headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 11/01/2025 - Ngày 12 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TU MIÊN MẬT

Về chuyện tu, chúng tôi đã nói nhiều lần với Phật tử, nhưng hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần tu liên tục, mà danh từ chuyên môn trong nhà Thiền gọi là Tu Miên Mật. Chữ “miên mật” nghĩa là dệt dài hay phẳng dài, ý nói không để xen hở thứ gì khác.

 

 

 

Nhiều Phật tử nghĩ rằng chỉ có người xuất gia mới tu miên mật, còn hàng cư sĩ tại gia đa đoan nhiều việc nên không thể tu miên mật được. Thật ra không phải vậy. Tuy nhiên việc tu nói thì dễ, mà bắt đầu công phu cho có phẩm chất thì không phải dễ, rất khó. Bởi vì tâm niệm chúng ta thường đổi thay liên tục, không ngừng chút nào, luôn cả trong giấc ngủ cũng vậy, nên mới có chuyện chiêm bao.

Có khi buổi sáng mình siêng năng tha thiết tu hành, nhưng tới trưa lại hơi lười biếng. Nếu không có thiện hữu tri thức nhắc nhở cảnh tỉnh thì mình buông luôn. Chúng ta có chung một điểm dở này, là luôn bao che tha thứ cho mình, mà khắt khe khó dễ với người. Các bậc hiền thánh xưa thường có cuộc sống rất nghiêm ngặt, khắc khổ với chính mình, tha thứ khoan dung độ lượng với người. Đó là điểm khác nhau giữa người xưa và chúng ta ngày nay. Vì vậy ta tu hoài mà vẫn chưa an lạc, giải thoát. Tu là tự mình khắc phục, những gì dở của mình phải bỏ, những gì hay của người phải học. Tu học bằng tâm thành của chính mình.

Tu miên mật là tu làm sao? Phiền não chính là vấn đề làm cho mình bực bội, khó chịu, ăn ngủ không yên. Mà phiền não từ đâu có? Từ sự mê lầm của chúng ta. Không sáng là mê lầm. Do mê lầm nên nhận định không chính xác. Do nhận định không chính xác nên lời nói và hành động cũng trái quấy theo. Nói chung từ vô minh mà ba nghiệp không thanh tịnh.

Chúng ta biết rõ gốc của sự khổ đau là phiền não, bây giờ đối với bất cứ hiện tượng nào, ta cũng đều phải kiểm soát thật kỹ. Tỉnh táo, sáng suốt quán xét kỹ càng tất cả hiện tượng chung quanh để thấy được lẽ thật, đừng bao giờ để những ảo giác xen vào làm méo mó sự thật. Từ mê lầm phát sanh phiền não, do phiền não lại càng thêm mê lầm, cứ thế vần xoay khổ chồng thêm khổ.

Ví dụ gia đình mình đang vui vẻ, trên dưới hòa thuận, bỗng có một người không vui là không khí thay đổi ngay. Từ đó ta biết nếu mình không dừng được phiền não, nó cứ theo đà đó phát triển hoài thì hạnh phúc gia đình sẽ không còn nữa. Là người Phật tử muốn có cuộc sống bình thường, vui vẻ thì phải tỉnh táo, đừng phiền não. Trong cuộc sống, nếu chúng ta không làm chủ được thì có thể nói đi ra một chút là phiền não, thấy gì nghe gì cũng phiền não. Xét trong lục phủ ngũ tạng, không biết khu vực nào là chỗ trú ẩn của phiền não mà vừa động một chút là nó nhảy ra liền.

Bây giờ làm sao dừng được phiền não? Theo tinh thần của nhà Phật là chúng ta phải hóa giải phiền não. Hóa giải bằng cách biết nó không thật. Muốn biết nó không thật thì phải có trí tỉnh sáng và sự tu miên mật liên tục nữa. Nghĩa là lúc nào mình cũng tỉnh sáng, thấy biết tất cả những thứ va chạm chung quanh đều không có gì, không quan trọng. Được vậy thì phiền não không thể chi phối nổi chúng ta. Đây là gốc của sự tu.

Chuyện xưa kể về một vị vua có con voi trắng rất quý. Nhà vua chuẩn bị người quản tượng chăm sóc, dạy dỗ con voi đó. Sau thời gian dài, con voi đã được thuần hóa, người quản tượng trình với nhà vua có thể mở hội lớn cho quần thần nhân dân thưởng lãm vật quốc bảo này. Nếu điều phục được con voi ấy thì những nước lân bang sẽ quy phục, vì nó có khả năng tập trung tất cả các con voi khác theo ý của nó. Đại lễ được bắt đầu.

Vua ta chuẩn bị áo mão xênh xang, hơn cả những cuộc chiến thắng nào. Hôm nay là ngày vui nhất của nhân dân và triều đình. Nhà vua mặc thật đẹp, nói thật hay với những lời lẽ đã được chuẩn bị kỹ càng. Nhưng mà đến giờ chót, nhà vua vừa chễm chệ bước lên lưng voi để diễn hành, bỗng nhiên có một bầy voi từ đâu kéo tới. Con voi này thấy đồng loại rồi liền nhảy nhỏm lên, nó báng bên này càn bên nọ, cuối cùng mang nhà vua vào rừng luôn.

Người quản tượng cùng ngồi trên lưng voi với vua thật hết sức vất vả mới giữ được Quốc vương toàn mạng. Mũ mão áo quần tơi bời hết. Hoảng sợ quá, nhà vua hỏi: “Ta làm cách nào để sống sót đây?” Một câu hỏi hết sức bi đát. Quản tượng thưa: “Tâu Bệ hạ! (bây giờ mà còn nhớ tới hai chữ “Bệ hạ” cũng quý lắm nghen) chỉ còn có nước chờ nó báng chỗ nào có nhánh cây hoạêc vật gì mình có thể bám được, thì xin Bệ hạ hãy cố gắng bám lấy để tìm sự sống. Hạ thần cũng đang khó khổ lắm, không biết làm sao để bảo vệ sinh mạng của Bệ hạ!”

Nghe thế, nhà vua liền chờ cơ hội bám vào một cành cây rồi trèo lên cao, đợi nó chạy đi mới dám xuống. Bấy giờ mình mẩy thương tích đầy hết, quần áo chẳng còn gì. Ngày hội hồi sáng kết thúc kiểu nào nhà vua cũng không biết, quần thần nhân dân ra sao cũng không hay. Chỉ thấy hiện tại mình đang ở trong rừng rú nguy hiểm, thân thể đau nhức tận cùng. Tên quản tượng ra sao cũng không rõ.

Giống như nhà vua, gã quản tượng thoát thân bằng cách bám trên một cành cây, thân thể nhừ tử không kém vua. Nhưng khi tỉnh lại liền nhớ tới trách nhiệm bảo vệ Hoàng đế của mình, không khéo thì bay đầu mất. Ông lần mò tìm theo vết tích cũ thì gặp được nhà vua đang bất tỉnh. Sau khi ông tìm cách cứu tỉnh vua thì các quan Đại thần cũng vừa kéo tới. Vua tôi gặp gỡ mừng rỡ dẫn nhau về. Khi ấy, nhà vua nói với người quản tượng: “Ta không dùng ngươi nữa, cũng chẳng cần đến con voi “quốc bảo” chết tiệt đó. Ngươi hãy đi đi”.

Thời gian sau, người quản tượng muốn chuộc lại lỗi lầm của mình, đồng thời cũng để phấn phát nhà vua phát tâm Bồ-đề. Ông ẩn nhẫn hết mức. Cho đến một hôm, con voi điên ấy không biết từ đâu lết thết mò về với một thân hình tiều tụy. Ông quản tượng biết rõ sau cơn hung hăng ấy, nó đã thuần trở lại. Sở dĩ có sự việc ấy là tại vì những cảnh duyên bên ngoài tác động, nó không tự chủ được nên mới xảy ra như thế. Bây giờ nếm trải nhiều nên nó thuần rồi, có thể dùng được, điều phục được.

Người quản tượng mừng quá bậm gan đến trình với vua là con vật quốc bảo của mình đã trở về rồi. Nhà vua cả giận vì sự nhục nhã cũ nên nạt to: “Ta cấm ngươi. Ta không muốn nghe đến con voi ấy nữa, ngươi còn lớ xớ là bay đầu đó!” Người quản tượng bình tĩnh trình: “Tâu Bệ hạ! Nếu Bệ hạ không dùng nữa thì hạ thần cũng cam tâm. Nhưng, một vật quý báu như thế mà Bệ hạ bỏ đi, thì thật là thiệt thòi cho quốc gia! Nếu nước nào được con Bạch Tượng này ắt sẽ là bá chủ thiên hạ”. Nhà vua nghe có lý nên không giận dữ như trước, song cũng chưa dám tin dùng con voi ấy.

Người quản tượng kiên nhẫn tâu lên vua năm lần bảy lượt, đồng thời chăm sóc bạch tượng chu đáo hơn. Cho đến một lúc, ông thấy con voi có thể xuất hiện trước mọi người với khả năng của nó cộng với sự nuôi dạy của ông. Nhận thấy thời cơ đã đến, ông vào trình vua: “Tâu Bệ hạ! Nếu Ngài không dùng hạ thần, thì cũng xin một lần cho kẻ bề tôi trình diễn con voi quí này, để không uổng công hạ thần đã dạy dỗ nuôi dưỡng nó bấy lâu”.

Vua nghe nói tha thiết quá, đồng thời cũng muốn xem thực hư của con voi “Quốc bảo” ấy ra sao nên đồng ý. Một lần nữa con voi lại xuất hiện trước quần hùng. Và, bấy giờ tất cả từ vua quan cho đến lê dân bá tánh đều kinh ngạc dưới sự chỉ huy tài ba của người quản tượng, con Bạch tượng oai nghi đĩnh đạc với những bước đi hùng dũng đường bệ, đẹp mắt chưa từng thấy. Mọi người hoan nghinh dậy trời, chỉ trừ nhà vua là sắc mặt vẫn còn tức giận. Người quản tượng và cả con voi chúa ấy đều biết rõ điều này, nhà vua hận thấu xương chuyện lần trước nên không thể tha thứ cho hai thầy trò nó. Con Bạch tượng còn biết rõ là chỉ còn có cách chết thôi mới đền trả được tội trước.

Quả nhiên, để khen thưởng cho lần trình diễn này, nhà vua ra lệnh cho nó phải nuốt những hòn sắt nóng để tạ tội khi quân lần trước. Biết thế nó hướng mắt nhìn về Hoàng đế xem Ngài có thể tha thứ không? Nhưng tuyệt nhiên nhà vua không có dấu hiệu gì tha thứ. Cuối cùng người quản tượng ra lệnh cho voi nuốt từng hòn sắt nóng, nó ngoan ngoãn vâng lệnh và cuối cùng ngã gục với những hòn sắt nóng bỏng ruột bỏng gan. Như vậy là quốc bảo của quốc gia đã không còn, người quản tượng cũng ngã gục bên cạnh con voi trung thành của mình.

Chừng như sực tỉnh, nhà vua nói với người quản tượng:

- Ngươi khéo điều phục con voi như thế. Tại sao kỳ trước lại để cho nó suýt làm mất mạng ta?

Người quản tượng chỉ đáp:

- Tâu Bệ hạ! Hạ thần chỉ điều được thân voi, chớ đâu điều được tâm của nó.

Nhà vua hỏi tiếp:

- Trong đời này, ai là người có thể điều được tâm con voi ấy?

Người quản tượng thưa:

- Muôn tâu Bệ hạ! Chỉ có đức Phật mới có đủ khả năng điều phục được tâm của tất cả chúng sanh, hướng họ về con đường thanh tịnh giải thoát.

Vua hỏi:

- Đức Phật là ai, ở đâu?

Người quản tượng thưa:

- Đức Phật là bậc đầy đủ trí tuệ và từ bi, thành tựu sáu Ba-la-mật, Ngài có thể điều hòa, hóa giải được tâm của tất cả chúng sanh.

Từ đó nhà vua được người quản tượng hướng dẫn đến gặp Phật và phát tâm Bồ-đề với những lời thệ nguyện thế này: “Nguyện tôi tạo được phúc đức nào đều hướng về Phật đạo, điều phục thân tâm mình cùng tất cả chúng sanh cho tới khi được thành Phật. Nếu còn chúng sanh nào khổ, tôi nguyện thay những chúng sanh khổ ấy, cứu vớt họ đời đời không bỏ tâm Bồ-đề”. Nghĩa là khi nghe lời Phật dạy rồi, nhà vua phát tâm tu hành điều hòa tâm khùng điên của mình, đồng thời hỗ trợ cho chúng sanh cũng điều hòa tâm điên loạn của họ, cho đến bao giờ dứt hết phiền não khổ đau và thành Phật mới thôi, quyết không thoái chuyển tâm Bồ-đề.

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, muốn tu liên tục, miên mật thì cũng phải điều hành tâm một cách liên tục, miên mật. Trong cuộc sống, chúng ta muốn được bình yên, đừng nổi khùng bất thường, thì phải canh chừng tâm mình liên tục. Muốn thế ta phải có phương tiện, giống như người bệnh cần có thuốc. Thiếu phương tiện tu tập thì e khi tâm phát khùng lên, không cách chi kềm chế nó lại được, giống như con voi điên kia vậy.

Tâm phát khùng tức là chúa tể của phiền não, khổ đau. Khi chúng ta bị những thứ đó dẫn dắt đẩy đưa, thì mãi mãi quay cuồng trong luân hồi sanh tử khổ đau. Bây giờ đức Phật không còn tại thế nữa nhưng pháp Phật vẫn còn là phương thuốc hữu hiệu giúp chúng ta điều hòa được tâm mình. Nhưng nhớ ta còn bệnh thì phải dùng thuốc liên tục, đều đặn mới hết bệnh, hết khổ được. Tu hành cần phải miên mật mới có thể vượt thoát trầm luân sanh tử. Phật tử tu theo pháp của Phật, cố gắng điều phục tâm mình để hết phiền não. Đó là cách tu duy nhất.

Tâm Bồ-đề là tâm gì? Tâm giác. Chúng ta tu mục đích là để được giác ngộ thành Phật, chớ không mong cầu gì khác. Sau khi mình được giải thoát rồi, hướng dẫn tất cả chúng sanh đều hết khổ, đều được giác ngộ thành Phật. Chư vị Bồ-tát thường nguyện thế này: “Nếu một chúng sanh nào còn chịu sự khổ đau, con nguyện thay chúng sanh đó, nhận chịu tất cả sự khổ đau ấy”. Cho nên các Ngài luôn tìm cách nhắc nhở, khuyến khích chúng sanh đừng gây nhân khổ đau nữa. Đây là một lời nguyện hết sức khẩn thiết, hết sức chính đáng của người con Phật.

Quan trọng của sự tu là làm sao mỗi phút giây, mỗi ngày qua công phu của mình đều nhắm vào việc điều hòa tâm. Đó là gốc. Các bậc hiền nhân quân tử từ xưa tới giờ đều sống khắc khổ, tự mình tuân thủ quy luật nghiêm nhặt, còn đối với mọi người chung quanh thì rộng mở tha thứ. Nhờ thế các Ngài tự giảm thiểu phiền não, bởi luôn tha thứ thì có gì để phiền não. Chúng ta nhìn cuộc đời bằng con mắt tỉnh giác, thấy mọi người đều là Phật sẽ thành thì còn gì phiền não? Chẳng lẽ ta dám phiền não với Phật sao?

Trong hoàn cảnh hiện tại dù người ta chưa là Phật, nhưng biết đâu chừng họ sẽ là Phật trong một hoàn cảnh khác. Bởi ai cũng có sẵn gốc Phật bên trong cả, chỉ đủ thời tiết nhân duyên thì chủng nhân ấy sẽ nẩy lộc đâm chồi. Mà Phật là giác, là từ bi, là trí tuệ, là bậc để chúng ta tôn kính, nương tựa học hỏi. Những vị Phật tương lai ấy là thầy nên không lý do gì chúng ta phiền não, bực bội các Ngài được. Phiền não dấy lên tức là khổ, cho nên ta không thể để nó dấy lên não hại mình hoài.

Vì vậy điểm quan trọng của người tu là trong từng phút giây, tạo ưu thế cho mình giữ được niềm vui, giảm thiểu phiền não. Điều này chúng ta phải tự tạo cho mình, chứ không ai có thể giúp được. Người thương ta nhất chỉ có thể cho tiền ta xài, hoặc là may quần áo đẹp, nhắc nhở việc nọ việc kia, chớ chuyện ăn ngủ đại tiện nhất định không thể thay ta được rồi. Đó là chuyện của mình, một mình mình thôi, dứt khoát như vậy.

Nói tóm lại, trong cuộc đời này chúng ta an vui hay không, điều hòa được tâm của mình hay không đều do ta cả. Cho nên chuyện tu hành miên mật liên tục cũng do mình đảm đương lấy, chứ không ai có thể thế được. Pháp của Phật còn đó, thiện hữu tri thức có đây, nhưng tu là việc của mình. Chỉ xin nhớ cho một điều là khéo điều phục tâm thì chiến thắng tất cả, vượt qua tất cả. Đó là vấn đề căn bản nhất.

Một điều nữa, ở đây tôi muốn nói làm sao chúng ta giữ được tâm thanh tĩnh. Giữ được tâm thanh tĩnh rồi thì yếu tố hình thành phiền não không có. Chúng ta có thể tụng kinh, ngồi thiền, đọc sách, làm các việc công đức, thậm chí nằm nghỉ thoải mái với một tâm thanh tĩnh thì toàn bộ cấu trúc phiền não sụp đổ. Sống trong tỉnh táo sáng suốt là không chơi với phiền não. Từ bi, trí tuệ là bạn lành với một hành giả có tâm trong sáng lặng lẽ. Cho đến một lúc nào thuần thục, bấy giờ ta có thể nói rằng: “Phiền não là Bồ-đề”.

Tuy nhiên chỉ khi công phu tu hành liên tục miên mật, ta mới dám nói như thế, còn bây giờ phiền não là nổi sùng, là tham sân, tật đố. Chữ “Phiền” có bộ “Hiệt” một bên, tức là lửa đốt trên đầu. Chữ “Não” là làm kinh động thân tâm. Cả hai thứ này đều làm khổ chúng ta. Cứ thử tưởng tượng, người bị lửa đốt trên đầu thì có sung sướng gì. Ta chỉ chạm một chút nóng thôi là đã khó chịu rồi, hà huống lửa đốt trên đầu. Dù lúc đó có ăn vàng ăn bạc, có danh vọng tột đỉnh cũng không còn nghĩa lý gì. Vì vậy người trí không bao giờ chấp nhận phiền não.

Thật ra phiền não không thật, nếu chúng ta thấy được tận nguồn gốc của nó rồi thì không có gì quan trọng nữa. Chị cứ chửi thoái mái đi, bởi vì chuyện chị nói đối với tôi không thành vấn đề nữa. Người điều hành được tâm như thế thì còn chi làm nhiễu loạn họ nổi. Mà muốn ứng dụng được như vậy, chúng ta phải có công phu, chớ không thể nói suông được. Ví dụ như khi thực hành đếm hơi thở, hành giả phải từng bước hít vào cùng thở ra sạch, đếm một. Cứ thế đếm từ một cho tới mười rồi bỏ, đếm trở lại từ một, không cho sai lạc. Phải chú tâm liên tục mới có thể điều hòa hơi thở đúng. Nếu ai chưa từng thực tập tu hơi thở sẽ tưởng là đếm hơi thở dễ lắm. Không đơn giản như vậy đâu. Việc làm nào cũng có cái khó của nó, chỉ ai từng trải qua mới có kinh nghiệm.

Mỗi ngày chúng ta điều chỉnh được tâm, đừng để nó rối loạn thì khi đối duyên xúc cảnh mình tỉnh táo, không bị bất cứ cảnh duyên nào kéo lôi. Bên trong làm chủ được, bên ngoài cũng làm chủ được nữa tức là điều hành được tâm. Nếu không như thế dù ta có nói lời đạo lý tới đâu, nhưng rốt cuộc Phật pháp hoàn toàn vô hiệu nghiệm với bản thân thì có lợi ích gì. Mỗi lần muốn nổi khùng lên với ai, mình liền nhớ tại ta không làm chủ được, không điều phục nổi con voi điên của mình, chớ người ta có dính dáng chi mà mình nổi khùng với họ.

Tâm đã được yên ổn, thoải mái, chúng ta nhìn vào cuộc sống lạc quan hơn, rộng lượng hơn. Phạm vi sống của mình có giới luật, nhưng với bên ngoài thì tha thứ, mở rộng chân trời cho người ta đi. Đừng bắt thiên hạ phải đi theo kiểu này kiểu kia, phải tôn trọng sự sống riêng của mỗi người. Người biết tôn trọng chân lý là người biết tôn trọng người khác, không ép buộc gò bó ai cả.

Ở đây Hòa thượng dạy chư Tăng: “Trong một ngày đêm phải có giờ ngồi thiền”. Lúc đầu tôi cũng có suy nghĩ về câu này: Phật Tổ nói thiền trong tất cả oai nghi, trong hơi thở, trong sự sống của mình, chứ đâu phải ngồi mới là thiền, tại sao Hòa thượng lại bắt chư tăng ngồi thiền giờ giấc này kia. Nhưng sau này tôi mới thấy điều này thật hay. Bởi ban đầu tâm chúng ta như khỉ vượn chuyền cành, như con voi điên. Nếu để nó tự do phóng túng thì biết bao giờ mới điều phục được sự hung hăng của nó. Cho nên ban đầu phải dùng phương tiện roi đòn để răn đe uốn nắn nó. Chừng nào thuần phục được rồi, chỉ cần ta ra dấu là nó hiểu ý ngay, lúc đó thả lơi cũng không sợ nó chạy bậy, lo gì nổi điên.

Vì vậy, thiền sinh nào mới tu tập cũng phải trải qua giai đoạn ngồi thiền nghiêm túc, điều phục cho được thân tâm bằng phương pháp tọa thiền trước. Sau khi thuần thục rồi mới có thể an nhiên tự tại trong mọi oai nghi. Bấy giờ như Lục Tổ nói hành giả luôn ở trong Na-già đại định, chớ không phải ngồi thiền mới được định. Vậy nên Thiền sinh phải ngồi thiền. Đau cũng phải ngồi. Giờ giấc đã ấn định như thế, không được trái phạm. Đó cũng là một cách để thuần hóa con voi điên của người quản tượng.

Nếu người chưa có đạo lực, chưa đủ tỉnh táo sáng suốt, mà cứ cụng đầu với tất cả cảnh duyên thì chết. Ví dụ người lúc trước thích nghe nhạc uống rượu, bây giờ phát tâm tu hành rồi thì nghe nhạc ở đâu, quán rượu nào ngon xin đừng để ý. Nếu có chuyện phải đi ngang quán nhạc hoặc chỗ bán rượu, mình cũng tìm cách lách sang đường khác, tránh bớt đi. Nếu không thể tránh được thì đi ngang phải nhiếp tâm chánh niệm, chỉ nghĩ nhớ Phật pháp, không nhớ nghĩ đến nhạc hay rượu. Đối với bạn bè ngày xưa cùng đi tới quán rượu, chỗ nghe nhạc cũng bớt giao thiệp. Như thế may ra có thể yên được. Chứ mình còn yếu quá mà không tránh thì bị nó xỏ mũi là lẽ đương nhiên thôi.

Cho nên người mới phát tâm, không tránh duyên thì khó tu lắm. Quý vị nghĩ xem tại sao quí thầy, quí cô phải vào chùa tu? Ở nhà tu cũng được vậy, tụng kinh ở đâu tụng không được? Rõ ràng là tại vì còn yếu quá nên phải có đại chúng hỗ trợ, có chuông mõ trường canh để giữ cái miệng lại, hờ ai chọc giận thì không thể liệng chuông mõ mà cãi tay đôi với thiên hạ được. Tự cuộc mình trong phương tiện như vậy để giữ thân tâm thanh tĩnh là người biết lo xa, biết tu. Bao giờ ta luôn tỉnh táo sáng suốt trong mọi thời mọi nơi thì tự tại, không phải ép mình trong khuôn khổ nào cả. Nói như Tổ “hít vô là Bát-nhã, thở ra là Bát-nhã, không vướng mắc. Lúc nào cũng thường trì kinh Bát-nhã”. Rốt ráo là như vậy. Nhưng chưa được như vậy thì phải có phương tiện tránh duyên, tạo những điều kiện tốt cho công phu không bị trở ngại.

Thực ra, những đối duyên xúc cảnh hằng ngày của chúng ta không có gì thật hết. Nếu điều hòa được tâm mình an ổn thì ở đâu cũng tự tại giải thoát hết, không bị chướng ngại bất cứ một pháp trần nào. Nói tới đây, tôi nhớ mấy câu thơ của một Thiền sư Trung Hoa:

Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy.

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm.

Dịch:

Nhạn bay qua đầm trong,

Bóng còn in đáy nước.

Nhạn không ý lưu bóng,

Nước không tâm giữ hình.

Nghĩa là một con nhạn bay qua giữa đầm nước trong, bóng của nó in trên mặt nước. Con nhạn không có tâm để bóng mình lại trong đầm nước trong, mà đầm nước cũng chẳng có ý lưu giữ hình bóng nhạn. Thế mà tất cả hiện thành tự tại nhi nhiên, tùy duyên lưu biến. Hình ảnh ấy đẹp làm sao, hồn nhiên thanh tĩnh làm sao!

Người tu chúng ta nếu được như vậy thì mình là Phật cả rồi. Ở nhà cũng là Phật, ra đường cũng là Phật. Không có tâm lưu giữ cảnh duyên nào, sự hiện hình hiện hữu muôn cảnh muôn vật chỉ tùy duyên thôi, chớ không có ý gì của ai hết. Như vậy, tâm là tâm vật là vật, tâm vật như như, không có cái nào vướng cái nào hết, đúng là giải thoát. Đó là Bồ-tát, là Đại sĩ, là Phật hiện tiền trong đời này, đang đi thênh thang trong cuộc đời, đem pháp thanh tịnh giải thoát để nhắc nhở giáo hóa chúng sanh. Các Ngài không nhất thiết phải thuyết pháp, mà mọi sinh hoạt đều là Phật sự.

Tâm của chúng ta và tất cả những hiện vật, cảnh duyên bên ngoài, đừng để vướng nhau thì những cảnh duyên ấy không bao giờ kéo mình được. Có khi nào cái nhà đẹp, cái xe đẹp mở miệng kêu mình lại đâu. Còn tâm sáng suốt trùm khắp không bao giờ có ý lưu lại bất cứ hình ảnh nào bên ngoài. Người tu chúng ta nhận được chỗ đó rồi thì việc tu sẽ liên tục, tu miên mật. Trong nhà thiền có câu “Nhất tâm bất sinh, vạn pháp câu tức”. Nghĩa là một tâm không dấy khởi niệm nào hết thì tất cả các pháp duyên đều dứt. Đó là lời dạy thật chí lý của Phật, Tổ.

Như chúng tôi đã nói Phật tử tu hành cần phải miên mật, liên tục. Đến đây kết lại tôi xin nhắc thế này: Tu nhất tâm, đừng chạy theo các cảnh duyên hư giả bên ngoài. Tu là làm chủ được mình, đối với các pháp không có tâm móng khởi chạy theo, bởi vì các pháp cũng không có ý lôi mình về nó. Biết như vậy chúng ta luôn luôn tu từ tâm của mình thì sẽ làm chủ được khi sinh tiền cũng như lúc sắp lâm chung. Người con Phật phải sáng suốt bình tĩnh, chứ lúc gần chết mà quờ quạng tay chân, sợ sệt kêu cứu thì coi như tu chưa có hiệu lực.

Trong cuộc sống tu hành, đức kham nhẫn cũng là một yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành công hay thất bại của chúng ta nữa. Nếu thiếu sức mạnh này chúng ta lại cũng rối rắm, phiền não. Kham nhẫn cái gì? Kham nhẫn đói khát, nóng lạnh, mắng nhiếc, nhục mạ v.v… Phải làm sao chịu đựng, chấp nhận tất cả mới thấy được sức mạnh của nhẫn lực. Nó sẽ giúp ta vượt qua tất cả, chiến thắng tất cả mà không thấy mình là người chiến thắng. Vấn đề này không phải nhất thời làm được ngay. Chính như chúng tôi cũng chưa làm được như ý. Chúng ta khắc phục được phần nào thì giải thoát phần đó, có hùng lực phần đó. Giáo pháp Phật gọi là “Biệt giải thoát”, tức là giải thoát từng phần. Chúng ta tu tới đâu, nhẫn bao nhiêu thì giải thoát chừng đó.

Tóm lại, thuận duyên, nghịch duyên, tất cả người và cảnh chung quanh đều là Thầy, là duyên tốt để tác thành Phật quả cho chúng ta. Người có đức nhẫn như vậy thì ở đâu cũng an ổn hết, với ai cũng có thể là thiện hữu tri thức để học tập. Được vậy càng tu càng an lạc, càng tu càng nhẹ nhàng.

Thêm một điều nữa, trong vấn đề tu hành cần phải chí thiết, thành khẩn quyết liệt mới tiến được. Mỗi một lần chúng ta khắc phục được cái dở của mình là mỗi một lần tâm niệm sáng sủa, an tĩnh hơn lên, tinh thần chúng ta cũng theo đó mà vui tươi. Vì vậy việc tu dễ tiến. Điều này nếu người có dụng công tu hành sẽ có kinh nghiệm rõ ràng. Ngược lại, nếu ta đầu hàng, bỏ cuộc hoặc là buông xuôi theo những vọng đọâng của thân và tâm vọng tưởng, thì coi như sẽ thất bại dài dài. Năng lực tuy có sẵn, nhưng nếu ta không biết triển khai nuôi dưỡng cho lớn mạnh thì không bao giờ mình sử dụng được nó. Trên cứu kính thì không có sự trau dồi thêm bớt nào, song trên bước đường tiến tới mục đích ấy, bắt buộc chúng ta phải qua những chặng đường tất yếu. Qua rồi bỏ, điều này người tu cần phải hiểu thật rõ.

Khả năng thành Phật chúng ta không thua ai, chỉ có điều ta chưa sử dụng được. Bây giờ người tu, nhất là tu thiền phải làm sao nhận lại khả năng đó, làm chủ được mình và sử dụng khả năng đó trong cuộc sống. Khi sử dụng được năng lực đó rồi, mình giàu có muôn hộ, không yếu đuối mờ mịt bởi bất cứ hiện tượng gì trước mắt. Đó là phút giây hạnh phúc nhất của chúng ta, phút giây giác ngộ giải thoát.

Người xưa khi thực hành công phu rất chân thực, các Ngài không thêm thắt gì cả, không thị hiện thần lực kỳ bí lạ lùng nào làm kinh động chúng sanh. Chủ trương của các Ngài là từng giờ từng phút bình tĩnh để nhận diện được mình và loại trừ vọng tưởng. Giản dị vậy thôi. Buông được, bỏ được tất cả vọng tưởng không thật thì cái chân thật hiện tiền. Người xưa thường nhắc: “Phàm làm việc gì, trước phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Đó là một lời nói thông thường, nhưng ta áp dụng cả đời cũng chưa xong. Nếu biết rằng sống theo vọng tưởng sẽ bị nó kéo lôi, thế thì dại gì ta sống theo vọng tưởng? Chỉ cần nhớ như vậy là tu khá lắm rồi.

Cuộc sống bình thường tự nó đã hay quá rồi, thêm vọng tưởng vào đó là càng điên đảo thêm, có lợi ích gì. Vậy mà không hiểu tại sao chúng ta vẫn cứ thích vọng tưởng? Bây giờ biết tu rồi, làm sao bình tĩnh khi vừa có vọng tưởng liền tự nhắc: “Niệm đó là vọng tưởng, bỏ đi”. Ai có thấm thía trong cái kinh nghiệm gánh nặng đường dài giữa trời trưa nắng gắt, thì biết phải làm sao đối với vọng tưởng rồi. Nếu người muốn được nhẹ nhàng, sáng suốt thấy tận cùng thực chất của các pháp thì phải thực hiện con đường này.

Chung quanh vấn đề tu hành, trách nhiệm lớn nhất đều thuộc về tâm mình. Các duyên bên ngoài chỉ có ý nghĩa phụ trợ thôi. Thường chúng ta có bệnh hay đổ thừa: “Tại thế này thế kia nên tôi tu không được” mà quên tự hỏi lại mình có quyết tâm chưa? Người xưa tu hành có những đạo hạnh, có kết quả, tại sao bây giờ mình tu không được như vậy? Bởi tại mình không chân thực, không quyết tâm. Các Ngài nỗ lực xoay vào trong, còn chúng ta có đủ cách chạy ra ngoài, vướng mắc các pháp bên ngoài, nên kết quả hai bên dĩ nhiên khác nhau.

Phật dạy: “Người tự chiến thắng mình là người có chiến công hiển hách nhất.” Lời này không ngoa. Đây là lời nói nhằm phát huy chủ lực của mỗi chúng ta. Mình chiến thắng những vọng tưởng điên đảo phiền não của mình, chứ không thể gục ngã trước những đối tượng hình sắc danh tướng bên ngoài. Chiến thắng mình là chiến thắng tất cả. Hướng tu chung của chư Tổ ngày xưa là tự phát huy dũng lực, trí lực của mình. Các Ngài không ỷ lại, không trông chờ vào ai khác. Muốn có được sức mạnh phải tự mình dám buông hết các duyên bên ngoài.

Ngài Từ Vân hiệu Tuân Thức dạy thế này: “Những gì làm tổn hại điều tốt thì nên xa lánh.” Bình thường thôi, những gì làm tổn hại đến điều thiện, điều tốt thì ta nên xa lánh. Các Ngài đâu bắt mình phải làm việc gì nặng nề. Cách thức tu hành của người xưa giản dị, nhưng sự thành công cốt ở tâm lực, dũng lực và trí lực bất thối chuyển mà ra. Đó là câu thứ nhất.

Câu thứ hai, Ngài dạy: “Cách thức chi để tiêu diệt được thói xấu của mình thì phải phát triển lực dụng của nó”. Tức là những phương cách gì có thể tiêu diệt được thói xấu của mình thì ta phải phát triển sức mạnh của nó. Nói tóm lại là đừng làm những điều xấu, cố gắng phát huy những điều tốt. Hai điều này từ thời Phật cho tới Tổ đều dạy như thế.

Câu thứ ba, Ngài dạy: “Miệng đừng khoe khoang, trong lòng đừng dối trá”. Nghĩa là phải có tâm chân thật. Ví dụ như người nào làm chủ được, sáng đạo…, thì nên nghĩ rằng chẳng qua cũng chỉ là nhận lại cái của mình thôi. Đó là công việc của mình, có gì đáng nói đâu. Nếu gặp những người gần gũi, có thể khuyến hóa được, ta giúp họ nhưng công phu cũng do chính họ, còn duyên không hợp thì thôi, ta chẳng có công đức chi cả. Đó là hạnh đức của chư Phật, chư Tổ.

Câu thứ tư, Ngài dạy: “Chớ ôm lòng sâu mọt, cũng đừng nên bày hình thức bên ngoài”. Nghĩa là trong lòng mình còn điều gì dở thì cố gắng loại bỏ hết, đừng để nó tiềm ẩn trong lòng mình. Nếu ôm ấp những thứ đó hoài sẽ giống như loài sâu mọt đục khoét kho lẫm. Cho nên người tu có tư cách thường học sống theo nết hạnh của Phật dạy. Quý vị nhớ, chiếc áo không làm nên nhà tu. Dù ta mặc chiếc áo màu nào, mà trong lòng chưa hoàn bị, thì thời gian sau mọi người cũng thấy sự giả dối bên trong. Các bậc thánh hiền sở dĩ được người đời trọng vọng vì các Ngài có đạo đức, có công phu tu hành miên mật. Bồ-tát dù có quấn lá cây chư thiên cũng tìm đến cúng dường, chớ không phải mặc đồ vàng người ta mới cung kính.

Câu thứ năm, Ngài dạy: “Hám danh dự của người là đầu mối giết chết đạo nghĩa”. Hám tức là ham, của người mà ta ham thích sẽ làm mất đi đạo nghĩa. Ở đây gốc của người tu là phải chân thật. Ví dụ thấy người có bằng tiến sĩ, được thiên hạ kính trọng, ta lén lấy cái bằng ấy đem về thay tên đổi hình của mình vào. Ngỡ rằng như vậy ta sẽ được danh dự như người kia, không ngờ khi tiếp xúc, làm việc tông tích bại lộ, ta còn bị khinh khi hơn trước gấp vạn lần. Cho nên biết mỗi người mỗi nghiệp riêng, không ai lấy của ai được. Vì vậy hám danh hám lợi chỉ càng thêm não hại cho chính mình.

Câu thứ sáu, Ngài dạy: “Lén chứa kẻ phạm tội là mầm mống của tai họa”. Điều này Ngài dạy Tăng Ni nhằm dẫn dắt các Phật tử tu đúng chánh pháp. Đó là trách nhiệm của người tu. Cho nên người sáng không chứa chấp những gì phi đạo đức, tích cực ủng hộ những việc chân chánh. Nghiệm cho cùng điều dạy này cũng rất hay. Bởi vì, “Phàm một việc làm gì, mà thấy rằng mình gượng làm thì nhất định trong lòng không yên”. Cho nên, người con Phật phải sống chân thực, làm việc chân thực, nuôi dưỡng người vật chân thực.

Câu thứ bảy, Ngài dạy: “Ỷ mình đức hạnh, hẳn bị người chê bai”. Chúng ta nhớ lại đức Phật, một con người hoàn bị như thế, trải qua vô lượng kiếp tu hành, nhưng cũng có người chửi như thường. Nhưng đối trước những sự việc ấy, Thế Tôn vẫn bình thản, tự tại, ung dung bởi vì Phật không ỷ lại, không tự hào ta là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tư cách của các đấng giác ngộ là thế. Chúng ta bây giờ là phàm phu với tất cả các phiền não kiết sử dẫy đầy mà đôi lúc khoe mình có đức hạnh, thật là hổ thẹn! Câu này Ngài dạy cho chúng ta hạnh khiêm tốn, để nuôi dưỡng công đức lành, hầu hỗ trợ cho việc thành tựu đạo quả viên mãn.

Câu thứ tám, Ngài dạy: “Khoe sự thông minh của mình thì sẽ bị người bài bác”. Ta khoe mình thông minh, học rộng, hiểu nhiều mà gặp chuyện không thể làm chủ được, không giải quyết trôi chảy thì chỉ càng làm trò cười cho thiên hạ. Đây là lời răn của các bậc Thánh, từ thời bé thơ chúng ta vào lớp mẫu giáo đã được học rồi tự khoe tự ỷ là điều không nên đối với người đời, nói chi đến người tu. Thật ra, người càng có đạo đức, càng tu hành chừng nào thì càng khiêm hạ chừng ấy. Phải khiêm hạ mới thành tựu nghiệp lớn. Bởi chủ trương của đạo Phật là tiêu diệt bản ngã. Mình còn ngã là chưa phải đệ tử Phật. Cho nên khiêm hạ là đức không thể thiếu của người tu chúng ta.

Câu thứ chín, Ngài dạy: “Quyến thuộc nhóm họp cần phải lánh xa.” Điều này có lẽ chuyên đề cho người tu. Tại sao phải lánh xa quyến thuộc? Vì người xuất gia trước hết phải xuất thế tục gia, tức là cắt lìa những tình cảm dây mơ rễ má của gia đình. Cho nên người xuất gia không lập gia đình. Phật dạy sợi dây tình cảm luyến ái gia đình muôn đời muôn kiếp dứt không được. Vướng vô đó rồi thì đâu còn thì giờ để mà tu. Như người thế gian đó, lo cho mình, lo cho gia đình, lo cho mẹ cha, cho con cho cháu… Có vị 80 tuổi mà còn lo cho đám chút chít gì đó, thấy mà ngán! Thành thử nếu ta không tránh, không chạy, không thủ phận người tu, thì không còn thời gian để tu nữa, làm sao sáng đạo, ngộ đạo? Nói điều này, nhiều vị hiểu lầm người tu bất hiếu. Thưa, không phải như vậy. Cắt đứt ở đây tức là làm sao để mình tu tiến, thực hiện cho được Thánh đạo. Sau đó trách nhiệm của mình là hướng những người thân trong gia đình cũng vào Thánh đạo. Cho nên người tu là đại hiếu chớ không phải bất hiếu. Nhưng chữ hiếu trong đạo khác với thế gian.

Như người con trai trong một gia đình phải làm bổn phận một nam nhi trong một gia đình đó, phải nối dõi tông đường, như vậy là có hiếu. Nhưng đằng này ta đi tu, ân tình thế gian nhất thời phải đoạn. Song sau khi tu hành được kết quả tốt, trở về độ lại cha mẹ quyến thuộc cùng được an vui, chấm dứt khổ đau từ đời này sang đời khác. Như vậy có phải là lo cho cha mẹ nhiều đời, trả hiếu nhiều đời, chớ không chỉ trong một đời này.

Với những lời dạy chí thiết ấy, các Ngài muốn giúp cho chúng ta phương tiện tu tập cho liên tục, miên mật để đi đến kết quả viên mãn. Là đệ tử Phật, không lý do gì chúng ta lại lơ đễnh với những kinh nghiệm quý báu của người xưa để lại. Vậy mong rằng tất cả quí vị cũng như chúng tôi cùng nhau thực hành và thực hành liên tục những lời dạy quí báu này.

 

[ Quay lại ]