ĐƯỜNG XƯA
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 26 Tháng Hai 2010 13:04
Hôm nay ngày Rằm Thượng ngươn tức Rằm tháng giêng. Thiền viện Thường Chiếu chúng tôi cũng thể theo tín ngưỡng dân tộc cúng Rằm. Nhưng ở đây cúng Rằm rất đơn giản, quan trọng là nói chuyện đạo lý cho quý Phật tử hiểu, để áp dụng vào đời sống của mình. Hiểu và áp dụng được Phật pháp tức là chúng ta đã dâng lễ cúng Rằm cho Tam Bảo.
Ở đây chúng tôi muốn nêu lại phương hướng giáo dục của người xưa nên buổi nói chuyện hôm nay lấy tên là Đường Xưa. Tại sao tôi chọn đề tài đó? Vì tôi thấy người xưa không rườm rà như chúng ta. Giáo dục, đời sống, tư cách… mọi thứ về con người đều không màu mè như chúng ta bây giờ, nhưng phẩm chất bên trong lại rất tốt. Ngày xưa nói tu thì có người đạt đạo ngay trong đời này. Đạo mang lại một lợi ích lớn lao thiết thực cho những ai thực sự dụng công tu tập, do đó đạo pháp đóng góp được rất nhiều việc công ích cho xã hội, cho con người.
Phật giáo đã truyền vào Á Đông qua các thời kỳ và có được những kết quả ngày hôm nay, phần lớn do sự sáng suốt linh động của các bậc cổ đức. Việt Nam chúng ta qua những thời kỳ đạo Phật du nhập cũng đã có những thành quả đáng kể đối với tổ quốc và dân tộc mình. Tăng Ni Phật tử thời ấy nói tu tức là có kết quả, có phẩm chất tốt đẹp. Nói học đạo, hành đạo là thật sự có học có hành, chứ không phải nói suông. Chính bản thân họ hưởng được giá trị đó và tích cực đóng góp cho xã hội cho nhân loại.
Trong hoàn cảnh chúng ta bây giờ, việc học đạo và hành đạo tuy không thể giống hệt như người xưa, nhưng cần phải noi theo tinh thần của các Ngài. Điều này sẽ un đúc cho chúng ta thành một Phật tử xứng đáng. Bởi vì một người tu trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất định cũng phải có phẩm chất, để từ đó tỏa ra một đạo đức mang lại sự ích lợi cho đời.
Như tôi đã nói, các bậc tiền bối đi trước chúng ta có một đường hướng giáo dục quả thật giản dị, không rườm rà như mình, mà thành công rất lớn. Như trong sách ghi lại, một Thiền tăng rất bình thường, ăn mặc giản dị, có thể là hơi quê một chút. Buổi sáng nọ Thầy đi ngang cánh đồng quê, thấy một ngôi miếu khói hương nghi ngút, thiện nam tín nữ đông đảo, ai nấy đều mang hương quả, nhang đèn tới dâng cúng. Vị Thiền tăng này cũng đến đó xem thử, Thầy chẳng thấy gì ngoài ba viên gạch kê lại. Đúng là miếu ông Táo rồi.
Thầy bước vào trong, lấy gậy gõ vào ba miếng gạch nói: “Chỉ ba viên gạch nung kê lại, linh hiển ở chỗ nào?”. Nói xong, ba viên gạch ấy đổ sụp xuống. Thầy liền rảo bước đi. Đi một đoạn, Thiền tăng thấy một người mặc y phục chỉnh tề, đẹp đẽ, đến trước thưa: “Kính bạch Ngài, Ngài đã vì con ban cho bài pháp “phá ngã” khiến con đạt được lý vô sinh, thoát khỏi kiếp Táo chôn vùi trong ba viên gạch đó. Con xin được đảnh lễ tạ ơn Ngài”.
Bài thuyết pháp của vị tăng nghèo này là gì? Ngài không thăng tòa cũng không nói kinh điển gì lạ, chỉ gõ vào ba viên gạch nói: “Chỉ là ba viên gạch kê lại, linh hiển ở chỗ nào?” Nếu không linh hiển, tại sao dân làng hương khói lễ cúng như vậy. Chính câu nói của Thiền tăng khiến cho chủ nhân ba viên gạch đó nhận ra sự mê muội của mình, nhận ba viên gạch tạm bợ chẳng ra gì là “Ta”, rồi lại chấp giữ, theo đó ra oai tác quái khiến mọi người nể sợ. Vì vậy khi nghe linh hiển ở chỗ nào, thần Táo liền tỉnh. Từ lời khai thị độc đáo đó, thần Táo nhận ra lý vô sinh. Các pháp vốn đã như thế, cái gì là linh hiển, ba viên gạch linh hiển hay cái miếu linh hiển? Quả thật nghiệm cho cùng chẳng có gì thật hết. Đã thế, bám vào đó làm gì?
Chúng ta cũng vậy, gá vào thân tứ đại giả tạm mà lại chấp cho là mình, ai đụng đến cũng không được. Ôm giữ chấp chặt như vậy từ đời này sang đời khác, kẹt vướng quay cuồng trong đó không thể thoát ra được. Chúng ta thử nghiệm xem thân này là thật, tâm này là thật? Hoàn cảnh, danh vọng, tiền tài là thật? Cái gì là thật? Đã không có cái thật, tại sao chúng ta lại chết ở trong đó? Sao không biết mình còn có một cái chân thật thênh thang rộng lớn hơn nhiều, chứ không phải một chút nhỏ nhoi hư giả ấy.
Nếu thấy được cái không thật, cái rỗng không của các pháp, chắc rằng chúng ta không còn bị ràng buộc gì nữa, ta sẽ giải thoát, đi lại thênh thang tự do không vướng mắc bởi bất cứ thứ gì. Trái lại nghe người ta nói lời biếm nhẽ mình tức giận buồn phiền, rồi toan tính trả thù thế này thế nọ là tạo khổ cho nhau. Hoặc nghe người ta ca tụng mình thấy sung sướng, vui thích dù lời ca tụng ấy không hẳn là đúng. Từ đó người ta tìm cách tâng bốc mình lên, để cuối cùng chỉ là lợi dụng lẫn nhau thỏa mãn lòng tham thôi. Thế gian này khổ là vì bao nhiêu đó việc.
Cho nên Phật nói chúng sanh khổ là do khởi niệm, do lầm nhận các pháp. Người con Phật phải bình tĩnh khi bị hủy nhục cũng như được ca tụng, ta luôn giữ tâm bình thường. Nếu người ta hủy nhục đúng thì đó là những bài học quý báu để mình phấn đấu, cố gắng khắc phục những cái dở, vươn lên cao đẹp hơn. Còn những điều hủy nhục đó là xuyên tạc thì ta nắm chắc không đúng sự thật, buồn giận làm chi cho tổn tâm thể? Biết tu như vậy thì trở về với chính mình không khó.
Pháp tu này giản dị, không có gì rườm rà, không văn từ ngôn ngữ cao siêu khiến ta bận lòng suy nghĩ. Chỉ thẳng lẽ thật giản dị như vậy. Cho nên trong công phu tu tập, càng bớt những hình thức rườm rà càng gần với đạo. Tinh thần giáo hoá của người xưa như thế đã giúp hành giả nhận ra lẽ thật rất mau chóng. Nhận được thì nhận, không nhận được thì thôi; không cò kè thêm bớt hay lý luận giải bày gì cả. Vì vậy hành giả khỏi phải nặn đầu bóp trán, bởi càng vận dụng não bộ thì càng suy nghĩ. Càng suy nghĩ thì càng xa. Điều này đối với người tu thiền rất cấm kỵ, không cho suy nghĩ. Bởi suy nghĩ là loạn tưởng điên đảo, chứ chẳng phải chân lý.
Chân lý Phật dạy phải được thể nghiệm bằng trực giác, trong đi đứng nằm ngồi, nói năng động tịnh, chứ không phải trong luận bàn đúng sai. Nghĩa là khi tâm ta chưa yên thì những sắp đặt, suy nghĩ, nói năng đều không đúng lẽ thật. Thiên hạ lại chấp cho cái suy nghĩ của tôi là đúng, ai đụng tới không được. Đây chính là nguyên nhân phát sinh sự tranh đấu. Bởi ai cũng chấp giữ cái nghĩ, cái thấy của tôi là đúng nên rồi công kích lẫn nhau để bảo vệ cho “cái của mình” đó.
Hiểu như vậy, chúng ta có thể thu ngắn lại con đường tu đạo của mình, không mất thì giờ mà kết quả lại nhiều. Ta chỉ xoay lại mình, chỉnh đốn những sai lầm, tăng trưởng những điều tốt đẹp đúng chánh pháp. Rọi ra ngoài làm chi, mất thời giờ, hao tổn khí lực vô ích, có lợi lạc chi đâu. Chúng ta tu hoài không thành Phật lỗi tại hướng ra ngoài lo chuyện thiên hạ, trong khi chính mình, mình lại không biết. Có đáng trách không? Phật tử chân chính là dừng tâm hướng ngoại, mà soi lại chính mình xem dở chỗ nào, cần phải khắc phục, phảøi tu tiến ra sao. Lục Tổ ngày xưa đã dạy “Nhìn thấy lỗi người là lỗi của mình đã bên cạnh”. Phương pháp này ở đâu chúng ta cũng có thể áp dụng được, không đợi phải đến chùa mới tu được. Áp dụng như vậy quý vị sẽ thấy mình tu được một giờ thì an ổn một giờ, tu được một ngày thì an ổn một ngày.
Nếu Phật tử nặng về hình thức cầu cúng bên ngoài, thì kết quả chẳng được bao nhiêu, nếu không nói là dễ rơi vào tà kiến. Trong kinh dạy: “Đản tình bất phụ vật, vật khởi ngại nhơn” nghĩa là nếu tình không gá vật thì vật há ngại người. Nếu ta không dấy khởi loạn tưởng lăng xăng, đặt vấn đề thế này thế nọ, thì các pháp tự nó như thế, không có gì trở ngại đến ta. Sở dĩ nó trở ngại mình là do ta bám vào nó. Ví dụ như đêm tối nhá nhem, quý vị đi trên đường thấy một vật dài dài nằm dưới đất. Nếu bình tĩnh nhìn kỹ thấy đó là sợi dây thừng thì không có chuyện gì xảy ra. Nhưng vì không bình tĩnh cộng thêm vọng tưởng, quý vị tưởng đó là con rắn nên hốt hoảng la toáng lên. Rồi thì nào là nó le lưỡi, chốc đầu, phóng mổ vào mình… nghĩ tưởng một hồi bất tỉnh nhân sự luôn. Té ra chỉ là sợi dây thừng! Rõ ràng chỉ đổi một cái nhìn là toàn bộ cuộc diện thay đổi hết. Cho nên các Thiền sư bảo phải nhìn thấu lẽ thực mới có thể sống thực được.
Đạo là chân thật, chúng ta tô vẽ nhiều lớp xanh đỏ quá thành ra mất đạo. Làm việc chi mà không tỉnh táo sáng suốt thì trước sau gì cũng thất bại. Vì lầm mà thất bại. Ở đây Phật dạy: Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu ở nơi tâm. Tâm nếu không dấy động, yêu ghét do đâu khởi? Cảnh duyên thật sự không có tốt xấu. Như cây tùng nó không tự nói tôi là loài tùng quý, cũng không bảo ta phải trồng, phải quý trọng nó. Nhưng tự mình phân loại, cây tùng này đem từ bên Tàu bên Nhật về, quý lắm. Phải trồng trên cao nguyên xứ lạnh mới xứng với nó v.v… Thế là đủ chuyện vẽ vời. Người học đạo không nên như vậy, làm sao thấy được thật chất của các pháp. Thành ra nói cảnh duyên tự nó không có tốt xấu gì hết, tốt xấu là do nơi tâm của con người.
Chúng ta tu là trở về tâm thể của mình, cho nên ta thường nghe nói tu tâm. Nếu tâm mình còn lăng xăng thì phải dừng lại, tâm mình còn nghĩ xấu nghĩ tốt về thiên hạ thì phải bớt đi, tâm còn vướng mắc những cảnh duyên bên ngoài thì nên dứt bỏ. Nói tóm lại tâm chưa yên thì phải làm cho yên. Tâm yên tức là Đạo hiện tiền. Vì tâm là chúa tể, là chủ muôn pháp. Nhưng đôi khi có ai hỏi “Tâm là cái gì”, tôi cũng không biết. Làm sao nói được cái không hình không tướng đó!
Người nào chạy ra ngoài thì không sống được với tâm đó. Người nào không gá nương, không mắc kẹt các cảnh duyên, thì sống được với tâm ấy. Tức là sống được với cái linh thể sáng suốt, cái bản lai diện mục của chính mình. Đó mới là cái chân thật. Nếu tâm đừng dấy khởi, đừng vướng mắc, đừng gượng ép… thì yêu ghét từ đâu mà có? Ví dụ như ta nhìn một vật gì hay một đối tượng nào đó, ta thấy thích hợp với mình liền khởi niệm thương hay thích, muốn cái đó thuộc về mình. Đó là khởi tâm ái. Tâm này đã khởi, nó sẽ không để mình yên đâu. Bởi khi muốn điều gì, ta nhất định phải làm cho được. Do đó phải toan tính, sắp đặt thế nào để có được và giữ được những gì mình thích. Khổ lắm!
Phật nói chưa được muốn cho được nên khổ, được rồi giữ cho đừng mất nên khổ, khi mất không còn giữ bên mình được nữa nên khổ. Như vậy cả ba thời đều khổ. Làm sao sống được với tâm tĩnh, giác tuệ của chính mình, an ổn thực sự mới không khổ. Các pháp bản vị của nó là như thế. Cái cây như thế, cái nhà như thế, con người như thế, sự sống như thế, ta đừng chen vào đó mà tự chuốc lụy. Được vậy dù không muốn an ổn ta vẫn an ổn như thường. Nói thì dễ nhưng làm rất khó, cần phải bền lòng vững chí lắm mới được.
Quý vị thấy trong Thiền viện rất nhiều cây cảnh, phải không? Chúng đâu phải từ trên trời rớt xuống đây với những hình dáng như thế, cũng phải có công phu chứ. Chúng tôi đào tìm ở nơi khác đem về trồng, rồi phải tưới, phải săn sóc, phải giữ gìn nó mới được như thế. Việc tu cũng vậy, phải có công phu. Công phu một cách liên tục và đúng đắn. Mảnh đất tâm tuy đã sẵn, nhưng nếu chúng ta không chăm bón, để cỏ rác lấp đầy thì làm sao phát sanh hoa trái được.
Thiền chính là một phương thức sống không vướng mắc bên ngoài, không ngược xuôi theo tâm tưởng viển vông, mà sống lại với chính mình, với tâm an ổn thực sự. Nên người xưa nói: “Tâm tự nhiên chẳng bôn ba theo cảnh, thì cảnh tự nhiên chẳng lôi kéo tâm đâu”. Câu nói thật giản dị. Tâm mình nếu không bôn ba chạy theo các cảnh duyên bên ngoài, không vướng mắc vào đó, thì làm gì cảnh duyên bên ngoài kéo lôi được tâm mình. Khi ta nói “tu khó quá” là biết mình còn vướng mắc, còn chạy ngược xuôi ra ngoài, nên mới tu không được.
Bây giờ ta dừng lại, đừng vướng mắc, đừng chạy ra ngoài nữa tức là tâm an ổn. Như thế tu đâu có khó, chỉ tại mình không quyết tu thôi. Hiện nay chúng ta sống bằng tâm vọng, tâm phân biệt thế này thế kia. Nhưng đó đâu phải là tâm ta. Khi biết mình đã lầm thì phải chỉnh tu ngay, sống trở lại với tâm thật của mình chứ. Đây là việc chính của người Phật tử muốn tu học chánh pháp. Vì vậy chúng ta phải nỗ lực, gắng tỉnh gắng sửa đổi những sai lầm của mình. Có thế việc tu tập mới mong đạt được kết quả tốt.
Tổ Đạo Tín lúc còn nhỏ theo Tam Tổ Tăng Xán cầu pháp môn giải thoát. Tổ Tăng Xán không dạy gì, chỉ hỏi: “Ai trói buộc ngươi?” Ngài Đạo Tín sựng lại, thưa: “Bạch Hòa thượng, không ai trói buộc con”. Tam Tổ bảo: “Vậy cầu giải thoát làm gì?” Ngay đó ngài Đạo Tín liền ngộ đạo.
Quý vị thử nghiệm xem ai trói buộc mình? Quả thực không ai trói buộc mình, tự mình trói buộc mình thôi. Thành ra vừa nghe câu hỏi này là ngài Đạo Tín có tỉnh rồi. Nên khi Tam Tổ nói: “Cầu giải thoát làm gì?” Ngài liền ngộ đạo. Ngộ rồi thì rõ biết tâm vốn rỗng rang sáng suốt, không gì có thể trói buộc được. Do tâm rỗng rang sáng suốt nên ta đến với mọi người dễ dàng, không còn bỉ thử ta người nữa. Bấy giờ cảm thông được với tất cả các cảnh duyên và chứng nghiệm thấu đáo vạn pháp nhất như, tất cả đều không ngoài bản tâm thanh tịnh bất sanh bất diệt.
Cho nên khi liễu ngộ rồi, tự nhiên tâm lượng bao dung, không còn chấp nê, không còn thương người này ghét kẻ kia. Đến đâu, lúc nào, ta cũng cảm nhận được sự chan hòa giữa mình và mọi người, mọi cảnh vật chung quanh. Đây chính là lối sống của các Thiền sư. Tôi nói như vậy để chúng ta cố gắng, nhưng đừng nghĩ chỉ có Thiền sư mới sống được như thế, còn mình vô phần. Đức Phật đâu không nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, vô phần sao được? chỉ tại mình không dám nhận lấy, nên mất lòng tin và khiếp nhược như vậy.
Ở đây, chư Tổ dạy thật ngắn gọn mà cũng thật thấu thoát. Một khi học nhân nhận được rồi thì muôn đời không quên. Các Ngài cũng là con người, cũng có sự sống như mình, cũng đi học đạo nhưng sao lại mau chứng ngộ? Đó là vì Thầy trò người xưa đều giản dị, không rườm rà như chúng ta hôm nay. Cho nên Tổ Tăng Xán nói: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch” (Tín Tâm Minh), nghĩa là chỗ tột cùng của đạo không khó, chỉ ngại vì giảng trạch nhiều quá nên không thấy được đạo. Một câu nói này, một bài thuyết pháp giản dị như vậy thôi cũng đủ cho các Ngài ngộ đạo rồi. Điều này chúng ta phải tự nhắc nhở lấy mình.
Chuyện kể về một chàng thanh niên đến thưa với Thầy mình:
- Ông già con năm nay bảy mươi ngoài rồi, mà không hiểu sao ông mê tiền kinh khủng. Chúng con khuyên: “Ba già rồi bỏ hết đi, lo niệm Phật cho khỏe”. Ông bảo: “Niệm Phật mà té tiền té bạc thì tao mới niệm. Còn không thì thôi, đừng nói với tao chuyện đó nữa”. Cúi xin Thầy chỉ dạy làm sao để ba con tỉnh tâm tu hành.
Vị Thầy bảo anh chàng tìm cách dẫn ông già đến gặp mình. Quả thật, anh ta dẫn được ông già đến. Thầy hỏi:
- Ông còn thích chuyện làm ăn chứ?
Ông già đáp:
- Phải rồi, tôi còn sống thì còn phải ăn uống nọ kia, bao nhiêu thứ chi xài. Không làm ăn tiền đâu mà xài.
Thầy nói:
- Được rồi. Bây giờ mỗi ngày ông niệm Phật, cứ một chuỗi là một quan tiền, được bao nhiêu chuỗi ghi vào sổ. Chiều đem đến đây cho tôi xem, niệm được bao nhiêu tôi sẽ trả tiền bấy nhiêu, chịu không?
Ông già vui vẻ:
- Vậy thì được, tôi sẵn sàng.
Hai bên trao đổi với nhau đâu đó đàng hoàng, thế là ông già bắt đầu niệm Phật mỗi ngày, không cần con cháu nhắc nhở chi cả. Ban đầu ông đến chùa lãnh tiền đều đặn, từ từ thưa dần. Người con lấy làm lạ thưa với Thầy mình:
Sao lúc này Ba con ít đến Thầy nhận tiền nữa?
Vị thầy bảo:
Không sao đâu. Con cứ yên tâm.
Thời gian sau, ông vẫn ngồi niệm Phật nhưng không còn đến Thầy nữa. Chàng thanh niên hoảng sợ, không biết ông già có trục trặc gì chăng, liền chạy đến cầu cứu Sư phụ. Thầy anh bảo: “Con đưa thầy về nhà gặp ông cụ đi”. Thế là hai thầy trò dẫn nhau về nhà. Tới nơi, nhìn thấy thần sắc ông già tươi nhuận nghiêm chỉnh, đôi mắt khép hờ, thân bất động, hơi thở điều hòa. Vị Thầy vui mừng nói với đệ tử: “Ba con đã nhập chánh định, an trụ trong chánh niệm, không còn gì có thể kéo lôi ông được nữa, huống chi là tiền! Thôi, thầy về đây”. Người con vui sướng khôn tả, đảnh lễ tạ ơn Sư phụ đã độ được ba mình.
Quả thật sau một thời gian miên mật niệm Phật, ông già đã đạt được trình độ nhất tâm. Chúng ta mới thấy người xưa đã khéo dùng mọi thủ thuật để độ người, mà không cần phải lý giải dài dòng gì cả. Phương thức giáo dục của các Ngài giản dị như vậy, từ ngay những nghiệp tập, những thói quen bình thường mà các Ngài hướng dẫn, chuyển hóa hành giả vào Đạo. Ông già bất đắc dĩ ngộ nhập được niệm Phật Tam muội, thế là tiền tài danh lợi đồng một lúc biến thành tro bụi. Ông đã thực sự an ổn.
Trở lại việc học đạo, hành đạo của chúng ta ngày nay. Qua những câu chuyện trên, chúng ta học được điều gì? Người xưa nói: “Học đạo là học lối mòn của vọng tâm, của ý niệm Ngã và ngã sở”. Sở dĩ có Ngã và có “của ngã”, là vì có những vọng động, lăng xăng, vướng mắc ngược xuôi, cho nên ta mới học đạo. Bây giờ tất cả những thứ đó lắng hết, như ông già khép mắt, yên ổn trong tư thế thực sự thoải mái, hơi thở điều hòa, mọi thứ ràng buộc từ lâu nay được buông xuống hết, thì việc học hành đạo cũng không còn nữa. Từ đây về sau có thứ gì kéo lôi ta nổi nữa mà phải dụng công đuổi trừ. Cho nên khi vị Thầy nhìn thấy ông già ở trong trạng thái thân an tâm lạc, là biết nhiệm vụ của mình đã xong, nên Ngài nói: “Thôi, thầy về đây”.
Học đạo đến được chỗ này thì khỏi phải cúng rằm nữa, khỏi phải đốt hương lạy Phật gì hết. Bởi đâu còn gì vướng mắc trong lòng, đâu còn bất an bất ổn nữa mà cầu cúng! Bấy giờ ta là Phật rồi, lại đi cầu Phật cúng Phật nào nữa? Sở dĩ chúng ta còn ngồi Thiền là vì mình chưa Thiền, chứ nếu đã chứng Thiền hết không nhất thiết phải ngồi. Đi đứng động tịnh gì cũng là Thiền cả. Vì ta chưa bình ổn nên mới có các thứ pháp môn tu tập để khép mình tĩnh lặng. Chứ tâm đã an rồi thì lúc nào mà chẳng tự do tự tại, đâu có gì trói buộc, nên khỏi phải cầu giải thoát, thiền định chi cả. Cho nên pháp tu của nhà thiền là tu ngay vọng tưởng, phải từ những ý niệm lăng xăng, chấp trước điên đảo của mình mà chuyển hóa, cho chúng lặng xuống, trở về chánh niệm.
Phật tử cần hiểu rõ điều này để giảm bớt những hình thức rườm rà, chúng ta đi thẳng vào vấn đề, tu học phải như vậy. Tâm mình chưa bình tĩnh, chưa sáng suốt thì phải tu trong lúc đang phiền não. Nhìn thẳng vào phiền não xem nó từ đâu đến, nó là gì. Nhìn thấu được là ta đã có tuệ, có định. Định Tuệ hiện tiền thì không còn lầm nữa. Không lầm bởi những ý niệm lăng xăng của mình, là chúng ta đã giải thoát phân nửa rồi đó. Ví dụ ta ngồi đây làm việc mà nghĩ tưởng việc hôm qua rồi buồn rồi tức, thế là trong một lúc ta làm hai việc: ngồi tại đây mà có một sân khấu cho riêng mình và một sân khấu cho hiện trường. Như vậy làm sao an ổn được. Vì sự sống đã bị chia cắt bởi ý niệm, ý thức.
Trong kinh ví ý thức như con khỉ, không khi nào ngồi yên. Hết gãi đầu tới gãi bụng, bứt lông bứt tóc, móc tay móc chân, con mắt láo liên không yên. Tình cảnh sống của chúng ta cũng vậy, những tâm niệm, những ý thức dấy khởi liên tục, hết bám cái này tới vướng cái kia, tơ tưởng mông lung, đủ thứ chuyện tào lao trên đời hết. Như vậy mà lạy Phật, xin Phật cho con yên có phải làm khó cho Phật không? Phật có bắt nó nhảy hồi nào đâu mà bây giờ xin Phật cho được yên. Tự ta dấy động thì tự ta dừng, chứ Phật đâu thể đưa tay chân của Ngài vào thân ta được, làm sao yên giùm mình đây?
Chỉ cần dừng lại, đừng múa máy quay cuồng nữa thì con khỉ của ta tự yên, đâu cần phải xin Phật. Như khi ngài Đạo Tín thưa với Tổ Tăng Xán: “Xin Hòa thượng ban cho con pháp môn giải thoát”, Tổ hỏi: “Ai trói buộc ngươi?” tức là chỉ thẳng vậy. Khi ta nhận lại thì biết chính con khỉ ý thức của mình trói buộc mình chứ còn ai nữa. Biết được thủ phạm rồi thì ngay thủ phạm mà trừ thì được an ổn thôi. Thành ra nói đến tu là nói đến sự sáng suốt, bình tĩnh, không còn lầm mê vướng mắc bởi ý niệm và các cảnh duyên bên ngoài.
Chúng ta cũng nên lưu ý khi nói đến hành đạo là phải thực hiện ngay, chớ đừng hẹn lần hẹn lựa ngày này ngày nọ. Đừng nguyện với Phật: “Năm nay con ráng làm ăn khấm khá, rồi năm tới sẽ tu”. Không được đâu. Biết bao giờ khấm khá cho vừa túi tham, đó là chưa kể quỷ vô thường hỏi thăm sức khỏe bất cứ lúc nào. Có ai nguyện mà được đâu? Ít lắm. Cho nên mình nói tu là phải tu ngay bây giờ, sửa đổi những điều dở trong ngay trong cuộc sống. Nhớ là sửa của mình thôi, chứ đừng sửa của người khác.
Mỗi lần nghe những điều trái tai gai mắt, ta vẫn bình thường tức là đã có sức mạnh. Mỗi lần như vậy là mỗi lần tăng thêm sức mạnh. Luôn quán sát lại mình, chỗ nào sai thì sửa đổi, không sai thì thản nhiên, không phiền giận. Như vậy lúc nào ta cũng tu được hết. Đó chính là tư cách của người con Phật.
Thật ra, với người đã hiểu Phật Pháp thì những tranh đua, lợi lộc, tiền tài thế gian không còn hấp dẫn nữa. Ví dụ hồi hai ba mươi tuổi mình ăn nhiều, ngủ nhiều, đi chơi nhiều không thấy mệt. Nhưng đến ngoài năm mươi rồi, một đêm mất ngủ là trong người quạu quọ, hoặc vả có chuyện vui cũng ngủ không được rồi sanh mệt. Tóm lại, không có cái nào yên, buồn đã khổ mà vui cũng không xong. Rõ ràng tuổi đó là tuổi sức khỏe nó không còn cho phép mình nữa. Đó là bức thư thứ hai thứ ba của Diêm Vương gởi tới báo cho mình biết sắp đoàn tụ với tử thần rồi. Thấy rõ như vậy còn gì nữa mà ham thích.
Trong sự tu hành cần phải dứt khoát, đừng để công việc bu bám hoài, làm sao tu được? Cả đời buông xuôi như vậy thì uổng lắm. Trong từng phút giây ta áp dụng pháp tu, hoàn cảnh nào cũng tu. Lâu ngày công phu tự nhuần nhuyễn, chạm duyên xúc cảnh chúng ta có đạo lực hồi nào không hay. Như trước kia ta chưa biết gì về Phật Pháp, gặp việc trái ý, sân giận bực tức không kềm chế nổi. Nhưng từ khi biết Phật pháp, quy y Tam Bảo, ta thay đổi dần. Bây giờ gặp việc bình tĩnh hơn, dễ buông bỏ tha thứ hơn. Đó chính là do công phu tu tập mà ra. Học hiểu Phật pháp rồi, chúng ta biết hóa giải phiền não chính là phương pháp chuyển nghiệp. Nghe tiếng chửi như uống cam lồ, hớp từng ngụm thấy ngon, như vậy là tự tại đi trong cuộc đời được rồi. Được thế, quý vị khỏi phải tới chùa hỏi thầy: “Không biết con tu tiến không?”
Phật tử chúng ta phải làm sao bỏ những hình bóng giả tạm bên ngoài, quay về sống thực với cái thật của chính mình. Sống thực được rồi có người hỏi: “Tu thiền thế nào?”, ta cười thôi. Tất cả những bài kinh đều nằm trong cuộc sống của mỗi người, tự chúng ta chiêm nghiệm lấy mà thôi. Không cần nói tu thiền phải bình tĩnh, sáng suốt, đừng vướng mắc cảnh duyên v.v… Thiền chính là cuộc sống tỉnh thức của chúng ta.
Vận dụng được những phương thức giản dị của người xưa là lối trở về với chính mình nhanh nhất. Cho nên chúng ta học những kinh nghiệm quý báu của các Ngài để có một phương hướng tu tập tốt. Tuy nhiên học không chưa đủ mà từng bước quay về ứng dụng cho bản thân mới là điều tối quan trọng. Một lần nữa, chúng tôi xin nhắc lại, người con Phật chân chính phải làm sao phát huy được trí tuệ của mình, luôn định tĩnh, sáng suốt để thực hiện được đạo lý sống, làm chủ bản thân và các pháp. Đó là cách tu hành cụ thể nhất để có được sự an lạc ngay hiện đời.
Tu hành không phải khó, cũng không phải dễ. Khó hay dễ tại nơi chúng ta thôi. Có hai điểm cần nhớ: Thứ nhất thân là gốc khổ, tâm sanh tử là vọng tưởng điên đảo, không chạy theo nó nữa. Muốn vậy phải nhận cho được bộ mặt thật của nó, tức những suy nghĩ lăng xăng xuôi ngược hằng ngày, nó không thật, không phải là tâm của mình. Thứ hai, ngay nơi thân tâm giả dối này, còn có một cái tâm chân thật không sanh không diệt. Nhận lại và sống được với tâm này là chấm dứt đau khổ, vĩnh viễn thoát kiếp trầm luân.
Buổi nói chuyện hôm nay với đề tài Đường Xưa, chúng tôi muốn nhắc nhở toàn thể quý Phật tử cũng như bản thân mình, hãy theo dấu người xưa, sống trở về với mình bằng con đường giản dị nhất. Thanh tịnh và giải thoát ngay trong hiện đời, chẳng ở đâu xa, nếu chúng ta biết phản bổn hoàn nguyên, trở về cái đơn sơ ban đầu, không phân biệt suy tư. Sống như thực, sống bằng chính cái thấy biết hằng hữu nơi mình.
Xin mời tất cả hãy cùng chúng tôi cất bước lên đường.