “Tại chỗ ngồi này, nếu không chứng được đạo quả Vô thượng Bồ-đề, dù thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi nơi đây”. Thời thụ hưởng ngũ dục ở hoàng cung quá đầy đủ rồi, Thái tử chán ngán nên bỏ vào rừng tu khổ hạnh. Trải qua năm, sáu năm thấy không đạt được kết quả gì đáng kể, Ngài cũng từ bỏ luôn. Như vậy cả hai con đường hưởng thụ và khổ hạnh đều không đem đến giác ngộ, an vui vĩnh viễn. Cho tới khi ngồi dưới cội Bồ-đề, bằng thiền định và trí tuệ, ngài chứng quả thành Phật.

Đến đêm thứ 49, bỗng dưng Ngài thấy suốt hết việc sinh tử, suốt hết tất cả sự kiện, hiện tượng trước mắt, chứng thiên nhãn minh. Cho đến cuối cùng chứng lậu tận minh. Đức Phật thấy mình, thấy người, tất cả chúng sinh, sự sinh tử từ vô lượng kiếp, sinh đây chết kia, làm gì, lên xuống ngược xuôi thế nào, thấy rõ ràng như thấy một vật nhỏ trong lòng bàn tay. Trí tuệ chân thật bừng sáng, Ngài tuyên bố thành tựu đạo Vô thượng Bồ-đề, không còn lầm đối với thế gian nữa. Ngài nói cái nhà xưa nay nhốt ta trong đó, bây giờ ta phá hết cột kèo, cắt bỏ cây xiên, không còn vật gì để gầy dựng lại cái nhà ấy nữa. Nghĩa là Thế Tôn giác ngộ giải thoát triệt để, vấn đề sinh tử không còn ràng buộc được nữa. Ngài thành Phật và đến với chúng sinh bằng trí tuệ và từ bi của một bậc giác ngộ.

Con đường trung đạo không cho chúng ta sống chinh nghiêng một bên. Ăn đừng ngon quá, đừng dở quá, vừa vừa thôi. Đi chợ một tuần hai lần là đủ, không phải bữa nào cũng vác giỏ ra chợ, mất thời gian lắm. Nấu từ sáng tới trưa, mà ăn một chút là hết. Nói chiết trung lại, làm sao đối với việc ăn uống, ngủ nghỉ phải biết vừa đủ, tập trung thời gian và tâm sức vào việc tu. Ngủ vừa đủ, ăn vừa đủ, đi lại vừa đủ, suy nghĩ cũng vừa đủ. Để làm gì? Để làm chủ được mình. Cái gì quá tầm là vuột mất. Giữa hai thái cực được - mất, hơn - thua, thương - ghét, thịnh - suy… mình phải tỉnh, điều chỉnh trung đạo. Vào định và phát huy được trí tuệ tuyệt vời của mỗi chúng ta thì tu học thành công. Thành ra phải biết ý nghĩa quan trọng của trung đạo, để có sự thăng bằng giữa hai bờ khổ vui.
Hòa thượng dạy “Ăn không được, ngủ không được là vì vọng tưởng. Bây giờ buông hết vọng tưởng thì ăn ngon, ngủ ngon”. Sắp xếp mọi việc hợp thời hợp lý, không dính bên này, không kẹt bên kia, an toàn trong trung đạo. Như vậy tâm tuệ sẽ khai phát, con đường giác ngộ được mở ra. Người khéo tu sống an ổn, chết cũng an ổn. Đừng để lúc ngất ngư thở không kịp, kêu thằng con này đứa cháu kia về sắp đặt công việc. Phút giây hiện tại đó không an ổn thì đừng nói phút tiếp theo làm gì, nhất định đường trước hỗn loạn tối tăm, không an ổn chút nào.

Trong kinh kể người tâm thần hỗn loạn khi nhắm mắt thấy trời gầm chuyển, mây đen kéo đến. Kế đó là tiếng hú, tiếng rống của các loài cầm thú dữ tợn, sợ hãi vô cùng. Do sợ quá nên cắm đầu chạy, cuối cùng thấy lùm bụi định chui vào núp tạm, nào ngờ vừa ghé vô thì liền nhận ra mình đã mang lông đội sừng, chuyển sang kiếp khác. Quả báo đọa vào các con đường dữ trải qua như thế. Nghiệp này không phải nhất thời, mà do tích lũy từ trước, tới phút chót khiến cho tâm thần đương nhân bất an, bất ổn nên mới đi vào chỗ tăm tối như vậy. Với người có công phu có định lực, tâm luôn bình tĩnh thì thấy mọi việc bình thường. Trời mưa bình thường, gió thổi bình thường, người qua kẻ lại bình thường, bình yên trải bước thì ma quỷ nào rượt họ?

Bình thường chúng ta không gầy dựng được tâm thái định tĩnh, yên vui, tới lúc chót làm sao thanh thản bước trên đạo lộ ánh sáng. Điểm này là điểm mà chư huynh đệ phải chuẩn bị, nhất định nó sẽ đến với chúng ta. Bấy giờ những người chung quanh không giúp được mình đâu, đôi khi họ còn làm rộn hơn. Họ thương nên họ khóc, họ kêu gào làm não loạn chân tánh chúng ta. Tất cả những chuyện ấy đều vô ích, làm người mất tán tâm, khó đi, khó giải thoát an vui. Cho nên các thầy thường căn dặn quí Phật tử, lúc người thân sắp mất, tới thăm nhớ niệm Bát-nhã, yên định giùm, đừng có ai khóc lóc. Bởi vì như thế sẽ kéo lôi, sẽ kích động làm cho người ra đi quyến luyến, ham sống sợ chết, không làm chủ được rồi sinh hãi hùng. Từ đó mà thấy bão táp, sấm chớp, thú dữ rượt đuổi, tâm thần bất an, rơi vào cảnh khổ.

Thích Ma-ha-nam, một vương tử còn lại trong triều đình của dòng họ Thích ở thành Ca-tỳ-la-vệ. Do lãnh đạo quốc gia, áp lực công việc nặng nề, nên ông tu học không được nhiều. Một hôm ông trình với Đức Phật tâm trạng của mình rồi hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Con bận rộn trăm ngàn công việc như vậy, bất thần con chết sẽ đi về đâu?

Phật nói:

- Ông cứ xem cây cổ thụ kia thì biết, tàn nhánh nó nghiêng về đâu thì khi ngã sẽ đổ về đó. Kiểm lại tâm niệm hàng ngày của mình, ông sẽ biết sau khi chết ông đi về đâu. Nếu tâm nặng về sân thì vô địa ngục, tham thì thành ngạ quỷ, si mê điên đảo thì lạc vào các loài súc sinh.

Cho nên hằng ngày, chúng ta áp dụng công phu sao cho miên mật, định tuệ hiện tiền. Muốn định thì phải yên, phải tỉnh, buông hết các niệm lăng xăng. Tạp niệm vừa dấy khởi, tỉnh biết, không lao theo, tức thì bình yên. Không bị vọng tưởng kéo lôi là định. Định được thì trí tuệ Bát-nhã phát huy, rõ ràng như vậy. Ngay trong lúc chúng ta tiếp duyên đối cảnh, đối với việc cơm ăn áo mặc, nhà cửa, tiền bạc, huynh đệ pháp hữu… cố gắng làm chủ được. Dấy khởi tài sản không chạy theo, dấy khởi tình cảm không bi lụy, dấy khởi danh lợi tâm bất động. Tóm lại, dấy khởi bất cứ thứ gì cũng bình an, tức là vào định được.

Trong định, có thứ gọi là chánh định, định này rất sâu. Định càng sâu chừng nào thì tuệ phát huy mãnh liệt chừng ấy. Chúng ta vốn có sẵn trí tuệ nhưng do duyên làm chao đảo. Người xưa ví tuệ như ngọn đèn trước gió. Nếu không có vật che chắn thì ngọn đèn bị gió táp chao đảo. Cũng vậy, nếu chúng ta bị chao đảo bởi những hiện tượng lăng xăng chung quanh thì không có định, như ngọn đèn trước gió, không thể tập trung ánh sáng. Nhờ có che chắn, có những phương tiện chung quanh bảo hộ nên ánh sáng tỏa chiếu. Các phương tiện ấy chính là giới. Phật tử có 5 giới thôi, giữ khỏe, chứ quý thầy 250 giới, quý cô 348 giới. Quá cỡ! Tuy nhiên, dù bao nhiêu giới cũng phải giữ, vì đó là rào giậu che chắn, bảo hộ cho định lực của người tu vững mạnh. Từ đó trí tuệ mới hiện tiền.
Hòa thượng Ân sư dạy người tu phải làm chủ các dấy niệm. Niệm gì? Mình ngồi đây mà nghĩ chuyện trong nhà bếp, nghĩ chuyện ngoài đường, nghĩ về quê ngoại, quê nội… Bây giờ vừa dấy nghĩ là dừng, bỏ. Chúng ta biết nó không thật, chỉ là vọng tưởng, không đáng để chạy theo. Và cũng thừa biết chính các dấy niệm ấy dẫn mình đi vào luân hồi sinh tử, tạo nghiệp vô vàn. Do vậy, niệm nào khởi lên mình bỏ, thế là yên. Nếu niệm đầu dấy lên mình chưa bỏ được thì niệm thứ hai phải bỏ cho được. Niệm đầu mình thua, nhưng niệm thứ hai phải lấy lại thế thượng phong. Một lần làm chủ được là một lần phát huy năng lực, cứ thế dần dần sẽ quen.

Ở thiền viện có chương trình lao động buổi sáng, buổi chiều đôi khi cũng làm việc. Chư Tăng Ni tu trong mọi hoạt động, phải làm sao phát huy cho được năng lực làm chủ của mình trong mọi thời mọi lúc. Có như thế chúng ta mới an vui khi sống cũng như lúc chết. Chứ còn mở mắt thấy đồng hồ, nói đồng hồ đẹp muốn đem về chùa mình, treo ở đâu đó đời đời, không ai đụng tới được. Như vậy làm sao làm chủ, làm sao an ổn? Nói như thế không phải chúng ta chán đời yếm thế. Cái đồng hồ ta cũng dùng, nhưng ai cho gì dùng đó. Chức năng của nó là để biết giờ, chứ đâu phải để trang trí cho đẹp mắt. Biết giờ để lo tu, chớ không phải để phê bình chọn lựa đẹp xấu. Thầy dạy ba giờ thức dậy tu, thì đúng ba giờ mình thức dậy tu. Công dụng của đồng hồ chỉ chừng đó thôi. Ngoài ra, treo nó ở đâu cũng được, đừng có sanh tâm chi khác.

Chúng ta đã mất biết bao nhiêu thì giờ với những buồn phiền hơn thua, được mất nhỏ nhiệm. Như vậy là quá dở, mình đã làm mất hết hai phần ba thời gian của vô số kiếp thứ hai rồi. Như vậy ba vô số kiếp này cứ giãn nở ra mãi. Thấy sắc đẹp lao theo, mất hết hai phần ba. Thấy lợi dưỡng lao theo, mất hết hai phần ba. Thấy mùi vị lao theo, mất hết hai phần ba. Đôi khi chỉ một cái mùi đơn giản như mùi nước tương miền quê thôi, cũng cuốn trôi cả đời người. Ăn ngon cũng bị trôi, ăn không ngon cũng bị trôi. Ngon thì ưa thích muốn ăn hoài, không ngon thì nổi quạu muốn gây với ông nhà bếp. Gây vì một chén nước tương thì còn ra thể thống gì nữa nên đành ngậm miệng. Ngậm miệng mà trong bụng ôm một đống phiền não nên khổ. Cuối cùng nghiệm ra trong lỗ mũi này trống rỗng, nếu đám tế bào nhận ra mùi vị sẽ chết hết, xem thử ra sao? Có mùi vị gì nữa không? Chừng đó cứ thế mà nhai mà nuốt, riết cũng thành quen, đâu cần phải chọn lựa. Tập làm chủ như vậy để vượt qua các thói quen do mình tích lũy từ trước. Phật dạy niệm thân, biết thân này giả tạm, chúng ta ăn những thức ăn bên ngoài là để nuôi thân, có sức khỏe mà tu. Đừng đắm luyến nó mà quên đi đạo nghiệp.

Trở lại vấn đề người Phật tử, gia đình chồng con, tài sản, sự nghiệp, tất cả các thứ đều là nhân duyên. Ở trong vòng duyên sinh có cái này nên có cái kia. Như mười hai nhân duyên hình thành con người, từ vô minh cho đến sinh - lão - bệnh - tử. Nếu chúng ta phá được một cái thì tất cả cái khác đều phá được hết. Trong sự buồn phiền lê thê của cuộc đời, bây giờ chọn ra một cái, cương quyết phá vỡ. Phá vỡ đây không có nghĩa là đốt nhà, đập xe… Nhưng mà quí vị vận dụng được sự tỉnh táo, từ đó sẽ phát huy trí tuệ, có cuộc sống an vui, tốt đẹp.

Như quí vị đang dùng chiếc xe hơi, bây giờ một nhân viên nào đó nói cần xe hơi, quí vị có thể lấy cho. Đó là người làm chủ được, không dính mắc tài sản. Các thứ khác cũng thế. Hòa thượng giảng: Bốn người vợ của ông trưởng giả là tiền bạc, tình cảm, danh vọng, nghiệp lực. Khi ông mất, các bà kia đều không chịu theo, chỉ có bà nghiệp lực xin nguyện đi theo. Pháp nhân duyên như thế, có cái này nên có cái kia. Cái này mất thì cái kia cũng mất. Chỉ có tâm chân thật còn mãi. Tuy nhiên, với chúng sinh si mê thì còn nghiệp lực dẫn đi trong ba cõi sáu đường. Với các bậc chứng đạo, các ngài đã nhận và sống được với tâm chân thật không sinh không diệt, an vui tự tại ra đi khi các duyên tan rã.

Người xuất gia không có gia đình, như vậy là bớt đi một sợi dây vướng mắc buộc ràng, có thời gian tu hành nhiều hơn. Không có gia đình thì không có nhà cửa, không có sự nghiệp, không có con cái, nhẹ biết bao nhiêu. Khoảng thời gian đó lo tập trung vào việc tu định tuệ. Định tuệ mở thì giác ngộ giải thoát. Vậy mà có kẻ gỡ ra được rồi lại muốn cột trở lại, thật là không biết nói sao? Chúng ta cố gắng từ những rối rắm, những sự việc, những liên hệ mắc mứu bên ngoài mà tháo gỡ từ từ. Bình tĩnh tháo gỡ, sáng suốt tháo gỡ, kiên trì tháo gỡ, đừng bỏ cuộc giữa chừng. Oan uổng lắm!

Tụng kinh, ngồi thiền chỉ là phương tiện. Đọc học kinh sách, nghe băng giảng, tất cả các thứ ấy cũng là phương tiện. Lòng mình chưa cởi mở thì các phương tiện này chẳng có ích chi. Nó chỉ mang tính trợ lực cho mình thôi, đừng lấy đó làm tiêu chuẩn cho việc thực tập công phu. Bản thân chúng ta phải tháo gỡ, mở được lòng mình ra, làm chủ tất cả thì mới giải thoát.

Chuyện mẹ Ngài Mục-kiền-liên nhận bát cơm của vị A-La-hán thần thông bậc nhất dâng cho, khi bà bốc ăn nó biến thành lửa thành than, là sao? Là vì bà chưa mở rộng lòng ra. Lúc đó Bồ-tát Mục-kiền-liên chưa nói với mẹ, cũng chưa thỉnh cầu được sự hỗ trợ của mười phương các bậc hiền thánh giúp bà biết mở rộng lòng ra. Cho nên khi bà sắp ăn, bọn ngạ quỷ chung quanh đến lăm le, bà nổi giận lên. Do nổi giận nên cơm biến thành than lửa hết.

Tôn giả trình lên Đức Thế Tôn sự việc trên. Phật dạy Mục-kiền-liên nhân ngày Tự tứ của chư tăng, thỉnh mười phương các bậc Hiền Thánh, đồng thời chú nguyện. Nhờ thiền định và công đức sâu dày của các ngài mà chuyển được tâm bỏn sẻn của bà. Ngay khi thấy hình ảnh cúng dường của Tôn giả, được Đức Phật cùng mười phương Tăng hoan hỷ thọ và chúc nguyện, bà phát tâm tùy hỷ vui mừng, mở rộng lòng ra chia cơm cho các loài quỷ đói cùng ăn, ngay sau đó bà được sinh thiên.

Từ tâm một khi mở ra thì mọi cố chấp, vướng mắc liền được tháo gỡ, thân tâm giải thoát. Sự thành công của Tôn giả Mục-kiền-liên là ở chỗ đó. Chúng ta noi theo gương hạnh của Ngài cũng phải như vậy. Tự thân tu hành thành tựu Thánh quả và độ mẹ thoát khỏi cảnh khổ của kiếp ngạ quỷ, bằng cách giúp mẹ chuyển hóa ba nghiệp, phát tâm quy hướng Tam Bảo, siêng tu các hạnh lành, thương xót chúng sinh như chính bản thân mình. Đó là con đường Bồ-tát đạo, con đường Phật đạo mà tất cả chúng ta đồng phát nguyện đi theo.

Rất mong chư huynh đệ hết sức cố gắng, quyết tâm thực hiện cho bằng được chí nguyện của mình.

[ Quay lại ]