headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

QUÁN NIỆM CUỘC ĐỜI

Nhân cảm khái về hình ảnh một chiếc thuyền trôi trên dòng sông, mà tôi có bài giảng hôm nay.

Kinh Phật cũng có tả về một chiếc thuyền rất đông người, trôi trên dòng sông lớn. Mọi người trên thuyền đều đang vui vẻ tươi cười, trong khi đó bên kia bờ sông, có một người lớn tiếng kêu gọi cảnh giác rằng: “Dưới lòng sông nước xoáy rất nguy hiểm, coi chừng chìm chiếc thuyền. Ngoài nước xoáy còn có những loài thủy quái và quỷ dữ ăn thịt người. Nếu không chuẩn bị sẽ nguy hại đến tính mạng”. Người này kêu gọi gần như lạc giọng mà không ai để ý, cứ mặc tình đùa giỡn trên chiếc thuyền ấy.

Người đứng trên bờ la lớn dụ cho đức Phật và những vị Thánh tăng. Bọn người vui chơi trên thuyền dụ cho chúng ta. Dòng sông chính là cuộc đời với những ái niệm vô tận. Ngài thấy những nguy hiểm của cuộc đời đang rình rập chúng ta, nhưng bọn mình vẫn thản nhiên vui nhộn trên chiếc thuyền đang trôi giạt. Vì quá thương xót cho sự khờ dại ấy, nên các Ngài luôn luôn lập bày phương tiện để giúp chúng ta tỉnh lại, đừng bị não hại bởi dòng nước xoáy hay các loài quỷ dữ.

Từ lâu rồi biết bao nhiêu bậc Thánh đã kêu gọi chúng ta hãy thức tỉnh, dừng lại cuộc vui chơi nguy hại, nhưng ta nào có nghe. Nếu có nghe cũng không tỉnh được, không dừng được những cuộc vui ấy. Bởi lẽ chúng ta bị ái niệm, tình chấp sâu dày vô cùng vô tận buộc chặt nên khó thoát ra được sự sai khiến của nó. Những người đang vui đùa thích thú trên thuyền là chỉ cho sự vui thích trong chấp chặt của ái ngã. Trong những thứ chấp, chấp ngã là nặng nề trầm kha nhất. Phải có trí tuệ, thiền định thâm hậu mới trị được cái chấp này.

Ái niệm, tình chấp là gì? Là những niệm ân ái, chấp trước theo thức tình khó có thể buông bỏ được. Chính những thứ này buộc ràng và kéo lôi chúng ta đi trong sanh tử đời đời kiếp kiếp. Chúng không phải do ai đem đến mà là tự chúng ta sáng tác, rồi bị nó buộc ràng ngược trở lại, làm cho mình chết trong đó không vươn lên nổi. Nói cho rõ, chẳng qua chỉ vì cái lầm ban đầu của chúng ta mà thôi. Từ chỗ không sáng, không tỉnh, nhận lầm tất cả các hiện tượng lăng xăng trước mắt nên ta chạy theo nó.

Ở đây chư Phật và các bậc thiện hữu tri thức kêu gọi chúng ta dừng lại, tỉnh lại. Hãy quán sát những gì từ lâu mình quan niệm, chấp chặt, nếu thấy chúng làm cho ta bất an bất ổn thì buông đi. Như vậy may ra con thuyền của mình sẽ không bị hại. Cụ thể là các Ngài bảo chúng ta hãy đề phòng cảnh giác hai thứ chấp thân và tâm. Tức là chấp thân này thật và chấp vọng tâm là thật. Quả thực hai thứ chấp này rất nguy hiểm.

Xét cho cùng, thân này không có gì thật cả. Nếu thân là thật thì nó phải còn hoài, không bị hoại, không đổi dời. Nhưng từng ngày, từng giờ, từng tâm niệm, luôn luôn đổi dời và đổi dời hết sức nhanh chóng, giống như giòng nước xoáy vậy. Quý vị thử xem lại chính bản thân mình sẽ thấy, giờ trước đang khỏe, giờ sau bệnh hoạn bất thường. Không ai đoán trước được ngày mai của mình. Rõ ràng chúng ta không thể giữ gìn được thân này như ý mình muốn. Cái không thật ta cho là thật, cái không giữ được ta cố giữ thì tự mình chuốc khổ thôi. Bao giờ giải trừ được những chấp thủ này, chúng ta mới hết khổ.

Vì thế chư Phật mới hết sức hết lòng kêu gọi bọn mình. Chừng nào ta tỉnh và dừng lại được bước lưu linh, lang bạt của mình thì các Ngài mới yên tâm. Với tâm đại từ đại bi như vậy, nhưng đôi khi chúng ta giận ngược trở lại người đã thương muốn cứu vớt mình. Ai nhắc nhở, chỉ bảo mà thương tổn bản ngã của mình thì ta sẽ không tha đâu, cho dù đó Phật Tổ chi chi nữa. Tại sao vậy? Tại vì mình còn thấy thật. Cái lầm cơ bản là ta còn thấy mình thật, người thật, cảnh thật nên tất cả mọi vấn đề đều là sự thật.

Thành ra ở đây chúng ta phải làm sao tháo gỡ kiến chấp sai lầm ấy mới có được con mắt thấy thủng vấn đề. Những gì Phật nói không thật, chúng ta thấy quả thực nó không thật thì sẽ hết khổ tức khắc. Còn dù cho chúng ta có kêu cầu Thánh, Phật, các bậc thần linh giải quyết phụ những nỗi niềm cay đắng, nhưng chính bản thân mình chưa tháo gỡ được thì nhất định không có cách gì giải trừ được chúng. Cho nên vấn đề then chốt ở đây là sự tháo gỡ nơi mỗi chúng ta.

Chúng ta thử nghiệm xem cuộc đời có bao giờ vui trọn vẹn không? Không khi nào. Hồi sáng cười thôi là cười, nhưng chút nữa giận thôi là giận. Một miếng ăn không vừa ý, một lời nói không hài lòng, một cử chỉ không thích hợp với ta là bực bội, tức tối, sân hận ngập trời. Từ đó mà tạo nghiệp. Cho nên chỉ một ngày ngắn ngủi, chúng ta còn chưa có được niềm vui trọn vẹn, huống chi những năm tháng lâu dài!

Chúng ta có đủ thứ lý do để phiền não, cay cú. Khi giận thì giận luôn cả trời đất. Ví dụ nóng quá ta nổi giận với ông Trời: “Không biết ổng để nước trên đó làm gì mà không chịu mưa xuống cho người ta nhờ!”. Rồi nhằm hôm Phật tử đi chùa đông đảo, trời đổ mưa tầm tã, đường lầy lội bà con trợt té. Thế là ta tức giận thán oán Trời đất không biết điều: “Người ta đi chùa mà nổi sấm nổi chớp, không chút kiêng kỵ”. Chúng ta luôn luôn bất ổn với những tâm niệm không hoàn chỉnh của mình.

Người tu Phật phải thấy được lẽ thật, thấy được tâm vô thường của mình, mới có thể giảm thiểu những cay đắng trong lòng. Có những niềm vui thông thường trong cuộc sống khi chúng ta hòa hài,  tươi tắn, buông xả hết mọi muộn phiền, đó chính là những niềm vui chân thật đơn sơ bình dị nhất mà không phải tìm kiếm ở đâu xa.

Nói như thế không có nghĩa là ta chấp nhận những thứ vui nhộn trên con thuyền đang bấp bênh. Bởi có những thú vui mà đàng sau của nó là tâm trạng bất an bất ổn, là sự đổi thay vô định không được chuẩn bị, đây không gọi là niềm vui chân thật. Trong cuộc đời có những nụ cười ra nước mắt. Hoặc có khi người ta chết đứng, vì quá khổ đau, không còn nước mắt ngôn từ để diễn tả nỗi cay đắng cùng tột trong lòng. Cả hai trường hợp này đều diễn tả sự đau khổ.

Chúng ta nên xem xét trong cái vui của mình, nếu vui theo cảnh duyên bên ngoài thì không phải là niềm vui chân thật. Ngược lại, cái vui nhẹ nhàng xuất phát từ tận đáy lòng, không lệ thuộc bất cứ sự đổi thay nào, đây chính là niềm vui chân thật. Từ đó chúng ta nghiệm thấy lời Phật nói là không sai ngoa. Nếu chạy theo thú vui tạm bợ của cuộc đời thì phải chịu đau khổ, còn biết dừng lại, buông xả các thứ cố chấp thì an vui, hạnh phúc mãi mãi.

Chúng ta đã học bài học này từ lâu rồi, chứ không phải mới đây nhưng vì quên, nên mỗi lần đương đầu với sự đổi thay thì ta khổ. Như ta cũng biết rất rõ thân này có sinh thì có tử, sống chết là lẽ thường, nhưng khi người thân sắp chết ta liền hốt hoảng, than khóc, không ai ngăn được. Tệ hơn nữa, có khi không phải chuyện của mình ta vẫn chảy nước mắt ngon lành. Cho nên thi hào Nguyễn Du đã nói: “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” là vậy. Chúng ta dễ khóc quá. Điều này chứng tỏ lòng mình mềm yếu, không có nội tại vững vàng để đối diện với những dòng xoáy của cuộc đời. Nước xoáy của cuộc đời chính sự chao đảo, gập ghềnh, không ổn của mình. Nó lại liên tục và vô tận. Cho nên rồi chúng ta nói tu mà chẳng tiến được bao nhiêu, bởi sóng đời vây phủ hết rồi. Vì vậy mà ta khổ.

Người tu thiền phải có định, muốn định phải ngồi thiền. Ngồi thiền muốn yên phải buông hết các thứ vọng tưởng. Quả thực hằng ngày ta sống với bao nhiêu là niệm tạp loạn, bây giờ muốn yên phải loại trừ nó ra. Vì vậy đòi hỏi ta phải dừng lại, để thấy sâu lắng hơn, thấy tận căn để của từng vấn đề. Một khi đã thấy được rõ ràng rồi ta mới làm chủ được mình. Đó là lẽ thực trong khi tu.

Hình ảnh những loài thủy tộc dữ dằn dưới dòng sông chính là nghiệp thức cũ lúc nào cũng theo sát, cũng rình rập bên ta. Nếu thiếu sự cảnh giác chúng sẽ ùa vào, đòi lại nợ trước. Tức do cái nhìn không đúng, nên ta đã tạo những nhân không tốt, bây giờ đưa tới kết quả không tốt. Muốn không bị chúng theo đuổi nữa thì ta phải chuyển nghiệp cũ của mình. Do đó lời kêu gọi của các bậc thiện hữu tri thức là khuyên chúng ta phải sửa mình.

Ban đầu, ta chưa thể thực hiện được hết những lời dạy của các Ngài, nhưng từng bước ta tập sửa đổi dần. Dừng được phần xấu dở nào thì tốt phần đó, từ từ đạo lực mạnh mẽ hơn lên, ta sẽ đầy đủ năng lực để chuyển đổi nghiệp xấu của mình. Khi nào chúng ta phát nguyện được: “Con nguyện sẽ gánh hết tất cả những đau khổ trên đời này để mọi người gieo nhân lành được an vui hạnh phúc”, thì chừng ấy xem như ta có thể hoàn thành đại nguyện. Đó chính đại hạnh đại nguyện của Bồ-tát đi vào cuộc đời, mạnh mẽ không gì bằng.

Thường ai cũng mong mỏi cho mình được bình yên, sống vui vẻ thoải mái, ăn ngon ngủ khoẻ, chứ không ai dám thay đau cho chúng sanh cả. Ngay cả những người xuất gia tu hành cũng chưa chắc dám  nguyện như vậy. Sợ lắm. Bởi vì bản ngã chưa được xé toang thì ta không thể quên mình vì người được. Đó cũng chính là nguyên nhân chúng ta tu hoài mà đến bây giờ vẫn chưa được chút an vui giải thoát nào. Cho nên cứ theo vòng nhân quả vay trả, trả vay không có ngày cùng.

Người tu Thiền hay tu theo tinh thần Phật giáo Đại Thừa, thì phải đảm đang, tự khắc tự hứa rằng: Tự mình nỗ lực vươn lên, không thểù cầu khẩn hoặc ỷ lại vào ai hết. Như vậy mới đầy đủ ý chí dũng mãnh tiến đạo được. Ngay cả cha mẹ hay Thầy Tổ cũng không thể thay thế được cho mình. Giả dụ bây giờ đức Phật có thị hiện nơi đây phóng hào quang soi khắp chúng ta, nhưng nếu mình không chịu tu, không chịu chuyển nghiệp, dừng nghiệp thì ta vẫn tối tăm như thường, đừng nói là theo Phật bay đi đâu.

Chúng ta còn chểnh mảng một ngày giờ nào, một phút giây nào tức là ta tự đánh mất mình. Tự đánh mất mình, tự bỏ quên mình nghĩa là ta tự chôn vùi mình. Việc của mình thì mình phải lo, dùng trí tuệ sáng suốt để giải quyết, chứ không thể trông chờ ỷ lại vào bất cứ một thế lực nào. Phải quán chiếu làm sao cho thủng vấn đề, để đừng bị lầm nữa. Chúng ta còn có thời gian để chuẩn bị, nghe được lời kêu gọi chung quanh, tỉnh sáng lên, đừng như những người trên thuyền kia cứ vui chơi, cho đến cuối cùng bị dòng nước xoáy hay quỷ dữ dìm chết.

Con đường luân hồi hết phiên người đến phiên ta. Cha mẹ chết rồi tới anh chị chết, cuối cùng là mình chết… Đó là chưa kể trường hợp đảo lộn người trẻ chết trước, người già chết sau. Rõ ràng không có gì đảm bảo trọn vẹn cuộc đời mình. Như vậy mà ta cứ mải mê vui trong tạo nghiệp nên Phật nói chúng sanh si mê rất đáng thương xót vậy! Thế nhưng đôi khi ta đâu chịu nhận như thế. “Tôi có bằng cấp Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ nọ kia mà mê sao được! Tất cả những định lý định thức, tất cả những hiện tượng mưa gió hoặc nước chảy mây bay… tôi biết hết mà nói không sáng là nghĩa làm sao?” Biết hết mà tử thần tới thì không biết. Như vậy là bất lực, là không biết rồi.

Do không biết nên cứ tạo nghiệp để đưa đến những hậu quả không tỉnh không sáng. Không sáng nên mới lầm lũi trong trầm luân sanh tử hết đời này đến đời khác, quay cuồng trong khổ đau không biết đến bao giờ mới thôi. Khi tóc ngả màu tức là lúc vua Diêm La gởi một bức thư cho chúng ta rồi đó. Thư báo cái già đã đến, nghĩa là gần cõi Diêm La một chút. Nhưng bây giờ chưa đến lúc như vậy, nên thư của Diêm Vương gởi ta cứ lờ đi, không chịu đọc.

Tôi đề nghị quý Phật tử, chúng ta bắt đầu đọc thư của Diêm Vương đi! Chính tôi đang đọc thư của Diêm Vương đây. Trời chuyển mưa hay không chuyển mưa gì, căn bệnh phong thấp nó hành tôi đau nhức như giần. Những lúc ấy, tôi bạch với Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Con đang đọc thư của Diêm Vương đây. Con thấm thía làm sao từng cơn đau! Con mong cho bạn bè đồng chí đồng hạnh với con cũng đang đọc những bức thư như vầy”. Đọc để làm gì? Để thấm thía và chuẩn bị cho mình, đừng chờ tới lúc diện kiến Diêm Vương, ông ta hỏi: “Có nhận được thư không?” Ta ú ớ nói: “Không nhận được” thì trễ lắm rồi. Ta phải tập đọc những bức thư ấy từ khi trên đầu chưa có sợi tóc  nào trắng, da dẻ chưa có chút nhăn nheo, mắt chưa mờ, tai chưa điếc… như vậy mới mong chuẩn bị tinh thần để đối đầu với Diêm Vương.

Đọc như thế để làm gì? Để tỉnh, để chuẩn bị. Nếu trễ tràng quá sẽ không còn kịp đâu, chừng đó đường trước tối tăm mờ mịt, không biết phải làm sao, ai cứu cho mình đây? Không biết những thú vui trên chiếc thuyền giữa dòng sông như thế nào mà người ta quên cả những hiểm nguy đang chờ đón phía trước? Vì vậy họ đã quên hết năm tháng, tuổi tác chất chồng, lưng còng gối mỏi, bệnh tật liên miên… chỉ biết vui chơi, có khi không hẳn là vui chơi mà là đang gây gổ với nhau.

Chúng ta học đạo, biết rõ những hiểm họa như thế thì phải cố gắng tỉnh, chuẩn bị cho mình một niềm vui khác, không phải vui trong vô thường đau khổ như thế. Dù ta chưa gối mỏi lưng còng, nhưng đang ôm cái thân luôn bại hoại trong từng phút giây thì có gì vui thú! Đã thế những gì gọi là của tôi rồi cũng sẽ vụt mất, vậy tại sao ngay bây giờ ta không tập buông đi. Tập buông để được an ổn. Đó là lá thư thứ nhất.

Đến lá thư thứ hai là bệnh tật. Lá thư này không dành riêng cho người lớn tuổi, những người còn trẻ còn khỏe vẫn cứ bệnh. Nhất là thời điểm của chúng ta, có những căn bệnh thầy thuốc phải bó tay, mà bệnh nhân đa số lại là người trẻ. Đang vui tươi khỏe mạnh, khám phá ra bệnh gì đó bất trị, thế là cuộc đời xem như tàn, chỉ còn lại sầu muộn, lo lắng, khổ sở cho đến chết dần chết mòn. Cho nên chúng ta phải đọc trước những lá thư này, để khi đối diện với hiện tượng đó, ta vẫn bình yên.

Đừng nói những bệnh nan y, chỉ như nhức đầu thôi, Bác sĩ nói cần phải chụp hình mới định bệnh được. Nghe vậy là đêm đó xem như mất ngủ: “Chu cha! Không biết có cái gì trong đầu mình không?” Nếu bình tĩnh, biết rõ bản chất của thân này không thật, các chất  luôn chống trái nhau, ta tìm cách điều hòa cho ổn thôi. Phật đã nói thân này như bốn con rắn độc nhốt chung một lồng, chúng cắn nhau là chuyện bình thường. Vì vậy có bệnh ta không sợ, vui vẻ tìm hiểu nguyên nhân sanh bệnh rồi uống thuốc theo sự hướng dẫn của Bác sĩ. Quả thực chúng ta yếu đuối mà lại thích chơi những trò chơi nguy hiểm.

Nếu ta làm chủ được, hoàn toàn hiểu lời Phật dạy, biết thân này không thật, tâm vọng tưởng điên đảo không thật, chúng luôn cấu xé lẫn nhau. Biết rõ như vậy thì còn gì khổ nữa, đằng này Phật dạy một đàng ta làm một nẻo, không bao giờ quán chiếu, chiêm nghiệm đúng như lời Phật dạy. Thế nên phải chịu khổ đau dài dài.

Đến lá thư cuối cùng là cái chết. Có ai thoát được thần chết không? Thế tại sao ta không lo cho mình, cứ vớ vẩn những chuyện thị phi đâu đâu. Những thứ đó làm cho ta bất an bất ổn. Hết nhớ chuyện quá khứ lại nghĩ chuyện vị lai, toàn là tào lao. Vọng tưởng một vòng, cuối cùng nhìn lại đúng là tào lao. Như vậy từ ngày này sang ngày khác, giờ này sang giờ khác, cho nên ta mất mình, ngược xuôi trôi nổi. Tới khi già chết đến, trở tay không kịp. Đây giống như một bản án đã được tuyên án rồi, nhưng ta không có phương gì chống chế.

Ở trên tôi có nhắc đến từ “chuẩn bị”, tức là tôi muốn nói đến công phu tu hành của chúng ta. Thật ra công phu hiện giờ của mình chưa có gì đảm bảo, chưa thể đương đầu nổi với cái chết. Các Thiền sư nói ta phải học đạo, hành đạo, hạ thủ công phu như thế nào để đảm bảo giải quyết được vấn đề sinh tử. Chúng ta chưa giải quyết được vấn đề sinh tử là chúng ta còn trôi giạt trên “dòng sông cuộc đời”. Chúng ta còn ham vui, bỏ qua thời gian quý báu, chưa thực tâm nghiền ngẫm và áp dụng lời Phật dạy, nên chưa giải quyết được việc lớn của mình. Ta không giải quyết được việc của mình, ai có thể giải quyết đây? Không ai giải quyết được. Quý vị đừng đợi đến lúc già bệnh hay chết rồi, thỉnh Thầy đến tụng kinh cầu an, cầu siêu là xong. Không được đâu. Ta phải cầu an cầu siêu cho mình ngay bây giờ. Nên nhớ ở đây không có thời gian nào để hẹn hò, chờ đợi.

Phật dạy bên cạnh cái tâm giả còn có một cái tâm chân thật. Vì mình không nhận, không sống được với tâm thật nên bị tâm vọng giả kéo lôi. Bây giờ làm sao loại bỏ được tâm giả thì tâm thật hiện bày. Đây là vấn đề quan trọng nhất của người tu chúng ta. Muốn thế, trước nhất chúng ta phải lắng nhìn thật sâu các pháp, hiểu rõ vòng nhân quả tương ứng tương báo. Người con Phật phải hiểu luật nhân quả. Không có pháp nào mà không đi từ nhân tới quả. Nhân như thế sẽ đưa đến quả như thế, quả như thế là do nhân như thế. Nhờ đó ta tu từ cái dấy niệm trong nhân, chứ đợi tới kết quả thì chậm mất rồi.

Nếu chúng ta không lắng sâu nhìn kỹ, không thấy rõ lẽ thực của các pháp, thì các hiện tượng quay cuồng trước mắt sẽ làm mình đảo điên theo nó. Như vậy là ta đã mất mình rồi. Thế là cả đời lăng xăng ta không giải quyết được gì cho chính mình. Người muốn an tâm, sống được với chính mình, phải dám buông, dám thấy thủng bộ mặt thật của mọi thứ chung quanh.

Cũng nên lưu ý một điều này, ở cái nhìn nếu chúng ta chỉ nhìn hình thức sơ sài bên ngoài thôi, chắc chắn sẽ bị lầm. Phật dạy: “Người tu Phật phải có con mắt trí tuệ”. Muốn có mắt tuệ, chúng ta phải lắng yên để nhìn thật sâu vào bên trong, mới phát huy được mắt tuệ ấy. Mắt tuệ một khi đã mở sáng, chúng ta mới thấy thủng được mọi vấn đề, thấy một cách sâu sắc và như thật. Ta nên nhớ những món đồ giả chừng nào thì bên ngoài đẹp chừng ấy. Cho nên mới có câu: “Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng”, luôn luôn cái giả trội hơn cái thật. Vì vậy nếu không có con mắt tinh anh thì dễ lầm lắm.

Nghiệm lại trong lòng ta cũng vậy. Những thứ lăng xăng, tào lao luôn nhiều hơn cái chân thật. Ta cứ sống với các thứ hỗn tạp ấy mà bỏ quên của báu nhà mình. Phiền não nhiều thì khổ nhiều. Trong từ ngữ Hán, chữ Phiền (  ) có bộ Hỏa (  ) một bên, bộ Hiệt (  ) một bên. Hỏa tức là lửa, Hiệt tức là cái đầu. Cho nên nguyên chữ Phiền nói lên hình ảnh cái đầu bị lửa đốt. Chữ Não (  ) có bộ Tâm (  ) một bên, còn chữ bên cạnh hình dạng như tả bộ não. Cho nên nguyên chữ Não nói đến cái tâm não không yên. Hai chữ “phiền não” là nói trạng thái tâm không yên, giống như lửa đốt trên đầu. Do phiền não nên khổ, muốn hết khổ phải hết phiền não.

Bây giờ làm sao để hết phiền não? Đây là việc khó chứ không phải dễ. Bởi nhiều đời chúng ta đã huân sâu tập khí phiền não, muốn gột rửa cũng phải bỏ nhiều công sức và thời gian, chứ không thể nhanh được. Ta còn phải biết khai mở con mắt tuệ nữa mới nhìn, hiểu đúng sự thật mà sửa đổi. Ví dụ nghe một điều gì đó bực bội quá, bây giờ muốn hết bực bội phải làm sao? Ta thử đặt trường hợp thế này, có anh chàng không lưỡi nói cho kẻ không tai nghe, thì làm sao phát bực được chứ! Người không lưỡi chửi bao nhiêu mình cũng cười thôi, phải vậy không? Quán sát như thế ta liền hết bực, hết bực tức là hết phiền não.

Thường xuyên chiêm nghiệm, quán chiếu như vậy để cuối cùng chúng ta thấy lời nói không thật, người nói cũng không thật, vậy phiền não từ đâu ra? Chịu khó quán chiếu, chúng ta sẽ nhận chân một cách đích thực, thấu đáo chân tướng của các pháp. Khi nhận ra như vậy rồi, tức là ta đã khai mở được mắt tuệ của mình. Việc này không thể tìm trong sách vở, trong các phương tiện, mà phải soi lại chính mình, tìm nơi mình. Như tôi đã nói đó là tác phẩm của mình, là con đẻ của mình. Chính ta sinh sản ra rồi chính ta bỏ nó, chứ không phải ai hết.

Những ước vọng hay nói cho cùng là những tham vọng đều bắt nguồn trong ta. Cho nên bao giờ dừng được nó thì ta mới sắp đặt được cho đời mình, hay nói đúng hơn là làm chủ được mình. Phật nói tham dục tức những mong muốn tham chấp là gốc khổ. Trong cuộc sống lúc nào chúng ta cũng ước mơ. Có những ước mơ đúng với chánh pháp, có những ước mơ sai với chánh pháp. Làm sao ta nuôi dưỡng những ước mơ giúp ích cho hướng tu tập của mình, ngoài ra những ước mơ đưa đến tham lam, sân hận… thì phải loại bỏ ngay.

Ví dụ trời đang nóng nực, mồ hôi nhễ nhại ta liền ước mơ “Phải chi trời có một chút gió thì mát biết mấy!” hoặc “Phải chi có cái quạt máy nhỏ thì khỏe biết mấy!”, hoặc “Phải chi có một dòng sông cho ta bơi lội thì thích biết mấy!” Những cái “phải chi” đó không được đáp ứng thì ta nghe ray rứt, khó chịu tức là trong lòng bất ổn rồi. Với những ước mơ như vậy, ta biết sẽ đưa đến khổ đau thì loại bỏ nó đi. Trong kinh Phật dạy phải tri túc, biết đủ thì hết khổ.

Bây giờ tới ước mơ muốn hết khổ, muốn giác ngộ giải thoát như Phật. Đó là ước mơ tốt. Với ước mơ này ta nên nỗ lực thực hiện cho thành tựu. Tức là chúng ta làm sao dừng bớt được những tham dục, sân hận, si mê nơi mình. Sống biết đủ thì cuộc sống luôn bình ổn. Luôn giữ ý chí và tinh thần sáng suốt, tỉnh giác, nghĩa là phải tu trong từng sát na, từng tâm niệm. Người xưa nói làm việc gì một nắng mười mưa thì không thành, giả như có thành cũng thành công trong sự non kém. Giống như trồng cây, tưới một lần rồi bỏ đó, mười ngày sau mới tưới lại, nếu nó sống cũng chỉ sống èo uột, không phát triển gì được.

Sự tu tập của chúng ta cũng vậy, phải làm sao giữ được tâm niệm tốt, luôn hướng về Phật pháp, vì sự tu hành của chính mình, bỏ qua tất cả những chuyện tạp loạn. Giữ được như vậy, tùy hoàn cảnh, khả năng mà thăng tiến, nhất định sẽ có kết quả. Nhiều Phật tử nói với tôi: “Tu khó lắm Thầy ơi!”, tôi có bảo dễ bao giờ đâu. Nếu dễ thì chúng tôi thành Phật hết rồi. Nhưng có điều, nếu chúng ta giữ được đạo tâm kiên cố thì có thể chuyển khó thành dễ. Đi chậm mà ngày nào cũng đi, nhất định sẽ đến nơi; còn người đi nhanh nhưng chỉ được một quãng, rồi dừng chân hoặc thụt lùi thì khó mong đến đích.

Ngài Đại An trước khi là một Thiền sư nổi tiếng, đã đến với Tổ Bá Trượng. Một hôm, ngài thưa với Tổ:

- Học nhơn muốn biết Phật, thế nào mới phải?

Tổ trả lời:

- Hệt như cưỡi trâu tìm trâu.

Ngài hỏi tiếp:

- Sau khi biết được rồi thì làm sao?

- Như người cưỡi trâu về nhà.

Ngài hỏi tiếp:

- Chưa biết bảo nhiệm thế nào?

- Như người chăn trâu, tay cầm roi, mắt dòm chừng, chẳng cho nó phạm vào lúa mạ của người.

Từ khi nắm được yếu chỉ này, Ngài chẳng còn tìm cầu đâu nữa.

Ý chỉ này ở đâu? Khi Ngài hỏi cách làm Phật, cách hết khổ, thì Tổ trả lời: “Hệt như người cỡi trâu tìm trâu”. Tức người đang an lạc, đang giải thoát, mà cứ kêu cầu cứu khổ. Ngài lại hỏi: “Khi biết được rồi thì làm sao?”, Tổ bảo: “Như người cỡi trâu về nhà”. Biết đó là nguyên nhân khổ thì đừng gây nhân đó, buông đi là hết khổ chứ có gì đâu. Rõ ràng như vậy. Đây là những việc hết sức thông thường. Muốn người ta đừng chửi mình thì mình đừng chửi người ta. Muốn thiên hạ thương mình thì mình phải thương họ. Cũng vậy, muốn hết khổ thì đừng bày nhân khổ.

Kế Ngài hỏi: “Phải bảo nhiệm thế nào?”, nghĩa là con phải tu làm sao. Đây, Tổ dạy cách tu “Như người chăn trâu, tay cầm roi, mắt dòm chừng, chẳng cho nó phạm vào lúa mạ của người”. Chúng ta thấy tu học như các Ngài khỏi tụng kinh, khỏi nghe giảng, khỏi ngồi thiền, nghe dễ dàng làm sao! Nhưng với điều kiện phải chăn con trâu của mình thật kỹ, đừng để nó chạy rong, phạm vào lúa mạ của người. Hay nó không chịu đọc thư Diêm Vương, mình phải kéo lại, biểu nó “Đọc thư Diêm Vương đi”.

Hôm nay chúng tôi chọn đề tài “Quán niệm cuộc đời”, để nói lên những nỗi khổ trong hiện đời của chúng ta, do tự mình gây chứ không phải ai cả. Cuối cùng nguyên tắc để giải trừ những nguyên nhân đó, giống như người chăn trâu. Phải có dây, có roi mới xỏ mũi được con trâu. Mỗi khi nó liếc ngó, phạm vào lúa mạ của người thì “quất”, kéo nó trở về đường ngay, lối thẳng. Đừng nghĩ rằng học Phật pháp nhiều, hiểu Phật pháp nhiều mới gọi là tu. Không phải. Có khi hiểu nhiều làm chướng cho chúng ta thêm. Chính yếu là biết áp dụng Phật pháp vào đời sống hiện thực của mình. Như vậy mới đối đầu được với những trở lực của cuộc đời.

Vậy thì ngay bây giờ chúng ta bắt tay ngay vào việc chăn trâu. Chúng tôi chăn trâu, quý vị cũng chăn trâu. Nhất định chúng ta sẽ thuần hóa được con trâu hoang của mình, sẽ hết khổ. Chúc quý vị thành công.

[ Quay lại ]