NHỊN CHỊU ĐỂ TIẾN TU
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 11 Tháng Hai 2010 13:51
Hôm nay tôi sẽ nói về sự nhẫn nại trong đạo Phật. Người tu nếu không có sự nhẫn nại thì khó thành công được con đường tu học của mình. Tuy việc tu không phải quá khó khăn, nhưng nếu không có đức nhẫn, chúng ta rất dễ dàng bỏ cuộc.
Nhẫn nhục cũng có nghĩa là hy sinh. Người tu Phật phải có sự hy sinh, đó chính là thể hiện tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật. Chúng ta muốn được giác ngộ, giải thoát nhất định phải tu tập. Trong quá trình tu tập phải chịu đựng, phải hy sinh. Nếu người nhát nhúa, dễ duôi, không chịu đựng được, thì khó thành tựu đạo nghiệp. Người xưa tu hạnh nhẫn nhục, dù thân thể bị cắt từng phần cũng không buồn giận.
Cụ thể trong mùa an cư, Tăng Ni phải tu học với thời khoá khít khao, công phu bái sám nhiều, do đó nếu không có sự siêng năng tinh tấn, cộng với đức nhẫn thì khó theo nổi. Cho nên ba tháng an cư được xem như thời gian thử thách Tăng Ni. Vị nào tu được thì tăng trưởng công đức, tu không được thì xem như việc tiến đạo không xong. Bởi ba tháng mà không chịu nổi, thì làm sao tu trọn cả đời được. Vì vậy, chúng ta đã phát tâm tu học Phật pháp, lúc nào cũng sẵn sàng trang bị cho mình một sức chịu đựng, một tinh thần dũng mãnh để tu cho đến bao giờ viên mãn mới thôi.
Thật ra những buồn phiền, khó nhọc trong mùa an cư chẳng thấm vào đâu so với con đường Phật đạo dài lâu. Phật dạy người tu hạnh nhẫn nhục dù thân thể bị cưa chặt từng phần cũng không khởi một niệm sân hận. Chúng ta đứt tay đứt chân một chút thôi là đã thấy đau đớn, khó chịu rồi, nói gì tới cưa chặt thân thể. Qua đó đủ biết sức nhẫn của mình chưa được gì cả. Nhưng đã lập nguyện tu hành cầu Phật đạo mà không xả bỏ được thân mạng như huyễn thì làm sao thành tựu được. Đức Phật và các bậc Thánh trước đều trải qua con đường này, thực hành nhẫn nhục Ba-la-mật mới đạt được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Trong kinh Kim Cang dẫn chuyện một vị Bồ-tát tu hạnh nhẫn nhục thế này. Một hôm vua Ca Lợi đi săn trong núi, thấy một đạo nhân đang tọa thiền dưới cội cây. Vua dừng lại, hỏi:
- Ông ở đây làm gì?
Bồ-tát trả lời:
- Tôi tu hạnh nhẫn nhục.
Nghe thế, nhà vua truyền lệnh chặt tay Bồ-tát, rồi hỏi:
- Ông ở đây làm gì?
- Tôi tu hạnh nhẫn nhục.
Cứ mỗi lần hỏi và được nghe đáp “Tôi tu hạnh nhẫn nhục” là vua Ca Lợi chặt đứt từng thân phần của Bồ-tát. Từ tay, chân cho đến xẻo mũi, xẻo tai v.v… Cuối cùng khi đã chặt gần hết thân thể mà thấy sắc diện Bồ-tát vẫn bình thường, vua đạp Ngài một cái té nhào. Bấy giờ Bồ-tát vận dụng tâm từ vô lượng chan rải lên dã tâm của nhà vua, rồi Ngài thốt lên lời chúc phúc:
- Cầu xin đức vua được trường thọ.
Với tâm từ bi lớn lao và sức nhẫn chịu phi thường như vậy, khiến vua Ca Lợi bừng tỉnh, sụp xuống sám hối.
Câu chuyện đã cho chúng ta thấy được sức nhẫn của chư Phật và Bồ-tát thật không thể nghĩ lường. Những khó khăn, thiếu thốn, khổ nhọc hằng ngày của chúng ta thật chẳng thấm vào đâu so với các Ngài. Muốn thành đạo, muốn tu tới nơi tới chốn, muốn thấy được giá trị thiết thực của Phật pháp, chắc rằng chúng ta còn phải nếm trải nhiều cam go, khó khổ hơn nữa.
Nói thế để chúng ta chuẩn bị tinh thần sẵn sàng nhịn chịu, sẵn sàng chấp nhận để tiến tu. Trên đời này, có người đầy đủ phước duyên, gặp nhiều thuận cảnh cũng như thiện hữu hỗ trợ cho việc tu tập, nhưng lại không thành công. Đó là vì họ thiếu nhẫn lực, do hoàn cảnh quá thuận tiện nên sanh ra yếu đuối, dễ duôi nên không có sức chịu đựng. Ngược lại có người cả đời phải đương đầu với vô vàn khó khăn mà họ lại thành công. Vì chính những nghịch cảnh đã trui rèn đức nhẫn và nuôi lớn ý chí cho họ.
Là đệ tử Phật, chúng ta đã có phúc duyên tốt, bây giờ phải biết chuẩn bị tu tạo thế nào để nuôi dưỡng và làm tăng trưởng phúc duyên ấy hơn lên. Dù sao người có phúc duyên làm việc gì cũng dễ thành công, nhưng bản thân người ấy cũng phải phấn đấu, cố gắng. Không có một thành công nào mà không đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Người đời xây dựng sự nghiệp thế gian còn phải trải qua nhiều nhẫn chịu cay đắng, huống chúng ta muốn cầu sự nghiệp giác ngộ giải thoát mà có thể yếu đuối được sao?
Như vậy muốn thực hiện trọn vẹn lý tưởng cao thượng này, nhất định chúng ta phải hy sinh, phải có sức chịu đựng, phải gan dạ. Có gan dạ, chịu đựng, có hy sinh mới có thể nhận lấy kết quả xứng đáng. Học Phật rồi chúng ta biết rất rõ không có một quả nào hôm nay mà không có nhân từ trước. Nhân ấy chúng ta tự tạo, chứ không phải ai khác. Cho nên bây giờ gặp những trường hợp khó khăn, bị người đối xử xấu, chúng ta liền biết đây là sợi dây oan trái mình lỡ cột với người từ trước. Chúng ta đã gây cái nhân làm cho người đau khổ, bây giờ họ đòi lại, đó là chuyện hợp lý thôi, phải chấp nhận thôi. Mình đã nợ thì người ta đòi lại là đúng rồi, sao lại cự nự? Cho nên người con Phật sáng suốt, sẵn sàng trả tất cả những nợ cũ. Có trả mới hết nợ, còn chạy trốn nợ càng chồng chất thêm, không bao giờ yên được.
Cho nên nhân quả là giáo lý cơ bản trong đạo Phật. Một khi chúng ta nhận thấu đáo lý nhân quả rồi, thì sự tu học của mình nó nhẹ nhàng. Dù hiện tại có được sung sướng, tiện nghi hay khốn khó gieo neo, chúng ta cũng vui vẻ an lòng tu hành, vì biết đây là nghiệp quả của mình. Tiện nghi đầy đủ không kiêu mạn, tự phụ; thiếu thốn khó khăn không buồn nản, than van. Với tinh thần như thế, chắc chắn chúng ta là những con người can đảm, có thế sấn bước trên đường Phật đạo, không sợ bất cứ hoàn cảnh và trở lực nào.
Muốn mau thành Phật, thì phải nhẫn chịu, gan dạ khi đối diện với tất cả hiện cảnh, một bề thẳng tiến. Còn chưa chịu thành Phật, thì cứ sa đà ngày tháng buông trôi. Tất cả đều do ta quyết định. Thành ra tốt đẹp hay không tốt đẹp, tiến bộ hay không tiến bộ, nói cho cùng đều do mình, chứ không phải ai khác. Có thể nói rằng nếu đức nhẫn yếu thì tâm Bồ-đề không phát triển được, chưa nói là sẽ bị thoái thất. Đó là điều cụ thể trong đời tu của chúng ta.
Như Tăng Ni thọ giới tu học, tất cả giới pháp quý vị lãnh thọ, thường không gìn giữ được trọn vẹn. Bởi dù chỉ một điều giới vi tế thôi, nếu chúng ta không thanh tịnh, không có quyết tâm thì không khi nào giữ trọn vẹn. Cho nên khi truyền giới, chư Giới sư thường răn nhắc: “Dù tan thân mất mạng, cũng không được sai phạm những điều giới đã thọ giữ”. Chúng ta cũng đã hứa như thế. Nhưng hứa thì hứa mà làm không nổi, nên cứ sai phạm hoài.
Các Ngài dạy chúng ta luôn luôn giữ tâm trong sạch, không để cho ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp dấy khởi tạo tác. Khi ý nghiệp dấy khởi lên những ý niệm không trong sạch, thì sẽ dẫn đến hậu quả không tốt. Khẩu nghiệp, thân nghiệp sẽ theo đó mà gây tạo những nghiệp nhân không tốt. Do đó người đã thọ trì giới Phật, luôn phải đầy đủ hùng lực gìn giữ ba nghiệp của mình cho thật thanh tịnh. Trong từng tâm niệm, chúng ta không nên khinh thường. Vì một ý nghĩ nhỏ thôi nhưng bất thiện sẽ dẫn tới hậu quả xấu. Nên chúng ta phải sáng suốt, gìn giữ đừng để ba nghiệp sai phạm trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
Chuyện kể một vị tăng qua đò. Chủ đò là một cô gái có nhan sắc, vì vậy lâu lâu thầy lén nhìn cô một cái. Qua đò rồi, đối với khách thường cô lấy một đồng tiền, riêng vị tăng cô lấy gấp đôi. Thầy hỏi lý do, cô bảo một đồng cho tiền qua đò, một đồng cho tiền nhìn người lái đò. Vị tăng không biết phải nói sao, đành lấy hai tiền ra trả, không ngờ cô gái tinh ý như vậy. Chuyến về, thầy không dám nhúc nhích cục cựa gì cả, dán mắt xuống lòng thuyền. Đến khi sắp lên thuyền, thầy yên bụng lần này sẽ thoát, nào ngờ cô gái đòi bốn đồng! Quá ngạc nhiên, thầy hỏi lý do, cô gái đáp ngay: “Lần này thầy không nhìn tôi bằng mắt, nhưng đã nhìn bằng tâm, nên phải cao giá hơn”. Vị tăng đuối lý, phải lấy bốn tiền trả cho cái tội không giữ được lòng mình. Khi đã lên bờ thầy cứ cười hoài, dường như rất tâm đắc bài học cô lái đò đã dành cho mình.
Tâm niệm của chúng ta thật khó kiểm soát, nó luôn dong ruổi phóng túng. Nên người tu luôn luôn phải nhìn chừng, đừng để tâm không thật ấy lén lút đi chơi, dạo phố dạo phường. Người mắt thường không thấy tâm ấy, nhưng quỷ thần và những ai tinh ý một chút sẽ thấy được. Cho nên chúng ta phải gìn giữ từng tâm niệm của mình, chứ không khéo mỗi lần vào chợ phải bị trả tiền gấp bốn lần như thế thì khổ to.
Trở lại vấn đề nhẫn nhục hay nhịn chịu. Tôi nhắc lại, người tu không đủ sức chịu đựng những cảnh thuận nghịch thì khó thành công. Vì vậy trong kinh nói nhẫn là mẹ của tất cả các công đức. Có khi trong thời gian dài ta tích lũy công đức, nhưng chỉ một phút không nhịn được đã đánh mất tất cả. Trong kinh Hoa Nghiêm có câu “nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là một niệm tâm sân dấy khởi, thì trăm muôn cửa chướng ngại mở ra.
Có câu chuyện giữa hai người, một tên Năng Nhẫn một tên Bất Nhẫn. Hai vị cùng tu một lúc nhưng Năng Nhẫn thành chánh quả, còn Bất Nhẫn không thành. Vì vậy bất Nhẫn cầu xin đức Phật giúp cho được chứng đạo. Phật bảo tâm ông chưa thuần, dù muốn chứng đạo cách mấy cũng khó thành công. Chỉ có một điều là ông phải cố gắng thôi, tu tập nhẫn nhục mới hy vọng thành tựu đạo quả.
Nghe Phật nói thế, Bất Nhẫn chọn một gốc cây thật to rồi tĩnh tọa dưới đó, định phen này thành Phật, sẽ lập đạo tràng dưới cội đại thụ ấy. Chịu đựng muỗi mòng, mưa nắng mấy sư cũng cam, nhưng cuối cùng chỉ vì hai vợ chồng nhà chim mà sanh sự. Vốn là có hai anh chị chim không biết từ đâu đến, lại rủ nhau đáp trên đầu Bất Nhẫn. Bất đắc dĩ, sư phải chịu đựng hai vợ chồng nhà chim từ khi tụi hắn mới quen cho tới lúc lót ổ, thành vợ chồng, đẻ con. Thế là hai đứa thay phiên nhau đi tìm thức ăn về nuôi con. Cứ mỗi lần về là chúng hí hửng um sùm. Thật bực bội.
Hôm ấy đến phiên chim mái đi tìm thức ăn, nó gặp tai nạn sao đó, nên suốt ngày suốt đêm không về được. Ở nhà chim trống chờ đợi quá đỗi nên sanh bực tức. Khi thoát nạn trở về, chim mái kể lể sự tình mà chim trống dứt khoát không tin, nên hai đứa cự nự quá chừng. Chúng không biết mình đang phạm thượng trên đầu nhà sư. Cuối cùng Bất Nhẫn chịu không nổi nữa, ông lấy tay gạt một cái, vất xuống đất hét lên: “Đồ khốn! Chỉ có một chuyện đó mà chúng mày làm điếc tai ông từ sáng tới giờ”. Vậy là sau bao phen chịu đựng mọi thử thách, cuối cùng Bất Nhẫn thất bại chỉ vì không nhịn nổi hai vợ chồng nhà chim.
Sau cái lần thất bại này, Bất Nhẫn gầy dựng lại bằng cách làm người lái đò đưa khách sang sông. Lần này, sư tự dặn lòng phải cố gắng nhịn chịu, không để thất bại nữa. Hôm ấy gặp mùa nước lũ, có một người đàn bà là vợ quan đi cùng đứa bé. Xuống bến đò, với giọng kẻ cả bà bảo người lái đò phải cẩn thận, không thì ăn đòn. Nghe thế ông lái đò nóng mặt lên nhưng cũng rán nhẫn, đưa hai mẹ con bà qua sông an toàn. Gần đến bờ bà la lên: “Chết chưa, tôi bỏ quên gói đồ trên bờ bên kia rồi, mau trở thuyền lại lấy cho tôi”. Nước đang ngập lụt, qua sông được ai cũng mừng húm, mà bây giờ phải quay trở lại, thật là khó chịu, nhưng không ai dám chống trái, vì bà là vợ quan lớn mà. Bất đắc dĩ ông lái đò phải chuyền mui thuyền nhưng trong bụng nực lắm rồi nghen!
Lấy được gói đồ đưa cho bà, tưởng xong chuyện. Nào ngờ bà lại kêu inh ỏi: “Còn đôi giày của thằng bé bỏ quên dưới gầm giường nữa”. Bà vừa dứt lời, Bất Nhẫn liền chỉ vào mặt, nói: “Cút đi! Đồ chó ghẻ, ta sinh ra không phải để hầu hạ mẹ con nhà mày”. Rõ ràng tên Bất Nhẫn rất đúng với con người này. Khi nhà sư phát ra lời ấy rồi, người đàn bà đâu mất, bỗng thấy Bồ-tát Quan Thế Âm hiện ra trên mây trách rằng: “Nhà ngươi không có tâm nhẫn chịu thế thì làm sao tu được”, liền hóa phép Bất Nhẫn thành con tu hú.
Chúng ta thấy sự nhẫn nhục qua nhiều năm trời, nhưng chỉ một phút không chịu đựng nổi thì tiêu tan hết bao công phu từ trước. Cho nên các bậc cổ đức thường dùng hai chữ cố gắng để khuyến tấn chúng ta. Do đó phải nhớ hai chữ này có một giá trị quyết định cho thành quả tu tập của chúng ta. Việc tu hành nếu không liên tục, không kiện toàn và không sáng suốt tỉnh táo, thì chỉ một phút giây sai lầm, một dấy niệm ta không làm chủ là hỏng hết.
Câu chuyện đã dạy chúng ta một cách tu. Đã phát nguyện tu hành thì phải gìn giữ tâm ban đầu của mình, tức tâm cầu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Tâm Bồ-đề có vững vàng thì việc tu hành mới viên mãn. Chỉ cần một niệm nhỏ, một sơ hở nào ta không kiểm soát được sẽ tác hại đến đời tu của mình. Các tai họa đó có khi trở thành dấu ấn khó phai trong lòng, làm chướng ngại cho việc tiến đạo nghiêm thân. Cho nên các vị có trách nhiệm, luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải tu thân, sửa ý. Tức là thường xuyên kiểm tra thân tâm, gìn giữ ba nghiệp hằng thanh tịnh. Như vậy việc tu học mới có thể đưa đến kết quả tốt đẹp.
Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, là vị Giáo chủ của chúng ta từng trải qua ba vô số kiếp tu hành mới được thành đạo. Trong ngần ấy thời gian, Ngài đã trải qua biết bao khó khổ gian lao, nhưng Ngài chấp nhận hết, không một lời than van hay khởi một niệm chán nản. Còn chúng ta ngày nay chưa gặp trở lực nào đã thối thất tâm Bồ-đề, làm sao đi hết con đường Phật đạo dài lâu?
Trong kinh kể lại có một đoàn vượn tám ngàn con, sống quanh dòng suối rất đẹp, dưới cội xoài trĩu trái quanh năm. Cây xoài này trái rất ngon nên vượn chúa luôn luôn sắp đặt cho đoàn vượn bảo vệ cây xoài cẩn mật. Chúng sống an lành như thế một thời gian rất lâu. Một hôm nước dâng tràn, có một trái xoài nằm gần tổ ong, bầy vượn chưa kịp hái thì gió lay rụng xuống, theo dòng nước trôi đi. Bấy giờ nhà vua cùng các quan chức đi săn gần đó, đang đến chỗ dòng suối để tắm. Bất thần nhà vua lượm được trái xoài và cắn thử, chưa bao giờ vua ăn được một thứ trái cây nào ngon như vậy. Do đó ông ra lệnh quần thần phải tìm xem trái này từ đâu mà có.
Thế là chẳng khó khăn gì, nhà vua đã phát hiện được tung tích của cây xoài và bầy vượn tám ngàn con đang sống thật yên bình ở chỗ đó. Thế là quân nhà vua reo hò ầm ĩ tiến lên. Bấy giờ biết tai họa đang ập tới, vượn chúa liền nghĩ cách đưa toàn bộ bà con dòng họ của mình qua sông, không thể bám ở đây được nữa. Số vượn lớn thì dễ rồi, chúng có thể qua sông được nhưng đàn vượn làm sao đây? Vượn chúa bèn vào rừng tìm những loại dây rừng đánh lại, một đầu cột trên nhánh cây xoài, xong lội qua dòng suối để cột đầu còn lại vào bờ bên kia, làm đường cho bầy vượn chuyền qua. Nhưng khi quăng dây thì thiếu một đoạn chót bằng sải tay.
Bấy giờ tình hình quá khẩn cấp, không còn cách nào khác nó phải dùng thân mình để thế cho phần dây còn thiếu. Hai tay của nó bám đầu sợi dây thật chặt, còn hai chân thì nắm vào gốc cây trên bờ. Nó liền ra lệnh cho tất cả bầy vượn đều phải qua sông hết. Theo lệnh của vượn chúa, tất cả đều qua sông. Trong số đó có những con vượn không tốt bụng, nó nhảy thật mạnh cho vượn chúa đứt tay. Dù đau đớn nhưng vượn chúa đã gắng hết sức, bằng mọi cách đưa đàn vượn của mình qua sông cho thật an toàn. Cuối cùng khi đàn vượn đã qua sông hết thì vượn chúa kiệt sức hoàn toàn nên ngã gục. Vừa lúc đó quân nhà vua tiến tới, chứng kiến một cảnh tượng đau lòng và đầy cảm động như vậy, vua bừng tỉnh và rất thán phục tấm lòng cao cả của vượn chúa. Thay vì giết nó, vua đã ra lệnh chăm sóc cho vượn chúa lành bệnh trở lại.
Phật bảo vượn chúa thuở nọ chính tiền thân của đức Thế Tôn.
Câu chuyện nói lên tinh thần hy sinh rất cao quý của vượn chúa. Tu hành cũng vậy, nếu không có sức chịu đựng thì nhất định chúng ta không làm gì được. Trong quá trình tu tậïp dài lâu, chúng ta luôn gặp những hoàn cảnh xấu, đối diện với điều bất như ý. Như tấm lòng của vượn chúa trải thân vì đồng loại, mà vẫn có những con vượn xấu muốn hại như thường. Nếu không có sức chịu đựng, vượn chúa đã không hoàn thành nổi đại nguyện đại hạnh của mình. Từ đó cho chúng ta một kinh nghiệm trong việc tu học.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến đức hy sinh, dù bị thiệt thòi hay phải mất mạng, vẫn cứ hy sinh. Có hy sinh, có quyết tâm như vậy mới thực hiện đến nơi đến chốn đạo hạnh, viên thành Phật đạo. Sở dĩ chúng ta chưa thành Phật, cũng vì chưa có đức hy sinh, tâm Bồ-đề chưa dũng mãnh. Người tu không thể nhút nhát, bạc nhược, mà phải là người lạc quan, có sức chịu đựng mới được. Phật Tổ đã để lại những tấm gương sáng cho chúng ta, các Ngài không phải là người nhút nhát, dễ cười, dễ khóc, mà là những người anh hùng gan dạ, quyết tiến chứ không bao giờ lùi trên con đường Phật đạo.
Hình ảnh tổ Huệ Khả đến cầu pháp với tổ Bồ Đề Đạt Ma đã ghi lại đậm nét ý chí cầu đạo của người xưa. Cả đêm đứng trong tuyết, đến đỗi tuyết chôn chân tới đầu gối, vậy mà vẫn chưa được Sơ tổ chấp nhận. Cuối cùng Ngài chặt tay dâng lên, Tổ Đạt Ma thấy tấm lòng can đảm và sức chịu đựng như vậy mới thâu nhận làm đệ tử. Chúng ta là đệ tử Phật, không noi theo những tấm gương sáng ấy thì đâu thể gọi là đệ tử Phật.
Cho nên người tu không được than van sầu muộn những chuyện đã qua. Không nóng nảy mong cầu những điều chưa đến. Phải bình tĩnh, phải sáng suốt tu tập đúng chánh pháp, kết quả tốt đẹp tự nhiên sẽ đến. Hãy tập trung tâm tư vào hiện tại, nếu thấy mình có khuyết điểm, cố gắng khắc phục. Nếu được một vài thành công nho nhỏ, không nên lấy đó làm đủ, cần phải khiêm hạ cầu tiến hơn lên. Đó là công phu tu hành cần thiết mà chúng ta phải để tâm.
Mục đích cứu kính của chúng ta là giải thoát sanh tử, cho nên mọi dây mơ rễ má buộc ràng, khiến mình không tự tại, không giải thoát đều cắt đứt hết, không cù cừa dây dưa. Việc tu không phải ngồi đó cầu nguyện, mà phải bắt tay vào việc điều phục chính mình, chiến thắng các thứ tham dục. Tăng Ni gầy dựng được công phu thiết thực, không để duyên trần bu bám thì đảm bảo tương lai sáng rỡ, giải thoát trở thành hiện thực, chứ không phải là ước mơ nữa.
Nếu hiện tại lúc nào mình cũng tỉnh táo sáng suốt thì mọi ham muốn, mong cầu đều được lắng yên, ý chí vững mạnh. Người này gọi là người hội đạo, đắc đạo. Chúng ta kiểm lại xem tất cả những niệm lăng xăng, những mộng mơ gì đó mình đã buông bỏ được bao nhiêu rồi? Qua đó có thể biết được ngay trong hiện tại, ta là người tỉnh, sáng hay còn si mê. Bản thân người tu hành không mong gì hơn là làm chủ được mình, lòng lắng yên các niệm tưởng lăng xăng, trí tuệ sáng ngời. Muốn thế trong từng phút giây chúng ta phải nỗ lực quán chiếu lại mình, vượt qua mọi chướng duyên thử thách. Việc tu học phải được thực hiện từng bước như vậy mới mong viên thành Phật đạo.
Việc tu học không dành riêng cho ai, người xuất gia hay tại gia đều có thể tu được hết. Đây là tinh thần bình đẳng, tự do nổi bật trong đạo Phật. Tôi nhớ câu chuyện vua Ưu Điền có một người con gái đức hạnh nết na, biết quy y Tam bảo nhưng lại mồ côi mẹ sớm. Vì vậy bao nhiêu tình thương vua dồn hết cho cô con gái yêu của mình. Một hôm, công chúa muốn đi hành hương, đoàn thị nữ chuẩn bị thật chu đáo, số hộ tống công chúa cũng rất đông đảo. Sắp khởi hành, các thị nữ bàn tán với nhau, hôm nay đức Thế Tôn cùng các thầy Tỳ-kheo cũng đi khất thực trên tuyến đường này, vậy chị em chúng ta chọn con đường khác đi. Vì quý thầy quá đông, họ ngại phải xá chào khi gặp nhau giữa đường.
Tuy nhiên công chúa lại nhất định đi con đường đó để gặp đức Phật và các vị Thánh đệ tử, đảnh lễ và cúng dường. Quả nhiên, vừa ra khỏi cổng thành chẳng bao lâu đoàn công chúa gặp đoàn Sa môn của đức Phật. Công chúa xuống xe, mọp đầu sát đất đảnh lễ đức Phật và từng vị Tăng đi qua. Các thị nữ rất bực mình, nhưng công chúa vẫn bình thản đảnh lễ đến vị tăng cuối cùng trong đoàn.
Nhờ tâm thành kính ấy, về sau cô được đức Phật độ làm Tỳ-kheo Ni. Sau khi xuất gia rồi, công hạnh của cô là phát tâm nuôi dưỡng, bảo hộ, gần gũi những người bị bệnh lây nhiễm, phải sống cách ly với đại chúng, như bệnh cùi bệnh lao chẳng hạn. Trong suốt thời gian phát tâm làm việc này, cô không hề tỏ vẻ nhờm gớm hay nhăn nhó trước bệnh nhân, lúc nào cũng vui vẻ dịu dàng, chăm sóc từng người một thật ân cần chu đáo. Tâm hạnh này đến tai Phật, đức Phật khen ngợi Cô vô cùng. Chẳng bao lâu, vị Tỳ-kheo Ni này chứng quả A-la-hán, cùng các thần thông tự tại vô ngại.
Trong ca dao Việt Nam chúng ta, có câu:
Dù xây chín bậc phù đồ,
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
Câu này nghe giản dị làm sao, nhưng có khi cả đời chúng ta không làm được. Xây chín bậc phù đồ tức là xây chùa tháp cao rộng, đôi khi lại dễ làm hơn. Vì sao? Vì công việc ấy tuy to tát nhưng với người đầy đủ điều kiện, họ chỉ cần bỏ tiền ra thôi. Còn làm phúc cứu người, như trường hợp cô Tỳ-kheo Ni trong câu chuyện trên, đòi hỏi phải có tấm lòng hy sinh vô bờ bến mới làm nổi. Ví dụ huynh đệ chúng ta sống chung với nhau đây, hay tin có người bị lao phổi chẳng hạn, có ai dám đứng ra đảm đương chăm sóc không? Hay là bàn tán nên đưa vị đó đi nơi khác, chứ để ở đây lây cả đám. Huynh đệ đồng tu mà ta còn không thương nhau, thì còn nghĩ đến ai nữa. Lẽ ra trong trường hợp ấy, mình phải gần gũi an ủi, động viên cho huynh đệ tự tin, lạc quan lên để điều trị mau lành bệnh. Như vậy mới đúng với tinh thần vô ngã vị tha của đức Phật. Việc này thật khó lắm. Phải phá được bản ngã mới có thể xả thân vì người.
Chính bản ngã đã ngăn cách chúng ta với mọi người và ngăn cách cả mình với bản lai diện mục của mình. Con người khổ là vì bản ngã, nó hại ta điêu đứng hết đời này đến đời khác, nhưng lúc nào ta cũng quý trọng và luôn tìm cách bảo vệ nó. Thành ra quên mình vì người là tinh thần tu tập của Bồ-tát đạo, chứ không phải thường.
Có những việc làm tuy không lớn, nhưng lại rất có ý nghĩa. Đây là một yếu tố tác thành Phật đạo cho mình, nhưng chúng ta ít quan tâm đến. Điều này nếu có trách thì ta tự trách mình, vì chưa thực hiện đúng lời Phật dạy, chứ không phải tại tác nhân bên ngoài. Với hoàn cảnh hôm nay, Tăng Ni đầy đủ phúc duyên được chư vị tôn túc thương tưởng, lo lắng mọi điều. Chúng ta chỉ cần chuyên tâm tu học thôi, mà không làm được nữa thì thật là đáng trách.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi mong toàn thể Tăng Ni ý thức được trách nhiệm của mình, làm tròn bổn phận của người tu sĩ, tu học cho được viên mãn. Muốn tu học viên mãn thì quý vị phải kiểm điểm ba nghiệp, giữ thân tâm thanh tịnh. Tất cả mọi sinh hoạt hằng ngày phải được nuôi dưỡng bằng chánh niệm, tỉnh giác. Như vậy mới không cô phụ tấm lòng từ bi thương tưởng của các vị tôn túc, không phụ ơn đàn na thí chủ và bản thân chúng ta cũng không đánh mất nhiệm vụ thiêng liêng cao cả nhất là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Xin chúc toàn thể Tăng Ni hiện diện trong mùa an cư này thực hiện được trọn vẹn những điều như tôi đã trình bày và mong mỏi.