DỤNG TÂM TU
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 24 Tháng mười 2009 13:37
- Viết bởi nguyen
Chúng tôi nêu lên vấn đề dụng tâm tu, cốt để chúng ta nhận ra được của báu trong nhà, nhận ra được cái chân thật của mình và hằng sống với nó. Nhờ dụng tâm tu, ta mới không bị mất ông chủ, không bị giả cảnh giả duyên bên ngoài kéo lôi, làm trở ngại việc tiến đạo của mình. Muốn được như vậy, phải thật tha thiết, tinh tấn và kiên trì dụng tâm tu.
Hòa thượng Trúc Lâm đã chỉ dạy cách thức dụng tâm tu như sau:
1. Biết tất cả các pháp đều không thật
Trước nhất phải biết tất cả các pháp đều không thật. Chúng tôi đã nhiều năm dự học với Hòa thượng, nghe nhớ và thuộc nằm lòng câu này, nhưng không ai dám nói là mình đã ứng dụng sống được một cách hoàn bị với lời dạy này. Đó là điều chúng ta phải quan tâm, không thể xem thường. Trong công phu kỵ nhất là thực hành qua loa, làm mất hết thời gian và cơ hội thuận tiện nhận diện chính mình. Nếu đã hiểu các pháp không thật, làm sao để không bị nó quấy rầy? Thật ra chúng ta biết rõ như vậy, nhưng khi đối diện với giả duyên giả cảnh, mình bỏ quên chính mình. Bởi quên nên bị nó dẫn đi, cuối cùng chúng ta bất lực, đành chấp nhận làm kẻ bại trận.
Hòa thượng Ân sư dạy, biết các pháp không thật, nhất định không theo. Chỉ thế thôi, rất là đơn giản. Ngặt nỗi mình biết nó không thật mà vẫn cứ theo, cho nên mất tự chủ. Những lúc tiếp duyên xúc cảnh, chúng ta bị trôi theo nó đã là không thể được, mà luôn trong những giờ giấc tu tập, mình vẫn không chủ động được. Đó là sức tỉnh giác của chúng ta quá kém, thói quen phan duyên quá sâu nặng. Vừa thấy liền theo, không đủ trí tuệ và sức mạnh thắng lại.
Một huynh đệ đã có quá trình tu học trên mười năm tâm sự thế này. Khi phiền não ngồi thiền cũng phiền não. Qua thời thiền đầu đêm, tiếp tục đến thời cuối đêm, cả hai thời thiền cộng lại trên dưới bốn tiếng, vậy mà vẫn không hóa giải nổi. Những sự duyên, những hình ảnh, những vấn đề… hiện ra và tiếp nối không dừng, thầy không làm chủ được. Mệt mỏi vì thất bại, thầy muốn xuôi tay thì được huynh đệ khuyên “Cố gắng lên! Đừng bỏ cuộc, đừng chịu thiệt thòi, từ chỗ đó đứng dậy, nhất định sẽ khắc phục được”. Sau một tuần lễ, nghe một sư đệ nhỏ, bình thường ít nói, chỉ cười thôi, nhắc lại lời dạy của Hòa thượng Trúc Lâm: “Tất cả đều là giả, có cái gì thật đâu. Tại sao đồ giả mà chúng ta không buông được, lại lao theo để bị phiền não quấy rầy?” Nghe lại lời này, vị ấy chấn động và xét tới xét lui công phu bình nhật của mình, rõ ràng là chưa có sự ứng dụng hành trì tinh chuyên.
Cho nên tập làm chủ là tập ngay trong lúc tiếp duyên xúc cảnh, chứ không đợi đến thời khóa trang nghiêm long trọng mới tu tập. Chúng ta tu trong mọi thời mọi lúc, luôn luôn như vậy. Người có công phu, có năng lực, nhất định sẽ không bị bất cứ cảnh duyên nào chi phối, lay động. Ngược lại, chúng ta bỏ trống công phu nhiều quá, những khe hở này không được san lấp, do vậy bị thứ nọ thứ kia xen vào, dẫn đi. Đó là nói về việc biết tất cả các pháp không thật, không theo nên có thể làm chủ được mình.
2. Tất cả những dấy niệm cũng hư giả
Hòa thượng dạy: “Tất cả những dấy niệm cũng hư giả”. Bây giờ chúng ta kiểm lại xem, đối với tất cả các dấy niệm, mình có thật sự làm chủ chưa? Đa số đều chưa. Bởi chưa nên niệm dấy lên, nó dẫn mình trôi dạt khắp nơi. Như vậy, chúng ta chưa thật sự nhận ra các dấy niệm là hư giả. Tôi kiểm nghiệm lại bản thân thấy rất rõ điều này. Mỗi sáng sau khi điểm tâm, tôi thường ngồi trầm ngâm một mình. Có ai tới thưa hỏi thì giải quyết, còn không tôi ngồi đó. Bất thần một niệm dấy khởi, thế là tôi đứng dậy đi theo niệm dẫn. Có khi là mấy cây cảnh, có khi ra nhà khách, lên chánh điện hoặc sau bếp… Tìm thầy chịu trách nhiệm ở đó, bảo phải làm thế này thế khác. Rõ ràng là niệm dẫn. Biết như vậy mà cứ làm. Cho tới chừng nào mới tỉnh? Mình nghĩ chừng nào xong việc mới tỉnh. Mà xong việc thì hết một buổi rồi. Như vậy những niệm đó đã len vô hơi thở, trong sinh hoạt của mình rồi dẫn đi.
Mỗi ngày chừng đôi ba việc dẫn chúng ta như thế thì mình sống được với mình bao nhiêu? Chẳng có bao nhiêu hết, cứ chạy theo những cái gọi là Phật sự đâu đâu. Mình tu mà bị những thứ này dối gạt thì tu tới bao lâu? Năm năm, mười năm vẫn chưa thể làm chủ được phút nào. Phiền não cứ thiêu đốt trên đầu, trong tâm, mà chúng ta không có cách chi đối phó lại. Một dấy niệm không làm chủ được thì nhiều dấy niệm nối nhau cũng không làm chủ được. Nếu như ngay từ trong khởi điểm ban đầu, chúng ta đủ sức, đủ lực, đủ trí tuệ phán một câu: “Tất cả dấy niệm không thật” thì đâu đến nỗi phải trôi dạt như thế.
Cho nên chúng ta phải có phán quyết ngay lúc ban đầu, một niệm vừa dấy lên liền cắt. Sự phán quyết dứt khoát thì ta mới gầy dựng được cơ chủ động. Không phải ma quỷ đầu trâu mặt ngựa nào dẫn mình đi vào trong luân hồi sinh tử mà là các dấy niệm hư giả này đây. Chính những dây mơ rễ má của nó dẫn mình trôi lăn trong luân hồi sinh tử, nếu chúng ta không có trí, không có lực, không có công phu tu hành.
Hòa thượng Trúc Lâm thường quở: “Mấy chú dở quá, biết những tơ tưởng vọng động không thật mà vẫn bị nó nắm đầu lôi đi, không chủ động được chút nào hết”. Người gặp cảnh sân liền sân, gặp cảnh vui liền vui. Cảnh vui thì ca hát, cảnh sân thì nhăn nhó. Nổi tức nữa thì la hét um sùm, không có phút giây yên tịnh. Đã như vậy rồi thì làm sao có định tuệ? Người tu thiền trước nhất phải có định tuệ. Chúng ta không làm chủ được đối với tất cả các dấy niệm, tức là còn ngược xuôi theo nó. Còn ngược xuôi theo nó là còn trầm luân trong sanh tử. Cho nên phải biết các dấy niệm là hư giả, cắt đứt không theo.
3. Quí tiếc thời gian
Nếu một ngày chúng ta cứ lao theo các dấy niệm như thế thì có biết quí tiếc thời gian không? Mạng người vô thường, sự sống vô thường, tất cả muôn duyên chung quanh ta đều vô thường. Không có lực nào phá nổi sự vô thường. Muôn loài bị nó chi phối, bị nó đốt tiêu tan. Cứ mỗi lần về đảnh lễ Hòa thượng Trúc Lâm, nhìn lên mái đầu các đệ tử lớn tuổi, Thầy nói: “Năm nay tóc của chú trắng hết rồi. Thấy chú yếu, đi lụm khụm, có khi còn lụm khụm hơn tôi nữa”. Như vậy là sao? Thầy báo động cho mình biết, vô thường đang thiêu đốt tất cả, không loại trừ một ai. Bị thiêu đốt như vậy chưa đủ sao, chúng ta còn ôm ấp thêm phiền não. Một đêm dài trằn trọc không ngủ, thì đêm đó bị quỷ sứ xức dầu trắng rồi. Sáng ra mắt trắng dờ, tóc bạc phếch v.v... Đó là sứ giả của vô thường phái đến gõ cửa chúng ta đấy. Người tu hành có tỉnh lực, nhìn xuyên qua hiện tượng đó thấy thật kinh khủng.
Bởi vậy, khi chúng ta lớn lên thì không còn ông nội, ông ngoại. Kế đến, bố mẹ cũng mất luôn, anh em bạn bè nhìn lại chẳng còn ai. Lửa vô thường chi phối độc hại lắm. Nó nhắm ai bấm trúng người đó là xong, không tha kẻ nào hết. Vậy mà mình lại bị phiền não, dấy niệm làm mất hết thời gian thuận lợi, không gầy dựng được đạo lực để đủ sức nói chuyện với vô thường, đủ sức nói chuyện với vua Diêm-la. Tại chúng ta không quí tiếc thời gian nên cứ mải miết để ngày qua ngày, cuối cùng vô thường dìm ta xuống vực sâu, không có cách gì trỗi dậy được. Người tu hành vững vàng, có đủ lực để đối diện với sự chi phối đó.
Như sáng nay, cũng do duyên dẫn tôi đến chỗ đó, thấy đại chúng làm việc, tôi hoan hỷ. Anh em tới trình việc này việc nọ, tôi cũng gật đầu hoan hỷ. Tôi đứng đó, ngồi đó lắng nghe và hướng dẫn cho huynh đệ làm việc, lòng an ổn, không có vấn đề gì. Thấy cây kiểng hư tôi biết nó bị vô thường chi phối, nhìn cái bàn sập tôi cũng biết do vô thường chi phối. Tất cả những gì có tướng đều sẽ bị như vậy. Do đó, trong lòng mình sâu lắng, cảm nhận được mọi thứ trên đời đều không thật, tất cả sẽ bị vô thường huỷ hoại, không có gì để vương vấn muộn phiền.
Tuy nhiên, tới lúc đó đừng nghĩ rằng mất hết, vẫn còn cái biết rờ rỡ hiện tiền. Có người sợ nếu như vô thường thiêu đốt tất cả thì thế gian này còn cái gì nữa, làm sao chúng ta sống, làm sao giữ được đại nguyện của mình, để tu hành cho tới ngày thành Phật? Chỗ này xin được nhắc lại giai thoại giữa Lục tổ Huệ Năng với Ngài Huệ Minh. Khi Lục tổ Huệ Năng ôm y bát do Ngũ tổ truyền lại chạy đến ngọn Đại Dữu, Ngài Huệ Minh cầm đầu đoàn người đuổi theo giành y bát lại. Lục tổ thấy tình hình nguy cấp, Ngài để y bát trên tảng đá, vào ẩn bên trong lùm cây. Huệ Minh tới nơi thấy y bát, nhưng lấy không được. Ông liền biết vật pháp tín này quả thực không thể dùng mưu chước thế gian mà có thể lay chuyển. Cho nên mới hướng vào trong nói:
- Nhân giả! Nhân giả, tôi đến đây vì pháp, không phải vì y bát.
Bấy giờ Lục tổ bước ra bảo:
- Nếu vì pháp thì ông hãy định tâm, tôi hỏi một câu: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?”
Ngay câu nói này Tôn giả Huệ Minh nhận được yếu chỉ và sụp xuống đảnh lễ tổ Huệ Năng.
Chúng ta thấy cả một đại chúng hằng nghìn người, các bậc Thượng tọa lão túc đức hạnh kiêm toàn, công phu như vậy, Ngũ tổ không truyền y bát mà đem truyền cho một ông cư sĩ trên rừng mới xuống có mấy tháng trời. Cho nên, có một số thầy rượt theo lấy lại, trong đó Huệ Minh là vị đuổi theo kịp. Phải chi Lục tổ ở đây năm mười năm, là người hành trì dày dặn thì không nói, đằng này một ông cư sĩ trên rừng mới xuống, ông nói léng phéng cái gì với sư phụ, tự nhiên mấy tháng sau thầy đem y bát truyền cho. Y bát là núm ruột, là vật biểu tín duy nhất của Tổ sư, đời đời thầy trò truyền nhau, bây giờ giao cho một lão cư sĩ như vậy, thử hỏi làm sao chấp nhận được?
Do vậy, nhóm người rượt theo lấy y bát lại cũng có cái lý của họ. Tuy nhiên, cuối cùng chân lý vỡ ra chỉ ở một câu nói của Lục tổ Huệ Năng “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Quả thật xứng đáng để được Ngũ tổ truyền trao y bát. Ngài Huệ Minh lâu nay ở chùa mà đâu biết chỗ ấy, chỉ chạy theo sự tướng bên ngoài. Thế nên bị Tổ hỏi cho một câu ứ hự. Khi được Lục tổ khai mở cho chỗ chân thật, Huệ Minh nhận ra tức thì đảnh lễ Lục tổ xưng là thầy. Lục tổ nói: “Tôi với ông cùng thầy Hoàng Mai, nên tôi không phải thầy ông, chỉ nhắc cho ông biết như vậy thôi”. Lời này cũng là nhắc nhở cho tất cả chúng ta.
Nếu chúng ta nhận ra yếu chỉ này, vượt khỏi hai bên thì nhất định các pháp giữa đây không làm gì được mình. Chúng ta không chạy theo nó, không quan tâm nó, hoàn toàn làm chủ đối với nó. Đó là vấn đề then chốt trong công phu hằng ngày. Nếu trong đời sống bình nhật, trong ứng xử công việc, mình bị pháp đối đãi chi phối thì sẽ chinh nghiêng bên này bên kia, không khi nào sống yên ổn, vững vàng. Chúng ta đã như thế thì tu học năm năm, mười năm được lợi lạc gì? Chẳng được gì cả, loay hoay chỉ toàn vấn đề cơm ăn áo mặc, được mất, hơn thua.
Có bao giờ huynh đệ nhìn lại mình bằng tâm không nghĩ thiện, không nghĩ ác chưa? Cứ hết thiện tới ác, chứ chưa có cái “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” bao giờ. Nếu trong công phu hằng ngày chúng ta đạt đến chỗ này thì quả thật là an lạc. Được an lạc rồi thì nói gì thân bệnh, tuổi thọ ngắn, hoàn cảnh khó khăn… lúc nào chúng ta cũng vui hết. Tuy nói như vậy nhưng vào được chỗ đó không phải đơn giản. Tôi nêu lên ý này với mong mỏi chúng ta hãy nhận lại của báu nhà mình. Ngày xưa, người thô động như Ngài Huệ Minh còn nhận được thì ngày nay chúng ta cũng sẽ nhận được. Phật dạy cái đó không có người xưa hay người nay, ai cũng nhận được hết.
Hiểu và nắm vững phương pháp tu, chúng ta không trì trệ trong công phu, cũng không bị nặng nề bởi công phu. Nếu như lúc đó Lục tổ bảo Ngài Huệ Minh phải đọc kinh Bát-nhã, tụng kinh Kim Cang, Di Giáo, Pháp Hoa hay làm việc gì khác thì sợ không thể thực hiện được. Đằng này chỉ yêu cầu giữ yên lặng, lắng lòng nghe hỏi một câu, ý tựu trung vào những chữ “không nghĩ thiện, không nghĩ ác”. Từ đó Ngài Huệ Minh nhận ra, vậy tại sao chúng ta không thể nhận ra? Phải từ trong cuộc sống, trong sinh hoạt hàng ngày mà nhận ra, đừng tìm kiếm ở đâu xa.
Mục đích duy nhất của người tu chúng ta là thấu triệt chỗ đó. Lúc đầu chưa quen, chúng ta làm quen, nhận ra và hằng sống được với tâm chân thật, không đối đãi hai bên, nhất định mình sẽ an ổn. Được thế, dù cuộc sống có bao nhiêu bận rộn chúng ta cũng bất động. Đó là cái quí báu mà mọi người đều sẵn có, chỉ cần chúng ta hồi đầu nhìn lại thì sẽ nhận được thôi. Trong đạo tràng chúng ta có nhiều cụ lớn tuổi đi hết muốn nổi, bảo tụng Bát-nhã tụng không nổi, bảo lạy Phật lạy một lạy rồi nằm đó luôn. Bây giờ phải tu như thế nào đây? Chẳng lẽ không tu? Đâu được, phải tu chứ. Tu như Lục tổ vừa dạy đó. Pháp tu này không luận hình thức, không đặt thành đạo tràng gì cả, từ chỗ khéo nhận rồi tu tập. Ai khéo thì sẽ nhận ra thôi. Quí vị lớn tuổi nên vui vẻ tu tập, dù bệnh tật cũng vui vẻ. Hằng ngày tập tỉnh giác để nhận ra và sống được với tâm chân thật.
Mỗi ngày siêng năng theo đại chúng tu tập. Người ta tu như vậy, mình cũng hành trì như vậy. Người khỏe mạnh thì hành trì nhiều hơn, người không khỏe mạnh, hành trì ít hơn, nhưng trong tâm lúc nào cũng hoan hỷ, không có góc cạnh, không thấy ngô ngã gì cả, hết lòng lo cho Tam Bảo. Được như thế ai phạt mình, ai buồn giận mình làm gì. Người ta còn lo phần Bát-nhã của người ta nữa chứ. Nếu chúng ta tu tập đồng bộ như vậy, trước sau gì cũng sẽ nhận được của báu vô giá.
4. Phải đạp chân trên đất thật
Nếu chỉ học hiểu suông qua văn tự chữ nghĩa, chúng ta sẽ không có chút lợi lạc nào cả. Tới chừng vua Diêm-la đến gọi, không còn đường nào chạy thoát. Vấn đề là làm sao chúng ta đạp chân trên đất thật đó. Muốn như thế trước nhất phải có trí tuệ. Nói đến trí tuệ, ai trong chúng ta cũng đã học với Hòa thượng Trúc Lâm trăm lần, ngàn lần rồi. Nhưng có điều chưa ai biết trí tuệ của mình là cái gì, chỉ thấy lao theo cảnh duyên, hiện tượng bên ngoài, rồi lầm cho đó là trí tuệ. Trí tuệ chân thật không phải như vậy.
Ở đây nói đạp chân trên đất thật là phải gầy dựng trí tuệ của mình. Muốn gầy dựng trí tuệ của mình, cố gắng đừng để những cảnh duyên bên ngoài khỏa lấp, che phủ cái chân thật. Chúng ta nhớ lại lần đầu tổ Bồ-đề Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa, trước nhất gặp vua Lương Vũ Đế. Vua hỏi: “Trẫm từng cất chùa, độ tăng, hoằng pháp lợi ích chúng sinh, như vậy có công đức không?” Tổ trả lời một cách thẳng thừng: “Không có công đức”. Ngay câu nói đầu là thấy vô cửa không được rồi. Tới câu thứ hai hỏi: “Thế nào là Thánh đế đệ nhất nghĩa?” Tổ trả lời: “Quách nhiên vô thánh”, tức là không có thánh nào hết. Ông vua nghe nóng mặt rồi. Từ xưa tới nay chưa có ông thầy nào dám nói với Quốc vương kiểu này. Vua cố gắng thử duyên thêm một lần sau cuối: “Đối trước trẫm là ai?” Đáp: “Không biết”.
Đó là bài pháp thần kỳ, là tiếng chuông gióng mạnh vào tâm thức của Lương Vũ Đế nhưng nhà vua không nhận ra, Tổ đành phải ra đi. Tất cả những sự việc dàn trải từ lâu nay của nhà vua thật sự chưa thể nhập vào chỗ chí thiết. Tổ Bồ-đề Đạt-ma đến Trung Hoa là để chỉ ra cái đó nhưng không gặp khách hữu duyên, nên Ngài rút. Về Tung Sơn, Tổ ngồi quay mặt vào vách chín năm, cuối cùng có một tráng sĩ tìm đến.
Ngang đây, chúng ta trở lại vấn đề phải đạp chân trên đất thật. Mình không dám sánh với các vị tiên thánh, nhưng thật tình nếu một kẻ tu Phật mà không đạt được chỗ chân thật thì vẫn cứ trôi nổi thôi. Tổ sư Bồ-đề Đạt-ma là người mang sứ mệnh đánh thức, gõ cửa, nói cho mọi người biết rằng chỗ công phu này phải vào đất thật. Vào đất thật là gì? Là không chạy theo cái giả, cái đối đãi hai bên. Chúng ta kiểm lại trong đời sống, ăn mặc, ngủ nghỉ, tiếp xúc, làm việc, thuyết pháp, ngồi thiền, tụng kinh… mình đã vào đất thật chưa? Nếu chưa được thì chúng ta phải làm sao đây? Tổ bảo loại hết cái giả thì còn lại cái thật.
Loại bằng cách nào? Chúng ta phần nhiều dính mắc chứ không loại ra, giống như vua Lương Vũ Đế vậy. Ông cả đời độ tăng, xây chùa, cúng dường, làm tất cả các việc công đức nhưng Tổ bảo không có công đức là vì tâm ông dính mắc. Do dính mắc nên bị trói buộc. Do trói buộc nên không được giải thoát. Không giải thoát chính là triền phược, thì làm sao có công đức được? Một ông vua làm bao nhiêu việc lớn lao như vậy mà Tổ bảo không có công đức, còn mình toàn ăn ngủ, đi tới đi lui, tụng kinh, thuyết pháp chút chút… thì có công đức gì? Nếu lấy đó làm Phật sự, làm kế sống hằng ngày để mong được Niết-bàn, trọn không có chút dính dáng. Do vậy, Hòa thượng Trúc Lâm thường khuyên nhắc chư Tăng, Ni, Phật tử phải nỗ lực tu, đừng đợi đến lúc tay chân quờ quạng, cầu Phật tổ đến cứu, không kịp đâu.
Trong thực tế chúng ta còn bị vướng mắc nhiều lắm. Tuy biết tất cả các pháp đều giả nhưng mình không thoát ra được, vẫn bị nó kéo lôi. Hình ảnh Tổ Bồ-đề Đạt-ma trợn trừng đôi mắt để nói lên ý chí phấn đấu kiên cường, mạnh mẽ. Người tu thì phải nhìn về phía trước, nhìn lên chớ không được nhìn xuống. Nếu đối với các cảnh duyên chúng ta xụi lơ hay cúi đầu thì không thể làm chủ được, nhất định sẽ bị cảnh duyên kéo lôi. Người tu phải có trí, phải chủ động, phải kiên quyết. Nếu yếu đuối nhu nhược, cái gì cũng vâng dạ, dính mắc chạy theo thì bao giờ mới tháo gỡ được.
Cho nên ánh mắt trừng thẳng của tổ Bồ-đề Đạt-ma biểu hiện ý chí kiên quyết xóa tan hết mọi vô minh si ám. Ánh mắt đó, con người đó, thể hiện Ngài đã hoàn toàn đạp chân vào đất thật. Trong những đối đáp được ghi lại từ tổ Bồ-đề Đạt-ma với các thiền sư, tôi nhớ có một câu hỏi: “Tổ là gì?” Trả lời: “Nói và làm tương ưng nhau là tổ”. Giản dị làm sao. Ngài không đáp Tổ là phải lên núi tu mười năm, hai ba mươi năm hay gì khác… mà bảo nói và làm tương ưng nhau. Nói được làm được là Tổ. Cho nên biết Tâm tông của Ngài muốn truyền chính là mọi người phải vào được đất chân thật, chớ không gì khác.
Chúng ta chưa vào được đất chân thật thì chưa có Vô sư trí hay trí tuệ Bát-nhã, chỉ là những hiểu biết bình thường, không thể tự cứu khi nghiệp thức lôi kéo. Chư tổ thường nhắc thế này “Con đường luân hồi lê thê, chúng ta đã trải thân thăng trầm trong đó, ngược xuôi từ nhiều đời kiếp, đã đến lúc chúng ta chùn bước rồi”. Giờ đây, nếu chúng ta không ngoi lên, không lấy lại quyền làm chủ thì đợi đến chừng nào? Dù còn phàm phu, mới học pháp nhưng nghe được yếu chỉ chư tổ đã dạy, chúng ta phải tu tập, phải có công phu để sống và đạp được trên đất chân thật.
Tu hành không chỉ có tụng kinh, ngồi thiền mà là sửa đổi, ổn định tâm của mình. Tuy nhiên chúng sinh thích tụng kinh nên Phật dạy tụng kinh, thích ngồi thiền nên Tổ dạy ngồi thiền… Thực chất công phu là chỉnh đốn, sửa lại tâm xấu dở của mình. Tâm chân thật rỗng rang sáng suốt, không có hình thức gì hết nhưng luôn rõ ràng thường biết. Do không có hình tướng nên tâm này không bị thời gian chi phối, không gian giới hạn. Cho nên, nói tới tâm thật là nói đến chân trời thanh tịnh, rỗng rang, sáng suốt. Sự rỗng rang, sáng suốt này không thể diễn tả, nên các Tổ chỉ dùng từ trí tuệ Bát-nhã.
Chúng ta công phu như vậy, tụng kinh như vậy, ngồi thiền như vậy, sống hiền lành như vậy, an ổn như vậy, làm các việc công đức như vậy nhưng không dính mắc gì hết, để tâm rỗng rang, sáng suốt. Nếu còn thấy công phu mình nhiều, người kia không bằng thì giống như lấy đinh đóng vào hư không cho mấy cụm mây dính lại. Có được không? Không được. Bởi không được mà mình tưởng được nên cuối cùng bị nghiệp lôi dẫn. Mình đi tới đâu là do nghiệp dẫn, làm việc gì là do nghiệp lôi. Nghiệp dẫn, nghiệp lôi là trí tuệ chưa hiện tiền, chưa đầy đủ.
Hồi tôi còn ở Chân Không, có quen một vị ở dưới quê. Tóc của ông đang nhuyễn mịn tự nhiên đóng lại thành cục, đoanh lên. Ông đưa sờ thử, tôi thấy cứng ngắc. Nếu sơ ý, ông để ai nắm giựt là tróc luôn miếng da đầu chớ chẳng chơi. Nó bện lại với nhau thành một khối cao, ông trùm khăn lên trông cũng đẹp. Tướng mạo xem ra cũng tiên phong đạo cốt. Không biết ông đi đây đi đó bao nhiêu năm mà vẫn một kiểu như vậy. Lúc đầu ông nghe trong tai có tiếng nói tới đó làm Phật sự, làm việc của Bồ-tát, làm việc công đức, nhưng tới đó có gặp ai đâu. Có khi giữa đêm nghe kêu cũng phải đi, từ Trà Ôn ra Vũng Tàu. Ra tới nơi thấy trời đất mênh mông không có gì hết. Vậy mà một khoảng thời gian dài tám, chín năm ông cứ đi, khổ sở vô cùng, gia đình chịu cũng hết nổi. Tiền bạc ở đâu mà ăn rồi đi như vậy. Con cháu hỏi ông tu thế nào? Ông nói trong này biểu tu sao thì tu vậy, chứ có biết tu gì đâu. Trải qua nhiều năm thế đó.
Cho tới một hôm nhân duyên đưa đẩy ông lên Chân Không. Vào buổi chiều Hòa thượng chống gậy xuống ngồi trên bệ đá, nói chuyện với chư tăng thì ông xuất hiện. Hòa thượng nhìn bảo: “Lâu quá không gặp, sao bữa nay đầu tóc như vậy?” Ông nói chuyện với Hòa thượng một hồi, sực nhớ điều gì nên khóc lạy và thưa: “Con khổ lắm”. Hòa thượng hỏi: “Đạo hữu khổ thế nào?” Ông kể: “Trong tai cứ nghe tiếng nói biểu đi hoài. Con đi đã chín, mười năm rồi. Ban ngày biểu đi đã đành, nhiều khi giữa đêm cũng biểu con đi nữa, thật là cực khổ vô cùng”. Hòa thượng bảo: “Thôi, bây giờ đừng đi nữa. Già bệnh rồi đi chi. Có ai biểu đi thì nói tôi không nghe, đừng biểu nữa. Thử làm như vậy coi!”
Sau khi nghe lời dạy của Hòa thượng, nhiều lần ông phản kháng lại những lời kêu gọi trước, không đi. Ông thưa: “Bạch thầy, con tính ghé qua đây thăm quí thầy rồi đi. Nếu biểu đi đâu thì con theo đó, bây giờ thầy dạy con đừng nghe, không đi, có kết quả. Như chiều nay con không nghe, không đi nữa, bây giờ thầy cho con ở lại đây với quí thầy”. Hòa thượng nói: “Được rồi, thôi nghỉ đi”. Hòa thượng kêu thầy Tri khách sắp đặt cho ông nghỉ đỡ trong nhà bếp, vì nhà khách không còn chỗ nghỉ. Ông ở lại đây chín, mười ngày, thấy khỏe quá nên đến thưa: “Lạy Hòa thượng, đội ơn đại đức Hòa thượng, chỉ cho con cách dừng lại”. Hòa thượng nói: “Tôi có chỉ cho ông cách gì đâu. Lâu nay nghe biểu ông đi, bây giờ đừng nghe, đừng đi thì yên thôi”.
Đó là câu chuyện thực mà cũng là pháp tu Hòa thượng dạy. Chúng ta cứ bị dẫn như vậy, không làm chủ được mình nên chạy lăng xăng, khổ sở vô cùng. Muốn làm chủ thì không chạy theo cảnh duyên bên ngoài hay vọng tưởng bên trong. Tất cả chúng ta trong công phu hằng ngày, khi niệm dấy khởi nhớ lời Hòa thượng mình đừng thèm nghe, rủ đi mình đừng thèm đi. Cứng cỏi như vậy riết rồi nó yên. Tôi cũng thực tập như vậy. Như tôi ngồi đó, ai có nói gì tôi cũng tỉnh tỉnh, cười cười nhưng cứ ngồi yên. Có nhiều buổi sáng tôi ngồi suốt như vậy ba bốn tiếng đồng hồ. Mấy chú nhỏ chung quanh không hiểu sao kỳ vậy? Thực ra, tôi làm gì cũng không cần ai biết.
Muốn tu được phải tích cực, phải giữ mình và phát huy thế làm chủ mới ngồi yên được. Nếu không thì việc lớn việc nhỏ, ma cũ ma mới, quỷ xưa quỷ nay tới dẫn mình đi, không an ổn chút nào. Như chiều qua trời mưa, mình đi tụng kinh gặp mưa bị cảm, đau nhức, thị giả cạo gió giùm. Đang ngồi cạo gió, nhưng nếu ai tới rủ mời mình không làm chủ được liền lao đi. Đi trong lúc bệnh thì thêm bệnh, gió cũ chưa ra gió mới nhập vô, dần dần bệnh nhập lý thì đi hết nổi. Rõ ràng ngồi yên chúng ta mới có thể gầy dựng thế chủ động.
Cho nên chúng ta phải làm sao không bị động. Những cái nó dẫn từ trong lỗ tai hoặc bày hiện ra trước mắt không nên theo. Nếu chúng ta chưa nhận được tâm chân thật, chưa đạp được vào đất bình yên, chưa làm chủ được thì bị vọng tưởng dẫn, bị những hiện tượng, những giả duyên giả cảnh bên ngoài kéo lôi. Bây giờ chúng ta bắt đầu đi vào công phu tu hành, hằng ngày tụng kinh, ngồi thiền và trong các sinh hoạt ăn nghỉ, làm việc tiếp khách v.v... chúng ta cố gắng không chấp nhận, không để cho những dấy niệm dẫn đi. Đó là bài kinh có thể nói rằng nếu hành trì được chúng ta vào được chỗ an ổn chắc thực. Chư huynh đệ nên cố gắng nỗ lực.
Mong rằng tất cả chúng ta đừng chạy theo những dấy niệm, hãy quay về để nhận và sống được với cái chân thật. Đó mới thật là người biết dụng tâm tu.