MÊ VÀ GIÁC
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 21 Tháng mười hai 2009 13:56
- Viết bởi chanhdao
Hôm nay chúng tôi sẽ nói về mê và giác. Đây là hai vấn đề quan trọng trong giáo lý của đạo Phật. Đức Phật bảo chúng sanh mê thì không giác, giác thì không mê. Giác là giác ngộ. Tại sao chúng ta lại mê, làm sao để được giác ngộ? Đây là những vấn đề lớn của nhân sinh.
Tổ Lâm Tế nói thế này: “Chỗ ông dừng một niệm là cây Bồ đề, ông một niệm không thể dừng được là cây vô minh”. Nghĩa là một niệm dấy lên ta chạy theo là mê, là vô minh; một niệm dấy lên ta dừng được là Bồ-đề, là giác.
Nếu chúng ta chịu áp dụng theo lời dạy này thì sẽ hết mê, được giác ngộ dễ dàng, chứ không quá khó như mình tưởng. Tổ dạy buông được, dừng được tất cả những niệm lăng xăng thì giác ngộ, dễ dàng như vậy sao chúng ta không áp dụng được?
Trong nhà Phật có những từ toàn giác, phần giác. Phần giác là giác ngộ từng phần, toàn giác là giác ngộ hoàn toàn, triệt để. Trường hợp chúng ta bây giờ, nếu có giác ngộ thì giác ngộ từng phần, từng phút giây. Được như vậy cũng là quý lắm rồi, chỉ sợ chúng ta mê mải, không giác được chút nào cả mới đáng tủi. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã lang thang, trải qua không biết bao nhiêu đường, cứ ngược xuôi tăm tối mãi trong luân hồi, không biết chừng nào mới giác ngộ. Bây giờ nhân lời dạy của Phật tổ, mau quày đầu nhận lại kho báu nhà mình, đừng lang thang nữa thì sẽ được bình yên thôi. Đó là ý nghĩa tu hành của người con Phật.
Trong kinh Phật dạy chúng sanh chỉ vì một niệm mê mà trải qua nhiều kiếp trầm luân, thì cũng ngay niệm mê đó hồi đầu quay lại tức bờ giác ngay trước mắt. Chúng ta dừng được vọng tưởng đảo điên của mình là giác, là có trí tuệ, không còn mê nữa. Nhiều đời trôi lăn tạo nghiệp khổ đau không biết bao nhiêu rồi, bây giờ gặp Phật pháp, biết rõ đường mê nẻo giác để tu hành là phước báu vô cùng. Cho nên mỗi ngày mỗi ngày phải siêng năng khắc cần nhớ nghĩ công phu.
Cách dụng công cũng không ngoài các việc bình thường ta đang sống. Ví dụ ta đang đi, vừa có niệm dấy lên, nghĩ tưởng về người nào hoặc vật gì, vừa định suy tính nọ kia thì ngay phút giây đó, chúng ta tỉnh được, dừng được những suy nghĩ tính toán là ta đã có sự tỉnh giác mạnh mẽ rồi đó. Nếu chúng ta không biết dừng, cứ để tư tưởng như cuốn băng qua đoạn này đến đoạn khác liên tục là đã bị vô minh dẫn đi tạo nghiệp. Tổ sư nói sống theo vọng tưởng, để chúng kéo lôi như vậy thà chết sướng hơn. Bởi vì sống mà mất chủ quyền, thì sống cũng như chết.
Phàm làm tất cả các công việc, lúc nào cũng tỉnh cũng giác, đó là sống với Phật. Vọng tưởng vốn không thật, chỉ không theo nó là được, chứ cũng không cần phải dẹp bỏ đi đâu. Thường chúng ta nghe nói phá trừ dẹp bỏ vọng tưởng, thật ra đó là một cách nói. Bản thân vọng tưởng không thật có, thì tự nó cũng tan mất, đâu đợi ta phải dẹp. Nhưng vì mình không biết, cứ theo đuổi nó thành ra hết vọng này nối tiếp vọng khác, thấy dường như có thật. Quí vị kiểm nghiệm lại xem, những suy toán tưởng tượng làm gì được ta, nhưng đã chạy theo nó rồi thì cứ chạy hoài, khó dừng lại được. Lạ lùng như vậy!
Lời dạy của Tổ Lâm Tế được xem như là cương lĩnh tu hành trong nhà thiền. Người xưa đã thực hành như thế và thành công thì chúng ta ngày nay cũng nên lấy đó làm kim chỉ nam trên bước dường tu tập của mình. Trong thiền sử còn ghi lại có một thiền khách đến với Thiền sư Qui Tỉnh nhờ giải nghi câu chuyện tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang?” Ngài Triệu Châu đáp: “Cây bách trước sân”, như vậy là sao? Ngài Qui Tỉnh bảo:
- Tôi nói với ông, ông tin chăng?
Tăng thưa:
- Lời nói của Hòa thượng quý trọng, con đâu dám chẳng tin.
Bấy giờ ngài Qui Tỉnh hỏi:
- Ông nghe tiếng giọt mưa rơi trước thềm chăng?
Tăng hoát nhiên, bất giác thốt lên:
- Chao ôi!
Ngài Qui Tỉnh hỏi:
- Ông thấy đạo lý gì?
Tăng liền dùng kệ đáp:
Thiềm đầu thủy đích,
Phân minh lịch lịch,
Đả phá càn khôn,
Đương hạ tâm tức.
Tạm dịch:
Giọt mưa mé thềm,
Rõ ràng từng giọt,
Đập nát càn khôn,
Liền đó tâm dứt.
Thiền khách mượn câu chuyện một vị tăng đến tham vấn thiền sư Triệu Châu để hỏi Thiền sư Qui Tỉnh về đại ý của Phật pháp. Trước khi trả lời, ngài Qui Tỉnh chuẩn bị một tư thế để đưa thiền khách này đến chỗ giác ngộ bằng cách nhận lại mình, chứ không chạy ra bên ngoài. Ngài muốn vị tăng khẳng định niềm tin đối với bậc thiện hữu mà mình đến cầu đạo, bởi có tin thì mới để hết tâm tư vào lời khai thị của bậc tác gia. Khi xác định được lòng tin ấy rồi, Ngài mới bắt đầu chỉ giáo. Người xưa không có nhiều lời, Thiền sư chỉ hỏi thế này: “Ông có nghe tiếng giọt mưa rơi trước thềm chăng?” Ngay đó Thiền khách tỉnh ngộ, thốt lên: “Chao ôi!” Ngài ngộ cái gì?
Một sự kiện rõ ràng giản dị ban ngày ban mặt vậy mà từ xưa tới giờ ít ai để ý. Qua một trận mưa, nước từ trên rơi xuống thành từng giọt ai không thấy, ai không nghe tiếng tí tách mưa rơi. Hòn bọt trước vừa thành, giọt mưa kế rơi xuống làm bể tan, liền sau đó có hòn bọt thứ hai. Nó liên tục như thế, ai cũng chứng kiến một cách rõ ràng sự dòn bở, đổi thay nhanh chóng ấy. Nhưng lạ là không ai để ý, không ai biết gì về sự có mặt của mình ở đó, giống như lỗ mũi của chúng ta từ khi cha mẹ sinh ra cho tới chết, hiện sờ sờ trước mắt mà có khi cả đời ta không hề thấy, không hề để ý đến nó, mà chỉ thấy những thứ được mất bên ngoài. Vì vậy khi được Tổ chỉ thẳng, vị tăng liền tỉnh ngộ nhận ra được cái thấy cái nghe hằng hữu bên mình từ lâu rồi, mà mình mức mãi chạy tìm ở đâu đâu.
Chúng ta cũng vậy, chỉ nhận chỉ chạy theo những thứ giả dối bên ngoài mà bỏ quên hiện thực vĩnh hằng luôn ở bên mình. Cái quan trọng lại bỏ quên, còn cái không quan trọng lại chú tâm bám víu, chạy theo không biết mệt mỏi, không biết dừng nghĩ. Vì vậy Phật Tổ bảo chúng sanh quên mình theo vật. Cứ nhìn ra bên ngoài, thấy xanh xanh đỏ đỏ, cho là đẹp là xấu rồi thương ghét thị phi theo đó lẫy lừng sanh khởi. Cái gì đẹp thì muốn ôm về mình, cái gì xấu không ưa thì ghét bỏ. Cả đời cứ như trẻ con, được mất hơn thua với những món đồ chơi giả tạm, mà thấy có vui có khổ thật. Vì vậy Phật bảo chúng sanh mê muội.
Các thiền sư vì thế mà thương xót, mới tạo phương tiện khiến cho chúng ta thức tỉnh. Như Thiền sư Qui Tỉnh nhắc cái hiện thực trước mắt để vị tăng nhận rõ tánh nghe của mình. Nhận được rồi thì cũng thấy luôn “cây bách trước sân” của ngài Triệu Châu. Nhận như thế chính là nhận lại sinh mệnh của mình. Chúng ta thường quan trọng mọi thứ xung quanh cuộc sống mình, trong khi chính sinh mệnh của mình lại bỏ quên. Như vậy có phải là kẻ phụ bạc không.
Cứ chăm chút sửa sang thân này, vì thân này của tôi. Từ kiểu đi kiểu đứng, kiểu nói kiểu nhìn cho tới những bệnh tật bên trong, mỗi mỗi đều được chăm sóc kỹ lưỡng. Vừa nghe có ung bướu thì mất ăn mất ngủ, hoảng sợ không biết nó làm gì ở trong đó, hiền hay dữ… Rõ ràng mình không làm chủ được thân này, nhưng tại sao lại nói là của mình. Nếu của mình thì ta ra lệnh cho nó được chứ, ta bắt nó phải đẹp, phải mạnh khoẻ, không được mọc bướu ở đâu hết. Đằng này, ta hoàn toàn bất lực, như vậy thì của mình chỗ nào?
Còn có một cái thật là của mình thì lại bỏ lơ, không biết tới, có ngược đời chưa? Các bậc thiện hữu tri thức cũng đã từng như chúng ta, mê lầm chạy theo cảnh duyên bên ngoài nên chịu nhiều đau khổ. Vì vậy các Ngài tìm cách thoát khỏi nó và đã thành công. Nhờ thế các Ngài hiểu thấu, biết rõ nỗi khổ chung của tất cả chúng ta nên mới lập bày những phương tiện chỉ dạy bọn mình. Các phương tiện ấy xuất phát từ công phu chứng ngộ của quý Ngài nên rất độc đáo, rất sáng tạo, không có đường mòn lối tẽ nào cả, cốt làm sao chúng ta nhận lại được cái chân thật của mình là tốt.
Thiền sư Qui Tỉnh nhắc vị tăng: “Ông có nghe tiếng mưa rơi trước thềm chăng?”, đó là Ngài khéo nhắc lại tánh nghe cho thiền tăng ấy. Có tiếng giọt nước rơi thì nghe có tiếng giọt nước rơi, không tiếng giọt nước rơi thì nghe không tiếng giọt nước. Lúc nào cũng nghe rõ. Như vậy đó là sự hiện hữu thường hằng của mình rồi, đâu cần tìm ở chỗ khác. Tất cả chúng ta nếu nhận được đạo lý đó, nhận lại cái thật của chính mình, đừng chạy theo những dấy niệm, đừng mắc mứu bởi những hiện tượng luôn đổi thay là chúng ta đã giác ngộ.
Cho nên khi được chỉ dạy được chỗ tột cùng ấy rồi, vị tăng chẳng còn biết nói gì ngoài tiếng thốt lên: “Chao ôi!”. Để gạn lại, ngài Qui Tỉnh hỏi: “Ông thấy đạo lý gì?”. Nhân đó vị tăng làm bài kệ trình lên sở ngộ của mình.
Giọt mưa mé thềm, rõ ràng từng giọt, đây là giọt mưa của người giác, sống được với tánh nghe của mình. Tôi gọi đây là giọt mưa đập nát càn khôn, nghĩa là đập nát những lầm mê điên đảo chồng chất từ hồi nào cho tới giờ, nên vị tăng liền đó tâm dứt. Tâm dứt là vòng vọng tưởng miên man chạy theo sáu trần dứt. Ngay đó nhận lại, sống lại với cái chân thật hằng hữu bên mình, đó là giác. Hết mê thì giác, tuyệt đối không có gì khác hơn. Pháp tu của nhà thiền là như vậy, nhận lại, sống lại cái bất sinh bất diệt của chính mình là xem như xong việc tự lợi.
Chủ yếu của việc tu hành là làm sao nhận lại sinh mệnh của mình, ngoài ra các công phu khác như làm lành lánh dữ, bố thí cúng dường… đều là phước đức hữu lậu sanh diệt. Chúng ta tu trong mọi hoàn cảnh, tu trong mọi bận rộn, điều kiện nào cũng tu được, mới gọi là thật tu. Với tâm định tĩnh sáng suốt, người đang khổ, ta đem chánh pháp đến an ủi, giúp người bớt khổ. Pháp tu này thiết thực đối với Phật tử chúng ta, cho đến các hình thức lễ lạy, dâng hương, tụng kinh, sám hối đều có lợi ích hết, nhưng với điều kiện là chúng ta không lầm rằng đó chưa phải là mục đích cứu kính, mà chỉ là phương tiện thôi.
Ví dụ xưa nay do không tỉnh, chưa hiểu đạo nên trong cuộc sống mình đã lầm gây tạo nhiều tội lỗi, làm cho người ta khổ. Bây giờ được thiện hữu tri thức chỉ dạy, mình biết đó là tội lỗi nên tự khắc tự hứa sám hối gìn giữ không để tái phạm. Đó là những sự hỗ trợ cần thiết, giúp cho chúng ta có sức mạnh để tiến tu. Tuy nhiên còn phải tiến lên nhiều nữa, loại bỏ những nghiệp cũ, loại bỏ các thứ vọng tưởng đảo điên, để cuối cùng nhận lại chính mình mới là điều tối hậu trong đời tu của chúng ta.
Như chúng tôi vào thiền viện, sống theo thanh qui của nhà thiền, có thời khóa, có kỷ luật là vì còn yếu quá, thả lỏng thì con trâu hoang sẽ chạy rong chạy rêu, khó khống chế nổi, nên phải sống trong tăng đoàn, hỗ trợ nhắc nhở nhau tu hành. Bao giờ đã vững chãi, có thể xông xáo vào đời mà không sợ mất mình, giáo hóa chỉ dẫn những kẻ còn mê quay về bờ giác, đó mới là thực hiện đầy đủ sứ mệnh của một người con Phật, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn. Nên nhớ bậc đại tu hành, không chỉ có gõ mõ tụng kinh, ăn chay niệm Phật thôi, mà người sống giữa cõi đời vẫn không nhiễm mùi đời, mới thật là vị chân tu.
Tóm lại, hình thức và thiện hữu rất cần thiết với người mới vào đạo. Trên thì có thầy hiền, dưới có bạn tốt, cuộc sống có đạo lý, việc tu được đảm bảo hơn. Tuy nhiên không thể kẹt mãi trong hình thức, đứng yên trong sự đùm bộc của thầy bạn, mỗi người phải tự nỗ lực tiến lên để đạt đến chỗ giác ngộ giải thoát như đức Phật. Cho nên lý sự cần phải viên dung. Về sự thì cần nương đại chúng, khuyên nhắc tương trợ nhau để tu. Về lý thì phải nhận cho được yếu chỉ, thâm đạt chỗ tột cùng vi diệu. Sự lý viên dung thì kết quả đảm bảo không sai lạc.
Chúng ta chưa phải là người một nghe ngàn ngộ hay vừa thấy liền nhận, nên cần có những cơ duyên, sự nhắc nhở khai thị của thiện hữu tri thức. Nhân những phương tiện chỉ bảo đó, xoay lại mình để thể nghiệm những gì ta học hiểu từ các bậc tôn túc. Chúng ta giác ngộ là ngộ cái của mình chứ không phải nhận cái của người cho là của mình, vì vậy bản thân phải thấu đạt chỗ thật lý. Đây là điều quan trọng chúng ta cần phải cố gắng.
Xưa Tướng quốc Bùi Hưu đến chùa Đại An, xem thấy bức họa cao tăng liền chỉ và hỏi thầy Tri khách: Hình có thể thấy, cao tăng ở đâu?” Nghĩa là hình cao tăng ở đây, mà cao tăng hiện đang ở đâu? Thầy Tri khách ngơ ngác chưa biết trả lời ra sao, Bùi Hưu hỏi tiếp:
- Trong đây có thiền tăng không?
Thầy Tri khách đáp:
- Hồi sáng có vị khách đến đây giống như thiền tăng.
Bùi Hưu liền xin gặp. Đó chính là ngài Hoàng Bá.
Tướng quốc Bùi Hưu vừa trông thấy tướng mạo cao lớn, chững chạc của ngài Hoàng Bá, lòng đã sanh cảm kích. Ông chào hỏi xong, liền thưa:
- Bạch Ngài, tôi có một câu hỏi, nhưng thượng nhân đây khiêm nhường không trả lời. Bây giờ xin được hỏi tôn đức.
Ngài Hoàng Bá nói:- Ông cứ hỏi.
Bùi Hưu chỉ vào bức tranh hỏi:- Hình ở đây mà thánh tăng ở đâu?
Ngài Hoàng Bá liền gọi:- Bùi Hưu !
Bùi Hưu ứng thinh:- Dạ!
Tổ hỏi:- Ở đâu?
Ngay đó Bùi Hưu liền tỉnh ngộ.
Đây là cách trả lời mà chỉ có Ngài Hoàng Bá mới dám dùng thôi, trong chùa không ai dám trả lời như thế. Ngài kêu “Bùi Hưu!”, ông ứng thinh “Dạ!”, hỏi “Ở đâu?”, Bùi Hưu tỉnh ngộ liền sụp xuống lạy, cầu Tổ làm thầy. Trong sử kể lại, sau đó ông được triều đình bổ đi trấn nhậm chỗ khác. Đến nơi, ông chuẩn bị một thiền trang rồi đón ngài Hoàng Bá về giáo hóa. Mỗi ngày ông tới lui hầu hạ học hỏi, tham cứu yếu chỉ của thiền gia.
Phương thức giáo hóa của chư Tổ đều giống nhau ở một điểm, đó là đánh thức tánh nghe, tánh thấy, tánh ngửi, tánh xúc của mình. Bùi Hưu muốn thấy cao tăng, Hoàng Bá chỉ cao tăng qua tiếng “Dạ” của Bùi Hưu. Từ đó chẳng những ông biết cao tăng mà còn nhận ra bổn mạng của mình từ vô thủy kiếp, như người đã nắm được hòn ngọc quý trong tay, thích thú không gì bằng. Vì sao? Vì nhận ra được bổn mạng bất sanh bất diệt rồi thì vòng luân hồi ngang đó dừng lại, kiếp lang thang từ vô thủy chấm dứt. Nhanh không thể tưởng tượng nổi.
Chúng ta có nhận được như Tướng quốc Bùi Hưu không? Ví dụ hôm nào Hòa thượng kêu: “Nhật Quang!”, tôi liền “dạ”, biết đâu chừng tôi cũng ngộ đạo luôn, hy vọng là vậy. Thầy kêu liền dạ, khoảng thời gian tích tắc, không có một niệm nghĩ suy nào lọt vô đó, không có trường lớp nào dạy bảo kịp, mà ta nhận ra được mới thật là của báu nhà mình. Chẳng những thầy kêu mà bất cứ ai kêu, ta liền ứng thanh đáp và nhận ra được sự hiện hữu của mình tức là ta đã ngộ rồi. Nhà thiền gọi cách giáo hoá này là trực chỉ nhơn tâm, kiến tánh thành Phật, nhanh lắm như đường chim bay thẳng tắt, không qua thứ lớp phương tiện nào cả.
Thiền sư Nghĩa Trung có bài kệ như vầy:
Tức thử kiến văn phi kiến văn,
Vô dư thinh sắc khả trình quân,
Cá trung nhược liễu toàn vô sự,
Thể dụng hà phòng phân bất phân.
Dịch:
Chính nơi thấy nghe chẳng thấy nghe,
Còn đâu thinh sắc để trình anh,
Trong kia nếu liễu toàn vô sự,
Thể dụng ngại gì phân chẳng phân.
Chính nơi thấy nghe chẳng thấy nghe, tức là ngay nơi cái thấy cái nghe, ta nhận lại chính mình, chứ đừng chạy theo âm thanh sắc tướng bên ngoài. Nên người nói thấy như đui, nghe như điếc. Thật sự không phải đui không phải điếc, mà thấy nghe thì cứ thấy nghe chứ không để tâm chấp trước, không phân biệt phải quấy nên không nhớ không nghĩ đến, vì vậy giống như không thấy không nghe.
Người càng chạy theo thinh sắc bên ngoài, chạy theo cái lanh lợi phân biệt thì càng mất mình. Với người tu, thấy như đui nghe như điếc, có nghĩa là thấy mà không bị ngoại duyên dẫn, chỉ hay xoay lại cái hay thấy hay nghe của chính mình. Ví dụ chúng ta ngồi đây vẫn nghe tiếng xe chạy, tiếng người đi, tiếng lá rơi, gió thổi. Nghe hết nhưng ta không quan tâm, không chạy theo bất cứ tiếng nào, nghe chỉ nghe vậy thôi. Thấy nghe như vậy là cái sẵn có nơi mỗi chúng ta, nhưng không thể dùng ngôn ngữ hay phương tiện nào chỉ được, vì nó không hình không tướng.
Cho nên câu thứ hai nói Còn đâu thinh sắc để trình anh, người sống được như vậy chỉ hay tự nhận biết, không cần nói gì thêm nữa. Đây gọi là pháp tu trực chỉ nhưng thật ra cũng không thể chỉ được, mà thầm nhận trong tất cả mọi thi vi động tĩnh thôi. Lúc nào cũng như vậy, sáng mai ngủ dậy rửa mặt ngồi thiền, tụng kinh, ăn cơm, tiếp khách v.v… lúc nào ta cũng tỉnh, cũng thấy nghe rõ ràng mà giống như chẳng thấy nghe vậy. Không cần trình mà tự đã sẵn đủ, chỉ những người thông cảm mới có thể thấu hiểu nhau thôi.
Trong kia nếu liễu toàn vô sự, nếu nhận được như vậy, sống được như vậy thì vô sự. Nhà thiền hay nói “làm tăng vô sự đi”. Vô sự đây không có nghĩa là không làm gì hết, chúng ta vẫn sinh hoạt bình thường, làm tất cả công việc trong tỉnh giác, đừng mê chạy theo các cảnh bên ngoài. Cho nên ở trên non tu cũng tốt, ở giữa phố thị tu cũng tốt, trong gia đình ồn ào mà tu được càng tốt hơn. Lưu ý là ở trên non cũng đừng bị mê đắm cảnh non núi u tịch, chìm lặng trong đó. Những chỗ khác cũng vậy, cốt tỉnh giác là trên hết. Thành ra quí Phật tử tại gia tu được là quí nhất đó, tăng ni trong chùa không bì kịp.
Đạo Phật là đạo giải thoát, đạo sống bằng trí tuệ. Những gì không ổn trong lòng buông hết, để tâm luôn hoan hỷ. Tích chứa u uẩn nhiều chừng nào thì mệt chừng ấy, chỉ sanh thêm bệnh chứ có lợi ích gì. Sống an nhàn, sống với tuệ giác của mình có phải khoẻ hơn không, cho nên nói trong kia nếu liễu toàn vô sự, tức là rõ thấu được cái chân thật nơi chính mình rồi thì sống đời vô sự. Vô sự nhưng không dửng dưng với cuộc đời, trái lại rất tích cực làm mọi việc, sống quên mình vì mọi người. Như đức Phật đã nói đạo Phật vô ngã vị tha.
Cuối bài kệ Thiền sư kết lại “thể dụng ngại gì phân chẳng phân”, người sống có trí tuệ là sống được với chính mình, không bị lệ thuộc bên ngoài nữa. Chừng đó đâu có ngại gì sự lý, tức thể dụng dung thông, nên nói “thể dụng ngại gì phân chẳng phân”. Lúc nào cũng sống an nhiên tự tại giải thoát đó là tinh thần của thiền tăng. Cái giải thoát an nhiên tự tại đó có ngay bây giờ, chứ không phải đợi đến bao giờ hết. Đừng để niệm kéo lôi như Tổ Lâm Tế đã dạy thì cây Bồ-đề trước mắt.
Người tu Phật đã thể nhập được trí giác thì làm việc gì cũng sáng suốt, cũng thành công tốt đẹp. Vì tâm tập trung, không tán loạn như người thế gian, tính toán đủ thứ khiến tâm bị chi phối, dễ tán loạn. Tu cũng không thể tu mù tu mờ, học cũng không thể ù ù cạc cạc, mà việc nào cho ra việc ấy thì mới có kết quả. Cho nên thiếu định tỉnh, thiếu trí tuệ sẽ không tu học được tới nơi tới chốn. Lao động cũng thế, ba nhiệm vụ này các thiền tăng ở đây phải áp dụng đúng theo quy chế của thiền viện đặt ra, thực hành trong tỉnh giác, trong trí tuệ. Hòa thượng không chấp nhận bất cứ thiền tăng nào sống mà tu chẳng ra tu, học chẳng ra học, làm chẳng ra làm. Bởi người như thế là người không có tâm định tỉnh, không thể tập trung, nỗ lực giải quyết cho xong việc lớn của mình, nói gì đến lợi ích cho người.
Trong Tạp A Hàm bài kinh 97 kể lại, lúc đó đức Phật ở tại Tinh xá Kỳ Hoàn. Sáng sớm Ngài đi khất thực cùng chúng Tăng. Trên đường gặp một Bà La Môn cũng đi khất thực. Thấy Phật, vị Bà La Môn này khởi nghĩ: “Ta đi khất thực từng nhà, Cù Đàm cũng đi khất thực từng nhà, vậy ta và Cù Đàm đều là Tỳ-kheo”. Đức Phật đọc được tâm niệm ấy, nên nói với ông bài kệ thế này:
Gọi là bậc Tỳ-kheo,
Chẳng phải do khất thực,
Gìn giữ pháp tại gia,
Đâu gọi là Tỳ-kheo.
Phật giải thích cho vị Bà La Môn kia hiểu, không phải do khất thực mà thành Tỳ-kheo, phải còn cái gì cao quý hơn nữa. Cho nên ông nghĩ như vậy là lầm rồi. Ở đây Ngài nói thêm, kẻ sống theo pháp thế gian mà đi khất thực, chẳng hạn như ông chỉ gọi là người đi xin ăn thôi, chứ không phải Tỳ-kheo.
Bài kệ tiếp như thế này:
Mọi lầm lỗi đều lìa,
Tự tu với chánh hạnh,
Tâm kia không sợ hãi,
Đây mới thật Tỳ-kheo.
Phật dạy nếu bậc Tỳ-kheo thì mọi thứ lầm lỗi đều sửa bỏ. Tự tu với chánh hạnh, nghĩa là tu theo phương pháp chân chánh để không tạo thêm tội lỗi gì nữa. Tâm kia không sợ hãi, người tu như vậy luôn luôn tỉnh sáng, không sợ hãi bất cứ việc gì, vì biết mình sống chân chánh, không gây tạo lỗi lầm. Đây mới thật Tỳ-kheo. Đức Phật khẳng định rõ như vậy.
Không sợ hãi là điều hạnh phúc nhất trong cuộc sống. Đạo lý nhân quả là gốc của đạo Phật, tất cả những quả gì có hôm nay là do nhân ta đã gây tạo đời trước hoặc trong đời này. Đã gây nhân thì có quả, dù cho mình có sợ có khổ cũng không tránh khỏi. Nợ đã vay thì người ta đòi là điều dĩ nhiên. Cho nên có thể nói đây là giáo lý cương lĩnh của đạo Phật. Nắm được điều này rồi, chúng ta không còn sợ gì nữa, sống chấp nhận với những hoàn cảnh hiện có.
Tuy nhiên, Phật dạy nhân quả có thể chuyển được, vì vậy người biết tu sẽ thay đổi được nghiệp quả của mình trong cái tương nhân tương duyên thích hợp. Nhân duyên tốt thì quả báo tốt, nhân duyên xấu thì quả báo xấu. Chúng ta cũng nên nhớ điều này, nhân quả không thật, nếu nhận ra được tâm tánh rồi thì có thể chuyển đổi nghiệp tập từ nhiều đời. Cho nên quan trọng là chúng ta nhận ra được cái chân thật không sanh diệt, là xem như giải quyết được toàn bộ con đường nghiệp quả luân hồi.
Nghe tiếng gọi ta liền ứng thinh “dạ” là mình biết mình có cái hay nghe. Cái đó không ai lấy được của mình hết, không ai làm gì được, nên nó mới thật là của mình. Sống được với cái đó thì chúng ta giải thoát an nhiên, tự tại trong nhân quả, sẵn sàng chấp nhận gây nhân thì trả quả, không sợ. Cho nên thiền sư Nghĩa Trung nói tâm kia không sợ hãi. Cuộc đời bấy giờ được xem như một sân khấu đang diễn tuồng, kẻ khóc người cười. Những người có trí biết đó là diễn viên bày trò, chứ không thật nên không khóc không cười theo họ. Chỉ kẻ mê muội hay trẻ con không biết mới vui buồn theo tấn tuồng sân khấu. Tôi nhớ hồi chiến tranh, nhiều bộ phim chiếu cảnh bắn súng, các bà các cô nhát, thấy trong phim bắn súng, ngoài này né. Sợ lạc đạn!
Việc tu hành cũng vậy, nếu chúng ta không nhận ra các pháp duyên hợp đều hư dối thì sẽ khổ vui với sự hư dối đó. Cho nên Phật nói chúng sanh đáng thương là vậy. Chừng nào thấy được nhân quả, các pháp duyên sinh, thì mới không bị động bởi các cảnh duyên bên ngoài. Chỗ tột cùng của đạo lý rất đơn giản, chỉ nhận ra lẽ thực cái nào giả, cái nào chân thôi. Muốn thế phải có con mắt tuệ mới được. Con mắt đó từ đâu mà có? Từ sự lặng yên các vọng động, để tâm yên định, dần dần trí sáng thì tâm khai mở. Nói rõ hơn là từ công phu thiền định mà có.
Lại một bài kinh nữa cũng trong kinh A Hàm, nói về Niết-bàn hiện tại. Một hôm đức Phật đang ở Tinh xá Kỳ Hoàn, có thầy Tỳ-kheo đến hỏi
- Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ-kheo đạt được Niết-bàn trong hiện tại?
Phật dạy:
- Đối với sắc sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không khởi các lậu, tâm chánh giải thoát. Đó là Tỳ-kheo đạt được Niết-bàn trong hiện tại.
Đoạn trước nói về tánh nghe, đến đây nói về tánh thấy. Ở đây Phật dạy: “Đối với sắc sanh tâm yểm ly”. Chữ “yểm” là không ưa thích, chữ “ly” là lìa. Các Thiền sư nói đừng chạy theo những vọng niệm của mình và các tướng bên ngoài. Còn Phật dạy nên xa lìa sắc, ý đâu có khác. Con đường Phật Tổ dạy rõ ràng không khác. Chúng ta thường không yểm ly, mà lại thích nhìn ngắm cái này đẹp, cái kia xấu rồi sanh tâm ưa ghét, theo đó mà có khổ vui. Cho nên Phật dạy phải yểm ly tức là chán lìa, đừng màng tới sắc, vì nó sẽ gây hoạn khổ. Kế nữa là “ly dục”, tức đừng ham thích những cái thứ dục như sắc, thanh v.v… Kế đến là “diệt tận”, tức phải bỏ cho hết sạch, phải “tịch tĩnh”, sau khi bỏ sạch rồi, trong lòng lắng yên, tịch tĩnh mới phát sinh trí tuệ. Lời Phật dạy rõ ràng mà giản dị làm sao!
Chúng ta thấy rõ ràng, khi lòng mình không có vấn đề thì nó lặng lẽ bình yên. Còn trong lòng không yên, dù ta có chạy trốn ở đâu cũng vẫn không yên. Ví dụ ở nhà có chuyện buồn, ta chạy tới nhà bà con thật xa, để không nhìn không thấy không nghe chuyện nhà nữa.. Đi cả ngày mới tới nơi, nhưng vừa ngồi xuống thì tâm trạng bứt rứt không yên, y hệt hay còn khổ hơn lúc ở nhà nữa chứ. Không buông được tức không yểm ly, không diệt tận thì khổ, đó là chuyện đương nhiên thôi. Cho nên Phật dạy phải tịch tĩnh, không khởi các lậu, nghĩa là không dấy khởi niệm gì cả mới diệt tận gốc khổ được.
“Tâm chánh giải thoát”, nghĩa là người áp dụng được như thế thì tâm chánh giải thoát, ngay lúc đó liền được giải thoát, không đợi đến bao giờ. Tóm lại, Niết-bàn ngay trong hiện tại là người luôn luôn thấy tất cả cảnh sắc mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, không khởi các lậu, đó là giải thoát, là Niết-bàn ngay trong hiện tại. Nói dài như vậy, chứ chỉ đừng dính, đừng nghĩ ngợi, đừng phân biệt gì về ngoại cảnh, buông hết để lòng lắng yên, thì sống trong Niết-bàn, chứ không cần tìm kiếm ở đâu xa.
Phật dạy tiếp: “Đối với thọ, tưởng, hành, thức, sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm chánh giải thoát. Đó là thầy Tỳ-kheo đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại”. Nghĩa là ngoài sắc ra thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy. Người nào đối với năm uẩn quán sát tu tập như vậy là người đạt được Niết-bàn trong hiện tại.
Đề tài chúng tôi nói với quí Phật tử hôm nay là mê và giác. Như đã trình bày ở trên, mê là sáu căn chạy theo sáu trần, giác là sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà không chạy theo, không đắm nhiễm. Phật Tổ đều dạy chúng ta như thế, thực hiện được hay không là phần của mình.
Vậy xin chúc toàn thể chúng ta làm đúng như lời Phật Tổ dạy, để đạt được Niết-bàn an vui trong hiện đời.