headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GIÁC NGỘ

Buổi sinh hoạt đạo lý hôm nay tôi nói về sự giác ngộ. Như chúng ta đã biết tu hành có công phu thì sẽ được giác ngộ. Tuy nhiên  giác ngộ là một cách nói, chứ thật sự ngay khi chúng ta đang công phu là đã có giác ngộ rồi, giác ngộ từng phần, chứ không phải đợi đến xong việc mới gọi giác ngộ.

Trước nhất muốn được giác ngộ, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu trong công phu của mình, không phút giây lui sụt. Nếu hằng ngày có được sự nỗ lực như vậy thì nguồn an lạc trong cuộc sống là kết quả thiết thực nhất mà mỗi hành giả nhận được. Muốn nỗ lực cần phải có sự kiên định.

Kiên là cứng, định là quyết định, nghĩa là khẳng định một cách chắc chắn, không gì lay chuyển được. Con đường đi đến sự giác ngộ thật ra rất giản dị, chứ không quá rườm rà như chúng ta tưởng. Chỉ cần chúng ta quyết tâm, vững chí thì không việc gì chẳng thành tựu.

Nên biết việc tu tập chính yếu là ở nơi mình, công phu để đi đến giác ngộ càng đòi hỏi sự nỗ lực tự thân nhiều hơn nữa. Tha lực chỉ là phần phụ, chủ yếu vẫn là chính ta. Nói như thế không có nghĩa là ta phủ nhận sự hỗ trợ của các bậc thiện hữu, nhưng chớ ỷ lại vào sự hỗ trợ này mà ta phó thác ký gởi việc tu tập của mình cho các Ngài được. Hỗ trợ kinh nghiệm của người đi trước là yếu tố đáng trân trọng, cần thiết cho việc tu hành, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định cho sự giác ngộ của mình, nếu ta chưa đủ năng lực.

Ví dụ bây giờ chúng ta niệm Phật, cầu vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Ngài và chư vị Bồ-tát ở cõi này từ bi vô lượng vô biên, nhưng nếu ta không giác ngộ thì các Ngài cũng không rước mình về bên đó đâu. Nếu muốn được Phật Bồ-tát tiếp mình về thế giới an lạc, không sự khổ đau thì bản thân chúng ta phải giác ngộ, phải không gây tạo nhân khổ đau mới được. Vì vậy người cầu về cõi Cực Lạc phải khẩn thiết niệm danh hiệu Phật A Di Đà, hoặc danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Đại Thế Chí đến chỗ nhất tâm, không dính mắc đối với tất cả các trần cảnh thì mới được đức Phật A Di Đà và chư vị Bồ-tát đến rước. Phật tử nên nhớ đức Phật đón chúng ta không có nghĩa là đón cái thân này, đón những vọng tưởng điên đảo của mình mà đón tâm thanh tịnh giải thoát. Bởi vì chỉ có tâm ấy mới khế hợp tương ưng với tâm Phật và Bồ-tát.

Hiểu như vậy chúng ta mới thấy dù tu pháp môn nào, nhất là tu thiền, nếu chưa nỗ lực, chưa khẳng định việc tu hành của mình theo tinh thần giác ngộ giải thoát thì khó có thể đạt được mục đích ta mong muốn. Người tu thiền thì phải kiến tánh hay là ngộ. Ngộ cũng có đi từ tiểu ngộ, giải ngộ cho đến triệt ngộ hay là giác ngộ viên mãn. Cho nên giác ngộ là điều tối quan trọng đối với người tu thiền. Chúng ta ngày hôm nay có đầy đủ phước báu gặp nhiều thiện duyên trong việc tu hành, chứ có người dường như cả đời không đủ phước duyên, gặp nhiều trắc trở bất an bất ổn, thiếu thốn từ vật chất cho đến tinh thần. Người thiếu thốn về vật chất thường hay khó tiến đạo, từ đó sanh ra buồn chán dễ thối thất. Người này phải hiểu được luật nhân quả mới có thể tu được.

Phật đã dạy, những gì hiện có đây là quả báo của những đời trước, tuy nhiên tất cả đều tạm bợ, không thật. Nếu ta chuyển hoá thì nó sẽ thay đổi. Nhìn hiện tại đời này mình biết nhân đời trước đã gây tạo, nên chấp nhận hiện cảnh, không thán oán than trách ai. Từ đó mà tránh tạo nhân xấu để đời sau không bị đau khổ. Còn người đầy đủ điều kiện tu hành tốt thì biết đời trước đã sâu trồng căn lành, nên bây giờ cố gắng giữ gìn và phát huy nhiều hơn nữa.

Chúng ta nắm vững luật nhân quả như thế thì việc tu không khó nữa. Hiện thời đầy đủ tươi tắn, không có việc nọ việc kia, tu tốt, ta nên phấn đấu nhiều hơn nữa. Hoặc hiện đời bị nhiều chướng duyên thì ta vui lòng trả hết những nhân xấu đời trước của mình, cố gắng phấn đấu quyết liệt để bù đắp vào chỗ khuyết cũ mà vươn lên. Ý nghĩa tu hành hay ở chỗ đó. Vì vậy người Tây phương hay nói muốn là được quyết là thành và có sự thành công nào mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt.

Việc tu hành của chúng ta cũng vậy, sáng thời kinh chiều ít câu niệm Phật, rồi đi đông đi tây hoặc lo chuyện nọ chuyện kia, như vậy muốn thành Phật sao được ? Bản thân ta tự lừa dối mình còn không thể chấp nhận, huống là lại lừa dối Phật.  Muốn hết khổ được vui thì phải kiên quyết tu tập mới được chứ! Những gì không cần thiết dẹp qua một bên, giữ tâm thuần không tạp mới có thể thành công.

Có vị Thiền sư diễn tả phương thức hành thiền của mình qua hình ảnh người thợ rèn. Người thợ rèn khéo tay muốn làm một con dao thuần thép thật bén thật tốt, thì phải lọc hết những cặn bã ra, rồi bằng thủ thuật của mình nấu luyện cho đến nơi đến chốn, bấy giờ mới được một con dao tốt như ý mình muốn. Việc tu hành cũng vậy, trước nhất phải loại tất cả những tư tưởng tạp loạn, sau mới lắng tâm chuyên sâu vào thiền định. Tâm thái an nhiên, không tạp loạn mới nhập định dễ dàng. Ngồi thiền cũng chỉ một việc duy nhất là phấn đấu loại bỏ các thứ vọng tưởng. Tâm kiên định chuyên nhất như vậy mới có thể thành công.

Thường thì nói đến tu thiền là nói đến kiến tánh. Kiến tánh là thấy tánh. Tánh gì? Tánh chân thật của chính mình. Nếu người thấy tánh, xem như đã đi được nửa đoạn đường giác ngộ rồi. Tuy nhiên kiến tánh mà không chịu tu thì cũng sẽ không bao giờ được giác ngộ. Điều này chúng ta đọc trong kinh Pháp Hoa thấy rõ ràng, chính đức Thế Tôn đã nói, Ngài thành đạo với tất cả công đức viên mãn từ sự tinh tấn vượt bậc trong quá trình công phu của Ngài.

Vì vậy đối với người tu thiền, kiến tánh rất quan trọng. Giai đoạn kiến tánh, công phu thường lóe lên những tiểu ngộ, dần dần sâu hơn và sẽ đi đến đại ngộ, tùy mức độ dụng công của mỗi hành giả. Tiểu ngộ thuộc về giải ngộ, ngộ này rất nhiều. Đại ngộ và triệt ngộ thuộc về chứng ngộ, đại ngộ thì đôi ba lần còn triệt ngộ là cái ngộ rốt ráo, viên mãn. Đôi khi không để ý nhưng thực sự trong cuộc sống hiện tại, nếu có tu hành chúng ta cũng đã từng giải ngộ, tiểu ngộ.

Mỗi lần như thế ta vững niềm tin hơn đối với pháp tu và đối với chính mình.

Ví dụ lúc trước ta chưa hiểu đạo, gặp một sự đổi thay nào ta cũng dễ bị sốc. Nhưng khi đã hiểu đạo rồi, biết cuộc đời vốn vô thường nên gặp những thay đổi bất thường ta ít khổ, ít mất bình tĩnh hơn trước. Hôm nay người thương, ngày mai lại ghét đối với ta cũng là chuyện thường tình, bởi tâm không thật, vốn luôn thay đổi thì có gì phải đau khổ oán trách. Như vậy là ta đã giải ngộ rồi. Chỉ mới giải ngộ thôi cũng đã thấy giải thoát biết bao nhiêu.

Cái luôn đổi thay mà ta muốn cố định hoài mới khổ. Ví dụ mình muốn ai đã thương mình thì phải thương đời đời, không được thương người khác. Chuyện đó không đúng lẽ thật. Bởi thế gian là vô thường, làm sao không thay đổi được. Chính những sự việc thông thường như vậy làm cho người ta đau khổ điêu đứng. Sự đổi thay là quy luật tuần hoàn, luôn luôn như vậy. Cho nên tu là tu ngay trong những đổi thay, trong cõi giả tạm luôn biến chuyển này. Chính trong những hoàn cảnh không thuận lợi, ta giữ vững công phu liên tục thì sẽ có nhiều cơ hội để giải ngộ, tiểu ngộ và đôi khi là đại ngộ nữa. Đây là điểm người tu thiền cần phải biết và vận dụng vào công phu của mình.

Sau khi đã được như vậy, tất cả những ham muốn bất thiện sẽ không còn tác động được chúng ta nữa. Đến đây niềm vui trong lòng tràn đầy. Nếu những giải ngộ, tiểu ngộ liên tục, ta dễ nhập định, những vọng tưởng điên đảo bên trong và các cảnh giới bên ngoài đều bị ta nhiếp phục. Đó là giai đoạn thứ nhất.

Cứ thế ta tiếp tục nuôi dưỡng phát triển công phu này thì bước tiếp theo là trạng thái giác quán sáng suốt. Giác là rõ biết, quán là trí quán. Có giác có quán thì định tuệ tròn đủ. Đến giai đoạn này tâm sáng suốt, niềm vui của công phu tu hành lưu xuất từ bên trong, mọi thứ bên ngoài không thể tác động đến hành giả được. Nếu để ý, quí vị sẽ thấy mình ngồi thiền một tiếng hai tiếng đồng hồ được yên tĩnh thì mọi đau nhức, nóng bức đều tan biến. Trong Thiền viện chúng tôi có những vị ngồi thiền cả ngày hoặc hơn nữa vẫn thấy bình thường. Ngồi được như vậy nhất định phải có sự an lạc lớn lao lắm mới được.

Thành ra từ chỗ khó khăn kém cỏi, chưa làm chủ được, chưa khắc phục được mình, nhưng nếu cố gắng từng bước vươn lên, dần dần chúng ta sẽ điều phục được thân tâm này. Trong nhà thiền có từ trưởng dưỡng thánh thai, nghĩa là nuôi dưỡng nội tâm của mình ngày một vững chãi, không tính đến thời gian bao lâu. Muốn thế, khi dụng công tọa thiền, hành giả cần phải tỉnh giác cao độ, không để ma ngủ dẫn vào hang tối hay vọng tưởng kéo chạy tận trời đông trời tây.
Hôn trầm và vọng tưởng là hai bệnh khó trị nhất đối với người tu thiền. Ở trên bồ đoàn trang nghiêm như thế, có những câu thơ hồi xưa của ai không biết bây giờ kéo về, nó nói là của mình. Thế là ta bắt đầu dệt lên dệt xuống, ý tứ phát ra câu thứ nhì, thứ ba cho tới câu kết. Bài thơ thứ nhất xong rồi, hay quá là hay, nên bài thơ thứ hai hiện ra tiếp. Một tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ hết bị tứ cú này tới lục bát kia, cũng có người nhập định trong trường hợp như vậy. Nhập định kiểu này thì ta có rất nhiều tập thơ, đủ thứ chuyện trên đời, chỉ một chuyện đó không thôi là ông Phật của mình đâu mất tiêu. Trường hợp thứ hai làm cho chúng ta bị loãng công phu là hôn trầm, tức ngủ gục. Một khi ma ngủ đã dẫn đi thì rất khó cưỡng lại. Hành giả tu thiền nếu không chấn chỉnh, để ngủ gà ngủ gật thì việc tu tập như đi vào hang tối. Cho nên trong nhà thiền thường nói bị ma hôn trầm đưa vào hang quỷ, khó có thể thoát ra được.

Hai trường hợp vọng tưởng và hôn trầm đều phá hủy hết công phu tu thiền của chúng ta. Nhưng chúng lại là hai căn bệnh phổ thông mà hầu hết những người tu thiền đều bị vướng phải. Cho nên phải có sức giác quán mạnh mẽ, liên tục mới công phá nổi hai thứ chướng ngại này. Đây là giai đoạn thứ hai.

Kế đến là giai đoạn nội tỉnh. Sau khi đã được định thì phần nội tỉnh hùng mạnh hơn. Nội tỉnh là năng lực cơ bản bên trong, có nội tỉnh rồi thì sức định càng vững chắc hơn và nguồn an lạc bây giờ vượt hơn trạng thái an lạc ở giai đoạn trước. Đến đây rồi hành giả bình thản, an nhiên, tự tại, siêu việt các pháp, hoàn toàn làm chủ được thân tâm và ngoại cảnh. Tuy nhiên nếu không giữ gìn, không nuôi dưỡng liên tục, chỉ lóe lên rồi mất, sau đó lại bị cảnh duyên bu bám, làm gián đoạn công phu thì chỗ yên định ấy cũng không còn. Đó là khiếm khuyết thường mắc phải của những người tu thiền.

Giai đoạn này như Hòa thượng Viện trưởng nói là nhận ra tánh giác. Nhưng sống được với tánh giác mới là thuần thục. Bấy giờ giác thể trùm khắp, không phải khởi dụng gì nữa. Người được như vậy khỏi phải nhập thất, khỏi công phu, khỏi tụng kinh ngồi thiền nữa, mà nhậm vận tùy duyên, luôn sống được với ông chủ, tánh giác lúc nào cũng hiện tiền. Đến đây là giác ngộ gần được viên mãn rồi.

Giai đoạn cuối cùng mọi cảm thọ khổ vui đều không còn nữa. Hành giả thể nhập bản tâm hoàn toàn thanh tịnh. Giai đoạn này dành cho hành giả tự chứng tự biết, chứ không thể diễn tả được. Các Thiền sư luôn nhắc nhở người tu thiền, gặp những cảnh duyên thuận nghịch, không tự chủ được, thì hoặc là bị ma hoan hỷ nhập, hoặc ma sầu bi nhập. Tóm lại người tu không có nội tại vững chắc, siêu vượt tất cả thì dễ mắc kẹt bên này bên kia. Đó là do công phu chưa thuần, con đường đi đến giác ngộ giải thoát còn xa.

Đỉnh cao của người tu Phật là giải thoát. Tất cả những gì giả tạm trói buộc đều phải được cởi bỏ hết. Có khi ta ngồi chơi yên lặng bình thường, gió thổi, chim kêu, xe chạy… mọi thứ sinh hoạt đều nhận biết rõ ràng, tâm bình thản, không vướng mắc vào thứ gì hết. Đây chính là phút ta sống với cái chân thật của chính mình. Cho nên chỗ rốt ráo của đạo không khó, chỉ vì chúng ta quen chạy theo các cảnh duyên bên ngoài, vì vậy bị lầm qua mất. Một khi trí tuệ mở khai, quày đầu trở lại, thì ta hiện sờ sờ ra đó thôi.

Có một Thiền sư lâm bệnh ngặt, Ngài nguyện thế này: “Nếu ngay bây giờ con chết, vì nghiệp tập nhiều đời nếu phải đọa vào trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, con sẵn sàng trả. Trong thời gian trả đó con chỉ có một nguyện duy nhất là chủng trí Bát-nhã không mất. Từ trí tuệ Bát-nhã này cộng thêm sự hỗ trợ của mười phương các bậc hiền thánh, con trả hết những nợ nần cũ rồi, được nương tuệ Bát-nhã tu hành, không mong gì khác”. Nhờ quyết tâm như vậy, cơn bệnh của Ngài giảm dần, từ từ lành hẳn. Rõ ràng đạo lực mạnh mẽ thắng được nghiệp lực cũ của Ngài.

Người tu đứng trước cái chết khác hơn người đời. Càng nghĩ đến chết thì càng xem thường thân mạng, chỉ lo tập trung nuôi dưỡng đạo lực kiên cố, để khi xả bỏ thân mạng, thọ thân sau tiếp tục việc tu hành nhiều hơn trước. Còn sợ chết tức là đạo lực chưa vững. Chỉ nên sợ đạo lực của mình chưa vững, công phu tu hành chưa tròn đầy, chứ không nên sợ mất thân này. Mất thân này, thọ thân khác tốt hơn thì vẫn tu được, sao lại sợ? Người tu đối với việc sống chết phải có cái nhìn như thế. Được như thế mới mong tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

Thần thông của người làm chủ được mình chính là đứng đi tự tại, chứ không phải bay trên trời trên mây. Gặp việc tùy duyên ứng phó, lòng thanh thản nhẹ nhàng, không bị thứ gì cuộc trói chính là thần thông. Cho nên người càng ở sâu trong thiền định càng sáng suốt chứ không ngu độn. Bởi vì tu thì mọi thứ lăng xăng buông hết, tâm rỗng rang sáng suốt, chứ không thể ngu độn được. Đây chính thần dụng của một trí tuệ đã tròn đầy.

Phật tử tu thiền nhưng có biết Thiền là gì không? Thiền tiếng Phạn nói đủ là thiền na, Trung Hoa dịch là tĩnh lự, tức dứt tất cả niệm lự ngược xuôi, không vướng bên này không kẹt bên kia, rỗng rang sáng suốt. Ví dụ khi cuốc đất, ta chú tâm vào mỗi lưỡi cuốc hạ xuống mảnh đất, hết cuốc này đến cuốc khác, chỉ biết một việc cuốc, tâm không duyên theo chuyện khác. Đó là tu thiền. Cuốc đất trồng khoai, nấu cơm, làm tất cả các công việc mà không vướng mắc, không phan duyên thứ khác đều gọi là tu thiền, chứ không phải lên bồ đoàn ngồi nhìn xuống mới gọi là tu thiền. Trong tất cả việc làm đều có sự tỉnh giác, tức đều có ông chủ hằng thấy hằng biết, không bị quên mất, đó là hành thiền. Việc ngộ đạo thường phát sinh từ những việc như thế.

Trở lại vấn đề giác ngộ. Chúng ta tu để được giác ngộ, nhưng phải biết giác ngộ cái gì? Giác ngộ lý vô thường, thấy được thực chất của các pháp. Như lâu nay Hòa thượng dạy chúng ta, người tu phải thấy tận căn để các pháp. Như đức Phật khi đã chứng đạo, Ngài thấy đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt và đây là con đường diệt khổ. Đó là thấy được lẽ thực của các pháp. Như chúng ta có tu chút ít, khi thấy cái đồng hồ đẹp mọi người muốn tranh giành nó về phần mình. Nhưng nhờ biết tu, ta thấy cái đồng hồ ấy không thật, chỉ tạm dùng trong một giai đoạn thôi, có gì phải tranh giành cho nhọc. Nhờ thế ta không có tâm tranh hơn thua được mất, có cũng tốt không có cũng tốt. Đó là mình đã ra khỏi sự cố chấp, buộc ràng vào cái đồng hồ, là giác ngộ một phần nên khỏe được một phần.

Người thế gian khổ là tại cố chấp mà ra. Những gì của tôi mà ai đụng đến là có chuyện ngay. Mầm mống của tất cả sự tranh đấu cũng từ đây mà phát sinh. Phật bảo đó là gốc của vô minh. Muốn giải thoát khỏi vô minh chỉ có thắp lên ngọn đuốc trí tuệ thôi, không có cách nào khác. Cho nên có trí tuệ thì mới nói đến giác ngộ giải thoát. Người không có trí tuệ thì việc tu không đi tới đâu. Cho nên Hòa thượng thường dạy phải dùng trí Bát-nhã nhìn các pháp mới có thể thấu suốt được bản tánh của nó. Cái nhìn đó là cái nhìn của người kiến tánh, từng bước tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.

Chúng ta có tu thì ít nhiều gì cũng có giác ngộ, nên đối với tất cả các pháp, cũng thấy được phần nào thực chất của nó. Thấy được như vậy là đã ra khỏi phần sự trói buộc của các pháp. Quí vị nghiệm lại nơi mình sẽ thấy rõ điều này. Như ngày xưa gặp cảnh duyên gì trái ý nghịch lòng, chúng ta rất khổ sở, rất bức xúc và khó quên khó nguôi ngoay được, nhưng bây giờ nhờ có tu ta biết tất cả đều hư dối giả tạm, ôm giữ phiền não trong lòng có ích gì ! Nhờ thế ta mau xả bỏ, không cố chấp như xưa nữa. Đó là đã giải thoát phần nào rồi.

Các pháp duyên sinh, thế gian có hợp có tan là lẽ thường tình. Thấy được như vậy gọi là thấy bằng trí tuệ. Theo trí tuệ mà nỗ lực, quyết tâm thì chắc chắn có ngày chúng ta được giác ngộ giải thoát trọn vẹn. Đây là giai đoạn cuối cùng, chúng ta không gây thêm nghiệp tập mới để luân hồi trong sanh tử nữa. Cho nên trong kinh có chỗ định nghĩa Niết-bàn là củi hết lửa tắt, bấy giờ công phu cũng không còn. Sống được với giác tâm thanh tịnh thì ở đâu cũng là đất Phật, chúng sanh nào ta cũng thương, không thù hận oán đối. Như vậy không giải thoát là gì?

Phật nói tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ như nhau, chỉ vì mình không chịu tin, không chịu nhận lấy và phát huy thôi. Nắm chắc điều đó rồi, chúng ta cứ vững tiến trên con đường tu tập của mình, chắc chắn có ngày sẽ thành công.

[ Quay lại ]